Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2023

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 747



CHÚA NHẬT IV TN A

Mt 5, 1-12

Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng:

"Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp. Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời".

SUY NIỆM 

Khi Đức Kitô chúc phúc cho ai, Ngài không phải chỉ ban cho người đó ơn bình an, sức mạnh và niềm vui nội tâm mà còn lên tiếng ca ngợi đồng thời ban ơn thiêng như phần thưởng dành riêng cho tâm hồn ngay chính. Sống công chính nhận phần thưởng hai lần. Lần thứ nhất Chúa ban ơn bình an, sức mạnh và niềm vui nội tâm - ngay tại đời này - để người đó tiếp tục tiến bước trên con đường phục vụ, hy sinh làm chứng nhân cho Đức Kitô. Lần thứ hai Chúa ban ơn cao trọng hơn đó là sự sống trường sinh. Phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Lời chúc phúc được thể hiện trong tương lai, trong ngày gặp lại Đức Kitô trên thiên quốc. Hạnh phúc thay ai học sống nghèo khó vì Chúa và vì Tin Mừng.

 BẢN TIN

    1. Đức Thánh Cha: Không thể có hòa bình nếu không có phát triển và giáo dục

   Sáng thứ Hai 23/01/2023, Đức Thánh Cha tiếp các tình nguyện viên của Tổ chức của Ý về xoá nạn mù chữ trên thế giới. Ngài khuyến khích họ tiếp tục dấn thân xoá nghèo đói và thúc đẩy hoà bình qua giáo dục.

    Tổ chức bác ái do cha Carlo Muratore thành lập trong năm 1972. Sau thời gian truyền giáo ở Venezuela, linh mục người Ý này nhận ra nguyên nhân chính của nghèo đói là nạn mù chữ. Vì thế khi trở về quê hương cha đã thiết lập tổ chức thúc đẩy giáo dục. Trong 50 năm qua, tổ chức bác ái này đã tham gia xây dựng và hỗ trợ các trường học, tổ chức đào tạo giáo viên, xoá mù chữ và dạy nghề cho người lớn, đặc biệt là phụ nữ ở hơn 80 quốc gia. Mọi hoạt động của các tình nguyện viên nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và phẩm giá cho mọi người, thúc đầy nền văn hoá hoà bình qua các dự án liên văn hoá.

    Trong buổi tiếp kiến các tình nguyện viên của tổ chức xoá nạn mù chữ, Đức Thánh Cha nhắc đến các Thông điệp được ban hành trong những năm 60 của thế kỷ trước, như Thông điệp Populorum Progressio - Phát triển các Dân tộc - của thánh Phaolô VI, và nhận định rằng cha Carlo Muratore đã nhận ra trong văn kiện này một điều rất quan trọng đó là “sự phát triển là đường dẫn đến hòa bình”, và “không thể có sự phát triển con người toàn diện nếu không có giáo dục”.

    Đức Thánh Cha nhận xét rằng trong các văn kiện này, đặc biệt Thông điệp Pacem in terris của Thánh Gioan XXIII vẫn còn phù hợp cho thế giới ngày nay, một thế giới mà nguyên nhân chính của tình trạng kém phát triển vẫn chưa được loại bỏ vì mô hình phát triển vẫn chưa thay đổi. Đây là nơi để Tổ chức bác ái thể hiện sự dấn thân. Đức Thánh Cha nói: “Hoạt động của anh chị em nhằm xoá bỏ một trong những nguyên nhân của tình trạng kém phát triển, đó là nạn mù chữ”.

    Đức Thánh Cha khẳng định “ước mơ” của Thông điệp Populorum Progressio cũng như Thông điệp Fratelli tutti là ước mơ của Giáo hội, của Thiên Chúa, Đấng muốn một thế giới trong đó tất cả chúng ta có thể sống như anh chị em với nhau trong phẩm giá đầy đủ. Ngài nói: “Khi cộng tác với các nhà truyền giáo trong việc nghiên cứu và thực hiện một dự án giáo dục, hoặc hỗ trợ giáo dục, nhận con nuôi từ xa, anh chị em góp phần tạo ra một thế giới mở ra, nơi mọi người được đồng hành trong mọi giai đoạn cuộc sống, không chỉ để chu cấp những nhu cầu cơ bản, nhưng còn để họ có thể cống hiến hết sức mình”.

     Đức Thánh Cha kết thúc bài nói chuyện, khích lệ các tình nguyện viên của Tổ chức bác ái tiếp tục nuôi dưỡng lòng nhiệt thành qua Tin Mừng, và xin Đức Mẹ đồng hành, ban cho họ niềm vui ra đi vội vã đến những hoàn cảnh đang cần được giúp đỡ.

Ngọc Yến - Vatican News

2. Các sự kiện lớn của Giáo Hội Công Giáo trong năm 2023

Giới truyền thông Công giáo đưa ra những sự kiện lớn của Giáo hội Công giáo trong năm 2023, như Ngày Quốc tế Giới trẻ, chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến châu Phi, Thượng Hội đồng Giám mục, kỷ niệm 10 năm Đức Thánh Cha Phanxicô được bầu chọn làm Giáo hoàng.

Ngày 25/01: Tổng hội đặc biệt của Hội Hiệp sĩ Malta

Hội Hiệp sĩ Malta là một tổ chức có quy chế của một thực thể quốc tế, có từ gần 1.000 năm nay, có chủ quyền như một quốc gia, có quan hệ ngoại giao trên cấp đại sứ với 106 nước trên thế giới. Về phương diện tinh thần và tu đức, hội có quy chế như một dòng tu Công giáo và dưới khía cạnh này Hội tùy thuộc Đức Giáo Hoàng. Hội Hiệp sĩ này hiện có 13.500 thành viên nam nữ trên thế giới, trong đó chỉ có gần 40 thành viên có ba lời khấn như tu sĩ. Ngoài ra, hội có 80.000 tình nguyện viên trên thế giới, trong đó có nhiều bác sĩ và nhân viên y tế. Phần lớn các hoạt động của hội thuộc lãnh vực bác ái và y tế.

    Ngày 31/01: Chuyến tông du ngoài Ý lần thứ 40 của Đức Thánh Cha Phanxicô

    Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện chuyến tông du ngoài nước Ý lần thứ 40 trong triều Giáo hoàng. Ngài sẽ viếng thăm châu Phi từ ngày 31/01 đến 05/02. Gần 10 năm qua, Đức Thánh Cha đã đi đến 50 quốc gia, và trung bình mỗi năm thực hiện 4 chuyến đi. Ở châu Phi, ngài sẽ dành ba ngày viếng thăm Cộng hoà Dân chủ Congo, tại Kinshasa, ngài sẽ gặp các nạn nhân của cuộc xung đột ở phía đông đất nước. Một trong những sự kiện lớn của những ngày ở Congo là Thánh lễ tại sân bay Kinshasa, dự kiến có hàng trăm ngàn tín hữu tham dự.

    Ngày 11/02: Mười năm Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI từ nhiệm

Ngày 11/02 ghi dấu 10 năm Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI từ nhiệm. Vào ngày 11/02/2013, lễ Đức Mẹ Lộ Đức, sau Đức Giáo Hoàng Celestine V từ nhiệm vào năm 1294, ngài là Giáo hoàng thứ hai tuyên bố từ nhiệm.

Gần 10 năm sau khi từ nhiệm, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI qua đời ngày 31/12/2022 tại Vatican. Tang lễ của ngài đã được cử hành tại quảng trường thánh Phêrô, ngày 05/01/2023.

Ngày 13/3: Kỷ niệm 10 năm Đức Thánh Cha Phanxicô được bầu chọn

Giáo hoàng Nam Mỹ đầu tiên trong lịch sử, tu sĩ Dòng Tên đầu tiên đeo nhẫn ngư phủ, giám mục đầu tiên của Roma chọn tên là Phanxicô... Vào ngày 13/3 tới đây, thế giới sẽ nhớ lại cuộc bầu chọn Đức Thánh Cha Phanxicô. Cải cách Giáo triều, chống lạm dụng, tinh thần giáo sĩ trị, trao quyền cho giáo dân và phụ nữ, sinh thái học, phụng vụ, đối thoại với Hồi giáo… Rất nhiều dự án do Đức Thánh Cha Phanxicô đứng đầu kể từ năm 2013.

 Ngọc Yến -  Vatican News

 THÔNG BÁO 

1. Chị Xuân ở Mỹ: ủng hộ giáo xứ: 5.000.000đ, ủng hộ người nghèo: 5.000.000đ.

2. Sáng thứ bảy, ngày 4 tháng 2: trao Mình Thánh Chúa cho người già và bệnh nhân.

 


Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2023

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 746

 

CHÚA NHẬT III TN A

MỒNG I TẾT - CẦU BÌNH AN NĂM MỚI

Mt 6, 25-34

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con. Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì ăn; hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao? Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng sao? Nào có ai trong các con lo lắng áy náy mà có thể làm cho mình cao thêm một gang được ư? Còn về áo mặc, các con lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng coi chúng mọc lên thế nào? Chúng không làm lụng, không canh cửi. Nhưng Thầy nói với các con rằng: Ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông, cũng không phục sức được bằng một trong những đóa hoa đó. Vậy nếu hoa cỏ đồng nội, nay còn, mai bị ném vào lò lửa, mà còn được Thiên Chúa mặc cho như thế, huống chi là các con, hỡi những kẻ kém lòng tin? Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: “Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì, hoặc sẽ lấy gì mà mặc?” Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai, vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy”.

SUY NIỆM

Trong những ngày đầu năm mới, chúng ta vẫn có thói quen chúc nhau nững điều thật tốt đẹp. Thế nhưng chúng ta cũng mường tượng rằng những lời chúc đó nếu không phải là những ngôn từ rập theo khuôn sáo thì cùng lắm cũng chỉ là những ước mơ mà thôi. Phần Chúa, Ngài cũng dùng Lời Ngài mà chúc chúng ta, cách đặc biệt trong phụng vụ ngày đầu năm mới. Lời chúc của Ngài nhắm thẳng vào những nhu cầu thường nhật nhưng cấp thiết, là những mối bận tâm lo lắng hàng đầu của chúng ta: “ăn gì, uống gì, lấy gì mà mặc”. Thế nhưng, tất cả những thứ đó “Chúa đã biết thừa”. Ngài sẵn lòng ban cho chúng ta những điều đó, và còn “ban  thêm” sau khi Ngài ban cho chúng ta điều quan trọng hơn, quí giá hơn nhiều; đó là chính trọng tâm lời chúc của Ngài: “Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người”. Lời chúc cũng là lời hứa. Mà đã hứa thì Chúa sẽ thực hiện.

Phần chúng ta có dám tin, dám nhận vào lời hứa  của Chúa không? Mà dám tin cũng là dám dám sống: dốc sức việc “tìm kiếm Nước Thiên Chúa” trước, và sẵn sàng phó thác những sự khác “ăn gì, uống gì hay lấy gì mà mặc” để cho Chúa tuỳ nghi định liệu.

BẢN TIN

1. Đô trưởng Roma trình bày kế hoạch chuẩn bị Năm Thánh 2025 với Đức Thánh Cha

Ngày 12/01/2023, ông Roberto Gualtieri, Đô trưởng Roma đã được Đức Thánh Cha đã tiếp kiến. Trong dịp này ông Gualtieri đã trình bày cho Đức Thánh Cha kế hoạch chuẩn bị cơ sở hạ tầng và đón tiếp khách hành hương để Roma trở nên hiện đại, toàn diện và bền vững hơn.

Nói về buổi tiếp kiến này, ông Gualtieri cho biết cuộc gặp gỡ diễn ra rất cảm động: “Chúng tôi đã nói nhiều điều và là một cơ hội để bàn về Năm Thánh. Thật vinh dự khi được chia sẻ với Đức Thánh Cha kế hoạch về các công trình sẽ được thực hiện cho Năm Thánh 2025. Roma đáp lại tình cảm của vị Giám mục của mình và cám ơn ngài vì sự dấn thân không mệt mỏi cho hoà bình và những người yếu đuối. Đức Thánh Cha rất yêu mến Roma, ngài nhắc nhở chúng tôi rằng đây là thành phố độc nhất trên thế giới”.

Ông cho biết thêm, chính quyền Roma có trách nhiệm lớn và cũng là cơ hội để thực hiện các hoạt động phù hợp với ý muốn của Đức Thánh Cha. Chuẩn bị Năm Thánh có một ý nghĩa thiêng liêng, vì thế trách nhiệm rất lớn đối với khách hành hương và với thành phố để làm sao cho Roma trở nên hiện đại, toàn diện và bền vững hơn.

Ông Gualtieri cho biết chính quyền Roma với sự hỗ trợ của trung ương đã lên kế hoạch cho hàng trăm dự án, chuẩn bị cơ sở hạ tầng và đón tiếp khách hành hương cho Năm Thánh 2025. Tổng số tiền cho các dự án này gần 4 tỷ euro. Bắt đầu năm nay, 2023 có một chương trình cho mỗi công trình, từng quý.

Các công trình được lên kế hoạch trên toàn Roma, bao gồm làm cho các quảng trường trước các đền thờ, nhà ga trung ương Termini được sạch sẽ và đẹp hơn; phục hồi các di sản văn hoá, các công trình cổ; xây dựng đường hầm dành cho người đi bộ từ Vatican đến Bảo tàng Vatican; trung tâm đón tiếp người vô gia cư, nhà vệ sinh công cộng.

Trong cuộc họp báo ngày 12/01/2023, liên quan đến bị Năm Thánh, bà Giorgia Meloni, Thủ tướng Ý tuyên bố: “Cần phải thực hiện các công trình thiết yếu cho Năm Thánh 2025 của Giáo hội Công giáo. Roma và toàn nước Ý đang chuẩn bị cử hành một sự kiện gắn bó chặt chẽ với chính căn tính của Thành phố Vĩnh cửu, là thánh đô của Kitô giáo và Quốc gia Thành Vatican. Còn rất nhiều việc phải làm nhưng trong sự phối hợp chặt chẽ với Tòa thánh, chúng tôi sẽ đảm bảo sự hợp tác và cam kết đảm bảo thủ đô và quốc gia sẵn sàng đón tiếp hàng triệu khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới và trải nghiệm một sự kiện lịch sử như Năm Thánh”.

Ngọc Yến

2. ĐTC Phanxicô: Chúng ta không thể loan báo Tin Mừng nếu không làm chứng về sự hiệp nhất

Sáng ngày 19/1/2023, gặp gỡ Phái đoàn Đại kết từ Phần Lan, Đức Thánh Cha nói rằng “chúng ta không thể rao truyền Danh Chúa Giêsu một cách xứng đáng nếu không làm chứng cho vẻ đẹp của sự hiệp nhất, dấu ấn của các môn đệ Chúa Kitô.”

Các thành viên của phái đoàn thuộc các Giáo hội Tin Lành Luther, Công giáo, Chính Thống và cả Tin Lành Methodist, đã đến Rôma để mừng lễ Thánh Henry, một vị thánh gốc người Anh được cả Giáo hội Tin Lành Luther và Công giáo Phần Lan mừng kính.

Sau khi cảm ơn lời chia buồn về sự qua đời của Đức cố Giáo hoàng Biển Đức XVI, Đức Thánh Cha đề cập đến hình ảnh Biển Baltic đã được đại diện phái đoàn nói đến, nơi là “một nguồn của sự sống bị các hành động của con người đe doạ, một nơi gặp gỡ đã bị trở nên bất ổn cách đau đớn vì bầu khí đối đầu do sự tàn bạo vô nghĩa của chiến tranh gây nên”.

Từ hình ảnh của nước, điều nhắc các Kitô hữu về ơn hoà giải nhận được qua bí tích rửa tội, Đức Thánh Cha nhắc rằng Con Thiên Chúa, khi dìm mình trong dòng nước sông Jordan, đã bày tỏ ý muốn hoàn toàn hoà mình vào thân phận con người của chúng ta. Và cả chúng ta, được rửa tội trong Đức Kitô, được hoà nhập với Người nhờ ân sủng, và trở nên con cái Thiên Chúa, trở nên anh chị em của nhau. Khi lãnh nhận phép rửa, chúng ta được hoà giải với Thiên Chúa, với tha nhân và toàn thể thụ tạo. Do đó, Đức Thánh Cha nói: “Là những người con được hoà giải, chúng ta được kêu mời không mệt mỏi hoạt động cho sự hoà giải giữa chúng ta với nhau, và là tác nhân hòa giải trong thế giới của chúng ta.”

Đức Thánh Cha nhận định rằng chủ đề của Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu năm nay, “Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bằng” (Is 1,17), có liên quan với bí tích rửa tội của chúng ta, điều mời gọi chúng ta thực hiện những hành động công bằng và những cử chỉ gần gũi với nạn nhân của bất công, sự gạt bỏ ra ngoài lề, các hình thức áp bức, đặc biệt là chiến tranh. Ngài mời gọi các chứng nhân của niềm tin vào Chúa Kitô, “có bổn phận hoà mình trong những vết thương của tất cả những người đang khốn khổ. Và hãy cùng nhau làm điều này.”

Cuối cùng, theo Đức Thánh Cha, khi cùng cử hành sự hiệp thông đại kết của tất cả các thánh chúng ta nhận ra việc cầu nguyện với nhau, nỗ lực làm việc và kiên trì đối thoại để vượt qua những chia rẽ, và nên một, theo ý Chúa, là điều quan trọng để thế gian tin.

 Hồng Thủy

 

 


Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2023

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 745

 

CHÚA NHẬT II TN A

Ga 1, 29-34

Khi ấy, ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình liền nói: "Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian. Này tôi đã nói về Ngài: Một người đến sau tôi, nhưng đã có trước tôi, vì Ngài cao trọng hơn tôi. Và tôi, tôi đã không biết Ngài, nhưng để Ngài được tỏ mình ra với Israel, nên tôi đã đến làm phép rửa trong nước". Và Gioan đã làm chứng rằng: "Tôi đã thấy Thánh Thần như chim bồ câu từ trời đáp xuống và ngự trên Ngài. Về phần tôi, tôi đã không biết Ngài. Nhưng Đấng sai tôi làm phép rửa trong nước phán bảo tôi: "Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì đó chính là Đấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần". Tôi đã thấy và tôi làm chứng: chính Ngài là Con Thiên Chúa".

SUY NIỆM

Chỉ có thể có tự do đích thực khi người ta vượt thoát khỏi chính mình để đi vào tự do của con cái Chúa” (Fénélon). Có thể nói rằng: Gio-an Tẩy Giả sống trong tự do đích thực đó. Ông không mạo nhận mình là Đấng Cứu Thế theo như ý kiến của dân chúng gán cho ông. Ông chỉ nhận rằng: ông chỉ là tiếng người hô trong hoang địa. Và như thế là đủ cho ông. Ông không ảo tưởng về mình, ông không bị choá mắt bởi ánh hào quang tán tụng của dân chúng. Ông hoàn toàn tự do. Ông lắng nghe tiếng “Đấng đã sai ông” để giới thiệu đích danh Đức Giê-su là “Đấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần” (Ga 1,33).

Triết gia Socrates nói rằng: “Hãy tự biết mình.” Đó là điều làm cho bạn tự do. Vì thế, bạn hãy tự hỏi mình: Tôi có đang tự do không? Tôi có nhận ra mình đang ảo tưởng gì về chính mình không? Tôi có bị phụ thuộc bởi những lời khen chê của người khác khiến tôi không bình tâm tìm kiếm thánh ý Chúa để thi hành không?

BẢN TIN

1. Đức Thánh Cha: Đạo đức trí tuệ nhân tạo phải bảo vệ lợi ích gia đình nhân loại

Sáng thứ Ba 10/01/2023, Đức Thánh Cha tiếp những người đã ký vào “Rome Call for AI Ethics. Lời kêu gọi Roma cho Đạo đức trí tuệ nhân tạo”. Ngài khen ngợi nỗ lực của những người này trong việc bảo vệ lợi ích gia đình nhân loại, thúc đẩy đạo đức chung và tình huynh đệ, đồng thời cảnh giác sự lạm dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo.

Lời kêu gọi về Đạo đức trí tuệ nhân tạo là một tài liệu được ký kết vào ngày 28/02/2022, tại Roma, bởi Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống, Microsoft, công ty công nghệ IBM, Tổ chức Nông lương của Liên Hiệp Quốc (FAO) và chính phủ Ý. Mục đích nhằm thúc đẩy cách tiếp cận đạo đức đối với trí tuệ nhân tạo. Cụ thể, thúc đẩy tinh thần trách nhiệm chung giữa các tổ chức quốc tế, chính phủ và tư nhân nhằm nỗ lực tạo ra một tương lai, trong đó đổi mới kỹ thuật số và tiến bộ công nghệ trao cho nhân loại vị trí trung tâm.

Trong buổi tiếp kiến, trước hết, Đức Thánh Cha bày tỏ vui mừng khi thấy có sự tham gia của các phái đoàn Do Thái và Hồi giáo cho Lời kêu gọi này. Ngài nói: “Sự hoà hợp của quý vị trong việc thúc đẩy một nền văn hóa đặt công nghệ phục vụ công ích cho tất cả mọi người và chăm sóc ngôi nhà chung là mẫu gương cho nhiều người khác. Tình huynh đệ là điều kiện để phát triển công nghệ nhằm phục vụ công lý và hoà bình ở khắp nơi”.

Đức Thánh Cha nhìn nhận rằng trí tuệ nhân tạo ngày càng hiện diện trong mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày, ảnh hưởng đến cách chúng ta hiểu thế giới và chính mình, đồng thời khuyến khích các tham dự viên buổi gặp gỡ tiếp tục nỗ lực này.

Đức Thánh Cha khuyến khích đạo đức thuật toán, nghĩa là suy tư đạo đức về việc sử dụng thuật toán, cần hiện diện không chỉ trong cuộc tranh luận công khai nhưng còn trong việc phát triển các giải pháp kỹ thuật. Bởi vì, mọi người phải được hưởng sự phát triển nhân bản và hỗ trợ, không ai bị loại trừ.

Tiếp đến, ĐTC. nhắc mọi người cần phải thận trọng trong khi làm việc để đảm bảo rằng những người yếu đuối và dễ bị tổn thương không bị loại ra khỏi công nghệ. Chính khi quan tâm đến những người rốt cùng này, họ sẽ giúp chúng ta nhận ra giá trị của thân phận con người. Ở điểm này, Lời kêu gọi Roma có thể là một công cụ hữu ích cho cuộc đối thoại chung giữa tất cả mọi người, nhằm thúc đẩy sự phát triển của con người đối với các công nghệ mới, bởi vì nhân quyền tạo thành một điểm hội tụ quan trọng cho việc tìm kiếm nền tảng chung. Theo nghĩa này, sự tham gia ngày càng tăng đối với tài liệu là một bước quan trọng trong việc thúc đẩy nhân học kỹ thuật số, với ba phối hợp cơ bản: đạo đức, giáo dục và luật pháp.

Vatican News

2. Giáo hội Úc đau buồn về sự qua đời của Đức Hồng Y Pell

Giáo hội Công giáo Úc bày tỏ sự bất ngờ và đau buồn trước sự qua đời của Đức Hồng Y George Pell, nguyên Tổng trưởng Bộ Kinh tế Toà Thánh, hôm 10/01/2023, hưởng thọ 81 tuổi.

Trong một tuyên bố được đưa ra thứ Tư 11/01/2023, Đức Tổng Giám Mục Timothy Costelloe, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Úc bày tỏ sự bất ngờ và đau buồn về sự qua đời của Đức Hồng Y Pell. Ngài viết: “Là Tổng Giám Mục của Melbourne, Sydney và là thành viên của Hội đồng Giám mục trong hơn 25 năm, Đức Hồng Y Pell đã cống hiến một sự lãnh đạo mạnh mẽ và rõ ràng trong Giáo hội Công giáo ở Úc”.

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Úc khẳng định, nhiều điểm mạnh của Đức cố Hồng Y đã được công nhận rộng rãi, cả ở Úc và trên toàn thế giới, khi Toà Thánh bổ nhiệm ngài làm Tổng trưởng Bộ Kinh tế và là thành viên của Hội đồng Hồng y cố vấn. Vì thế ảnh hưởng của Đức Hồng Y Pell đối với đời sống của Giáo hội ở Úc và trên toàn thế giới sẽ tiếp tục được cảm nhận trong nhiều năm nữa.

Kết thúc tuyên bố, Đức Tổng Giám Mục Timothy Costelloe viết: “Trong lúc tưởng nhớ và suy tư về di sản của ngài, tôi mời tất cả người Công giáo và những người thiện chí cùng cầu nguyện cho Đức Hồng Y Pell, một người có đức tin sâu sắc và kiên vững, và cho linh hồn ngài được yên nghỉ”.

Đức cha Anthony Fisher, Tổng Giám Mục của Sydney viết trên Facebook: “Tin này đến như một cú sốc lớn đối với tất cả chúng ta”.  Đức cha xin mọi người cầu nguyện cho linh hồn Đức Hồng Y Pell được yên nghỉ, và ơn an ủi cho gia đình cũng như cho tất cả những ai yêu mến và đang thương tiếc ngài.

Đức Tổng Giám Mục Peter Comensoli của Melbourne cho biết ngài “rất buồn” trước tin này và viết trên Twitter: “Xin ánh sáng vĩnh cửu giờ đây thuộc về ngài, người đã kiên định tin vào Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô”.

Đức cha Richard Umbers, Giám mục Phụ tá Sydney nhắc lại Đức Hồng Y Pell là một người rất thông minh, luôn quan tâm đến mọi người xung quanh. Ngài viết: “Đức Hồng Y là người tiên phong trong nhiều điều tốt đẹp ở Sydney, Úc và toàn Giáo hội. Chúng ta cùng cầu nguyện cho linh hồn ngài được yên nghỉ”.

 Ngọc Yến

THÔNG BÁO

Xin cám ơn các ân nhân: Chị Xuân (Salon xe Phú Sơn) ủng hộ người nghèo 1 tấn gạo và ủng hộ giáo xứ 5 triệu; 1 ân nhân (Anrê K.Thông) ủng hộ người nghèo 3 triệu; quý Sơ (Hàn Thuyên) ủng hộ người nghèo 5 triệu.

PHỤNG VỤ TẾT QUÝ MÃO 2023

¨ Thứ   Bảy, 21.01.2023: 30 Tết

Sáng 04g45: Thánh lễ Tạ ơn Tất Niên

Tối 21g00: Thánh lễ Giao Thừa (Hái Lộc Lời Chúa)

¨ Chúa Nhật, 22.01.2023: Mồng 1 Tết

Sáng 05g00: Thánh lễ Minh Niên

Chiều 17g00: Thánh lễ Cầu Bình An Cho Năm Mới

¨ Thứ Hai, 23.01.2023: Mồng 2 Tết

Sáng 05g00: Thánh lễ Kính Nhớ Ông Bà Tổ Tiên

Chiều 17g00: Thánh lễ Kính Nhớ Ông Bà Tổ Tiên

¨ Thứ Ba, 24.01.2022: Mồng 3 Tết

Sáng 05g00: Thánh Hòa Công Ăn Việc Làm

Chiều 17g00: Thánh Hòa Công Ăn Việc Làm