Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2025

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 855

 


CHÚA NHẬT II MÙA CHAY

LỜI CHÚA: Lc 4,1-13

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng. Bỗng có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem. Phêrô và hai bạn ông đang ngủ mê, chợt tỉnh dậy, thấy vinh quang của Chúa và hai vị đang đứng với Người.  Lúc hai vị từ biệt Chúa, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Khi nói thế, Phêrô không rõ mình nói gì. Lúc ông còn đang nói, thì một đám mây bao phủ các Ngài và thấy các ngài biến vào trong đám mây, các môn đệ đều kinh hoàng.

Bấy giờ từ đám mây có tiếng phán rằng: “Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Và khi tiếng đang phán ra, thì chỉ thấy còn mình Chúa Giêsu.  Suốt thời gian đó, các môn đệ giữ kín không nói với ai những điều mình đã chứng kiến..

SUY NIỆM

Tin Mừng hôm nay thuật lại biến cố Chúa Giêsu hiển dung trên núi, một sự kiện đặc biệt trong hành trình rao giảng của Ngài. Trước khi tiến vào cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu đã tỏ cho các môn đệ thấy vinh quang của Ngài, củng cố đức tin cho họ để có thể vững bước trên con đường thập giá.

 

1. Chúa Giêsu hiển dung – mặc khải về vinh quang đích thực

Ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan được Chúa Giêsu dẫn lên núi để cầu nguyện. Khi đang cầu nguyện, dung mạo Ngài bỗng đổi khác, y phục trở nên sáng chói. Ông Môsê và Êlia hiện ra, đàm đạo với Ngài về cuộc thương khó sắp tới. Hình ảnh Chúa Giêsu rực sáng chính là dấu chỉ báo trước vinh quang phục sinh của Ngài. Tuy nhiên, vinh quang đó chỉ có thể đạt được qua con đường thập giá. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng, để đến được vinh quang, chúng ta cũng phải chấp nhận những thử thách, gian truân trong cuộc sống.

2. "Lạy Thầy, chúng con ở đây thật là hay!"

Trước cảnh tượng kỳ diệu ấy, Phêrô thốt lên: “Lạy Thầy, chúng con ở đây thật là hay! Chúng con xin dựng ba lều…” Ông muốn kéo dài khoảnh khắc huy hoàng ấy, muốn ở mãi trên núi mà không phải trở xuống đối diện với thực tế. Đây cũng là tâm lý thường thấy nơi con người. Chúng ta thích những giây phút bình yên, an nhàn, nhưng lại ngại dấn thân và đối diện với khó khăn. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không ở lại trên núi, mà Ngài xuống núi để tiếp tục hành trình cứu độ. Chúng ta cũng vậy, phải can đảm bước vào đời, đối diện với những thách đố của đức tin trong cuộc sống hằng ngày.

3. "Hãy vâng nghe lời Người!"

Khi Chúa Giêsu hiển dung, có tiếng từ trời phán: “Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!”Đây chính là lời mời gọi của Chúa Cha dành cho mỗi chúng ta: hãy lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Trong cuộc sống, có những lúc chúng ta dễ bị cuốn vào những tiếng gọi của danh vọng, tiền tài, thú vui trần thế mà quên đi tiếng gọi của Chúa.Lắng nghe Lời Chúa không chỉ là nghe bằng tai, mà còn là thực hành trong cuộc sống: sống yêu thương, tha thứ, quảng đại và khiêm nhường theo gương Chúa.

Cuộc hiển dung của Chúa Giêsu là một lời mời gọi chúng ta can đảm bước theo Ngài trên con đường thập giá, để rồi cũng được chia sẻ vinh quang phục sinh với Ngài. Mùa Chay là thời gian thuận tiện để chúng ta đổi mới đời sống, để đón nhận ánh sáng của Chúa và để vững bước theo Ngài trong mọi hoàn cảnh.

.Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi tâm hồn con, để con biết sống theo ánh sáng của Chúa. Xin cho con luôn vững tin vào Chúa, biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Xin giúp con sẵn sàng đón nhận thử thách với niềm hy vọng, vì con biết rằng sau thập giá sẽ là vinh quang phục sinh. Amen

TIN TỨC

CƠ QUAN HÀNH HƯƠNG CỦA GIÁO PHẬN ROMA MỞ LẠI HÀNH HƯƠNG THÁNH ĐỊA

Đoàn hành hương đầu tiên đã khởi hành đi Thánh địa, từ ngày 10 tháng Ba để hỗ trợ Giáo hội tại Jerusalem. Đoàn gồm các linh mục và tu sĩ cùng đi với nữ tu Rebecca Nazzaro, Giám đốc cơ quan hành hương của Giáo phận Roma. Trong hành trình, dự kiến có các cuộc gặp gỡ với cộng đoàn Kitô tại Bethlehem, Jerusalem và Giêricô.

Cuộc hành hương nhắm đáp lại lời kêu gọi của cha Francesco Patton, Bề trên Dòng Phanxicô tại Thánh địa, và Đức Hồng y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Công giáo Latinh ở Jerusalem. Hai vị khẳng định rằng “Đây là lúc nâng đỡ Giáo hội Jerusalem, trở lại Thánh địa và hồi sinh buồng phổi thứ hai của Giáo hội, là hành hương và sự hiện diện của các tín hữu hành hương”.

Trong Năm Thánh Hy Vọng này, hành hương là một cơ hội quan trọng để sống kinh nghiệm đức tin, bằng cách viếng thăm các nơi Chúa Giêsu đã sống. Nữ tu Giám đốc Nazzaro nói rằng: “Việc khởi hành lại các cuộc hành hương hướng về Jerusalem là một dấu chỉ hy vọng và hiệp nhất đối với toàn thể Giáo hội. Chúng tôi muốn rằng mỗi tín hữu hành hương có thể cảm thấy mình là thành phần của những cộng đoàn mà họ gặp gỡ, đồng thời góp phần nâng đỡ các anh chị em Kitô tại Thánh địa. Như vậy, qua các cuộc hành hương, chúng ta có thể củng cố niềm tin chung trong tình hiệp thông”.

Cha Giovanni Biallo, Tuyên úy của Tổ chức hành hương Roma và hướng dẫn viên tại Thánh địa, giải thích rằng: “Các chuyến hành hương tại Jerusalem là một cuộc du hành trở thành hành trình của tâm hồn, một kinh nghiệm tinh thần để canh tân sự hiểu biết về Chúa Kitô. Thật là một niềm vui khi có thể loan báo một cuộc tái khởi hành mà tất cả mọi người có thể thực hiện trong đức tin và tinh thần liên đới... Các tín hữu hành hương có thể chia sẻ với các tín hữu Kitô tại Thánh địa niềm hy vọng và chứng từ về tình thương của Chúa Giêsu”.

Tổ chức của Giáo phận Roma về hành hương cho biết từ Phục sinh năm nay, sẽ có năm cuộc hành hương tại Thánh địa được đề xướng, với sự cộng tác của hãng hàng không ITA Airways của Ý.

CHIẾN DỊCH MÙA CHAY TẠI HÀN QUỐC CHỐNG TỰ TỬ

Theo một phúc trình mới nhất, năm ngoái (2024), mỗi ngày tại nước này có gần 40 người tự tử, tổng cộng là 14.439 người trong năm, theo Tổ chức Hàn Quốc, về tôn trọng sự sống và hy vọng, cũng như theo thống kê của nước này. Từ 13 năm nay, tỷ lệ tự tử tại Hàn Quốc luôn ở cao độ, nhiều nhất là hồi năm 2011, lên tới 15.906 người tự tử.

Cha Eunho Park, Giám đốc Viện nghiên cứu đạo đức sinh học của Công giáo, kêu gọi các vị đặc trách về mục vụ của Giáo hội quan tâm nhiều hơn đến mục vụ tiếp cận để săn sóc những người đau khổ vì cô đơn và có xu hướng tự tử. Cha nói: “Tôi hy vọng các linh mục và tu sĩ sẽ viếng thăm những người láng giềng bị gạt ra ngoài lề và những người thiện nguyện cũng can dự vào các hoạt động này.” Theo cha, “trong khi Hàn Quốc có ảnh hưởng mạnh hơn, nhưng nhiều người đang than phiền vì các vấn đề tinh thần”.

Cha Eunho Park trưng dẫn lý thuyết của bác sĩ Victor Frankl’s (1905-1997), một người đã sống sót cuộc diệt chủng Do thái, nói về “cuộc sống trống rỗng” là nguyên nhân tạo nên vấn đề tự tử nơi dân chúng. Ông mô tả cuộc sống trống rỗng là một tình trạng, trong đó một người cảm thấy cuộc sống chẳng còn ý nghĩa gì, từ đó họ cảm thấy trống vắng, nhàm chán và vô cảm”. Hiện tượng này thường do sự đánh mất các giá trị truyền thống hoặc mất cảm thức về chủ đích trong một thế giới thay đổi mau lẹ.

Theo Phúc trình vừa nói, năm ngoái tỷ lệ tự tử lên tới mức kỷ lục: cứ 100.000 người thì có 28,3 vụ tự tử. Ngoài ra, cũng có mức độ khác biệt giữa các phái tính và tuổi tác trong số những người tự tử. Tỷ lệ người nam tự tử cao gấp đôi người nữ. Số người tự tử ở lứa tuổi 50 chiếm 21%, tiếp đến là 19% ở lứa tuổi 40, lứa tuổi 60 chiếm 16,5% và sau cùng là 13,4% nơi lứa tuổi 30.

Thống kê chung kết sẽ được hoàn tất và công bố vào tháng Chín năm nay. Trong khi đó, Trung tâm phòng ngừa tự tử, thuộc Tổng giáo phận thủ đô Hán Thành, Phong trào “Một Tâm một Thân” đã phát động chiến dịch Mùa chay lạc quyên ngăn ngừa tự tử, với khẩu hiệu là “Tiếp cận, Mùa Xuân, mở rộng tâm hồn bạn”. Chiến dịch bắt đầu từ ngày 05 tháng Ba và kéo dài tới ngày 30 tháng Tư tới đây.

Ngân khoản lạc quyên sẽ được dùng để tài trợ các dự án khác nhau phòng chống tự tử, kể cả việc giáo dục, chương trình săn sóc người thân đang chịu tang, tư vấn và các hoạt động hỗ trợ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét