Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2022

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 703


 CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY C

Lc 15, 1-3. 11-32

Khi ấy, những người thu thuế và những kẻ tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng; thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: "Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng". Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: "Người kia có hai con trai. Đứa em thưa với cha rằng: 'Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con'. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó, và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ cặn bã heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó hồi tâm lại và tự nhủ: 'Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói. Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: "Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha" '. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy ra ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu... Người con trai lúc đó thưa rằng: 'Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa'. Nhưng người cha bảo đầy tớ: 'Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng: vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy'. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.

"Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: 'Đó là em cậu đã trở về, và cha cậu đã giết bê béo, vì thấy cậu ấy về mạnh khoẻ'. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: 'Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó'. Nhưng người cha bảo: 'Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy' ". 

SUY NIỆM

Người cha trong bài Tin Mừng không chỉ có đứa con thứ bỏ nhà đi hoang, nhưng còn người con cả ở nhà coi mình như người làm công, chứ không phải con cái trong gia đình. Thế nhưng, ông tỏ lòng nhân hậu với cả hai người con: vui mừng, đón tiếp linh đình khi con thứ thân tàn ma dại trở về; năn nỉ người con cả để anh đối xử với người con thứ thật sự như em của mình. Từ “chúng ta” bao gồm ông với người con trưởng; nói cách khác, cả gia đình phải ăn mừng vì một đứa con, đứa em hư hỏng trở về. Như thế cả nhà – trên trời dưới đất – phải cùng nhau chia sẻ niềm vui lớn lao khi một tội nhân trở lại cùng Chúa. Người cha nhân hậu ấy chính là Thiên Chúa; ngoài Ngài, mọi người đều phải trở nên “người cha” với anh chị em của mình. Như vậy, chúng ta mới giống Cha trên trời, Đấng làm mưa trên người lành kẻ dữ.

TIN TỨC

1.ĐTC chia buồn về tai nạn máy bay ở Trung Quốc

Ngày 21.03.2022, chiếc máy bay Boeing 737-800 mang số hiệu MU5735 của hãng hàng không China Eastern Airlines, chở theo 132 người, trong đó có 123 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn, đã gặp nạn sau khi lao xuống từ độ cao 8.000 mét. Máy bay đã rơi tại Quảng Tây khi đang trên hành trình từ Côn Minh đến Quảng Châu cách đó khoảng 1.300 cây số.

Điện thư do Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh Pietro Parolin nhân danh Đức Thánh Cha gửi đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết: “Khi nghe tin buồn về vụ tai nạn hàng không thương tâm ở tỉnh Quảng Tây và thiệt hại về nhân mạng, Đức Giáo hoàng Phanxicô gửi lời chia buồn chân thành đến ngài và đồng bào của ngài.”

Đức Hồng y Parolin nói thêm rằng Đức Thánh Cha cầu nguyện cho những người đã chết và ơn an ủi cho những ai đang than khóc. ĐTC. cầu khẩn phước lành của Thiên Chúa cho mỗi người.

Ngày 22.03.2022, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc cho biết lực lượng cứu hộ không phát hiện ra bất kỳ người nào sống sót.

Hồng Thủy

2. Cuộc điện đàm thứ hai giữa Đức Thánh Cha và tổng thống Ucraina

Sáng thứ Ba 22.03.2022, ông Volodymyr Zelensky, tổng thống Ucraina tuyên bố tại một cuộc họp video với Quốc hội Ý rằng ông đã có một cuộc điện đàm thứ hai với Đức Thánh Cha.

Tổng thống Ucraina nói: “Hôm nay tôi đã nói chuyện với Đức Thánh Cha Phanxicô và ngài đã nói với tôi những lời rất quan trọng”. Và ông nói thêm rằng “tôi nói với Đức Thánh Cha rằng sự phản kháng của người dân Ucraina trở thành một đội quân khi thấy cái ác đến”.

Ông Zelensky viết trên Twitter: “Tôi đã nói chuyện với Đức Thánh Cha. Tôi đã nói với ngài về tình hình nhân đạo khó khăn và việc quân đội Nga phong tỏa các hành lang cứu hộ. Vai trò hòa giải của Tòa Thánh sẽ được đánh giá cao. Tôi cảm ơn vì những lời cầu nguyện cho Ucraina và hòa bình”.

Cuộc điện đàm này cũng đã được ông Andriy Yurash, Đại sứ Ucraina cạnh Toà Thánh viết trên Twitter sáng thứ Ba 22.03: “Một dấu hiệu ủng hộ mới của Đức Thánh Cha dành cho Ucraina: một cuộc điện đàm với tổng thống Volodymyr Zelensky. Trong cuộc trò chuyện này, Đức Thánh Cha khích lệ tổng thống và nói ngài cầu nguyện cho Ucraina và làm mọi sự có thể để chiến tranh kết thúc”.

Cũng theo ông Đại sứ, đáp lại lời Đức Thánh Cha, ông Zelensky nói “Đức Thánh Cha là khách mời được mong đợi nhất ở Ucraina”. Lời mời Đức Thánh Cha đến Kiev đã được thể hiện trong một lá thư của ông Vitali Klitschko, đô trưởng Kiev, gửi đến Đức Thánh Cha. Và theo Phòng báo chí Toà Thánh, Đức Thánh Cha đã nhận được thư và tái khẳng định sự gần gũi của ngài với người dân của thành phố đang bị bao vây.

Từ khi chiến tranh bắt đầu, đây là cuộc điện đàm thứ hai giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và tổng thống Ucraina. Cuộc điện đàm đầu tiên diễn ra vào ngày 26.02, hai ngày sau khi chiến tranh bùng nổ. Chính ông Zelensky sau đó đã bày tỏ trên một Tweet: “Tôi cám ơn Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu nguyện cho hòa bình ở Ucraina và một hiệp định đình chiến. Người dân Ucraina cảm nhận sự nâng đỡ tinh thần của ngài”.

Ngọc Yến

THÔNG BÁO

1. Vào lúc 7g00, sáng thứ Bảy, 02.04.2022: rửa tội cho trẻ sơ sinh. Xin quý cha mẹ có con rửa tội, đến xin giấy giới thiệu nơi BĐH. giáo họ, và nộp sổ gia đình về văn phòng giáo xứ trong tuần này.

2. Một ân nhân Gh. Anrê Kim Thông, ủng hộ người người nghèo 100 kg gạo, và 1 ân nhân Gh. Giuse Thị ủng hộ người nghèo 100 kg gạo. Con gái ông thư ký xứ, cùng anh em ở Sài Gòn và Hà Nội ủng hộ người nghèo 400 kg gạo và một ân nhân ủng hộ người nghèo 1 tấn gạo.

 

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2022

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 702

 


CHÚA NHẬT III MÙA CHAY C

Lc 13, 1-9

Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Ngài lên tiếng bảo: "Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy".

Ngài nói với họ dụ ngôn này: "Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: 'Kìa, ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!' Nhưng anh ta đáp rằng: 'Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi'". 

SUY NIỆM

Ai trồng cây cũng trông mong ăn trái, nhưng chẳng phải cây nào cũng cho trái, nhất là trái ngon. Cây trái lại có mùa vụ. Ít có giống nào ra trái quanh năm. Thế mà Chúa trồng chúng ta trong cuộc đời để chúng ta cho hoa trái và phải đâm hoa kết trái bốn mùa và trong mọi thời tiết dù có khắc nghiệt đến mấy đi nữa!!! Đời sống thiêng liêng chẳng có mùa vụ. Những mùa phụng vụ trải rộng quanh năm, Giáo Hội dùng để “bón phân tưới tắm” cho cây tín hữu.

Chúng ta hãy chọn một loại “trái cây” trong vườn cây trái “Hoà Bình” đó để trao tặng cho nhau qua những hành động bác ái, chia sẻ.

TIN TỨC

1. Toà Thánh công bố khẩu hiệu và logo chuyến tông du của ĐTC tại CHDC Congo

“Tất cả được giải hoà trong Chúa Giêsu Kitô” là khẩu hiệu chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Cộng hoà Dân chủ Congo từ ngày 02 đến 05.07, được Toà Thánh công bố vào thứ Hai 14.03.

 Theo giải thích của ban tổ chức địa phương cho chuyến tông du, logo có hình bản đồ quốc gia châu Phi với các đường viền là các màu của quốc kỳ.

Bản đồ cho thấy sự đa dạng sinh học trên mặt đất, và có một đường biên giới được mở về phía Tây như một dấu hiệu của sự chào đón nồng nhiệt dành cho sự kiện trọng đại này và những thành quả mà nó sẽ mang lại.

Đi vào chi tiết, màu vàng tượng trưng cho sự giàu có của Cộng hòa Dân chủ Congo với hệ động thực vật trên cạn và trong lòng đất. Màu đỏ ở biên giới phía đông tượng trưng cho sự đổ máu của các vị tử đạo ở khu vực đó. Màu xanh da trời ở phía bắc thể hiện khát vọng hoà bình của người dân Congo.

Bên trái có Thánh giá màu xanh muốn nói lên lòng sùng kính của người dân Congo đối với Đức Trinh Nữ, Đức Mẹ của Congo,  Đấng luôn cầu bầu cùng Chúa Kitô Cứu Thế cho dân tộc.

Ba người được đại diện là biểu tượng của tình huynh đệ: những người nam và những người nữ, người lớn và trẻ em, hợp nhất trong một bức ảnh ghép ở dưới chân Thánh giá, muốn nói lên khát vọng tình huynh đệ là một hồng ân đến từ Chúa. Màu sắc tươi sáng được sử dụng ở đây muốn thể hiện tình cảm và sự năng động đặc trưng của dân tộc Congo, sẵn sàng chào đón Vị Đại diện của Chúa Kitô và Người kế vị Thánh Phêrô trong niềm vui và hiệp nhất.

Trong logo cũng có một cành cọ đề cập đến khái niệm tử đạo, bắt nguồn từ lịch sử của Congo. Cành cọ biểu tượng chiến thắng, tái sinh và bất tử, muốn nói đến thông điệp hy vọng được đưa ra từ cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha.

Cuối cùng, ở trung tâm, giữa Thánh giá và bản đồ Congo, hình Đức Thánh Cha Phanxicô đang ban phép lành, một biểu tượng phúc lành và một niềm vui lớn cho quốc gia.

Ban tổ chức cũng chỉ ra một số yếu tố của đa dạng sinh học trên lãnh thổ Congo, bao gồm các khu vực đồi núi ở tất cả các vùng miền của đất nước, đặc biệt là ở phía đông có núi lửa phun trào, ảnh hưởng đến người dân Goma. Tiếp đến là dòng nước chảy muốn đại diện cho sự giàu có về thủy văn của đất nước, gồm sông Congo và các tuyến đường thủy của nó cũng như các hồ khác. Một cây xanh bên dòng nước chỉ ra tất cả hệ thực vật của Congo và những gì tạo nên nét đặc biệt của đất nước này. Cuối cùng là okapi - hươu đùi vằn, một biểu tượng động vật của Congo, quốc gia duy nhất có loại động vật này, đại diện cho sự giàu có của hệ động vật Congo.

Vatican News

2. ĐTC sẽ thánh hiến Nga và Ucraina cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Đức Mẹ

Chiều ngày 15.03.2022, ông Matteo Bruni, giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh đã thông báo rằng “vào thứ Sáu ngày 25.03.2022, trong nghi thức Thống hối do Đức Thánh Cha chủ sự vào lúc 5 giờ chiều tại đền thờ thánh Phêrô, Đức Thánh Cha sẽ thánh hiến hai nước Nga và Ucraina cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Đức Mẹ.”

 Thông cáo của Phòng Báo chí Toà Thánh cho biết thêm: “Vào cùng ngày, hành động tương tự sẽ được thực hiện tại Fatima bởi Đức Hồng y Konrad Krajewski, Chánh Sở Từ thiện của Đức Thánh Cha”, người được Đức Thánh Cha phái đến Fatima.

Trong lần hiện ra tại Fatima vào ngày 13.07.1917, Đức Mẹ đã yêu cầu thánh hiến nước Nga cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ. Đức Mẹ tuyên bố rằng nếu điều này không được thực hiện, nước Nga sẽ truyền bá “những sai lầm của nó khắp thế giới, cỗ võ chiến tranh và bách hại Giáo hội.”

Đức Mẹ nói thêm rằng “người tốt sẽ phải tử đạo; Đức Thánh Cha sẽ phải đau khổ nhiều, nhiều đất nước sẽ bị tiêu diệt.”

Sau những lần Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, nhiều hành động thánh hiến cho Trái tim Vô nhiễm của Mẹ Maria đã được thực hiện.

Vào ngày 31.10.1942, Đức Piô XII đã thánh hiến toàn thế giới, và  ngày 07.07.1952 ngài đã thánh hiến các dân tộc của Nga cho Trái tim Vô nhiễm của Mẹ Maria trong Tông thư Sacro vergente anno:

“Cách đây vài năm, chúng ta đã thánh hiến toàn thế giới cho Trái tim Vô nhiễm của Mẹ Thiên Chúa, thì bây giờ, theo cách đặc biệt nhất, chúng ta thánh hiến tất cả các dân tộc của Nga cho cùng Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội.” - Đức Giáo Hoàng Piô XII

Vào ngày 21.11.1964, thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã tái thánh hiến nước Nga cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội trước sự hiện diện của các nghị phụ của Công đồng Vatican II.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã soạn một kinh nguyện cho điều mà ngài gọi là “Hành động Tín thác” được cử hành tại đền thờ Đức Bà Cả vào ngày 07.06.1981, lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống.

Vào tháng 6/2000, Tòa Thánh đã công bố phần thứ ba của bí mật Fatima. Vào thời điểm đó, Đức tổng giám mục Tarcisio Bertone, Tổng Thư ký Bộ Giáo lý Đức tin lúc bấy giờ, đã nhấn mạnh rằng nữ tu Lucia, trong một lá thư năm 1989, đã đích thân xác nhận rằng hành động thánh hiến trọng thể và phổ quát này tương ứng với những gì Đức Mẹ muốn. Chị viết: “Vâng, nó đã được thực hiện giống như Đức Mẹ đã yêu cầu, vào ngày 25.03.1984”.

Nguồn: RV

THÔNG BÁO

1. Vào lúc 7g00, sáng thứ Bảy, 26.03.2022, trao Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân và người già.

2. Vào lúc 17g45, chiều thứ Sáu (25/3/2022), Lễ Truyền Tin, mừng Bổn mạng Hội Lêgiô Giáo xứ, kính mời hội viên Lêgiô và   cộng đoàn tham dự thánh lễ cầu nguyện cho hội Lêgiô.

3. Một ân nhân Gh. Anrê Kim Thông, ủng hộ người người nghèo 300 kg gạo, và 1 ân nhân khác thuộc Gh. Anrê Kim Thông ủng hộ người nghèo 100 kg gạo. Bà Báu ủng hộ người nghèo 1 tấn gạo.

4. Anh Nguyễn Văn Phong, Gh. Simon Hoà ủng hộ giáo xứ 2 triệu đồng.