Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012


Lễ Thánh Tâm Chúa

RẤT THÁNH TRÁI TIM CHÚA GIÊSU

Hôm nay toàn thể Giáo Hội hân hoan mừng lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, một trong những ngày lễ trọng kính Chúa trong năm Phụng Vụ. Nhưng Thánh tâm nghĩa là gì? “Thánh” nghĩa là thánh thiện, tốt lành; còn “tâm” nghĩa là trái tim, hay là lòng. Như vậy “Thánh Tâm” có nghĩa là trái tim rất thánh, rất tốt lành.

Đối với con người thì trái tim là cơ quan vô cùng quan trọng. Các nhà khoa học cho biết rằng trong quá trình phát triển của bào thai, trái tim được hình thành trước cả bộ não; trong khi bộ não đang hình thành, thì trái tim đã phát triển trọn vẹn. Chức năng của nó là gì? Chức năng của nó là cung cấp máu, tức là cung cấp “sự sống” cho toàn bộ cơ thể. Bao lâu nó còn đập thì bấy lâu cơ thể còn sống. Nếu nó ngưng đập, người ta sẽ đi diện “đoàn tụ ông bà” ngay. Quan trọng là vì vậy!

Dĩ nhiên, tôn kính Trái Tim Chúa Giêsu không có nghĩa là tôn kính một phần cơ thể, dù đó là phần quan trọng nhất. Mà tôn kính Trái Tim Chúa Giêsu có nghĩa là tôn kính chính tình yêu của Ngài, vì trái tim là biểu tượng của tình yêu.

Nhưng tại sao lại gọi Trái Tim Chúa Giêsu là Trái Tim Rất Thánh? Nếu xét về phương diện sinh học thì trái tim Chúa Giêsu và trái tim của mỗi người chúng ta chẳng có gì khác nhau. Chẳng khác nhau chút nào! Trái tim Chúa Giêsu cũng có 4 ngăn: tâm thất trái, tâm thất phải; tâm nhĩ trái, tâm nhĩ phải. Trái tim ấy cũng có 2 van: van này đóng van kia mở, và ngược lại. Trái tim ấy cũng có hai dòng máu: dòng máu đen và dòng máu đỏ luân chuyển đều đặn… Nhưng xét về phương diện yêu thương, có lẽ trái tim Chúa Giêsu khác trái tim chúng ta nhiều lắm. Khác thế nào?

Có câu chuyện kể rằng một người mẹ bị chứng đau tim nặng. Bác sĩ cho bà biết nếu không được giải phẩu thay tim ngay thì số ngày sống còn lại của bà chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thế rồi người ta đề nghị một trong các con của bà hiến tim cho mẹ để cứu lấy sinh mạng của bà.

Người anh cả được mời gọi hiến tim cho mẹ. Dù rất thương mẹ, nhưng anh ta cũng lắc đầu từ chối với lý do: anh là con trai trưởng, là rường cột của gia đình, anh cần sống để chăm sóc đàn em, để nối dõi tông đường…. Rồi anh ta đề nghị đứa em gái nên hiến tim cho mẹ thì hợp lý hơn, vì theo anh nghĩ: tim người phụ nữ có lẽ thích hợp cho người phụ nữ hơn!

Đứa em gái nghe vậy giẫy nẩy lên và quyết liệt từ chối với lý do cô là người con gái duy nhất trong nhà và gia đình nào cũng cần có bàn tay người phụ nữ trông nom sắp xếp. Thiếu cô thì lấy ai đi chợ nấu ăn; lấy ai quét dọn nhà cửa, giặt giũ áo quần… Vậy cô cần phải sống. Có lẽ đứa em trai út vốn hay lêu lỏng chơi bời, là người vô tích sự, hiến tim chết thay cho mẹ thì phải lẽ hơn…

Đến lượt mình, đứa em nầy cũng viện lý do là nó mới chỉ tuổi teen, đang là thiếu nhi ngành nghĩa, chưa hưởng thụ được bao nhiêu, lẽ nào lại từ giã cuộc đời quá sớm ! Anh Hai hoặc Chị Ba đã hưởng được nhiều vui thú trên đời rồi, nếu có phải giã từ đời nầy trước đứa em út, thì cũng không có gì để ân hận… Thôi, Anh Hai hoặc Chị Ba vui lòng hiến tim cho mẹ thì tốt hơn.

Rõ ràng ta thấy rằng dù yêu thương mẹ vô vàn, nhưng không người con nào yêu đến nỗi dám hiến tặng trái tim cho người mẹ yêu quý của mình. Tuy nhiên có một Đấng vô cùng cao cả và đầy quyền năng, đã tự nguyện hiến dâng không những Trái Tim mà còn cả mạng sống của Người để cứu độ chúng ta. Đấng đó chính là Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa.

Như thế trái tim Chúa Giêsu khác ở chỗ là đã yêu thương đến độ sẵn sàng trao hiến tất cả cho loài người chúng ta. Trong các hình vẽ, người ta vẽ trái tim Chúa Giêsu nằm ngoài lồng ngực, có ý diễn tả điều gì? Diễn tả sự cho đi, sự trao hiến. Hiến trao đến cả giọt máu cuối cùng. Dấu chứng nói lên điều đó là hình ảnh trái tim bị đâm thâu. Trên cánh tay một số bạn trẻ thường vẽ hay xâm hình trái tim có ngọn giáo đâm xuyên qua với dòng chữ đi kèm: “hận đời tuổi trẻ”... chứ không phải là “tình yêu cho đi” hay “tình yêu dâng hiến”.

Chúng ta biết, theo tục lệ người Do Thái, người bị kết án tử hình không được treo xác qua đêm, nhưng phải chôn xác họ ngay trong ngày hôm đó. Ngày Chúa Giêsu bị đóng đinh trên Thập Giá là ngày Thứ Sáu, áp lễ Vượt Qua, một ngày lễ trọng của người Do Thái. Căn cứ theo luật lệ thời đó, họ đến xem Chúa Giêsu đã chết chưa để cho hạ xác xuống. Dù thấy Chúa Giêsu đã chết, nhưng để cho chắc ăn, một anh lính lấy ngọn giáo đâm vào cạnh sườn bên trái của Chúa. Từ vết thương mở ra đó, máu và nước trong trái tim tuôn chảy.

Trái tim Chúa đã hết mực yêu thương và khao khát cho tình yêu ấy được bùng cháy lên. Bởi đó ta thấy các bức tranh vẽ hình trái tim Chúa Giêsu thường có ngọn lửa ở trên. Đó là trái tim cháy lửa yêu mến. Trái tim luôn khát khao yêu thương. Ngược lại, một trái tim mà không biết yêu thương, người ta gọi đó là trái tim ngục tù, trái tim mùa đông, trái tim băng giá…

Trái tim Chúa Giêsu cũng là trái tim rất đỗi hiền lành và khiêm nhường. Khiêm nhường đến nỗi cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Hiền lành đến độ, trên thập giá, Chúa Giêsu không những đã nói lời tha thứ cho những kẻ đóng đinh ngài, mà còn cầu xin Chúa Cha tha tội cho họ nữa.

Vậy sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta điều gì? Mời gọi chúng ta hai điều:

- Về phương diện tích cực: có lẽ ai trong chúng ta cũng muốn trái tim mình nên giống trái tim của Chúa. Nhưng làm thế nào để nên giống trái tim của Chúa? Rất đơn giản. Nếu ta biết sống hiền lành khiêm tốn, bác ái vị tha và yêu thương hết mọi người... là ta đã có trái tim giống Trái Tim Chúa rồi.

- Về phương diện tiêu cực: chắc chắn không ai trong chúng ta muốn làm cho Trái Tim Chúa bị thương tổn. Vậy hãy cố gắng xa tránh tội lỗi. Bởi vì mỗi một tội ta phạm như là một mũi gai đâm vào Trái Tim Chúa. Và tất nhiên sẽ làm cho Trái Tim Chúa bị nhói đau. Thực tế ta đã phạm tội nhiều. Số tội có khi đủ kết thành vòng gai lớn và cái nào cái nấy nhọn hoắt quàng vào Trái Tim Chúa.

Chớ gì chúng ta có trái tim ngày càng giống Trái Tim của Chúa, bằng việc luôn sống hiền hậu khiêm cung, bác ái bao dung và yêu thương phục vụ mọi người. Nhất là không bao giờ phạm tội trọng làm cho Trái Tim Chúa bị tổn thương nữa.

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét