Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2023

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 772

 

CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN NĂM A

PHÚC ÂM: Mt 13, 24-30

Khi ấy, Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng: “Nước trời giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Trong lúc mọi người ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa lớn lên và trổ bông thì cỏ lùng cũng lộ ra. Ðầy tớ chủ nhà đến nói với ông rằng: “Thưa ông, thế ông đã không gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng từ đâu mà có?” Ông đáp: “Người thù của ta đã làm như thế”. Ðầy tớ nói với chủ: “Nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ”. Chủ nhà đáp: “Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng. Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: “Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta”.

SUY NIỆM

Lời Chúa hôm nay qua dụ ngôn lúa và cỏ lùng, Chúa Giêsu muốn giới thiệu cho chúng ta về bản chất của Thiên Chúa là: “Ðấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương” (Tv 103, 8).

Thật vậy, Thiên Chúa thương xót mọi người, cả người tốt và cả người xấu. Nhưng chúng ta lại ưa xì xầm với nhau: “Sao Chúa không cho lũ ác ôn bị nạn cho nó trắng mắt ra nhỉ?”. Chúng ta không thể hiểu thấu tình yêu Thiên Chúa, bởi vì lòng thương xót của Ngài quá lớn, đến nỗi sai Con Một xuống trần gian rồi “hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người” (Mt 20, 28). Trong số “muôn người” đó có cả người xấu và người tốt – là người này, là người kia, là bạn, là tôi, là tất cả chúng ta dù nam hay nữ. Chẳng vậy mà Chúa Giêsu đã từng dạy chúng ta: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 44), và “Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (Lc 6, 28).

Theo gương Chúa, chúng ta phải có thái độ như trong bài Tin mừng hôm nay: hãy bắt chước lòng kiên nhẫn của Chúa. Thiên Chúa cho kẻ lành người dữ sống chung với nhau, cũng như cho cỏ lùng và lúa cùng mọc lên, đến ngày tận thế Thiên Chúa mới phân xử, mới tách biệt chiên ra khỏi dê, người lành khỏi kẻ dữ. Trong khi chờ đợi ngày phân xử, chúng ta hãy yêu thương mọi người, nhất là tạo điều kiện cho những kẻ tội lỗi biết sám hối trở về đường lành, còn việc xét xử thì dành cho Thiên Chúa.

 

BẢN TIN

1.      Các Giám mục châu Âu khẳng định phá thai không phải là quyền cơ bản

Uỷ ban các Hội đồng Giám mục của Liên minh Âu châu gọi tắt là COMECE phản đối việc đưa quyền phá thai vào Hiến chương về các Quyền cơ bản của Liên minh Âu châu, vì điều này vi phạm luật và nhân phẩm của Liên minh.

Trong một tuyên bố được đưa ra trong ngày 19/7, Đức cha Anton Jamnik, Chủ tịch của Uỷ ban Đạo đức của COMECE, đã đại diện các Giám mục nói rằng, việc tôn trọng nhân phẩm của mỗi người trong mọi giai đoạn của cuộc sống, đặc biệt trong những hoàn cảnh dễ bị tổn thương là một nguyên tắc cơ bản trong các xã hội dân chủ. Tuyên bố viết: “Các quốc gia thành viên Liên minh Âu châu có truyền thống hiến pháp khác nhau liên quan đến quy định pháp luật về phá thai. Do đó quy định quyền phá thai là quyền cơ bản là đi ngược lại với các nguyên tắc chung của Liên minh”.

Hơn nữa, theo các Giám mục, không có luật về phá thai được công nhận trong luật châu Âu hoặc luật quốc tế. Toà án Nhân quyền Âu châu chưa bao giờ tuyên bố phá thai là nhân quyền được bảo vệ bởi Công ước Âu châu về các quyền cơ bản. Trái lại, Toà án đã tuyên bố quyền sống là quyền cơ bản của con người và xác nhận trong án lệ rằng đó là mục tiêu hợp pháp cho các quốc gia ký kết công ước bảo vệ sự sống chưa được sinh ra.

Phá thai được quy định rộng rãi trên khắp các quốc gia thành viên Liên minh Âu châu. Nhiều nước hạn chế phá thai sau 12 đến 14 tuần thai kỳ; một số quốc gia cũng áp đặt thời gian chờ đợi và các quy định khác.

Trước đó, vào đầu năm 2022, COMECE đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc đối với đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macrons về việc đưa quyền phá thai vào Hiến chương về các Quyền cơ bản của Liên minh Âu châu.

Vào tháng 7/2022, phản ứng trước một nghị quyết của Nghị viện Âu châu, COMECE đã đưa ra một tuyên bố khuyến khích các nhà lãnh đạo chính trị “làm việc vì sự thống nhất hơn nữa giữa những người Âu châu, không tạo ra các rào cản ý thức hệ và sự phân cực cao hơn”. Các Giám mục khẳng định rằng chăm sóc phụ nữ đang ở trong hoàn cảnh khó khăn khi đang mang thai là một phần trung tâm của sứ vụ của Giáo hội. Xã hội cũng phải coi đây là một nghĩa vụ phải thi hành.

Nguồn: vaticannews.va/vi

2.      Ngày JMJ được mời gọi tham dự Thánh lễ cho ngày thế giới ông bà và người cao tuổi

Trong thánh lễ mà Đức Phanxicô sẽ chủ tế ở Vương cung thánh đường thánh Phêrô ngày 23/7/2023, lúc 15g (giờ VN), nhân Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao Tuổi lần thứ 3, thánh giá của Ngày Quốc tế Giới Trẻ (JMJ) sẽ được những người cao tuổi trao cho các bạn trẻ hành hương đến Lisbon.

Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao Tuổi lần thứ 3, năm nay, có chủ đề “Lòng thương xót Chúa trải dài từ đời nọ đến đời kia” (Lc 1, 50). Một vang vọng về chủ đề của JMJ ở Lisbon đang đến gần, “Đức Maria đã chỗi dậy và vội vã lên đường” (Lc 1, 39).

Tại Rôma, thánh lễ sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô chủ tế lúc 10g sáng (giờ Rôma, 3g chiều, giờ VN). Dự kiến có hơn 6000 người tham dự, trong đó có nhiều người cao tuổi đến từ khắp nước Ý: các ông bà được đồng hành bởi con cháu và gia đình của họ, những người cao tuổi từ các viện dưỡng lão, những người khác tham gia vào đời sống của giáo xứ, giáo phận hay hiệp hội. Cuối buổi cử hành, năm người cao tuổi – đại diện năm lục địa – sẽ trao thánh giá của JMJ cho năm bạn trẻ sẽ lên đường tới Lisbon, qua cử chỉ này biểu thị việc truyền đạt đức tin từ thế hệ này sang thế hệ khác, cũng như sự dấn thân của người cao tuổi và ông bà để cầu nguyện cho các bạn trẻ hành hương. Ngày Quốc tế Giới tẻ ở Lisbon sẽ diễn ra từ ngày 1-6/8/2023.

Đối với tất cả những người tham dự thánh lễ này ở Đền thờ Thánh Phêrô, giáo phận Rôma sẽ trao lời cầu nguyện cho Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao Tuổi lần 3 và Sứ điệp của Đức Thánh Cha được viết cho dịp này.Về phần mình, Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống nhắc lại lời mời gọi cử hành Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao Tuổi trong tất cả các giáo phận trên thế giới bằng một thánh lễ dành riêng cho họ và thăm viếng những người già neo đơn. Những người thực hiện những cử chỉ này sẽ hưởng được một ơn toàn xá.

Những ví dụ về các sáng kiến liên thế hệ

Theo nghĩa này, hai ví dụ về việc cử hành, trong số nhiều ví dụ khác sẽ diễn ra trên thế giới, là của HĐGM Braxin, sẽ cử hành một thánh lễ với người cao tuổi ở Đền Thánh Aparecida và HĐGM Canada, đã đưa ra một video mời gọi các bạn trẻ tham viếng người cao tuổi tại các viện dưỡng lão.

Ủy ban tổ chức địa phương của JMJ ở Lisbon cũng đã tham gia lời mời gọi của Đức Thánh Cha bằng cách đưa ra hai sáng kiến: một là thúc đẩy một chuỗi cầu nguyện của các ông bà và người cao tuổi để đồng hành với các bạn trẻ đang lên đường đến Lisbon – và một thách thức trên mạng xã hội mời gọi các bạn trẻ viếng tham những người cao tuổi trước ngày J và chụp một ảnh hay quay một video với họ.

Nhạy cảm với người già: Trước Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao Tuổi lần thứ 3, Đức Cha Benjamin Phiri, Giám Mục Giáo Phận Ndola, ở Zambia, đã tổ chức một tuần các buổi cử hành trong giáo phận. Mục đích của việc tổ chức này không chỉ nhằm tôn vinh và công nhận giá trị của những người cao tuổi mà còn nhằm nâng cao nhận thức về hoàn cảnh của những người cao tuổi này trong xã hội. Ý tưởng là “dành cả tuần từ ngày 16 đến ngày 23 tháng 7 năm 2023 cho việc cử hành cao quý này”, Đức cha Benjamin Phiri cho biết, và ngài cũng đã chuẩn bị các chủ đề và đường hướng để hướng dẫn các buổi cử hành vào những ngày cụ thể. Một số chủ đề đã được thảo luận trong tuần này: vào ngày 17 và 18 tháng 7, các buổi cử hành được hướng dẫn theo chủ đề “những người bị bỏ rơi và những người sống một mình”, vào ngày 19 tháng 7 “những người bị ngược đãi và bỏ tù”, vào ngày 20 tháng 7 “các bệnh nhân giai đoạn cuối và tàn tật”, vào ngày 21 tháng 7 “những người hấp hối trong nhà và nhà tế bần”, vào ngày 22 tháng 7 “người già đã qua đời và người già” và vào Chủ nhật ngày 23 tháng 7 theo chủ đề chính của năm nay, “Lòng thương xót của Chúa từ thế hệ này sang thế hệ khác”.

Trong thông điệp ngày 15 tháng 7, Đức cha Phiri nhấn mạnh rằng người già “có vẻ mệt mỏi, mong manh và kém năng suất, nhưng xã hội thực sự cần họ vì những kinh nghiệm họ đã sống – tốt và xấu – khiến họ không chỉ là những quân sư tốt, mà còn những người bạn đồng hành tốt trong mọi lĩnh vực của xã hội chúng ta”.

 

KHÓC VỚI NGƯỜI KHÓC

Ông Đôminicô Lê Tấn Lộc, sinh 1962 tại Phan Thiết, là chồng của bà Maria Nguyễn Thị Kim Dung, ở giáo họ Matthêu Phượng, đã qua đời ngày 17/7/2023 tại Phan Thiết. Lễ an táng lúc 4g45 ngày 20/7/2023 tại Nhà Thờ Chính Tòa, sau đó đưa đi an táng tại nghĩa trang Vinh An. Giáo xứ xin chia buồn cùng tang quyến và hiệp thông cầu nguyện cho linh hồn Đôminicô mau về hưởng tôn nhan Chúa.

THÔNG BÁO

1/ Vào lúc 8h30, ngày 23-7-2023 Giáo xứ sẽ khai giảng khóa Giáo lý Hôn Nhân và Dự Tòng. Xin các bạn trẻ đã đăng ký học đi đúng giờ.

2/ Sáng Thứ Bảy, ngày 24 tháng 6: Trao Mình Thánh Chúa cho người già và bệnh nhân.

3/  Giáo xứ xin tri ân chị Mỹ ở Úc đã ủng hộ giáo xứ ba triệu đồng. Xin Chúa chúc lành cho quý ân nhân và quý vị.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét