Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2022

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 736


                                                            CHÚA NHẬT XXXIII TN C

LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Lc 9, 23 - 26

Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.

  SUY NIỆM

Làm vẻ vang dòng họ gia tộc là bổn phận của mỗi người. “Được gìn giữ trong Danh Cha” các thánh tử đạo Việt Nam không hổ danh, trái lại làm vinh danh “dòng họ” ki-tô hữu của mình: “Thà tôi bị lưu đày và phải chết vì Chúa, chứ tôi không chối đạo” (Th. An-rê Kim Thông). Các Ngài đã anh dũng hy sinh mạng sống để tuyên xưng niềm tin đó, “lấy tình yêu đáp lại tình yêu” (Chân phước An-rê Phú Yên), và để lưu danh muôn thuở dòng họ những người mang danh Ki-tô.

Là người Ki-tô hữu Việt Nam, đức tin chúng ta được trổ sinh từ hạt giống là “máu” của các Thánh Tử Đạo, chúng ta thuộc dòng họ anh hùng và vinh quang với các ngài. Chúng ta hãy ý thức và tự hào về điều đó, và hãy trở nên chứng tá đức tin để làm vinh danh cho dòng dõi của mình.

BẢN TIN

1. ĐTC cảnh giác Giáo hội Công giáo Đức đừng đánh mất ý nghĩa tôn giáo của dân tộc

Ngày 6/11/2022, trong cuộc họp báo trên chuyến bay từ Bahrain về Roma, Đức Thánh Cha cảnh giác các tín hữu Công giáo Đức về việc đánh mất ý nghĩa tôn giáo của dân tộc, mất ý nghĩa Công giáo khi sa vào các cuộc tranh luận. Ngài khuyến khích họ chú ý đến nguồn gốc đức tin của những người Công giáo bình dân, của những người ông bà của họ.

Nhà báo Ludwig Ring-Eifel của Trung tâm Thông tin Công giáo nhận xét rằng ở Bahrain có một Giáo hội nhỏ, một đoàn chiên nhỏ, một Giáo hội nghèo, với nhiều hạn chế, vv., nhưng là một Giáo hội sống động, tràn đầy hy vọng, đang phát triển. Ngược lại, ở Đức, chúng con có một Giáo hội lớn, với những truyền thống tuyệt vời; giàu có với thần học, tiền bạc và mọi thứ, nhưng mất đi ba trăm ngàn tín hữu mỗi năm, người thì ra đi, người thì đang rơi vào khủng hoảng sâu sắc. Nước Đức vĩ đại có thể học hỏi điều gì từ đàn chiên nhỏ ở Bahrain?

Trước hết Đức Thánh Cha nói với người Công giáo Đức rằng ngài muốn có một Giáo hội Công giáo, chứ không phải là một Giáo hội Tin Lành. Ngài nhận xét rằng đôi khi chúng ta đánh mất ý nghĩa về Giáo hội như là Dân trung thành và thánh thiện của Thiên Chúa. Chúng ta sa vào những cuộc thảo luận về luân lý, những cuộc thảo luận có kết quả thần học nhưng không phải là cốt lõi của thần học.

Dân Thánh của Thiên Chúa có nghĩa là gì? Đức Thánh Cha nói: “Hãy đến đó và tìm kiếm những gì Dân Chúa cảm nhận được, tính tôn giáo đơn giản mà các bạn tìm thấy ở ông bà. Tôi không nói đi lùi lại, không; nhưng hãy đi về cội nguồn cảm hứng, về cội nguồn.”

Đức Thánh Cha nhận xét: Khi chúng ta còn non yếu, chúng ta hứa hẹn nhiều điều. Nhưng khi trở nên vững mạnh, chúng ta sa vào những cuộc tranh luận. Nhưng chúng ta quên rằng nguồn gốc của tôn giáo chính là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu hằng sống và từ Người chúng ta có được lòng can đảm của các tông đồ để đi đến những vùng ngoại biên, cả về luân lý, để giúp đỡ người dân.

Đức Thánh Cha: “Nếu không có cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, sẽ có một thứ luân lý giả dạng Kitô giáo.”

Vatican News

2. ĐTC nhấn mạnh quyền tối thượng của lương tâm

Sáng 10/11, trong buổi tiếp khoảng 50 sinh viên và giáo sư của học viện Giáo hoàng thánh Nepomuk ở Roma, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến quyền tối thượng của lương tâm trên bất cứ mọi quyền lực .

Trong bài diễn văn trước các sinh viên và giáo sư, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến tầm quan trọng của bí mật Toà Giải tội, với gương của thánh bổn mạng của học viện - thánh Gioan Nepomuk. Ngài đã bị giết vì bảo vệ ấn tín Toà Giải tội. Đây là điều nhiều linh mục và giám mục phải chịu trong suốt lịch sử dưới nhiều chế độ độc tài hoặc toàn trị khác nhau.

Với gương của thánh Nepomuk, Đức Thánh Cha khuyến khích rằng “lòng dũng cảm và sự kiên vững theo Tin Mừng” không bao giờ được trở thành một tấm bảng gắn lên tường như đồ vật trong bảo tàng, nhưng là phải sống. Ngay cả ngày nay, các Kitô hữu, và đặc biệt là các thừa tác viên của Giáo hội, phải nói “không” với các quyền lực của thế giới này để xác nhận “có” đối với Tin Mừng. Quyền lực này đôi khi là về chính trị, đôi khi về ý thức hệ và văn hóa, và nó còn tinh vi hơn ngang qua các phương tiện truyền thông, có thể gây áp lực, làm mất uy tín, cô lập, v.v.

Ngày nay hơn bao giờ hết, chứng tá của thánh Gioan Nepomuk nhắc chúng ta về quyền tối thượng của lương tâm trên mọi quyền lực thế gian. Vị trí thượng đẳng và phẩm giá bất khả xâm phạm của con người, vốn nằm nơi trung tâm của lương tâm, không được hiểu theo nghĩa tâm lý thuần túy, nhưng theo nghĩa đầy đủ của nó, như là sự cởi mở với đấng siêu việt. Đức Thánh Cha mong ước học viện Nepomuk luôn là ngôi nhà và trường học của tự do, tự do nội tâm, được thiết lập trên mối quan hệ với Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần.

Học viện Nepomuk đã được thành lập cho các sinh viên của Cộng hoà Séc, nhưng hiện nay học viện cũng đón tiếp các sinh viên từ các quốc gia khác bao gồm cả những người đến từ Châu Phi và Châu Á. Đức Thánh Cha khuyến khích các học viên, với sự đa dạng về nguồn gốc và văn hoá, có thể trở thành những cây cầu và là những người phục vụ của nền văn hóa gặp gỡ.

Văn Yên, SJ

3. Đức Biển Đức XVI: “Tôi tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình”

Trong cuộc gặp gỡ hôm 9/11/2022, Tổng giám mục Shevchuk nói với Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức về cuộc chiến ở Ucraina, tình hình nhân đạo và cảm ơn Đức Biển Đức XVI về lá thư của ngài vào đầu cuộc chiến.

Đức Biển Đức XVI nhấn mạnh rằng ngài đang theo sát tình hình ở Ucraina, bày tỏ sự đau buồn sâu sắc trước những đau khổ của người dân Ucraina, và nói rằng ngài luôn cầu nguyện cho hòa bình sẽ đến.

Đức Tổng giám mục Shevchuk trả lời rằng “chỉ có sức mạnh của lời cầu nguyện mới giúp người dân Ucraina sống sót”, vì vậy ngài đã xin tiếp tục cầu nguyện cho Ucraina.

Đức Biển Đức XVI đã bổ nhiệm linh mục Sviatoslav Shevchuk làm giám mục vào ngày 14/1/2009, chỉ định ngài làm phụ tá cho giáo phận Công giáo Đông phương Ucraina Đức Maria Bảo trợ ở Buenos Aires. Và cũng chính Đức Biển Đức phê chuẩn việc bầu Đức cha Sviatoslav Shevchuk làm người đứng đầu Giáo hội Công giáo Đông phương Ucraina vào ngày 25/3/2011...

Tổng giám mục trưởng của Giáo hội Công giáo Đông phương Ucraina đang ở Roma tham dự các cuộc họp tại Vatican trong một tuần. Đây là lần đầu tiên ngài rời Ucraina kể từ khi Nga xâm lược Ucraina vào ngày 24/2 năm nay. 

Hôm 7/11/2022, Đức Tổng giám mục Shevchuk đã gặp Đức Thánh Cha và tặng cho ngài một mảnh của quả mìn đã phá hủy một nhà thờ Công giáo Đông phương ở thành phố Irpin. Vào ngày 12/11/2022, ngài sẽ gặp Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh và ngày 14/11, sẽ gặp các đại sứ các nước cạnh Tòa Thánh.

Hồng Thủy

THÔNG BÁO

1. Ủng hộ Giáng Sinh: ÔB. Mông Sắt 1 triệu đồng; 1 ân nhân 5 triệu đồng; Anh Dũng—Đức (Gh. Simon Hòa) 2 triệu đồng; Anh Nguyễn Văn Phong (Gh. Simon Hòa) 1 triệu 200 ngàn; Bà Quả 1 triệu đồng; 1 ân nhân 1 triệu đồng,

2. Tổng số tiền quyên góp cho Quỹ Truyền Giáo là 42 triệu 200 ngàn đồng.

3. Trong tuần này, BĐH. giáo họ sẽ gởi phong bì -  lạc quyên xây dựng Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục của giáo phận đến các gia đình.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét