Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2023

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 760

 
CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH
Ga 10, 1-10
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Thật, Ta bảo thật cùng các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên. Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra. Khi đã lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng kẻ ấy. Chúng sẽ không theo người lạ, trái lại, còn trốn tránh, vì chúng không quen tiếng người lạ”. Chúa Giêsu phán dụ ngôn này, nhưng họ không hiểu Người muốn nói gì. Bấy giờ Chúa Giêsu nói thêm: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là cửa chuồng chiên. Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp, và chiên đã không nghe chúng. Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân. Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá hủy. Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào”.
 
SUY NIỆM
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu ví mình như Mục tử. Người mục tử chân chính đi qua cửa mà vào chuồng chiên. Anh gọi chiên của anh bằng một tiếng gọi riêng, chiên nhận ra tiếng của anh và đi theo. Còn mục tử giả thì trèo tường, trèo rào mà vào chuồng. Chiên không theo anh ta, nhưng sợ hãi chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.
Chúa Giêsu gọi những mục tử giả đó là trộm cướp. Họ chỉ đến để giết hại và phá hủy đàn chiên. Còn Ngài đến để chiên được sống, và sống dồi dào. Giữa chiên và Ngài có một mối dây thân thiết: “Tôi biết chiên tôi và chiên tôi biết tôi.” Chiên đã trở thành điều vô cùng quý giá đối với Ngài, đến nỗi Ngài dám hy sinh mạng sống mình cho chúng.
Chúa nhật IV Phục sinh này cũng được gọi là Chúa chiên lành. Đây là dịp để chúng ta bày tỏ tình hiệp thông với Đức Thánh Cha Phanxicô, vị Mục tử tối cao của Giáo Hội Công giáo và là người kế vị Thánh Phêrô tông đồ. Chúng ta cầu nguyện cho Ngài và cho các vị chủ chăn trên toàn thế giới, được ơn can đảm, khôn ngoan để có thể dẫn đưa Dân Chúa đến đồng cỏ xanh tươi và đến suối mát trong lành, tức là hưởng trọn vẹn tình yêu ngọt ngào của Chúa, là phần thưởng cho những ai tin cậy yêu mến Người. Xin Chúa ban cho Giáo Hội hoàn vũ và các Giáo Hội địa phương luôn vững mạnh trước phong ba bão táp trần gian.
Nguyện xin Chúa Giêsu Kitô, vị Mục tử nhân lành, dẫn đưa nhân loại ra khỏi vực thẳm của tội lỗi và của dịch bệnh đang đe dọa thế giới. Xin Người cho chúng ta được ơn an bình. Amen.
 
BẢN TIN
Thánh Catarina Siena: Ba Bài Học Dành Cho Kitô Hữu Hiện Đại
Thật vậy, đã hơn 600 năm kể từ khi thánh nữ qua đời, nhưng sự nhiệt tâm và thánh thiện của ngài luôn trường tồn với thời gian. Những câu chuyện về cuộc đời thánh nữ để lại một số bài học có thể áp dụng cho chúng ta, những Kitô hữu ngày nay.
1Catarina, một người phụ nữ can đảm làm chứng cho sự thật trong thời điểm xung đột
Nếu cho rằng chính trị thời hiện đại gây chia rẽ và nguy hiểm, thì có lẽ chúng ta nên nhìn vào Siena những năm 1300! Khi mà các quận chúa, phe phái tham chiến đã xé nát bán đảo Ý, và hầu hết những người nắm quyền đều bị lôi kéo vào những cuộc tranh chấp tương tàn.
Trong bối cảnh đó, cuộc đời thánh thiện của Thánh Catarina càng tỏa sáng rực rỡ hơn. Dong duổi khắp nơi, như một “tiếng kêu trong sa mạc”. Thánh nữ kêu gọi thiết lập lại hòa bình cho những vùng đang gặp chiến tranh, và mời gọi sự khiêm tốn phục vụ nơi những người nắm giữ quyền bính.
Là người hiếm hoi ủng hộ chân lý của Đức Kitô, nỗ lực nói lên sự thật và truyền bá sứ điệp của Đức Kitô đã giúp Catarina được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đáp ứng khát vọng thuộc trọn về Thiên Chúa của ngài. Chẳng hạn, năm 1378, Đức giáo hoàng Gregory cử Catarina đến Florence để thương lượng hầu vãn hồi hòa bình sau khi thành phố này gây chiến với Tòa thánh: “Thật không may, qua thái độ bè phái của các cộng sự ở Florentine của mình, Catarina đã bị liên lụy vào chính trị nội bộ của thành phố, và trong một cuộc đụng độ hỗn loạn công khai, người ta đã nỗ lực và cứu thoát ngài khỏi vòng vây của những người hiếu chiến. NhưngCatarina đã thất vọng cay đắng về sự trốn thoát của mình, nhìn nhận rằng, chính tội lỗi của mình đã tước đi bông hồng đỏ của sự tử đạo.”
Phản ứng của Catarina khi được thoát chết, có lẽ không phải là cách mà hầu hết chúng ta sẽ phản ứng! Dù thế, chúng ta vẫn có thể học được rất nhiều điều từ sự can đảm của thánh nữ.
Thánh Catarina đã không sợ đứng lên đấu tranh cho hòa bình, cho lòng thương xót, cho đức ái đích thực. Chắc chắn, chứng tá kiên trung của ngài đối với Tin Mừng không phải lúc nào cũng được người khác yêu mến! Nhưng không có sự chống đối và vu khống nào mà Catarina phải đối diện có thể ngăn cản ngài thực thi bổn phận của mình với tư cách là một Kitô hữu.
2Catarina, bảo vệ ơn gọi mà Thiên Chúa dành cho mình, ngay cả khi phải đối diện với áp lực nặng nề
Trong suốt cuộc đờiđể sống trọn vẹn cho tình yêu Thiên Chúa, Thánh Catarina gặp khó khăn đến từ nhiều phía. Một ví dụ điển hình là sự khó khăn đến từ chính cha mẹ của mình: Năm 16 tuổi, Bonaventura, người chị gái của Catarina qua đời, để lại người chồng góa bụa. Cha mẹ của Catarina đề nghị anh kết hôn với Catarina để thay thế, nhưng vì đã đoan hứa dành trọn cuộc đời cho Chúa Giêsu, Catarina phản đối điều này. Do đó, Catarina bắt đầu nhịn ăn và thậm chí cắt phăng mái tóc óng ả, để làm cho mình bớt đi vẻ xinh đẹp quyến rũ. Cha mẹ Catarina đã cố gắng chống lại động thái tránh né kết hôn này, nhưng họ đã không thành công.
Vào thời đó, việc một người phụ nữ kết hôn với người góa vợ của chị em gái mình là một thông lệ. Việc Catarina kiên quyết không vâng lời cha mẹ trong vấn đề này hẳn có vẻ như là một sự cố chấp có chủ đíchNhưng Catarina biết rằng Thiên Chúa có kế hoạch khác cho mình, và ngay cả tình hiếu thảo cũng không làm cho Catarina quay lưng lại với ý muốn của Thiên Chúa.
Ngày nay chúng ta nghe nhiều về việc “lắng nghe tiếng nói nội tâm”. Nếu “tiếng nói nội tâm” này là “tiếng nói êm dịu, nhỏ nhẹ” của Thiên Chúa phán trong lương tâm của chúng ta, thì chúng ta nên tuân theobất kể những trở ngại, thách đố luôn có đó. Thánh Catarina cẩn thận phân định ý muốn của Thiên Chúa dành cho mình và rồi kiên trì thi hành. Quyết tâm vâng theo tiếng gọi của Thiên Chúa, ngay cả khi đối diện với những áp lực của thế gian, là một tấm gương cho tất cả chúng ta.
3Catarina, phục vụ vương quốc của Thiên Chúa, dưới đất cũng như trên trời
Chúng ta thường dễ dàng tự nhủ rằng: cố gắng chịu đựng hoặc gạt bỏ những thử thách hiện tại trong cuộc sống trần thế này, với sự đảm bảo rằng “Mọi chuyện sẽ ổn ở kiếp sau. Nhưng Thánh Catarina hoàn toàn không áp dụng phương thế này, trái lại, ngài không chỉ cống hiến hết mình để phục vụ người nghèo, người đau bệnh mà còn tham gia rất nhiều vào những hoạt động chính trị dân sự và giáo hội đương thời. Thật vậy, Thánh nữ:chăm sóc bệnh nhân, đặc biệt là những người mắc những căn bệnh lở loét, dễ lây nhiễm, và đáng sợ nhất; đi khắp nơi để phục vụ người nghèo; và tận tâm thăm viếng, khuyên nhủ để hoán cải tội nhân… Catarina cũng viết nhiều thư cho những người nam, nữ trong mọi hoàn cảnh sống; trao đổi thư từ với các quận chúa và những người nắm giữ quyền lực của Ý; được các vị giáo hoàng hỏi ý kiến ​​về những vấn đề của Giáo hội. Đồng thời, ngài cũng dấn thân vào việc chữa lành những vết thương của quê hương bằng cách ngăn chặn sự bùng nổ cuộc nội chiến và những thiệt hại của óc bè phái
Chính việc cầu nguyện và suy niệm đã tiếp thêm sinh lực và hướng dẫn những nỗ lực của CatarinaThánh nữ là một mẫu gương sống động về sự kết hợp giữa đức tin và việc làm” mà Thánh Giacôbê đã viết: “Thật thế, một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 226).
Chỉ với đôi nét rất nhỏ của một cuộc đời vĩ đại, Thánh Catarina nhắc chúng ta rằng, là Kitô hữu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta đều được mời gọi và có bổn phận xây dựng công lý và hòa bình trong thực tế cuộc sống.
Với tình yêu Thiên Chúa sâu xa, Thánh nữ đã cân bằng sự thánh thiện, sự kết hợp thiêng liêng với Thiên Chúa với những nỗ lực cụ thể và tích cực để bảo vệ sự hiệp nhất của Giáo hội, cổ võ cuộc sống hoà bình, dấn thân để giúp con người sống xứng với nhân phẩm hơn,…. Tất cả, như một cách để nếm trải hạnh phúc của Vương quốc vĩnh cửu ngay trên trần gian này.
Theresa Civantos Barber

VUI VỚI NGƯỜI VUI

Anh Phêrô Nguyễn Nhật Anh, con ông bà: Giuse Nguyễn Văn Anh – Cecilia Nguyễn Thị Huyền Đan, kết hôn với chị Maria Bùi Minh Hiếu, con ông bà: Bùi Minh Quang – Võ Thị Cúc (Gx. Phan Rí Cửa), đã cử hành bí tích hôn phối tại nhà thờ Chính Tòa, vào lúc 17g30, thứ Sáu ngày 28.04.2023.
Giáo xứ xin chia vui và cầu chúc các đôi bạn sống hạnh phúc trong tình yêu của Thiên Chúa.

THÔNG BÁO

1. Thứ Ba, ngày 02.5.2023, Giáo hội mừng kính thánh tử đạo Giuse Nguyễn Văn Lựu, cũng là bổn mạng của Giáo họ Giuse Lựu. Xin cộng đoàn tham dự Thánh lễ cầu nguyện cho Giáo họ Giuse Lựu. 

2. Vào lúc 5h00, sáng Thứ Bảy ngày 06.05.2023: Đức Giám mục giáo phận sẽ dâng Thánh lễ giỗ cho Đức cố Giám mục Nicola Huỳnh Văn Nghi tại nhà thờ Chính Tòa. Xin cộng đoàn tham dự thánh lễ cầu nguyện cho Đức cố Giám mục Nicola.

    3. Sau Thánh lễ chiều thứ Bảy ngày 06.05.2023, sẽ khai mạc tháng hoa kính Đức Mẹ. Xin cộng đoàn tham dự. 

Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2023

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 759

 


CHÚA NHẬT III PHỤC SINH

Lc 24, 13-35

Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra. Ðang khi họ nói truyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. Người hỏi: “Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?” Một người tên là Clêophas trả lời: “Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay”. Chúa hỏi: “Việc gì thế?” Các ông thưa: “Sự việc liên can đến ông Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel. Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi. Nhưng mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi, quả thật, đã làm chúng tôi lo sợ. Họ đến mồ từ tảng sáng. Và không thấy xác Người, họ trở về nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng: Người đang sống. Vài người trong chúng tôi cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng như lời các phụ nữ đã nói; còn Người thì họ không gặp”.

Bấy giờ Người bảo họ: “Ôi kẻ khờ dại chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Ðấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?” Ðoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người. Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn”. Người liền vào với các ông.

Ðang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Ðoạn Người biến mất. Họ bảo nhau: “Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta, khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?” Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Họ bảo hai ông: “Thật Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon”. Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.

 

SUY NIỆM

Tin mừng thuật lại câu truyện Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmaus. Hai môn đệ đã từng có một thời theo Chúa. Các ông tin rằng Ngài là Đấng được Thiên Chúa sai đến để thiết lập vương quốc. Thế nhưng, chứng kiến cái chết của thầy mình thì mọi hy vọng, mọi mơ ước của các ông giờ đây đã tan theo mây khói. Sau cái chết trên thập giá vào chiều ngày thứ Sáu tuần thánh, các ông đã bỏ mặc Ngài nơi nấm mồ cô quạnh và trở về với nếp sống trước kia. Chính trong bối cảnh thất vọng trở về quê làng Emmaus, các ông đã gặp người khách lạ trên đường đi. Các ông lắng nghe vị khách ấy, chăm chú nhìn vị khách ấy bẻ bánh và rồi một điều gì đó đã xảy ra khiến các ông xúc động: Vị khách ấy chính là Chúa Giêsu đang sống động trước mặt các ông. Các ông đã nhận ra Người, và tức khắc các ông đã trở lại Giêrusalem để loan báo tin vui cho các tông đồ, tin vui Chúa đã Phục Sinh.

Câu chuyện hai môn đệ đi Emmaus phải chăng cũng là câu chuyện của mỗi người chúng ta, bởi vì trong cuộc sống, chúng ta cũng đã từng gặp phải những giờ phút bão táp, khủng hoảng về đức tin. Thế rồi một ngày nào đó, chúng ta đã gặp được một người, có thể là một vĩ khách lạ, nhưng qua người này, chúng ta tìm lại được Chúa giữa lòng Giáo Hội trong nghi thức bẻ bánh. Và chúng ta đã được biến đổi để chúng ta cũng trở nên nhân chứng của Chúa.

Xin Chúa hãy cùng đi với chúng ta trên vạn nẻo đường đời, như xưa Chúa đã cùng đi với hai môn đệ trên đường Emmaus, nhờ đó đức tin của chúng ta sẽ được nâng đỡ và bản thân chúng ta sẽ trở thành chứng nhân cho Tin Mừng của Chúa.


BẢN TIN

1.      Kinh Thánh trọn bộ đã được dịch ra 733 ngôn ngữ

Tính đến nay, trên thế giới Kinh Thánh trọn bộ đã được dịch ra 733 ngôn ngữ.

Theo Hội Kinh Thánh Áo, trích báo cáo năm 2022 của Liên hiệp Kinh Thánh Thế giới, Kinh Thánh trọn bộ đã được dịch ra 733 ngôn ngữ, riêng Kinh Thánh Tân Ước đã được dịch ra 1.622 thứ tiếng, và ít là một phần Kinh Thánh đã được dịch ra  3.610 ngôn ngữ.

Như vậy, trong năm qua, các dự án dịch thêm 57 ngôn ngữ đã được hoàn thành. Cụ thể: có 38 ngôn ngữ Kinh Thánh được dịch ít là một phần, Tân Ước có thêm 5 ngôn ngữ mới, và Kinh Thánh trọn bộ được dịch trong 14 ngôn ngữ mới. Với những bản dịch mới này, có thêm 100 triệu người có thể đọc Kinh Thánh bằng tiếng mẹ đẻ. Tổng cộng, trong năm vừa qua,  có 81 dự án dịch Kinh Thánh hoàn thành.

Trong năm qua, Kinh Thánh được dịch ra lần đầu tiên trong hai ngôn ngữ có 7 triệu người sử dụng tại Ethiopia bên Phi châu. Gần 1,8 triệu người dân tộc Tày ở Việt Nam cũng có thể đọc Kinh Thánh trong ngôn ngữ của họ.

Liên hiệp Kinh thánh thế giới có 160 thành viên đang hoạt động tại hơn 180 quốc gia và lãnh thổ với nhiệm vụ dịch, xuất bản và phổ biến Kinh thánh. Dự án của Liên hiệp Kinh Thánh là vào năm 2038 Kinh Thánh trọn bộ sẽ được đọc trong 1.200 ngôn ngữ. (Osservatore romano 17/4/2023)

Tác giả: Ngọc Yến - Vatican News

 

2.      Đức Thánh Cha gửi sứ điệp tới Thế vận hội Olympic 2024

Thứ Ba 18/4/2023, trong sứ điệp được ký bởi Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, gửi đến người Công giáo Pháp dịp Thế vận hội Mùa hè 2024, Đức Thánh Cha hy vọng đây là sẽ cơ hội đối thoại giữa các dân tộc và thúc đẩy tình huynh đệ đích thực, điều thế giới đang cần.

Thế vận hội Olympic 2024 là một sự kiện thể thao đa môn quốc tế, dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 26/7 tới 11/8/2024 tại Paris, và 16 thành phố khắp lãnh thổ Pháp cùng với một thành phố tại Tahiti, hòn đảo thuộc xứ hải ngoại và cộng đồng hải ngoại Polynésie thuộc Pháp.

Sứ điệp gửi đến Thế vận hội mở đầu: “Anh chị em Công giáo Pháp thân mến, Thế vận hội sẽ diễn ra vào mùa hè năm 2024 tại đất nước thân yêu của anh chị em. Đối với anh chị em, được chào đón cả thế giới là một niềm vui và cũng là một trách nhiệm”.

Vì thế, Đức Thánh Cha mời gọi người Công giáo Pháp tích cực dấn thân để sự kiện này là cơ hội cho những cuộc gặp gỡ sâu sắc và hiệu quả giữa những người thuộc mọi tầng lớp xã hội, thuộc các dân tộc, nền văn hóa và tôn giáo khác nhau.

Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu trở thành tình nguyện viên, đón tiếp mọi người bằng việc mở rộng cửa nhà thờ, trường học và nhà ở. Sứ điệp viết: “Trên tất cả, hãy mở rộng trái tim anh chị em. Bằng sự tiếp đón nhưng không, quảng đại và tận tâm, anh chị em sẽ làm chứng một cách mạnh mẽ cho Chúa Kitô, Đấng ngự trong anh chị em và là Đấng thông truyền niềm vui của Người cho anh chị em”.

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha còn khích lệ người Công giáo Pháp không quên giúp đỡ những người khuyết tật, người nghèo và người bị gạt ra bên lề, hội nhập vào sự kiện thể thao cao đẹp này. Ngài bày tỏ mong muốn Thế vận hội sẽ là cơ hội, qua thể thao, tuôn đổ tình huynh đệ đích thực mà thế giới đang rất cần.

Cuối sứ điệp, Đức Thánh Cha ban phép lành cho tất cả các nhà tổ chức, các tình nguyện viên, những người sẽ đáp ứng lời kêu gọi của ngài và cho tất cả những ai sẽ tham gia Thế vận hội Mùa hè 2024.

Tác giả: Ngọc Yến - Vatican News

 

 

THÔNG BÁO

1.    Vào lúc 7h00, sáng Thứ Bảy ngày 29.04.2023: rửa tội cho trẻ sơ sinh. Xin quý cha mẹ có con rửa tội, đến xin giấy giới thiệu nơi Ban Điều Hành giáo họ, và nộp sổ gia đình về văn phòng giáo xứ trong tuần này.

 

2.    Sáng thứ bảy, ngày 29 tháng 4: trao Mình Thánh Chúa cho người già và bệnh nhân.


Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2023

BẢN TIN HĂNG TUẦN SỐ 758

 


CHÚA NHẬT II PHỤC SINH

Ga 20, 19-31

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.

Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Ðoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.

Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.

 

SUY NIỆM

Đoạn Tin Mừng hôm nay kể lại hai lần Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với các môn đệ.

Lần thứ nhất: Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với nhóm các môn đệ đang run sợ trong căn phòng đóng kín. Ngài đã cầu chúc bình an, còn các ông thì vui mừng khi gặp lại Ngài. Chúa Giêsu hiện ra không phải chỉ để đem lại cho các ông niềm vui mừng và an ủi sau những giờ phút kinh hoàng của cuộc thương khó. Nhưng hơn thế nữa, Ngài còn muốn mời gọi các ông tham dự vào sự biến đổi sâu xa nơi bản thân Ngài. Các ông đã biết Ngài trong cuộc sống thân xác, nhưng cuộc sống ấy đã qua bởi vì Ngài đã sống lại, đã được đổi mới trong Thánh Thần cho một cuộc sống mới, trong một cuộc sáng tạo mới. Đồng thời Ngài hà hơi để ban cho các ông sinh khí mới là Thánh thần. Chính nguồn sinh khí mới này sẽ đem lại cho các ông quyền tha tội, mà trước đây chỉ dành cho một mình Chúa Giêsu. Và sau đó, Ngài sai các ông lên đường làm chứng cho Ngài.

Lần thứ hai Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ, trong đó có cả Tôma một người vốn cứng lòng. Và chúng ta thấy Tôma đã tuyên xưng đức tin của mình sau khi đã nhìn thấy những vết thương nơi tay chân và trái tim của Chúa. Từ đó, Ngài mời gọi các ông hãy có lấy một lòng tin mới. Từ nay lòng tin sẽ không còn đặt nền tảng trên giác quan, mà là trên chứng từ của những người đã thấy. Chính với lòng tin này mà người Kitô hữu được kết hiệp mật thiết với Đức Kitô Phục sinh.

Ngày nay, mỗi chúng ta cũng sẽ tiếp nối sứ mạng được sai đi làm chứng cho Chúa, để xây dựng một quan hệ mới giữa con người với con người. Con người thuộc thế giới cũ, bị đặt dưới quyền lực của sự chết và bị coi như thù địch. Trong khi đó, con người phục sinh với cuộc sống mới, phải đối xử với nhau như anh em phải yêu thương và đùm bọc lấy nhau. Thực hiện được sứ mạng sai đi như thế, là chúng ta đã chu toàn được điều Đức Kitô Phục sinh nhắn gởi đến mỗi người chúng ta.

 

BẢN TIN

1. Liên Hiệp Quốc và Vatican cùng loại bỏ “Đạo lý về sự khám phá”

Ông José Francisco Calí Tzay, chuyên gia về quyền người bản địa của Liên Hiệp Quốc chào mừng việc Vatican loại bỏ “Đạo lý về sự khám phá”, và bày tỏ hy vọng các chính phủ khác theo Toà Thánh trong lĩnh vực này. “Đạo lý về sự khám phá” là một lý thuyết để biện minh cho việc những người thực dân châu Âu có quyền chiếm đoạt đất đai và tài sản của người bản địa bằng cách mua lại hoặc chinh phục.

Trong một tuyên bố chung vào ngày 30/3/2023, Bộ Văn hoá và Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện đã chính thức bác bỏ “những khái niệm không công nhận quyền của người bản địa, bao gồm cả những gì được gọi là ‘Đạo lý về sự khám phá’ về pháp lý và chính trị”.

Tuyên bố viết: “Nhờ đối thoại với người bản địa, Giáo hội đã nhận thức rõ hơn về những đau khổ trong quá khứ và hiện tại của họ, do bị chiếm đoạt đất đai… cũng như các chính sách cưỡng bức đồng hoá, được thúc đẩy bởi chính quyền, nhằm mục đích loại bỏ văn hoá của họ”.

Toà Thánh khẳng định “Đạo lý về sự khám phá” không phải là một phần trong giáo lý của Giáo hội Công giáo. Thực tế, trong lịch sử, các Giáo hoàng đã lên án các hành động bạo hành, áp bức, bất công xã hội và chế độ nô lệ, kể cả hành vi chống lại người dân bản địa. Hơn thế nữa, trong Giáo hội đã có nhiều mẫu gương của các Giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân hy sinh mạng sống để bảo vệ nhân phẩm cho các dân tộc đó.

Trong tuyên bố, hai Bộ của Toà Thánh cũng nhìn nhận nhiều Kitô hữu đã thực hiện những hành vi xấu xa chống người bản địa. Và chính vì thế, các vị Giáo hoàng gần đây đã nhiều lần xin tha thứ về hành vi này.

Ông José Francisco Calí Tzay, chuyên gia về quyền người bản địa của Liên Hiệp Quốc cho rằng “Đạo lý về sự khám phá” là một vết thương mở đối với nhiều người bản địa trên khắp thế giới. Điều này phải được giải quyết như một phần của quá trình hoà giải giữa các dân tộc bản địa và các quốc gia thuộc địa.

Với tuyên bố của Vatican, chuyên gia của Liên Hiệp Quốc khen ngợi sự công nhận của Toà Thánh về những tác hại của thực dân hoá, gồm cả nỗi đau mà người dân bản địa phải chịu đựng, và chào mừng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha trong việc thúc đẩy sự tôn trọng và đối thoại lẫn nhau, đồng thời từ bỏ não trạng thực dân hoá. Quan chức của Liên Hiệp Quốc còn kêu gọi các chính phủ khác theo Toà Thánh thực hiện điều này.

Tác giả: Ngọc Yến - Vatican News


2. Chủ đề Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi

Ngày 13/4/2023, Bộ Giáo dân, Gia đình, và Sự Sống đã công bố chủ đề của Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi lần thứ ba, được cử hành vào ngày 23/7 năm nay (2023): “Lòng thương xót của Người từ đời nọ sang đời kia” (Lc 1,50).

Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi được Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập vào năm 2021 bởi vì, theo ngài, các ông bà thường bị quên lãng, tuy nhiên họ “là sự kết nối giữa các thế hệ khi chuyển trao kinh nghiệm sống và kinh nghiệm đức tin cho thế hệ trẻ”.

Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi được cử hành hàng năm vào Chúa Nhật thứ tư của tháng 7, gần với lễ kính nhớ hai thánh Gioakim và Anna, thân sinh của Mẹ Maria. 

Chủ đề kết nối với chủ đề của Đại hội Quốc tế Giới trẻ Lisbon

Đức Thánh Cha đã chọn chủ đề cho Ngày này năm nay là “Lòng thương xót của Người từ đời nọ sang đời kia” (Lc 1,50). Chủ đề này kết nối với chủ đề Đại hội Quốc tế Giới trẻ, từ ngày 1 đến 6/8 năm nay (2023), cũng trích từ chương 1 của Phúc Âm Thánh Luca: “Đức Maria trỗi dậy và vội vã lên đường” (Lc 1,39).

Tuyên bố của Bộ Giáo dân, Gia đình, và Sự Sống nói rằng chủ đề của Đại hội Quốc tế Giới trẻ cho chúng ta thấy thiếu nữ Maria lên đường đi tìm gặp người chị họ cao tuổi Elizabeth và đã lớn tiếng công bố, trong kinh Magnificat, sức mạnh của liên minh giữa người trẻ và người già.

Vào Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi năm nay, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ tại đền thờ Thánh Phêrô và mời các giáo xứ, giáo phận, hiệp hội và cộng đồng giáo hội ở khắp nơi trên thế giới cử hành Ngày này trong bối cảnh mục vụ của họ. (CSR_1471_2023)

Tác giả: Hồng Thủy - Vatican News

 

KHÓC VỚI NGƯỜI KHÓC

Bà Matta Trần Thị Dụng, sinh 1944 tại Quảng Bình, là mẹ của anh Phêrô Nguyễn Minh Phước, ở tại giáo họ Anrê Trông, đã qua đời ngày 8/4/2023 tại Phan Thiết. Lễ an táng lúc 4g45 ngày 10/4/2023 tại Nhà Thờ Chính Tòa, sau đó đưa đi an táng tại nghĩa trang Vinh An.

ông Phêrô Lê Văn Ánh, sinh 1959 tại Sài Gòn, là chồng của chị Matta Nguyễn Thị Thảo, ở tại giáo họ Anrê Trông, đã qua đời ngày 11/4/2023 tại Phan Thiết. Lễ an táng lúc 4g45 ngày 14/4/2023 tại Nhà Thờ Chính Tòa, sau đó đưa đi an táng tại nghĩa trang Vinh An. 

Giáo xứ xin chia buồn cùng tang quyến và hiệp thông cầu nguyện cho linh hồn Matta và Phêrô mau về hưởng tôn nhan Chúa.


Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2023

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 757

 


CHÚA NHẬT I PHỤC SINH

Ga 20, 1-9

Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.

 

SUY NIỆM

Người ta nói “chết là một phần tất yếu của cuộc sống”. Cái chết không loại trừ bất cứ ai. Tất cả cùng đi vào dĩ vãng của dòng đời, đôi khi chẳng để lại cho đời một chút luyến tiếc, nhớ thương.

Tuy nhiên, một điều mà nhân loại vẫn thao thức qua qua mọi thời đại là chết rồi đi đâu? Nơi ấy con người ra sao? Sinh vật nào hiện diện và sự sinh hoạt nơi ấy diễn ra có giống với thế giới mà ta gọi là dương thế hay dương gian hay không?

Cho đến nay, cái chết vẫn là ẩn số mà các nhà khoa học không bao giờ tìm được câu trả lời thỏa đáng. Vì nó vẫn vượt lên trên sự suy nghĩ của con người, và có lẽ con người sẽ không bao giờ lý giải được về cái chết.

Người Kitô hữu chúng ta chỉ biết được cái chết một cách trọn vẹn trong ánh sáng Phục Sinh của Chúa Kitô. Sự sống lại của Chúa là lời mạc khải về sự sống đời sau. Sự sống lại là hồng phúc mà Thiên Chúa ban cho nhân loại qua cái chết của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa.

Sự phục sinh của Chúa Giêsu được Phúc Âm ghi lại qua những lần Chúa hiện ra với các môn đệ, với những người thân tín của Chúa. Sự Phục sinh của Chúa còn được ghi dấu ấn qua ngôi mộ trống.

Sự Phục sinh của Chúa cho chúng ta một niềm vui mừng và hy vọng cho kiếp người chúng ta. Cái chết chỉ là một chuyển tiếp để được sống mãi bên Chúa nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô.

Cùng chết với Đức Kitô nghĩa là cùng chết đi con người cũ với những tính hư nết xấu để sống lại con người mới là con cái Thiên Chúa. Con người cũng phải chôn đi những tính xác thịt yếu đuối để từ khước những danh lợi thú mau qua. Nhất là con người cũng phải biết chết đi ý riêng của mình để ý Chúa được thục hiện trong cuộc đời chúng ta. Ý Chúa vẫn là tiếng mời gọi làm việc lành tránh điều dữ. Ý Chúa vẫn mời gọi chúng ta sống có ích cho tha nhân qua tinh thần bác ái, dấn thân phục vụ.

Ước gì đời sống Kitô hữu chúng ta luôn biết chết đi con người cũ để được sống lại với Chúa trong vinh quang phục sinh. Xin cho chúng ta đừng vì những đam mê lầm lạc mà đánh mất nước Trời mai sau. Amen.

 

BẢN TIN

1.             Hungary hy vọng Đức Thánh Cha đến đất nước để thắp sáng đức tin

Trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News, ông Eduard Habsburg, Đại sứ của Hungary cạnh Toà Thánh cho biết, người dân đang mong đợi chuyến tông du của Đức Thánh Cha vào cuối tháng này, và tin rằng ngài đến để thắp sáng đức tin cho mọi người.

Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Hungary từ ngày 28 đến 30/4/2023. Đây là lần viếng thăm lần thứ hai trong hai năm qua. Trước đó, vào tháng 9/2021, ngài đã đến Hungary để chủ sự Thánh lễ khai mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52, được cử hành tại Quảng trường Anh hùng ở thủ đô Budapest.

Đề cập chuyến tông du, ông Habsburg nhấn mạnh cuộc viếng thăm lần này rất có ý nghĩa với người dân Hungary. Lần trước, Đức Thánh Cha chỉ ở 7 tiếng, nhưng mỗi giây phút đều có giá trị. Người dân cảm nhận được tình thương của Đức Thánh Cha dành cho họ trong cuộc viếng thăm lần trước. Vì thế dân chúng rất mong đợi cuộc viếng thăm, và theo ông, sự nhiệt tình và sẵn sàng cho cuộc viếng thăm này còn lớn hơn lần trước, nhiều hoạt động, với các buổi gặp gỡ, phỏng vấn, hoạt động chuẩn bị đang rộn ràng khắp nơi.

Với câu hỏi về đời sống đức tin của người Công giáo, Đại sứ khẳng định: “Chúng tôi có một đất nước không sợ thể hiện niềm tin tôn giáo ở nơi công cộng. Chúng tôi có một sự tách biệt rõ ràng giữa Giáo hội và Nhà nước, bởi vì ngày nay điều đó luôn bình thường, nhưng Giáo hội và Nhà nước cùng nhau làm việc”. Ở điểm này ông Habsburg giải thích thêm, Hiến pháp của Hungary được bắt đầu với từ “Chúa” và những lời của quốc ca được bắt đầu: “Thiên Chúa chúc lành cho người Hungary”. Đây là dấu hiệu rõ ràng về căn tính Kitô của đất nước. Điều này có thể thấy rõ trong thực tế, như người dân rất quan tâm đến những gì Đức Thánh Cha đang làm, những gì đang diễn ra ở Vatican, và cả Giáo hội hoàn vũ. Đến Hungary, người ta sẽ thấy một quốc gia Kitô đầy sức sống.

Trong bối cảnh cuộc viếng thăm, chiến tranh tại Ucraina vẫn tiếp diễn, và trong hơn một năm qua khoảng một triệu người Ucraina đã đi qua Hungary, một số trong đó đã ở lại. Đức Thánh Cha cũng sẽ gặp người tị nạn trong cuộc viếng thăm. Nói về điều này, ông Habsburg cho biết những người tị nạn muốn ở lại Hungary đã được tạo công ăn việc làm, còn trẻ em thì được đến trường. Đối với ông, đây là sáng kiến trợ giúp nhân đạo lớn nhất mà Hungary đã từng thực hiện trong lịch sử đất nước. Và mọi người sẽ tiếp tục làm như vậy nếu cần thiết. Ông nói Đức Thánh Cha biết Hungary đang làm phần của mình trong việc giảm bớt tình trạng khó khăn của người di cư. Vì thế cuộc gặp gỡ sẽ là một sự khích lệ cho những ai đang rộng tay đón tiếp người tị nạn.

Vào cuối cuộc phỏng vấn, Đại sứ hy vọng qua chuyến tông du này lịch sử tuyệt vời về tình bạn giữa Đức Thánh Cha và người dân Hungary tiếp tục. Lần này, vị cha chung của các tín hữu Công giáo trên khắp thế giới sẽ thắp sáng niềm tin cho đất nước.

Ngọc Yến - Vatican News

 

2.      Thánh lễ truyền dầu tại nhà thờ chính tòa giáo phận phan thiết

Lúc 8h30, thứ Tư, ngày 05/4/2023, mọi thành phần dân Chúa Giáo phận Phan Thiết qui tụ tại Nhà thờ Chính Tòa để hiệp thông với Đức cha Giuse, Giám mục Giáo phận trong Thánh lễ Truyền Dầu. Thánh Lễ sáng nay, Đức Giám mục sẽ thánh hiến Dầu thánh, làm phép Dầu Dự tòng và Dầu Bệnh nhân.

Giáo hội xin Chúa thánh hóa Dầu, để Dầu thấm đượm sức mạnh của Chúa Thánh Thần và quyền năng Chúa Kitô, làm cho Dầu trở thành Bí tích mang lại ơn cứu độ và sự sống vẹn toàn cho những ai tin tưởng lãnh nhận. Trong các bí tích, khi Dầu thấm nhập vào thân xác, thì ân sủng của Chúa Thánh Thần sẽ chữa lành và cứu độ.

Hôm nay, cũng là dịp đặc biệt và hữu ích để Linh mục đoàn Giáo phận Phan Thiết bày tỏ cách cụ thể tình hiệp thông với Đức Giám mục, là vị chủ chăn tối cao của Giáo phận. Đây còn là hình ảnh sống động của Giáo hội Hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ. Thánh Inhaxiô thành Antiôkia đã dạy: “Mỗi khi Đức Giám Mục cử hành phụng vụ với đoàn chiên của mình, cùng với Linh mục đoàn và các Thừa tác viên bao quanh, thì đó chính là lúc mầu nhiệm Giáo hội được tỏ lộ và là dấu chỉ sự hiệp nhất của Nhiệm Thể Chúa Kitô”.

Xin cho các linh mục, bởi chính đời sống, có thể làm chứng cho mọi người một cách thuyết phục rằng: “Những ai từng gặp Đức Kitô trong cuộc đời của mình đều luôn cảm thấy một sự thanh thản và niềm vui trong tâm hồn mà không một ai, không một hoàn cảnh nào có thể lấy đi khỏi con người họ.”

Hôm nay, Đức Giám mục Giáo phận sẽ ban Phép lành Tòa Thánh với ơn Toàn xá cho những ai Tham dự Thánh lễ Dầu với các điều kiện thông thường: Xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng.

 

THÔNG BÁO

Giáo xứ xin tri ân một ân nhân, thuộc giáo họ Giuse Thị đã ủng hộ cho giáo xứ 2 cây quạt lớn. Xin Chúa chúc lành cho quý vị


Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2023

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 756

 


CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM A

Mt 21, 1-11

Khi Ðức Giêsu và các môn đệ đi gần tới thành Giê-ru-sa-lem đến làng Bết-pha-ghê, phía núi cây ô-liu, Người sai hai môn đệ và bảo: “các anh đi vào làng trước mặt kia và sẽ thấy ngay một con lừa mẹ đang cột sẵn đó, có con lừa con bên cạnh. Các anh cởi dây ra và dắt về cho Thầy. Nếu có ai nói gì, thì trả lời là Thầy có việc cần dùng. Thầy sẽ trả ngay. Sự việc đã xảy ra như thế để ứng nghiệm lời ngôn sứ.

“Hãy bảo thiếu nữ xi-on: Kìa Ðức Vua đến với ngươi; Khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, lưng lừa con, là con của thú vật chở đồ.”

Các môn đệ ra đi và làm theo lời Ðức Giêsu đã dạy. Các ông dắt lừa mẹ lừa con về, trải áo choàng của mình trên lưng chúng, và Ðức Giêsu cỡi lên. Ðông đảo dân chúng trải áo xuống mặt đường, một số khác lại chặt cành chặt lá rải lên lối đi. Dân chúng, người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy “Hoan hô Thái Tử nhà Ða-vít! Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Chúa! Hoan hô Chúa trên các tầng Trời!” Khi Ðức Giêsu vào Giê-ru-sa-lem, cả thành náo động, và thiên hạ hỏi nhau: ” Ông nào vậy?” Dân chúng trả lời: “Ngôn sứ Giêsu, người Na-da-rét, xứ Ga-li-lê đấy.”

 

SUY NIỆM

Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, chúng ta thấy Đức Giêsu đã hành động khác hẳn mọi khi :

Trước kia, Ngài vẫn khước từ mọi lời tung hô, mọi câu tán tụng, nhất là nguyện vọng của dân chúng muốn tôn Ngài lên làm Vua, nhưng lần này Ngài như muốn tự giới thiệu mình là vị Thiên sai của Thiên Chúa. Chính Ngài đóng vai chủ động trong việc sửa soạn cho cuộc vào Thành long trọng, khác nào cuộc đăng quang của một vị Vua: Ngài đích thân hướng dẫn hai môn đệ đi lấy lừa về cho Ngài cỡi, theo cung cách các vua Đông Phương

Đức Yêsu vào Yêrusalem oai hùng như một vị Vua và một vị Thiên sai. Chúa không chỉ là Vua của Israel mà Chúa chính là Vua Vũ Trụ, Vua tình Yêu, và là Đấng Cứu Độ muôn dân mong đợi. Chính sự xuất hiện  của Ngài trong lịch sử trần thế đã mang lại cơ hội lớn cho con người quyền thừa tự, được hưởng lại ơn “làm con” mà tội nguyên tổ đã cướp mất.

Vậy Ngài không làm một vị Vua đến để chiếm đoạt và thi thố một quyền hành chính trị, Ngài không làm một vị Thiên sai đến để giải quyết những vấn đề xã hội, quốc gia như sự chờ mong của dân chúng, trái lại Ngài đến là để thực hiện chương trình cứu thế của Thiên Chúa Cha và mang ơn cứu rỗi cho nhân loại – một điều cao quý hơn mọi giá trị khác trên đời.

Giáo hội và toàn thể vũ trụ cùng lặp lại lời tôn vinh Chúa trong những ngày đầu tuần thánh, như là một lời xác tín vào quyền năng của Thiên Chúa, vừa như nhắc nhở mọi người cùng chiêm ngưỡng mầu nhiệm của tình yêu cứu chuộc mà chính Ngài đã tế hiến cuộc đời Mình, hầu mang đến ơn cứu rỗi cho nhân loại. Chính tình yêu mà Ngài đã chọn con đường nhập thể, con đường thập gía để trao ban cho con người cơ hội tìm lại hạnh phúc và sự sống đời đời bằng chính tình yêu của Thiên Chúa và tình yêu tha nhân.

BẢN TIN

1.      Đức Thánh Cha nhập viện vì nhiễm trùng đường hô hấp

Tối ngày 29/3/2023, ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh cho biết: Đức Thánh Cha bị nhiễm trùng đường hô hấp và cần nằm viện một vài ngày để điều trị y tế.

Trong thông cáo đầu tiên vào ban chiều, ông Bruni nói với các nhà báo rằng Đức Thánh Cha đã đến bệnh viện Gemelli để làm "một số cuộc kiểm tra đã lên lịch trước đó".

Sau đó, vào buổi tối, Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh đã cho biết rằng "trong những ngày gần đây, Đức Thánh Cha đã phàn nàn về việc khó thở và chiều nay ngài đã đến bệnh viện đa khoa A. Gemelli để thực hiện một số kiểm tra y tế. Kết quả cho thấy ngài bị nhiễm trùng đường hô hấp (không bị nhiễm Covid 19) và cần vài ngày điều trị y tế thích hợp tại bệnh viện".

Ông cũng cho biết thêm rằng Đức Thánh Cha "rất xúc động trước nhiều thông điệp ngài đã nhận được và bày tỏ lòng biết ơn đối với sự gần gũi và những lời cầu nguyện".

Sáng thứ Tư 29/3/2023 Đức Thánh Cha vẫn chủ sự buổi tiếp kiến chung tại quảng trường Thánh Phêrô.

Tác giả: Vatican News

        2.    Bảy lời khuyên giúp thanh thiếu niên vượt qua nỗi đau

1. Thừa nhận nỗi đau. Trước hết, dù có làm gì, nói gì thì bạn cần tránh phủ nhận nỗi đau của trẻ. Thật sự, trẻ đang cảm thấy mất mát sâu sắc trong mối tương quan của mình và điều này cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc. Nếu con cần khóc, hãy cho con không gian và thời gian để làm điều đó.

2. Đừng sử dụng kiểu nói "không thiếu gì người tốt hơn thế. Một điều khiến tôi, khi còn là một thiếu nữ, và sau này, là con gái tôi đều cảm thấy rất khó chịu, đó là nghe nói rằng: với 8 tỷ dân sốnên còn rất nhiều đàn ông khác ngoài kia! Điều này không chỉ phủ nhận tình cảm sâu đậm  trẻ dành cho người yêu với hàm ý rằng, người ấy có thể dễ dàng bị thay thế, mà còn chẳng ích lợi gì khi đau buồn về tình yêu đã mất.

Thay vào đó, có một cách tiếp cận tế nhị hơn khi nói rằng, “Mặc dù con có thể chưa sẵn sàng để nghe điều này, nhưng đâu đó trên hành tinh này vẫn có một người nào đó đang sống cuộc đời của họ mà chưa biết rằng họ sẽ hạnh phúc ra sao khi cuối cùng họ yêu con”. Ý tưởng về những điều chưa biết rất thú vị và nó cũng cho phép trẻ nghĩ rằng chúng đang ở trên một cuộc hành trình mà Thiên Chúa đã sắp đặt cho, và chẳng ai biết được hành trình ấy sẽ dẫn đến đâu.

3.  Đi dạo. Khuyến khích trẻ đi dạo với bạn. Đây là thời khắc rất quí để cả hai có thể cùng trao đổi về tình huống của trẻ, và trẻ có thể tuỳ nghi thoải mái chia sẻ những điều ôm ấp trong lòng. Tập thể dục và hít thở không khí trong lành cũng góp phần giúp tinh thần phấn chấn, sảng khoái, và nhắc trẻ rằng vẫn có cuộc sống sinh động bên ngoài những bức tường căn phòng của chúng.

4.  Giữ cho trẻ bận rộn. Ở thời điểm này, trẻ rất khó để tập trung cho việc học, nên nếu có thể, hãy giúp trẻ khuây khoả bằng cách để nghị một số việc làm thể chất, hoặc hoạt động bên ngoài để trẻ cùng làm và tham gia với bạn.

5.  Chia sẻ những điều tích cực. Một điều mà nhiều người hay làm là nói những điều tiêu cực về người đã làm tan nát trái tim con mình. Tôi cố gắng tránh điều này vì chúng ta không muốn trẻ cảm thấy ngu ngốc vì đã dành tình cảm cho một người không xứng đáng. Điều tôi làm là để trẻ hiểu rõ những điều chúng thực sự thích, đồng thời cũng ghi nhận những điều chúng không thích nơi người đó. Sau khi có được những thông tin này, bạn có thể gợi ý để trẻ liệt kê danh sách những phẩm chất để tìm người chồng/ vợ tương lai của mình. (Cũng như những điều trẻ có thể muốn tránh!). Tuy nhiên, điều này có thể hơi đau đớn và những phẩm chất có thể bị phóng đại khi trẻ giữ chặt lấy những điều chúng yêu thích ở người ấy. Dù thế, theo thời gian, trẻ có thể điều chỉnh lại danh sách này và nhận ra rằng những phẩm chất này cũng có thể được tìm thấy nơi những người khác.

6.  Liệu yêu và bị thất tình thì tốt hơn?. Tennyson có một câu nói xem ra rất cần thiếtThà có người yêu và bị thất tình còn hơn là chưa bao giờ có trải nghiệm về tình yêu”. Hãy nói với trẻ thử tưởng tượng về một cuộc sống mà chúng chưa bao giờ yêu xem thế nào. Yêu là một trong những món quà tuyệt vời nhất mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, và nếu chúng ta từng có khả năng yêu một người nào đó, thì chúng ta cũng sẽ có thể yêu thương những người khác. Và đây thực sự là niềm vui và hy vọng mà chúng ta có được trong cuộc sống trần thế này.

7.  Chia sẻ mẫu gương của Chúa Giêsu. Khi nói đến tình yêu và đau khổ, thì chẳng có ví dụ nào tốt hơn là tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Tình yêu của Ngài sâu đậm đến nỗi hy sinh Con Một yêu dấu của Ngài. Điều này không chỉ giúp nhìn vấn đề ở góc độ bao quát hơn mà còn có thể nhắc trẻ tin tưởng vào kế hoạch mà Thiên Chúa dành cho chúng.

Chuyển ngữ: Nt. Anna Ngọc Diệp, OP


THÔNG BÁO

1.      Thứ Tư, ngày 5.4.2023, vào lúc 8giờ 30 phút: Thánh lễ Truyền Dầu.

2.      Chiều thứ Năm, ngày 6.4.2023, vào lúc 6 giờ chiều: Thánh lễ Tiệc Ly.

3.      Chiều Thứ Sáu, ngày 7.4.2023, vào lúc 6 giờ chiều: Tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu.

4.      Tối Thứ Bảy, ngày 8.4.2023, vào lúc 7 giờ tối: Canh thức Vượt Qua.

5.      Chúa Nhật các Thánh lễ vẫn bình thường như thường lệ, nhưng không có thánh lễ vào lúc 7 giờ tối. Xin cộng đoàn theo dõi lịch để tham dự cho đúng giờ.