Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2023

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 795

 

CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA

LỜI CHÚA: Lc 2, 22-40

Khi đã đủ thời gian, đến ngày các ngài phải được thanh tẩy theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được thánh hiến, dành riêng cho Chúa”. Ông bà cũng lên để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để làm điều người ta quen làm theo luật dạy, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.” Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những điều người ta nói về Người. Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi : “Cháu bé này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà. Như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra.” Lại cũng có một nữ ngôn sứ là bà An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, đêm ngày thờ phượng Thiên Chúa. Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết thảy những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem. Khi hai ông bà đã hoàn tất mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về thành của mình là Na-da-rét, miền Ga-li-lê. Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

SUY NIỆM

Có người cho rằng Thánh gia là một gia đình thánh. Còn chúng ta là người phàm, yếu đuối, làm sao bắt chước cho được. Hơn nữa, các Ngài sống trong bầu khí bình lặng, êm đềm, ít phải cạnh tranh và bon chen, ít bị những ảnh hưởng xấu như thời buổi hiện đại. Quả thật, Thánh gia là một gia đình thánh, nhưng sự thánh thiện ấy không miễn chuẩn cho các Ngài những khó khăn vất vả, những cố gắng bươm chải. Cứ đọc lại Tin Mừng thời thơ ấu của Chúa Giêsu là chúng ta sẽ thấy: Có những thức thách khi Giuse thấy Mẹ Maria bỗng dưng có thai mà ngài không biết. Có những vất vả của hành trình từ Nagiarét lên Giêrusalem để kiểm tra dân số đang lúc Mẹ Maria sắp sinh. Có những buồn tủi khi không còn chỗ cho Mẹ Maria trong quán trọ, khiến Con Thiên Chúa phải sinh ra nơi máng cỏ khó nghèo. Và chắc hẳn Thánh gia đã thấu hiểu thế nào là thân phận lưu lạc nơi đất khách quê người bên Ai Cập để trốn thoát âm mưu hãm hại của bạo vương Hêrôđê.

Vâng, gia đình là cái nôi của con người, là mái trường đầu tiên của con người, gia đình giữ một vai trò đặc biệt trong sự hình thành cá tính và nhân phẩm của con người. Nhưng cũng chính ngày nay, người ta phải chua chát thừa nhận rằng đang có những khủng hoảng trầm trọng làm lung lay tận nền tảng gia đình. Chính trong bối cảnh ảm đạm đó, hình ảnh Thánh gia vụt sáng lên như ánh sao chỉ đường. Vâng, Thánh gia mời gọi các gia đình hãy biết yêu thương và sống cho nhau. Thánh Giuse với tư cách là gia trưởng đã miệt mài làm việc để nuôi sống gia đình, ngài ghi dấu ấn lao động trên cuộc đời của người con, khiến sau này Chúa Giêsu khi rao giảng Tin Mừng, người ta đã phải tự hỏi: Ông ấy không phải là con bác thợ mộc và Maria sao? Còn Mẹ Maria với tư cách nội trợ, Mẹ đã tập cho Chúa Giêsu cầu nguyện, giúp cho con biết quan sát thế giới chung quanh. Phải chăng những lời dạy dỗ của Mẹ Maria vẫn tiềm ẩn trong cung cách rao giảng của Chúa Giêsu sau này khi Ngài nói: Nước trời giống như men, như muối… Và cậu bé Giêsu dưới mái nhà Nagiarét đã chia sẻ mọi cảnh ngộ của gia đình, đã sống đạo làm con đối với cha mẹ trong tinh thần yêu thương và vâng phục. Như thế, mẫu gương yêu thương và sống cho nhau đã được mọi thành viên trong gia đình Thánh gia thực hiện. Cha mẹ không chỉ nuôi con bằng cơm bánh vật chất, nhưng còn dạy dỗ, làm gương sáng cho con, còn người con đáp trả bằng tình hiếu thảo và vâng phục…

Mẹ Maria và thánh Giuse đã vâng theo ý Thiên Chúa ở mọi nơi và trong mọi lúc. Một khi đã lấy ý Chúa làm ngọn đèn hải đăng hướng dẫn thuyền đời, thì mái ấm của chúng ta chắc chắn sẽ vượt qua được những sóng gió của đại dương cuộc đời.

TIN TỨC

1.  Hôm nay, ngày 30/12/2023. Vào lúc 9h00 sáng. Giáo xứ chúng ta hân hoan đón cha phụ tá mới về với giáo xứ chúng ta là cha G.B Nguyễn Đức Long. Chúng ta cùng cầu nguyện cho ngài trong sứ vụ mới.

2.   HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

Ngày 23 tháng 12 năm 2023

Kính gửi: Quí Đức Hồng Y, Quí Đức Cha và cộng đồng Dân Chúa Việt Nam

Ngay thềm Giáng Sinh, chúng ta đón nhận tin vui: hôm nay, ngày 23 tháng 12 năm 2023, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski làm Đại diện Toà Thánh Vatican thường trú tại Việt Nam.

Như chúng ta đã biết, ngày 27 tháng 7 vừa qua, Toà Thánh Vatican và Việt Nam đã công nhận Thoả thuận về “Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Tòa thánh tại Việt Nam” nhân dịp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến thăm Vatican và hội kiến với Đức Giáo hoàng Phanxicô. Đây là kết quả của quá trình gặp gỡ và trao đổi lâu dài, nhất là từ khi thành lập “Tổ công tác hỗn hợp Việt Nam – Vatican” năm 2008, với khoá họp đầu tiên ngày 16-17 tháng 2 năm 2009. Kết quả là Toà Thánh đã bổ nhiệm hai vị Đại diện không thường trú là Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli (2011-2017) và Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski (2018-2023). Sau 14 năm với 10 khoá họp chung, nay Toà Thánh đã có thể bổ nhiệm một vị Đại diện thường trú tại Việt Nam. Như Đức Thánh Cha đã viết trong Thư gửi Cộng đoàn Công giáo Việt Nam ngày 8 tháng 9 năm 2023, kết quả tốt đẹp này “dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau được xây dựng từng bước trong nhiều năm qua” và “nhờ nhìn nhận những điểm tương đồng và tôn trọng những khác biệt”, với mục tiêu “cùng nhau đi tìm con đường tốt nhất để phục vụ thiện ích của dân tộc Việt Nam và Hội Thánh”. Chúng ta tin tưởng rằng trong tư cách thường trú, Đức Tổng Giám Mục Đại diện Toà Thánh sẽ là dấu chỉ hữu hình rõ nét hơn của sự hiệp thông giữa Hội Thánh Việt Nam với Đức Giáo Hoàng, đồng thời ngài cũng sẽ trở thành cầu nối ngoại giao để Hội Thánh có thể phát triển các hoạt động đa dạng nhằm đáp ứng các nhu cầu trong cộng đồng xã hội. Chúng ta tạ ơn Chúa và vui mừng chào đón Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski trở lại Việt Nam và ở lại với chúng ta trong sứ vụ mới.

Kính chúc quí Đức Hồng Y, quí Đức Cha và toàn thể cộng đoàn Dân Chúa một Mùa Giáng Sinh đầy ân sủng và năm 2024 an lành, thánh đức.

(Đã ký)

+ Giuse Nguyễn Năng

Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Tp. Hồ Chí Minh

THÔNG BÁO

1/  Thứ Hai, ngày 01/01/2024, vào lúc 8h30 sáng sẽ có Thánh Lễ Khai Mạc Năm Thánh, KỈ NIỆM 50 NĂM ngày thành lập Giáo Phận Phan Thiết. Kính xin cộng đoàn chúng ta tham dự đông đủ để cầu nguyện cho Giáo Phận và lãnh ơn Toàn xá.

2/ Đúng 7 giờ, sáng thứ Bảy, ngày 06/01/2024 sẽ có rửa tội cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Xin quý cha mẹ có con rửa tội, đến xin giấy giới thiệu nơi Ban Điều Hành giáo họ, và nộp sổ gia đình về văn phòng Giáo xứ trong tuần này.

Thứ Bảy, 23 tháng 12, 2023

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 794

 


CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG

LỜI CHÚA: Lc 1, 26-38

Khi ấy, thiên thần Gáp-ri-en được Chúa sai đến một thành xứ Ga-li-lê-a, tên là Na-da-rét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giu-se, thuộc chi họ Ða-vít, trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ”. Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Ma-ri-a đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ða-vít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Gia-cóp, và triều đại Người sẽ vô tận”. Nhưng Ma-ri-a thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?” Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, I-sa-ve chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”. Ma-ri-a liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.

SUY NIỆM

Thiên Chúa đã luôn ngỏ lời mời gọi con người cộng tác với Người trong rất nhiều công việc. Hôm nay, lắng nghe trình thuật về việc sứ thần Gáprien được Thiên Chúa sai đến truyền tin cho Đức Maria, lòng ta được mở ra trước Lời Chúa. Ta được lắng nghe những lời mời gọi mà Chúa đã dành riêng cho ta, được nhận ra tình thương Chúa dành cho mình, hạnh phúc vì sự quý trọng mà Chúa dành cho ta khi mời gọi ta cộng tác với Người. Chiêm ngắm mẫu gương của Mẹ Maria, ta cảm phục trước thái độ vâng phục trong khiêm hạ của Mẹ, được cùng với Mẹ chia sẻ niềm vui có Chúa ở cùng. Lòng ta cũng âm vang một lời nguyện cầu tha thiết: Xin Chúa cứ làm cho con như điều Chúa muốn (x. Lc 1, 38).

Lời thưa: xin vâng của Đức Maria đã thực sự là một người khiêm hạ, nhận mình nghèo hèn và đặt mình tùy thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa, Đấng sẽ nâng đỡ và giúp Mẹ sống trung tín suốt cả cuộc đời Mẹ. Mẹ xin vâng để Chúa Con được làm người và thực thi sứ mệnh mà Chúa Cha giao phó. Mẹ xin vâng trong suốt chặng đường của cuộc sống gia đình đầy khó khăn. Cuối cùng Mẹ xin vâng khi chấp nhận để con mình ra đi thi hành sứ mệnh, kể cả khi thấy con đau đớn, kiệt sức và chết trên thập giá.

Lời Chúa trong ngày Chúa Nhật hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy sống theo gương Đức Maria với lòng khiêm tốn và xin vâng qua những công việc tầm thường xảy ra hằng ngày trong đời sống của mỗi người chúng ta. Mẹ Maria đã vui mừng nói lời xin vâng khi Thiên Chúa ngỏ lời hỏi ý, vậy còn chúng ta, những Kitô hữu đã và đang lữ hành trên đường tìm kiếm hạnh phúc đích thật, chúng ta có dám mạnh dạn nói “Này con xin vâng” khi Thiên Chúa cần để thực thi Thánh ý của Ngài?

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết lắng nghe tiếng Chúa trong từng biến cố của cuộc sống, và biết xin vâng như Mẹ Maria đã xin vâng trong suốt cả cuộc đời. Amen. 

TIN TỨC

Hướng dẫn của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về việc tham dự thánh lễ Chúa Nhật và Lễ Giáng Sinh năm nay.

Đêm Giáng Sinh năm nay cũng là Chúa nhật thứ tư Mùa Vọng. Điều đó có nghĩa là các tín hữu phải tham dự hai Thánh lễ để chu toàn các nghĩa vụ Chúa Nhật và Lễ Giáng Sinh. Trong một tình huống “tương đối hiếm gặp” xảy ra lần cuối vào năm 2017, Đêm Giáng Sinh năm nay rơi vào Chúa Nhật thứ Tư Mùa Vọng như năm 2017. Bởi vì người Công Giáo buộc phải tham dự Thánh lễ Chúa nhật và các ngày lễ buộc, nên một số người đã hỏi liệu Thánh lễ chiều Chúa nhật vào đêm Giáng Sinh có chu toàn cả nghĩa vụ Thánh lễ Chúa nhật lẫn nghĩa vụ Thánh lễ ngày Giáng Sinh hay không. Ủy ban Phụng tự của Giám mục Hoa Kỳ cho biết các tín hữu phải tham dự hai Thánh lễ để chu toàn nghĩa vụ Thánh lễ Chúa nhật và Lễ Giáng Sinh. Kể từ giữa thế kỷ 20, Giáo hội đã cho phép người Công Giáo tham dự các Thánh lễ vọng vào các ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc như “một sự thuận tiện cho nhiều tín hữu”. “Hầu hết các luật sư giáo luật đều tuân theo Tông hiến Christus Dominus của Đức Giáo Hoàng Piô XII ban hành ngày 6 Tháng Giêng năm 1953, quy định 4 giờ chiều là thời gian sớm nhất khi các Thánh lễ vọng có thể được cử hành”. Điều này có nghĩa là nghĩa vụ Chúa Nhật ngày 24 tháng 12 có thể được hoàn thành vào Chúa Nhật, hoặc bất cứ lúc nào sau 4 giờ chiều ngày 23 tháng 12; và nghĩa vụ Thánh Lễ Giáng Sinh có thể được hoàn thành vào ngày 25 Tháng Mười Hai, Thứ Hai, bất kỳ lúc nào sau 4 giờ chiều ngày 24 tháng 12. Trong trường hợp có hai ngày buộc liên tục, như vào dịp Giáng Sinh năm nay, “quan điểm phổ biến của nhiều luật sư giáo luật là mỗi nghĩa vụ phải được hoàn thành bằng một Thánh lễ riêng biệt,” các giám mục cho biết. “Như vậy, khi các nghĩa vụ liên tiếp diễn ra vào Thứ Bảy-Chúa Nhật hoặc Chúa Nhật-Thứ Hai, các tín hữu phải tham dự Thánh lễ hai lần để thực hiện hai nghĩa vụ riêng biệt”. Theo các giám mục, câu hỏi liệu những nghĩa vụ như vậy có thể được thực hiện trong một Thánh lễ hay không đã được các giám mục nêu ra trước đây trong cái được gọi là dubium, trong đó “câu trả lời là không được bởi Thánh Bộ Giáo sĩ và được Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục chấp thuận vào năm 1970. “Các giám mục cho biết: “Ý định của Giáo hội trong việc mở rộng khả năng đáp ứng các nghĩa vụ Thánh lễ thông qua Thánh lễ Vọng, là nhằm mục đích giúp việc thực hiện các nghĩa vụ dễ dàng hơn, chưa bao giờ được hình dung như một lỗ hổng pháp lý, và do đó, các nghĩa vụ riêng biệt vẫn còn”. Các giám mục nhấn mạnh rằng các ngài hy vọng rằng người Công Giáo “nuôi dưỡng lòng yêu mến Phụng vụ Thánh và mong muốn cử hành các ngày thánh một cách trọn vẹn nhất có thể”. Các Giám Mục cũng lưu ý rằng các mục tử có thể miễn trừ cho các cá nhân hoặc gia đình “vì một lý do chính đáng và tuân theo bất kỳ quy định nào do giám mục giáo phận đặt ra”. “Đồng thời, các giám mục giáo phận có thể xem xét hoàn cảnh khu vực của các ngài và ban hành các miễn trừ hoặc giảm nhẹ chung, đồng thời cho phép các mục tử đưa ra phán quyết trong các trường hợp cá nhân”.

THÔNG BÁO

1/  Chúa nhật, ngày 24/12/2023, vào lúc 7h30 tối sẽ có diễn nguyện mừng Chúa Giáng Sinh tại khuôn viên nhà thờ. Sau diễn nguyện là Thánh Lễ Mừng Chúa Giáng Sinh.

2/ Sáng Thứ Bảy, ngày 30/12, sẽ  trao Mình Thánh Chúa cho người già và bệnh nhân. Những gia đình nào có nhu cầu xin đăng ký với ban điều hành Giáo họ của mình, và chuẩn bị nơi xứng đáng đễ người thân lãnh nhận Bí tích.

Thứ Bảy, 16 tháng 12, 2023

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 793

 


CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG

LỜI CHÚA: (Ga 1, 6-8. 19-28)

Có người đã được Chúa sai đến, tên là Gio-an. Ông đến như chứng nhân để làm chứng về sự sáng, hầu mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là sự sáng, nhưng ông chỉ làm chứng về sự sáng. Và đây là chứng của Gio-an, khi những người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem sai các vị tư tế và các thầy Lê-vi đến hỏi ông: “Ông là ai?” Ông liền tuyên xưng, ông không chối, ông tuyên xưng rằng: “Tôi không phải là Ðấng Ki-tô”. Họ liền hỏi: “Thế là gì? Ông có phải là Ê-li-a chăng?” Gio-an trả lời: “Tôi không phải là Ê-li-a”. “Hay ông là một đấng tiên tri?” Gio-an đáp: “Không phải”. Họ liền bảo: “Vậy ông là ai, để chúng tôi trả lời cho những người sai chúng tôi. Ông tự xưng là ai?” Gio-an đáp: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri I-sai-a đã loan báo”. Và có những người thuộc nhóm biệt phái cũng được sai đến. Họ hỏi Gio-an rằng: “Nếu ông không phải là Ðức Ki-tô, cũng không phải là Ê-li-a hay một tiên tri, vậy tại sao ông làm phép rửa?” Gio-an trả lời: “Tôi làm phép rửa trong nước; nhưng giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết. Ðấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng ấy đã có trước tôi và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người”. Việc này xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sống Gio-đan, nơi Gio-an làm phép rửa. 

SUY NIỆM

Hôm nay bước vào tuần thứ ba mùa vọng, Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy vui mừng và hy vọng, lời mời gọi này có thừa không khi nhìn từ bên ngoài xã hội chúng ta đang sống đã có qua nhiều các hình thức và tụ điểm vui chơi, phương tiện giải trí. Người có nhiều tiền thì vui chơi theo kiểu cao cấp quý tộc, người bình dân vui chơi theo kiểu bình dân, người lớn vui chơi theo kiểu của người lớn, trẻ em và thanh niên vui chơi theo kiểu thanh thiếu niên,… Bên cạnh đó, người ta còn tạo ra đủ mọi thứ lể hội để đem niềm vui cho mọi người

Lời Chúa hôm nay đem đến và mời gọi chúng ta hãy tận hưởng một niềm vui và hy vọng hoàn toàn khác với các niềm vui trống rỗng của thế gian, đây là niềm vui thực sự phát xuất từ trong tâm hồn được thể hiện ra bên ngoài qua nét mặt qua cuộc sống, đó là niềm vui có Chúa và niềm vui của Chúa. Chúng ta có thực sự cảm nhận được niềm vui Chúa đem đến cho chúng ta hay không? Ngoài đường phố đã rộn ràng những bài thánh ca, những trang trí Giáng sinh, ở trong siêu thị và các nhà hàng cũng tưng bừng với các chương trình cho mùa Giáng sinh mà họ gọi là mùa Noel. Vâng! Có thể người Kitô hữu cũng sẽ chỉ vui một cách hời hợt ở bên ngoài, nếu chúng ta chỉ chú ý đến những trang trí bên ngoài mà không chuẩn bị để có được niềm vui đón Chúa đến trong tâm hồn. Nhiều người nhiều gia đình lo chuẩn bị những chương trình, đi chơi hay ăn uống trong đêm Giáng sinh sắp tới mà không chuẩn bị cho Chúa có một chổ nhỏ ấm áp trong tâm hồn trong gia đình mình. Khi chúng ta đã để cho bao thứ lo toan ràng buộc trong cuộc sống chiếm hết thời gian và tâm hồn khiến cà ngày sống chúng ta cứ cảm thấy mình trống rỗng và lao vào tìm kiếm mà không biết mình tìm kiếm điều gì. Chúng ta sẽ không thể nào vui khi chúng ta không dám để cho Chúa gỡ bỏ những gánh nặng của cuộc đời, không dám để cho Chúa chia sẻ với những lo toan nhọc nhằn của chúng ta như Chúa hằng mong muốn: Hãy đến với ta hỡi những ai vất vả nặng nề ta sẽ nâng đỡ bổ sứ cho.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con không chỉ chuẩn bị bên ngoài cho ngày lễ Giáng sinh, mà còn biết chuẩn bị tâm hồn để niềm vui và ân phúc của mủa Giáng sinh được trọn vẹn nơi mỗi người. Amen. 

TIN TỨC

LOGO NĂM MỤC VỤ 2024:
“THÚC ĐẨY SỰ THAM GIA ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI”

1.  Ý NGHĨA VĂN TỰ & HÌNH ẢNH

- Ý nghĩa văn tự


Cụm từ “Năm 2024: Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo Hội” là chủ đề được Hội đồng Giám mục Việt Nam chọn để tiếp tục và phát huy tinh thần hiệp hành trong đời sống địa phương.

- Cây sự sống

Từ logo của Synod, cây sự sống là cây to lớn, hùng vĩ, tràn đầy khôn ngoan và ánh sáng, đang vươn lên trời cao. Nó là dấu chỉ của sức sống và niềm hy vọng sâu xa, biểu trưng cho thánh giá Chúa Kitô. Cây này đặt dưới Thánh Thể đang tỏa sáng như mặt trời; các nhánh cây được mở rộng theo chiều ngang như đôi tay hoặc đôi cánh, gợi lên hình ảnh Chúa Thánh Thần.

- Hai nhánh Thiên Tuế

Gợi nhớ vinh thắng của các Thánh Tử Đạo Việt Nam và nói lên sự kế thừa đức tin vững mạnh từ cha ông và tiếp tục phát triển đức tin ấy trong tương lai.

- Sách Kinh Thánh

Được mở ra và đặt trước cộng đoàn dân Chúa như lời mời gọi và cổ võ đọc Kinh Thánh. Lời Chúa sẽ thấm nhập và lan tỏa trong cuộc sống của từng người; tạo nên nền tảng cho mối hiệp thông giữa các tín hữu và dẫn lối cho bước đi hiệp hành.

- Cộng đoàn dân Chúa

Tám bóng người đại diện cho các thành phần Dân Chúa cùng bước đi trên con đường hiệp hành: Thanh niên nam nữ, cao niên, thiếu nhi, giáo dân, tu sĩ, giám mục cùng hiệp thông trên nẻo đường loan báo Tin Mừng.

2.  MÀU SẮC

Màu sắc của logo được sử dụng dựa trên 5 màu chủ đạo mang màu sắc trẻ trung, tươi vui, diễn tả ý nghĩa niềm hy vọng của đoàn dân Chúa.

Sắc Cam của lửa - biểu tượng nguồn ơn Chúa Thánh Thần, của nhiệt huyết, được chọn tô cho hình ảnh cây sự sống, như muốn tập trung nguồn ơn sức mạnh mà đoàn dân Chúa được lãnh nhận.

Sắc Xanh Lá mang sức sống tinh thần của đoàn dân Chúa, màu sắc của sự tươi mát và tinh thần sống xanh nhắc nhớ đoàn người trong việc chung tay bảo vệ ngôi nhà chung.

Sắc Xanh Dương diễn tả sắc xanh của hy vọng, sự mong chờ niềm vui của ơn cứu độ.

Sắc Hồng là ý nghĩa của tấm lòng, sự yêu thương, gắn kết và san sẻ. Đây cũng là đức tính đáng quý của người phụ nữ Việt Nam.

Sắc Trắng của con đường diễn tả sự Phục sinh – con đường hướng đoàn người về quê trời trong hân hoan và vững tin vào mầu nhiệm sống lại của Chúa Giêsu. 

THÔNG BÁO

1/  Thứ hai, ngày 18/12/2023, vào lúc 3h chiều đến tối, có Quý Cha ngồi tòa giải tội. Xin bà con Giáo xứ chúng ta sắp xếp giờ đến xưng tội để dọn lòng đón Chúa Giáng Sinh.

2/  Chúa nhật, ngày 24/12/2023, vào lúc 7h30 tối sẽ có diễn nguyện mừng Chúa Giáng Sinh tại khuôn viên nhà thờ. Sau diễn nguyện là Thánh Lễ Mừng Chúa Giáng Sinh.

3/ Danh sách ủng hộ Giáng Sinh 2023

Stt

Ân Nhân

Số Tiền

01

Một ân nhân (Gh. Simon Hòa)

3.000.000đ

02

Gia đình Anh Hữu

1.000.000đ

03

Một ân nhân (Gh. Anrê Kim Thông)

1.500.000đ

04

Vật liệu xây dựng Khánh Vy

1.000.000đ

05

Trà Tắc - Nước Mía 206 Thủ Khoa Huân

5.000.000đ

06

Gia đình Anh Dũng trưởng Gh. Giuse Thị

2.000.000đ

07

Gia đình Nguyễn Thuận (Gh. Simon Hòa)

1.000.000đ

08

Một ân nhân (Gh. Giuse Thị)

1.000.000đ

09

Anh Chị Nhơn - Lan (Gh. Simon Hòa)

200.000.000đ

10

Một ân nhân (Gh. Anrê Kim Thông)

2.000.000đ

 

 

 

 

Xin Chúa chúc lành cho quý ân nhân.

Thứ Bảy, 9 tháng 12, 2023

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 792

 


CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG

LỜI CHÚA: Mc 1,1-8

            Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa: Trong sách ngôn sứ I-sai-a có chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con. Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Đúng theo lời đó, ông Gio-an Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan. Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng. Ông rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi đã làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần.”

SUY NIỆM

Trong cuộc sống, có rất nhiều con đường. Đường bộ,đường thủy,đường hàng không,đường vô tuyến… Nếu đường bộ mà bị tắc, thì xe cộ và người qua lại không thể lưu thông được. Nếu đường vô tuyến mà bị tắc, thì không thể truyền thông tin được… Thế nhưng ở đây chúng ta cần lưu ý, con đường mà chúng ta cần phải sửa đổi, đó là con đường tâm linh, con đường liên lạc giữa con người với Thiên Chúa, hay ta còn gọi là mối dây liên kết giữa chúng ta với Thiên Chúa.

Vậy, việc sám hối phải khởi đi từ việc nhìn cho tỏ tường con đường tâm hồn của chúng ta; có chỗ nào lồi lõm, có chỗ nào quanh co, có chỗ nào khúc khuỷu, để rồi từ đó, chúng ta san, lấp, bạt, uốn cho thẳng để đón Chúa đến. Nếu như con đường tâm hồn chúng ta có những đỉnh cao khoe khoang khoác lác, vênh vang tự đắc, hay tự cao tự đại, không bao giờ biết nhận lỗi, không bao giờ biết tha thứ, thì chúng ta cần phải bạt đi cho bằng trong sự khiêm nhường nhẫn nại và khoan dung tha thứ. Nếu như con đường tâm hồn chúng ta có những hố sâu ngăn cách bởi sự thù ghét, chia rẽ, bất hòa, hố sâu tham lam bất chính, đam mê danh lợi, ham thú dục vọng, chúng ta cần phải lấp đầy bằng yêu thương, bác ái, hy sinh và quảng đại. Nếu như con đường tâm hồn chúng ta có những khúc quanh co của sự dối trá, gian tham, hay khúc quanh co của giả dối, lừa gạt, chúng ta cần phải uốn lại cho thẳng bằng sự chân thành, thật thà và lương tâm ngay thẳng. Và nếu như con đường tâm hồn chúng ta có những chỗ lồi lõm của lời nói độc ác tàn nhẫn, chỗ gồ ghề của phê bình chỉ trích, lười biếng ương ngạnh, chúng ta phải san cho bằng, qua những lời yêu thương và xây dựng, hòa giải và cảm thông.

Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con. Biết Chúa để con yêu mến Chúa nhiều hơn. Biết con để con ăn năn sám hối, sửa đổi những sai lỗi mà thăng tiến bản thân, đổi mới cuộc đời… “thánh Augustinô”.

