Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2011

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 81


CHÚA NHẬT II MÙA CHAY A
Ngày 20-3-2011
LỜI CHÚA
Tin Mừng: Mt 17, 1-9
Khi ấy, Chúa Giêsu đã gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết. Và đây Môsê và Êlia hiện ra, và đàm đạo với Người. Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng, thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây sáng bao phủ các Ngài, và có tiếng từ trong đám mây phán rằng: "Ðây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người". Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp xuống, và hết sức sợ hãi. Bấy giờ Chúa Giêsu đến gần, động đến các ông và bảo: "Các con hãy đứng dậy, đừng sợ". Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, trừ ra một mình Chúa Giêsu. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông rằng: "Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại".

Suy Niệm:
Sự kiện biến hình xảy ra khoảng một tuần sau khi Ðức Giêsu báo trước cuộc thương khó và cái chết của Ngài, nhằm củng cố niềm tin nơi các môn đệ để các ông có thể can đảm theo Chúa trên con đường khổ giá. Sự hiện diện của hai nhân vật trong Cựu Ước: Môisê và Êlia để khẳng định việc Ðức Giêsu chịu khổ nạn và đi vào vinh quang nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa mà Thánh Kinh đã loan báo.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã tỏ vinh quang của Chúa để tăng sức cho các môn đệ. Xin Chúa củng cố niềm tin cho chúng con, để khi gặp gian nan, thử thách, chúng con không ngã lòng thất vọng nhưng sẵn sàng đón nhận và can đảm dấn thân theo Chúa. Amen.

SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2011 CỦA ĐỨC THÁNH CHA BIỂN ĐỨC XVI

 

“Sự dìm mình của chúng ta trong cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô qua bí tích rửa tội, thúc đẩy chúng ta mỗi ngày giải thoát con tim của mình khỏi gánh nặng của những sự vật chất, khỏi mối liên hệ ích kỷ với trần thế này, liên hệ ấy làm cho chúng ta trở nên nghèo nàn và ngăn cản không để chúng ta sẵn sàng và cởi mở đối với Thiên Chúa và tha nhân. Trong Đức Kitô, Thiên Chúa tự biểu lộ như Tình Thương (Xc 1 Ga 4,7-10). Thập giá của Đức Kitô, “ngôn ngữ của Thập Giá” biểu lộ quyền năng cứu độ của Thiên Chúa (Xc 1 Cr 1,18), Đấng hiến thân để nâng cao con người và mang lại cho họ ơn cứu độ: đó là hình thức quyết liệt nhất của tình thương (Xc Thông điệp Thiên Chúa là Tình Thương, 12). Qua những việc thực hành truyền thống như ăn chay, làm phúc, cầu nguyện, là những biểu hiệu của sự dấn thân hoán cải, Mùa Chay dạy chúng ta sống tình thương của Chúa Kitô một cách quyết liệt hơn. Chay tịnh, có thể có những động lực khác nhau, đối với Kitô hữu, việc làm này có một ý nghĩa sâu xa về tôn giáo: khi làm cho bàn ăn của chúng ta nghèo hơn, chúng ta học cách vượt thắng ích kỷ để sống theo tiêu chuẩn ban tặng và yêu thương; khi chịu đựng sự thiếu thốn một cái gì đó, - không phải chỉ những gì là dư thừa mà thôi - chúng ta học cách xoay cái nhìn ra khỏi cái ”tôi” của mình, để khám phá người ở cạnh chúng ta và nhận thấy Thiên Chúa nơi khuôn mặt của bao nhiêu anh chị em chúng ta. Đối với Kitô hữu, chay tịnh không hề có chiều kích duy nội tâm nào cả, nhưng cởi mở hơn đối với Thiên Chúa và những nhu cầu của con người, và biến tình yêu đối với Thiên Chúa cũng trở thành tình yêu đối với tha nhân (Xc Mc 12,31).
Trong cuộc hành trình, chúng ta cũng đứng trước cám dỗ sở hữu, ham hố tiền bạc, làm thương tổn quyền tối thượng của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta. Sự ham hố của cải tạo nên bạo lực, lạm quyền và chết chóc; chính vì thế, Giáo Hội, đặc biệt là trong Mùa Chay, kêu gọi làm phúc bố thí, nghĩa là chia sẻ. Trái lại sự tôn thờ của cải không những làm cho ta xa lìa tha nhân, nhưng còn làm cho con người trở nên trống rỗng, bất hạnh, bị lừa đảo, bị ảo tưởng mà không thực hiện được điều của cải hứa hẹn, vì con người đặt những sự vật chất vào chỗ của Thiên Chúa là nguồn mạch duy nhất của cuộc sống. Làm sao hiểu được lòng nhân từ hiền phụ của Thiên Chúa nếu tâm hồn đầy tự mãn và những dự phóng riêng của mình, qua đó ta tưởng rằng mình có thể đảm bảo tương lai cho mình? Cám dỗ hệ tại nghĩ như người giàu có trong dụ ngôn: ”Hồn tôi hỡi, ngươi có nhiều của cải để dùng trong nhiều năm...”. Chúng ta biết phán đoán của Chúa: ”Hỡi kẻ điên rồ, chính đêm nay mạng sống của ngươi sẽ bị đòi lại..” (Lc 12,19-20). Việc làm phúc là một lời nhắc nhở về quyền tối thượng của Thiên Chúa và sự quan tâm đối với tha nhân, để tái khám phá người Cha nhân lành của chúng ta và đón nhận lòng từ bi của Chúa.
Trong trọn Mùa Chay, Giáo Hội trao tặng chúng ta Lời Chúa một cách đặc biệt dồi dào. Khi suy niệm và nhập tâm để sống Lời Chúa hằng ngày, chúng ta học một hình thức quí giá và không thể thay thế được trong việc cầu nguyện, vì sự lắng nghe Lời Chúa, Đấng tiếp tục nói với tâm hồn chúng ta, nuôi dưỡng hành trình đức tin mà chúng ta đã bắt đầu trong ngày chịu Phép Rửa Tội. Kinh nguyện cũng giúp chúng ta có được một ý niệm mới về thời gian: thực vậy, nếu không có viễn tượng vĩnh cửu và siêu việt, thì thời gian chỉ là nhịp độ làm cho những bước tiến của chúng ta nối tiếp nhau hướng về một chân trời không có tương lai. Trái lại, khi cầu nguyện, chúng ta dành thời giờ cho Thiên Chúa, để nhận thấy rằng ”những lời của Ngài không qua đi” (Xc Mc 13,31, để bước vào trong sự hiệp thông thân mật với Ngài ”Đấng không ai có thể tước khỏi chúng ta” (Xc 16,22) và mở cho chúng ta niềm hy vọng không đánh lừa, và sự sống đời đời.
Tóm lại, hành trình Mùa Chay, trong đó chúng ta được mời gọi chiêm ngắm Mầu Nhiệm Thánh Giá, chính là ”trở nên đồng hình với cái chết của Chúa Kitô” (Ph 3,10), để thực hiện sự hoán cải sâu xa trong đời sống chúng ta, để cho hoạt động của Chúa Thánh Linh tác động, như thánh Phaolô trên đường Damasco; quyết liệt qui hướng cuộc sống chúng ta theo thánh ý Chúa; giải thoát chúng ta khỏi tính ích kỷ, vượt thắng bản năng muốn thống trị người khác và cởi mở đối với tình thương của Chúa Kitô. Mùa Chay là thời gian thuận tiện để nhìn nhận những yếu đuối của chúng ta, chân thành kiểm điểm cuộc sống để đón nhận ơn thánh canh tân của Bí tích Thống Hối và quyết liệt tiến về cùng Chúa Kitô.
Anh chị em thân mến, qua cuộc gặp gỡ bản thân với Đấng Cứu Chuộc chúng ta và qua chay tịnh, làm phúc, cầu nguyện, hành trình hoán cải tiến về Lễ Phục Sinh dẫn đưa chúng ta đến chỗ tái khám phá Phép Rửa chúng ta đã nhận lãnh. Trong Mùa Chay này, chúng ta hãy tái đón nhận Ơn Thánh mà Thiên Chúa ban cho chúng ta trong lúc này, để Ơn Thánh soi sáng và hướng dẫn mọi hành động của chúng ta. Chúng ta được mời gọi mỗi ngày sống ý nghĩa của Bí Tích Rửa Tội và những gì Bí tích này thực hiện, khi bước theo Chúa Kitô với lòng quảng đại và chân thành hơn. Trong hành trình này, chúng ta hãy phó thác bản thân cho Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã sinh Ngôi Lời Thiên Chúa trong đức tin và trong xác thể, để giống như Mẹ, chúng ta được dìm mình trong cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu Con của Mẹ, và được sống đời đời.

TIN TỨC 
LM GIUSE NGUYỄN TẤN TƯỚC ĐƯỢC BỔ NHIỆM
LÀM GIÁM MỤC PHÓ GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG
VATICAN. Ngày 14-3-2011, Phòng báo chí Tòa Thánh thông báo: ĐTC Biển Đức 16 đã bổ nhiệm cha Giuse Nguyễn Tấn Tước làm Giám Mục Phó với quyền kế vị tại Giáo Phận Phú Cường.
Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước 53 tuổi, cho đến nay là Giám đốc Trung tâm huấn luyện ứng sinh linh mục của Giáo Phận Phú Cường. Ngài sinh ngày 22-9-1958 tại Chánh Hiệp, Giáo Xứ Mỹ Hảo tỉnh Bình Dương, Giáo Phận Phú Cường. Thầy Nguyễn Tấn Tước thụ phong Linh Mục ngày 4-4-1991. Sau đó cha làm Phó xứ rồi Cha sở Giáo xứ Tha La (1991-2000), du học tại Paris thủ đô Pháp  (2000-2006) và đậu cử nhân giáo luật với một chuyên môn về thần học Kinh Thánh và hệ thống.
Sau khi về nước, từ năm 2006, Cha Nguyễn Tấn Tước làm Giám đốc trung tân huấn luyện các ứng sinh linh mục, đồng thời phụ trách ơn gọi trong giáo phận.
Giáo Phận Phú Cường được thành lập ngày 14-10-1965, tách ra từ Tổng giáo phận Sàigòn, với diện tích 9.543 cây số vuông, 125.274 tín hữu Công Giáo trên tổng số 2 triệu 580 ngàn dân cư, tương đương với 4,85%. Giáo phận có 78 giáo xứ với 140 linh mục, trong số này có 102 LM giáo phận, 38 LM dòng, 405 nữ tu và 34 đại chủng sinh. Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước sẽ phụ giúp Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ năm nay 74 tuổi và sẽ kế nhiệm ngài trong tương lai .

GIA TRƯỞNG  HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ TÀPAO

“Tàpao trong sắc tháng Ba. Bằng lăng hoa cánh nở ra tím trời.
Mùa Chay lại đến ai ơi! Về bên Mẹ quyết đổi đời từ đây”
Là cầu chúc và nhắn nhủ của Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám Mục GP Phan Thiết, với 5000 Gia trưởng trong Giáo phận về họp mặt Kỉ Niệm 10 Năm Thành Lập Hội và Mừng Lễ Bổn Mạng Thánh Giuse trong thánh lễ Chúa Nhật I Mùa Chay A tại Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Tàpao sáng ngày 13.3.2011. Khoảng 10 ngàn khách hành hương từ khắp nơi tuôn đến đáp lại lời hẹn ước mỗi tháng về với Mẹ.
 18g30 ngày 12-3-2011chương trình  Kỷ niệm 10 Năm Thành Lập và Mừng Quan Thầy Hội Gia Trưởng GP Phan Thiết chính thức bắt đầu bằng giờ khấn với Thánh Giuse, Bổn Mạng của Hội với sự hiện diện của Đức Cha Giuse, Cha hạt trưởng Đức Tánh, quý cha và cộng đoàn.
7g00 sáng ngày 13-3-2011, Đức Cha Giuse và đoàn đồng tế tiến về khán đài để cùng với Đức Cha Nicôla, Đức Cha Phaolô và cộng đoàn dâng Thánh lễ Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay.

ĐỨC CHA ANTÔN VŨ HUY CHƯƠNG
NHẬN CHỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN ĐÀ LẠT

Thánh Lễ nhậm chức giám mục chính tòa giáo phận Đà Lạt của Đức cha Antôn Vũ Huy Chương đã được cử hành tại nhà thờ chính toà Đà Lạt hồi 9g30 ngày 17-03-2011 trong bầu khí hân hoan với tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho Đức cha Antôn, cho giáo phận Đà Lạt.
Đồng tế trong Thánh lễ hôm nay có Đức Tổng giám mục Hà Nội và Chủ tịch HĐGMVN Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn - trưởng giáo tỉnh Sài Gòn, quý Đức cha thuộc các giáo tỉnh Hà Nội, Huế và Sài Gòn; trong đó có Đức cha Gioan Maria Vũ Tất, giám mục giáo phận Hưng Hóa và cả Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, giám mục phó tân cử của giáo phận Phú Cường cùng đông đảo quý cha trong và ngoài giáo phận Đà Lạt.
Rất đông tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo dân –người Kinh cũng như người dân tộc– đã tham dự Thánh lễ đặc biệt này. 

LỄ THÁNH GIUSE, BỔN MẠNG ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN

Vào lúc 9g00 ngày 19-3-2011, ĐGM giáo phận đã chủ tế thánh lễ trọng thể kính thánh Giuse tại nhà thờ Chính Tòa. Cùng đồng tế có đức cha Nicôla, đức cha Phaolô, các cha trong giáo phận, đông đảo tu sĩ và giáo dân. Trước thánh lễ, cha niên trưởng, thay lời cho cộng đoàn dân Chúa trong giáo phận đã chúc mừng lễ bổn mạng của Đức cha .

PHỤNG VỤ

Thứ sáu ngày 25-3-2011: lễ  Truyền Tin 

THÔNG BÁO

1. Thứ sáu ngày 25-3-2011: sẽ có 2 thánh lễ trọng sáng và chiều theo giờ lễ ngày thường trong tuần.
2. Giáo xứ chân thành cám ơn ông bà Tám Ngọc ở Mỹ đã ủng hộ 100 đôla.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét