Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2021

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 586

 


CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN B

(Mc 1, 21-28)

(Đến thành Capharnaum) ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.

Đang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: "Hỡi ông Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Đấng Thánh của Thiên Chúa". Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: "Hãy im đi và ra khỏi người này!" Thần ô uế liền dằn vặt người ấy, thét một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: "Cái gì vậy? Đấy là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh Người". Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.

SUY NIỆM

Người ta nói rằng triết gia Socrates dạy học trong 40 năm, Platon trong 50 năm, Aristotle trong 40 năm, còn Đức Giê-su chỉ vỏn vẹn trong ba năm. Thế nhưng, tác động ba năm sứ vụ của Ngài vượt xa ảnh hưởng 130 năm giảng dạy của những người được xem là các triết gia vĩ đại nhất của thời cổ đại. Tin Mừng hôm nay cho thấy một trong những tác động của Ngài trên cử tọa tại hội đường Ca-phác-na-um. Ngài giảng dạy giáo lý mới mẻ với uy quyền tự mình, chứ không dựa trên sách vở truyền thống. Kèm theo lời giảng dạy là sức mạnh của lời Ngài: chỉ cần một mệnh lệnh ngắn gọn, quỷ phải xuất ra khỏi người bị ám, đem lại an vui cho con người. Chẳng lạ gì cử tọa vừa ngạc nhiên, thích thú, thán phục, và bị chinh phục trước sức mạnh của lời ấy. 

 Vậy, chúng ta đã nhận ra giá trị của Lời Chúa tác động trong tâm hồn mỗi người chúng ta hay chưa ?. Đọc Tin Mừng, chúng ta có được đánh động và được biến đổi trước lời mời gọi của Chúa Giêsu không?

Ước chi chúng ta luôn nhận ra giá trị cao quý của Lời Chúa. Và ước chi mỗi người chúng ta luôn được biến đổi bởi Lời Chúa.

 

TIN TỨC

1.      Tân Sứ thần Tòa Thánh đến Malaysia

Hôm 21.01.2021 vừa qua, Đức Tổng giám mục Wojciech Załuski, tân Sứ thần Tòa Thánh, đã đến thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia giữa lúc nước này còn ở trong tình trạng khẩn trương vì đại dịch Covid-19.

 Ngài cũng là Sứ thần Tòa Thánh tại Đông Timor, kiêm Khâm sứ Tòa Thánh tại Brunei, là nước chưa có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh. Malaysia và Tòa Thánh đã thiết lập quan hệ với nhau cách đây mười năm (2011), sau cuộc hội kiến giữa Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI và thủ tướng bấy giờ là ông Najib Razak.

Đức Tổng giám mục Załuski, gốc người Ba Lan, năm nay 60 tuổi, gia nhập ngành ngoại giao Tòa Thánh cách đây 32 năm (1989) và đã phục vụ tại chín quốc gia là Burundi, Malta, Albani, Zambia, Sri Lanka, Georgia, Ucraina, Philippines và Guatemala. Ngài đến Malaysia để kế nhiệm Đức Tổng giám mục Joseph Marino người Mỹ, đã làm Sứ thần Tòa Thánh tại nước này từ năm 2013 đến 2020.

Đức Tổng giám mục Załuski đã được Đức Thánh cha bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa Thánh tại Malaysia cách đây gần bốn tháng, tức là ngày 28/9 năm ngoái, nhưng vì đại dịch, nay ngài mới đến nhiệm sở được.

Sau khi đến nước này, Đức Sứ thần đã chịu xét nghiệm Coronavirus và cách ly tại Tòa Sứ thần, theo qui định của chính phủ đối với những ai đến Malaysia. Vào một ngày thuận tiện, ngài sẽ trình ủy nhiệm thư lên Vua Abdullah Ahmad Shah.

Trang mạng của Tòa Tổng giám mục giáo phận Kuala Lumpur cho biết: Đức Tổng giám mục Julian Liệu Bỉnh Kiên (Leow Beng Kim) cùng với các vị thuộc Hội đồng Giám mục Malaysia nồng nhiệt chào mừng Đức tân Sứ thần Tòa Thánh và mong được cộng tác chặt chẽ với ngài.

Quốc gia này có 32 triệu dân, phần lớn theo Hồi giáo và số tín hữu Kitô chiếm 13%, trong số này có khoảng một triệu 200.000 tín hữu Công giáo thuộc ba tổng giáo phận và sáu giáo phận.

G. Trần Đức Anh, O.P.

2.      Án phong chân phước cho nhà khoa học khám phá hội chứng Down đang tiến triển

Ngày 21.01.2021, Đức Thánh Cha đã cho phép Bộ Phong thánh công bố sắc lệnh nhìn nhận nhân đức anh hùng của giáo sư bác sĩ Jérôme Lejeune, nhà di truyền học người Pháp, người đã phát hiện ra nhiễm sắc thể phụ gây ra hội chứng Down.

 Với sắc lệnh này, bác sĩ Lejeune được gọi là “Đấng Đáng kính” và sẽ được phong chân phước nếu có phép lạ nhờ lời chuyển cầu của ngài.

Bác sĩ Lejeune sinh ngày 13.06.1926, tại Montrouge, ngoại ô phía nam Paris. Năm 1958, ông kết luận rằng hội chứng Down là do một bản sao thừa của nhiễm sắc thể 21 gây ra. Ông đã dành phần đời còn lại của mình để nghiên cứu các phương pháp điều trị nhằm cải thiện cuộc sống của những người mắc hội chứng Down.

Ông kiên quyết phản đối việc sử dụng xét nghiệm trước khi sinh để xác định thai nhi mắc hội chứng Down và các bất thường nhiễm sắc thể khác để phá thai.

Khi nhận được Giải thưởng William Allan danh giá cho công trình nghiên cứu về di truyền học vào năm 1969, ông đã có một bài phát biểu đầy cảm xúc, phản đối việc phá thai. Ông nói: “Trong nhiều thiên niên kỷ, y học đã nỗ lực để chiến đấu cho sự sống và sức khỏe cũng như chống lại bệnh tật và cái chết. Bất cứ sự đảo ngược thứ tự các điều khoản tham chiếu này sẽ hoàn toàn thay đổi bản thân y học… Nhiệm vụ của chúng tôi luôn luôn không phải là gây án mà là cố gắng vượt qua nỗi đau. Trong bất kỳ phiên tòa di truyền nào có thể thấy trước, tôi không biết đủ để phán xét, nhưng tôi cảm thấy đủ để bênh vực.”

Năm 1994, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm bác sĩ Jérôme làm Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh về Sự sống. Ông qua đời chỉ 33 ngày sau đó tại Paris, ngày 02.04.1994, hưởng thọ 67 tuổi.

Hồng Thủy

PHỤNG VỤ

-          Thứ Ba (02.02.2021), Lễ Dấng Chúa Trong Đền Thánh (Lễ Nến), lễ kính

THÔNG BÁO

1.      Vào lúc 7g00, sáng thứ Sáu (05.02.2021) trao Mình Thánh Chúa và tặng quà Tết cho người già và người bệnh không đến nhà thờ được.

2.      Vào lúc 19g00, tối Thứ Bảy (06.02.2021), xin mời tất cả các Hiền Mẫu trong xứ về tại hội trường giáo xứ họp.


Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2021

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 585

 

CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN B

Mc 1, 14-20

Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, Người nói: "Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm". Đang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông: "Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người". Lập tức các ông bỏ lưới theo Người. Đi xa hơn một chút nữa, Người thấy Giacôbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.

SUY NIỆM

Đức Giêsu đến loan báo Tin Mừng cứu độ, Ngài kêu gọi con người canh tân, để được đón nhận vào triều đại nước Thiên Chúa.

Trong chương trình của Thiên Chúa: Mọi người đều được hưởng ơn cứu độ. Vì thế các tông đồ, những người kế vị được kêu gọi để cùng với Đức Giêsu đem Tin Mừng cho toàn thế giới.

Là người Kitô hữu, tôi cũng được tuyển chọn để thi hành sứ vụ này: Tôi đã làm gì để đóng góp vào chương trình của Chúa?

TIN TỨC

1.      ĐTC tặng vắc xin cho người vô gia cư

Theo Phòng Báo chí Tòa Thánh, việc những người nghèo đang trú ngụ trong các cơ sở của Tòa Thánh được tiêm vắc xin là do ý muốn của Đức Thánh Cha. Khi Vatican bắt đầu chiến dịch tiêm vắc xin, Đức Thánh Cha đã quyết định tặng một số liều vắc xin cho những người này.

Ông Mario, một trong những người được tiêm vắc xin vui mừng bày tỏ: “Mọi việc diễn ra tốt đẹp, bây giờ tôi có thể yên tâm hơn”. Năm ngoái, ông mất tiền trợ cấp khuyết tật và phải sống lang thang trên đường phố Roma ngay trước khi làn sóng virus corona đầu tiên xuất hiện. Ông và những người nghèo khác sống xung quanh Quảng trường Thánh Phêrô, là khách của Palazzo Migliori, trung tâm do Đức Thánh Cha thiết lập để đón tiếp những người vô gia cư. Họ là những người Ý và người nước ngoài từ 60 tuổi trở lên, thường có các vấn đề về thể chất nghiêm trọng và rất khó giao tiếp với người khác.

Nhận xét về nghĩa cử này của Đức Thánh Cha, ông Carlo Santoro thuộc Cộng đoàn Thánh Egidio đang trợ giúp những người vô gia cư ở khu vực Quảng trường Thánh Phêrô và những vị khách của Palazzo Migliori nói: “Điều này là hiện thực hóa những gì Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói ‘không ai tự cứu một mình’ và ‘tất cả chúng ta đều ở trên cùng một con thuyền’”. […]

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết thêm: “Các nhóm người nghèo khác sẽ được tiêm chủng trong những ngày tiếp theo”.

Ngọc Yến

2.      ĐTC Phanxicô gửi thông điệp cho Tổng thống Biden nhân dịp ông nhậm chức

Mở đầu thông điệp, Đức Thánh Cha viết: “Nhân dịp ngài nhậm chức Tổng thống thứ 46 của Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ, tôi xin gửi đến ngài những lời chúc tốt đẹp và bảo đảm lời cầu nguyện xin Thiên Chúa Toàn năng ban cho ngài sự khôn ngoan và sức mạnh trong việc thực thi chức vụ cao cả của ngài.”

Đức Thánh Cha cũng cầu chúc rằng dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Biden, nhân dân Hoa Kỳ tiếp tục phát huy sức mạnh từ các giá trị cao cả của chính trị, đạo đức và tôn giáo, là những điều đã truyền cảm hứng cho đất nước kể từ khi thành lập.

Tổng thống Joe Biden đã nhậm chức khi Hoa Kỳ tiếp tục chiến đấu với một trong những cuộc khủng hoảng virus corona lớn nhất trên toàn thế giới. Trong lễ nhậm chức có giây phút tưởng niệm những người đã thiệt mạng trong đại dịch này - và công nhận những người đã thể hiện tình yêu thương và sự kiên cường đối với những người gặp khó khăn. Cho đến nay, 402.000 người đã chết vì Covid-19 ở Hoa Kỳ - nơi có hơn 24 triệu trường hợp nhiễm virus được xác nhận.

Đức Thánh Cha viết tiếp: “Vào thời điểm mà những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đang thử thách gia đình nhân loại của chúng ta đòi hỏi những phản ứng có tầm nhìn xa và liên đới, tôi cầu nguyện rằng các quyết định của ngài sẽ được hướng dẫn bởi mối quan tâm xây dựng một xã hội được đánh dấu bởi công lý và tự do đích thực, cùng với sự tôn trọng không ngừng đối với các quyền và phẩm giá của mọi người, đặc biệt là những người nghèo, những người dễ bị tổn thương và những người không có tiếng nói.”

Cuối cùng, Đức Thánh Cha cầu nguyện cho tân tổng thống, “xin Chúa, nguồn mạch của tất cả sự khôn ngoan và chân lý, hướng dẫn các nỗ lực của ngài để thúc đẩy sự hiểu biết, hòa giải và hòa bình trong nội bộ Hoa Kỳ và giữa các quốc gia trên thế giới để thúc đẩy lợi ích chung phổ quát.”

Kết thúc thông điệp, Đức Thánh Cha nói: “Với những tình cảm này, tôi vui lòng khẩn cầu dồi dào phúc lành trên ngài và gia đình của ngài, và trên dân tộc Hoa Kỳ yêu quý.”

Hồng Thủy

 3.      Tân Giám Mục Chính Tòa Xuân Lộc

 WHĐ (16.1.2021) – Vào lúc 18 giờ (giờ Việt Nam, tức 12 giờ trưa tại Roma) ngày thứ bảy, 16 tháng 1 năm 2021, Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore kiêm Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam gửi Thông cáo Báo chí số 304/21/V loan tin Đức Thánh cha Phanxicô đã chấp thuận đơn từ nhiệm của Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo và bổ nhiệm Đức cha Gioan Đỗ Văn Ngân, hiện đang là Giám mục phụ tá giáo phận Xuân Lộc, làm Giám mục chính tòa giáo phận Xuân Lộc.

PHỤNG VỤ

-  17g30, Thứ Sáu (22.01.2021), lễ cưới cho đôi anh chị: Giuse Hoàng Huy Hoàng + Têrêxa Đặng Thủy Tiên

THÔNG BÁO

Vào lúc 7g00, sáng Thứ Bảy (30.01.2021),: rửa tội cho trẻ sơ sinh. Xin quý cha mẹ có con rửa tội, đến xin giấy giới thiệu nơi BĐH. giáo họ, và nộp sổ gia đình về văn phòng giáo xứ trong tuần này.

