Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2022

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 740

CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG A

Mt 11, 2-11

Khi ấy, Gioan ở trong ngục nghe nói về các việc làm của Chúa Kitô. Ông sai môn đệ đến thưa Ngài rằng: "Thầy có phải là Đấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng nào khác?" Chúa Giêsu bảo họ: "Hãy về thuật lại cho Gioan những gì các ông nghe và thấy: người mù được thấy, người què đi được, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe, người chết sống lại, và tin mừng được loan báo cho kẻ nghèo khó; và phúc cho ai không vấp ngã vì Ta".

Khi những người được sai đến đã đi rồi, Chúa Giêsu liền nói với đám đông về Gioan rằng: "Các ngươi đi xem gì ở hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió ư? Vậy các ngươi đi xem gì? Một người ăn mặc lả lướt ư? Nhưng những người ăn mặc lả lướt thì ở nơi cung điện nhà vua. Vậy các ngươi đi xem gì? Một tiên tri ư? Phải, Ta bảo các ngươi, và còn hơn một tiên tri nữa. Vì có lời chép về ông rằng: "Này Ta sai sứ thần Ta đi trước mặt con, để dọn đường sẵn cho con". Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả; nhưng người nhỏ nhất trong nước trời còn cao trọng hơn ông".

 SUY NIỆM

Gio-an Tẩy Giả là vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước, có sứ mạng dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Ông đã dành trọn thời trai trẻ trong sa mạc cô tịch để sống kết hợp với Thiên Chúa nhờ cầu nguyện và chay tịnh. Khi ra mắt dân Ít-ra-en, ông rao giảng Đấng Thiên Sai cách mạnh mẽ, kiên cường: lời của ông bừng bừng như lửa, hành động của ông ngay chính và quyết liệt. Nói tóm, Gio-an đã sống hết mình và sẵn sàng trả giá đắt nhất cho ơn gọi ngôn sứ. Tuy nhiên, Gio-an cũng là phận người; ông không hoàn toàn sáng tỏ về Đấng mà mình loan báo. Trong tù, Gio-an phải sai các môn đệ đến gặp Chúa Giê-su và hỏi: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” Dĩ nhiên, câu hỏi này được gửi đi từ trong cảnh tối tăm tù ngục Hê-rô-đê. Nhưng điều đáng nói hơn, nó được gửi đi từ trong chính đêm tối tâm hồn của Gio-an.

Trong đức tin, mọi sự không luôn luôn rõ ràng, chắc chắn. Vẫn còn đó những góc khuất, góc mờ, ngay cả những tăm tối mà lý trí và kinh nghiệm của con người không thể hiểu hết được. Nếu mọi sự đều hoàn toàn sáng tỏ, thì đâu còn là tin nữa. Bạn có sẵn sàng tin vào Chúa Giê-su ngay cả khi gặp bóng tối trong cuộc đời không?

BẢN TIN

1. ĐTC: Không có hoà bình, tất cả chúng ta đều bị đánh bại

Viết trong phần giới thiệu sách có tựa đề “Thông điệp về hoà bình ở Ucraina”, Đức Thánh Cha khẳng định: “Đối với chiến tranh, tất cả chúng ta đều bị đánh bại. Ngay cả những người không tham gia hoặc những người thờ ơ hèn nhát, chỉ đứng nhìn sự khủng khiếp của chiến tranh mà không can thiệp để mang lại hoà bình cũng đều bị đánh bại. Tất cả chúng ta, ở bất cứ vai trò nào đều có nghĩa vụ trở thành người của hoà bình”.

Sách “Thông điệp về hoà bình ở Ucraina” là tập hợp những lời kêu gọi và phát biểu của Đức Thánh Cha về cuộc xung đột ở châu Âu, do Francesco Grana biên tập.

Trích dẫn một câu nói của nhà văn Alessandro Manzoni “Tôi chưa bao giờ thấy Thiên Chúa bắt đầu thực hiện một phép lạ mà Người lại không kết thúc cách tốt đẹp”, Đức Thánh Cha viết: “Trong lúc chúng ta đang tiến tới Năm Thánh 2025, đây là một câu nói hy vọng, khẩu hiệu tôi muốn dành cho nhân đức đối thần này là: Những người hành hương hy vọng”. Và nhắc đến Thông điệp Spe Salvi của Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI về niềm hy vọng Kitô giáo, Đức Thánh Cha viết: “Đức Biển Đức viết rằng, theo đức tin Kitô, ơn cứu chuộc được ban cho chúng ta theo nghĩa chúng ta đã được trao ban niềm hy vọng, một niềm hy vọng đáng tin, nhờ đó chúng ta có thể đối diện với hiện tại của mình. Ngay cả một hiện tại mệt mỏi, cũng có thể được sống và chấp nhận nếu nó hướng tới một mục tiêu.”

Theo Đức Thánh Cha, đây là những kinh ngiệm mà mỗi người đã trải qua trong cuộc sống và giúp chúng ta đối diện với những vấp ngã với niềm xác tín rằng Thiên Chúa đưa tay nâng chúng ta lên vì Người không muốn chúng ta ở mãi dưới đất.

Đề cập đến cuộc chiến tại Ucraina,  Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Chúng ta có thể dám nói rằng đây là một cuộc chiến chính nghĩa không? Chúng ta có thể nói đây là một cuộc thánh chiến không? Chúng ta, người của Thiên Chúa, những người loan báo Tin Mừng Phục Sinh, chúng ta có nhiệm vụ loan báo chân lý đức tin về một Thiên Chúa của bình an, tình yêu và hy vọng. Một Thiên Chúa muốn tất cả chúng ta đều là anh chị em, như Chúa Giêsu Kitô đã dạy chúng ta. Sự khủng khiếp của chiến tranh đã xúc phạm thánh danh Thiên Chúa. Và Thiên Chúa còn bị xúc phạm nhiều hơn nếu danh Người bị lạm dụng để biện minh cho các cuộc thảm sát không thể tin được”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng, đối với chiến tranh, tất cả chúng ta đều bị đánh bại. Ngay cả những người không tham tham gia hoặc những người thờ ơ hèn nhát, chỉ đứng nhìn sự khủng khiếp của cuộc chiến, không can thiệp để mang lại hoà bình cũng đều bị đánh bại. Tất cả chúng ta, ở bất cứ vai trò nào đều có nghĩa vụ trở thành người của hoà bình.

Đức Thánh Cha nhắc nhở mọi người tiếp tục kiên trì cầu nguyện cho cuộc chiến kết thúc, không được nghĩ rằng cuộc chiến này là một điều hiển nhiên, một điều quen thuộc. Không được để cho tâm trí và con tim bị mê hoặc trước sự lặp đi lặp lại của những sự khủng khiếp nghiêm trọng chống lại Thiên Chúa và con người. (CSR_5180_2022)

Ngọc Yến

2. Số tín hữu Công giáo Hoa Kỳ gia tang

Người Công giáo ở Hoa Kỳ đã tăng khoảng 2 triệu người trong 10 năm qua. Với gần 62 triệu tín hữu, Công giáo tiếp tục là tôn giáo lớn nhất ở 36 bang của Hoa Kỳ.

Cuộc điều tra dân số về tôn giáo Hoa Kỳ do Hiệp hội các nhà thống kê của các tổ chứ tôn giáo Hoa Kỳ tiến hành 10 năm một lần. Báo cáo mới nhất đã được công bố vào tháng trước.

 Kết quả khảo sát cho biết, tính tới năm 2020, Hoa Kỳ có 61,9 triệu người Công giáo, chiếm khoảng 18,7% dân số.

 Ở Hoa Kỳ, mặc dù số các tín hữu Tin lành đông hơn các tín hữu Công giáo, nhưng các nhà nghiên cứu dân số về tôn giáo Hoa Kỳ đã xem các tổ chức Tin lành như các nhóm giáo phái riêng, không tính chung. Theo cách phân loại này, người Công giáo là nhóm tôn giáo lớn nhất ở Hoa Kỳ. Số người Công giáo nhiều gấp ba lần so với nhóm người không thuộc hệ phái Kitô nào hoặc Tin lành Baptist ở Nam Hoa Kỳ, là hai nhóm tôn giáo lớn nhất tiếp theo.

 Cuộc khảo sát cũng đã xác định Giáo hội Công giáo có 19.405 tổ chức. Đây là con số thấp nhất trong hơn 50 năm. Nhưng theo các nhà nghiên cứu đây là dấu hiệu phản ánh sự hiệp nhất trong Giáo hội.

 Theo mục đích của cuộc điều tra dân số năm 2020, một tổ chức Công giáo có nghĩa là một cộng đoàn giáo xứ, cơ quan truyền giáo hoặc địa điểm có Thánh lễ theo lịch trình thường xuyên ít nhất sáu tháng trong năm. Một tín hữu Công giáo là một cá nhân có liên hệ với một cộng đoàn Công giáo theo một cách nào đó.

 Trong hơn một thế kỷ, Giáo hội Công giáo là tôn giáo lớn nhất ở Hoa Kỳ. Số tín hữu trung bình của mỗi cộng đoàn là 3.000 người, cao hơn so với các cộng đoàn của các tôn giáo khác. Ở các tôn giáo khác, không cộng đoàn nào có số tín đồ lên tới 2.000.

 Công giáo cũng là tổ chức tôn giáo lớn nhất ở 36 bang. Tiếp đến là Baptist Miền Nam với số tín hữu lớn nhất trong 9 bang ở Nam Hoa Kỳ.

 Ngọc Yến

THÔNG BÁO

1. Để chuẩn bị tâm hồn mừng Lễ Giáng Sinh, Thứ Tư (14/12/2022) các cha sẽ ngồi tòa giải tội; thời gian cụ thể: Sáng từ 8g00 - 10g45; chiều từ 14g00 –17g00

2.  Vào lúc 17g45 chiều thứ Hai (12.12.2022), mừng lễ Thánh Ximon Phan Đắc Hòa, bổn mạng Gh.Simon Hòa. Kính mời cộng đoàn tham dự thánh lễ cầu nguyện cho Giáo họ.

3. Ủng hộ Giáng Sinh: Ac Dũng –Phượng (Simon Hòa) 3 triệu đồng; Bé Ba ở Mỹ 200 đô, 1 ân nhân (Simon Hòa) 50 đô la Úc; Chị Ngọc Điệp (Anrê Kim Thông) 5 triệu đồng, 1 ân nhân (Giuse Thị) 500 ngàn đồng; VLXD Ngọc sơn 1 triệu đồng; Chị Nguyệt (Simon Hòa) 500 ngàn đồng; Cô Yến (Simon Hòa) 1 triệu đồng; 1 ân nhân (Anrê K.Thông ) 50 đô là Mỹ, và ủng hộ người nghèo 50 đô la Mỹ.  

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét