GIÁO XỨ CHÍNH TOÀ

Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2024

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 804

 


CHÚA NHẬT V MÙA MÙA CHAY

LỜI CHÚA: Ga 12, 20-33

Khi ấy, trong số những người lên dự lễ, có mấy người Hy-lạp. Họ đến gặp Philipphê quê ở Bêtania, xứ Galilêa, và nói với ông rằng: “Thưa ngài, chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu.” Philip-phê đi nói với Anrê, rồi Anrê và Philipphê đến thưa Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đáp: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh. Quả thật, quả thật, Ta nói với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó. Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này. Nhưng chính vì thế mà Con đã đến trong giờ này. Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha.” Lúc đó có tiếng từ trời phán: “Ta đã làm vinh danh Ta và Ta còn làm vinh danh Ta nữa.” Đám đông đứng đó nghe thấy và nói đó là tiếng sấm. Kẻ khác lại rằng: “Một thiên thần nói với Ngài.” Chúa Giêsu đáp: “Tiếng đó phán ra không phải vì Ta, nhưng vì các ngươi. Chính bây giờ là lúc thế gian bị xét xử, bây giờ là lúc thủ lãnh thế gian bị khai trừ và khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta.” Người nói thế để chỉ Người phải chết cách nào.

SUY NIỆM

“Nếu hạt lúa rơi vào lòng đất, mà không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu nó chết đi thì mới sinh nhiều bông hạt” Chẳng ai trong chúng ta ngạc nhiên khi nghe câu trên.

Đó là luật tự nhiên, nhưng lắm khi chúng ta thấy khó áp dụng cho con người. Tại sao tôi phải chết để người khác được sống? Chết để sinh nhiều bông hạt ư? Nhưng nhiều bông hạt có ích gì, khi chính tôi bị tan vỡ? Chính vì thế tôi không muốn chết như hạt lúa. Tôi chấp nhận trơ trọi một mình. Tôi cô đơn với tôi, để được yên ổn. Tôi sợ mất mát, vì mất mát đem lại đớn đau, nên tôi tìm đủ cách để giữ lại những gì tôi có, những gì tôi là. Tiếc thay, lúc giữ được tất cả tôi lại thấy mình mất tất cả, vì mất ý nghĩa của cuộc sống. Tôi như con thú chỉ biết chăm lo cho bộ lông của mình. Dần dần qua những kinh nghiệm đau thương, tôi mới nhận ra rằng: chỉ có một cách giữ chặt, đó là buông ra và trao hiến. Tôi bắt đầu được khi chấp nhận mất. Như con ốc sên, chỉ bò được khi chui ra khỏi vỏ, tôi chỉ giàu có và triển nở mọi mặt khi quảng đại ra khỏi lớp vỏ của mình, ra khỏi những bận tâm, tính toán, xây đắp cho mình, để sống cho tha nhân và cho Thiên Chúa. Lời kinh Hòa Bình lại vang vọng trong chúng ta: “Vì chính khi hiến thân, là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân…” Nhưng hiến thân, quên mình, hy sinh, từ bỏ, đón lấy cái chết như hạt lúa vùi sâu, những điều đó đã làm cho chính chúng ta dao động. Nếu tôi kiên trì tỉnh thức và cầu nguyện, tôi sẽ thắng được nỗi sợ bị thua thiệt, mất mát. Sau nhiều lần dám liều mất tất cả để rồi ngỡ ngàng thấy mình được lại quá nhiều, tôi sẽ dễ dàng chọn cái mất trước mắt như con đường dẫn đến cái được vĩnh hằng. Xin Đức Giêsu bị đóng đinh kéo chúng ta lên với Ngài, kéo ta lên khỏi đất, và kéo ta ra khỏi cái tôi.

Ước gì mỗi người chúng ta dám sống mầu nhiệm vượt qua đi từ cõi chết đến nguồn sống, đi từ cái tôi hẹp hòi đến cái tôi rộng mở trước Đấng Tuyệt Đối và với tha nhân. Amen.

TIN TỨC

THƯỢNG HỘI ĐỒNG:

HƯỚNG VỀ KHOÁ HỌP THÁNG 10.2024

WHĐ (16.03.2024) – Mặc dù Khoá họp thứ hai và cũng là cuối cùng của Thượng Hội đồng về hiệp hành sẽ kết thúc vào cuối tháng 10.2024, nhưng người Công giáo không nên mong đợi những tuyên bố quan trọng về các vấn đề cụ thể được nêu ra trong Khoá họp thứ nhất và được đưa vào Báo cáo Tổng hợp sau Khoá họp. Những vấn đề đặc thù đó bao gồm vai trò của các giám mục, khả năng có các nữ phó tế, việc đào tạo linh mục và nhiều vấn đề khác nữa. Đức Thánh Cha Phanxicô đã xác định 10 vấn đề từ Báo cáo Tổng hợp đó mà “về bản chất, đòi phải nghiên cứu chuyên sâu” và ngài đã giao cho 10 nhóm nghiên cứu. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nói, “các nhóm sẽ không thể hoàn thành” việc nghiên cứu của mình trước Khóa họp vào mùa thu.

Mười chủ đề được trình bày trong thư của Đức Thánh Cha ở dạng tóm tắt và đi kèm với tài liệu tham khảo liên quan đến phần cụ thể của Báo cáo tổng hợp đó (BCTH).

1. Một số khía cạnh trong mối tương quan giữa Giáo hội Công giáo Đông phương và Giáo hội Latinh (BCTH 6).

2. Lắng nghe tiếng kêu của người nghèo (BCTH 4 và 16).

3. Truyền giáo trong môi trường kỹ thuật số (BCTH 17).

4. Việc duyệt lại văn kiện Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis theo quan điểm truyền giáo mang tính hiệp hành (BCTH 11). [Điều này liên quan đến việc đào tạo linh mục, phó tế và chủng viện]

5. Một số vấn đề Thần học và Giáo luật liên quan đến các hình thức thừa tác vụ cụ thể (BCTH 8 và 9).

6. Việc duyệt lại, theo quan điểm truyền giáo mang tính hiệp hành, các tài liệu liên quan đến mối tương quan giữa các Giám mục, Đời sống thánh hiến và các Hiệp hội Giáo hội (BCTH 10).

7. Một số khía cạnh về cá nhân và tác vụ của Giám mục từ góc độ truyền giáo mang tính hiệp hành (BCTH 12 và 13).

8. Vai trò của các Đại diện Giáo hoàng theo quan điểm truyền giáo mang tính hiệp hành (BCTH 13).

9. Các tiêu chí Thần học và các phương pháp luận mang tính hiệp hành để phân định chung về các vấn đề tín lý, mục vụ và đạo đức gây tranh cãi (BCTH 15).

10. Tiếp nhận hoa trái của hành trình đại kết trong các thực hành mang tính Giáo hội. (BCTH 7)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã giao các chủ đề này cho 10 nhóm nghiên cứu và chỉ đạo Ban Thư ký Thượng Hội đồng thành lập các nhóm này “bằng sự điều phối với các Bộ có thẩm quyền của Giáo triều Rôma”. Hơn nữa, theo Đức Thánh Cha, ban tổ chức phải kêu gọi “các mục tử và chuyên gia từ khắp các châu lục tham gia” vào các nhóm nghiên cứu này, vốn là những nhóm sẽ làm việc “theo một phương pháp hiệp hành đích thực”.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Chuyển ngữ từ: americamagazine.org (14. 03. 2024)

THÔNG BÁO

1/  Thứ Ba, ngày 19.3.2024, Giáo hội mừng kính Thánh Giuse, là bổn mạng của Đức Cha Giuse - Giám mục Giáo phận. Và trong Giáo xứ chúng ta có cha Phụ tá Giuse, Thầy xứ Giuse, và một số anh em trong Hội đồng cũng như những anh em gia trưởng. Xin cộng đoàn tham dự Thánh lễ để cầu nguyện cho Đức cha, Cha phụ tá, Thầy xứ và những người có bổn mạng Giuse.

2/ Thứ Năm, ngày 21/03/2024, vào lúc 3h30 chiều đến 8h00 tối, có Quý Cha ngồi tòa giải tội. Xin bà con Giáo xứ chúng ta sắp xếp thời giờ đến xưng tội để dọn lòng đón Chúa Phục Sinh.

Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2024

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 803

 


CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY

LỜI CHÚA: Ga 3, 14-21

Khi ấy, Chúa Giê-su nói với Ni-cô-đê-mô rằng: “Như Mô-sê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời. Vì Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa; và đây án phạt là sự sáng đã đến thế gian, và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách; nhưng ai hành động trong sự thật thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ là họ đã làm trong Thiên Chúa”.

SUY NIỆM

Cuộc sống là một chuỗi những chọn lựa liên lỉ giữa ánh sáng và bóng tối. Lựa chọn của người đời lại khác với lựa chọn của người con Chúa. “Sự sáng đã đến thế gian và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sống, vì hành động của họ xấu xa” (Ga.3,19). Người đời trốn chạy ánh sáng vì sợ hành động xấu xa của họ bị lộ tẩy. Ghét ánh sáng và thích bóng tối là thảm kịch của người đời, vì con người sinh ra là để sống cho ánh sáng. Ai từ chối ánh sáng của Chúa sẽ héo tàn trong bóng tối của chính mình…

Có cách nào để ra khỏi bóng tối? Có lối nào để trở về với ánh sáng? Đức Giêsu đã chỉ ra một con đường duy nhất: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con của Người thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga.3,16). Nếu ngày xưa dân Do thái đã tin tưởng nhìn lên con rắn đồng để được chữa lành thì ngày nay tất cả những ai tin tưởng nhìn lên Đức Giêsu trên thập giá đều được ơn Cứu độ. Thập giá là tột cùng của đau đớn nhục nhã, nhưng cũng là minh chứng tuyệt vời của một tình yêu: Tình yêu của Cha đã trao ban Con Một, tình yêu của Con đã hiến dâng mạng sống. Tin vào một tình yêu như thế sẽ chữa lành những vết thương cuộc đời. Đức Giêsu đã từng nói: “Đức tin của con đã chữa con” (Mc.10,52). Đức tin là ngọn đèn trên cao và ngọn đèn đó luôn soi sáng cho tất cả mọi người. Đức tin trong sáng luôn sống động không nằm chết trong lòng, nhưng luôn tỏa sáng. Đức tin trong sáng luôn mang lại nụ cười, an bình, và hạnh phúc.

Lạy Chúa, sống là phải chọn lựa không ngừng giữa ánh sáng và bóng tối. Xin cho chúng con đừng chỉ biết nguyền rủa bóng tối, nhưng can đảm thắp lên những ngọn nến sáng, để cả thế giới ngập tràn ánh sáng của Chúa.

TIN TỨC

HÀN LÂM VIỆN TÒA THÁNH VỀ SỰ SỐNG:

KHÔNG THỂ CÓ MỘT “QUYỀN” TƯỚC ĐI 

SỰ SỐNG CON NGƯỜI

Ngày 4/3/2024, ngày Quốc hội lưỡng viện Pháp họp để thông qua dự luật đưa “quyền” phá thai của phụ nữ vào Hiến pháp, Hàn lâm viện Tòa Thánh về Sự sống đã đưa ra tuyên bố ủng hộ sự phản đối của các Giám mục Pháp về việc xem phá thai là quyền hiến định. Tuyên bố nói rằng không thể có một “quyền” tước đi sự sống con người. Dự luật đưa quyền tự do phá thai của phụ nữ vào hiến pháp đã được Hạ viện và Thượng viện Pháp lần lượt thông qua, và cuối cùng đã được Quốc hội lưỡng viện bỏ phiếu thông qua vào chiều ngày 4/3/2024.

1.     Phá thai là tấn công sự sống

Trong tuyên bố, trước hết Hàn lâm viện Tòa Thánh về Sự sống ủng hộ lập trường của các Giám mục Pháp rằng “việc phá thai, vốn vẫn là một cuộc tấn công vào sự sống ngay từ đầu, không thể chỉ được nhìn nhận từ góc độ quyền của phụ nữ”, và cũng lấy làm tiếc là “cuộc tranh luận được đưa ra đã không đề cập đến các biện pháp hỗ trợ cho những người muốn giữ lại đứa trẻ”.

2.     Không thể có “quyền” tước đoạt sự sống con người

Hàn lâm viện Tòa Thánh về Sự sống nhấn mạnh rằng trong thời đại nhân quyền phổ quát, không thể có “quyền” tước đoạt sự sống con người. Do đó, cơ quan của Tòa Thánh “kêu gọi tất cả các chính phủ và mọi truyền thống tôn giáo hãy cố gắng hết sức để trong giai đoạn lịch sử này, việc bảo vệ sự sống trở thành ưu tiên tuyệt đối, với các bước cụ thể ủng hộ hòa bình và công bằng xã hội, cùng các biện pháp hiệu quả để tiếp cận phổ cập đến các nguồn tài nguyên, giáo dục và y tế”.

3.     Bảo vệ sự sống con người là mục tiêu đầu tiên của nhân loại

Tuyên bố nói tiếp: “Những tình huống cuộc sống cụ thể cũng như những bối cảnh khó khăn và bi thảm của thời đại chúng ta phải được giải quyết bằng những công cụ của một nền văn minh pháp lý, trước hết hướng đến việc bảo vệ những người yếu thế nhất và dễ bị tổn thương nhất”. “Việc bảo vệ sự sống con người là mục tiêu đầu tiên của nhân loại và chỉ có thể phát triển trong một thế giới không có xung đột và rạn nứt, với một nền khoa học, công nghệ, một ngành công nghiệp phục vụ con người và tình huynh đệ”.

4.     Bảo vệ sự sống con người là một thực tại nhân bản

Cuối cùng, Hàn lâm viện Tòa Thánh về Sự sống nhắc lại lời của Đức Thánh Cha Phanxicô rằng đối với Giáo hội Công giáo, “việc bảo vệ sự sống không phải là một ý thức hệ, nó là một thực tại, một thực tại nhân bản liên quan đến tất cả các Kitô hữu, chính vì họ là Kitô hữu và vì họ là con người”. (...) “Đó là hoạt động trên bình diện văn hóa và giáo dục để truyền lại cho các thế hệ tương lai thái độ liên đới, quan tâm, hiếu khách, biết rõ rằng văn hóa sự sống không phải là di sản độc quyền của các Kitô hữu, nhưng thuộc về tất cả mọi người, những người đang nỗ lực xây dựng các mối quan hệ huynh đệ, nhận ra giá trị của mỗi người, ngay cả của người yếu đuối mong manh và đau khổ”. (CSR_973_2024)

Nguồn: vaticannews.va/vi


Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2024

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 802

 


CHÚA NHẬT III MÙA CHAY

LỜI CHÚA: Ga 2, 13-25

Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giê-su lên Giê-ru-sa-lem. Người thấy ở trong Ðền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc, người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ. Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”. Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: “Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi”. Bầy giờ người Do-thái bảo Người rằng: “Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy”. Chúa Giê-su trả lời: “Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”. Người Do-thái đáp lại: “Phải bốn mươi sáu năm mới xây được đền thờ này, mà Ông, Ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?” Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. Vì thế, khi Chúa Giê-su từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói. Trong thời gian Người ở lại Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt qua, nhiều kẻ tin danh Người, vì mục đích những phép lạ Người làm. Nhưng chính Chúa Giê-su không tin tưởng họ, vì Người biết tất cả mọi người, và không cần ai làm chứng về người nào; Người biết rõ mọi điều trong lòng người ta.

SUY NIỆM

Với lòng nhiệt thành yêu mến Thiên Chúa, Chúa Giê-su không thể chấp nhận được cảnh tượng bát nháo diễn ra nơi đền thờ của Chúa Cha. Người đã biểu lộ uy quyền của Con Thiên Chúa, bằng việc dùng roi xua đuổi bọn con buôn với tiền bạc, chiên bò, chim câu..ra khỏi đền thờ. Người tẩy uế đền thờ của Chúa Cha và khẳng định rằng: Từ nay việc thờ phượng đẹp lòng Thiên Chúa, sẽ phải được cử hành trong Đền Thờ mới, là thân xác Phục Sinh của Người, và tồn tại mãi mãi, thay cho sự thờ phượng tại đền thờ Giê-ru-sa-lem bằng gỗ đá, chỉ có tính tạm thời và sẽ bị phá hủy sau này. Chúa Giê-su dạy chúng ta phải thay đổi cách thờ phượng Thiên Chúa cho xứng hợp với ý thức mới là trong tinh thần và chân lý.

Đức Giêsu đã thanh tẩy Đền thờ. Người muốn ta hãy tiếp tục công việc của Người. Giữ gìn cho nhà thờ luôn sạch đẹp, có bầu khí tôn nghiêm là điều cần thiết. Nhưng cần hơn vẫn là giữ gìn ngôi Đền thờ thiêng liêng là chính bản thân ta. Tâm hồn chính là cung thánh nơi Chúa ngự. Ta phải luôn luôn thanh tẩy tâm hồn để xứng đáng với Chúa. Hãy thanh tẩy tâm hồn khỏi thói tôn thờ tiền bạc, coi trọng tiền bạc hơn Chúa. hãy thanh tẩy tâm hồn khỏi những dục vọng đam mê làm ô uế cung thánh của Chúa. Hãy thanh tẩy tâm hồn khỏi thói gian tham, bất công. Hãy thanh tẩy tâm hồn ta khỏi những kiêu căng đố kỵ. Thân xác ta là Đền thờ của Chúa. Hãy kính trọng thân xác của mình và của người khác. Hãy tu bổ những Đền thờ thân xác đã xuống cấp, suy tàn, bị xúc phạm, bị bán rẻ. Hãy sửa chữa những Đền thờ thân xác đang bị bào mòn vì bệnh tật, vì đói khát, vì thương tích. Hãy kính trọng thân xác của người khác vì đó là Đền thờ của Chúa.

Trong mùa Chay này, ta hãy cố gắng thanh tẩy bản thân, để tâm hồn và thân xác ta trở thành một Đền thờ xứng đáng cho Chúa ngự.

TIN TỨC

SỨ ĐIỆP MÙA CHAY TRONG PHIM “TẤM VẢI”

WHĐ (01-03-2024) -- Sứ điệp Mùa Chay năm nay của Đức Giáo hoàng Phanxicô được lấy cảm hứng từ đoạn sách Xuất Hành: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ” (Xh 20, 1-17). Cuộc xuất hành 40 năm khi xưa - vượt qua sa mạc Sinai - đã đưa Dân Chúa về tới Đất Hứa. Trong hành trình này, họ đã ký kết một giao ước ân tình với Chúa tại núi Horeb. Mùa Chay năm nay cũng là cuộc xuất hành, giúp chúng ta giải phóng mình khỏi những nô lệ, khi được đưa vào sống trong ân tình sâu xa với Chúa, dứt bỏ khỏi những ràng buộc khiến ta mất tự do, không đến được với Chúa và tha nhân. Đây là hành trình hoán cải và yêu thương, đưa bản thân ta đến tình trạng tốt đẹp tuyệt vời mà Chúa muốn ban cho ta. Sự hoán cải trong phim “Tấm Vải” được diễn tả bằng biểu tượng tấm vải bị xé ra, giống như tấm vải ngăn che nơi cực thánh của đền thờ Giêrusalem được xé ra khi Chúa chịu chết, giúp con người dễ dàng đến được với Chúa và tha nhân. Câu hỏi cần được đặt ra là: Tôi cần phải “xé những gì” trong Mùa Chay này? Lời của bài hát ‘Xin Lỗi Chúa’ có thể góp phần soi sáng cho thấy một số những điều cần xé ra mà đạt được tự do trong tình yêu đối với Chúa và tha nhân: Con thường nói yêu thương trên trót lưỡi đầu môi. Con từng sống phục vụ mà tính toán so đo, miệng nói lời bao dung mà lòng vẫn còn chấp nhất, dạ muốn sống khiêm nhu nhưng môi vẫn gieo rắc kể công. Con chỉ sống yêu thương theo sở thích riêng con mà thôi; khi vừa ý đạt lòng thì con mới cho đi, khi nhàn rỗi thuận lợi thì mới phục vụ hy sinh, khi được đề cao trọng vọng, con mới xả thân vì Ngài. Chúa ơi! Sao con còn trần gian thế? Sao con cứ mãi theo Chúa nửa vời? Chúa ơi! Nay con thật lòng xin lỗi, xin lỗi Chúa, và xin lỗi anh em…

Lời xin lỗi luôn là cần thiết, ví dụ lời xin lỗi cần được gửi đến những người âm thầm đóng góp cho phim “Tấm Vải” mà không được nhắc tên trong phần credit. Những người đó không cần kể công, chỉ cần cảm thấy là mình đã thể hiện được tình yêu đối với Chúa. Chúa biết, thể là đủ: Xin cho con biết xé bỏ “cái tôi phù phiếm” của mình. Amen

THÔNG BÁO

1.     Vào lúc 7h15, tối thứ Hai ngày 04/3/2024, sẽ có cuộc họp, tại Văn phòng giáo xứ. Kính mời đại diện quý Sơ, ở hai cộng đoàn, đang phục vụ giáo xứ, mời Ban Thường vụ, các Ủy viên, Ban Điều hành các giáo họ, Ban Trị sự các đoàn thể, tham dự cuộc họp này, để bàn những công việc sắp tới của giáo xứ. Xin mọi người tham dự đầy đủ và đúng giờ.

2.     Thứ Bảy, vào lúc 7h00 sáng, ngày 09/3/2024 sẽ có rửa tội cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Xin quý cha mẹ có con rửa tội, đến xin giấy giới thiệu nơi Ban Điều Hành giáo họ, và nộp sổ gia đình về văn phòng giáo xứ trong tuần này.

3.     Cũng vào Sáng Thứ Bảy, ngày 09/3/2024, sẽ  trao Mình Thánh Chúa cho người già và bệnh nhân. Những gia đình nào có nhu cầu xin đăng ký với ban điều hành Giáo họ của mình, và chuẩn bị nơi xứng đáng đễ người thân lãnh nhận Bí tích.


Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2024

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 801

 


CHÚA NHẬT II MÙA CHAY

LỜI CHÚA: Mc 9, 1-9

Khi ấy, Chúa Giê-su đưa Phê-rô, Gia-cô-bê, và Gio-an đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi, trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Ê-li-a và Mô-sê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giê-su. Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giê-su rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Mô-sê, và một cho Ê-li-a”. Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó có một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giê-su với các ông. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giê-su ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: “Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?”

Suy niệm

Chúa Giêsu biến hình hôm nay là một biến cố lạ kỳ đối với các môn đệ. Một người Thầy mà các ông đã gần gũi, từng chia sẻ buồn vui sao giờ lại trở nên vinh hiển đến khó tả? Tin Mừng chỉ nói dung mạo Ngài khác thường, áo Ngài trở nên trắng tinh. Với cách diễn tả rất vắn tắt cuộc hiển dung của Chúa Giêsu, Tin Mừng dẫn người nghe đến ý nghĩa cần thiết: Chúa Giêsu đang chuẩn bị cho cuộc khổ nạn của mình tại Giêrusalem, vinh quang Ngài tỏ ra trong phút chốc gieo cho môn đệ một niềm tin trước một biến cố đau buồn sắp xảy ra.

Cuộc biến hình của Chúa Giêsu mang lại cho các tông đồ niềm hy vọng và là một lời khích lệ cho các tín hữu. Đời sống của chúng ta tuy còn khó khăn, khổ cực, còn nhiều gánh nặng nhưng tất cả sẽ trở nên giá trị cứu độ khi ta biết thông phần với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. Nếu ta chấp nhận khốn khó cùng Đức Kitô thì chắc chắn chúng ta cùng được hưởng vinh quang như Người. Cùng với ba môn đệ xưa kia, ta ý thức rằng con đường Thập giá hoàn toàn khổ nhục nhưng đằng sau đó là vinh quang mà Thiên Chúa sẽ ban cho ta. Trong niềm mong chờ được hưởng vinh quang mỗi kitô hữu phải để Lời Chúa hướng dẫn từng ngày. Lời phán dạy của Chúa Cha ” Hãy vâng nghe lời Người ” như là điều kiện tiên quyết mà người môn đệ phải có. Khi ta để lời Chúa hướng dẫn, khi sống theo Chúa Kitô thì người tín hữu mới thoát khỏi cảnh hoang mang sợ hãi. Chính khi chấp nhận đau khổ cùng Chúa Kitô chúng ta mới được hưởng vinh quang cùng với Ngài. Vinh quang không xuất hiện vì chính nó, nhưng nó xuất hiện để khoát lên một vẽ đẹp rực rỡ cho những công việc bình thường mà chúng ta thực hiện trên con đường theo Chúa Kitô.

Nguyện xin Chúa ban thêm sức cũng như lòng tin nơi mỗi người chúng ta để cuộc đời của chúng ta dẫu thế nào đi chăng nữa cũng biết vâng nghe theo lời Chúa nói với chúng ta để chúng ta cũng như các môn đệ xưa hăng hái đi theo Chúa cho đến cuối cuộc đời dẫu cuộc đời của chúng ta còn nhiều chông gai, còn nhiều cạm bẫy.

Tin tức

Ba ý tưởng chính cho chúng ta suy nghĩ và đem ra thực hành trong Mùa Chay.

1. Thánh giá

Trong Mùa Chay, mọi người chúng ta phải chú ý đặc biệt nhìn lên Thánh Giá để tìm hiểu thêm ý nghĩa hùng hồn mà Thánh Giá muốn nói với chúng ta. Khi nhìn lên Thánh Giá, chúng ta không chỉ nhớ lại những biến cố đã xảy ra cách đây hơn hai ngàn năm mà còn đón nhận một bài học cho thời đại chúng ta, cho người ngày nay vì “Đức Kitô hôm qua cũng như hôm nay và muôn đời vẫn là một” (Dt 13,8). Thánh Giá của Người là một lời kêu mời mạnh mẽ thúc giục chúng ta ăn năn hối cải và thay đổi đời sống, vì chính Người đã bằng lòng chịu chết treo trên cây Thập Tự để cứu chuộc chúng ta, để biến đổi chúng ta từ tình trạng là những kẻ thù nghịch với Thiên Chúa trở nên con cái và thừa hưởng gia nghiệp muôn đời. Cho nên, chúng ta phải coi lời kêu gọi này là gửi đến cho mỗi người và mọi người nhân dịp Mùa Chay. Nói khác đi, sống Mùa Chay có nghĩa là nhờ Chúa Giêsu mà thay đổi đời sống và qui hướng về Thiên Chúa.

2. Cầu nguyện

Ý tưởng thứ hai là cầu nguyện. Trong Tin Mừng, rất nhiều lần Đức Giêsu nói đến cầu nguyện và gắn liền cầu nguyện với thay đổi đời sống. Phải cầu nguyện, tiếp xúc với Thiên Chúa mới mong thay đổi được đời sống, vì nhờ cầu nguyện, con người chúng ta được lay động thức tỉnh, từ đó nhìn ra những điều cần phải thay đổi trong đời sống của mình mà ăn năn hối cải. Trong Mùa Chay, chúng ta phải cầu nguyện, cố gắng cầu nguyện, tìm thời giờ và những nơi để cầu nguyện. Cầu nguyện đưa chúng ta ra khỏi thái độ dửng dưng và làm cho chúng ta nhậy cảm với những điều có liên quan đến Chúa và các linh hồn. Cầu nguyện cũng giáo dục lương tâm chúng ta và Mùa Chay rất thích hợp cho công việc này. Trong Mùa Chay, Hội Thánh nhắc bảo chúng ta phải xưng tội để lương tâm được trong sạch mà sống mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Kitô, không phải trong phụng vụ mà thôi nhưng trong cả tâm hồn nữa.

3. Ăn chay, chia sẻ

Làm phúc, bố thí và ăn chay là những phương thế liên hệ mật thiết với nhau để giúp chúng ta ăn năn hối cải. Ăn chay không chỉ có nghĩa là bớt ăn hay không ăn mà còn có nghĩa là thắng mình, là đòi hỏi với chính mình, sẵn sàng từ chối ăn uống và chấp nhận hy sinh những vui thích. Và làm phúc có nghĩa là chia vui sẻ buồn với người khác, giúp đỡ người ta, nhất là những ai lâm cảnh thiếu thốn, phân phát cho người ta không nguyên của cải vật chất mà cả tinh thần nữa. Chính vì thế, chúng ta phải tỏ ra cởi mở đối với người khác, biết nhận ra những nhu cầu của họ và cảm thông những nỗi đau buồn của họ, đồng thời tìm cách đáp ứng những nhu cầu đó và làm cho những nỗi đau thương của họ vơi nhẹ đi.

Như vậy, cầu nguyện để kết hợp với Thiên Chúa đồng thời cũng hướng chúng ta tới tha nhân. Khi chúng ta đòi hỏi đối với bản thân và quảng đại đối với tha nhân, nhất là đối với những ai đau khổ và thiếu thốn là chúng ta sống kết hợp với Chúa Kitô chịu đau khổ và bị đóng đinh vì Người tự đồng hóa với họ như Người nói: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đã hỏi han” (Mt 25, 35-36).

Trong Mùa Chay, chúng ta thường nghe đọc: “Đây là lúc Chúa thi ân, đây là ngày Chúa cứu độ." Vậy chúng ta hãy tận dụng thời gian này vì là thời thuận tiện và là thời Chúa ban ơn để chúng ta sám hối và tin vào Tin Mừng như Chúa dạy: “Thời kỳ đã mãn và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào tin Mừng” (Mc 1, 15).

THÔNG BÁO

1.      Vào lúc 4h45 sáng thứ sáu, ngày 01/03/2024 là lễ giỗ của Đức cha Giuse Vũ Duy Thống. Sẽ được Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng Giám Mục Giáo Phận Chủ tế Thánh lễ tại nhà thờ Chính Tòa Phan Thiết. Xin Cộng đoàn cùng tham dự Thánh lễ để cầu nguyện cho Đức cha Giuse Vũ Duy Thống.

2.      Khóa Giáo lý Hôn Nhân và Dự Tòng mới, sẽ khai giảng vào vào tối thứ 6 vào lúc 7h15 ngày 01/03/2024 tại Hội Trường Giáo Xứ Chính Tòa. Những ai có nhu cầu học các lớp giáo lý này, vui lòng liên hệ ghi danh ở Văn phòng Giáo xứ. Những người ngoài giáo xứ, cần có giấy giới thiệu của cha chánh xứ, nơi gia đình mình đang cư trú. Sau khai giảng sẽ không nhận ghi danh nữa.

Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2024

BẢN TIN HẰNG TUẤN SỐ 800

 

CHÚA NHẬT V MÙA THƯỜNG NIÊN

LỜI CHÚA: Mc 1, 29-39

Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi hội đường, Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các ngài. Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám: và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người. Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm thấy Người, các ông nói cùng Người rằng: “Mọi người đều đi tìm Thầy”. Nhưng Người đáp: “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”. Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.

SUY NIỆM

“Bầu ơi thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Thế nhưng, truyền thống đó đang mất dần trong thế giới hôm nay. Một thế giới ích kỷ và hưởng thụ. Một thế giới mà người ta dường như chỉ biết lo cho bản thân mình. Người ta sẵn sàng vì quyền lợi của mình mà chà đạp lên người khác. Con người hôm nay chỉ nghĩ đến mình nên nhẫn tâm bỏ rơi đồng loại trong khổ đau và tuyệt vọng. Sống bên nhau, nhưng thương nhau thì ít mà đầy đoạ nhau thì nhiều. Sống với nhau nâng đỡ nhau thì ít mà loại trừ nhau thì nhiều.

Phải chăng khi người ta đề cao vật chất thì tình người lại bị coi thường và chà đạp? Dường như là vậy. Nhiều người quá đau khổ vì không tìm được sự nâng đỡ cùa anh em trong những lúc gian nan. Nhiều người quá tuyệt vọng vì sự lạnh lùng, thờ ơ và bỏ rơi của gia đình và bạn bè. Lời Chúa hôm nay mô tả một ngày làm việc thật bận rộn của Chúa Giêsu. Ngài giảng dạy trong Hội đường. Ngài cứu chữa một người bị quỷ ám. Ngài đến tận nhà mẹ vợ Phêrô để chữa lành cho bà. Ngài còn dành thời giờ đón tiếp rất đông khách thập phương đến để cầu cứu Ngài. Ngài đã đặt tay và chữa lành bệnh tật cho họ. Cả ngày dường như Ngài chẳng nghỉ ngơi. Ngài đã dùng cả thời giờ của một ngày để phục vụ cho lợi ích tha nhân. Vâng, nếu cuộc đời hôm nay có nhiều tấm lòng vị tha như Chúa, thì dòng đời sẽ không còn những cái khổ triền miên. Nếu cuộc đời ai cũng biết có trách nhiệm với nhau, sẽ không còn những nỗi đau của cô đơn và tuyệt vọng. Vẫn còn đó những người chồng, người vợ đang tuyệt vọng vì đời sống thiếu trách nhiệm của người bạn đời. Vẫn còn đó những người con mặc cảm, tủi hận vì cha mẹ bỏ rơi, thiếu quan tâm. Vẫn còn đó những giọt nước mắt buồn đau của phận người bị ngược đãi, bị xúc phạm, bị chà đạp lên danh dự và phẩm giá làm người. Vẫn còn đó tiếng khóc than cho phận số nghèo đói, bệnh tật, già nua đang bị anh em đồng loại bỏ rơi.

Ước gì mỗi người chúng ta cũng có tấm lòng như Chúa để sẵn lòng dấn thân quảng đại vì hạnh phúc tha nhân. Xin cho mỗi người chúng ta luôn có trách nhiệm với nhau, với cuộc đời. Xin đừng để ai đau khổ, thất vọng vì sự thờ ơ và thiếu trách nhiệm của chúng ta.

TIN TỨC

1.CHÀO ĐÓN ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC MAREK ZALEWSKI 

ĐẠI DIỆN THƯỜNG TRÚ CỦA TOÀ THÁNH VATICAN TẠI VIỆT NAM

WGPHN (31.01.2024) - Như tin đã đưa, ngày 23/12/2023, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski làm Đại diện Tòa thánh Vatican thường trú tại Việt Nam. Theo chương trình, ngày 31/01/2024, Đức TGM Đại diện Tòa Thánh đã đến Việt Nam sau khi được bổ nhiệm.

Vào lúc 15h25, Đức TGM Marek đã đáp chuyến bay từ Singapore tới Việt Nam. Đón tiếp ngài tại sân bay Nội Bài có Đức TGM Giuse Nguyễn Năng, chủ tịch Hội Đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN); Đức TGM Giuse Vũ Văn Thiên, phó chủ tịch HĐGMVN; cha Giuse Đào Nguyên Vũ, chánh văn phòng HĐGMVN và cha Giuse Tạ Minh Quý, thư ký Giáo tỉnh Hà Nội. Kế đó, các ngài trở về Tòa Tổng Giám mục (TGM) Hà Nội trong sự chào đón nồng hậu của quý Đức Cha thuộc Giáo tỉnh Hà Nội, quý cha, quý sơ dòng Mến Thánh Giá Hà Nội, dòng thánh Phaolô thành Chartres và anh em ứng sinh tại Tòa TGM. Đại diện cho HĐGMVN, Đức TGM Giuse Nguyễn Năng đã bày tỏ niềm vui khi được chào đón vị Đại diện Tòa Thánh trong một cương vị mới. Đồng thời, Đức TGM Giuse cũng cầu chúc những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với ngài trong chặng đường kế tiếp. Đáp từ, Đức TGM Marek Zalewski cám ơn sự đón tiếp của quý Đức cha Giáo tỉnh Hà Nội, quý cha, quý sơ và mọi người hiện diện. Ngài nói rằng, tôi hiện diện ở đây là để phục vụ Giáo Hội tại Việt Nam. Sau những giờ phút thăm hỏi, Đức TGM Marek cùng dự bữa tiệc huynh đệ với quý Đức Cha và sẽ đến nhận văn phòng tại tòa nhà Pan Pacific, số 01 đường Thanh Niên, quận Ba Đình, Hà Nội.

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org (31.01.2024)

2.      CHƯƠNG TRÌNH THÁNH LỄ XUÂN GIÁP THÌN 2024

BA MƯƠI TẾT 

Sáng: 4h45 - Thứ sáu - 09/02/2024 THÁNH LỄ TẠ ƠN CUỐI NĂM

Tối:   8h30 thứ sáu - 09/02/2024 - THÁNH LỄ GIAO THỪA (Hái Lộc Lời Chúa)

Ø  MỒNG MỘT TẾT - CẦU BÌNH AN TRONG NĂM MỚI

Sáng:   5h00 thứ 7 – 10/02/2024 – Thánh Lễ Minh Niên

Chiều: 5h00 thứ 7 – 10/02/2024 – Thánh Lễ Minh Niên

Ø  MỒNG HAI TẾT - KÍNH NHỚ TỔ TIÊN VÀ ÔNG BÀ

Sáng:   5h00 Chúa Nhật – 11/02/2024 – Mừng Thọ Và Lễ Gia Tiên

            7h00 Chúa Nhật – 11/02/2024 – Thánh Lễ

Chiều: 5h00 Chúa Nhật – 11/02/2024 – Thánh Lễ

                                  (Lưu ý: Không có lễ 7h00 Tối Chúa Nhật)

Ø  MỒNG BA TẾT – XIN CHÚA THÁNH HÓA CÔNG ĂN - VIỆC LÀM

Sáng:   5h00 Thứ Hai – 12/02/2024 – Thánh Lễ

Chiều: 5h00 Thứ Hai – 12/02/2024 – Thánh Lễ

Ø  MỒNG NĂM TẾT – LỄ TRO (Giữ Chay Và Kiêng Thịt)

Sáng:   5h00 Thứ Tư – 14/02/2024 Lễ Tro (Do Đức Giám Mục Giáo

Phận Chủ Tế)

Chiều: 6h00 Thứ Tư – 14/02/2024 Lễ Tro

THÔNG BÁO

1/  Tối Thứ Hai, vào lúc 7h30 ngày 05/02/2024, nhằm ngày 26 tết. Kính mời Giới Hiền Mẫu Giáo xứ Chính Tòa họp tại Hội trường Giáo xứ. Xin mọi người chúng ta đi đúng giờ và đông đủ để buổi họp được tốt đẹp.

2. Chương trình Thánh Lễ trong những ngày tết được đăng trong bản tin và dán trước tiền sảnh nhà thờ, xin mọi người xem và ghi nhớ để tham dự Thánh Lễ.

3/  Danh sách ủng hộ người nghèo và ủng hộ Giáo xứ:

1.        Salon Phú sơn ủng hộ người nghèo               1 tấn gạo

2.        Một ân nhân ủng hộ người nghèo                  100 USD

3.        Chị Xuân ở Mỹ ủng hộ người nghèo  200 chai nước mắm

4.       Anh chị Văn-An ở Gh. Giuse Thị ủng hộ người nghèo 34 thùng nước mắm ngon.

5.        Chị Hạnh ở Gh. Matthêu Phượng ủng hộ Gx. 1.000.000 đ


Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2024

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 799

 


CHÚA NHẬT IV MÙA THƯỜNG NIÊN

LỜI CHÚA: Mc 1, 21-28

Ðến thành Ca-phác-na-um, ngày nghỉ lễ, Chúa Giê-su vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ. Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi ông Giê-su Na-da-rét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giê-su quát bảo nó rằng: “Hãy im đi và ra khỏi người này!” Thần ô uế liền dằn vặt người ấy, thét một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái gì vậy? Ðấy là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh Người”. Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Ga-li-lê-a.

SUY NIỆM.

Từ ngàn xưa, ma quỷ luôn luôn là một mối bất hạnh cho con người. Ma quỷ luôn tìm cách làm hại con người không những bằng xúi giục con người làm điều tội lỗi mà còn hành hạ, khống chế, trói buộc, bắt con người làm nô lệ cho chúng.

Ngày nay, ma quỷ rất tinh khôn nên thường xuất hiện dưới những hình dáng bên ngoài xinh đẹp, hấp dẫn. Chúng xuất hiện dưới những đồng tiền bất chính và hứa hẹn cho ta một cuộc sống thoải mái. Chúng xuất hiện dưới chiêu bài tự do hưởng thụ để xúi giục ta lao mình vào những nơi ăn chơi độc hại. Chúng kích thích sự tò mò của mọi người. Với bàn tay nham hiểm, ma quỷ âm thầm len lỏi vào tận đáy tâm hồn, khơi lên những làn sóng chia rẽ, ganh ghét, thù hận, bất hòa. Chúng kích thích lòng tham lam vô đáy, đưa ta đến chỗ trộm cắp, kiện cáo và tranh giành. Chúng khơi dậy thói kiêu căng, lòng tự ái để ta ham hố vinh danh và quyền lực. Chúng vuốt ve thói ích kỷ để xúi giục ta chỉ nghĩ đến bản thân mình, làm ngơ trước những nhu cầu của người khác. Chúng lừa gạt ta để ta coi thường tội lỗi, mất ý thức về tội.

Hôm nay, Chúa muốn ta tiếp tục công việc của Chúa, xua trừ ma quỷ ra khỏi đời sống chúng ta. Hãy tỉnh táo nhận ra ma quỷ dưới những khuôn mặt đẹp đẽ của vật chất, tiền bạc, hưởng thụ, cám dỗ. Nhất là, hãy trục xuất khỏi tâm hồn ta những con quỷ gây chia rẽ, bất hòa, tham lam, kiêu căng, tự mãn, gian trá, giả hình, hám danh, ích kỷ, dửng dưng.

Tự sức riêng, ta khó mà chiến thắng được ma quỷ. Muốn chiến thắng ma quỷ, ta phải nhờ ơn Chúa giúp. Ta múc lấy sức mạnh nơi Chúa bằng ăn chay và cầu nguyện. Ta rèn luyện tinh thần bằng khiêm nhường từ bỏ ý riêng để hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Lạy Chúa, xin thương xót con, xin cứu con khỏi mọi sự dữ. Amen.

TIN TỨC

1. Khả năng Đức Giáo Hoàng tông du Việt Nam dưới con mắt của một ký giả Hoa Kỳ

Ký giả Luke Coppen, trên tạp chí The Pillar, ngày 20 Tháng Giêng có bài tường trình nhan đề “Why a papal trip to Vietnam is now possible”, nghĩa là “Tại sao một chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tới Việt Nam giờ đây là khả thi.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh. Cho đến gần đây, chuyến viếng thăm của một giáo hoàng tới Việt Nam dường như chỉ là một điều huyền ảo, giống như một chuyến đi của giáo hoàng tới Bắc Cực hay sao Hỏa. Nhưng tuần này, nó bắt đầu có vẻ như là một khả thể thực sự. Điều đó thật đáng ngạc nhiên, vì chưa có vị giáo hoàng nào từng đặt chân tới quốc gia Đông Nam Á có tên chính thức là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và là quê hương của gần 100 triệu người, trong đó có khoảng 7 triệu người theo Công Giáo. Điều đáng chú ý là Việt Nam là một quốc gia cộng sản độc đảng, vô thần chính thức và là một trong số ít quốc gia thiếu quan hệ ngoại giao đầy đủ với Tòa thánh. Vì vậy, tại sao chuyến viếng thăm của Giáo hoàng đột nhiên có vẻ khả thi?

