Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 708

 

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH

Ga 21, 1-14

Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: "Simon-Phêrô, Tôma (cũng gọi là Điđymô), Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ khác nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: "Tôi đi đánh cá đây". Các ông kia nói rằng: "Chúng tôi cùng đi với ông". Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: "Này các con, có gì ăn không?" Họ đồng thanh đáp: "Thưa không". Chúa Giêsu bảo: "Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được". Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu liền nói với Phêrô: "Chính Chúa đó". Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay.

Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: "Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây". Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách. Chúa Giêsu bảo rằng: "Các con hãy lại ăn". Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi "Ông là ai?", vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế. Đây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.

SUY NIỆM

Chúa Giêsu Phục Sinh hiện đến và cho các tông đồ kéo được một mẻ lưới đầy cá. Sức sống Chúa Phục Sinh được ban cho các tông đồ để biến đổi các ông từ chỗ làm việc không mấy kết quả đến có kết quả ngoài sức tưởng tượng.

Ngày nay Đức Giêsu Phục Sinh cũng vẫn đang hiện diện và đồng hành giữa chúng ta. Ngài vẫn tiếp tục can thiệp vào từng công việc, từng cảnh huống trong cuộc đời của chúng ta. Trong niềm tin phó thác hoàn toàn theo sự hướng dẫn của Ngài, cuộc đời chúng ta sẽ được hạnh phúc tràn đầy.

TIN TỨC

1. Hội nghị toàn thể 2022 các Bề trên Tổng quyền dòng nữ

Hội nghị toàn thể lần thứ 22 của Liên hiệp Quốc tế các Bề trên Tổng quyền dòng nữ (UISG) sẽ diễn ra tại Roma từ ngày 02 đến 06.05.2022, với chủ đề “Đón nhận tính dễ bị tổn thương trong tiến trình hiệp hành”.

Khoảng 700 nữ tu của 71 quốc gia, trong đó có 520 Bề trên Tổng quyền tham dự trực tiếp, tập trung thảo luận về các chủ đề liên quan đến tính hiệp hành, bao gồm: tính dễ bị tổn thương, tiến trình hiệp hành, đời sống tu sĩ và hiệp hành tính, ngoại vi, lời mời gọi biến đổi.

Sơ Jolanta Kafka, Chủ tịch Liên hiệp Quốc tế các Bề trên Tổng quyền dòng nữ (UISG) giải thích về chủ đề của phiên họp toàn thể rằng: “Có nhiều cách để thể hiện tính hiệp hành: cuộc họp của chúng tôi, với nội dung và phương pháp là một trải nghiệm về tính hiệp hành của đời sống nữ tu. Chúng tôi thực sự hy vọng được trải nghiệm một không gian đặc biệt để lắng nghe, nghiên cứu chung với Chúa Thánh Thần. Chúng tôi sẽ đối thoại về cách chúng tôi đang đóng góp vào tiến trình hiệp hành của Giáo hội để làm thế nào chúng tôi có thể khuyến khích sự lắng nghe sâu sắc theo cách hiệp hành và làm thế nào để tham gia vào sự năng động của sự phân định chung với tư cách là một Giáo hội nhìn nhận sự dễ bị tổn thương như một đặc tính điển hình của con người”.

Từ năm 1965, Liên hiệp Quốc tế các Bề trên Tổng quyền dòng nữ là diễn đàn để các Bề trên Tổng quyền dòng nữ gặp gỡ, tạo cầu nối và mạng lưới, nhằm mang lại sức sống cho các chiến lược và sự hiệp lực mới cho phép nữ tu giao tiếp qua các khoảng cách địa lý và sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa để được hiệp thông. Liên hiệp gồm hơn 1900 Bề trên Tổng quyền có các nhà tổng quản được phân bổ tại 97 quốc gia trên thế giới: 25 nước châu Âu, 16 nước châu Á, 30 nước châu Mỹ, 22 nước châu Phi, 4 nước thuộc châu Đại Dương.

Ngọc Yến

2. Đức Thánh Cha mời gọi các Thừa sai Lòng Thương Xót noi gương bà Rút

Trong buổi tiếp các Thừa sai Lòng Thương Xót, ngày 25/4/2022, Đức Thánh Cha đã mời gọi các linh mục noi gương lòng quảng đại của bà Rút, luôn mang trên tay cái mền của lòng thương xót, để bao bọc bằng hơi ấm những ai đến xin ơn tha thứ của Chúa.

Trước các tham dự viên tham gia cuộc gặp gỡ quốc tế lần III của các Thừa sai Lòng Thương Xót, trước hết Đức Thánh Cha điểm lại hai lần gặp gỡ trước, nhắc lại những lời khuyến khích của ngài đã dành cho các Thừa sai: luôn mang lòng thương xót Chúa và trở thành dấu chỉ an ủi của Chúa để mọi người biết Chúa không bao giờ quên và bỏ rơi họ.

Đức Thánh Cha nói rằng lần gặp gỡ thứ ba này ngài được đánh động bởi khuôn mặt của bà Rút trong Cựu Ước. Hình ảnh của bà đã giúp Đức Thánh Cha suy tư cho bài nói chuyện với các Thừa sai Lòng Thương Xót. Bà Rút là “một phụ nữ ngoại kiều và nghèo khổ, buộc phải kiếm thức ăn hàng ngày, nhưng vì sống trung thành và làm điều tốt cho người khác bà đã được ban thưởng dồi dào”.

Đức Thánh Cha cho rằng bà Rút đã dạy chúng ta khi bà để cho những đặc điểm của lòng thương xót toả sáng qua những việc làm: Khi bà đã không để mẹ chồng là bà Naomi một mình, nhưng chia sẻ tương lai với bà; Khi mẹ chồng không muốn bà đi cùng, nhưng bà Rút đã chia sẻ đức tin và trải nghiệm trở thành một phần của dân mới; Khi bà sẵn sàng vượt qua mọi trở ngại để trung thành. Đức Thánh Cha khẳng định: “Những điều này thực sự là khuôn mặt của lòng thương xót được thể hiện bằng lòng nhân ái và chia sẻ. Khuôn mặt bà Rút là một biểu tượng về cách chúng ta có thể vượt qua mọi hình thức loại trừ và gạt ra bên lề được ẩn náu trong hành vi của chúng ta”.

Đức Thánh Cha mời gọi các Thừa sai Lòng Thương Xót: “Tôi mời gọi anh em tránh mọi hình thức phán xét và cho rằng mình đã biết rõ người đang nói chuyện với mình. Anh em đừng bao giờ chỉ dừng lại ở một chi tiết, nhưng hãy nhìn vào tổng thể của cuộc sống. Thiên Chúa không dừng lại ở vẻ bề ngoài, và nếu Chúa chỉ xét xử chúng ta về tội, chắc chắc không ai được cứu. Đây không phải là cách mà lòng thương xót thể hiện. Lòng thương xót biết nhìn vào tâm hồn con người, nơi ẩn chứa khát vọng, ước mong trở về nhà Cha và nhà của mình. Chúa không mệt mỏi tha thứ. Tôi khuyên anh em hãy luôn mang trên tay cái mền của lòng thương xót, để bao bọc bằng hơi ấm những ai đến gần anh em và để được tha thứ. Anh em hãy an ủi những ai đang buồn sầu và cô đơn; hãy quảng đại như bà Rút, bởi vì chỉ như thế Chúa mới nhìn nhận anh em như những thừa tác viên trung tín của Người”. 

THÔNG BÁO

1. Vào lúc 17g45, chiều thứ Hai (02/5/2022) Lễ Bổn Mạng Giáo họ Giuse Lựu, sau thánh Lễ có rước Kiệu Đức Mẹ khai mạc Tháng Hoa. Kính mời OBACE tham dự thánh lễ cầu nguyện cho Giáo họ Giuse Lựu và sau thánh lễ tham dự cuộc Rước kiệu Đức Mẹ. 

2. Vào lúc 7g00, sáng Thứ Bảy (07.5.2022): rửa tội cho trẻ sơ sinh. Xin quý cha mẹ có con rửa tội, đến xin giấy giới thiệu nơi BĐH. giáo họ, và nộp sổ gia đình về văn phòng giáo xứ trong tuần này.

3. Giáo xứ xin cám ơn các ân nhân đã ủng hộ: Ghe Lê Quang 5 triệu, 1 ân nhân (Gh. Anrê Trông) 5 triệu, chị Xuân (ở Mỹ) giúp người nghèo 5 triệu.

4. Vào lúc 19g30 tối Thứ Tư (04.5.2022) mời tất cả quý HĐMV, các ban ngành đoàn thể họp tại hội trường giáo xứ để chuẩn bị cho giai đoạn 2: gặp gỡ và phân định theo cấp giáo xứ.

 


Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2022

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 707


 

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH

Ga 20, 19-31

"Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con". Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại". Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Điđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: "Chúng tôi đã xem thấy Chúa". Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: "Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin".

Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: "Bình an cho các con". Đoạn Người nói với Tôma: "Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin". Tôma thưa rằng: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!" Chúa Giêsu nói với ông: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin!"

Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.

SUY NIỆM

Chúng ta tin rằng cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu minh chứng rằng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa mạnh hơn sự chết và tội lỗi con người. Ngài không chỉ xóa sạch tội lỗi, đưa con người từ sự chết vào cõi sống, mà còn ban cho con người có khả năng yêu thương như Ngài.

Con người ngày nay thường sống cho bản thân hơn cho tha nhân, do đó dễ có cái nhìn sai lạc về Thiên Chúa. Người ta thường rủa người tội lỗi là ‘kẻ trời đánh,’ quên rằng chúng ta cũng có liên đới trong tội lỗi của anh chị em, ‘tứ hải giai huynh đệ’ mà. Noi gương lòng thương xót bao la của Thiên Chúa, chúng ta cần mang nhãn quan của Người, nghĩa là luôn sống liên đới với anh chị em mình trong tình thương, không xem ai là người bị loại trừ, bởi vì “Cha anh em trên trời vẫn cho mặt trời mọc lên trên kẻ lành và người dữ” (Mt 5,45).

TIN TỨC

1. Thứ trưởng Ngoại giao Toà Thánh Vatican đến Việt Nam

15g29 phút ngày 20 tháng 4 năm 2022, Đức ông Mirosaw Stanislaw Wachowski, Thứ trưởng Ngoại giao Toà Thánh đã đáp chuyến bay đến Hà Nội, bắt đầu những ngày thăm và làm việc tại Việt Nam. Tháp tùng Đức ông Thứ trưởng có Đức ông Phanxicô Cao Minh Dung, Viên chức Bộ Ngoại giao, Linh mục Han Hyuntaek, Viên chức Bộ Loan báo Tin Mừng cho các dân tộc.

Từ trái sang: Linh mục Han Hyuntaek, Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên, Đức ông Phanxicô Cao Minh Dung, Đức Tổng giám mục Marek Zalewski, Đức ông Mirosaw Stanislaw Wachowski, và Đại diện Bộ Ngoại giao và Ban Tôn giáo Chính phủ. 

Trong các ngày 21 và 22 tháng 4, phái đoàn Toà Thánh sẽ có các hoạt động ngoại giao, chào thăm lãnh đạo Chính phủ, Bộ Nội vụ và Ban Tôn giáo Chính phủ; trọng tâm là cuộc họp đàm phán thứ IX của Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican với nội dung đặt Văn phòng Đại diện thường trú của Toà Thánh Vatican tại Việt Nam. Nhân dịp này, chiều 23 tháng 4, Đức ông Wachowski và phái đoàn sẽ đến thăm và dâng lễ tại Nhà thờ Chính toà Hà Nội. Đức Tổng Giám mục Hà Nội và quý Đức cha trong giáo tỉnh cùng cộng đoàn Dân Chúa sẽ mừng đón phái đoàn Toà Thánh đến Hà Nội.

 Chiều 25 tháng 4, nhân dịp Hội nghị thường niên của Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức tại Toà Giám mục Thái Bình, phái đoàn Toà Thánh sẽ đi thăm giáo phận Thái Bình và gặp quý Đức cha tham dự Hội nghị tại đây. Phái đoàn Toà Thánh cũng sẽ thăm một vài cơ sở của giáo phận và dâng lễ tại Nhà thờ Chính toà cùng cộng đồng Dân Chúa tại Thái Bình.

 Tối 27 tháng 4, Đức ông Thứ trưởng và đoàn sẽ rời Việt Nam trở về Roma.

Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ

2. ĐHY Parolin: Ngoại giao Toà Thánh luôn tôn trọng, tế nhị nhưng rõ ràng

Trả lời phỏng vấn của hãng tin CNA, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh khẳng định về đường lối ngoại giao của Toà Thánh trong tương lai là “luôn đặt ra những vấn đề với sự tôn trọng và tế nhị, nhưng cũng rất rõ ràng. Chúng tôi phải nói rõ quan điểm của chúng tôi, mặc dù không được chấp nhận và hiểu ngay, bị bác bỏ hay phản đối”.

Trước hết, về đường lối ngoại giao của Toà Thánh trong những năm qua, Đức Hồng Parolin nói từ thời Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đến Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI, và nay là Đức Thánh Cha Phanxicô, ngài không thấy có những thay đổi lớn. Mặc dù mỗi Giáo hoàng đáp ứng nhu cầu của thời đại, nhưng các vị đều đề cập đến di sản hiện tại, và luôn làm việc theo những nguyên tắc giống nhau.

 Trước những thách đố về hệ tư tưởng thế tục trong các tổ chức quốc tế, Quốc vụ khanh Toà Thánh nhấn mạnh rằng Vatican cố gắng có cái nhìn bao quát mọi vấn đề của thời đại hôm nay, đồng thời có sự quan tâm mạnh mẽ về các quyền mới, bởi vì trong đó liên quan đến cái nhìn nhân học mới, điều rất khác trước đây. Nhân học mới này lấy khỏi con người ba chiều kích tương quan với chính mình, với Thiên Chúa, và với người khác, có nguy cơ huỷ hoại con người và nhân phẩm, biến con người thành hòn đảo nhỏ lạc lõng giữa đại dương, nơi con người không có bất cứ tương quan nào.

 Quyền mới này xảy ra không chỉ ở các tổ chức quốc tế, nhưng cả cấp độ quốc gia. Những nỗ lực này nhằm “thực dân hoá ý thức hệ”, như cách gọi của Đức Thánh Cha. Đức Hồng y nói rõ rằng Giáo hội không nói về những vấn đề này như “một cuộc đấu tranh ý thức hệ”, nhưng đúng hơn muốn “giải quyết các vấn đề này vì Giáo hội quan tâm, yêu thương và bảo vệ con người trong phẩm giá của họ”.

 Theo Quốc vụ khanh Toà Thánh, ngày nay có một sự bất bình chung trong xã hội, không có khả năng thiết lập các tương quan. Nguyên nhân do cái nhìn về nhân học, nơi chúng ta chỉ tập trung vào những mong muốn cá nhân. Ngài cũng lưu ý rằng các chủ đề như tư tưởng giới được đưa vào các tài liệu không liên quan gì đến giới tính. Đức Hồng y nói: “Từ quan điểm này, tôi rất tiếc phải nói, Toà Thánh không được lắng nghe. Nhưng chúng tôi không chống bất cứ ai. Trái lại, chúng tôi nhìn vào con người. Vì vậy, tôi tin rằng nhiệm vụ của chúng tôi là trung thành với sứ điệp mà chúng tôi phải loan truyền, không nản chí”.

 Trích dụ ngôn người gieo hạt trong Tin Mừng, Đức Hồng y nói mặc dù có những hạt rơi trên sỏi đá, bụi gai, nhưng người gieo không nản lòng, bởi tin rằng sớm muộn gì cũng có những hạt rơi vào đất tốt và sinh hoa trái. Cũng vậy “tôi tin rằng đây là quan điểm của Toà Thánh, luôn đặt ra những vấn đề với sự tôn trọng và tế nhị, nhưng cũng rất rõ ràng. Chúng tôi phải nói rõ quan điểm của chúng tôi, mặc dù không được chấp nhận và hiểu ngay, dù bị bác bỏ hay phản đối”.

Ngọc Yến

THÔNG BÁO

1.  Vào lúc 07g00, sáng thứ Bảy (30.4.2022) sẽ trao MTC cho người già và bệnh nhân.

2.  Giáo xứ xin cám ơn các ân nhân đã ủng hộ dịp lễ Phục sinh vừa qua:

- 12 Bình Đựng MTC mới: Chị Hằng (Báu) 3 bình, Chị Trâm (thuốc tây) 1 bình, Chị Hân (trái cây) 1 bình, Chị Lan—Nhơn (Simon Hoà) 7 triệu, 1 ân nhân giúp 5 bình.

- Mua đèn pha mới: 1 Ân nhân (Mt .Phượng) 3 triệu, Anh Thành (Huynh Trưởng) 1,5 triệu, Chị Minh—Thái (Simon Hoà) 2 triệu.

- Ủng hộ chung: 1 ân nhân (Giuse Lưu) ủng hộ 6 triệu mua đường dây điện bị trộm cắt, và 1 ân nhân (Anrê Kim Thông) ủng hộ 1 triệu đồng.