Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2016

TÂM TÌNH MỤC TỬ THÁNG 3-2016

TÂM TÌNH MỤC TỬ Tháng 3/2016
 
            Anh chị em thân mến,
            Tháng Ba được trải ra phần lớn trong Mùa Chay Thánh, với những điểm nhấn theo thói quen đạo đức tại các giáo xứ, như suy ngắm sự thương khó Chúa Giêsu, tham dự những ngày tĩnh tâm hay Tuần Đại Phúc, và nhất là tìm đến với bí tích của Lòng Thương Xót, tức là xưng tội và rước lễ. Thực ra , trước khi con người có thể đến với Lòng Chúa Thương Xót, thì chính Lòng Thương Xót của Chúa đã sẵn chờ từ thuở nào, như trường hợp ông Giakêu trong Phúc Âm theo thánh Luca chương 19. Trong khi dân thành Giêricô ùn ùn ra đón Chúa thì Giakêu chỉ hiếu kỳ trèo lên cây sung, mong nhìn xem Chúa đi ngang qua thôi, nhưng chính Chúa Giêsu đã có sáng kiến gọi ông nên mở lời "Hỡi Giakêu, hãy xuống mau vì hôm nay Ta muốn lưu lại nơi nhà ông". Và để ngoài tai những lời xầm xì về việc đồng bàn với người tội lỗi, Chúa Giêsu thể hiện lòng thương xót qua việc tha thứ quá khứ tội lỗi cho Giakêu và dõng dac tuyên bố "Hôm nay nhà này được ơn cứu độ". Mùa Chay là thời điểm hoán cải để đón nhận hồng ân, nên giữ luật xưng tội-rước lễ trong Mùa Phục Sinh là một điểm son của cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam.
            Nhưng tháng Ba năm nay cũng có những nét riêng muốn trình bày với anh chị em:

            1. Tháng Ba kính Thánh Giuse
            Thánh Giuse là vị thánh thầm lặng. Ngài không để lại một câu nói. Sử sách cũng không ghi chép gì nhiều về đời sống ngài. Người ta chỉ có thể thấy “bóng dáng” ngài trong Phúc âm: là bạn trăm năm của Đức Trinh nữ Maria và là cha nuôi của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, Kinh thánh tôn vinh ngài là “người công chính”, và Giáo Hội đã hướng về ngài để xin được bảo trợ. Trong Tông Thư về lòng sùng kính Thánh Giuse (Quamquam Pluries năm 1889), ĐGH Leo XIII giải thích lý do: “Khi trao Đức Mẹ cho Thánh Giuse để làm Hiền thê, Thiên Chúa không chỉ đặt ngài làm bạn đời của Đức Mẹ, mà còn làm nhân chứng cho sự trinh khiết của Đức Mẹ, bảo vệ danh dự của Đức Mẹ, đồng thời thể hiện nhân đức trong hệ lụy hôn nhân và tham dự vào phẩm giá tuyệt vời của Đức Mẹ. Thánh Giuse quan tâm chăm sóc mọi nhu cầu của gia đình tại Nadarét và bảo vệ gia đình ấy, ngày nay ngài sẽ phủ áo choàng của ngài để bảo vệ Giáo hội của Chúa Giêsu”. Một trăm năm sau, tiếp bước vị tiền nhiệm, Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố Tông Huấn Người Chăm Nom Đấng Cứu Thế (Redemptoris Custos, ngày 15/8/1989), với mong ước mọi người thêm lòng sùng kính Đấng Bảo Trợ Giáo Hội.
            Sở dĩ Giáo Hội khuyến khích lòng sùng kính Thánh Giuse vì ngài là mẫu gương anh dũng trong việc thực hành các nhân đức. Đọc Phúc âm người ta thấy rõ đức tin, đức cậy và đức ái của Thánh Giuse trong những hoàn cảnh khó khăn: Ngài cẩn trọng chăm sóc mọi người thân; ngài khôn ngoan lãnh đạo và giúp đỡ gia đình vượt qua cơn nguy khốn; Ngài đạo đức, tinh tế và chân thật; Ngài công chính trước mặt Thiên Chúa và con người. Lễ trọng mừng Thánh Giuse (19/3) rơi vào Mùa Chay, khi phụng vụ tập trung vào việc chuẩn bị kính nhớ cuộc khổ nạn của Đức Giêsu Kitô, nên một cách nào đó Giáo Hội cũng khuyến khích mọi người hãy noi gương thánh thiện của Thánh Giuse mà sống Mùa Chay một cách tích cực.

            2. Kỷ niệm 3 năm ngày Đức Phanxicô được bầu làm Giáo Hoàng 
            Ngày 13/3/2015, dịp kỷ niệm 2 năm được bầu làm Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô  đã loan báo mở Năm Thánh Lòng Thương Xót. Qua quyển sách tựa đề “Tên của Chúa là Thương Xót”, ghi lại cuộc trò chuyện với ký giả Andrea Tornielli, một cách nào đó, Đức Phanxicô đề nghị cho ta một con đường và cầm tay đưa ta vào huyền nhiệm lòng thương xót Chúa. Ngài khẳng định lòng thương xót là chân tính của Thiên Chúa và đó là cánh cửa đích thực của chân lý Kitô giáo. Vì "không có lòng thương xót, thế giới không tồn tại.” Nếu trong buổi Kinh Truyền Tin đầu tiên của ngài, ngày 17/3/2013, Đức Phanxicô kể chuyện một bà lớn tuổi đến tìm linh mục Jorge Mario Bergoglio để xưng tội, và bà nói: "Nếu Chúa không tha thứ thì thế giới không tồn tại", thì hôm nay sau ba năm trên toà Thánh Phêrô, Đức Phanxicô chừng như còn xác tín hơn nữa, như lời Thánh Vịnh 102: "Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu, chậm bất bình và chỉ có xót thương", để kêu gọi mọi người đừng bao giờ thất vọng về tình trạng tội lỗi của mình, và tích cực hơn là hãy luôn tin tưởng phó thác vào lòng thương xót thứ tha của Thiên Chúa. Giống như hai con mắt của người sám hối: một con nhìn vào tội của mình để khiêm tốn ăn năn; và con còn lại nhìn vào lòng thương xót của Chúa để nhận lấy ơn thứ tha.
            Giáo Hội lên án tội vì Giáo Hội phải nói sự thật: đó là tội; nhưng cùng một lúc Giáo Hội ôm lấy tội nhân với con người thật của họ, và đến gần họ để nói với họ trong tình thương xót bao la và bao dung của Chúa. Nếu trong dụ ngôn người con phung phá (Lc 15,11-32), người cha đã chờ đợi, tha thứ và chào đón đứa con hư trở về bằng tiệc mừng hoành tráng, vì theo lý lẽ xót thương: “không gì vui hơn một người có tội ăn năn trở lại”, thì Giáo Hội hôm nay luôn canh cánh bên lòng lời Chúa Giêsu yêu cầu trong Phúc Âm: “Anh em hãy có lòng thương xót như Cha anh em trên trời hằng có lòng thương xót.” Xác tín Tên của Chúa là Thương Xót và kêu gọi Dân Chúa thể hiện lòng xót thương, Đức Phanxicô quả là vị Giáo Hoàng của lòng thương xót.

            3. Lễ Phục Sinh bình đẳng cho mọi thành phần Dân Chúa
            Thứ Năm 21/1/2016 vừa qua, qua Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Các Bí Tích và được ký bởi Bộ Trưởng, Đức Hồng Y Robert Sarah, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công bố một Tự Sắc thay đổi Nghi Thức Rửa Chân Thứ Năm Tuần Thánh. Tự Sắc nói rằng nghi thức rửa chân cần phải bao gồm tất cả mọi thành phần dân Chúa. Kèm theo đó, Đức Giáo Hoàng cũng viết một lá thư cho ĐHY Bộ Trưởng cho biết: sau khi suy xét cẩn thận, Ngài quyết định thực hiện sự thay đổi này đối với Nghi Lễ Rôma. Cụ thể Ngài nói điều phải được bổ sung là phần quy định vốn giới hạn nghi thức Thứ Năm Tuần Thánh chỉ dành cho đàn ông. Vì thế, theo Tự Sắc, phần quy định thay vì “Những người đàn ông được tuyển chọn”, giờ đây sẽ là “Những người được tuyển chọn trong Dân Chúa”. Tự Sắc viết: “Các mục tử có thể chọn một nhóm các tín hữu đại diện cho sự đa dạng và hiệp nhất của mọi thành phần Dân Chúa. Nhóm này có thể bao gồm những người nam và nữ, và lý tưởng là người trẻ và già, người khoẻ mạnh và đau yếu, các giáo sĩ, những người thánh hiến và người giáo dân”. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói Ngài thực hiện thay đổi này “để thể hiện ý nghĩa đầy đủ hơn nữa cho cử chỉ của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly, sự trao ban chính mình Ngài cho đến cùng để cứu độ thế giới, lòng bác ái vô biên của Ngài”.
            Tại giáo phận nhà, theo tinh thần của Tự Sắc trên, các cha Quản Xứ  tuỳ nghi áp dụng cách linh động, sao cho nghi thức được diễn ra trang trọng và tính đa dạng cũng như tính hiệp nhất của Giáo Hội địa phương được bộc lộ ra ở mức độ cảm nhận được. Nên tránh tất cả những gì gây chia trí, có thể dẫn tới những ghi nhận ngược với tinh thần phục vụ của giới luật yêu thương. Tiện thể, cũng muốn nhắc lại cho anh chị em: Lễ Truyền Dầu năm nay được cử hành vào ngày Thứ Tư Tuần Thánh, lúc 9 giờ ngày 23/3/2016 tại nhà thờ Hiệp Đức, Giáo Hạt Hàm Thuận Nam. Kính mời mọi thành phần dân Chúa cùng sắp xếp thời gian để tham dự.

             Anh chị em thân mến,
            Trên đây là ít điều ghi nhận cho tháng Ba. Nguyện chúc những ai mang thánh hiệu Giuse, cách riêng các gia trưởng, biết noi gương sống của thánh bổn mạng và luôn cảm nhận được sự hộ phù che chở của thánh nhân trên mọi nẻo đường đời. Hướng đến ngày kỷ niệm ba năm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ta hãy gia tăng lời cầu nguyện, xin Chúa thương bảo vệ gìn giữ Ngài trong sức khoẻ và ơn thánh. Còn toàn thể anh chị em, xin chúc mừng Lễ Phục Sinh sốt sắng, thánh thiện, hoan lạc và bình an, "Vì Chúa đã sống lại thật. Alleluia".

+ Giuse Vũ Duy Thống
   Gm. Gp. Phan Thiết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét