Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2023

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 773

 

CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN NĂM A

PHÚC ÂM: Mt 13, 44-52

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Nước trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở về bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy. Nước trời cũng giống như người buôn nọ đi tìm ngọc quý. Tìm được một viên ngọc quý, anh về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy.

“Nước trời lại giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá. Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài. Trong ngày tận thế cũng vậy: các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng. Các ngươi có hiểu những điều đó không?” Họ thưa rằng: “Có”.

Người liền bảo họ: “Bởi thế, những thầy thông giáo am tường về Nước trời cũng giống như chủ nhà kia, hay lợi dụng những cái mới, cũ trong kho mình”.

 

SUY NIỆM

Các dụ ngôn về kho báu và viên ngọc quý trong Tin Mừng đều có chung một sứ điệp: Nước Trời là kho tàng quý giá. Để tậu được kho tàng ấy, Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta phải bán đi mọi vật chúng ta sở hữu. Nhưng để thấy được điều này, chúng ta cần sự khôn ngoan mà Thiên Chúa ban cho, để nhận ra đâu là giá trị nhất thời, đâu là giá trị vĩnh cữu mà chọn lựa cho cuộc sống mình.

Khi so sánh Nước Trời như một viên ngọc quý hay một kho tàng vô giá, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng: Cứu cánh của cuộc sống người Kitô hữu là đi tìm kho báu Nước Trời.  Muốn nhận ra viên ngọc quý hay kho tàng, chúng ta phải đi tìm bằng con mắt đức tin. Khi đã tìm được thì phải làm một cuộc hoán cải tội lỗi tận gốc rễ như người lái buôn đã bán tất cả những gì mình có để mua cho được thửa ruộng có chứa kho báu, hay như người thương gia kia đã bán tất cả tài sản mình có để mua cho được viên ngọc quý, và phải đầu tư tất cả cho cuôc sống đức tin. Nước Trời đáng giá hơn mọi vật mà chúng ta có.

Khi tìm thấy kho báu ấy, chúng  ta mới xứng đáng là con cái của Ngài như thánh Phaolô tiết lộ: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người, tức là  cho những kẻ Người kêu gọi theo như ý Người định,”  Nhưng điều quan trọng là chúng ta có tìm thấy kho báu ấy không, và khi đã tìm thấy, chúng ta có can đảm bán hết để mua kho tàng ấy không! Số phận của chúng ta sẽ tùy thuộc vào sự quyết định chọn lựa của chúng ta.

 

BẢN TIN

 VIỆT NAM VÀ TÒA THÁNH KÝ KẾT THỎA THUẬN VỀ QUY CHẾ CỦA ĐẠI DIỆN THƯỜNG TRÚ CỦA TÒA THÁNH TẠI VIỆT NAM

Thông cáo chung giữa Việt Nam và Tòa Thánh, được công bố chiều ngày 27/7/2023, cho biết hai bên đã ký kết “Thỏa thuận về Quy chế của Đại diện Thường trú của Tòa Thánh và về Văn phòng Đại diện Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam”. Trước đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp ông Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Đức Thánh Cha đã tiếp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng

Vào lúc 3 giờ chiều ngày 27/7/2023, Đức Thánh Cha đã tiếp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Thư viện Dinh Tông tòa. Sau cuộc gặp gỡ kéo dài khoảng 20 phút, Đức Thánh Cha đã tặng mỗi thành viên trong phái đoàn Việt Nam một huy chương của Giáo hoàng.

Ngài cũng tặng Chủ tịch nước Việt Nam một bức phù điêu bằng đồng khắc họa về chủ đề thương xót, đón nhận và tình huynh đệ, là lời kêu gọi không ngừng của ngài trong những năm qua. Quà tặng của Đức Thánh Cha còn có Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình năm 2023, Tài liệu về tình Huynh đệ Nhân loại, cuốn sách về buổi cầu nguyện cho đại dịch chấm dứt vào tối ngày 27 tháng 3 năm 2020 và cuốn sách hình ảnh về Căn hộ Giáo hoàng.

Về phần mình, Chủ tịch nước Việt Nam đã tặng Đức Thánh Cha một bình gốm có hình đền thờ Thánh Phêrô, được làm tại Việt Nam.

Sau đó, Chủ tịch nước Việt Nam và phái đoàn đã có cuộc gặp gỡ với Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh Pietro Parolin.

Thông cáo chung về việc ký kết Thỏa thuận về quy chế của Đại diện Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam

Thông cáo chung về việc ký kết Thỏa thuận về quy chế của Đại diện Thường trú của Tòa Thánh và Văn phòng Đại diện Thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam cho biết:

"Nhân chuyến thăm Vatican của ông Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, vào ngày 27 tháng 7 năm 2023, dựa trên những tiến bộ đạt được trong các Phiên họp của Nhóm làm việc chung giữa Việt Nam và Tòa Thánh, đặc biệt là phiên họp thứ 10 vào ngày 31 tháng 3 năm 2023 tại Vatican, và với mong muốn tiếp tục thúc đẩy các quan hệ song phương, hai bên chính thức thông báo rằng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Tòa thánh đã ký kết “Thỏa thuận về Quy chế của Đại diện Thường trú của Tòa Thánh và về Văn phòng Đại diện Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam”.

Thông cáo cho biết thêm, "Trong cuộc trò chuyện thân mật giữa Chủ tịch Võ Văn Thưởng với Đức Giáo hoàng Phanxicô và sau đó, với Đức Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, các bên bày tỏ sự đánh giá cao về những tiến triển đáng kể trong các quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh cũng như những đóng góp tích cực của cộng đồng Công giáo Việt Nam cho đến nay."

Cuối cùng, thông cáo cũng nói rằng "Hai bên bày tỏ tin tưởng rằng Đại diện Tòa Thánh sẽ hoàn thành vai trò và nhiệm vụ được trao trong Thỏa thuận, đồng thời sẽ hỗ trợ cộng đồng Công giáo Việt Nam thực hiện nhiệm vụ của họ trong tinh thần tôn trọng luật pháp và luôn được Huấn quyền của Giáo hội hướng dẫn, để thực thi ơn gọi 'đồng hành cùng dân tộc' và là 'người Công giáo tốt, người công dân tốt', góp phần xây dựng đất nước. Đồng thời, Đại diện Tòa Thánh sẽ là cầu nối để thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh."

Tiến trình thảo luận giữa Việt Nam và Tòa Thánh về một vị Đại diện Thường trực của Tòa Thánh tại Việt Nam đã kéo dài từ nhiều năm. Cho đến nay, Đại diện không Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam là Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, 60 tuổi, người Ba Lan; ngài hiện là Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore. (CSR_2879_2023)

Nguồn: vaticannews.va/vi

 

THÔNG BÁO

1/ Vào lúc 7h00, sáng Thứ Bảy ngày 05.8.2023: rửa tội cho trẻ sơ sinh. Xin quý cha mẹ có con rửa tội, đến xin giấy giới thiệu nơi Ban Điều Hành giáo họ, và nộp sổ gia đình về văn phòng giáo xứ trong tuần này.

2/ Ban Giáo Lý xin thông báo: Những con em sinh năm 2017 trở về trước (tức là bắt đầu vào lớp 1 năm nay). Xin quý phụ huynh ghi danh cho con em của mình học giáo lý, địa điểm tại Văn phòng Giáo Xứ, để các em vào lớp Giáo lý Khai Tâm 1 trong năm học 2023 – 2024 này.

3/ Giáo xứ xin tri ân gia đình Cô Tư (bán thịt heo), Giáo họ Giuse Thị, đã ủng hộ Giáo xứ năm triệu đồng. Xin Chúa chúc lành cho quý ân nhân và quý vị.


Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2023

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 772

 

CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN NĂM A

PHÚC ÂM: Mt 13, 24-30

Khi ấy, Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng: “Nước trời giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Trong lúc mọi người ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa lớn lên và trổ bông thì cỏ lùng cũng lộ ra. Ðầy tớ chủ nhà đến nói với ông rằng: “Thưa ông, thế ông đã không gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng từ đâu mà có?” Ông đáp: “Người thù của ta đã làm như thế”. Ðầy tớ nói với chủ: “Nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ”. Chủ nhà đáp: “Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng. Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: “Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta”.

SUY NIỆM

Lời Chúa hôm nay qua dụ ngôn lúa và cỏ lùng, Chúa Giêsu muốn giới thiệu cho chúng ta về bản chất của Thiên Chúa là: “Ðấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương” (Tv 103, 8).

Thật vậy, Thiên Chúa thương xót mọi người, cả người tốt và cả người xấu. Nhưng chúng ta lại ưa xì xầm với nhau: “Sao Chúa không cho lũ ác ôn bị nạn cho nó trắng mắt ra nhỉ?”. Chúng ta không thể hiểu thấu tình yêu Thiên Chúa, bởi vì lòng thương xót của Ngài quá lớn, đến nỗi sai Con Một xuống trần gian rồi “hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người” (Mt 20, 28). Trong số “muôn người” đó có cả người xấu và người tốt – là người này, là người kia, là bạn, là tôi, là tất cả chúng ta dù nam hay nữ. Chẳng vậy mà Chúa Giêsu đã từng dạy chúng ta: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 44), và “Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (Lc 6, 28).

Theo gương Chúa, chúng ta phải có thái độ như trong bài Tin mừng hôm nay: hãy bắt chước lòng kiên nhẫn của Chúa. Thiên Chúa cho kẻ lành người dữ sống chung với nhau, cũng như cho cỏ lùng và lúa cùng mọc lên, đến ngày tận thế Thiên Chúa mới phân xử, mới tách biệt chiên ra khỏi dê, người lành khỏi kẻ dữ. Trong khi chờ đợi ngày phân xử, chúng ta hãy yêu thương mọi người, nhất là tạo điều kiện cho những kẻ tội lỗi biết sám hối trở về đường lành, còn việc xét xử thì dành cho Thiên Chúa.

 

BẢN TIN

1.      Các Giám mục châu Âu khẳng định phá thai không phải là quyền cơ bản

Uỷ ban các Hội đồng Giám mục của Liên minh Âu châu gọi tắt là COMECE phản đối việc đưa quyền phá thai vào Hiến chương về các Quyền cơ bản của Liên minh Âu châu, vì điều này vi phạm luật và nhân phẩm của Liên minh.

Trong một tuyên bố được đưa ra trong ngày 19/7, Đức cha Anton Jamnik, Chủ tịch của Uỷ ban Đạo đức của COMECE, đã đại diện các Giám mục nói rằng, việc tôn trọng nhân phẩm của mỗi người trong mọi giai đoạn của cuộc sống, đặc biệt trong những hoàn cảnh dễ bị tổn thương là một nguyên tắc cơ bản trong các xã hội dân chủ. Tuyên bố viết: “Các quốc gia thành viên Liên minh Âu châu có truyền thống hiến pháp khác nhau liên quan đến quy định pháp luật về phá thai. Do đó quy định quyền phá thai là quyền cơ bản là đi ngược lại với các nguyên tắc chung của Liên minh”.

Hơn nữa, theo các Giám mục, không có luật về phá thai được công nhận trong luật châu Âu hoặc luật quốc tế. Toà án Nhân quyền Âu châu chưa bao giờ tuyên bố phá thai là nhân quyền được bảo vệ bởi Công ước Âu châu về các quyền cơ bản. Trái lại, Toà án đã tuyên bố quyền sống là quyền cơ bản của con người và xác nhận trong án lệ rằng đó là mục tiêu hợp pháp cho các quốc gia ký kết công ước bảo vệ sự sống chưa được sinh ra.

Phá thai được quy định rộng rãi trên khắp các quốc gia thành viên Liên minh Âu châu. Nhiều nước hạn chế phá thai sau 12 đến 14 tuần thai kỳ; một số quốc gia cũng áp đặt thời gian chờ đợi và các quy định khác.

Trước đó, vào đầu năm 2022, COMECE đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc đối với đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macrons về việc đưa quyền phá thai vào Hiến chương về các Quyền cơ bản của Liên minh Âu châu.

Vào tháng 7/2022, phản ứng trước một nghị quyết của Nghị viện Âu châu, COMECE đã đưa ra một tuyên bố khuyến khích các nhà lãnh đạo chính trị “làm việc vì sự thống nhất hơn nữa giữa những người Âu châu, không tạo ra các rào cản ý thức hệ và sự phân cực cao hơn”. Các Giám mục khẳng định rằng chăm sóc phụ nữ đang ở trong hoàn cảnh khó khăn khi đang mang thai là một phần trung tâm của sứ vụ của Giáo hội. Xã hội cũng phải coi đây là một nghĩa vụ phải thi hành.

Nguồn: vaticannews.va/vi

2.      Ngày JMJ được mời gọi tham dự Thánh lễ cho ngày thế giới ông bà và người cao tuổi

Trong thánh lễ mà Đức Phanxicô sẽ chủ tế ở Vương cung thánh đường thánh Phêrô ngày 23/7/2023, lúc 15g (giờ VN), nhân Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao Tuổi lần thứ 3, thánh giá của Ngày Quốc tế Giới Trẻ (JMJ) sẽ được những người cao tuổi trao cho các bạn trẻ hành hương đến Lisbon.

Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao Tuổi lần thứ 3, năm nay, có chủ đề “Lòng thương xót Chúa trải dài từ đời nọ đến đời kia” (Lc 1, 50). Một vang vọng về chủ đề của JMJ ở Lisbon đang đến gần, “Đức Maria đã chỗi dậy và vội vã lên đường” (Lc 1, 39).

Tại Rôma, thánh lễ sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô chủ tế lúc 10g sáng (giờ Rôma, 3g chiều, giờ VN). Dự kiến có hơn 6000 người tham dự, trong đó có nhiều người cao tuổi đến từ khắp nước Ý: các ông bà được đồng hành bởi con cháu và gia đình của họ, những người cao tuổi từ các viện dưỡng lão, những người khác tham gia vào đời sống của giáo xứ, giáo phận hay hiệp hội. Cuối buổi cử hành, năm người cao tuổi – đại diện năm lục địa – sẽ trao thánh giá của JMJ cho năm bạn trẻ sẽ lên đường tới Lisbon, qua cử chỉ này biểu thị việc truyền đạt đức tin từ thế hệ này sang thế hệ khác, cũng như sự dấn thân của người cao tuổi và ông bà để cầu nguyện cho các bạn trẻ hành hương. Ngày Quốc tế Giới tẻ ở Lisbon sẽ diễn ra từ ngày 1-6/8/2023.

Đối với tất cả những người tham dự thánh lễ này ở Đền thờ Thánh Phêrô, giáo phận Rôma sẽ trao lời cầu nguyện cho Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao Tuổi lần 3 và Sứ điệp của Đức Thánh Cha được viết cho dịp này.Về phần mình, Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống nhắc lại lời mời gọi cử hành Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao Tuổi trong tất cả các giáo phận trên thế giới bằng một thánh lễ dành riêng cho họ và thăm viếng những người già neo đơn. Những người thực hiện những cử chỉ này sẽ hưởng được một ơn toàn xá.

Những ví dụ về các sáng kiến liên thế hệ

Theo nghĩa này, hai ví dụ về việc cử hành, trong số nhiều ví dụ khác sẽ diễn ra trên thế giới, là của HĐGM Braxin, sẽ cử hành một thánh lễ với người cao tuổi ở Đền Thánh Aparecida và HĐGM Canada, đã đưa ra một video mời gọi các bạn trẻ tham viếng người cao tuổi tại các viện dưỡng lão.

Ủy ban tổ chức địa phương của JMJ ở Lisbon cũng đã tham gia lời mời gọi của Đức Thánh Cha bằng cách đưa ra hai sáng kiến: một là thúc đẩy một chuỗi cầu nguyện của các ông bà và người cao tuổi để đồng hành với các bạn trẻ đang lên đường đến Lisbon – và một thách thức trên mạng xã hội mời gọi các bạn trẻ viếng tham những người cao tuổi trước ngày J và chụp một ảnh hay quay một video với họ.

Nhạy cảm với người già: Trước Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao Tuổi lần thứ 3, Đức Cha Benjamin Phiri, Giám Mục Giáo Phận Ndola, ở Zambia, đã tổ chức một tuần các buổi cử hành trong giáo phận. Mục đích của việc tổ chức này không chỉ nhằm tôn vinh và công nhận giá trị của những người cao tuổi mà còn nhằm nâng cao nhận thức về hoàn cảnh của những người cao tuổi này trong xã hội. Ý tưởng là “dành cả tuần từ ngày 16 đến ngày 23 tháng 7 năm 2023 cho việc cử hành cao quý này”, Đức cha Benjamin Phiri cho biết, và ngài cũng đã chuẩn bị các chủ đề và đường hướng để hướng dẫn các buổi cử hành vào những ngày cụ thể. Một số chủ đề đã được thảo luận trong tuần này: vào ngày 17 và 18 tháng 7, các buổi cử hành được hướng dẫn theo chủ đề “những người bị bỏ rơi và những người sống một mình”, vào ngày 19 tháng 7 “những người bị ngược đãi và bỏ tù”, vào ngày 20 tháng 7 “các bệnh nhân giai đoạn cuối và tàn tật”, vào ngày 21 tháng 7 “những người hấp hối trong nhà và nhà tế bần”, vào ngày 22 tháng 7 “người già đã qua đời và người già” và vào Chủ nhật ngày 23 tháng 7 theo chủ đề chính của năm nay, “Lòng thương xót của Chúa từ thế hệ này sang thế hệ khác”.

Trong thông điệp ngày 15 tháng 7, Đức cha Phiri nhấn mạnh rằng người già “có vẻ mệt mỏi, mong manh và kém năng suất, nhưng xã hội thực sự cần họ vì những kinh nghiệm họ đã sống – tốt và xấu – khiến họ không chỉ là những quân sư tốt, mà còn những người bạn đồng hành tốt trong mọi lĩnh vực của xã hội chúng ta”.

 

KHÓC VỚI NGƯỜI KHÓC

Ông Đôminicô Lê Tấn Lộc, sinh 1962 tại Phan Thiết, là chồng của bà Maria Nguyễn Thị Kim Dung, ở giáo họ Matthêu Phượng, đã qua đời ngày 17/7/2023 tại Phan Thiết. Lễ an táng lúc 4g45 ngày 20/7/2023 tại Nhà Thờ Chính Tòa, sau đó đưa đi an táng tại nghĩa trang Vinh An. Giáo xứ xin chia buồn cùng tang quyến và hiệp thông cầu nguyện cho linh hồn Đôminicô mau về hưởng tôn nhan Chúa.

THÔNG BÁO

1/ Vào lúc 8h30, ngày 23-7-2023 Giáo xứ sẽ khai giảng khóa Giáo lý Hôn Nhân và Dự Tòng. Xin các bạn trẻ đã đăng ký học đi đúng giờ.

2/ Sáng Thứ Bảy, ngày 24 tháng 6: Trao Mình Thánh Chúa cho người già và bệnh nhân.

3/  Giáo xứ xin tri ân chị Mỹ ở Úc đã ủng hộ giáo xứ ba triệu đồng. Xin Chúa chúc lành cho quý ân nhân và quý vị.


Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2023

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 771

 

CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN NĂM A

PHÚC ÂM: Mt 13, 1-9

Ngày ấy, Chúa Giêsu ra khỏi nhà và đi đến ngồi ở ven bờ biển. Dân chúng tụ tập quanh Người đông đảo đến nỗi Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Và Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. Người nói:

“Này đây, có người gieo giống đi gieo lúa. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim trời bay đến ăn mất. Có hạt rơi xuống trên đá sỏi, chỗ có ít đất, nó liền mọc lên, vì không có nhiều đất. Khi mặt trời mọc lên, bị nắng gắt, và vì không đâm rễ sâu, nên liền khô héo. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc um tùm, nên nó chết nghẹt. Có hạt rơi xuống đất tốt và sinh hoa kết quả, có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi. Ai có tai thì hãy nghe”.

SUY NIỆM

Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh đến sự phong phú của ơn Chúa. Tất cả mọi đất tốt, xấu đều được đón nhận hạt giống. Người gieo giống rất quảng đại trong khi gieo hạt. Ông ta tung gieo hạt giống khắp nơi, ông gieo trong đất tốt, cả những nơi vệ đường, sỏi đá, gai góc ông cũng tung vãi. Điều này cho thấy người gieo hạt giống luôn hy vọng vào những hạt ông đã gieo, sẽ sinh hoa kết quả. Tuy nhiên, chỉ có những hạt rơi vào đất tốt mới sinh hoa kết quả, còn những hạt còn lại coi như đã chết.  

Tâm hồn mỗi người là một thửa ruộng, và không có thửa ruộng nào là vô ích. Nhưng để thửa ruộng là mảnh đất phì nhiêu đòi hỏi mỗi người chúng ta phải ra công cày xới. Đương nhiên không có cuộc cày xới nào mà không đòi phải vất vả, long đong. Tâm hồn chúng ta sẽ không là mảnh đất sinh hoa trái, nếu chúng ta không chịu hy sinh, mất mát lo cày xới, gạn lọc, nhổ hết gai góc, nhặt đi những sỏi đá của ích kỷ hẹp hòi, của những đam mê hư hèn, của gian tham lừa lọc, của thù hận ghen tương.

Như vậy, Lời Chúa hôm nay kêu gọi chúng ta đừng để tâm hồn mình thành sỏi đá, đường đi bởi do lòng ích kỷ và thói vô tâm, cũng đừng để tâm hồn mình là bụi gai bởi lòng tham những của hư hèn và tính ươn lười ngại hy sinh cố gắng, nhưng là hãy ra công cày xới cho hồn mình là mảnh đất phì nhiêu.

 

BẢN TIN

1.      Sẽ có 480 sự kiện được tổ chức tại 100 địa điểm ở Lisbon trong thời gian Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.

480 sự kiện được tổ chức rải rác tại 100 địa điểm ở thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha trong thời gian Đại hội Giới trẻ Thế giới (GTTG), với các tham dự viên đến từ 55 quốc gia và 100 nhóm nhạc đến từ 5 châu lục. Đây là một vài con số trong ngày “Lễ hội Giới trẻ”, một sự kiện tôn giáo, nghệ thuật, văn hóa và thể thao ấn tượng diễn ra từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 8 năm nay (2023), cho phép người tham dự trải nghiệm những khoảnh khắc giải trí và suy tư, theo tinh thần sáng tạo và chứng tá.

Âm nhạc: Trên sân khấu và khu vực ngoài trời, cũng như trong các khán phòng, rạp chiếu phim, nhà hát, viện bảo tàng, không gian triển lãm, nhà thờ, những người trẻ đã chọn chia sẻ kinh nghiệm của mình với bạn bè, sẽ lần lượt làm điều này bằng cách sử dụng các ngôn ngữ khác nhau. 290 buổi hòa nhạc đã được lên lịch, với các thể loại từ cổ điển đến rock đến rap, chuyển qua nhạc pop, dân gian và nhạc Kitô giáo.

Trong số các buổi biểu diễn do 16 nhóm quốc tế đề xuất, nhiều buổi biểu diễn sẽ là những buổi biểu diễn sân khấu lấy cảm hứng từ các Thánh, ví dụ như Antôn, Phanxicô, Têrêsa Hài Đồng và Jean d'Arc.

Có nhiều màn trình diễn khiêu vũ bao gồm cả màn trình diễn của Nhóm vũ công trẻ thế giới và Flash Mob được trình bày bởi các thiếu niên của Phong trào Giới trẻ Salêdiêng Toàn cầu.

Cầu nguyện: Cũng sẽ có những cơ hội để cầu nguyện hoặc tìm hiểu các thực tại của Giáo hội hiện nay trên thế giới nhờ 55 sáng kiến được thúc đẩy bởi các giáo phận, các nhóm, hiệp hội và phong trào. Những ai muốn cũng có thể khám phá các vấn đề liên quan đến tu đức và truyền giáo, và đến quyền công dân, việc làm, hệ sinh thái toàn diện.

Trên thực tế, có 38 hội nghị - bằng các ngôn ngữ khác nhau - sẽ cho phép thảo luận về những thách đố lớn của ngày hôm nay và về sự đóng góp của đức tin mà những người trẻ tuổi có thể cống hiến trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống.

Nền kinh tế Phanxicô: Trong số các sự kiện được công bố, có sự tập trung vào nền kinh tế Phanxicô, tâm điểm của cuộc tranh luận với nhiều chuyên gia trong lĩnh vực sẽ diễn ra tại Đại học Công giáo Lisbon, và các cuộc gặp gỡ được tổ chức tại Tổ chức Champalimaud với các thành viên gia đình và bạn hữu của một số Đấng bảo trợ của Ngày GTTG như chân phước Chiara Badano và Carlo Acutis hoặc những nhân chứng khác của thời đại chúng ta, như Đấng Đáng kính Guido Schaffer, một bác sĩ và chủng sinh người Brazil, được định nghĩa là “thiên thần lướt sóng.”

Ơn gọi: Cũng có chương trình về chủ đề ơn gọi - từ hôn nhân đến thiên chức linh mục và đời sống thánh hiến - với những khoảnh khắc kể chuyện và đối thoại được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Belém với sự cộng tác của Trung tâm Nghiên cứu và Nhân học Ơn gọi.

“Gmg sport”: Cuối cùng là “Gmg sport” (ngày 2/8) với giải bóng chuyền bãi biển trên bãi biển Carcavelos và giải bóng đá 7 người tại Estádio Universitário, nơi cũng sẽ tổ chức nhiều buổi thể thao khác nhau. (SIR 12/07/2023)

Nguồn: vaticannews.va/vi

 

2.      Cậu bé vượt rào an ninh ôm đức thánh cha phanxicô tại đại hội giới trẻ thế giới 2013 trở thành chủng sinh

Tại Đại hội Giới trẻ Thế giới Rio de Janeiro, Brazil, năm 2013, cậu bé cố gắng vượt qua hàng rào kiểm soát đám đông để trao cái ôm đầy tình cảm cho Đức Thánh Cha Phanxicô.

Vào ngày 26/7/2013, cậu bé 9 tuổi Nathan de Brito đã tìm cách để lên được chiếc xe chở Đức Giáo hoàng Phanxicô qua đường phố của Rio de Janeiro. Sau đó, cậu ôm Đức Thánh Cha và nói với ngài rằng cậu muốn trở thành một linh mục.

10 năm sau, de Brito trở thành chủng sinh của Tổng Giáo phận Campo Grande ở bang Mato Grosso do Sul của Brazil. Đối với thầy, cuộc gặp gỡ đặc biệt ấy đã duy trì ngọn lửa ơn gọi trong thầy. Đức Thánh Cha đã đến thăm Rio de Janeiro vào năm 2013. Đây là chuyến công du quốc tế đầu tiên của ngài sau khi ngài được bầu làm Giáo hoàng vào tháng 3 năm đó. Bức ảnh de Brito ôm Đức Thánh Cha Phanxicô nhanh chóng được lan truyền, trở thành một trong những hình ảnh ấn tượng nhất của chuyến tông du. Chàng trai trẻ vẫn rất xúc động khi kể lại cuộc gặp gỡ đó. Trả lời phỏng vấn của đài ACI Digital, thầy Nathan de Brito cho biết cuộc gặp đó không phải để đánh thức ơn gọi, vì thầy đã có ý hướng làm linh mục từ lâu. Nhưng cuộc gặp gỡ ấy là một động lực to lớn trên con đường theo Chúa.

Vị chủng sinh chia sẻ rằng thầy muốn trở thành linh mục từ nhỏ. Thầy rất thích tham dự Thánh lễ. Năm 5 tuổi, thầy đã tham gia giúp lễ ở Cabo Frio, thuộc bang Rio de Janeiro. Đến năm 7 tuổi, cha của thầy hỏi rằng lớn lên con muốn làm gì, thầy trả lời rằng chỉ muốn làm linh mục mà thôi: “Vào giây phút gặp gỡ Đức Thánh Cha, tôi có thể cảm nhận được tình yêu to lớn của Thiên Chúa dành cho tôi”, chủng sinh de Brito nói. Đức Thánh Cha trả lời đơn giản: “Hãy cầu nguyện cho cha và cha sẽ cầu nguyện cho con”.

Vào đầu năm 2020, Nathan de Brito gia nhập Dòng Anh Em Hèn Mọn. Đến cuối năm 2022, thầy xin chuyển đến chủng viện của Tổng Giáo phận Campo Grande.

Natalia Zimbrão

 

 

THÔNG BÁO

1/ Giáo xứ sẽ mở khóa Giáo lý Hôn Nhân và Dự Tòng. Các bạn trẻ ai có nhu cầu, xin đăng ký tại văn phòng giáo xứ. Khóa học này sẽ được khai giảng vào sáng Chúa Nhật, vào lúc 8h30, ngày 23-7-2023 tại hội trường giáo xứ.

(Lưu ý: những ai ở các giáo xứ khác thì xin giấy giới thiệu nơi cha xứ của mình và nộp giấy giới thiệu tại văn phòng giáo xứ Chính Tòa).


Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2023

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 770

 

CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN NĂM A

PHÚC ÂM: Mt 11, 25 - 30

Khi ấy, Chúa Giêsu lên tiếng nói rằng: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy. – Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con, trừ ra Cha. Và cũng không ai biết Cha, trừ ra Con và kẻ Con muốn mạc khải cho.

“Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng”.

SUY NIỆM

Tin Mừng hôm nay, thánh Matthêu cho biết Chúa Giêsu đã mạc khải mầu nhiệm về Cha của Ngài cho những kẻ bé mọn, những kẻ vô danh tiểu tốt. Ðối với xã hội họ chẳng là gì, chẳng có quyền gì, nhưng đã được Chúa Giêsu yêu thương và dạy cho biết về mầu nhiệm cao siêu, huyền nhiệm Nước Trời.

Cuộc sống hôm nay, con người luôn mong muốn được vĩ đại, sự mong muốn và phấn đấu vĩ đại của con người đã lấn át mạc khải nước Trời. Con người quên tinh thần bé nhỏ tín thác, sự vĩ đại mà họ muốn khẳng định và định đoạt tất cả, cái giá của sự vĩ đại mang danh “tự do” làm cho tôi và bạn quên Thiên Chúa gạt Ngài ra khỏi đời sống trong từng cách sống. Dù rằng, chúng ta vẫn luôn tuyên xưng mình là người có đạo, người tin Chúa.

Thật thế, con người sẽ tìm thấy bình an, khi nhìn nhận sự bé nhỏ của mình trước Đấng Tạo Hóa và phó thác vào Ngài, họ sẽ được chính nước Trời khi giữa phong ba, giữa những mỏi mệt của cuộc sống đó là mầu nhiệm nước Trời mà người không tin vào Chúa Giêsu không thể cảm nghiệm.

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con được hạnh phúc biết về Thiên Chúa Cha, Ngài là Cha yêu thương chúng con. Xin cho toàn thế giới này cũng được nhận ra Cha là Ðấng đầy yêu thương để họ được hạnh phúc. Amen.

BẢN TIN

THƯ ĐỨC THÁNH CHA THIẾT LẬP  UỶ BAN CÁC VỊ TỬ ĐẠO MỚI - CHỨNG NHÂN ĐỨC TINTẠI BỘ PHONG THÁNH

Để chuẩn bị cho Năm Thánh 2025 sắp tới, khi chúng ta sẽ quy tụ cùng nhau như là “Những người lữ hành của niềm hy vọng”, tôi đã thành lập “Ủy ban các Vị Tử đạo mới - Chứng nhân Đức tin” tại Bộ Phong Thánh, để soạn thảo một Danh mục tất cả những ai đã đổ máu để tuyên xưng Đức Kitô và làm chứng cho Tin Mừng. Các vị tử đạo trong Giáo hội là những chứng nhân của đức cậy được bắt nguồn từ đức tin vào Đức Kitô và khơi dậy đức ái đích thực. Niềm hy vọng duy trì niềm xác tín sâu xa rằng điều thiện mạnh hơn sự ác, bởi vì Thiên Chúa trong Đức Kitô đã chiến thắng tội lỗi và sự chết. Ủy ban sẽ tiếp tục việc nghiên cứu, vốn đã được khởi sự nhân dịp Đại Năm Thánh 2000, để xác định những Chứng nhân Đức tin trong một phần tư đầu tiên của thế kỷ này, và sẽ tiếp tục trong tương lai.

Thật vậy, các vị tử đạo đã đồng hành với đời sống Giáo hội qua mọi thời đại, và triển nở như “những trái chín mọng trong vườn nho Chúa” cho đến tận ngày nay. Như tôi đã nói nhiều lần, các vị tử đạo “ thời đại chúng ta đông đảo hơn nhiềso với ở những thế kỷ đầu”: các ngài là giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân và gia đình, thuộc nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, khi hiến dâng mạng sống của mình, đã nêu một chứng tá tột đỉnh về đức ái (x. LG 42). Như Thánh Gioan Phaolô II đã viết trong Tông thư Ngàn Năm thứ Ba đang tới (Tertio millennio adveniente), cần phải làm mọi việc để di sản của đám mây “những chiến sĩ vô danh… của sự nghiệp vĩ đại của Thiên Chúa” (số 37) không bị mai mộtVào ngày mồng 07.05.2000, những vị tử đạo đã được tưởng nhớ trong một buổi cử hành đại kết tại Đấu trường Colosseum ở Roma với sự hiện diện của các vị đại diện của các Giáo hội và cộng đồng giáo hội từ khắp nơi trên thế giới, để cùng với vị Giám mục Rôma, gợi lại sự phong phú của điều mà sau này chính tôi gọi là “phong trào đại kết bằng máu". Trong Năm Thánh sắp tới, chúng ta cũng sẽ hiệp nhất với nhau trong một cuộc cử hành tương tự.

Sáng kiến này không nhằm mục đích thiết lập các tiêu chí mới để đánh giá sự tử đạo theo giáo luật, nhưng để tiếp tục cuộc khảo sát ban đầu về những người, cho đến ngày nay, vẫn không ngừng bị giết hại chỉ vì họ là Kitô hữu.

Do đó, vấn đề là phải tiếp tục nghiên cứu lịch sử để thu thập những chứng tá đời sống đến độ đổ máu của những anh chị em này, để ký ức về họ có thể tồn tại như một kho báu được cộng đồng Kitô gìn giữ. Việc nghiên cứu sẽ không chỉ liên quan đến Giáo hội Công giáo, mà sẽ mở ra tới tất cả các hệ phái Kitô. Ngay cả thời nay, trong đó chúng ta đang chứng kiến ​​một sự thay đổi của thời đại, các Kitô hữu vẫn tiếp tục cho thấy sức sống của Phép Rửa liên kết chúng ta ngay giữa những bối cảnh đầy rủi ro lớn. Thật vậy, quả là một con số không nhỏ, những người mà, dù ý thức được những nguy hiểm mình đang gặp phải, vẫn thể hiện đức tin hoặc tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật. Những người khác bị giết khi trong tình bác ái, nỗ lực hỗ trợ cuộc sống của người nghèo, chăm sóc những người bị xã hội gạt bỏ, bảo vệ và cổ vũ món quà hòa bình và sức mạnh của sự tha thứ. Vẫn còn những người khác, dù mang tính cá nhân hoặc tập thể, là nạn nhân âm thầm của những biến động lịch sử. Chúng ta nợ họ một món nợ lớn và chúng ta không thể lãng quên họ. Công việc của Ủy ban sẽ giúp thiết lập, bên cạnh những vị tử đạo được Giáo hội chính thức công nhậnnhững chứng từ được ghi chép lại - và có rất nhiều - về những anh chị em này của chúng ta, trong một bức tranh toàn cảnh rộng lớn, trong đó vang lên tiếng nói duy nhất của các vị tử đạo Kitô.

Ủy ban được thành lập hiện nay sẽ phải tận dụng sự đóng góp tích cực của các Giáo hội địa phương trong các liên kết của họ, của các tổ chức tôn giáo, và của tất cả các thực tại Kitô khác, theo các tiêu chí mà chính Ủy ban sẽ soạn thảo.

Trong một thế giới mà đôi khi cái ác dường như thắng thế, tôi chắc chắn rằng việc soạn thảo Danh mục này, cũng trong bối cảnh Năm Thánh sắp đến, sẽ giúp các tín hữu đọc thời đại của chúng ta dưới ánh sáng Phục sinh, kín múc từ kho tàng của lòng trung thành quảng đại đối với Đức Kitô những lý do cho cuộc sống và điều tốt đẹp.

Từ Vatican, ngày mồng 03 tháng 07 năm 2023

PHANXICÔ

Chuyển ngữ từ: press.vatican.va và vatican.va

 

THÔNG BÁO

1/ Giáo xứ sẽ mở khóa Giáo lý Hôn Nhân và Dự Tòng. Các bạn trẻ ai có nhu cầu, xin đăng ký tại văn phòng giáo xứ. Khóa học này sẽ được khai giảng vào sáng Chúa Nhật, vào lúc 8h30, ngày 23-7-2023 tại hội trường giáo xứ.

(Lưu ý: những ai ở các giáo xứ khác thì xin giấy giới thiệu nơi cha xứ của mình và nộp giấy giới thiệu tại văn phòng giáo xứ Chính Tòa).

2/ Giáo xứ xin tri ân các ân nhân đã ủng hộ giáo xứ: Gia đình bà Mơ, giáo họ Giuse Thị, mười triệu đồng. Gia đình Anh Kiểm, giáo họ Anrê Kim Thông, hai triệu đồng. Xin Chúa chúc lành cho quý ân nhân và quý vị.


Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2023

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 769


 CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN NĂM A

PHÚC ÂM: Mt 10, 37-42

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các tông đồ rằng: “Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy, và kẻ nào yêu mến con trai, con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó.

“Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy; và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy. Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri; và kẻ nào đón tiếp người công chính với danh nghĩa người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con, người ấy không mất phần thưởng đâu”.

SUY NIỆM

Tin Mừng hôm nay, thánh Matthêu cho biết điều kiện để làm môn đệ Ðức Giêsu là phải sẵn sàng từ bỏ mọi sự, ngay cả những tình cảm thân thiết nhất như cha mẹ, anh em, bạn bè. Thật ra, Ðức Giêsu không bắt chúng ta phải khước từ cha mẹ, anh em, bạn bè đâu. Ðiều Chúa muốn đó là chúng ta phải đặt tình yêu Chúa lên trên hết mọi tương quan, ngay cả trên chính mạng sống mình. Ðiều kiện Ðức Giêsu đưa ra buộc chúng ta phải có thái độ dứt khoát, đòi hỏi ta phải chấp nhận hy sinh, mất mát ở đời này. Ðó chính là con đường khổ giá Ðức Giêsu đi trước và muốn chúng ta đi theo. Chính Ðức Giêsu đã từ bỏ vinh quang của Thiên Chúa, trở thành người và sống như con người.

Ước gì mỗi chúng ta biết noi gương Thầy Chí Thánh trong sự từ bỏ, đón nhận đau khổ trong niềm tin yêu, để xứng đáng lãnh nhận phần thưởng đời đời. Xin Chúa ban thêm niềm tin, nghị lực và tình mến cho chúng con. Xin cho chúng con sẵn sàng quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa và đón nhận thánh giá trong cuộc đời như là một niềm vui, một ân huệ cứu độ. Amen.

BẢN TIN

1.      Giáo hội Công giáo Campuchia tôn kính các vị tử đạo bị Khmer Đỏ sát hại

Hơn 3.000 người Công giáo, gồm giám mục, linh mục và giáo dân ở Campuchia đã tham dự Thánh lễ và sự kiện tưởng nhớ các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân bị sát hại dưới chế độ Pol Pot từ năm 1970 đến 1977.

 Dưới chế độ Pol Pot, các tôn giáo không được thực hành đạo. Từ năm 1975 đến năm 1979, chế độ này đã sát hại khoảng hai triệu người Campuchia, vì cho rằng họ là những người phản cách mạng.

Đối với Công giáo, Khmer Đỏ đã sát hại nhiều giáo dân, giáo lý viên và các nhà truyền giáo là thành viên của Hội Thừa sai Paris của Campuchia, và những vị đến từ Việt Nam và Pháp.

Vào năm 2015, Giáo hội Campuchia đã mở giai đoạn cấp giáo phận tiến trình phong chân phước cho Đức cha Joseph Chmar Salas và 34 vị tử đạo khác đã bị giết trong thời Khmer Đỏ. Đức cha Salas và các vị tử đạo khác đã bị giết trong khoảng thời gian từ 1970-1977 trong cuộc bách hại Công giáo của chế độ này.

Cha Paul Roeung Chatsirey, cáo thỉnh viên án phong chân phước và giám đốc Hội Thừa sai Paris (MEP) tại Lào và Campuchia, cho biết nhờ sự cộng tác của một số người Giáo hội đang chuẩn bị thủ tục, thu thập lời chứng, bằng chứng và biên soạn các tài liệu để trình lên Tòa Thánh.

Trong Thánh lễ được cử hành tại huyện Tang Kork, tỉnh Kampong Thom, cách thủ đô Phnom Penh khoảng 100 km, vào ngày 17/6 vừa qua, các vị mục tử gọi những người bị sát hại là “những người cha” của cộng đoàn Công giáo ngày nay ở Campuchia.

Đức cha Olivier Schmitthaeusler, Giám quản Tông tòa của Phnom Penh nói: “Chứng tá của các vị tử đạo hướng dẫn chúng ta trên con đường”. Ngài cho biết tình hình đã được cải thiện rất nhiều kể từ khi chấm dứt các hành động tàn bạo của Khmer Đỏ. Đức cha nói: “Hoàn cảnh ngày nay rất khác, Giáo hội được tái sinh với khoảng 23.000 tín hữu và một số cộng đoàn rất trẻ, hầu hết được thành lập bởi những người mới đón nhận đức tin Kitô giáo. Chúa đồng hành với chúng tôi, và chúng tôi luôn nhìn về tương lai đầy hy vọng”.

Trong dịp này, một số cổ vật từ thời Đức cha Salas được các tín hữu cất giữ cũng được trưng bày. Trong số đó có Thánh giá đeo trước ngực và một số đồ dùng của Đức cha. Thánh giá này được trao cho Đức cha Salas vào ngày 14/4/1975, chỉ ba ngày trước khi Pol Pot bắt đầu tiến hành cuộc khủng bố Khmer Đỏ ở Campuchia.

Ngọc Yến – Vatican News

2.      Công nhận các nhân đức anh hùng của chị Lucia

Hôm 22 tháng Sáu vừa qua, với sự chấp thuận của Đức Thánh cha Phanxicô, Bộ Phong thánh đã công bố sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của chị Lucia dos Santos, người lớn nhất trong số ba mục đồng đã được Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, năm 1917.

Với sắc lệnh này, từ nay chị Lucia được gọi là “Đấng Đáng kính” và cần có một phép lạ được công nhận để có thể được phong chân phước.

Chị Lucia dos Santos sinh ngày 28 tháng Ba năm 1907, cùng với hai em họ Francesco và Giacinta Marto, đã được Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên ngày 13 tháng Năm năm 1917, tại Cova da Iria, Fatima, Bồ Đào Nha. Hai người em họ này qua đời vì dịch sốt Tây Ban Nha và được Đức Thánh cha Phanxicô tôn phong hiển thánh hồi năm 2017.

Chị Lucia là người duy nhất còn sống sót và cẩn giữ sứ điệp của Đức Mẹ. Do sự thúc đẩy của Đức cha José Alves Correia da Silvia, chị đã ghi lại trong bốn văn kiện, từ năm 1935 đến 1941. Một tài liệu khác, được viết ra năm 1944, có chứa đựng “bí mật thứ ba” và được gửi về Roma và được mở ra lần đầu tiên năm 1960, nhưng không được thánh Giáo hoàng Gioan XXIII và Phaolô VI công bố.

Thánh Gioan Phaolô II, người có lòng sùng kính đặc biệt đối với Đức Mẹ Fatima, đã công bố bí mật này hồi năm thánh 2000. Chị Lucia về sau đã vào Dòng kín Cát Minh ở Coimbra và qua đời tại đây, ngày 13 tháng Hai năm 2005, thọ 98 tuổi. Ngày 13 tháng Năm năm 1967, chị đã đến Fatima để gặp Đức Giáo hoàng Phaolô VI, và cũng vậy, vào ngày 13 tháng Năm năm 1982 để gặp Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, khi các ngài đến viếng thăm Fatima.

Sau khi chị Lucia qua đời, cả Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI cũng đã đến Fatima năm 2010, và Đức Giáo hoàng Phanxicô đến đây năm 2017. Đức Thánh cha Phanxicô sẽ trở lại đây vào ngày 05 tháng Tám năm nay, trong dịp đến Bồ Đào Nha, nhân Ngày Quốc tế Giới trẻ ở Lisboa Bồ Đào Nha.

Cùng ngày 22 tháng Sáu vừa qua, Bộ Phong thánh đã công bố sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo của 20 vị tôi tớ Chúa, bị sát hại tại thành Sevilla năm 1936, trong cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha. Trong số các vị, có cha Manuel González-Serna Rodríguez, sinh năm 1880 và làm cha sở tại làng Constantina gần đó, năm 1911. Cha bị dân quân cộng hòa bắt trong đêm 19 tháng Bảy năm 1936 và hành quyết tại nhà mặc áo của thánh đường, bốn ngày sau đó. Các vị còn lại gồm chín linh mục, và mười chủng sinh, giáo dân nam nữ, là những người bị dân quân cộng hòa bắt và sát hại vào khoảng đầu cuộc nội chiến.

Ngoài các sắc lệnh trên đây, có năm sắc lệnh khác nhìn nhận các nhân đức anh hùng của năm vị tôi tớ Chúa người Brazil, Ý, Cuba.

(Vatican News 22-6-2023)

 

THÔNG BÁO

1/ Giáo xứ xin tri ân các ân nhân đã ủng hộ giáo xứ: ghe Mỹ - Quang, năm triệu đồng. Xin Chúa chúc lành cho quý ân nhân và quý vị.