Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2021

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 594

 

CHÚA NHẬT LỄ LÁ

(Mc 14, 1 - 15. 47)

Tin Mừng: (Bài Thương Khó)

SUY NIỆM

 Bài Thương khó ngày lễ hôm nay cho chúng ta cái nhìn rõ nét về sự đối lập giữa “ánh sáng” và “bóng tối,” khoảnh khắc khi ánh sáng và bóng tối giao tranh. Kể từ khi Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể, Mình và Máu Thánh Người trở nên lương thực, thành Bánh Sự sống cho con người (x. Ga 6,35-39). Đây chính là giờ của ánh sáng, ánh sáng của Bữa Tiệc ly, của “yêu cho đến cùng.” Do một người mà sự chết đã đến thế gian, và cũng nhờ một Người, thế gian có được sự sống. Ngược lại, bóng tối đến từ Giuđa. Không ai có thể thâm nhập vào trong nội tâm đen tối của ông để hiểu rõ chính xác động lực nào khiến ông bán Thầy. Chúa Giêsu cũng báo trước về việc Phêrô chối Thầy, cũng như sự nhát đảm của các môn đệ. Các ông là hiện thân của những con người với sự mong manh, giới hạn, chưa thể gánh vác sức nặng ơn gọi của mình. Tuy thế, Thầy Giêsu vẫn gọi Giuđa là bạn, vẫn tín nhiệm Phêrô, để ông trở nên tảng đá nâng đỡ Giáo hội của Ngài.

Có thể bạn là người đang ở trong bóng tối, hay đang bị giằng co giữa ánh sáng và bóng tối. Ngay hôm nay và lúc này, Chúa Giêsu chịu khổ nạn mời gọi ta dứt khoát với tình trạng của mình. Vậy tôi có muốn bước vào miền ánh sáng, để cho tình thương cứu độ của Ngài chiếu rọi và biến đổi không ? Hãy can đảm để cho lòng thương xót của Ngài chạm đến ta, như đã chạm đến Phêrô, biến đổi đời ông!

TIN TỨC

1.   Đức Sứ thần Tòa Thánh tại Liban hội kiến với tổng thống

Hôm 19.03.2021 vừa qua, Sứ thần Tòa Thánh tại Liban, Đức Tổng giám mục Joseph Spiteri, đã được tổng thống Michael Aoun tiếp kiến, và cho biết Tòa Thánh mong mỏi Liban sớm thành lập được chính phủ và thi hành những cải tổ để chiến đấu chống nạn tham nhũng tại Liban đang bị khủng hoảng trầm trọng.

 Đức Sứ thần Tòa Thánh cũng cho biết trong bối cảnh đó, ngày giờ cuộc viếng thăm của Đức Thánh cha tại Liban chưa được xác định.

Tuyên bố với giới báo chí sau cuộc hội kiến với tổng thống Michel Aoun, Đức Tổng giám mục Spiteri nói: “Trong cuộc hội kiến, tôi đã bày tỏ mong ước có một giải pháp mau lẹ cho việc thành lập chính phủ. Tòa Thánh ủng hộ việc thành lập một hội đồng nội các và áp dụng chương trình cải tổ, không quên cuộc chiến đấu chống nạn tham nhũng.”

Từ bảy tháng nay, Liban bị khủng hoảng và các đảng phái ở quốc hội không thỏa thuận được với nhau để thành lập một chính phủ mới, vì sự giằng co chính trị giữa tổng thống Aoun, và thủ tướng được chỉ định, ông Saad Hariri. Cộng đồng quốc tế đặt điều kiện phải có một chính phủ mới thì mới có thể giúp đỡ tài chánh cho Liban.

Ngoài ra, Đức Sứ Thần Spiteri cũng nói với giới báo chí rằng mặc dù Đức Thánh cha bày tỏ ý muốn viếng thăm Liban, nhưng chưa có ngày giờ nào được xác định cho cuộc viếng thăm.

G. Trần Đức Anh, O.P.

2.   ĐTC tiếp các thành viên của Học viện Philippines ở Roma

 Trước hết, Đức Thánh Cha chúc mừng học viện Philippines, nơi đón tiếp các linh mục của các giáo phận của Philippines đang học ở Roma, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập, ngày 29 tháng 6 năm 1961. Đức Thánh Cha cũng nhắc đến sự kiện kỷ niệm 500 năm Thánh lễ đầu tiên được cử hành tại Philippines, vào ngày 31 tháng 3 năm 1521.

Ngỏ lời với Đức Hồng y Luis Antonio Tagle và các sinh viên, Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta hãy cùng nhau cảm tạ Chúa về 60 năm đào tạo linh mục này, đã cho biết bao chủng sinh và linh mục có cơ hội trưởng thành như những linh mục theo tấm lòng của Chúa Kitô để phục vụ Dân Chúa tại Philippines.”

Đức Thánh Cha kêu gọi các đại diện của Học viện hãy trân trọng quá khứ nhưng không để nó cột chặt. “Thật tốt khi lần theo các bước của Chúa trong cuộc sống của chúng ta, tất cả những lần Chúa đã đi qua con đường của chúng ta, để sửa chữa, khuyến khích, tiếp tục, hồi sinh và tha thứ. Theo cách này, chúng ta hiểu rằng Chúa chưa bao giờ bỏ rơi chúng ta, Người luôn ở bên cạnh chúng ta theo cách khi thì kín đáo hơn, khi thì rõ ràng hơn, ngay cả trong những khoảnh khắc dường như tăm tối và khô cằn hơn.”

Đức Thánh Cha cũng mời gọi các sinh viên đừng để bị cuốn theo những kế hoạch trong tương lai mà hãy tận dụng tối đa thời điểm hiện tại. Ngài nói: “Các con là những linh mục đang ở Roma để học tập và liên tục đào tạo trong cộng đoàn của học viện này. Các con không được yêu cầu phải nuối tiếc các giáo xứ của các con, các con cũng không được yêu cầu hình dung những nhiệm vụ ‘cao trọng’ mà giám mục chắc chắn sẽ muốn giao phó cho các con khi các con trở về… Không, không phải thế! Đây là điều tưởng tượng”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Thay vào đó, cần yêu thương cộng đoàn cụ thể này, phục vụ những anh chị em mà Thiên Chúa đã đặt bên cạnh các con - và không nói xấu họ! - để tận dụng các cơ hội huấn luyện mục vụ được trao cho các con.”

Hồng Thủy

3.   Giáo hội nhìn nhận nhân đức anh hùng của ba nữ tu qua đời vì giúp các nạn nhân dịch Ebola

Ba nữ tu – sơ Annelvira Ossoli, sơ Vitarosa Zorza và sơ Danielangela Sorti – thuộc dòng các Nữ tu Người nghèo Pazzolo. Các sơ bị nhiễm virus Ebola và qua đời khi phục vụ những người nghèo.

Ngày 20.02 vừa qua Tòa Thánh cũng đã nhìn nhận các nhân đức anh hùng của 3 nữ tu khác cùng dòng, cùng phục vụ tại bệnh viện ở giáo phận Kilwit và qua đời vào năm 1995.

Sơ Annelvira, ý thức được tình trạng trầm trọng của căn bệnh lây nhiễm, nhưng đã không ngần ngại vượt quãng đường 500 km để được gần người bệnh. Một vài ngày sau, sơ bắt đầu bị sốt và có các triệu chứng của căn bệnh. Sơ bị cách ly và cùng với sơ là hai nữ tu khác, những người cũng bị nhiễm bệnh. Sơ Annelvira, cũng giống như những nữ tu đã qua đời trước đó, đã yêu cầu dự trữ huyết tương để truyền cho những trẻ em cần nó.

Sau khi 6 nữ tu qua đời và do tình trạng dịch Ebola chưa được khống chế, các nữ tu dòng Pazzolo ở Congo đã viết thư cho nữ tu tổng phụ trách ở Bergamo, miền bắc Ý, nói rằng “Chúng con hiểu sự lo lắng của Mẹ nhưng chúng con hoàn toàn ở trong tay Thiên Chúa. Không thể rời đi. Thật là khó cho Mẹ và cho chúng con chấp nhận rời bỏ các nữ tu… Những biến cố đau thương đã khiến chúng con choáng ngợp nhưng cuộc sống của Hội dòng vẫn phải tiếp tục.”…

Hồng Thủy

THÔNG BÁO

1.      9g00, Thứ Tư, 31.03.2021, Thánh Lễ Làm Phép Dầu

2.      18g00, Thứ Năm, 01.04.2021, Thánh Lễ Tiệc Ly

3.      18g00, Thứ Sáu, 02.04.2021, Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó của Chúa.

4.      20g00, Thứ Bảy, 03.04.2021, Canh Thức Vượt Qua

5.      Sáng thứ Sáu (02.04.2021) vào lúc 7g00: trao Mình Thánh Chúa cho người già và bệnh nhân.

6.      Giáo xứ xin cám ơn: Anh Chị Vinh Phước (ở Mỹ) ủng hộ cho giáo xứ: 500 USD và nhà thuốc Rạng Danh ủng hộ 2 cái quạt trị giá 3 triệu đồng.


Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2021

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 593

 


CHÚA NHẬT V MÙA CHAY B

(Ga 12, 20-33)

Khi ấy, trong số những người lên dự lễ, có mấy người Hy lạp. Họ đến gặp Philipphê quê ở Bêtania, xứ Galilêa, và nói với ông rằng: "Thưa ngài, chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu". Philipphê đi nói với Anrê, rồi Anrê và Philipphê đến thưa Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đáp: "Đã đến giờ Con Người được tôn vinh. Quả thật, quả thật, Ta nói với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó. Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này. Nhưng chính vì thế mà Con đã đến trong giờ này. Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha". Lúc đó có tiếng từ trời phán: "Ta đã làm vinh danh Ta và Ta còn làm vinh danh Ta nữa". Đám đông đứng đó nghe thấy và nói đó là tiếng sấm. Kẻ khác lại rằng: "Một thiên thần nói với Ngài". Chúa Giêsu đáp: "Tiếng đó phán ra không phải vì Ta, nhưng vì các ngươi. Chính bây giờ là lúc thế gian bị xét xử, bây giờ là lúc thủ lãnh thế gian bị khai trừ và khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta". Người nói thế để chỉ Người phải chết cách nào.

SUY NIỆM

Chúa Giêsu mượn hình ảnh hạt lúa để nói lên chân lý sống. Hạt lúa phải mục nát mới có thể nẩy mầm và sinh nhiều bông hạt . Cũng thế, Kitô hữu phải chấp nhận thánh giá hằng ngày, chấp nhận mọi sự miễn sao Đức Kitô được rao giảng, bấy giờ Tin Mừng mới được vang xa và có cơ hội nẩy mầm trong lòng người. Thế nhưng, ta đang sống trong một thế giới hưởng thụ, dễ có mấy ai dám hy sinh chấp nhận để sống như hạt lúa! Lời Chúa ta đọc, thập giá Chúa hằng ngày ta tuyên xưng luôn nhắc ta đón nhận thánh giá và sống cho Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta. Đó là chân lý sống và là một đòi hỏi không ngừng.

Nếu thế gian đang tìm kiếm danh, quyền, tiền và hưởng thụ khoái lạc, thì Chúa đang mời ta tìm sự sống hoàn mỹ của Đức Giêsu bằng lối sống đơn sơ, khiêm hạ, khó nghèo và hy sinh.

TIN TỨC

1.   Truyền thông Công giáo và hoạt động thông tin đúng về vắc-xin

Hiệp hội quốc tế sắp ra đời gồm 8 phương tiện truyền thông Công giáo, các hãng thông tấn và các nhà khoa học nổi tiếng thế giới. Hiệp hội sẽ giúp làm sáng tỏ các tin tức sai và gây nhầm lẫn về vắc-xin Covid-19.

Ban giám khảo của “Quỹ chống thông tin sai lệch về vắc-xin Covid-19”, do Google News Initiative đề xuất, đã chọn dự án này trong số 309 đề xuất đến từ 74 quốc gia.

Đức Thánh Cha, Tòa Thánh và các Hội đồng Giám mục trên khắp thế giới đã từng tuyên bố về “bổn phận luân lý” tiêm vắc-xin, nhằm tôn trọng không chỉ cuộc sống của chính mình mà còn của người khác. Thực tế, trong cuộc phỏng vấn dành cho đài truyền hình số 5 của Ý vào ngày 10/1/2021, trả lời câu hỏi liên quan đến vắc-xin, Đức Thánh Cha cho rằng về mặt đạo đức mọi người đều cần chích vắc-xin. Đây không phải là một lựa chọn, nhưng là một hành động đạo đức, bởi vì nó liên quan đến sức khỏe, sự sống của chính mỗi người và của người khác. Theo ngài, nếu bác sĩ trình bày vắc-xin như một điều có thể mang lại kết quả tốt thì tại sao chúng ta không chích ngừa.

Thực tế hiện nay, do tiếp nhận các thông tin sai lệch, trong cộng đoàn Công giáo thế giới và nhiều nơi khác, đã nảy sinh nhiều vấn đề khoa học và đạo đức liên quan đến vắc-xin và quá trình sản xuất vắc-xin. Vì vậy mọi người cần được các nhà khoa học, các nhà đạo đức sinh học và thần học giải thích rõ ràng về lĩnh vực này.

Hiệp hội do mạng lưới Công giáo Thế giới Aleteia đứng đầu sẽ bắt đầu hoạt động sau Lễ Phục Sinh. Dự án được mở cho tất cả các phương tiện truyền thông Công giáo. Có thể đăng ký để trở thành một phần của dự án trước ngày 31/3/2021.

Ngọc Yến

2.   Cựu đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam làm tân Sứ thần tại Ấn Độ

Đức Tổng giám mục Girelli năm nay 68 tuổi (1953) người Ý, gia nhập ngành ngoại giao Tòa Thánh cách đây 37 năm (1984) và lần lượt phục vụ tại Camerun, New Zealand, rồi chuyển về Phân Bộ Tổng Vụ Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, trước khi được cử làm tham tán Sứ thần tại Hoa Kỳ.

Năm 2006, ngài được thăng Tổng giám mục Sứ thần Tòa Thánh tại Indonesia và Đông Timor, sau đó chuyển sang làm Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore, kiêm Khâm sứ Tòa Thánh tại Malaysia và Brunei từ năm 2011. Sau khi Malaysia thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, Đức Tổng giám mục Girelli, ngưng làm Sứ Thần tại đây và tại Đông Timor, và ngưng làm Khâm sứ tại Brunei, từ ngày 16.01.2013, và ngài làm Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam từ đó. Trong nhiệm vụ này, Đức Tổng giám mục Girelli đã ra vào Việt Nam hơn 70 lần.

Trong bài giảng tại thánh lễ khai mạc Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc tại La Vang, ngày 13.08.2017, Đức Tổng giám mục Girelli nói rằng: “Tự do tôn giáo không phải là một cái gì tùy tiện trong tay các nhà chức trách, nhưng tự do tôn giáo là một quyền trong tay của người dân. Nhiều người trên thế giới ước mong rằng quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam phải được tôn trọng hơn, phải được thực thi đầy đủ hơn, và Hội thánh Công giáo phải được nhìn nhận như một nguồn thiện ích hơn là một vấn nạn cho đất nước”.

Ngày 13.09.2017, Đức Tổng giám mục Girelli được bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa Thánh tại Israel, kiêm Khâm sứ Tòa Thánh tại Jerusalem và Palestine, đồng thời kiêm nhiệm Sứ thần Tòa Thánh tại đảo Cipro.

Nhiệm sở mới của Đức Tổng giám mục Girelli tại Ấn Độ nặng nề hơn nhiều so với Giáo hội tại các nước ngài đã phục vụ trước đó trong tư cách là Sứ thần…

G. Trần Đức Anh, O.P.

3. Bổ nhiệm Giám Quản Tông Tòa Giáo phận Hà Tĩnh

 Ngày 19 tháng 03 năm 2021, Đức Tổng giám mục Marek Zalewski, Sứ thần Toà Thánh tại Singapore kiêm Đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam thông báo:

 Đức thánh cha Phanxicô đã chấp thuận cho Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, O.P. từ nhiệm sứ vụ Giám mục Chính toà Giáo phận Hà Tĩnh; đồng thời, Tòa Thánh bổ nhiệm Đức cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, Giám mục hiệu tòa Catrum và đang là Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận thành phố Hồ Chí Minh, làm Giám quản Tông tòa Giáo phận Hà Tĩnh “trống tòa và theo ý Toà Thánh” 

 Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ

PHỤNG VỤ

-         Thứ 5, 25.03.2021, Lễ Truyền Tin. Lễ Trọng

THÔNG BÁO

1.   Vào lúc 17g30, Thứ Tư, (24.03.2021), xin mời các hội viên Legio và Junior tham dự thánh lễ và tĩnh tâm để chuẩn bị mừng lễ bổn mạng.

2.   Để chuẩn bị tâm hồn bước vào Tuần Thánh và mừng đại Lễ Phục Sinh, vào Thứ 4 (24.03.2021), các cha sẽ ngồi tòa giải tội. Buổi sáng từ 8g00 -10g30; buổi chiều từ 14g00 -16g00.

3.   Sáng thứ Bảy (27.03.2021) vào lúc 7g00: rửa tội cho trẻ sơ sinh. Xin quý cha mẹ có con rửa tội, đến xin giấy giới thiệu nơi BĐH. giáo họ, và nộp sổ gia đình về văn phòng giáo xứ trong tuần này.

4.   Giáo xứ xin cám ơn: 1 ân nhân (gh. Giuse Thị) ủng hộ cho người nghèo: 500 ngàn đồng.


Thứ Bảy, 13 tháng 3, 2021

BẢN TIN HÀNG TUÀN 592

 

CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY B

(Ga 3, 14-21)

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: "Như Môsê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời. Vì Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa; và đây án phạt là sự sáng đã đến thế gian, và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách; nhưng ai hành động trong sự thật thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ là họ đã làm trong Thiên Chúa". 

SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay mạc khải cho chúng ta tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Tình yêu ấy sẽ không bao giờ phai nhạt dù cho cuộc đời có đổi thay. Tình yêu của Thiên Chúa vẫn như mưa tưới gội trên mọi người: cả người lành cũng như kẻ ác. Ngài không áp đặt con người phải theo Ngài. Trái lại, Ngài cho họ được quyền tự do lựa chọn hạnh phúc cho chính mình. Vì thế, kẻ tin theo Chúa, đặt tin tưởng vào Chúa thì đã được cứu. Còn kẻ không tin, thì tự họ, họ đã tìm đến cõi diệt vong.

TIN TỨC

1.    ĐTC bổ nhiệm nữ tu Calduch-Benages làm Tổng Thư ký Ủy ban Giáo hoàng về Kinh Thánh

 Theo ý muốn của Đức Thánh Cha, ngày càng có thêm những phụ nữ đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo trong các cơ quan cấp cao của Tòa Thánh. Với việc bổ nhiệm này, sơ Calduch-Benages người gốc Barcelona, Tây Ban Nha, trở thành nhân vật thứ hai của “Ủy ban có tuổi đời 120 năm”.

Ủy ban Giáo hoàng về Kinh Thánh thuộc Giáo triều Roma và được thành lập năm 1902 với chức năng cố vấn về các vấn đề Kinh Thánh. Ủy ban thuộc Bộ Giáo lý Đức tin; trong vai trò Tổng trưởng của Bộ Giáo lý Đức tin, Đức Hồng y Luis Ladaria cũng là Chủ tịch của Ủy ban Kinh Thánh.

Sơ Calduch-Benages được bổ nhiệm thay thế cha Pietro Bovati, Dòng Tên. Sơ là Tổng Thư ký thứ 10 của Ủy ban và là người nữ đầu tiên đảm nhận chức vụ này. Các Tổng Thư ký của Ủy ban trước đây đều là các linh mục, ngoại trừ một giám mục.

Sơ Calduch-Benages sinh năm 1957, tốt nghiệp chuyên ngành Ngữ văn Anh-Đức tại Đại học Tự trị Barcelona và tốt nghiệp Kinh Thánh tại Học viện Kinh Thánh ở Roma. Sơ giảng dạy Kinh Thánh Cựu ước tại Khoa Thần học của Đại học Giáo hoàng Gregoriana, và là giáo sư thỉnh giảng tại Học viện Kinh Thánh.

Năm 2008, sơ Calduch-Benages đã tham dự Thượng Hội đồng về Lời Chúa với tư cách là một chuyên gia. Từ năm 2014, sơ là thành viên của Ủy ban Giáo hoàng về Kinh thánh, và vào năm 2016, sơ được bầu làm thành viên của Ủy ban Nghiên cứu về chức nữ phó tế.

Hồng Thủy

2.    Tổng thống Mỹ đánh giá cao chuyến tông du Iraq của ĐTC

Trong một tuyên bố chính thức ông Joe Biden khẳng định rằng, khi xem Đức Thánh Cha Phanxicô thăm các địa điểm tôn giáo cổ đại, như nơi sinh của Abraham trong Kinh Thánh, dành thời gian với Đại Ayatollah al-Sistani ở Najaf và cầu nguyện ở Mosul, một thành phố mà chỉ cách đây vài năm đã phải hứng chịu sự tàn phá và bất khoan dung của nhà nước Hồi giáo (IS), thì đây chính là “một biểu tượng hy vọng cho toàn thế giới”.

Tổng thống Mỹ xác định đây là chuyến viếng thăm “lịch sử” và ca ngợi sự khích lệ mà Đức Thánh Cha đã dành cho các Kitô hữu bị bách hại: “Đức Thánh Cha đã gửi một sứ điệp quan trọng: tình huynh đệ thì bền lâu hơn tàn sát lẫn nhau, niềm hy vọng thì mạnh mẽ hơn cái chết, hòa bình mạnh hơn chiến tranh”.

Ông Biden đáng giá cao về việc tổ chức chuyến tông du, đồng thời bày tỏ sự cảm phục của ông đối với Đức Thánh Cha. Tổng thống Mỹ kết luận: “Tôi chúc mừng chính phủ và người dân Iraq vì sự quan tâm và lên kế hoạch trong việc tổ chức chuyến thăm này. Tôi không ngừng cảm phục Đức Thánh Cha Phanxicô vì dấn thân thúc đẩy lòng khoan dung tôn giáo, mối quan hệ chung của nhân loại và sự hiểu biết liên tôn của chúng ta”.

Ngọc Yến

3.    Tòa Thánh khai mạc Năm “Gia đình Amoris Laetitia”

Trong buổi đọc kinh Truyền tin trưa ngày 27/12/2020, Lễ Thánh Gia, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Năm Gia đình Amoris Laetitia”. Năm này, bắt đầu từ ngày lễ thánh Giuse 19/3/2021 và kéo dài đến ngày 26/6/2022, nhân dịp cuộc gặp gỡ các gia đình Công giáo thế giới lần thứ X với Đức Thánh Cha tại Roma. Năm “Gia đình Amoris Laetitia” được Đức Thánh cha ấn định nhân dịp kỷ niệm 5 năm công bố Tông huấn “Amoris laetitia - Niềm vui của Tình yêu”.

 Theo ban tổ chức, sự kiện này là khởi đầu của một hành trình hơn là một cử hành, muốn đưa ra một đóng góp về mặt mục vụ và thần học theo quan điểm của Đại hội Gia đình Công giáo Thế giới được dự tính diễn ra tại Roma vào năm 2022.

 Sự kiện trực tuyến được chia thành hai phần. Phần đầu sẽ tập trung vào việc kỷ niệm 5 năm của Amoris laetitia, với sự tham gia của Đức Hồng y Kevin Joseph Farrell, Tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống; Đức Hồng y Angelo De Donatis, Giám quản Giáo phận Roma; Đức Tổng Giám mục Vincenzo Paglia; và một cặp vợ chồng đã tham gia Thượng Hội đồng về Gia đình. Trong phần đầu, sẽ có sứ điệp của Đức Thánh Cha. Phần thứ hai sẽ mang tính hàn lâm và thần học nhiều hơn.

 Ban tổ chức giải thích: “Năm dành riêng cho gia đình nhân kỷ niệm 5 năm tông huấn Amoris Laetitia, nhằm rút ra hoa trái của Tông huấn hậu Thượng Hội đồng và đưa Giáo hội đến gần hơn với các gia đình trong thế giới, được đưa vào thử nghiệm trong năm qua bởi đại dịch. Vì thế, những suy tư của Hội nghị Gia đình Thế giới lần thứ X sẽ kết thúc “Năm Gia đình Amoris Laetitia” vào ngày 26/6/2022, sẽ được cung cấp cho các cộng đoàn và gia đình để đồng hành cùng với họ trong hành trình cuộc sống. 

 Ngọc Yến

THÔNG BÁO

1.   Lớp Giáo Lý Dự Tòng và Lớp Giáo Lý Hôn Nhân sẽ khai giảng vào 8h30 sáng Chúa Nhật (14.03.2021), những ai đã đăng ký xin mời tham dự buổi khai giảng để biết giờ học cụ thể trong tuần.

2.   Trung Tâm Ngoại Ngữ Phan Minh thông báo: các em đã học Tiếng Anh trước tới nay, sẽ tiếp tục chương trình học vào lúc 9h30, sáng Chúa Nhật (14.03.2021) tại các phòng học giáo lý như đã học trước đây.

3.   Vào lúc 8g30, sáng Chúa Nhật tới (21.03.2021), xin mời HĐMV mở rộng, họp đề bàn công việc chuẩn bị cho Tuần Thánh và lễ Phục Sinh.

4.   Giáo xứ xin cám ơn: 1 ân nhân (gh. Giuse Lựu) ủng hộ cho người nghèo: 1 triệu đồng, Chị Hằng (gh. Simon Hòa) 500 kg gạo.


Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2021

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 591


 CHÚA NHẬT III MÙA CHAY B

Ga 2, 13-25

Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêru-salem. Người thấy ở trong Đền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc, người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ. Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: "Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán". Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: "Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi".

Bầy giờ người Do-thái bảo Người rằng: "Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy". Chúa Giêsu trả lời: "Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại". Người Do-thái đáp lại: "Phải bốn mươi sáu năm mới xây được đền thờ này, mà Ông, Ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?" Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. Vì thế, khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói.

Trong thời gian Người ở lại Giêrusalem mừng lễ Vượt qua, nhiều kẻ tin danh Người, vì mục kích những phép lạ Người làm. Nhưng chính Chúa Giêsu không tin tưởng họ, vì Người biết tất cả mọi người, và không cần ai làm chứng về người nào; Người biết rõ mọi điều trong lòng người ta.

SUY NIỆM

Thánh sử Gioan dùng những hình ảnh thật mạnh mẽ để mô tả cảnh Đức Giêsu phẫn nộ đánh đuổi những người buôn bán trong đền thờ. Lạ một điều là không ai trong bọn họ dám ‘hó hé’ phản đối. Phải chăng họ cũng thấy việc sử dụng sân đền thờ làm nơi buôn bán là một sự lạm dụng, xúc phạm đến chính Thiên Chúa !

Thật thế, phục hồi ý thức về tính cách linh thánh, là điều ai cũng công nhận và là điều Đức Giêsu thực hiện bằng cái chết và sự phục sinh của Ngài.

 “Đền thờ Thiên Chúa” còn là chính con người và cả vũ trụ. Trong thời đại tục hoá này, tính cách linh thánh của những đền thờ ấy đang bị coi thường, thậm chí bị phủ nhận. Vậy, chúng ta hãy xét xem mình có bị nhiễm tinh thần tục hoá hay không ? Trong cách ăn mặc cư xử trong nhà thờ, khi cử hành phụng vụ; trong việc tôn trọng và bảo vệ sự trong sạch tâm hồn, thân xác của mình cũng như người khác; trong cách sử dụng tài nguyên thiên nhiên, chia sẻ vật chất với người khác ?

 TIN TỨC

1.    ĐTC Phanxicô lên đường viếng thăm Iraq

Sáng thứ Sáu 5/3, lúc gần 7 giờ, trước khi Đức Thánh rời nhà trọ thánh Marta, nơi cư ngụ của ngài, Đức Hồng y Konrad Krajewski đã hướng dẫn một nhóm khoảng 12 người tị nạn Iraq đang được cộng đoàn thánh Egidio và Hợp tác xã trợ giúp đón tiếp và tị nạn tại Ý đến chào Đức Thánh Cha.

Sau đó Đức Thánh Cha đi xe ra phi trường Fiumicino của Roma, cách Vatican hơn 30 km. 

Đến phi trường, trước khi lên máy bay, Đức Thánh Cha đã chào các chính quyền dân sự và tôn giáo, và tay xách chiếc cặp đen, đeo khẩu trang,  ngài bước lên thang máy bay.

Đến cửa trước của máy bay, Đức Thánh Cha đã chào phi hành đoàn 11 người, gồm 3 phi công và 8 chiêu đãi viên.

 Đặc biệt trên máy bay có một sự hiện diện rất được Đức Thánh Cha yêu thích, đó là ảnh Đức Mẹ Loreto, đã được tuyên bố là Đấng bảo trợ của các nhà hàng không.

 Chuyến bay thứ 800 của hàng không Ý phục vụ các chuyến tông du nước ngoài của các Đức Giáo hoàng, đã cất cánh lúc 7:45, đưa Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng, trong đó có các ký giả của các tờ báo quốc tế đăng ký, vượt gần 3.000km, dài 4 tiếng 30’, qua không phận các nước Ý, Hy Lạp, đảo Síp, Israel, Jordan, đến phi trường quốc tế Baghdad của Iraq. Đức Thánh Cha đã gửi điện thư cho Tổng thống các nước có không phận trên hành trình chuyến bay.

Hồng Thủy

2.    Công bố chủ đề sứ điệp Ngày quốc tế Di cư và Tị nạn lần thứ 107

Nhân ngày quốc tế Di cư và Tị nạn lần thứ 107, sẽ được tổ chức vào Chủ nhật 26.09.2021, Đức Thánh Cha đã chọn chủ đề cho sứ điệp của ngài là: “Hướng đến một ‘chúng ta’ luôn mở rộng hơn”, được gợi hứng từ lời kêu gọi của ngài trong thông điệp Fratelli tutti rằng: “Cuối cùng không còn ‘những người kia’, mà chỉ có một ‘chúng ta’” (Fratelli tutti, 35).

 Sứ điệp được chia thành sáu tiểu đề và sẽ đặc biệt chú ý đến việc chăm sóc toàn bộ gia đình nhân loại, qua một Giáo hội toàn diện và có khả năng tạo ra sự hiệp thông trong đa dạng. Việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta sẽ là một điểm nhấn mạnh đặc biệt, với việc chăm sóc gia đình chung của chúng ta, chăm sóc tính “chúng ta” để trở nên cởi mở và chào đón hơn bao giờ hết.

Để khuyến khích chuẩn bị tương xứng cho việc cử hành Ngày này, Phân Bộ Người di cư và tị nạn thuộc Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện sẽ tiến hành phổ biến hàng tháng các tài liệu về thông tin và suy tư của các nhà thần học và chuyên gia, khai triển theo chủ đề và tiểu đề đã được Đức Thánh Cha chọn.

Văn Yên, SJ

3.    ĐTC tiếp đại diện Trung tâm Liên đới Phanxicô

Đức Thánh Cha ghi nhận rằng thế giới của chúng ta đang chạy ở 2 tốc độ khác nhau, một mặt tạo ra nhiều của cải, nhưng mặt khác lại tạo ra sự bất bình đẳng. Những công việc hỗ trợ tình nguyện mà Trung tâm Liên đới Phanxicô đang thực hiện như gieo những hạt giống Nước Thiên Chúa để hỗ trợ hiệu quả trong việc giảm bớt sự bất bình đẳng này.

Để khuyến khích các thành viên của Trung tâm, Đức Thánh Cha nhắc đến sự gần gũi của Chúa Giêsu đối với những người nghèo, những người bị gạt sang bên lề và bị loại bỏ. Hơn nữa, chính Chúa Giêsu đã nói: “Ta đói các ngươi đã cho ăn, Ta khát các ngươi đã cho uống, Ta mình trần các người đã cho mặc” (Mt 25,35-36). Thiên Chúa là Cha muốn bảo vệ, bênh vực và thăng tiến phẩm giá của mỗi người. Đồng thời, Người kêu gọi chúng ta xây dựng các điều kiện kinh tế, xã hội và con người sao cho không một ai bị loại trừ hoặc bị chà đạp về các quyền cơ bản, không ai phải chịu cảnh thiếu thốn vật chất hay cô đơn.

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến gương của thánh Phanxicô Assisi, là vị thánh bổn mạng của Trung tâm Liên đới, trong việc thực hành tình huynh đệ phổ quát. Thánh nhân là mẫu gương để các thành viên của Trung tâm, trải qua 40 năm, dấn thân cho người nghèo, và đánh thức những lương tâm đang say ngủ và mời gọi họ thoát ra khỏi sự thờ ơ, để xoa dịu nỗi đau của những người bị đè bẹp bởi sức nặng của cuộc sống.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhắc nhớ những người hiện diện rằng: trước tất cả mọi điều khác, khi đối diện với người nghèo, chúng ta được mời gọi nhìn họ bằng một tình yêu khiến chúng ta cảm thấy họ là anh chị em của chính mình. (CSR_1470_2021)

Văn Yên, SJ

THÔNG BÁO

1.         Giáo xứ chuẩn bị mở Lớp Giáo Lý Dự Tòng và Lớp Giáo Lý Hôn Nhân, các bạn trẻ nào muốn theo học 2 khóa học này, xin đăng ký tại Văn Phòng Giáo Xứ Chính Tòa vào các ngày trong tuần, hạn chót đăng ký vào ngày Thứ 7, 13.03.2021.

-  Lớp học sẽ được khai giảng vào 8h30 sáng Chúa Nhật tới (14.03.2021), những ai đã đăng ký xin mời tham dự buổi khai giảng để biết giờ học cụ thể trong tuần. (Lưu ý: Những ai thuộc giáo xứ khác, thì xin giấy giới thiệu nơi Cha xứ của mình, và nộp giấy giới thiệu nơi văn phòng giáo xứ Chính Tòa).

2.         Cha Phaolô - chánh xứ Thánh Mẫu gởi lời cám ơn tất cả các ân nhân đã quảng đại đóng góp xây dựng nhà thờ Thánh Mẫu, số tiền tổng cộng là: 231 triệu 900 ngàn; 200 USD và 300 AUD.