Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2022

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 609

 CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN C

Lc 6, 39-45

"Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: "Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư? Môn đệ không trọng hơn Thầy: nếu môn đệ được giống như Thầy, thì kể là hoàn hảo rồi.

"Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy? Sao ngươi có thể nói với người anh em: 'Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh', trong khi chính ngươi không nhìn thấy cái đà trong mắt ngươi? Hỡi kẻ giả hình, hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi.

"Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu; và ngược lại, cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt. Thật vậy, cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái được trái vả ở bụi gai, và cũng không hái được trái nho nơi cây dâu đất. Người hiền, bởi lòng tích chứa điều lành, nên phát xuất sự thiện; và kẻ dữ, bởi tích đầy lòng ác, nên phát xuất điều ác: vì lòng đầy, thì miệng mới nói ra".

SUY NIỆM

Đức Giêsu kêu gọi mọi người, nhất là những người có trách nhiệm, những bậc làm cha mẹ... phải sáng suốt và khôn ngoan khi sửa lỗi cho anh chị em, con cái mình. Chúng ta chỉ có khuynh hướng nhìn thấy lầm lỗi của tha nhân mà không biết nhận ra những khuyết điểm của mình. Nhiều khi chính những khuyết điểm ấy lại đang gây ảnh hưởng gây gương mù, gương xấu cho anh chị em, con cái mình. Chúng ta hãy năng tự kiểm điểm theo mẫu gương duy nhất là Đức Giêsu và lời dạy của Ngài, để ta biết mình và biết cách hướng dẫn người khác.

 TIN TỨC

1. ĐTC tuyên bố thứ Tư lễ Tro là ngày ăn chay cầu nguyện cho Ucraina

 Cuối buổi tiếp kiến chung ngày 23/2/2022 Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi hoà bình cho Ucraina; ngài mời gọi dành ngày thứ Tư lễ Tro, 3/2, ăn chay cầu nguyện cho hoà bình.

Đức Thánh Cha bày tỏ đau khổ và lo lắng vì tình hình ở Ucraina: “Tôi rất đau lòng vì tình hình ngày càng tồi tệ ở miền đông Ucraina. Bất chấp những nỗ lực ngoại giao trong vài tuần qua, những viễn cảnh ngày càng đáng báo động đang mở ra.”

 Kêu gọi những người có trách nhiệm chính trị

Nhận xét rằng “một lần nữa hòa bình của tất cả lại bị đe dọa bởi các lợi ích đảng phái”, Đức Thánh Cha kêu gọi “những người có trách nhiệm chính trị nghiêm túc kiểm tra lương tâm trước mặt Thiên Chúa, Đấng là Thiên Chúa của hòa bình chứ không của chiến tranh; là Cha của tất cả mọi người, không chỉ của một ai đó, Đấng muốn chúng ta trở thành anh em chứ không phải kẻ thù.” Ngài “yêu cầu tất cả các bên liên quan tránh bất kỳ hành động nào gây ra đau khổ hơn nữa cho người dân, làm mất ổn định sự chung sống giữa các quốc gia và làm mất uy tín của luật pháp quốc tế.”

 Ngày 2/3: Ngày ăn chay cầu nguyện cho hoà bình ở Ucraina

Ý thức rằng chỉ có Chúa mới có thể thay đổi lòng họ, Đức Thánh Cha kêu gọi tất cả mọi người, những người có đức tin và những người không tín ngưỡng, cùng cầu nguyện cho hoà bình. Ngài nói: “Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng sự vô nghĩa tàn ác của bạo lực được giải đáp bằng vũ khí của Thiên Chúa, bằng cầu nguyện và ăn chay. Tôi mời mọi người vào ngày 2/3 tới, Thứ Tư Lễ Tro, là Ngày ăn chay vì hòa bình. Tôi đặc biệt khuyến khích các tín hữu tận tâm hết lòng cho việc cầu nguyện và ăn chay vào ngày đó. Xin Nữ Vương Hòa bình bảo vệ thế giới khỏi sự điên cuồng của chiến tranh.”

Hồng Thủy

2. Giáo hội Cuba có Radio Công giáo đầu tiên phát thanh trực tuyến 24 giờ mỗi ngày

Được thành lập vào tháng 02 năm 2019, Mạng lưới Thanh niên Công giáo là một cộng đồng trực tuyến có mặt trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instragram, Telegram và Whatsapp, được hỗ trợ bởi Hội đồng Giám mục Cuba.

Rubén de la Trinidad, người sáng lập và một trong những thành viên lãnh đạo của Mạng lưới Thanh niên Công giáo, cũng là phó tế của dòng Truyền giáo thánh Phao-lô, nói với hãng tin quốc tế Inter Press Service rằng đài phát thanh trực tuyến này được thành lập cách đây không lâu như là “một đài phát thanh trực tuyến và thường trực các chương trình radio khác nhau của Giáo hội Cuba và các nơi khác trên thế giới, theo một mạng lưới mà chúng tôi vẫn đang thiết kế.”

Sáng kiến này nhằm mục đích đào tạo và thông tin cho cộng đồng Công giáo Cuba thông qua các mạng xã hội, xây dựng cầu nối và kết nối các thành viên của mình ở trong nước hoặc ở nước ngoài, cũng như khuyến khích những người trẻ dấn thân cụ thể trong đời sống Kitô giáo, theo giáo huấn và học thuyết xã hội của Giáo hội.

Thầy Rubèn giải thích rằng đài phát thanh là một điều mới lạ ở Cuba, “bởi vì ở Cuba, mặc dù Giáo hội có thể truy cập các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng không có kênh truyền hình hoặc đài phát thanh riêng”.

Giáo hội Công giáo Cuba có một hệ thống các ấn phẩm và các bản tin chủ yếu giới hạn cho giáo dân, trong khi ở một số trong 11 giáo phận trong nước, các nhóm giáo dân tạo ra các chương trình âm thanh được phổ biến qua các kênh khác nhau, như các USB dùng với máy vi tính. Mới đây, hầu hết các gia đình đều có internet, khiến cho công việc của Hội Giáo hoàng Truyền Giáo trở nên khả thi với những công cụ mới này. 

Hồng Thuỷ

3. Giáo hội Đức chi 591,6 triệu euro giúp các dự án trên thế giới

Hôm 24/07 vừa qua, tại Bonn, Hội đồng giám mục Đức cho biết trong năm 2019, Giáo hội Công giáo ở Đức đã chi 591,6 triệu euro giúp cho các dự án trên khắp thế giới. Số tiền này đã được sử dụng để hỗ trợ các dự án ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh và Đông Âu.

Số tiền này chủ yếu đến - ngoài các quỹ công cộng - từ quyên góp, dâng cúng và tiền từ ngân sách thông thường của Giáo hội.

Đức tổng giám mục Ludwig Schick của Bamberg, Chủ tịch ủy ban giám mục về mối quan hệ với Giáo hội hoàn vũ, nói rằng các số liệu cho thấy người Công giáo Đức “không đầu hàng trước nghèo đói và nhu cầu của thế giới”. Họ giúp đỡ ở những nơi cần thiết nhất. Sự bền vững, toàn diện và định hướng đối với người nghèo là nguyên tắc của họ.Từ khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc cách đây 75 năm, Giáo hội Đức bắt đầu giúp các nước bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và bạo lực. Trong các hoạt động của Giáo hội trong năm vừa qua, các tổ chức và các giáo phận nhắm đến hòa bình và hòa giải.

Trước đại dịch virus corona, Đức Tổng Giám mục Schick cảnh báo rằng lợi ích chung toàn cầu phải được đặt ở trung tâm của hành động chính trị: “Liên đới, công bằng và hiệp nhất trên thế giới là điều kiện không thể thiếu cho một tương lai tự do và an ninh cho toàn nhân loại.”

Hồng Thuỷ

THÔNG BÁO

1/ Vào lúc 5g00 sáng thứ Ba (01.03.2022) Đức cha Giuse sẽ dâng thánh lễ cầu nguyện cho linh hồn Đức cha cố Giuse Vũ Duy Thống, nhân ngày giỗ 5 năm.

2/ Vào lúc 5g00 sáng thứ Tư (02.03.2022), Lễ Tro, Đức cha Giuse sẽ chủ tế Thánh Lễ.

3/ Vào lúc 7g00, sáng thứ Bảy (05.03.2022) sẽ có rửa tội cho các trẻ sơ sinh. Quý cha mẹ có con rửa rội thì xin giấy giới thiệu ở Ban điều hành Giáo họ, và nộp giấy giới thiệu cùng sổ gia đình công giáo tại văn phòng giáo xứ trong tuần này.

 

Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2022

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 608


 CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN C

Lc 6, 27-38

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại. Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng.

Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn, và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Đấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác.

Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ. Đừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy".  Đó là lời Chúa.

SUY NIỆM

Chúa Giê-su dạy phải có lòng nhân từ như Chúa Cha là Đấng nhân từ. Nhưng “nhân từ như Chúa” là như thế nào đây?

Thưa, khi dạy như thế, Chúa Giê-su cũng cho chúng ta câu trả lời bằng chính thân phận và cuộc sống của Ngài, đặc biệt “giờ” của Ngài là cuộc khổ nạn và chịu chết trên thập giá. Ngài thương dân chúng “bơ vơ như chiên không có người chăn”, Ngài giảng dạy họ và còn cho họ ăn no. Ngài chạnh lòng thương trước nỗi khổ của những người bệnh tật, thổn thức trước người cha có đứa con bị quỉ ám, trước người mẹ có đứa con trai duy nhất phải chết đi. Và Ngài đã ra tay cứu giúp họ. Ngài không chỉ tuyên bố tha tội trong một số trường hợp, mà còn kêu cầu Chúa Cha tha tội cho kẻ đóng đinh Ngài.

TIN TỨC

1.  ĐTC chia Bộ Giáo lý Đức tin thành hai phân bộ giáo lý và kỷ luật

Ngày 14/2/2022, Đức Thánh Cha đã ban hành Tự sắc “Fidem servare” - bảo vệ Đức tin - trong đó ngài sửa đổi cơ cấu nội bộ của Bộ Giáo lý Đức tin. Cụ thể Đức Thánh Cha thành lập hai phân bộ phụ với thẩm quyền riêng biệt về giáo lý và kỷ luật, và bổ nhiệm Tổng Thư ký cho mỗi phân bộ. Mục đích việc cải cách này là đánh giá đúng tầm quan trọng của phân bộ tín lý và vai trò cơ bản của nó trong việc thăng tiến đức tin, nhưng cũng không bỏ qua hoạt động kỷ luật, sau nhiều thập kỷ Bộ Giáo lý Đức tin đã sử dụng rất nhiều nỗ lực và nhân lực để xem xét các trường hợp lạm dụng. Bằng cách này, với Tổng Thư ký riêng, mỗi phân bộ sẽ có thêm sức mạnh và nhiều quyền tự chủ hơn.

Đức Thánh Cha giải thích tựa đề của Tự sắc Bảo vệ Đức tin: “đây là nhiệm vụ chính, cũng như tiêu chí tối thượng phải tuân theo trong đời sống của Giáo hội. Bộ Giáo lý Đức tin thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, đảm nhận cả chức năng ‘giáo lý và kỷ luật’, như được các Giáo hoàng, đặc biệt là Đức Phaolô VI và Đức Gioan Phaolô II quy định”. Việc thành lập hai phân bộ là để giúp cho Bộ Giáo lý Đức tin tiếp cận phù hợp hơn với việc hoàn thành các chức năng của mình.

Hơn nữa, nó hỗ trợ các nghiên cứu nhằm mục đích tăng cường sự hiểu biết và việc truyền tải đức tin trong việc phục vụ truyền giảng Phúc âm, và ánh sáng của nó có thể là tiêu chuẩn để hiểu ý nghĩa của sự tồn tại, đặc biệt khi đối mặt với những câu hỏi đặt ra bởi sự tiến bộ của khoa học và từ sự phát triển của xã hội”. Hơn nữa, Phân bộ xem xét các tài liệu được xuất bản bởi các Bộ khác và các bài viết và ý kiến “có vẻ có vấn đề đối với đức tin đúng đắn, bằng cách đối thoại với tác giả của các bài viết và đề xuất các biện pháp khắc phục phù hợp”.

Phân bộ Giáo lý được giao nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề liên quan đến các giám hạt tòng nhân của những tín hữu cựu Anh giáo và hoạt động của Văn phòng Hôn nhân, nơi liên quan đến “đặc ân đức tin” và xem xét việc tháo gỡ hôn phối giữa hai người chưa rửa tội hoặc giữa một người đã được rửa tội và một người chưa rửa tội.

Phân bộ Kỷ luật xử lý các tội phạm dành riêng cho quyền xét xử của Bộ Giáo lý Đức tin và được thực hiện thông qua “Toà án Tối cao của Toà Thánh”. Phân bộ này có “nhiệm vụ chuẩn bị và thiết lập các thủ tục được quy định bởi Giáo luật để Bộ, trong các trường hợp khác nhau, có thể thúc đẩy việc điều hành công lý đúng đắn”. Vì mục đích này, Phân bộ kỷ luật “thúc đẩy các sáng kiến đào tạo thích hợp” cho các giám mục và những nhà hành pháp, “để thúc đẩy sự hiểu biết đúng đắn và áp dụng các quy định giáo luật liên quan đến lĩnh vực thẩm quyền của riêng họ”.

Vatican News

2. ĐTC mời gọi các nghệ sĩ dùng nghệ thuật khơi dậy lòng khao khát Thiên Chúa

Sáng thứ Năm 17/2/2022, Đức Thánh Cha đã tiếp các nghệ sĩ thành viên của Hiệp hội Phục vụ Vẻ đẹp nhân kỷ niệm 10 năm thành lập của tổ chức. Đức Thánh Cha đã khuyến khích các nghệ sĩ dùng nghệ thuật diễn đạt vẻ đẹp của Thiên Chúa để khơi dậy trong người khác lòng khao khát Thiên Chúa

Được thành lập vào năm 2012 để thúc đẩy sự trao đổi giữa các nghệ sĩ và Giáo hội, Hiệp hội Phục vụ Vẻ đẹp cung cấp giáo dục, cầu nguyện, hỗ trợ tinh thần và kinh tế cho các thành viên, là các nhạc sĩ, thi sĩ, ca sĩ, họa sĩ, kiến trúc sư, nhà điêu khắc, diễn viên và vũ công.

Đức Thánh Cha nhắc lại rằng Kinh Thánh nói nhiều về vẻ đẹp của vũ trụ, điều phản ánh vẻ đẹp của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa. Ngài nói: “Theo một nghĩa nào đó, việc sáng tạo nghệ thuật hoàn thiện vẻ đẹp của Công trình sáng tạo, và khi được truyền cảm hứng bởi đức tin, nó sẽ cho con người thấy rõ ràng hơn về tình yêu của Thiên Chúa, nguồn gốc của nó.”

Đức Thánh Cha ca ngợi 10 năm hoạt động của Hiệp hội và “tình yêu và niềm đam mê” của các thành viên khi chia sẻ tài năng Chúa ban cho những người khác để truyền bá thông điệp đức tin và truyền giáo. Ngài nói thêm rằng nghệ thuật đích thực có thể nói một cách hùng hồn về vẻ đẹp và sự tốt lành của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha tiếp tục thúc giục các nghệ sĩ tiếp cận với những người nam nữ trong thời đại chúng ta theo cách mà người khác hiểu được các nghệ sĩ, thay vì tạo ra một phong cách nghệ thuật “không thể hiểu được và bị niêm phong”. “Hôm nay, Giáo hội dựa vào các bạn để giúp các anh chị em chúng ta có một trái tim nhạy cảm và từ bi, một cái nhìn yêu thương đổi mới đối với thế giới và tha nhân”.

Theo Đức Thánh Cha, nỗi buồn và sự xa cách dường như đang chiếm ưu thế trong xã hội hiện nay. Do đó, nhiệm vụ của các nghệ sĩ là giúp thế giới khám phá lại vẻ đẹp mà Thiên Chúa chia sẻ với nhân loại.

Hồng Thuỷ

THÔNG BÁO

- Vào lúc 07g00, Sáng thứ Bảy (26.02.2022) sẽ trao MTC cho người già và bệnh nhân.