1.      1.1 Một lịch sử đau thương

Câu trả lời: đó là kết quả của sự phát triển dần dần vào đầu thế kỷ 21, sau đó là một loạt tiến bộ nhanh chóng trong những tháng gần đây. Thế kỷ 20 đã mang lại cho Tòa Thánh rất ít cơ hội để cải thiện mối quan hệ với Việt Nam. Thủ tướng Việt Nam lúc bấy giờ là Nguyễn Tấn Dũng đã gặp Đức Bênêđíctô XVI tại Vatican vào năm 2007. Đó là một bước đột phá quan trọng vì đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Việt Nam Cộng Sản hội đàm trực tiếp với một giáo hoàng. Một cơ quan được gọi là Nhóm làm việc chung Việt Nam - Tòa Thánh đã tổ chức phiên họp đầu tiên vào năm 2009 và gặp nhau thường xuyên sau đó. Năm 2011, Đức Giáo Hoàng đã bổ nhiệm đại diện ngoại giao đầu tiên đến Việt Nam. Đức Tổng Giám Mục người Ý Leopoldo Girelli được chỉ định làm “đại diện không thường trú” của Vatican tại Việt Nam.

2.      1.2. ‘Cuộc đối thoại cởi mở’

Tháng 3 năm 2023, Kỳ họp lần thứ 10 của Nhóm Công tác chung Việt Nam - Tòa Thánh đã đạt được bước đột phá. Một thông cáo báo chí cho biết hai bên “về cơ bản đã đồng thuận” về việc thành lập đại diện giáo hoàng thường trú tại Việt Nam. Đó là lúc các sự kiện tăng tốc. Một thỏa thuận thành lập đại diện giáo hoàng thường trú tại thủ đô Hà Nội đã được ký kết trong chuyến thăm Vatican ngày 27 tháng 7 của Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng. Vào ngày 7 tháng 8, ông Võ đã có chuyến đi đầu tiên tới trụ sở Hội đồng Giám mục Việt Nam tại Sài Gòn. Ngày 8 tháng 9, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết một bức thư cho cộng đồng Công Giáo Việt Nam, trong đó ngài mô tả các bước dẫn đến một thỏa thuận mang tính bước ngoặt cho phép Vatican có đại diện giáo hoàng thường trú. Ngài nói: “Trên cơ sở sự tin cậy lẫn nhau được xây dựng từng bước trong những năm qua, được củng cố bởi các chuyến thăm hàng năm của phái đoàn Tòa Thánh và các cuộc họp của Nhóm làm việc chung Việt Nam - Tòa Thánh, cả hai bên đã có thể cùng nhau tiến về phía trước và sẽ có thể tiến bộ hơn nữa, thừa nhận sự hội tụ và tôn trọng sự khác biệt.” Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng, chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã viết thư cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày 4 tháng 10, cảm ơn ngài về bức thư và mời ngài đến thăm. Vào tháng 12, có tin Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng cũng đã mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm, đánh dấu một bước đột phá lớn khác trong quan hệ Tòa Thánh - Việt Nam. Tuần này, Đức Giáo Hoàng đã tiếp phái đoàn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó, “ngoại trưởng” Vatican, Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher cho biết ngài dự định thăm Việt Nam vào tháng 4 và Quốc vụ khanh Vatican, Đức Hồng Y Pietro Parolin, có thể sẽ du hành đến đó vào cuối năm nay. “Chúng tôi sẽ thực hiện mọi việc dần dần,” Gallagher nhận xét và nói thêm rằng có một triển vọng thực sự về chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng tới Việt Nam.

2.CHƯƠNG TRÌNH XUÂGIÁP THÌN 2024

BA MƯƠI TẾT 

Sáng: 4h45 – Thứ sáu - 09/02/2024 THÁNH LỄ TẠ ƠN CUỐI NĂM

Tối: 8h30 thứ sáu - 09/02/2024 - THÁNH LỄ GIAO THỪA (Hái Lộc Lời Chúa)

MỒNG MỘT TẾT - CẦU BÌNH AN TRONG NĂM MỚI

Sáng: 5h00 thứ 7 – 10/02/2024 – Thánh Lễ Minh Niên

Chiều: 5h00 thứ 7 – 10/02/2024 – Thánh Lễ Minh Niên

MỒNG HAI TẾT - KÍNH NHỚ TỔ TIÊN VÀ ÔNG BÀ

Sáng: 5h00 Chúa Nhật – 11/02/2024 – Mừng Thọ Và Lễ Gia Tiên

          7h00 Chúa Nhật – 11/02/2024 – Thánh Lễ

Chiều: 5h00 Chúa Nhật – 11/02/2024 – Thánh Lễ

                                  (Lưu ý: Không có lễ 7h00 Tối Chúa Nhật)

MỒNG BA TẾT – XIN CHÚA THÁNH HÓA CÔNG ĂN - VIỆC LÀM

Sáng:   5h00 Thứ Hai – 12/02/2024 – Thánh Lễ

Chiều: 5h00 Thứ Hai – 12/02/2024 – Thánh Lễ

MỒNG NĂM TẾT – LỄ TRO (Giữ Chay Và Kiêng Thịt)

Sáng: 5h00 Thứ Tư – 14/02/2024 Lễ Tro (Do Đức Giám Mục Giáo Phận Chủ Tế)

Chiều: 6h00 Thứ Tư – 14/02/2024 (Lễ Tro)

VUI VỚI NGƯỜI VUI

Anh Giuse Nguyễn Thành Trung, con ông bà: Nguyễn Thành Hưng – Têrêsa Trần Thị Thu Hằng, kết hôn với chị Anê Nguyễn Thị Thu Linh, con ông bà: Phaolô Nguyễn Văn Hùng – Maria Nguyễn Thị Chúc. Đã cử hành bí tích hôn phối tại nhà thờ Chính Tòa, vào lúc 5g00, sáng thứ Bảy ngày 27.01.2024. Giáo xứ xin chia vui và cầu chúc các đôi bạn sống hạnh phúc trong tình yêu của Thiên Chúa.

THÔNG BÁO

1/ Sáng Thứ Bảy, ngày 03/02, sẽ  trao Mình Thánh Chúa cho người già và bệnh nhân. Những gia đình nào có nhu cầu xin đăng ký với ban điều hành Giáo họ của mình, và chuẩn bị nơi xứng đáng đễ người thân lãnh nhận Bí tích.

2/  Danh sách ủng hộ người nghèo trong tuần này:

1.      Nhà Thuốc Rạng Danh                  5.000.000 đ

2.      Chị Xuân (ở Mỹ)                           5.000.000 đ


Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2024

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 798

 


CHÚA NHẬT III MÙA THƯỜNG NIÊN

LỜI CHÚA: Mc 1, 14-20.

Sau khi Gio-an bị bắt, Chúa Giê-su sang xứ Ga-li-lê-a, rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm”. Ðang lúc đi dọc theo bờ biển Ga-li-lê-a, Người thấy Si-mon và em là An-rê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giê-su bảo các ông: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người”. Lập tức các ông bỏ lưới theo Người. Ði xa hơn một chút nữa, Người thấy Gia-cô-bê con ông Giê-bê-đê và em là Gio-an đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giê-bê-đê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.

SUY NIỆM

Sống là chọn lựa. Chọn lựa từng giây phút trước những hành động cuộc đời chúng ta. Và chọn lựa trước hết là gì? Nếu phải từ bỏ. Thực vậy, nếu muốn học giỏi, thì phải từ bỏ những tháng ngày lãng phí thời gian. Nếu muốn làm làm giàu, thì phải từ bỏ sự ươn lười, nhàn rỗi. Nếu muốn được cha mẹ yêu thương, thì phải từ bỏ những gì làm cho các ngài buồn lòng. Sống là chọn lựa và chọn lựa có nghĩa là từ bỏ.

Tiến vào đời sống siêu nhiên cũng thế. Muốn theo Chúa, muốn đáp trả lời mời gọi của Chúa, chúng ta phải chọn lựa, chúng ta cũng phải từ bỏ. Abraham ngày xưa đứng trước lệnh truyền của Chúa, ông đã phải từ bỏ quê hương và sự nghiệp để dấn thân vào một cuộc phiêu lưu không định hướng. Các tông đồ ngày hôm nay cũng vậy. Các ông đã bỏ cha già, bỏ gia đình, bỏ ghe thuyền, bỏ chài lưới nghĩa là các ông đã từ bỏ tất cả để lên đường theo Chúa.

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có từ bỏ tiền bạc, từ bỏ thời giờ để theo Chúa chưa? nhưng điều quan trọng hơn Chúa đòi chúng ta phải từ bỏ, đó là từ bỏ chính bản thân mình. Những sợi dây níu kéo chúng ta lại với mặt đất, những chướng ngại vật ngăn cản bước chân chúng ta theo Chúa, đó là những thói hư tật xấu, những đam mê tiền bạc hay những khát vọng không chính đáng. Để bước theo Chúa, việc đầu tiên mà chúng ta phải thực hiện đó là dứt bỏ những níu kéo ấy, là khử trừ những khuynh hướng lệch lạc, là từ bỏ những ước vọng trần tục. Từ bỏ tiền bạc, từ bỏ tiện nghi vật chất đã là chuyện khó, nhưng chưa đến nỗi cam go vì tiền bạc và vật chất là những cái còn ở bên ngoài chúng ta. Chứ từ bỏ những đam mê, những ước muốn xấu xa mới là chuyện cam go vì đam mê, và ước muốn bén rễ sâu trong con tim chúng ta. Nó làm thành chính bản tính, chính bộ mặt thực sự, chính cái phần sâu thẳm nhất nơi mỗi người chúng ta. Và đó cũng chính là điều mà Chúa đòi buộc chúng ta phải từ bỏ.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau, để mỗi người biết dẹp bỏ những cản trở trong cuộc sống, và để từng giây phút chúng ta chọn lựa, chúng ta chấp nhận và chúng ta bước theo Chúa.

TIN TỨC

PHIÊN KHAI MẠC CUỘC ĐIỀU TRA PHONG CHÂN PHƯỚC VÀ PHONG THÁNH CHO ĐỨC CHA PIERRE LAMBERT DE LA MOTTE TẠI TÀPAO

WHĐ (13.01.2024) – Phiên khai mạc cuộc điều tra Phong Chân Phước và Phong Thánh cho Tôi tớ Chúa, Đức cha Pierre Lambert de la Motte, đã được cử hành vào sáng thứ Bảy 13/01/2024 tại Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao (TTTM Tàpao), Giáo phận Phan Thiết (GPPT).

Thành viên của phiên khai mạc cuộc điều tra Phong Chân Phước và Phong Thánh này gồm:

     - Giám mục (GM) đương quyền của vụ án: Đức GM Giuse Đỗ Mạnh Hùng, GM GPPT.

     - Lục sự phiên khai mạc: Linh mục (Lm) G. Vianney Dương Nguyên Kha, Chưởng ấn GPPT.

     - Cáo thỉnh viên: Lm Giêrônimô Bùi Thiện Thảo, OP.

     - Ban điều tra gồm:

+ Đại diện GM đương quyền: Lm Giuse Hồ Sĩ Hữu - Tổng đại diện GPPT.

+ Biện lý vụ án: Lm Gioan Baotixita Nguyễn Hồng Uy - Đại diện tư pháp GPPT.

+ Lục sự vụ án: Lm Phêrô Nguyễn Quốc Việt - Đại diện tư pháp GP Xuân Lộc.

+ Phó Lục sự vụ án: Nữ tu (Nt) Matta Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Dòng Mến Thánh Giá (MTG) Nha Trang.

Tham dự phiên khai mạc cuộc điều tra có:

     - Đức cha chủ tịch Hội đồng Giám mục (HĐGM) Thái Lan

     - Ban Thường vụ HĐGM Việt Nam

     - Các Đức GM trong HĐGM Việt Nam

     - Cha Phó Tổng quyền Hội Thừa sai Hải ngoại Paris

     - Các Cha Giám đốc, Cha giáo và Chủng sinh các Đại Chủng viện

     - Các nữ tu của các Hội dòng MTG trong và ngoài nước Việt Nam

     - Các linh mục, tu sĩ và giáo dân trong và ngoài GPPT.

Phiên khai mạc cuộc điều tra này đã diễn tiến qua 2 phần chính: Nghi thức mở án Phong Chân Phước & Phong Thánh và Thánh lễ Tạ ơn.

I. NGHI THỨC MỞ ÁN PHONG CHÂN PHƯỚC & PHONG THÁNH

Vào lúc 6g25, nghi thức mở án Phong Chân Phước & Phong Thánh đã khởi sự với đoàn rước (gồm GM đương quyền của vụ án, Ban điều tra, Cáo thỉnh viên, Lục sự phiên khai mạc, Cha Thư ký Tòa GM, 2 người đọc tiểu sử ĐGM Lambert de la Motte), lời giới thiệu tiến trình nghi thức và lời nguyện khai mạc.

Sau đó, nghi thức đã diễn ra với 3 phần:

    - Công bố hồ sơ Khởi sự án Phong Thánh

    - Công bố hồ sơ của Phiên tòa

    - Lời tuyên thệ (của GM đương quyền vụ án, Ban điều tra và Cáo thỉnh viên).

Nghi thức mở án Phong Chân Phước & Phong Thánh đã kết thúc lúc 7g30 với lời kinh xin ơn nhờ lời chuyển cầu Đức cha Pierre Lambert de La Motte.

II. THÁNH LỄ TẠ ƠN

Phần thứ hai của Phiên khai mạc cuộc điều tra phong thánh chính là Thánh lễ Tạ ơn, do Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng chủ tế vào lúc 7g45. Đồng tế với ngài có 18 giám mục và khoảng 150 linh mục. Tham dự thánh lễ có khoảng 20 ngàn người gồm các tu sĩ và giáo dân đến từ khắp nơi.

THÔNG BÁO

1/  Danh sách ủng hộ Giáo xứ trong tuần này:

1.     Ghe Mỹ Quang                             5.000.000 đ

2.     Bà Duyên (ở Úc)                          5.000.000 đ

3.     Hội Caritas Giáo xứ Chính tòa     4.000.000 đ