 


Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2021

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 584

 


CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN B

Ga 1, 35-42

Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: “Ðây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo Mình, thì nói với họ: “Các ngươi tìm gì?” Họ thưa với Người: “Rabbi, nghĩa là: thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Người đáp: “Hãy đến mà xem”. Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười.

Anrê, em ông Simon Phêrô, (là) một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: “Chúng tôi đã gặp Ðấng Messia, nghĩa là Ðấng Kitô”. Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: “Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Ðá”.

SUY NIỆM

Cuộc sống vẫn cứ thế. Nhà nông mong mùa thu hoạch kiếm hoa màu. Công nhân viên chức mong cuối tháng kiếm đồng lương. Người bán mong có người mua để kiếm đồng lời. Học trò mong đỗ đạt kiếm tìm một cuộc sống sung sướng hơn. Thế mà những người môn đệ mới lần đầu tiếp xúc với Chúa, đã nhanh nhẩu đáp: “Ráp-bi, Thầy ở đâu?” 

Vâng, họ chỉ muốn tìm chính Thầy, và muốn đến chính nơi Thầy ở, và lưu lại đó với Thầy. Cuối cùng, các ông đã chia sẻ sứ mệnh của Thầy và cùng chết với Thầy.

Người môn đệ Chúa hôm nay tìm gì? Tiền bạc, việc làm, tiện nghi… Nhưng không đủ nếu chúng ta dừng lại ở đó và coi đó là cùng đích của cuộc đời. Vì vậy, hãy tìm Chúa nơi tha nhân, nơi cuộc sống cộng đoàn, nơi bổn phận mỗi ngày. Tìm Chúa và hãy ở lại với Ngài.

Khi tìm kiếm lợi lộc cuộc đời thì bao giờ thấy thỏa mãn, đó là dấu hiệu bạn chưa tìm và chưa gặp Chúa. Hãy bắt đầu tìm Chúa ngay đi bạn. Không bao giờ là quá sớm hoặc quá trễ.

TIN TỨC

1.      Do đại dịch, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích sửa đổi cách thức Xức tro

Tình hình sức khỏe do virus corona tiếp tục đòi hỏi một sự chú ý cả trong lĩnh vực phụng vụ. Vì vậy, trong cái nhìn của Mùa chay sắp tới, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã cho công bố những quy định cần phải tuân giữ, đối với những ai tham dự nghi thức Xức tro, thứ Tư 17.02.

Theo đó, sau khi làm phép tro và rảy nước thánh, linh mục hướng đến các tín hữu đang hiện diện và đọc “một lần công thức như trong Sách lễ Roma: ‘Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng’, hoặc ‘Hãy nhớ mình là bụi tro, và sẽ trở về tro bụi’”. Tiếp theo, “linh mục lau tay và đeo khẩu trang, rồi xức tro cho các tín hữu tiến đến với linh mục, hoặc chính linh mục đến chỗ của các tín hữu để xức tro cho họ”. Ghi chú kết luận: “Linh mục xức tro lên đầu mỗi người và không đọc gì thêm”.

Ngọc Yến

2.     Liên hiệp nữ Bề trên Tổng quyền ủng hộ ĐTC cho phép phụ nữ lãnh thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ

Hôm 11.01 qua Tự sắc Spiritus Domini, Đức Thánh Cha đã thiết lập rằng từ bây giờ trở đi các thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ được mở rộng cho cả phụ nữ, theo một hình thức bền vững và được định chế hóa thông qua một phép cụ thể của giám mục.

Tuyên bố của Hiệp hội Quốc tế các Bề trên Tổng quyền đăng trên website hôm 12.01 nói rằng quyết định thay đổi cho phụ nữ tham dự vào hai thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ “là một dấu hiệu và một lời đáp lại ‘tính năng động đặc trưng trong bản chất của Giáo hội,’ một sự năng động phù hợp với thách thức liên tục của Chúa Thánh Thần muốn Giáo hội vâng theo Mặc khải và thực tế.”

Nhắc lại việc Tự sắc được ban hành vào ngày lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa, các bề trên tổng quyền mời gọi “canh tân phẩm giá chung chúng ta nhận được qua bí tích rửa tội, là con Thiên Chúa, như anh chị em với nhau. Qua bí tích rửa tội chúng ta trở thành người chia sẻ sự sống và sứ vụ của Chúa Ki-tô và có thể phục vụ cộng đoàn.”

Đặc biệt, các bề trên tổng quyền nhấn mạnh rằng việc có thể chia sẻ vào sứ vụ của Giáo hội, chia sẻ các thừa tác vụ sẽ giúp chúng ta hiểu rằng trong sứ vụ này chúng ta có mối liên hệ hỗ tương giữa những thừa tác viên có chức thánh và thừa tác viên giáo dân. Điều này củng cố chứng tá hiệp thông theo Tin Mừng.

Tuyên bố của các bề trên nêu bật rằng tính phổ quát của Tự sắc khẳng định sự nhìn nhận của Giáo hội đối với sự phục vụ của nhiều người nữ đã và đang tiếp tục chăm sóc việc phục vụ Lời Chúa và Bàn thờ.

Hồng Thủy

3.      Cuộc sống của Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI

Đức Tổng giám mục Georg Gänswein, bí thư riêng của Đức Biển Đức XVI cho biết: Sáng hôm 14/1/2021, Đức Biển Đức đã được chích vắc-xin ngừa Coronavirus tại Đan viện Mẹ Giáo hội.

Đức Tổng giám mục Gänswein kể: “Mỗi ngày, Đức Biển Đức XVI theo dõi tin tức qua truyền hình và ngài cũng chia sẻ những quan tâm về đại dịch, về những gì xảy ra trên thế giới. Có những người ngài quen biết đã chết vì Coronavirus”.

Đức Tổng giám mục Gänswein nói: “Về phương tiện thể lý, ngài rất yếu và chỉ có thể đi lại nhờ dựa vào một khung lăn. Tiếng nói của ngài rất yếu. Ngài gia tăng giờ nghỉ ngơi, nhưng tiếp tục đi ra ngoài mỗi buổi chiều trong vườn Vatican, mặc dù trời lạnh. Về kinh nguyện hằng ngày, chúng tôi chuẩn bị những bản có chữ to lớn để ngài có thể tham dự dễ dàng hơn Phụng vụ các giờ kinh, và tất cả chúng tôi, vẫn dùng bữa chung như từ trước đến nay.”

Đức Tổng Giám mục Gänswein nói: “Tuy quá cố, nhưng anh ruột của Đức Biển Đức vẫn hiện diện một cách nào đó: chúng tôi đã nghe lại nhiều lần các đĩa nhạc CD, các buổi hòa nhạc với những bài ca Giáng sinh do ca đoàn thiếu nhi của nhà thờ chính tòa Regensburg, bên Đức trình diễn, dưới sự điều khiển của Đức ông Georg Ratzinger... Sự vắng bóng của Đức ông là một vết thương đối với Đức Biển Đức, làm cho ngài cảm thấy đau lòng trong những ngày lễ ấy, nhưng ngài nói với tôi rằng ngài cảm thấy sự an ủi của Chúa, với xác tín rằng anh của ngài giờ đây đang sống trong vòng tay của Chúa”.

G. Trần Đức Anh, O.P.

PHỤNG VỤ

-       4g45, Thứ Năm (21.01.2021), lễ cưới cho đôi anh chị:  Phêrô Vương Quốc Anh + Maria Nguyễn Thị Hoàn Yến

-   17g30, Thứ Sáu (22.01.2021), lễ cưới cho đôi anh chị: Giuse Hoàng Huy Hoàng + Têrêxa Đặng Thủy Tiên

THÔNG BÁO

-  Vào lúc 8g30, sáng Chúa Nhật (24.01.2021): Xin mời tất cả HĐMV họp, để bàn về các công việc sắp tới.

-  Nhà thuốc Tây Rạng Danh, ủng hộ 5 triệu đồng.


BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 583


                               CHÚA NHẬT - LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM B

Mc 1, 7-11

Khi ấy, Gioan rao giảng rằng: “Có Đấng đến sau tôi, nhưng quyền lực hơn tôi, tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người. Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần”. Và đã xảy ra là trong những ngày đó, Chúa Giêsu từ Nadarét xứ Galilêa đến và chịu phép rửa bởi Gioan ở sông Giođan. Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.

 

SUY NIỆM

Tin Mừng ghi lại việc Chúa Giêsu chịu phép rửa như một hành trình hai chiều đi xuống và đi lên.  Đi xuống dìm mình trong dòng nước sông Giođan là khiêm hạ gánh lấy tội lỗi nhân loại; đi lên khỏi nước để khởi phát công cuộc cứu chuộc đền bù tội lỗi. Đỉnh cao của hành trình này chính là cuộc Thần hiện của Ba Ngôi Thiên Chúa: Các tầng trời xé ra, và Thần Khí lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Người. Lại có tiếng Chúa Cha long trọng giới thiệu Ngôi Hai Con Thiên Chúa làm người là “Con yêu dấu của Chúa Cha, Chúa Cha hài lòng về Người.”

Nơi dòng nước sông Giođan, Chúa Giêsu được tuyên dương là Người Con đích thực luôn vâng phục ý định cứu độ của Chúa Cha; qua dòng nước của Bí tích Rửa Tội, chúng ta được trở nên con cái Chúa và Chúa Cha cũng sẽ nói với chúng ta trong cuộc hiển dung “hãy vâng nghe lời Con của Ngài” (Mc 9,7).

 

TIN TỨC

1.      ĐTC cử hành lễ Hiển Linh tại đền thờ thánh Phêrô

Vatican News (6.1.2021) – Trong bài giảng lễ Hiển Linh hôm ngày 6/1, Đức Thánh Cha nhắc nhở các tín hữu dành nhiều thời gian hơn để thờ phượng Chúa. Ngài cũng mời gọi các tín hữu học theo các Đạo sĩ cách chiêm ngắm Chúa, để vượt qua dáng vẻ bên ngoài và nhìn thấy được Chúa trong những điều đơn sơ hàng ngày.

Vào lúc 10 giờ sáng ngày 6/1/2021, tại đền thờ thánh Phê-rô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành lễ Hiển Linh. Vì nước Ý lockdown trong ngày nghỉ lễ hôm nay để ngăn ngừa lây lan đại dịch, nên Thánh lễ được cử hành đơn sơ với một số ít Hồng y giám mục đồng tế, trước sự tham dự của khoảng 100 giáo dân.

2.      Quốc hội Ba Lan công bố năm 2021 là Năm Đức Hồng y Wyszynski

Quốc hội Ba Lan đã tuyên bố năm 2021 là Năm Hồng y Stefan Wyszyński, để vinh danh vị giáo chủ đã góp phần bảo tồn và củng cố Ki-tô giáo dưới chế độ cộng sản.

Các nghị quyết của cả Thượng viện và Hạ viện đều được đa số chấp thuận, ca ngợi thành tích của vị Hồng y đã lãnh đạo Giáo hội Ba Lan vào giai đoạn đàn áp cao điểm của cộng sản.

Hạ viện Ba Lan ca ngợi Đức Hồng y bảo vệ nền độc lập của Giáo hội Ba Lan

Nghị quyết của Hạ viện Ba Lan nhận định: “Trong hoạt động linh mục, vị Giáo chủ của Thiên niên kỷ đã chú ý đến phẩm giá nội tại của con người, nguồn gốc mọi nhân quyền.”

Đức Hồng y Wyszyński được biết đến như “Giáo chủ của Thiên niên kỷ” vì là Giáo chủ của Ba Lan, giám sát một chương trình chuẩn bị kéo dài 9 năm với đỉnh điểm là lễ kỷ niệm toàn quốc 1.000 năm Ba Lan nhận phép rửa tội, vào năm 1966.

Nghị quyết của Hạ viện cũng ca ngợi Đức Hồng y đã mạnh mẽ bảo vệ nền độc lập của Giáo hội dưới chế độ cộng sản. Nó ám chỉ đến lá thư năm 1953 của ngài gửi cho nhà lãnh đạo cộng sản Ba Lan Bolesław Bierut, trong đó ngài từ chối đặt Giáo hội phục tùng chính quyền, khi tuyên bố: “Non Possumus!” - “Chúng tôi không thể”. Đức Hồng y bị bắt giam vào cuối năm đó.

Thượng viện Ba Lan: Đức Hồng y Wyszyński là một trong những người Ba Lan vĩ đại nhất của thế kỷ XX

Trong nghị quyết của mình, Thượng viện Ba Lan mô tả Đức Hồng y Wyszyński là một trong những người Ba Lan vĩ đại nhất của thế kỷ XX. Nghị quyết viết: “Không thể mô tả chính xác công lao và vai trò của Giáo chủ Stefan Wyszyński trong những năm đó đối với Ba Lan và Giáo hội. Ngài và Đức Gioan-Phaolô II đã cùng nhau là những người thầy vĩ đại của dân tộc và đã hỗ trợ người Ba Lan trong những thời khắc khó khăn nhất trong lịch sử quê hương chúng ta.”

Nghị quyết nói tiếp: “Đức Hồng y đã theo dõi số phận của Giáo hội Ba Lan trong những năm đen tối nhất của chủ nghĩa Stalin với sự quan tâm đặc biệt. Vì thái độ kiên định của ngài đối với nhà cầm quyền cộng sản, vì sự phản đối việc hủy hoại đời sống xã hội và Giáo hội - được thể hiện bằng câu nói nổi tiếng “Chúng tôi không thể”- ngài đã bị giam tù vài năm.”

Hoạt động của Đức Hồng y Wyszyński

Ngày 3/8 năm nay kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Đức Hồng y Wyszyński. Trước chiến tranh ngài tham gia vào các hoạt động giáo dục và xã hội của các Liên đoàn Công giáo và tổ chức Liên đoàn Công nhân Trẻ. Trong chiến tranh, ngài trở thành thành viên của phong trào kháng chiến ngầm của Ba Lan, làm tuyên úy của một bệnh viện cho quân nổi dậy ở Laski, gần Vác-sa-va. Năm 1946 Đức Pio XII bổ nhiệm ngài làm giám mục Lublin và hai năm sau, làm tổng giám mục Gbiezno và Vác-sa-va. Ngài làm Giáo chủ Ba Lan cho đến khi qua đời tại Vác-sa-va ngày 28/5/1981, vài tháng sau khi thành lập liên đoàn Liên đới, tổ chức đã góp phần vào sự sụp đổ của cộng sản Ba Lan vào năm 1989.

Án phong chân phước

Án phong chân phước cho Đức Hồng y được bắt đầu vào năm 1989. Ngày 04.10.2019 Vatican đã nhìn nhận một phép lạ nhờ lời chuyển cầu của Đức Hồng y. Lễ tuyên phong chân phước cho ngài được dự định vào ngày 7/6 năm ngoái nhưng do đại dịch, đã phải hoãn lại. (CNA 04/01/2020)

Hồng Thủy

PHỤNG VỤ

-  4g 45, Thứ Hai (11.01.2021), lễ an táng ông: Phêrô Bùi Văn Phép, sinh năm 1953, giáo họ Matthêu Phượng.

-  17g 30, Thứ Hai (11.01.2021), lễ cưới anh chị: Giuse Nguyễn Xuân Uy Vũ + Maria Võ Thị Thanh Hảo

-  4g45, Thứ Ba (12.01.2021), lễ cưới anh chị: Giuse Nguyễn Hoàng Phong + Nguyễn Thị Hồng Vân

THÔNG BÁO

-  Ủng hộ người nghèo: Gia đình anh Đào Duy Lộc (Giáo họ Anrê Kim Thông) ủng hộ 3 triệu đồng.


Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2021

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 582


                                                    CHÚA NHẬT - LỄ HIỂN LINH NĂM B

Mt 2, 1-12

Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Đông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: "Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người". Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Đức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: "Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Đấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta".

Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: "Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người". Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Đông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.

 

SUY NIỆM

Các nhà chiêm tinh thấy ngôi sao lạ xuất hiện và cất bước lên đường dò hỏi cho biết vua dân Do Thái mới sinh hiện ở đâu. Họ được trả lời từ một bằng chứng trong Kinh Thánh: “Tại Bêlem miền Giuđê.” 

Các ông theo chiếc la bàn là Lời Kinh Thánh này để tìm kiếm vua Giêsu và họ đã được gặp. Gặp được Chúa họ vui mừng thờ lạy, dâng lễ vật rồi ra về vì đã mãn nguyện. Sau đó thánh sử không nhắc tới các nhà chiêm tinh nữa. Điều này như muốn nói họ đã hoàn tất một cuộc tìm kiếm tốt đẹp, họ đạt mục đích là được gặp Chúa Giêsu. Còn vua Hêrôđê, ông cũng có ý tìm kiếm vị vua mới sinh nhưng không phải để thờ lạy hay dâng lễ vật, mà là để tiêu diệt. Kết quả là ông không được gặp. Sau khi tường thuật Hêrôđê ra lệnh tàn sát các hài nhi, thánh sử Mát-thêu nói ngay tới tin ông băng hà. Điều này cũng cho chúng ta thấy kết cục của việc giữ địa vị của vua Hêrôđê là không giữ được gì cả mà chỉ ôm mối bất an bối rối đem về thế giới bên kia.

“Ai tìm thì sẽ thấy” (Mt 7,8). Các nhà chiêm tinh đã đi tìm và được Chúa tỏ cho thấy. Cuộc đời Ki-tô hữu chúng ta cũng là một hành trình tìm kiếm Chúa.

TIN TỨC

1.      Giáng sinh trên dòng nước lũ

Lần đầu tiên, đại lễ Giáng sinh được tổ chức trên sân khấu, được kết từ hàng chục chiếc thuyền nhôm của người dân.

Hai tuần trước, Đức Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế Giuse Nguyễn Chí Linh báo tin sẽ về xứ đạo bên dòng sông Ô Giang (một nhánh của sông Ô Lâu giáp ranh giữa Huế và Quảng Trị), làm lễ Canh thức Giáng sinh.

"Đề bài" đón Giáng sinh được Đức Tổng Giám mục giao cho cha quản xứ Giuse Huỳnh Đình Hào là một sân khấu nổi trên dòng sông trước nhà thờ. Những giáo dân vùng sông nước và quen với việc di chuyển bằng thuyền đã sớm nghĩ ra cách kết những thuyền nhôm lại với nhau tạo thành chiếc phao lớn, rồi dùng gỗ mỏng thảm lên tạo mặt bằng phẳng.

Thời tiết mưa dầm dề, trời rét giá với nhiệt độ chỉ từ 13 - 14 độ C đã không thể cản bước những nỗ lực có một không gian tổ chức Giáng sinh độc đáo của giáo dân ở xứ đạo nhỏ bé này. […]

Buổi diễn nguyện không tập trung nhiều vào mầu nhiệm nhập thể, nhưng còn tái hiện cảnh Đức Tổng Giám mục lặn lội xuống vùng lũ để trao quà của các nhà hảo tâm đến từng người, từng nhà.

Đức Tổng Giám mục nói: điều chúng ta cùng hiểu ngay, đó là không phải chúng ta mừng lễ ở đây để có quang cảnh chụp hình cho đẹp. Nhưng mà để nói lên rằng chúng ta ở bên cạnh nhau trong và sau cơn lũ lụt", … Thông điệp "Giáng sinh là lễ của bình an, ngày càng mang tính đại đồng và trở thành ngày lễ của toàn xã hội".

Kết thúc thánh lễ, Đức TGM. Giuse Nguyễn Chí Linh gửi gắm trong những buổi gặp gỡ, chúc mừng Giáng sinh với các tôn giáo bạn, chính quyền Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế cũng như các lãnh đạo Trung ương. Ngài cũng mời gọi mọi người tiếp tục chia sẻ với những người dân vũng lũ phục hồi lại cuộc sống của mình […]

2.      Chiara Amirante - một cuộc đời dành để mang lại hy vọng

Chị Chiara Amirante, 54 tuổi, người sáng lập Cộng đoàn “Chân trời Mới” và là cố vấn của hai Hội đồng Giáo hoàng của Tòa Thánh. Lý do chị được vinh danh bởi, chị dấn thân phục hồi những người bị thiệt thòi, những người trẻ nghiện ngập, nghiện rượu và mại dâm. Từ những năm 1990 chị đã cung cấp dịch vụ lắng nghe và chia sẻ cho những người trẻ có hoàn cảnh khó khăn, những người ngủ trong đường hầm của nhà ga Termini ở Roma. Năm 1993, chị thành lập Cộng đoàn “Chân trời Mới”, cộng đoàn này sẽ trở thành điểm tham chiếu cho sự phục hồi và tái hòa nhập của nhiều người có hoàn cảnh khó khăn thông qua một chương trình phục hồi giáo dục cụ thể. Một năm sau, chị Amirante mở cộng đoàn đầu tiên tiếp nhận cư trú cho khoảng 30 trẻ em gần Roma.

Năm 1996, chị cũng khởi động dự án “Thành phố nước Trời”, một cấu trúc bao gồm nhiều trung tâm dấn thân trong việc thực hiện các sáng kiến liên đới xã hội: từ các cộng đoàn đón tiếp đến các mái ấm gia đình, từ các trung tâm lắng nghe đến các tổ dân phố, từ các hợp tác xã xã hội đến các nhóm hỗ trợ trong bệnh viện, nhà tù, khu ổ chuột.

Trong số những người được vinh danh còn có Cha Luigi D’Enrico là cha sở giáo xứ các thánh Tử đạo của Uganda ở Roma, từ lâu cha đã có kinh nghiệm về việc dạy giáo lý cho và với người khuyết tật…Trong số các sáng kiến của cha là thành lập các mái ấm gia đình dành riêng cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của sự đối xử tồi tệ, và “Nhà Bê-lem”, nơi chào đón các gia đình vô gia cư.

Cùng được vinh danh, có cha Salvatore Morittu, tu sĩ dòng Phanxicô, ngài đã cống hiến toàn bộ cuộc đời của mình để chống lại nạn nghiện ma túy và loại trừ xã hội; và cha Tarcisio Moreschi, người đã được trao giải thưởng cùng với Fausta Pina về hoạt động của họ ở Châu Phi, nơi họ tạo nên một ngôi làng cho một trăm trẻ em mồ côi, một số trong số các em dương tính với HIV.

Hồng Thủy

PHỤNG VỤ

-  17g30, Thứ Sáu (08.01.2021), lễ cưới cho đôi anh chị: Phêrô  Nguyễn Quý Văn + Maria Võ Trần Phương Thúy

-  4g45, Thứ Bảy (09.01.2021), lễ cưới cho đôi anh chị: Phanxicô Lê Văn Hiếu + Maria Nguyễn Thị Ngọc Hương

THÔNG BÁO

-  Sáng thứ Sáu (08.01.2021), vào lúc 7g00: trao MTC. cho các bệnh nhân và người già.