Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2025

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 859

                                     




                                       CHÚA NHẬT LỄ LÁ

LỜI CHÚA: Lc 19, 28-40

Khi ấy, Chúa Giêsu đi trước lên Giêrusalem. Và xảy ra là khi Người đến gần Bếtphaghê và Bêtania, giáp núi gọi là núi Cây Dầu, Người sai hai môn đệ đi và bảo rằng: “Các con hãy đến làng trước mặt kia, vừa vào làng, các con sẽ gặp con lừa con cột sẵn đó chưa ai cỡi bao giờ; các con hãy mở dây mà dẫn về. Và nếu có ai hỏi các con “Tại sao các ông mở dây?”, thì hãy nói thế này: “Vì Chúa cần dùng đến nó”. Hai người được sai ra đi, và gặp lừa con đứng đó như Chúa đã bảo. Hai ông đang mở dây lừa con, thì chủ nó hỏi rằng: “Sao các ông mở dây lừa con?” Hai ông đáp: “Vì Chúa cần đến nó”. Hai ông dắt lừa về cho Chúa Giêsu, trải áo lên mình lừa và đặt Chúa lên trên. Dọc đàng, người ta trải áo trên lối đi. Khi Người đến gần triền núi Cây Dầu, tất cả đoàn môn đệ hân hoan lớn tiếng ca ngợi Chúa về mọi phép lạ họ đã thấy mà rằng: “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời”. Một vài người biệt phái trong đám đông nói cùng Người rằng: “Thưa Thầy, xin hãy mắng các môn đệ Ngài đi”. Chúa Giêsu nói: “Tôi bảo cho các ông biết: nếu họ làm thinh, thì những viên đá sẽ la lên”.

SUY NIỆM

Chúa Nhật Lễ Lá mở đầu cho Tuần Thánh – tuần lễ quan trọng nhất trong năm Phụng vụ, nơi chúng ta cùng với Giáo Hội bước theo Chúa Giêsu vào cuộc Thương Khó và Phục Sinh. Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu long trọng tiến vào thành Giêrusalem, trên lưng lừa – giữa tiếng hò reo, cành lá tung bay, và những chiếc áo trải đường. Một khung cảnh thật huy hoàng, nhưng ẩn chứa bên trong là thập giá đang đến gần.

1. Chúa Giêsu – Vị Vua khiêm nhường

Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem không phải với đoàn tùy tùng oai vệ hay ngựa xe rầm rộ, nhưng với dáng vẻ đơn sơ, khiêm hạ, cưỡi trên lưng một con lừa con. Dù được đón tiếp như một vị vua, nhưng Ngài không đến để thống trị, mà để phục vụ và hiến mạng sống mình. Vị Vua ấy không ở trong cung điện, mà sẽ bị treo trên thập giá. Không đội vương miện bằng vàng, nhưng bằng gai. Không ngồi ngai báu, mà bị đóng đinh giữa hai tên trộm cướp. => Chúa dạy ta rằng: vinh quang thật không phải là quyền lực, mà là tình yêu hy sinh.

2. Đám đông hôm nay – ai sẽ còn lại?

Đám đông tung hô Chúa hôm nay: “Hoan hô Con Vua Đavit!” nhưng chỉ vài ngày sau lại sẽ la to: “Đóng đinh nó vào thập giá!” Con người ta dễ thay lòng, đổi dạ. Những lời tung hô chóng qua, những cảm xúc bốc đồng không bền vững. Câu hỏi đặt ra: tôi thuộc về ai? Tôi là người tung hô Chúa khi thuận lợi, nhưng rút lui khi gặp khó khăn? Tôi có trung thành với Chúa khi Ngài bước vào cuộc Thương Khó – hay tôi cũng âm thầm quay lưng?

3. Theo Chúa – là chấp nhận thập giá

Lễ Lá nhắc chúng ta rằng: bước theo Chúa không chỉ là tung hô lúc Ngài vào thành, mà là can đảm đồng hành với Ngài trên đường thập giá. Chúng ta không thể đến với vinh quang phục sinh nếu không đi qua con đường đau khổ và hy sinh. Cuộc sống Kitô hữu là hành trình bước theo Chúa mỗi ngày, trong âm thầm, nhẫn nại, và trung tín, dù có lúc vấp ngã, đau khổ, hiểu lầm, cô đơn.

Lễ Lá là lời mời gọi mỗi người chúng ta bước vào Tuần Thánh với một tâm hồn sốt sắng, cùng đi với Chúa từ vinh quang đến thập giá – để rồi được phục sinh với Ngài. Chúng ta đừng chỉ là người tung hô Chúa ngoài miệng, mà hãy là môn đệ dám bước theo Chúa đến tận cùng, dù có phải hy sinh, từ bỏ, và đau thương.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, hôm nay con cùng đám đông hân hoan tung hô Chúa, xin cho con cũng biết bước theo Chúa trên con đường thập giá hằng ngày. Xin cho con đừng chỉ theo Chúa vì cảm xúc nhất thời, nhưng biết trung thành yêu mến và gắn bó với Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Xin cho Tuần Thánh này là cơ hội con sống lại đức tin, can đảm từ bỏ tội lỗi, và vững bước theo Chúa đến cùng. Amen..

Hồng y đoàn còn 136 cử tri

Chúa nhật, ngày 06 tháng Tư vừa qua, Đức Hồng y Celestino Aós Braco, Dòng Phanxicô Capuchino, nguyên Tổng giám mục Giáo phận Santiago de Chile, đã tròn 80 tuổi và số hồng y cử tri giảm xuống còn 136 vị, tuy rằng con số này vượt quá mức 120 vị, như thánh Phaolô VI Giáo hoàng đã ấn định hồi năm 1975.

Hiện nay, Hồng y đoàn có 116 vị trên 80 tuổi, và trong Hồng y đoàn hiện có năm vị thuộc Dòng Capuchino.

Đức Hồng y Celestino Aós là người Chile, mặc dù ngài sinh tại Tây Ban Nha, ngày 06 tháng Tư năm 1945. Sau khi gia nhập dòng, khấn, và đậu Cao học về tâm lý. Năm 1983, cha được gửi sang Chile phục vụ tại nhiều nơi. Năm 2014, lúc 69 tuổi, cha được Đức Thánh cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Copiapó ở miền bắc, nhưng chỉ 5 năm sau, 2019, ngài được chuyển về Giáo phận thủ đô Santiago, làm Giám quản Tông tòa rồi trở thành Tổng giám mục chính tòa tại đây trong 5 năm qua.

Hiện nay, trong Hồng y đoàn, vị cao niên nhất là Đức Hồng y Angelo Acerbi người Ý, sẽ tròn 100 tuổi vào ngày 23 tháng Chín năm nay. Vị trẻ nhất là Đức Hồng y Mykola Byczok, 45 tuổi (13-2-1980), thuộc Giáo hội Công giáo Ucraina nghi lễ Đông phương tại Australia.

CÁC GIÁM MỤC HÀN QUỐC VIẾNG ĐẢO CẠNH BẮC TRIỀU TIÊN, CẦU NGUYỆN CHO HÒA BÌNH

Thông cáo công bố ngày 03 tháng Tư vừa qua của Hội đồng Giám mục Hàn Quốc cho biết trong số năm giám mục, có Đức cha Kim Chu Vinh (Kim Ju-young), Giám mục Giáo phận Xuân Xuyên (Chuncheon), Đức cha Triệu Khuê Vạn (Cho Kyu-man), Giám mục Giáo phận Nguyên Châu (Wonju), và Đức cha Trịnh Tín Triết (Jeong Jin-cheol, Jung Shin-chul), Giám mục Giáo phận Nhân Xuyên (Incheon) là nơi có đảo Kiều Đồng. Ngoài ra, có bốn linh mục đặc biệt dấn thân trong các hoạt động của Giáo hội Hàn Quốc nhắm thăng tiến hòa bình và hòa giải Bán đảo Triều Tiên, trong số này có linh mục Trịnh Thù Đích (Jeong Su-yong), Tổng thư ký của Ủy ban Giám mục Hàn Quốc về hòa giải quốc gia.

Đảo Kiều Đồng là nơi tiếp đón an toàn cho những người di tản vì chiến tranh Triều Tiên năm 1953, và chỉ cách biên giới Bắc Triều Tiên vài cây số. Trong cuộc viếng thăm ngày 02 tháng Tư vừa qua, phái đoàn năm giám mục đã gặp gỡ những người tị nạn Bắc Triều Tiên và cầu nguyện cho hòa bình, cũng như viếng thăm Trung tâm Hòa giải và Hòa bình, do các Nữ tu Dòng Đức Mẹ các vị tử đạo.

HỌC HỎI CÁC VĂN KIỆN CỦA CÔNG ĐỒNG  VATICANÔ II

4. Hỏi: Trong Giáo Hội Công Giáo / Công Đồng Chung là gì?

Thưa: Trong Giáo Hội Công Giáo / Công Đồng Chung là hội nghị cao nhất/ quy tụ các giám mục và đại biểu Ki-tô giáo toàn cầu /để bàn bạc và ban hành những sắc lệnh liên quan đến đức tin / và luân lý áp dụng cho toàn thể Giáo Hội.

5. Hỏi: Từ thế kỷ nào / Đức Giáo Hoàng có thẩm quyền triệu tập / đình hoãn hay giải tán Công Đồng Chung?

Thưa: Từ thế kỷ mười hai, Đức Giáo Hoàng có thẩm quyền triệu tập, đình hoãn hay giải tán Công Đồng Chung.

6. Hỏi: Ai chủ toạ Công Đồng Chung?

Thưa: Đức Giáo Hoàng hoặc vị đại diện của ngài chủ toạ Công Đồng Chung.

THÔNG BÁO

1.                  Ủng hộ chi phí làm ghế đá:

-                      Chị Nga (Anrê Kim Thông)          100 USD (Đôla Mỹ)

-                      Cô Thuận (Simon Hoà)                      1.000.000 đ

-                      Một ân nhân                                        1.000.000 đ

2.    CHƯƠNG TRÌNH TUẦN THÁNH – G.X CHÍNH TÒA

A. THỨ TƯ TUẦN THÁNH - LỄ TRUYỀN DẦU - Buổi sáng: 09h00

B. THỨ NĂM TUẦN THÁNH – LỄ TIỆC LY

- Sáng (04h45): Ngắm

- Chiều (18h00): Thánh lễ Tiệc ly

CHẦU THÁNH THỂ SAU LỄ:

-          Sau lễ – 19h30: Giáo họ Matthêu Phượng

-          19h30 – 20h00: Giáo họ Giuse Lựu

-          20h00 – 20h30: Giáo họ Simon Hòa

-          20h30 – 21h00: Giáo họ Anrê Trông

-          21h00 – 21h30: Giáo họ Anrê Kim Thông

-          21h30 – 22h00: Giáo họ Giuse Thị

C. THỨ SÁU TUẦN THÁNH

- Sáng (04h45): Ngắm Đàng Thánh Giá

- Trưa (10h00): Tiếp tục suy niệm cuộc Thương khó

- Chiều (18h00): Nghi thức Tưởng niệm Cuộc Thương khó của Chúa

D. THỨ BẢY TUẦN THÁNH

- Tối (19h00): Thánh lễ Vọng Phục Sinh

E. CHÚA NHẬT PHỤC SINH

-  Sáng (05h00): Thánh lễ

-  Sáng (07h00): Thánh lễ

- Chiều (17h00): Thánh lễ

(Lưu ý: Không có Thánh lễ

vào lúc 19h00)

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 858

                             





                                CHÚA NHẬT V MÙA CHAY

LỜI CHÚA: Ga 8,1-11

Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi cây dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Họ hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?” Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất. Nghe nói thế, họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó.

Bấy giờ, Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và bảo nàng: “Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?” Nàng đáp: “Thưa Thầy, không có ai”. Chúa Giêsu bảo: “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.

SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay kể lại một trong những khoảnh khắc đẹp nhất về lòng thương xót của Chúa Giêsu: cuộc gặp gỡ giữa Ngài và người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Một khung cảnh căng thẳng, một bản án tưởng chừng như đã định sẵn – nhưng cuối cùng lại trở thành dấu ấn không thể quên của lòng tha thứ và hy vọng.

1. Một phiên tòa bất công

Người phụ nữ trong Tin Mừng không được đối xử như một con người có phẩm giá, mà chỉ như một công cụ để các kinh sư và biệt phái gài bẫy Chúa Giêsu. Họ không đưa người đàn ông phạm tội ra xét xử, họ chỉ quan tâm đến việc kết án – không phải vì sự công bằng, mà để thử thách Chúa. Thế giới hôm nay vẫn còn đó biết bao ánh mắt lên án, bao lời phán xét nặng nề dành cho những người vấp ngã. Bao lần chúng ta cũng giống như những người biệt phái, chỉ thích kết tội người khác để tự thấy mình "thánh thiện" hơn?

2. Chúa Giêsu – Người bào chữa thầm lặng

Chúa Giêsu không lên tiếng ngay. Ngài cúi xuống, viết trên đất như thể không để tâm đến những lời kết án xung quanh. Khi Ngài lên tiếng, câu nói vang lên như một mũi tên thấu vào lòng người: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá ném chị này trước đi!” Lời ấy không cần tranh luận dài dòng. Chỉ một câu, mà đủ làm tan biến cả đám đông. Từng người, từ già đến trẻ, âm thầm rút lui – bởi lương tâm mỗi người đều nhận ra mình cũng từng vấp ngã.

3. Người phụ nữ – Kẻ có tội được tha thứ

Chỉ còn lại hai người: Chúa Giêsu và người phụ nữ. Nhưng đây không còn là cuộc đối đầu giữa thánh thiện và tội lỗi, mà là cuộc gặp gỡ giữa lòng thương xót và một tâm hồn khao khát được cứu độ. Chúa không hỏi tội. Ngài cũng không biện minh. Ngài chỉ nói: “Tôi cũng không kết án chị. Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.” Không kết án, nhưng cũng không đồng lõa với tội lỗi. Ngài tha thứ, nhưng kèm theo một lời mời gọi: thay đổi. Đó là cách Chúa cứu người – bằng lòng nhân từ và hướng đi mới cho cuộc đời.

4. Mùa Chay – Thời gian để đứng dậy

Câu chuyện người phụ nữ ngoại tình là hình ảnh của mỗi chúng ta. Ai trong chúng ta mà không một lần yếu đuối? Nhưng điều quan trọng là: Chúa không bao giờ mệt mỏi khi tha thứ, chỉ có chúng ta đôi khi mệt mỏi vì không dám quay về.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu đầy lòng thương xót, xin giúp con nhận ra những yếu đuối của chính mình, biết quay về với Chúa mỗi khi sa ngã. Xin cho con cũng học nơi Chúa sự bao dung, biết tha thứ và nâng đỡ những người lầm lạc. Xin đừng để con trở thành kẻ ném đá người khác, mà biết sống yêu thương như chính Chúa đã yêu con. Amen.

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC Ý DÀNH NỬA TRIỆU EURO ĐỂ GÓP PHẦN CỨU TRỢ ĐỘNG ĐẤT MYANMAR

Bộ Đức Hồng y Matteo Zuppi, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, chia buồn và bày tỏ sự gần gũi với nhân dân Myanmar bị động đất dữ dội và đồng thời, thông báo dành nửa triệu Euro để góp phần cứu trợ các nạn nhân, qua tổ chức Caritas Ý.

Trận động đất ngày 28 tháng Ba vừa qua ở độ 7,7 theo thước Richter, đã làm cho gần 3.000 người thiệt mạng, theo thống kê gần đây nhất, vô số người bị thương và phải di tản, thiệt hại vật chất và cơ cấu hạ tầng thật lớn lao.

Đức Hồng y Zuppi, cũng là Tổng giám mục Giáo phận Bologna, nói rằng: “Chúng tôi gần gũi với anh chị em Myanmar, chia buồn và cầu nguyện cho các nạn nhân, trong đó có rất nhiều trẻ em, đồng thời bày tỏ tình liên đới của các giáo phận chúng tôi”.

Đoàn Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý cũng quyết định dành 500.000 Euro, rút từ số tiền “tám phần ngàn” mà các công dân Ý dành cho Giáo hội Công giáo, để góp phần cấp cứu cho các nạn nhân, do Caritas Ý phối hợp, cộng tác với tổ chức từ thiện “Karuna Mission Social Solidarity” và Carias ở Myanmar, cùng với mạng Caritas quốc tế.

Myanmar từ bốn năm nay sống trong một tình trạng rất phức tạp và bấp bênh, sau cuộc đảo chánh của giới quân phiệt: cuộc khủng hoảng nhân đạo đè nặng trên 19 triệu 900.000 dân, hơn một phần ba dân số Myanmar đang cần được trợ giúp, vì nội chiến và thiên tai. Trận động đất vừa qua càng gia tăng tình trạng khẩn trương và lầm than của người dân nước này.

Đoàn Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý cầu mong những xung đột tại nước này sớm chấm dứt, đồng thời mời gọi các giáo phận và giáo xứ toàn quốc góp phần cho những can thiệp liên đới cần thực hiện ngay lúc này và trong việc tái thiết về vật chất và tinh thần cho Myanmar trong những tháng năm sắp tới.

SỐ TÂN LINH MỤC GIẢM KỶ LỤC TẠI ĐỨC

Số tân linh mục giảm sút kỷ lục tại Đức: trong năm 2024 vừa qua chỉ có 29 linh mục mới được thụ phong, trong 27 giáo phận tại nước này.

Thống kê trên đây được Hội đồng Giám mục Đức công bố hôm thứ Năm, ngày 27 tháng Ba vừa qua. Con số các cuộc truyền chức linh mục liên tục giảm sút từ 63 năm qua, tức là từ năm 1962. Năm đó, có 557 tân linh mục được thụ phong trên toàn quốc. Năm vừa qua, con số này, lần đầu tiên xuống dưới 30 người. Năm 2023, có 35 tân linh mục.

Trong số 27 giáo phận ở Đức, với tổng cộng gần 19 triệu 770 tín hữu Công giáo, theo con số mới nhất, 11 giáo phận không có tân linh mục nào trong năm ngoái (2024), trong đó có Giáo phận Limburg của Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Georg Bätzing. Giáo phận này có khoảng 700.000 tín hữu Công giáo và cả trong năm 2023 cũng không có cuộc truyền chức linh mục nào. Tại đây, năm ngoái có 10.800 tín hữu Công giáo làm đơn xin rời bỏ Giáo hội.

Ba giáo phận có nhiều tân linh mục hơn cả là Giáo phận Trier, với bốn cha mới, và bốn giáo phận có giám mục là những vị bị coi là bảo thủ, đó là: Augsburg, Köln, Paderborn và Regensburg, mỗi giáo phận có ba tân linh mục.

Tại nước Pháp láng giềng của Đức, năm ngoái có 73 cha mới; còn tại Ba Lan, cũng là láng giềng của Đức thì có 153 tân linh mục.

HỌC HỎI CÁC VĂN KIỆN

CỦA CÔNG ĐỒNG  VATICANÔ II

Bài 1

1. Hỏi: Công Đồng là gì?

Thưa: Công Đồng là hội nghị các giám mục thuộc Giáo Hội Công Giáo hay Chính Thống Giáo/ được thẩm quyền Giáo Hội triệu tập/ để cùng bàn bạc/ và đưa ra những quyết định liên quan đến đức tin/ và kỷ luật của Giáo Hội.

2. Hỏi: Công Đồng đầu tiên thời các Tông Đồ diễn ra ở đâu?

Thưa: Công Đồng đầu tiên thời các Tông Đồ diễn ra tại Giê-ru-sa-lem vào năm 49.

3. Hỏi: Có mấy loại Công Đồng?

Thưa: Có 2 loại Công Đồng: Công Đồng Chung và Công Đồng Địa Phương.

THÔNG BÁO

1.                  Giáo xứ xin cảm ơn:

-                      Bà Báu (Simon Hoà) ủng hộ người nghèo 500 kg gạo và 1.000.000 đ chi phí làm ghế đá.

2.                  Quý Cha sẽ ngồi tòa giải tội vào chiều thứ Năm, ngày 10/04/2025. Từ 15h đến 17h và từ sau Thánh lễ cho đến tối. Xin quý ông bà và anh chị em sắp xếp thời gian đến lãnh nhận Bí tích Hòa Giải, chuẩn bị tâm hồn sốt sắng cho những ngày trọng đại của Tuần Thánh sắp tới.

Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2025

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 857

 


CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY

LỜI CHÚA: Lc 15,1-3. 11-32

Khi ấy, những người thu thuế và những kẻ tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng; thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng”. Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: “Người kia có hai con trai. Ðứa em thưa với cha rằng: “Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con”. Người cha liền chia gia tài cho các con.

Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó, và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ cặn bã heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó hồi tâm lại và tự nhủ: “Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói. Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: "Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha”. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó.

Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy ra ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu... Người con trai lúc đó thưa rằng: “Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa”. Nhưng người cha bảo đầy tớ: “Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng: vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy”. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.

“Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: “Ðó là em cậu đã trở về, và cha cậu đã giết bê béo, vì thấy cậu ấy về mạnh khoẻ”. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: “Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó”. Nhưng người cha bảo: “Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”.

SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại dụ ngôn Người Cha nhân hậu – một câu chuyện đầy cảm động về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Qua hình ảnh người cha và hai người con, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta suy ngẫm về hành trình hoán cải, lòng bao dung, và niềm vui khi trở về với Chúa.

1. Người con hoang đàng – Hành trình sa ngã và trở về

Người con thứ trong dụ ngôn đã xin cha chia gia tài, rồi bỏ nhà ra đi, phung phí tài sản vào những cuộc vui trụy lạc. Khi rơi vào cảnh túng quẫn, anh ta mới nhận ra sự lầm lạc của mình và quyết định trở về cùng cha. Hình ảnh người con hoang đàng là biểu tượng của mỗi chúng ta khi xa lìa Thiên Chúa, tìm kiếm hạnh phúc nơi thế gian nhưng cuối cùng chỉ nhận lại sự trống rỗng. Thế nhưng, điều quan trọng là anh đã biết ăn năn và trở về. Điều này cho thấy: Mọi người đều có thể sai lầm, nhưng điều đáng quý là biết đứng dậy và quay về. Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta với tình yêu thương và lòng tha thứ vô bờ.

2. Người cha nhân hậu – Biểu tượng của lòng thương xót Thiên Chúa

Khi thấy con mình trở về, người cha không trách móc hay trừng phạt, nhưng lại chạy đến ôm lấy con, mặc cho nó áo mới, đeo nhẫn vào tay, và mở tiệc ăn mừng. Hình ảnh này diễn tả tình yêu của Thiên Chúa: Ngài không bao giờ chán ghét hay từ bỏ con cái mình, dù chúng ta có lỗi lầm thế nào. Ngài luôn mong ngóng chúng ta trở về và sẵn sàng tha thứ ngay khi chúng ta biết hoán cải.

3. Người con cả – Thái độ ganh tỵ và cứng lòng

Người con cả không vui khi thấy em mình được cha đón nhận và mở tiệc. Anh ta trách móc cha vì cảm thấy mình thiệt thòi. Anh là hình ảnh của những người sống đạo nhưng không có lòng yêu thương, chỉ giữ luật mà không cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa. Qua hình ảnh này, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta: Đừng ganh tỵ với ơn lành của người khác, nhưng hãy biết vui mừng khi một người lầm lạc quay về. Sống đạo không chỉ là giữ luật, mà quan trọng là có lòng thương xót như Chúa.

4. Hành trình Mùa Chay – Hãy trở về cùng Chúa

Mùa Chay là thời gian thuận tiện để chúng ta nhìn lại đời sống mình:

-          Nếu ta là người con hoang đàng, hãy can đảm trở về với Chúa qua Bí tích Hòa Giải.

-          Nếu ta giống người con cả, hãy bỏ đi sự ganh tỵ, mở lòng để yêu thương anh chị em mình hơn.

-          Hãy bắt chước người cha, luôn biết tha thứ và yêu thương những người xung quanh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là người Cha đầy lòng thương xót. Xin giúp chúng con nhận ra tình yêu của Ngài, để luôn biết trở về với Chúa mỗi khi lầm lỗi, và cũng biết mở lòng yêu thương, tha thứ cho anh chị em mình. Amen.

ĐỨC THÁNH CHA TIẾP TỤC TRỊ LIỆU VÀ DƯỠNG BỆNH

Đức Thánh cha Phanxicô tiếp tục dưỡng bệnh và trị liệu tại Nhà trọ thánh Marta ở nội thành Vatican. Đức Thánh cha dùng thuốc, được hỗ trợ bằng lượng oxy cao, làm vật lý trị liệu về hô hấp và vận động, đặc biệt để phục hồi tiếng nói. Về mặt thiêng liêng, ngài đồng tế thánh lễ trong nhà nguyện riêng ở lầu hai của nhà trọ, và cầu nguyện.

Trong việc trị liệu này, Đức Thánh cha có một bác sĩ là ông Luigi Carbone, Phó giám đốc Sở y tế Vatican, và hai nam y tá: ông Massimiliano Strappetti, người luôn theo sát Đức Thánh cha từ sau khi ngài bị mổ đại tràng hồi năm 2021; tiếp đến là ông Andrea Rinaldi, một cách nào đó thay thế ông Sandro Mariotti được coi như người “quản gia” của Đức Giáo hoàng và thường đẩy xe lăn cho ngài.

Khi ở Bệnh viện Gemelli, chỉ có rất ít người được gặp Đức Thánh cha. Tại Nhà trọ thánh Marta cũng sẽ như vậy, ít là trong giai đoạn đầu. Đức Thánh cha giảm bớt tối đa các tiếp xúc để tránh bị lây nhiễm, ít là trong giai đoạn đầu.

Ngoài ra, Đức Thánh cha cũng có một thư ký riêng, là cha Juan Cruz Villalón người Argentina mà ngài đã truyền chức linh mục hồi năm 2011, khi còn làm Tổng giám mục Giáo phận Buenos Aires. Một thư ký đặc biệt khác là cha Daniel Pellizon, bắt đầu phục vụ cạnh Đức Thánh cha từ năm 2023.

LỄ TRUYỀN CHỨC CHO ĐỨC GIÁM MỤC LÀO GỐC VIỆT ĐẦU TIÊN

Sáng thứ Ba, ngày 25 tháng Ba vừa qua, Đại lễ Truyền tin, lễ truyền chức cho Đức giám mục Lào gốc Việt đầu tiên đã được cử hành tại Nhà thờ chính tòa Thánh Tâm của Địa phận Đại diện Tông tòa Viên Chăn, trước sự hiện diện của toàn thể các thành viên Hội đồng Giám mục Lào-Campuchia.

Đức cha Antôn Hoàng Hữu Thư sinh ngày 04 tháng Tư năm 1964, tại Paksé, học Triết và Thần học tại Đại chủng viện Thánh Carlo Borromeo và tốt nghiệp Cao học Thần học tại Đại học Fribourg, bên Thụy Sĩ. Thụ phong linh mục ngày 03 tháng Chín năm 1994. Sau đó, cha được gửi sang Roma du học và lấy Cao học Giáo luật tại Đại học Thánh Tôma Aquinô của Dòng Đa Minh, quen gọi là Đại học Angelicum (1994-1996). Trở về nước, cha lần lượt đảm nhận các nhiệm vụ khác nhau. Từ năm 2005, cha Hoàng Hữu Thư làm Giám đốc Đại chủng viện dự bị ở Paksé trong chín năm (2005-2014), đồng thời làm cha sở nhà thờ chính tòa và phụ trách mười hai giáo họ thuộc Địa phận Đại diện Tông tòa Paksé (2005-2014). Cùng thời gian đó, cha Antôn Thư làm giáo sư về các môn giáo luật, các bí tích, đại kết, dẫn nhập Kinh thánh tại Đại chủng viện quốc gia ở Thakhet (từ năm 2005); Rồi cha phụ trách mục vụ cho mười một giáo họ thuộc Địa phận Paksé từ năm 2014.

THÔNG BÁO

1.                  Giáo xứ xin cảm ơn quý ân nhân ủng hộ ghế đá:

-                      Anh An (Trưởng Giáo họ Anrê Trông)          6.000.000 đ

-                      Chị Tuyền (Kim Ngọc)                                     500.000 đ

2.                  Xin mời quý ông bà, anh chị em đến tham dự buổi cầu nguyện Taizé với chủ đề "Tha thứ" vào lúc 19h30 tối thứ Ba, ngày 01/04//2025. Cùng nhau lắng đọng tâm hồn, suy niệm Lời Chúa và hiệp thông sâu sắc với Chúa Giêsu.

3.                  Vào sáng thứ Bảy, Vào sáng thứ Bảy, ngày 05/04/2025 sẽ có rửa tội cho trẻ sơ sinh. Xin quý cha mẹ có con rửa tội, đến xin giấy giới thiệu nơi Ban Điều Hành Giáo họ, và nộp sổ gia đình về văn phòng Giáo xứ trong tuần này.

Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2025

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 856

 


CHÚA NHẬT III MÙA CHAY 

LỜI CHÚALc 13,1-9

Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Ngài lên tiếng bảo: “Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy.

Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”.

Ngài nói với họ dụ ngôn này: “Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: “Kìa, ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!”

Nhưng anh ta đáp rằng: “Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi”.

SUY NIỆM

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta suy ngẫm về sự hoán cải. Chúa Giêsu nhắc nhở rằng tất cả mọi người đều cần sám hối để được sống. Ngài cũng dùng dụ ngôn cây vả không sinh trái để nói về lòng kiên nhẫn và tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta.

1. Đừng vội xét đoán người khác

Người Do Thái thời đó thường quan niệm rằng những ai gặp hoạn nạn là do họ có tội, bị Thiên Chúa trừng phạt. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã bác bỏ suy nghĩ này. Ngài khẳng định rằng những nạn nhân đó không tội lỗi hơn ai khác, và thay vì xét đoán, điều quan trọng hơn là chính chúng ta phải sám hối: "Nếu các ngươi không sám hối, thì các ngươi cũng sẽ chết hết như vậy." Lời nhắc nhở này cũng dành cho chúng ta ngày nay. Nhiều khi chúng ta dễ dàng xét đoán người khác mà quên rằng chính mình cũng cần thay đổi. Chúa không muốn chúng ta nhìn vào lỗi lầm của người khác, nhưng hãy nhìn lại bản thân để canh tân đời sống.

2. Dụ ngôn cây vả – Kiên nhẫn và hy vọng

Chúa Giêsu tiếp tục dùng dụ ngôn cây vả để dạy chúng ta về lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, Ngài luôn cho con người cơ hội để ăn năn, trở về. Ngài không vội kết án hay hủy diệt, mà kiên nhẫn chờ đợi chúng ta hoán cải. Nhưng con người không thể trì hoãn mãi. Cơ hội không kéo dài vô tận. Nếu không biết tận dụng thời gian Chúa ban để đổi mới đời sống, chúng ta sẽ tự đánh mất ơn cứu độ. Mỗi người chúng ta cũng như cây vả ấy. Nếu đời sống đức tin của chúng ta khô cằn, không có hoa trái của yêu thương, tha thứ, quảng đại, thì chúng ta cần nhanh chóng thay đổi để trở nên tốt hơn.

3. Sám hối – Cách sống có ý nghĩa

Mùa Chay là thời gian thuận tiện để chúng ta trở về với Chúa. Sám hối không chỉ là việc hối tiếc về quá khứ, mà còn là một sự thay đổi thực sự trong cách sống. Chúng ta được mời gọi:

-        Xét lại bản thân: Mình đã thực sự sống theo Lời Chúa chưa? Đời sống cầu nguyện của mình có sâu sắc không?

-        Thay đổi hành động: Giảm bớt ích kỷ, sống yêu thương hơn, biết tha thứ và giúp đỡ người khác.

-        Gắn bó với Chúa: Siêng năng cầu nguyện, tham dự Thánh lễ, lãnh nhận Bí tích Hòa Giải để được biến đổi.

Thiên Chúa giàu lòng thương xót, nhưng Ngài cũng mời gọi chúng ta phải sám hối thực sự. Đừng chờ đợi một cơ hội khác, nhưng hãy thay đổi ngay hôm nay. Nếu chúng ta hoán cải, đời sống chúng ta sẽ sinh hoa trái tốt lành, và chúng ta sẽ được hưởng niềm vui trong tình yêu của Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa luôn nhẫn nại và yêu thương, luôn cho chúng con cơ hội để hoán cải. Xin giúp chúng con biết nhìn lại đời sống mình, biết từ bỏ tội lỗi và đổi mới tâm hồn, để chúng con có thể sinh nhiều hoa trái tốt đẹp, xứng đáng hơn với ơn lành Chúa ban. Amen

ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM GIÁM MỤC PHỤ TÁ GIÁO PHẬN HƯNG HÓA

Lúc 12 giờ trưa, thứ Bảy ngày 15 tháng Ba năm 2025, Phòng Báo chí Tòa Thánh thông báo: Đức Thánh cha Phanxicô đã bổ nhiệm Giám mục Phụ tá cho Giáo phận Hưng Hóa, là cha Phaolô Nguyễn Quang Đĩnh, 52 tuổi, hiện là Tổng đại diện của Giáo phận này.

Tiểu sử Linh mục Phaolô Nguyễn Quang Đĩnh

- Sinh ngày: 18/5/1973

- Quê quán: Thôn Phù Lao, xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ; thuộc giáo xứ Phù Lao, giáo hạt Tây Nam Phú Thọ, giáo phận Hưng Hóa.

- 1998 - 2005: Tu học tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Hà Nội.

- Ngày 13/8/2005: Lãnh tác vụ Phó tế tại nhà thờ Sơn Tây.

- Ngày 29/11/2005: Được truyền chức linh mục qua nghi thức đặt tay của Đức Hồng Y Crescenzio Sepe, Bộ trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng cho các dân tộc, tại Nhà thờ Chính tòa Hà Nội.

- 2006 - 2009: Quản xứ Ngô Xá, giáo hạt Tây Bắc Phú Thọ.

- 2009 - 2017: Tu nghiệp tại Học Viện Công Giáo Paris (Institut Catholique de Paris).

- Ngày 18/01/2017: Tốt nghiệp học vị Thạc sỹ Thần học Phụng vụ và các Bí tích tại Institut Catholique de Paris.

- 2017 - 2019: Chính xứ Yên Tập, kiêm nhiệm các giáo xứ: Tiên Phong, Ro Lục, chuẩn xứ Hương Tran và Mộ Xuân.

- 2017 - 2022: Trưởng ban Phụng tự giáo phận Hưng Hóa.

- 2019 - 2022: Chính xứ Tuyên Quang, kiêm nhiệm các giáo xứ: Ân Thịnh, Vân Du, Trại Cỏ và Lã Hoàng. Quản hạt Hà-Tuyên-Hùng.

- 2022 - nay: Tổng Đại diện giáo phận Hưng Hóa, đặc trách Ủy ban Giáo sỹ giáo phận Hưng Hóa.

- 2022 - nay: Chính xứ giáo xứ Sơn Lộc (xứ Chính Tòa), kiêm nhiệm giáo xứ Sơn Đông.

- 2022 - nay: Phụ trách quý thầy năm Mục vụ (Quý chủng sinh giáo phận Hưng Hóa đã tốt nghiệp Đại Chủng viện).

- Ngày 15/3/2025: Được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá giáo phận Hưng Hóa.

TÒA THÁNH THA THIẾT KÊU GỌI LẠC QUYÊN THỨ SÁU TUẦN THÁNH GIÚP THÁNH ĐỊA

Sau khi nhắc đến thảm cảnh chiến tranh tại Thánh địa, tạo nên sự vắng bóng các tín hữu hành hương, vốn là một nguồn tài trợ quan trọng cho các cộng đoàn Kitô tại miền này, lá thư của Bộ các Giáo hội Công giáo Đông phương khẳng định rằng:

“Năm nay, cuộc lạc quyên trở thành một nguồn tài nguyên không thể thiếu được: sau đại dịch, có tình trạng hầu như hoàn toàn ngưng các cuộc hành hương và các hoạt động nhỏ mà đặc biệt là các tín hữu Kitô đã thực hiện nhân các cuộc hành hương ấy, nhiều Kitô hữu buộc lòng phải lưu vong. Nếu chúng ta muốn củng cố Thánh địa và đảm bảo một sự tiếp xúc sinh động với các nơi thánh, thì cần nâng đỡ các cộng đoàn Kitô, trong những sắc thái khác nhau, đang dâng lên Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta lời chúc tụng ngàn đời, kể cả nhân danh chúng ta nữa. Nhưng để điều này có thể diễn ra được, thì họ tuyệt đối cần sự giúp đỡ quảng đại của các cộng đoàn chúng ta.

THÔNG BÁO

1.             Giáo xứ xin cảm ơn quý ân nhân ủng hộ ghế đá:

-          Một ân nhân                                               100 USD

-          Một ân nhân (Anrê Kim Thông)                     300.000 đ

-          Anh Khoa (Anrê Trông)                              1.000.000 đ

-          Một ân nhân (Anrê Kim Thông)                     500.000 đ

-          Tạp hoá Hồng Đào (Anrê Trông)                1.000.000 đ

-          Ông bà Võ Quang Toà                                2.000.000 đ

-          Giầy dép ThanhThuý                                   1.500.000 đ

-          Gia đình anh Ngà (Anrê Kim Thông)          1.000.000 đ

-          Anh Dũng (Trưởng họ Giuse Thị)               1.000.000 đ

2.              Vào sáng thứ Bảy, ngày 29/03/2025, sẽ trao Mình Thánh Chúa cho người già và bệnh nhân. Những gia đình nào có nhu cầu xin đăng ký với ban điều hành Giáo họ của mình, đồng thời chuẩn bị nơi xứng đáng để người thân lãnh nhận Bí tích. 

3.              Chúa Nhật IV Mùa Chay sắp tới, cha Gioan Trần Ngọc Trung – quản xứ Đá Dựng – sẽ đến giáo xứ chúng ta để xin giúp đỡ cho công trình xây dựng nhà thờ tại giáo xứ ngài đang coi sóc. Kính mong cộng đoàn quảng đại đóng góp, cùng hiệp thông cầu nguyện để ngôi thánh đường sớm được hoàn thành. Nguyện xin Chúa ch

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 855

 


CHÚA NHẬT II MÙA CHAY

LỜI CHÚA: Lc 4,1-13

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng. Bỗng có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem. Phêrô và hai bạn ông đang ngủ mê, chợt tỉnh dậy, thấy vinh quang của Chúa và hai vị đang đứng với Người.  Lúc hai vị từ biệt Chúa, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Khi nói thế, Phêrô không rõ mình nói gì. Lúc ông còn đang nói, thì một đám mây bao phủ các Ngài và thấy các ngài biến vào trong đám mây, các môn đệ đều kinh hoàng.

Bấy giờ từ đám mây có tiếng phán rằng: “Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Và khi tiếng đang phán ra, thì chỉ thấy còn mình Chúa Giêsu.  Suốt thời gian đó, các môn đệ giữ kín không nói với ai những điều mình đã chứng kiến..

SUY NIỆM

Tin Mừng hôm nay thuật lại biến cố Chúa Giêsu hiển dung trên núi, một sự kiện đặc biệt trong hành trình rao giảng của Ngài. Trước khi tiến vào cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu đã tỏ cho các môn đệ thấy vinh quang của Ngài, củng cố đức tin cho họ để có thể vững bước trên con đường thập giá.

 

1. Chúa Giêsu hiển dung – mặc khải về vinh quang đích thực

Ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan được Chúa Giêsu dẫn lên núi để cầu nguyện. Khi đang cầu nguyện, dung mạo Ngài bỗng đổi khác, y phục trở nên sáng chói. Ông Môsê và Êlia hiện ra, đàm đạo với Ngài về cuộc thương khó sắp tới. Hình ảnh Chúa Giêsu rực sáng chính là dấu chỉ báo trước vinh quang phục sinh của Ngài. Tuy nhiên, vinh quang đó chỉ có thể đạt được qua con đường thập giá. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng, để đến được vinh quang, chúng ta cũng phải chấp nhận những thử thách, gian truân trong cuộc sống.

2. "Lạy Thầy, chúng con ở đây thật là hay!"

Trước cảnh tượng kỳ diệu ấy, Phêrô thốt lên: “Lạy Thầy, chúng con ở đây thật là hay! Chúng con xin dựng ba lều…” Ông muốn kéo dài khoảnh khắc huy hoàng ấy, muốn ở mãi trên núi mà không phải trở xuống đối diện với thực tế. Đây cũng là tâm lý thường thấy nơi con người. Chúng ta thích những giây phút bình yên, an nhàn, nhưng lại ngại dấn thân và đối diện với khó khăn. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không ở lại trên núi, mà Ngài xuống núi để tiếp tục hành trình cứu độ. Chúng ta cũng vậy, phải can đảm bước vào đời, đối diện với những thách đố của đức tin trong cuộc sống hằng ngày.

3. "Hãy vâng nghe lời Người!"

Khi Chúa Giêsu hiển dung, có tiếng từ trời phán: “Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!”Đây chính là lời mời gọi của Chúa Cha dành cho mỗi chúng ta: hãy lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Trong cuộc sống, có những lúc chúng ta dễ bị cuốn vào những tiếng gọi của danh vọng, tiền tài, thú vui trần thế mà quên đi tiếng gọi của Chúa.Lắng nghe Lời Chúa không chỉ là nghe bằng tai, mà còn là thực hành trong cuộc sống: sống yêu thương, tha thứ, quảng đại và khiêm nhường theo gương Chúa.

Cuộc hiển dung của Chúa Giêsu là một lời mời gọi chúng ta can đảm bước theo Ngài trên con đường thập giá, để rồi cũng được chia sẻ vinh quang phục sinh với Ngài. Mùa Chay là thời gian thuận tiện để chúng ta đổi mới đời sống, để đón nhận ánh sáng của Chúa và để vững bước theo Ngài trong mọi hoàn cảnh.

.Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi tâm hồn con, để con biết sống theo ánh sáng của Chúa. Xin cho con luôn vững tin vào Chúa, biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Xin giúp con sẵn sàng đón nhận thử thách với niềm hy vọng, vì con biết rằng sau thập giá sẽ là vinh quang phục sinh. Amen

TIN TỨC

CƠ QUAN HÀNH HƯƠNG CỦA GIÁO PHẬN ROMA MỞ LẠI HÀNH HƯƠNG THÁNH ĐỊA

Đoàn hành hương đầu tiên đã khởi hành đi Thánh địa, từ ngày 10 tháng Ba để hỗ trợ Giáo hội tại Jerusalem. Đoàn gồm các linh mục và tu sĩ cùng đi với nữ tu Rebecca Nazzaro, Giám đốc cơ quan hành hương của Giáo phận Roma. Trong hành trình, dự kiến có các cuộc gặp gỡ với cộng đoàn Kitô tại Bethlehem, Jerusalem và Giêricô.

Cuộc hành hương nhắm đáp lại lời kêu gọi của cha Francesco Patton, Bề trên Dòng Phanxicô tại Thánh địa, và Đức Hồng y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Công giáo Latinh ở Jerusalem. Hai vị khẳng định rằng “Đây là lúc nâng đỡ Giáo hội Jerusalem, trở lại Thánh địa và hồi sinh buồng phổi thứ hai của Giáo hội, là hành hương và sự hiện diện của các tín hữu hành hương”.

Trong Năm Thánh Hy Vọng này, hành hương là một cơ hội quan trọng để sống kinh nghiệm đức tin, bằng cách viếng thăm các nơi Chúa Giêsu đã sống. Nữ tu Giám đốc Nazzaro nói rằng: “Việc khởi hành lại các cuộc hành hương hướng về Jerusalem là một dấu chỉ hy vọng và hiệp nhất đối với toàn thể Giáo hội. Chúng tôi muốn rằng mỗi tín hữu hành hương có thể cảm thấy mình là thành phần của những cộng đoàn mà họ gặp gỡ, đồng thời góp phần nâng đỡ các anh chị em Kitô tại Thánh địa. Như vậy, qua các cuộc hành hương, chúng ta có thể củng cố niềm tin chung trong tình hiệp thông”.

Cha Giovanni Biallo, Tuyên úy của Tổ chức hành hương Roma và hướng dẫn viên tại Thánh địa, giải thích rằng: “Các chuyến hành hương tại Jerusalem là một cuộc du hành trở thành hành trình của tâm hồn, một kinh nghiệm tinh thần để canh tân sự hiểu biết về Chúa Kitô. Thật là một niềm vui khi có thể loan báo một cuộc tái khởi hành mà tất cả mọi người có thể thực hiện trong đức tin và tinh thần liên đới... Các tín hữu hành hương có thể chia sẻ với các tín hữu Kitô tại Thánh địa niềm hy vọng và chứng từ về tình thương của Chúa Giêsu”.

Tổ chức của Giáo phận Roma về hành hương cho biết từ Phục sinh năm nay, sẽ có năm cuộc hành hương tại Thánh địa được đề xướng, với sự cộng tác của hãng hàng không ITA Airways của Ý.

CHIẾN DỊCH MÙA CHAY TẠI HÀN QUỐC CHỐNG TỰ TỬ

Theo một phúc trình mới nhất, năm ngoái (2024), mỗi ngày tại nước này có gần 40 người tự tử, tổng cộng là 14.439 người trong năm, theo Tổ chức Hàn Quốc, về tôn trọng sự sống và hy vọng, cũng như theo thống kê của nước này. Từ 13 năm nay, tỷ lệ tự tử tại Hàn Quốc luôn ở cao độ, nhiều nhất là hồi năm 2011, lên tới 15.906 người tự tử.

Cha Eunho Park, Giám đốc Viện nghiên cứu đạo đức sinh học của Công giáo, kêu gọi các vị đặc trách về mục vụ của Giáo hội quan tâm nhiều hơn đến mục vụ tiếp cận để săn sóc những người đau khổ vì cô đơn và có xu hướng tự tử. Cha nói: “Tôi hy vọng các linh mục và tu sĩ sẽ viếng thăm những người láng giềng bị gạt ra ngoài lề và những người thiện nguyện cũng can dự vào các hoạt động này.” Theo cha, “trong khi Hàn Quốc có ảnh hưởng mạnh hơn, nhưng nhiều người đang than phiền vì các vấn đề tinh thần”.

Cha Eunho Park trưng dẫn lý thuyết của bác sĩ Victor Frankl’s (1905-1997), một người đã sống sót cuộc diệt chủng Do thái, nói về “cuộc sống trống rỗng” là nguyên nhân tạo nên vấn đề tự tử nơi dân chúng. Ông mô tả cuộc sống trống rỗng là một tình trạng, trong đó một người cảm thấy cuộc sống chẳng còn ý nghĩa gì, từ đó họ cảm thấy trống vắng, nhàm chán và vô cảm”. Hiện tượng này thường do sự đánh mất các giá trị truyền thống hoặc mất cảm thức về chủ đích trong một thế giới thay đổi mau lẹ.

Theo Phúc trình vừa nói, năm ngoái tỷ lệ tự tử lên tới mức kỷ lục: cứ 100.000 người thì có 28,3 vụ tự tử. Ngoài ra, cũng có mức độ khác biệt giữa các phái tính và tuổi tác trong số những người tự tử. Tỷ lệ người nam tự tử cao gấp đôi người nữ. Số người tự tử ở lứa tuổi 50 chiếm 21%, tiếp đến là 19% ở lứa tuổi 40, lứa tuổi 60 chiếm 16,5% và sau cùng là 13,4% nơi lứa tuổi 30.

Thống kê chung kết sẽ được hoàn tất và công bố vào tháng Chín năm nay. Trong khi đó, Trung tâm phòng ngừa tự tử, thuộc Tổng giáo phận thủ đô Hán Thành, Phong trào “Một Tâm một Thân” đã phát động chiến dịch Mùa chay lạc quyên ngăn ngừa tự tử, với khẩu hiệu là “Tiếp cận, Mùa Xuân, mở rộng tâm hồn bạn”. Chiến dịch bắt đầu từ ngày 05 tháng Ba và kéo dài tới ngày 30 tháng Tư tới đây.

Ngân khoản lạc quyên sẽ được dùng để tài trợ các dự án khác nhau phòng chống tự tử, kể cả việc giáo dục, chương trình săn sóc người thân đang chịu tang, tư vấn và các hoạt động hỗ trợ.