TIN TỨC

1. Đức Giáo Hoàng Phanxicô mừng 53 năm linh mục

Ngày 13 tháng 12 tới đây là ngày kỷ niệm thụ phong linh mục lần thứ 54 của Đức Thánh Cha Phanxicô. Chính tại nhà thờ Thánh Giuse ở Buenos Aires, vào năm 1953, chàng trai 17 tuổi Jorge Mario Bergoglio đã khám phá ra ơn gọi của mình và tuyên bố ước muốn dâng hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa và con người. Cơ quan thông tin của dòng Salêdiêng đưa ra bản tóm tắt ngắn gọn về ơn gọi của Đức Thánh Cha như sau: Ơn gọi của ngài bắt đầu từ ngày 21 tháng 9 năm 1953, Lễ Thánh Mátthêu. Lời cầu nguyện ngài viết cho ngày đáng nhớ đó vẫn còn in đậm trong ngài: “Tôi tin rằng trong câu chuyện, được nhìn xuyên qua bởi cái nhìn của tình yêu Thiên Chúa, vào ngày mùa xuân, ngày 21 tháng 9, Ngài đến để mời tôi đi theo. Và tôi hy vọng trong sự ngạc nhiên của mỗi ngày, trong đó tình yêu và sức mạnh, sự phản bội và tội lỗi tự biểu hiện, sẽ luôn đồng hành cùng tôi cho đến cuộc gặp gỡ cuối cùng với khuôn mặt kỳ diệu mà tôi không biết nó như thế nào, là điều luôn trốn thoát tôi, nhưng tôi muốn biết và yêu thương.” Khẩu hiệu của Đức Thánh Cha Phanxicô được lấy từ Bài giảng của Bậc Đáng kính là linh mục Bede (Hom. 21; CCL 122, 149-151), người trong bài bình luận của mình về trình thuật Tin Mừng về việc kêu gọi Thánh Mátthêu đã viết: Chúa Giêsu thấy người thu thuế, và vì Ngài đã nhìn ông với lòng thương xót, Ngài đã phán với ông: 'Hãy theo ta'. Sau nhiều năm, vào ngày lễ Thánh Giuse, ngày 19 tháng 3 năm 2013, vị linh mục đó nay đã có tuổi sẽ được tấn phong làm Giáo hoàng và là người đứng đầu Giáo hội.

2.  Cảnh Giáng Sinh lớn nhất thế giới là ở đâu?

Theo thông tấn xã ACIPrensa, cảnh Giáng Sinh lớn nhất thế giới hiện nay được tin là ở thành phố Alicante, bên Tây Ban Nha. Các tín hữu và du khách có thể ngắm cảnh này cho đến ngày lễ Chúa Hiển Linh, ngày 06 tháng Giêng năm 2024. Từ năm 1991 cảnh Giáng Sinh lớn nhất thế giới là tại thành phố Monterrey bên Mễ Tây Cơ. Thành phố này giữ kỷ lục đó trong 29 năm, và phải nhường lại danh hiệu này cho Alicante vào năm 2020. Cảnh Giáng Sinh tại thành phố Alicante, có từ năm 2020, và được đặt tại quảng trường tòa thị chính. Năm nay, Cảnh Giáng Sinh đến một con đường rất đẹp trong khu du lịch của thành phố. Cảnh Giáng Sinh ở Alicante đã được đưa vào sách Guinness chuyên đăng các kỷ lục trên thế giới, từ ngày 01 tháng Mười Hai năm 2020, vì các tượng cao tổng cộng 56.02 mét vượt xa cảnh Giáng Sinh tại Monterrey, Mễ Tây Cơ chỉ cao tổng cộng có 28.58m. Theo hãng tin Aciprensa, trong cảnh Giáng Sinh ở Alicante, tượng thánh Giuse cao 18.01 mét, tương đương với một tòa nhà 5 tầng, và tượng Đức Mẹ cao 10 mét rưỡi. Để ráp tượng thánh Giuse, người ta phải dùng 1.000 kilo đinh ốc. Báo chí địa phương cho biết các tượng thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Hài Đồng Giêsu được phủ một chất hóa học chống cháy, bảo vệ các tượng khỏi thời tiết xấu và sự phá hoại có thể xảy ra.

KHÓC VỚI NGƯỜI KHÓC

Bà Maria Mađalêna Đỗ Thị Điều, sinh 1932 tại Hà Nam, là mẹ của ông Giuse Nguyễn Văn Mười, ở giáo họ Giuse Thị, đã qua đời ngày 28/11/2023 tại Phan Thiết. Lễ an táng lúc 4g45 ngày 30/11/2023 tại Nhà Thờ Chính Tòa, sau đó đưa an táng tại nghĩa trang Thành Phố Phan Thiết. Giáo xứ xin chia buồn cùng tang quyến và hiệp thông cầu nguyện cho linh hồn Maria Mađalêna mau về hưởng tôn nhan Chúa.

THÔNG BÁO

1/  Vào lúc 4 giờ 30 sáng, ngày 11/12/2023, là lễ kính Thánh Simon Phan Đắc Hòa, bổn mạng Giáo họ Simon Hòa, kính mời cộng đoàn tham dự Thánh lễ, để hiệp ý cầu nguyện cho Giáo họ Simon Hòa.

2/ Danh sách ủng hộ Giáng Sinh 2023

Stt

Ân Nhân

Số Tiền

01

Chị Thuận (Gh. Simon Hòa)

2.000.000đ

02

Nhà thuốc Rạng Danh

5.000.000đ

03

Gia đình Vy – Đan

3.000.000đ

04

Một ân nhân (Gh. Simon Hòa)

300 đô la Úc

05

Anh chị Tới – Hạnh (ở Mỹ)

200 đô la Mỹ

06

Anh chị Chính – Thân

300 đô la Úc

07

Chị Hoàng (Gh. Simon Hòa)

1.000.000đ

08

Chị Tư bán thịt heo

300 đô la Mỹ

09

Một ân nhân (Gh. Matthêu Phượng)

1.000.000đ

10

Ghe Mỹ Quang

5.000.000đ

11

Ghe Đông Sinh

1.000.000đ

12

Gia đình anh Hữu (Gh. An-rê Kim Thông)

1.000.000đ

13

Anh chị Dũng – Phượng (Gh. Simon Hòa)

3.000.000đ

14

Chị Quý ở Mỹ ủng hộ

200 cái ghế

15

Gia đình Anh Phong (Gh. Matthêu Phượng)

2.000.000đ

Xin Chúa chúc lành cho quý ân nhân.

Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2023

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 791

 


CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG

LỜI CHÚA: Mc 13, 33-37

        Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.

        Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào. Ví như người đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành cho các đầy tớ, mỗi người một việc, và căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức. Vậy các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp các con đang ngủ. Ðiều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!”

SUY NIỆM

Ai trong chúng ta cũng đã có những lúc chờ đợi: chờ đợi một biến cố hoặc một người thân. Chờ đợi bao giờ cũng làm chúng ta hồi hộp, trăn trở, nôn nóng. Những lúc chờ đợi, dường như thời gian trôi chậm hơn. Khi chờ đợi một sự kiện hay một người thân, cũng là lúc chúng ta liên tưởng nhiều về sự kiện hay về người thân đó. Sự chờ đợi càng lâu, niềm vui càng lớn lao và vỡ òa khi gặp gỡ.

Lời Chúa hôm nay nói đến nỗ lực cố gắng của chúng ta trong khi chờ đợi Chúa. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh một người chủ đi xa trao nhà cho đầy tớ coi sóc. Mỗi người một việc, người thì coi ban ngày, người thì gác ban đêm. Ông chủ sẽ về bất cứ lúc nào. Những người coi nhà buộc phải tỉnh thức và thận trọng để lúc chủ về, không những thấy họ còn thức mà còn thấy tài sản còn nguyên vẹn.

Mùa Vọng giống như “nốt nhấn” của bản nhạc cuộc đời. Đây là thời điểm Giáo Hội mời gọi chúng ta xác định vị trí của Chúa trong đời chúng ta, cũng như tình trạng tâm hồn của mình. Chúa đang đến trong cuộc đời chúng ta. Sau bao thế hệ xa cách, nay Thiên Chúa đã chủ động đến với con người. Ngài hạ cố đến gặp gỡ con người và tâm tình nghĩa thiết với chúng ta. Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, chính là bằng chứng hữu hình của sự nghĩa thiết ấy. Chờ đợi trong tỉnh thức, đó là tâm tình của mỗi tín hữu chúng ta trong suốt cuộc đời. Những ai thành tâm tìm kiếm và gặp gỡ Chúa sẽ được Ngài hướng dẫn và phù trợ. Có Chúa trong đời, chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui và hạnh phúc.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban ơn nâng đỡ sự yếu hèn của chúng con. Xin giúp chúng con tỉnh thức bằng việc sống giây phút hiện tại đẹp lòng Chúa, để đón Chúa mỗi ngày và xứng đáng đón Chúa trong ngày Người trở lại. Amen.

TIN TỨC

THƯ MỤC VỤ MÙA VỌNG – GIÁNG SINH 2023

Kính gởi: Quý Cha, quý Phó tế, quý Chủng sinh, quý Tu sĩ Nam nữ, quý Ông bà Anh chị em trong đại gia đình Giáo phận Phan Thiết.

Anh chị em thân mến,

1. Nhờ lời cầu nguyện của anh chị em, Linh mục đoàn Giáo phận Phan Thiết cùng các Phó tế đã kết thúc Tuần Tĩnh tâm Thường niên 2023, tại Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao và gặt hái được nhiều thành quả thiêng liêng, giúp củng cố, nuôi dưỡng đời sống dâng hiến và mục vụ. Sau những ngày đầy tràn ơn thánh đó, ngày 02/12/2023, tôi sẽ cử hành Thánh lễ Truyền chức Phó tế cho 11 thầy và Truyền chức Linh mục cho 11 Phó tế tại Nhà thờ Chính Tòa. Xin anh chị em cầu nguyện cách đặc biệt cho quý Tiến chức, để họ luôn trung thành với chức thánh sắp lãnh nhận, cùng hăng say, nhiệt thành trong sứ vụ loan báo Tin Mừng.

2. Liền ngay sau Thánh lễ Truyền chức, chúng ta sẽ cùng với Giáo hội hoàn vũ bước vào một Năm Phụng vụ mới, bắt đầu từ Chúa nhật I Mùa Vọng (03/12). Mùa Vọng, theo truyền thống lâu đời của Giáo hội, hướng mỗi người chúng ta tới sự chờ đợi một Đấng Em-ma-nu-el (Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta). Như vậy, Mùa Vọng phải được coi là mùa chuẩn bị tâm hồn thật sốt sắng, mặc lấy tâm tình của dân Chúa xưa, để chờ đón Chúa đến trong cuộc đời của mình với niềm hân hoan thánh thiêng.

3. Cũng trong bầu khí hân hoan thánh thiêng bước vào Năm Phụng vụ mới, chúng ta hãy lắng nghe những định hướng mục vụ của HĐGMVN, được thể hiện trong Thư Mục vụ gởi cộng đoàn dân Chúa về Giáo hội tham gia. HĐGMVN đã đưa ra những hướng dẫn rất cụ thể:

- Đối với anh em linh mục: phải nhìn nhận và phát huy phẩm giá và trách nhiệm của giáo dân trong Giáo hội. Các ngài cần sẵn sàng lắng nghe ý kiến của họ, tín cẩn giao phó công tác để họ phục vụ Giáo hội, cho họ tự do và quyền hạn để hành động.” 

- Đối với anh chị em Tu sĩhãy sống đúng và phát huy đặc sủng của mình, đồng thời cộng tác với các linh mục giáo phận, củng cố đời sống đức tin nơi các tín hữu và tích cực dấn thân trong những hoạt động bác ái và xã hội như chúng ta đang làm, góp phần làm toả sáng hình ảnh Đức Kitô trong xã hội hôm nay.”

- Đối với anh chị em giáo dân: “là những người đồng trách nhiệm với tất cả các linh mục và tu sĩ nam nữ”, và vì thế, “hãy nhiệt thành tham gia và cộng tác chặt chẽ với các linh mục để xây dựng Giáo hội và thực thi sứ mạng làm chứng cho Chúa ở giữa đời.”

4. Sau cùng, chúng ta cùng nhau hướng tâm hồn của mình đến ngày đại lễ Giáng sinh với một niềm hân hoan vui mừng, vì Ngôi Lời Thiên Chúa mặc lấy xác phàm ở với chúng ta. Niềm vui đó không chỉ gói gọn trong các cử hành Phụng vụ và trang trí bên ngoài, mà còn cần được thể hiện qua việc gặp gỡ, thăm hỏi, chúc mừng nhau qua những cánh thiệp; nhất là trao tặng những món quà ý nghĩa tới những người thân trong gia đình, bạn bè; và cả những người nghèo khổ, bất hạnh xung quanh chúng ta.

    Chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho những gia đình sẽ mừng kỷ niệm Hôn phối nhân dịp lễ Thánh Gia (31/12). Xin cho ơn thánh Chúa, qua lời chuyển cầu của Thánh Gia, luôn tràn ngập nơi các gia đình, để mỗi gia đình thực sự là một mái ấm đong đầy hạnh phúc và yêu thương.

Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Tàpao, xin Chúa chúc lành cho từng người, từng gia đình, từng cộng đoàn và cho toàn thể Giáo phận của chúng ta.

Mến chúc anh chị em Mùa Vọng sốt sắng, Giáng sinh an lành!

Lễ thánh Anrê Tông đồ, 30/11/2023

+ Giuse Đỗ Mạnh Hùng
Giám mục Giáo phận Phan Thiết

VUI VỚI NGƯỜI VUI

Anh Gioan Đỗ Hữu Hiền, con ông bà: Đỗ Hữu Thảo – Trần Thị Kim Liên, kết hôn với chị Têrêsa Trần Hoàng Xuân Yến, con ông bà: Phêrô Trần Văn Hoàng – Maria Châu Thị Mỹ Lan. Đã cử hành bí tích hôn phối tại nhà thờ Chính Tòa, vào lúc 5g30, chiều thứ Ba ngày 28.11.2023.

Anh Phêrô Võ Minh Thành, con ông bà: Võ Thế Hùng – Dương Thị Bảy, kết hôn với chị Matta Nguyễn Hoàng Ánh Vi, con ông bà: Phêrô Nguyễn Thành Tâm – Têrêsa Nguyễn Thị Nga. Và Anh Giuse Hoàng Minh Thuận, con ông bà: Phêrô Hoàng Minh – Matta Hoàng Thị Mai Lan, kết hôn với chị Maria Nguyễn Thị Ngọc Diệp, con ông bà: Nguyễn Sĩ Đức – Hoàng Thị Thu. Và Anh Gioan Lê Minh Tuấn, con ông bà: Lưu Tuấn Anh – Maria Lê Thị Nhung, kết hôn với chị Maria Nguyễn Thị Kim Thảo, con ông bà: Nguyễn Văn Mẹo – Nguyễn Thị Tư. Đã cử hành bí tích hôn phối tại nhà thờ Chính Tòa, vào lúc 5g30, chiều thứ Tư ngày 29.11.2023. Giáo xứ xin chia vui và cầu chúc các đôi bạn sống hạnh phúc trong tình yêu của Thiên Chúa.

KHÓC VỚI NGƯỜI KHÓC

Bà Maria Mađalêna Đỗ Thị Điều, sinh 1932 tại Hà Nam, là mẹ của ông Giuse Nguyễn Văn Mười, ở giáo họ Giuse Thị, đã qua đời ngày 28/11/2023 tại Phan Thiết. Lễ an táng lúc 4g45 ngày 30/11/2023 tại Nhà Thờ Chính Tòa, sau đó đưa an táng tại nghĩa trang Thành Phố Phan Thiết. Giáo xứ xin chia buồn cùng tang quyến và hiệp thông cầu nguyện cho linh hồn Maria Mađalêna mau về hưởng tôn nhan Chúa.

THÔNG BÁO

1/ Chúa Nhật tuần này, ngày 03/12/2023. Giáo xứ chúng ta sẽ thay mặt cho Giáo phận Chầu Mình Thánh Chúa. Kính mời quý ông bà, anh chị em tham dự các giờ chầu theo phiên đã được phân chia ở bản tin tại tiền sảnh nhà thờ.

2/ Thứ Bảy, vào lúc 7h00 sáng, ngày 08/12/2023: Rửa tội cho trẻ sơ sinh. Xin quý cha mẹ có con rửa tội, đến xin giấy giới thiệu nơi Ban Điều Hành giáo họ, và nộp sổ gia đình về văn phòng Giáo xứ trong tuần này.

3/ Danh sách ủng hộ Giáng Sinh 2023

Stt

Ân Nhân

Số Tiền

01

Chị Bảy (Gh. Simon Hòa)

5.000.000đ

02

Anh Dũng phòng Tập Gym

2.000.000đ

03

Rửa xe 222

3.000.000đ

04

Tiệm bánh Mỹ Vũ

10.000.000đ

05

Xuân Eđen

5.000.000đ

06

Anh chị Hoa – Mau (ở Úc)

300 đô la Úc

07

Chị Hiệu (Gh. Simon Hòa)

2.000.000đ

08

Anh chị Thu – Mai (ở Mỹ)

2.000 đô la Mỹ

09

Ông cố Tùng (Gh. Matthêu Phượng)

1.000.000đ

10

Ghe Lê Minh

5.000.000đ

11

Công ty Kim Anh (Cà Mau)

20.000.000

12

Một ân nhân (Gh. An-rê Kim Thông)

100 đô la Mỹ

13

Quý Souer Nhà Sách

1.000.000đ và

3.000.000đ n.nghèo

Xin Chúa chúc lành cho quý ân nhân.