Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2022

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 709


CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH

Ga 10, 27-30

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta.

Ðiều mà Cha Ta ban cho Ta, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Ta. Ta và Cha Ta là một.

SUY NIỆM

Con người mất hai năm để học nói, nhưng dành cả cuộc đời để lắng nghe.” Lắng nghe là kỹ năng phải luyện tập mới có, mới hoàn thiện. Qua lối nói ẩn dụ trong Tin Mừng, Chúa Giê-su dạy những ai được quy tụ trong ràn chiên của Ngài kỹ năng lắng nghe và nhận biết Ngài là người Mục tử chính danh: Ngài yêu thương chăm sóc chiên không phải cách chung chung mà Ngài biết và gọi tên từng con chiên, và dám hy sinh mạng sống mình để chiên được sống và sống dồi dào. Đối lại từng con chiên cũng có được kỹ năng lắng nghe, nhận biết tiếng chủ chiên của mình và đi theo ông chứ không đi theo người lạ “vì chúng không nhận biết tiếng người lạ”.

Chúa Giê-su biết con người bạn, biết cả tính cách, nội tâm bạn; ngay cả trước khi bạn thành hình trong lòng mẹ, Chúa đã biết (x. Gr 1,5). Điều Người mong muốn là bạn được sống dồi dào. Nhưng để có sự  sống dồi dào ấy, bạn cần phải biết nghe. Ý thức “nói là gieo, nghe là gặt,” bạn xin ơn biết lắng nghe Lời Chúa, đem ra thực hành, để đời sống thiêng liêng của bạn gặt được nhiều bông lúa trĩu hạt.

BẢN TIN

1. Đức Phanxicô ngồi xe lăn trong buổi tiếp kiến

 Đức Phanxicô ngồi xe lăn đến Hội trường Phaolô VI để trong buổi Hội nghị Quốc tế các Bề trên Dòng tu ngày thứ năm 5 tháng 5-2022. Alessandra Tarantino / AP

Đức Phanxicô đang bị đau đầu gối nặng sáng thứ năm lần đầu tiên ngài xuất hiện trên chiếc xe lăn để đến Hội trường Phaolô VI do một nhân viên an ninh của ngài đẩy, nhưng đây không phải là lần đầu tiên ngài ngồi xe lăn. Ngài đã dùng xe lăn vài ngày sau khi phẫu thuật đại tràng tháng 7 năm 2021.

Mỉm cười, Đức Phanxicô đọc bài diễn văn và trả lời các câu hỏi như thường lệ. Ngày thứ ba, ngài cho biết ngài đã chích mũi thuốc ở đầu gối phải do dây chằng bị đau nên gần đây ngài buộc phải hủy các cuộc họp đã lên lịch. Ngài cho biết: “Tôi bị đau dây chằng. Tôi đã phải ở trong tình trạng này một thời gian, tôi không thể đi đứng như bình thường được.”

 Đức Phanxicô đã không thể chủ trì lễ Vọng Phục sinh vì bị đau đầu gối. Ngày thứ hai vừa qua, ngài đã phải tiếp khách ở Nhà Thánh Marta thay vì ở dinh tông tòa.

 Ngày thứ tư, trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần, ngài khó khăn khi đứng lên ngồi xuống và phải cần được giúp đỡ.

 Trên các trang mạng xã hội, khi thấy Đức Phanxicô ngồi xe lăn, các phản hồi rất cảm động, họ nói đây là lần đầu tiên thấy một giáo hoàng ngồi xe lăn, dù trong những năm cuối đời Đức Gioan-Phaolô II cũng rất yếu nhưng hầu như không thấy tấm hình nào ngài ngồi xe lăn.

 Rất nhiều người xúc động khi thấy hình ảnh Đức Phanxicô ngồi xe lăn, họ nói ngài thật khiêm tốn và đã như một vị thánh sống rồi!

 Tất cả đều hiệp lòng cầu nguyện cho ngài, họ tin lời cầu nguyện sốt sắng sẽ thêm sức mạnh cho ngài.

 Marta An Nguyễn

2. Kitô Hữu Không Thể Ủng Hộ Chiến Tranh Nhân Danh Thiên Chúa

Đức Hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Cổ võ Hiệp nhất các Kitô nhận định rằng, cuộc chiến ở Ucraina là một “điều khủng khiếp” đối với Kitô giáo; và nhấn mạnh: “Kitô hữu không thể ủng hộ chiến tranh nhân danh Thiên Chúa”.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Đức Hồng y Kurt Koch thú nhận hiện nay đối thoại với Chính thống rất khó. Đó là “một bi kịch đặc biệt, bởi vì Thượng phụ Chính thống Nga luôn nói rằng chúng tôi cảm thấy có nghĩa vụ bảo vệ các Kitô hữu, chúng tôi phải có lập trường trước sự bách hại”.

Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Cổ võ Hiệp nhất lo ngại tình hình hiện nay tại Ucraina. Ở đó, các Kitô hữu chống lại các Kitô hữu, chính xác các Kitô hữu Chính thống chống lại nhau. Đó là một “điều khủng khiếp” đối với các Kitô hữu trên toàn thế giới.

Theo Đức Hồng y, trước hết chúng ta phải tìm được sự đồng thuận trong việc xác tín rằng chúng ta phải là những người phục vụ hoà bình, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Thiên Chúa của Kitô hữu là một Thiên Chúa của hoà bình và không phải là một Thiên Chúa của chiến tranh. Và tôi không thể nhân danh Thiên Chúa, chủ trương và ủng hộ chiến tranh. Đó không phải là Kitô hữu”.

Về cuộc đối thoại với Đức Thượng phụ của Matxcơva, Đức Hồng y Kurt Koch nhắc lại lời của Đức Thánh Cha: “Chúng ta không phải là giáo sĩ của nhà nước, nhưng chúng ta là mục tử của dân và vì thế chúng ta không có thông điệp nào khác ngoài thông điệp kêu gọi chấm dứt cuộc chiến này”.

Trả lời câu hỏi về quan hệ giữa Giáo hội và nhà nước, điều thường bị bỏ qua, Đức Hồng y Chủ tịch nói: “Ở đây, chúng ta có khái niệm hoàn toàn khác. Ở phương tây, chúng ta đã phải học điều này, qua các cuộc cách mạng, đó là tương quan thích đáng giữa Giáo hội và nhà nước là sự tách biệt nhưng có thể có tương quan đối tác. Quan niệm này không được biết đến ở Đông Phương, trong Chính Thống giáo, họ nói về sự “đồng tâm” giữa Giáo hội và nhà nước. Cái nhìn này hiện diện trong trong bối cảnh chiến tranh tại Ucraina”.

 Vatican News Tiếng Việt

3. Đức Thánh Cha thương khóc dân Ucraina đau khổ vì chiến tranh

Nhân bắt đầu tháng Năm, tháng kính Đức Mẹ, Đức Thánh Cha mời các tín hữu và các cộng đoàn mỗi ngày trong tháng này lần chuỗi Mân Côi để cầu nguyện cho hoà bình, đặc biệt cho Mariupol thành phố của Ucraina được gọi là “thành của Đức Maria” đã bị ném bom và phá huỷ. Một lần nữa Đức Thánh Cha kêu gọi mở hành lang nhân đạo an toàn cho những người đang còn bị kẹt ở trong nhà máy thép của thành phố đó. Ngài nói: “Tôi đau khổ và khóc thương nghĩ đến những đau khổ của người dân Ucraina, đặc biệt những người yếu đuối, người già và trẻ em. Thậm chí còn có những tin khủng khiếp về những em bé bị trục xuất và lưu vong. Trong khi chứng kiến sự chết chóc của nhân loại, tôi tự hỏi, cùng với nhiều người đang đau khổ, có phải người ta đang thực sự tìm kiếm hoà bình, muốn tránh một sự leo thang quân sự và lời nói, đang làm mọi sự có thể để vũ khí im lặng hay không? Xin anh chị em đừng đầu hàng trước bạo lực, trước vòng xoáy của vũ khí. Hãy thực hiện con đường đối thoại và hoà bình. Chúng ta hãy cầu nguyện”.

Ngày 01/5, Ngày Quốc tế Lao động, Đức Thánh Cha nói đây là dịp để làm mới cam kết ở khắp nơi và cho mọi người có việc làm xứng nhân phẩm. Ngài hy vọng từ thế giới lao động, sẽ xuất hiện ý muốn phát triển kinh tế hoà bình. Đức Thánh Cha nhắc mọi người nhớ những công nhân bị thiệt mạng trong khi lao động, đây là một thảm kịch rất phổ biến hiện nay.

Ngày 03/5 tới, là Ngày Tự do Báo chí Thế giới, trước khi chào tạm biệt các tín hữu, Đức Thánh Cha bày tỏ cảm phục các nhà báo đã phải trả giá cho quyền này. Ngài nói năm ngoái trên toàn thế giới có 47 nhà báo bị sát hại và hơn 350 người bị tù. Đức Thánh Cha cám ơn đặc biệt các nhà báo can đảm cho mọi người biết tin tức về những tai ương của nhân loại.

Ngọc Yến

THÔNG BÁO

- Giáo xứ xin cám chị Xuân (ở Mỹ) ủng hộ giáo xứ 20 triệu đồng.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét