CHÚA NHẬT II PHỤC SINH
LỜI CHÚA: Ga 20,
19-31
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa
nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng
giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”.
Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh
sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa.
Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho
các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi
hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai,
thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”.
Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là
Ðiđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã
nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông
kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc
ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi
không tin”.
Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và
có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng
giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Ðoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay
con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn
Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên
Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con
đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin!”
Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các
môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi
chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em
tin mà được sống nhờ danh Người.
SUY NIỆM
Chúa Nhật II
Phục Sinh, Giáo Hội long trọng kính Lòng Chúa Thương Xót – một mầu nhiệm cao cả
và là trọng tâm trong sứ điệp Phục Sinh. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu
hiện ra với các môn đệ, ban bình an, Thánh Thần, và sai họ đi loan báo Tin
Mừng. Đặc biệt, nơi tông đồ Tôma – người từng hoài nghi – ta thấy rõ hơn lòng
thương xót và kiên nhẫn vô bờ của Chúa dành cho những ai yếu lòng tin.
1. “Bình an
cho anh em!” – Món quà Phục Sinh
Sau khi sống
lại, điều đầu tiên Chúa Giêsu trao ban cho các môn đệ là bình an. Họ đang sợ
hãi, đóng kín cửa, thất vọng vì cái chết của Thầy, thì Chúa đến và nói: “Bình
an cho anh em!” Không lời trách móc, không nhắc lại sự bỏ trốn của họ, Chúa chỉ
mang đến sự an ủi và chữa lành. Bình an ấy không phải là sự im ắng bề ngoài, mà
là sự chữa lành sâu xa trong tâm hồn – nơi gặp gỡ giữa lòng sám hối và tình
thương vô hạn của Thiên Chúa. Bạn và tôi – giữa cuộc sống đầy lo âu, bất ổn –
cũng đang cần lắm sự bình an ấy. Và Chúa vẫn đang đến, nhẹ nhàng, âm thầm, mời
gọi ta mở cửa lòng mình ra.
2. “Phúc
cho ai không thấy mà tin!” – Đức tin giữa thử thách
Tôma không tin
khi nghe các bạn nói: “Chúng tôi đã thấy Chúa.” Ông đòi phải thấy tận mắt, sờ
tận tay mới tin. Chúa không gạt bỏ ông, cũng không la mắng, nhưng tám ngày sau,
Người hiện ra để đáp lại lời ông: “Hãy đặt tay vào đây… đừng cứng lòng nữa,
nhưng hãy tin.” Tôma đã thốt lên một lời tuyên xưng đức tin tuyệt vời: “Lạy
Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Đức tin đòi hỏi bước nhảy vượt qua lý trí,
vượt qua cảm giác. Giữa những hoài nghi, đau khổ, và im lặng của Chúa trong
cuộc đời, ta vẫn được mời gọi tin tưởng – vì Chúa vẫn đó, dù ta không thấy.
3. Lòng
Chúa Thương Xót – nguồn hy vọng cho nhân loại
Lễ Lòng Chúa
Thương Xót là sứ điệp cho thời đại hôm nay – một thời đại bị tổn thương vì
chiến tranh, chia rẽ, và sự lạnh lùng. Tình thương của Thiên Chúa không loại
trừ ai: kẻ yếu lòng tin như Tôma, kẻ từng chối Chúa như Phêrô, hay kẻ từng bắt
bớ Hội Thánh như Phaolô. Chúa Giêsu đã hiện ra với Thánh nữ Faustina và nhắn
nhủ: “Hãy loan truyền Lòng Thương Xót của Ta cho toàn thế giới.” Ngài muốn mỗi
chúng ta cũng trở nên khí cụ của lòng thương xót, bằng sự tha thứ, cảm thông,
chia sẻ, và nâng đỡ nhau trong cuộc sống.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, con cảm tạ Chúa vì lòng thương xót
vô biên Chúa dành cho con – một người yếu đuối, mỏng manh. Xin ban cho con bình
an giữa cuộc đời chao đảo, cho con đức tin mạnh mẽ giữa lúc nghi nan. Xin cho
con biết tin tưởng, đón nhận, và sống lòng thương xót Chúa trong từng ngày,
từng việc nhỏ.
NHÌN LẠI NHỮNG CHUYẾN TÔNG
DU CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TẠI Á CHÂU
Chúa Các tín hữu tại Á châu luôn giữ một vị trí quan
trọng đặc biệt trong trái tim của Đức Thánh cha Phanxicô. Tình cảm sâu đậm này
được thể hiện qua những chuyến Tông du của Đức Thánh cha tại các quốc gia tại Á
châu, trong suốt 12 năm Triều đại Giáo hoàng của ngài.
Trong nỗi buồn sâu thẳm trước sự qua đi của vị cha
chung của Giáo hội Công giáo hoàn vũ, chúng ta hãy cùng nhìn lại các chuyến
tông du nói trên của Đức Thánh cha Phanxicô tại lục địa Á châu, nơi mà ngài đã
nói: “Sự đa dạng của lục địa Á châu là một ân ban. Chúng ta hãy yêu mến và cẩn
giữ món quà đó để hướng đến một tương lai tràn đầy tình yêu và hy vọng”.
HÀNG CHỤC NGÀN TÍN HỮU
VIẾNG LINH CỮU ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
Theo Phòng Báo chí Tòa Thánh, từ 11 giờ sáng đến 19
giờ 30 tối, ngày 23 tháng Tư vừa qua, đã có gần 20.000 tín hữu đến viếng linh
cữu Đức Thánh cha Phanxicô, quàn tại Đền thờ thánh Phêrô và dòng người vẫn tiếp
tục tiến về Đền thờ.
Thông Thánh đường này vẫn được mở cửa sau nửa đêm để
các tín hữu có thể đến viếng và cầu nguyện. Mặt khác, sáng thứ Bảy, ngày 26
tháng Tư tới đây, sau thánh lễ an táng lúc 10 giờ tại thềm Đền thờ thánh Phêrô,
linh cữu của Đức Cố Giáo hoàng sẽ được rước về Đền thờ Đức Bà Cả để chôn cất.
Tại đây, Đức Hồng y nhiếp chính Kevin Farrell sẽ chủ
sự nghi thức như được trù định trong Sách Nghi thức an táng Đức Giáo hoàng, từ
các khoản số 110 đến 123.
Đức Tổng giám mục Diego Ravelli, Trưởng ban Nghi lễ
Phụng vụ của Tòa Thánh, cho biết ngoài Đức Hồng y Farrell, còn có Đức Hồng y
Niên trưởng Hồng y đoàn Giovanni Battista Re, Đức Hồng y Roger Mahony, Trưởng
đẳng Linh mục, Đức Hồng y Dominique Mamberti, Trưởng đẳng Phó tế, Đức Hồng y
Stanislaw Rylko, Giám quản Đền thờ Đức Bà Cả, và Đức Hồng y Phó Giám quản là
Rolandas Makrickas, Đức Hồng y Pietro Parolin, nguyên Quốc vụ khanh Tòa Thánh,
và một số vị khác nữa.
Theo giáo luật, khi Tòa Thánh trống ngôi, thì tất cả
các vị đứng đầu các Cơ quan Trung ương Tòa Thánh, đều ngưng chức và Tổng thư ký
sẽ điều khiển cơ quan này, ngoại trừ trường hợp Đức Hồng y Chánh tòa Ân giải
Tối cao, vì vị này có quyền giải vạ cho các Hồng y và những người khác trong
trường hợp cần thiết.
HỌC HỎI
CÁC VĂN KIỆN CỦA
CÔNG ĐỒNG
VATICANÔ II
Bài 4
10. Hỏi: Công Đồng Địa
Phương là gì?
Thưa: Công Đồng
Địa Phương là hội nghị quy tụ các giám mục trong một giáo tỉnh hay miền /được sự
chấp thuận của Đức Giáo Hoàng/ để bàn bạc và giải quyết những vấn đề liên quan
đến địa phương đó.
11. Hỏi: Những chỉ thị
của Công Đồng Địa Phương chỉ có giá trị khi nào?
Thưa: Những
chỉ thị của Công Đồng Địa Phương chỉ có giá trị khi được Đức Giáo Hoàng phê chuẩn.
12. Hỏi: Công Đồng
Va-ti-ca-nô 2 là sáng kiến của ai?
Thưa: Công Đồng
Va-ti-ca-nô 2 là sáng kiến của Đức Giáo Hoàng
Gio-an
23.
THÔNG BÁO
1.
Vào 17h45 chiều thứ Sáu,
ngày 02/05/2025 - Lễ kính thánh Giuse Nguyễn Văn Lựu là bổn mạng của Giáo họ
Giuse Lựu. Xin cộng đoàn tham dự Thánh lễ để thêm lời cầu nguyện cho Giáo họ.
2.
Vào sáng thứ Bảy, ngày 03/05/2025
sẽ có rửa tội cho trẻ sơ sinh. Xin quý cha mẹ có con rửa tội, đến xin giấy giới
thiệu nơi Ban Điều Hành Giáo họ, và nộp sổ gia đình về văn phòng Giáo xứ trong
tuần này.
3.
Ngày 03/05/2025,
kính mời quý cộng đoàn tham gia nghi thức dâng hoa kính Đức Mẹ, sau Thánh lễ
buổi chiều. Đây là dịp để chúng ta cùng nhau tạ ơn Mẹ và xin Mẹ ban nhiều ơn
lành.
4.
Ủng hộ Giáo xứ
-
Một ân nhân (Simon Hòa) - 1.000.000 đ
-
Chị Tuyết và người thân 200 USD (Đô-la Mỹ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét