Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2023

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 759

 


CHÚA NHẬT III PHỤC SINH

Lc 24, 13-35

Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra. Ðang khi họ nói truyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. Người hỏi: “Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?” Một người tên là Clêophas trả lời: “Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay”. Chúa hỏi: “Việc gì thế?” Các ông thưa: “Sự việc liên can đến ông Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel. Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi. Nhưng mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi, quả thật, đã làm chúng tôi lo sợ. Họ đến mồ từ tảng sáng. Và không thấy xác Người, họ trở về nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng: Người đang sống. Vài người trong chúng tôi cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng như lời các phụ nữ đã nói; còn Người thì họ không gặp”.

Bấy giờ Người bảo họ: “Ôi kẻ khờ dại chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Ðấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?” Ðoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người. Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn”. Người liền vào với các ông.

Ðang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Ðoạn Người biến mất. Họ bảo nhau: “Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta, khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?” Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Họ bảo hai ông: “Thật Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon”. Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.

 

SUY NIỆM

Tin mừng thuật lại câu truyện Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmaus. Hai môn đệ đã từng có một thời theo Chúa. Các ông tin rằng Ngài là Đấng được Thiên Chúa sai đến để thiết lập vương quốc. Thế nhưng, chứng kiến cái chết của thầy mình thì mọi hy vọng, mọi mơ ước của các ông giờ đây đã tan theo mây khói. Sau cái chết trên thập giá vào chiều ngày thứ Sáu tuần thánh, các ông đã bỏ mặc Ngài nơi nấm mồ cô quạnh và trở về với nếp sống trước kia. Chính trong bối cảnh thất vọng trở về quê làng Emmaus, các ông đã gặp người khách lạ trên đường đi. Các ông lắng nghe vị khách ấy, chăm chú nhìn vị khách ấy bẻ bánh và rồi một điều gì đó đã xảy ra khiến các ông xúc động: Vị khách ấy chính là Chúa Giêsu đang sống động trước mặt các ông. Các ông đã nhận ra Người, và tức khắc các ông đã trở lại Giêrusalem để loan báo tin vui cho các tông đồ, tin vui Chúa đã Phục Sinh.

Câu chuyện hai môn đệ đi Emmaus phải chăng cũng là câu chuyện của mỗi người chúng ta, bởi vì trong cuộc sống, chúng ta cũng đã từng gặp phải những giờ phút bão táp, khủng hoảng về đức tin. Thế rồi một ngày nào đó, chúng ta đã gặp được một người, có thể là một vĩ khách lạ, nhưng qua người này, chúng ta tìm lại được Chúa giữa lòng Giáo Hội trong nghi thức bẻ bánh. Và chúng ta đã được biến đổi để chúng ta cũng trở nên nhân chứng của Chúa.

Xin Chúa hãy cùng đi với chúng ta trên vạn nẻo đường đời, như xưa Chúa đã cùng đi với hai môn đệ trên đường Emmaus, nhờ đó đức tin của chúng ta sẽ được nâng đỡ và bản thân chúng ta sẽ trở thành chứng nhân cho Tin Mừng của Chúa.


BẢN TIN

1.      Kinh Thánh trọn bộ đã được dịch ra 733 ngôn ngữ

Tính đến nay, trên thế giới Kinh Thánh trọn bộ đã được dịch ra 733 ngôn ngữ.

Theo Hội Kinh Thánh Áo, trích báo cáo năm 2022 của Liên hiệp Kinh Thánh Thế giới, Kinh Thánh trọn bộ đã được dịch ra 733 ngôn ngữ, riêng Kinh Thánh Tân Ước đã được dịch ra 1.622 thứ tiếng, và ít là một phần Kinh Thánh đã được dịch ra  3.610 ngôn ngữ.

Như vậy, trong năm qua, các dự án dịch thêm 57 ngôn ngữ đã được hoàn thành. Cụ thể: có 38 ngôn ngữ Kinh Thánh được dịch ít là một phần, Tân Ước có thêm 5 ngôn ngữ mới, và Kinh Thánh trọn bộ được dịch trong 14 ngôn ngữ mới. Với những bản dịch mới này, có thêm 100 triệu người có thể đọc Kinh Thánh bằng tiếng mẹ đẻ. Tổng cộng, trong năm vừa qua,  có 81 dự án dịch Kinh Thánh hoàn thành.

Trong năm qua, Kinh Thánh được dịch ra lần đầu tiên trong hai ngôn ngữ có 7 triệu người sử dụng tại Ethiopia bên Phi châu. Gần 1,8 triệu người dân tộc Tày ở Việt Nam cũng có thể đọc Kinh Thánh trong ngôn ngữ của họ.

Liên hiệp Kinh thánh thế giới có 160 thành viên đang hoạt động tại hơn 180 quốc gia và lãnh thổ với nhiệm vụ dịch, xuất bản và phổ biến Kinh thánh. Dự án của Liên hiệp Kinh Thánh là vào năm 2038 Kinh Thánh trọn bộ sẽ được đọc trong 1.200 ngôn ngữ. (Osservatore romano 17/4/2023)

Tác giả: Ngọc Yến - Vatican News

 

2.      Đức Thánh Cha gửi sứ điệp tới Thế vận hội Olympic 2024

Thứ Ba 18/4/2023, trong sứ điệp được ký bởi Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, gửi đến người Công giáo Pháp dịp Thế vận hội Mùa hè 2024, Đức Thánh Cha hy vọng đây là sẽ cơ hội đối thoại giữa các dân tộc và thúc đẩy tình huynh đệ đích thực, điều thế giới đang cần.

Thế vận hội Olympic 2024 là một sự kiện thể thao đa môn quốc tế, dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 26/7 tới 11/8/2024 tại Paris, và 16 thành phố khắp lãnh thổ Pháp cùng với một thành phố tại Tahiti, hòn đảo thuộc xứ hải ngoại và cộng đồng hải ngoại Polynésie thuộc Pháp.

Sứ điệp gửi đến Thế vận hội mở đầu: “Anh chị em Công giáo Pháp thân mến, Thế vận hội sẽ diễn ra vào mùa hè năm 2024 tại đất nước thân yêu của anh chị em. Đối với anh chị em, được chào đón cả thế giới là một niềm vui và cũng là một trách nhiệm”.

Vì thế, Đức Thánh Cha mời gọi người Công giáo Pháp tích cực dấn thân để sự kiện này là cơ hội cho những cuộc gặp gỡ sâu sắc và hiệu quả giữa những người thuộc mọi tầng lớp xã hội, thuộc các dân tộc, nền văn hóa và tôn giáo khác nhau.

Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu trở thành tình nguyện viên, đón tiếp mọi người bằng việc mở rộng cửa nhà thờ, trường học và nhà ở. Sứ điệp viết: “Trên tất cả, hãy mở rộng trái tim anh chị em. Bằng sự tiếp đón nhưng không, quảng đại và tận tâm, anh chị em sẽ làm chứng một cách mạnh mẽ cho Chúa Kitô, Đấng ngự trong anh chị em và là Đấng thông truyền niềm vui của Người cho anh chị em”.

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha còn khích lệ người Công giáo Pháp không quên giúp đỡ những người khuyết tật, người nghèo và người bị gạt ra bên lề, hội nhập vào sự kiện thể thao cao đẹp này. Ngài bày tỏ mong muốn Thế vận hội sẽ là cơ hội, qua thể thao, tuôn đổ tình huynh đệ đích thực mà thế giới đang rất cần.

Cuối sứ điệp, Đức Thánh Cha ban phép lành cho tất cả các nhà tổ chức, các tình nguyện viên, những người sẽ đáp ứng lời kêu gọi của ngài và cho tất cả những ai sẽ tham gia Thế vận hội Mùa hè 2024.

Tác giả: Ngọc Yến - Vatican News

 

 

THÔNG BÁO

1.    Vào lúc 7h00, sáng Thứ Bảy ngày 29.04.2023: rửa tội cho trẻ sơ sinh. Xin quý cha mẹ có con rửa tội, đến xin giấy giới thiệu nơi Ban Điều Hành giáo họ, và nộp sổ gia đình về văn phòng giáo xứ trong tuần này.

 

2.    Sáng thứ bảy, ngày 29 tháng 4: trao Mình Thánh Chúa cho người già và bệnh nhân.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét