Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2025

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 852

 


CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN NĂM C

LỜI CHÚA: Lc 6,27-38

 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại.

Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng.

Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn, và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Ðấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác. Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy”.

SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại một trong những giáo huấn khó thực hành nhất của Chúa Giêsu: "Hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em, và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em." Đây là một lời mời gọi đầy thách đố, nhưng cũng là con đường dẫn đến sự hoàn thiện và hạnh phúc đích thực.

1. Yêu thương kẻ thù – Sứ điệp nghịch lý của Tin Mừng

Trong cuộc sống, chúng ta dễ dàng yêu thương những người đối xử tốt với mình, nhưng để yêu thương những kẻ ghét mình hay làm hại mình thì thật khó khăn. Tuy nhiên, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đi xa hơn lẽ tự nhiên ấy. Ngài muốn chúng ta yêu thương không chỉ những người thân cận mà cả những người đối nghịch với chúng ta.

Tình yêu mà Chúa Giêsu nói đến không phải là thứ tình cảm dựa trên cảm xúc, mà là một tình yêu đến từ ý chí, sẵn sàng làm điều tốt cho người khác, ngay cả khi họ không xứng đáng. Đây chính là tình yêu mà Ngài đã sống khi tha thứ cho những kẻ đóng đinh mình trên thập giá.

2. Tha thứ và bao dung – Sức mạnh của tình yêu Kitô giáo

Chúa Giêsu dạy: "Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị xét đoán; anh em đừng lên án, thì anh em sẽ không bị lên án; anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha." Những lời này nhắc nhở chúng ta về sự bao dung và lòng thương xót.

Trong cuộc sống, có những lúc chúng ta bị tổn thương, bị hiểu lầm, hay bị đối xử bất công. Phản ứng tự nhiên là muốn trả đũa hoặc oán hận. Nhưng Chúa Giêsu mời gọi chúng ta bước ra khỏi vòng luẩn quẩn của hận thù để sống theo tinh thần tha thứ. Khi tha thứ, chúng ta không chỉ giải thoát người khác mà còn giải thoát chính mình khỏi gánh nặng của oán hờn.

3. Cho đi mà không tính toán – Tình yêu vượt lên trên công bằng

Chúa Giêsu dạy: "Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại; người ta sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo anh em." Ngài mời gọi chúng ta sống quảng đại, không chỉ về vật chất mà cả trong cách đối xử với nhau.

Người đời thường tính toán khi cho đi, nhưng Chúa mời gọi chúng ta sống quảng đại mà không mong chờ sự đáp trả. Khi biết cho đi cách vô điều kiện, chúng ta không bao giờ bị thiệt thòi, vì chính Chúa sẽ ban lại cho chúng ta bằng ân sủng và bình an trong tâm hồn.

Giáo huấn của Chúa Giêsu hôm nay mời gọi chúng ta sống yêu thương, tha thứ và quảng đại, ngay cả khi điều đó đi ngược lại với suy nghĩ tự nhiên của con người. Khi sống theo lời Chúa dạy, chúng ta trở nên chứng nhân của tình yêu và lòng thương xót trong thế giới đầy hận thù và chia rẽ này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết yêu thương không chỉ những người thân thiết mà cả những ai làm tổn thương chúng con. Xin ban cho chúng con lòng quảng đại để sống bao dung và tha thứ, để chúng con có thể trở nên chứng nhân của tình yêu Chúa trong thế gian. Amen.

TIN TỨC

MỘT SỐ CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA BỊ HỦY BỎ

Một số hoạt động của Đức Thánh cha Phanxicô, dự kiến trong tuần này bị hủy bỏ vì ngài vẫn đang được tiếp tục điều trị tại nhà Bệnh viện Gemelli.

 

Trong thông cáo sáng ngày 18 tháng Hai vừa qua, Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết buổi Tiếp kiến chung sáng thứ Tư, ngày 19 tháng Hai cũng như buổi Tiếp kiến Năm Thánh sáng thứ Bảy, ngày 22 tháng Hai sắp tới sẽ bị hủy bỏ. Còn thánh lễ lúc 9 sáng Chúa nhật, ngày 23 tháng Hai tới đây, theo chương trình đã định, lẽ ra Đức Thánh cha sẽ chủ sự, nhưng nay sẽ được Đức Tổng giám mục Rino Fisichella, Quyền Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin mừng, và là vị Đặc trách Năm Thánh 2025 hiện nay, sẽ chủ sự thay thế Đức Thánh cha.

Theo thông cáo y khoa, công bố hôm 17 tháng Hai, sau khi khám nghiệm sâu rộng, các bác sĩ thấy bệnh trạng của Đức Thánh cha phức tạp, bị nhiễm đa vi khuẩn ở phế quản, nên đã thay đổi các biện pháp trị liệu. Họ xin ngài nghỉ ngơi hoàn toàn và thời gian lưu lại bệnh viện cũng lâu dài hơn.

BỆNH TRẠNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA CÓ PHẦN ĐƯỢC CẢI THIỆN

Chiều tối ngày 19 tháng Hai vừa qua, Phòng Báo chí Tòa Thánh ra thông cáo cho biết tình trạng sức khỏe của Đức Thánh cha Phanxicô có phần được cải tiến.

Thông cáo nói rằng “Tình trạng lâm sàng của Đức Thánh cha ổn định. Các cuộc xét nghiệm máu, theo thẩm định của nhóm bác sĩ, cho thấy có sự cải thiện nhẹ, đặc biệt là các chỉ số viêm nhiễm.

Sau khi dùng bữa sáng, Đức Thánh cha đọc vài tờ báo và dành thời giờ làm việc với các cộng sự viên thân cận nhất. Trước bữa trưa, Đức Thánh cha đã rước Mình Thánh Chúa. Ban chiều, Đức Thánh cha đã tiếp Thủ tướng Ý, bà Giorgia Meloni, và trao đổi trong vòng 20 phút”.

Phủ Thủ tướng Ý cho biết bà Meloni đã viếng thăm Đức Thánh cha từ lúc 3g10 đến 3g30, chiều thứ Tư vừa qua. Nhân danh chính phủ và cả nước Ý, bà cầu chúc Đức Thánh cha sớm bình phục. Bà nói: “Tôi rất hài lòng thấy Đức Thánh cha tỉnh táo và phản ứng nhanh. Chúng tôi vẫn nói đùa như thường lệ. Đức Thánh cha không mất đi khiếu hài hước đặc trưng của ngài”.

Những ngày này, ở khuôn viên Bệnh viện Gemelli, đặc biệt trước pho tượng thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tại đây, nhiều tín hữu đã đến thắp nến và cầu nguyện cho Đức Thánh cha, và nhiều nơi khác trong Giáo hội, từ Philippines đến Trung Quốc, từ Bolivia, Argentina tới Ba Lan, nhiều nơi đã cầu nguyện cho sức khỏe của Đức Thánh cha. Tại Roma, Đức Hồng y Giám quản Baldissera Reina cũng xin các tín hữu dành một giờ chầu Mình Thánh trong thinh lặng trước thánh lễ để cầu cho vị Giám mục Giáo phận Roma.

  

THÔNG BÁO

1.                  Vào sáng thứ Bảy, ngày 01/03/2025, sẽ trao Mình Thánh Chúa cho người già và bệnh nhân. Những gia đình nào có nhu cầu xin đăng ký với ban điều hành Giáo họ của mình, đồng thời chuẩn bị nơi xứng đáng để người thân lãnh nhận Bí tích.

2.                  Giáo xứ sẽ thay đá hoa cương cho các ghế bằng nhựa, dọc hai bên hành lang của nhà thờ. Xin quý ông bà – anh chị em rộng tay giúp đỡ.

3.         Ủng hộ làm ghế đá:

-           Một gia đình (Anrê Trông)                  200 USD (Đôla Mỹ)

-           Một gia đình (Matthêu Phượng)         2.000.000 đ

-           Chị Đông (Anrê Trông)                      2.000.000 đ

Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2025

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 851


 

CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN NĂM C

LỜI CHÚA: Lc 6,17.20-26

 Khi ấy, Chúa Giêsu từ trên núi xuống cùng với mười hai tông đồ, và dừng lại trên một khoảng đất bằng; ở đó có đông môn đệ và một đám đông dân chúng từ Giuđêa, Giêrusalem, miền duyên hải Tyrô và Siđon kéo đến để nghe Người giảng và xin Người chữa bệnh tật.

Bấy giờ Người đưa mắt nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười.

Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương. Ngày ấy, các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế.

“Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả”.

SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại bài giảng của Chúa Giêsu về các mối phúc và mối hoạ. Đây là một giáo huấn đầy nghịch lý, khi Chúa tuyên bố rằng những người nghèo, đói khát, đau khổ, bị bách hại lại là những người có phúc, còn những ai giàu có, no nê, vui cười và được ca tụng lại bị cảnh báo về những mối hoạ.

1. Các mối phúc – Cách nhìn của Thiên Chúa

Chúa Giêsu khẳng định: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em.” Điều này không có nghĩa là nghèo về vật chất thì đương nhiên có phúc, nhưng là những ai biết đặt niềm tin vào Thiên Chúa, biết sống đơn sơ, khiêm nhường và cậy dựa vào Chúa, họ sẽ nhận được hạnh phúc thật. Họ là những người cảm nghiệm được sự yếu đuối của bản thân và dễ dàng tìm đến Chúa. Chính họ được Chúa Giêsu chúc phúc, vì họ biết khao khát Thiên Chúa và đặt trọn niềm tin nơi Ngài.

2. Những mối hoạ – Cảnh báo của Chúa Giêsu

Trái ngược với các mối phúc, Chúa Giêsu cảnh báo những ai giàu có, no nê, vui cười và được ca tụng. Điều này không có nghĩa là giàu có hay thành công là điều xấu, nhưng nguy hiểm là khi con người quá bám víu vào vật chất, quyền lực và danh vọng mà quên mất Thiên Chúa và tha nhân. Những người chỉ biết hưởng thụ, ích kỷ và tự mãn với những gì mình có, mà không biết chia sẻ, yêu thương hay sống công chính, sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng xa cách Thiên Chúa và đánh mất hạnh phúc đích thực.

3. Lời mời gọi sống theo Tin Mừng

Chúng ta chọn sống theo các mối phúc hay đi theo con đường của thế gian? Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi noi gương Chúa Giêsu, sống tinh thần khó nghèo, khiêm nhường, yêu thương và sẵn sàng chịu thiệt thòi vì Nước Trời. Điều này không có nghĩa là phải từ bỏ tất cả của cải, nhưng là biết sử dụng chúng cách đúng đắn, biết sống công bằng, bác ái và đặt Thiên Chúa lên trên hết. Chúng ta có thể chọn cách sống theo tinh thần của Tin Mừng, đặt niềm tin vào Thiên Chúa và hướng về những giá trị vĩnh cửu, hay để mình bị lôi cuốn bởi những cám dỗ của thế gian. Hạnh phúc đích thực không đến từ sự giàu có hay danh vọng, mà đến từ việc sống theo ý Chúa và yêu thương tha nhân.

Cầu nguyện:  Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết chọn con đường của Tin Mừng, sống tinh thần nghèo khó, khiêm nhường và yêu thương. Xin ban cho chúng con sức mạnh để không bị lôi cuốn bởi những quyến rũ của thế gian, nhưng luôn đặt trọn niềm tin vào Chúa. Amen.

TIN TỨC

ĐỨC THÁNH CHA CHỐNG LẠI VIỆC TRỤC XUẤT DI DÂN CỦA TỔNG THỐNG TRUMP

Lá thư Đức Thánh cha gửi Hội đồng Giám mục Mỹ được Phòng Báo chí Tòa Thánh công bố hôm 11 tháng Hai vừa qua, trong đó có đoạn viết: “Tôi đã theo dõi sát cuộc khủng hoảng lớn đang xảy ra tại Mỹ, với việc bắt đầu một chương trình trục xuất hàng loạt. Lương tâm được huấn luyện đúng đắn không thể không đưa ra một phán đoán phê bình và bày tỏ sự bất đồng đối với bất kỳ biện pháp nào, minh nhiên hoặc mặc nhiên, đồng hóa tình trạng bất hợp pháp của một số người di cư với tội phạm. Đồng thời, người ta phải nhìn nhận quyền của mỗi quốc gia bảo vệ chính mình và gìn giữ các cộng đoàn được an toàn, chống những kẻ phạm các tội ác bạo lực hoặc nghiêm trọng, trong khi cư ngụ tại nước liên hệ hoặc trước khi đến nước đó.

Ngoài trường hợp đó, thư của Đức Thánh cha phê bình “việc trục xuất những người, trong nhiều trường hợp, đã rời bỏ quê hương của họ vì những lý do nghèo đói cùng cực, bất an, bị khai thác bóc lột, bị bách hại hoặc vì môi trường suy thoái trầm trọng làm thiệt hại phẩm giá của nhiều người nam nữ, và toàn bộ gia đình, đồng thời đặt họ trong tình trạng đặc biệt dễ bị tổn thương và vô phương thế tự vệ”. (n.4).

Đức Thánh cha viết thêm rằng: “Đây không phải là một vấn đề nhỏ: một chế độ pháp quyền chân thực được kiểm chứng theo cách thức đối xử xứng đáng mà mọi người đều đáng được, đặc biệt là những người nghèo và bị gạt ra ngoài lề nhiều nhất. Công ích chân thực được thăng tiến khi xã hội và chính quyền, với óc sáng tạo và nghiêm túc, tôn trọng các quyền của mọi người - như tôi đã nhiều lần khẳng định - chào đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập những người yếu đuối, - những người không được bảo vệ và dễ bị tổn thương nhất. Điều này không ngăn cản việc phát triển một chính sách điều hành việc di trú có trật tự và hợp pháp. Tuy nhiên, sự phát triển này không thể diễn ra qua đặc ân cho một số người và hy sinh những người khác.

“Các tín hữu Kitô biết rất rõ rằng chỉ nhờ khẳng định phẩm giá vô biên của tất cả mọi người mà căn tính của chúng ta, trong tư cách là nhân vị cũng như là cộng đoàn, đạt tới mức trưởng thành. Tình yêu Kitô giáo không phải là sự nới rộng đồng tâm của các lợi ích và dần dần mở rộng tới những cá nhân và các nhóm khác. Nói cách khác, con người không phải chỉ là một cá nhân, tương đối rộng lớn, với vài tình cảm nhân đạo! Con người là một chủ thể có phẩm giá, nhờ các mối quan hệ cấu thành với tất cả mọi người, đặc biệt là với những người nghèo túng nhất, để có thể dần dần trưởng thành trong căn tính và ơn gọi của mình. Trật tự bác ái đích thực phải được thăng tiến chính là trật tự mà chúng ta khám phá nhờ liên tục suy niệm về dụ ngôn “người Samaritano nhân lành” (Xc Lc 10,25-37), nghĩa là nhờ suy niệm về tình yêu xây dựng một tình huynh đệ mở rộng với tất cả mọi người, không trừ ai”. (n.6)

MỘT NHÀ THỜ CHÍNH TÒA CÔNG GIÁO TẠI MYANMAR BỊ DỘI BOM

Hôm mùng 10 tháng Hai vừa qua, hãng tin Fides của Bộ Loan báo Tin mừng, đưa tin nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu của Công giáo tại Mindat, thuộc bang Chin bên Myanmar, đã bị trúng bom và hư hại, trong cuộc không kích của quân đội chính quy.

Nhà thờ chính tòa mới của Giáo phận Mindat bị trúng bom, ngày 06 tháng Hai vừa qua, nhưng nay mới được loan tin: thánh đường bị hư mái và các cửa kiếng và không thể sử dụng được nữa. Không có ai bị thương trong cuộc oanh kích này, vì các linh mục và giáo dân đã rời vùng này do tình trạng thiếu an ninh và vì những cuộc giao tranh diễn ra. Nhưng trong những ngày qua, các linh mục địa phương đã đến thám sát và thảo luận về việc tổ chức lễ tấn phong giám mục mới là Đức cha Augustine Thang Zawm Hung, cho đến nay là cha phó nhà thờ Thánh Tâm ở Mindad.

Vụ nhà thờ chính tòa bị oanh tạc hư hại làm cho các tín hữu địa phương ngỡ ngàng, nhưng họ không nản lòng và cố gắng sửa chữa mái nhà thờ cũng như tu bổ những phần bị hư hại, quét dọn những đống gạch vụn và cung thánh. Đây là một vết thương trong tâm hồn chúng tôi, nhưng chúng tôi không để mình bị ngã gục, chúng tôi sẽ tái thiết. Chúng tôi chắc chắn rằng Chúa sẽ đổ ơn dồi dào và phúc lành của Ngài, để mang lại an bình và thịnh vượng cho chúng tôi”.

THÔNG BÁO

1. Các lớp Giáo lý Hôn Nhân và Dự Tòng khóa I - 2025 sẽ khai giảng vào lúc 19g15’ tối thứ Ba ngày 18/02/2025 tại Hội Trường Giáo xứ Chính Tòa. Vì thế, những ai có nhu cầu học các lớp giáo lý này xin vui lòng liên hệ hai cha phó hoặc thầy xứ để ghi danh. Lưu ý, những người ngoài giáo xứ, khi đi ghi danh cần có giấy giới thiệu của cha chánh xứ, nơi gia đình mình đang cư trú. Những ai là người Công Giáo, khi đi ghi danh xin mang theo sổ Gia đình Công Giáo. Sau khai giảng sẽ không nhận ghi danh nữa.

2. Một ân nhân ủng hộ Ca đoàn Thiếu Nhi: 6.000.000 đ

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 850

                   


                  CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN NĂM C

LỜI CHÚA: Lc 5,1-11

 Khi ấy, dân chúng chen nhau lại gần Ðức Giêsu để nghe lời Thiên Chúa, lúc đó Người đứng ở bờ hồ Giênêsarét. Người trông thấy hai chiếc thuyền đậu gần bờ; những người đánh cá đã ra khỏi thuyền và họ đang giặt lưới. Người xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông đưa ra khỏi bờ một chút. Rồi Người ngồi trên thuyền, giảng dạy dân chúng. Vừa giảng xong, Người bảo ông Simon rằng: “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu, và thả lưới bắt cá”. Ông Simon thưa Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới”. Các ông đã thả lưới và bắt được rất nhiều cá; lưới các ông hầu như bị rách. Bấy giờ các ông làm hiệu cho các bạn đồng nghiệp ở thuyền bên cạnh đến giúp đỡ các ông. Những người này tới, họ đổ cá đầy hai chiếc thuyền, đến nỗi những thuyền chở nặng gần chìm.

Thấy thế, ông Simon sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi”. Ông kinh ngạc và tất cả mọi người ở đó với ông cũng kinh ngạc trước mẻ cá mà các ông vừa mới bắt được; cả ông Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, bạn đồng nghiệp với ông Simon cũng thế. Nhưng Chúa Giêsu phán bảo ông Simon rằng: “Ðừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta”. Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người.

SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên, đặc biệt là cuộc gặp gỡ giữa Ngài và ông Simon Phêrô. Qua phép lạ mẻ cá lạ lùng, Chúa Giêsu không chỉ cho thấy quyền năng của Ngài, mà còn mời gọi các môn đệ bước vào sứ mạng cao cả: trở thành những “ngư phủ lưới người”.

1. Thất bại và quyền năng của Thiên Chúa

Phêrô và các bạn chài đã vất vả suốt đêm nhưng không bắt được gì. Đây là hình ảnh của sự thất bại, mệt mỏi và bất lực mà con người phải đối diện trong cuộc sống.  Nhưng chính trong lúc thất vọng ấy, Chúa Giêsu xuất hiện và bảo Phêrô: “Hãy chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” Ban đầu, Phêrô có thể hoài nghi, nhưng ông vẫn vâng lời Chúa. Kết quả là một mẻ cá đầy ắp, ngoài sức tưởng tượng. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng, khi tin tưởng và làm theo lời Chúa, Ngài sẽ thực hiện những điều kỳ diệu trong cuộc đời chúng ta.

2. Khiêm tốn trước sự thánh thiện của Chúa

Chứng kiến phép lạ, Phêrô cảm nhận được sự bé nhỏ và tội lỗi của mình, nên đã thưa với Chúa: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi.” Cũng vậy, mỗi người chúng ta khi đứng trước Chúa, có lẽ cũng cảm thấy bất xứng và tội lỗi. Nhưng điều tuyệt vời là Chúa không xua đuổi Phêrô, trái lại Ngài khẳng định: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” Chúa không nhìn vào quá khứ hay sự yếu đuối của chúng ta, mà Ngài nhìn vào tương lai và khả năng mà chúng ta có thể làm khi bước theo Ngài.

3. Đáp lại lời mời gọi của Chúa

Một quyết định đầy dứt khoát và tin tưởng. Họ không chỉ bỏ lại thuyền, lưới, mà còn từ bỏ cuộc sống cũ để bước vào hành trình mới với Chúa Giêsu. “Ngư phủ lưới người”, nghĩa là đem Tin Mừng đến cho người khác, mỗi Kitô hữu đều có sứ mạng làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày: nơi gia đình, trường học, công sở và cộng đồng.

Chúa Giêsu vẫn đang mời gọi chúng ta hãy ra khơi, dấn thân và tín thác vào Ngài. Đừng sợ thất bại hay bất xứng, vì chính Ngài sẽ ban sức mạnh để chúng ta thực hiện sứ mạng cao cả. Hãy mở lòng đón nhận lời Chúa và can đảm bước theo Ngài với trọn niềm tin yêu.

Cầu nguyện:  Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết lắng nghe và thực hành lời Chúa trong cuộc sống. Xin ban cho chúng con lòng can đảm để dám bước theo Chúa, sẵn sàng bỏ lại những gì cản trở chúng con đến gần Ngài. Xin giúp chúng con trở thành những chứng nhân của Chúa giữa thế giới hôm nay. Amen..

TIN TỨC

MỘT LINH MỤC LÀO GỐC VIỆT SẼ ĐƯỢC TẤN PHONG GIÁM MỤC

Ngày 25 tháng Ba tới đây, một linh mục Lào gốc Việt, cha Antôn Hoàng Hữu Thư, sẽ được tấn phong giám mục và đảm nhận nhiệm vụ Đại diện Tông tòa Địa phận Viên Chăn, thủ đô Lào. Cha đã được Đức Thánh cha Phanxicô bổ nhiệm ngày 23 tháng Mười Hai năm 2024, khi thông báo nhận đơn từ nhiệm, vì lý do tuổi tác, của Đức Hồng y Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun, 80 tuổi.

Đức cha Antôn Hoàng Hữu Thư, tên tiếng Lào là Adoun Hongsaphong, năm nay 61 tuổi, sinh ngày 04 tháng Tư năm 1964, tại Paksé, học Triết và Thần học tại Đại chủng viện thánh Carlo Borromeo và tốt nghiệp Cao học Thần học tại Đại học Fribourg, bên Thụy Sĩ. Thụ phong linh mục ngày 03 tháng Chín năm 1994 và thuộc Địa phận đại diện Tông tòa Paksé ở miền trung Lào.

Sau đó, cha được gửi sang Roma du học và đậu Cao học giáo luật tại Đại học thánh Tôma Aquinô, quen gọi là Angelicum (1994-1996). Trở về nước, cha lần lượt đảm nhận các nhiệm vụ: Cha phó nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Ubon Ratchatani, bên Thái Lan (1997-1999); Thẩm phán tòa án của Tổng giáo phận Tharé-Nonseng, Thái Lan (1999-2005), đồng thời làm cha sở giáo xứ Thánh Gia ở Ban Nongkhu, Thái Lan (1999-2005).

Sở dĩ cha Hoàng Hữu Thư hoạt động ở vùng đông bắc Thái Lan, vì khu vực này chỉ cách Paksé với sông Mekong và dân chúng nói cùng một ngôn ngữ như người Lào.

Từ năm 2005, cha Hoàng Hữu Thư làm Giám đốc Đại chủng viện dự bị ở Paksé trong chín năm (2005-2014), đồng thời làm cha sở nhà thờ Chính tòa và phụ trách 12 giáo họ thuộc Địa phận đại diện Tông tòa Paksé (2005-2014). Cùng thời gian đó, cha Antôn Thư làm giáo sư về giáo luật, các bí tích, đại kết, dẫn nhập Kinh thánh tại Đại chủng viện quốc gia ở Thakeh (từ 2005); Rồi cha phụ trách mục vụ cho 11 giáo họ thuộc Địa phận Paksé từ năm 2014.

Giáo hội Công giáo tại Lào chỉ có khoảng gần 53.000 tín hữu Công giáo trên tổng số 7 triệu 300.000 dân, hầu hết theo Phật giáo. Giáo hội tại nước này có bốn địa phận Đại diện Tông tòa là Viên Chăn, Paksé, Savannakhet và Luang Prabang.

Theo Niên giám 2023 của Tòa Thánh, Paksé có đông tín hữu Công giáo nhất, với 22.000 người, tiếp đến là Viên Chăn 14.000, tương đương với 0,6% trên tổng số 2,5 triệu dân cư. Thứ ba là Savannakhet có 12.000 và sau cùng là Luang Prabang chỉ có 2.600 tín hữu Công giáo. Địa phận bé nhỏ này do cha Tito Banchong, thuộc Dòng Hiến Sinh Đức Mẹ Vô Nhiễm (OMI), làm Giám quản Tông tòa trong 10 năm, từ 1999 đến 2019, sau đó thì không có ai kế nhiệm. Cha mới qua đời tại Viên Chăn ngày 25 tháng Giêng vừa qua, hưởng thọ 78 tuổi, sau thời gian dài chịu đựng bệnh tật. Cha từng bị Pathet Lào cầm tù trong 7 năm trời và không có một tin tức nào, khiến người ta nghĩ rằng cha đã chết.

Đức Hồng y Louis Marie Ling của Viên Chăn đã gọi cha Tito Banchong là “một vị tử đạo từ từ”.

ĐỨC HỒNG Y ARBORELIUS: CÔNG GIÁO THỤY ĐIỂN CẦU NGUYỆN CHO CÁC NẠN NHÂN VỤ THẢM SÁT TẠI TRƯỜNG HỌC

Hôm mùng 04 tháng Hai vừa qua, lúc 12 giờ 30 trưa, một người 35 tuổi đã xả súng máy bắn chết 11 người, tại một trường cho người lớn ở Orebro, cách thủ đô Stockholm 200 cây số về hướng tây, rồi sau đó tự sát. Đã có nhiều người khác bị thương. Vụ này đã gây rúng động trong dư luận tại Thụy Điển.

Tuyên bố với hãng tin Sir của Hội đồng Giám mục Ý, truyền đi hôm mùng 05 tháng Hai vừa rồi, Đức Hồng y Anders, Dòng Cát Minh nhặt phép, bày tỏ đau buồn và nói rằng: “Cùng với toàn nước Thụy Điển, các tín hữu Công giáo chúng tôi khóc thương các nạn nhân vụ tấn công tàn bạo ở Oerebro và cầu nguyện cho họ. Bạo lực và những vụ bắn nhau dường như tiếp tục gia tăng. Chúng tôi cầu xin Chúa để sự thiện và sự hòa hợp có thể trổi vượt tại đất nước chúng tôi”.

Giáo xứ Công giáo thánh Eskil ở Oerebro tiếp tục hoạt động: cửa nhà thờ được mở từ 4 giờ chiều, ngày 05 tháng Hai để mọi người có thể đến thắp nến cầu nguyện cho thành phố và cho các nạn nhân vụ tấn công. Lúc 6 giờ chiều sau đó sẽ có thánh lễ cầu nguyện cho các nạn nhân.

THÔNG BÁO

Các lớp Giáo lý Hôn Nhân và Dự Tòng khóa I - 2025 sẽ khai giảng vào lúc 19g15’ tối thứ Ba ngày 18/02/2025 tại Hội Trường Giáo xứ Chính Tòa. Vì thế, những ai có nhu cầu học các lớp giáo lý này xin vui lòng liên hệ hai cha phó và thầy xứ để ghi danh. Lưu ý, những người ngoài giáo xứ, khi đi ghi danh cần có giấy giới thiệu của cha chánh xứ, nơi gia đình mình đang cư trú. Những ai là người Công Giáo, khi đi ghi danh xin mang theo sổ Gia đình Công Giáo. Sau khai giảng sẽ không nhận ghi danh nữa.

Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2025

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 849

 


CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN NĂM C

LỜI CHÚA: Lc 4,22-40

 Vì Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo Luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là thánh, dành cho Chúa", và cũng để dâng lễ theo quy định của Luật Chúa, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.

Khi ấy, tại Giêrusalem có một người tên là Simêon. Ông là người công chính và sùng đạo, hằng mong đợi niềm an ủi của Israel, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được chiêm ngưỡng Đấng Kitô của Chúa.

Được Thánh Thần thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Đúng lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đưa con vào để làm theo luật định, ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay và chúc tụng Thiên Chúa rằng:

"Lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa,

Ngài để tôi tớ Ngài ra đi bình an,

vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ

Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:

là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,

và vinh quang của Israel dân Ngài."

Cha mẹ Hài Nhi ngạc nhiên về những điều người ta nói về Người. Ông Simêon chúc phúc cho hai ông bà, rồi nói với Maria, mẹ của Hài Nhi:

"Này bà, Thiên Chúa đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng, còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, để những ý nghĩ thầm kín của nhiều tâm hồn phải lộ ra."

Cũng có một nữ ngôn sứ là bà Anna, con ông Phanuel, thuộc chi tộc Asher. Bà đã nhiều tuổi lắm: từ thời con gái, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi ở góa cho đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, nhưng ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa.

Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần, dâng lời cảm tạ Thiên Chúa và nói về Hài Nhi cho tất cả những ai đang mong chờ ơn cứu chuộc Israel.

Khi hai ông bà hoàn tất mọi việc theo Luật Chúa, các ngài trở về miền Galilê, về thành của mình là Nazarét. Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại sự kiện dâng Chúa Giêsu vào đền thờ theo luật Môsê. Đây là khoảnh khắc đầy ý nghĩa không chỉ với Thánh Gia, mà còn với ông Simêon, một người công chính và đạo đức, luôn mong chờ Đấng Cứu Thế. Qua sự kiện này, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm lòng trung tín của Thiên Chúa, vai trò của Đức Maria và Thánh Giuse, cũng như sứ mạng của Chúa Giêsu đối với nhân loại.

1. Lòng trung tín của Thiên Chúa

Ông Simêon là người đã kiên trì chờ đợi lời hứa của Thiên Chúa về Đấng Cứu Thế.  Lời của ông Simêon là minh chứng cho sự trung tín của Thiên Chúa. Ngài không bao giờ thất hứa. Chúa đã thực hiện lời hứa cứu độ qua sự giáng trần của Con Một Ngài. Trong đời sống chúng ta, dù đôi khi phải đợi chờ trong đau khổ hoặc thử thách, hãy nhớ rằng Thiên Chúa luôn giữ lời hứa và can thiệp đúng thời điểm.

2. Gương mẫu của sự vâng phục

Thánh Gia đã trung thành thực hiện luật Môsê khi dâng Chúa Giêsu trong đền thờ. Điều này cho thấy Đức Maria và Thánh Giuse là những người sống đức tin một cách khiêm nhường và vâng phục. Họ không chỉ tuân giữ lề luật cách bề ngoài, mà còn sống trong tâm tình phó thác và yêu mến Thiên Chúa. Họ nhắc nhở chúng ta rằng đời sống đức tin không chỉ là những hành động hình thức, mà phải xuất phát từ tấm lòng yêu mến và tuân phục ý Chúa.

3. Chúa Giêsu – Ánh sáng cho muôn dân

Ông Simêon nhận ra rằng Chúa Giêsu là ánh sáng soi chiếu muôn dân và vinh quang của dân Israel. Ánh sáng ấy không chỉ dành riêng cho một dân tộc, mà cho toàn thể nhân loại. Chúa Giêsu đến để cứu độ mọi người, dẫn đưa họ ra khỏi bóng tối tội lỗi và sự chết, đến với ánh sáng sự sống và ơn cứu độ.

Chúng ta cũng được mời gọi đón nhận ánh sáng ấy và trở thành chứng nhân mang ánh sáng của Chúa đến cho những người xung quanh, đặc biệt là những người đang sống trong bóng tối của nghi ngờ, đau khổ, và thất vọng.

Cầu nguyện:  Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì đã ban Con Một Ngài để cứu độ chúng con. Xin giúp chúng con luôn tin tưởng vào sự trung tín của Chúa, sống đức tin vững vàng như Thánh Gia, và trở nên ánh sáng giữa trần gian. Xin Chúa đồng hành và dẫn dắt chúng con trong mọi bước đường. Amen.

TIN TỨC

ĐỨC THÁNH CHA KÊU GỌI CHẤM DỨT BẠO LỰC TẠI GOMA, CONGO

Đức Thánh cha Phanxicô kêu gọi hòa bình cho Cộng hòa Dân chủ Congo, bên Phi châu: chấm dứt bạo lực và tôn trọng sinh mạng của dân chúng.

Trong Lên tiếng vào cuối tiếp kiến chung khoảng sáu ngàn tín hữu hành hương, sáng thứ Tư, ngày 29 tháng Giêng vừa qua, tại Vatican, Đức Thánh cha nói:

“Tôi bày tỏ lo âu vì tình hình Cộng hòa Dân chủ Congo đang trở nên trầm trọng. Tôi kêu gọi mọi phe phái trong cuộc xung đột này hãy dấn thân quyết tâm ngưng chiến và bảo tồn các thường dân tại Goma và các vùng khác có liên hệ đến các cuộc hành quân”.

Từ vài ngày nay, 3.500 người thuộc lực lượng phiến quân M23 được sự hỗ trợ của nước Rwanda láng giềng đã chiếm được thành phố Goma, thuộc tỉnh Bắc Kivu, mạn đông Congo dân chủ. Vùng này từ lâu vẫn có đụng độ giữa quân đội chính phủ và các nhóm phiến quân. Đây là vùng có nhiều quặng mỏ, trong đó có coltan, Cassiterite, đất hiếm, cần thiết cho công nghệ cao. 80% coltan trên thế giới xuất xứ từ miền Bắc Kivu. Các cuộc xung đột tại đây đã kéo dài từ 30 năm nay và hơn 10 triệu người chết.

Đức giám mục Giáo phận Goma

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, truyền đi hôm 28 tháng Giêng vừa qua, Đức cha Willy Ngumbi, Giám mục Giáo phận Goma sở tại tố giác các vụ phiến quân pháo kính bừa bãi, tàn phá các dinh thự và nhà cửa, cướp bóc các cửa tiệm và kho hàng tại Goma.

Đức cha cũng bày tỏ sự phẫn nộ khi hay tin nhà bảo sanh Charité cũng bị pháo kích làm cho các hài nhi sơ sinh bị thiệt mạng. Những vụ pháo kích mù quáng này cũng xảy ra tại trại tị nạn làm cho nhiều người chết, trong đó có các trẻ em. Đức Cha nói: “Thật là một thảm họa nhân đạo đang xảy ra tại Goma này.” Và ngài kêu gọi các phe tuyệt đối tôn trọng sinh mạng con người và những cơ cấu hạ tầng, công cũng như tư, đồng thời Đức cha kêu gọi hàng giáo sĩ, tu sĩ và các tín hữu cũng như những người thiện chí trợ giúp những người túng thiếu, những người bị nạn trong tình cảnh khó khăn hiện nay.

Cha Edouardo Makimba Milanbo

Cả cha Milando, Tổng thư ký điều hành của Caritas Cộng hòa Dân chủ Congo, bên Phi châu, cho biết dân chúng tại thành Goma và vùng phụ cận đang sống trong tình trạng sợ hãi khôn tả và thiếu thốn.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Sir của Hội đồng Giám mục Ý, truyền đi ngày 28 tháng Giêng vừa qua, cha Milanbo cho biết, từ cuối tuần qua, dân chúng đóng cửa trong nhà, không dám ra ngoài, chợ cũng đóng cửa, dân thiếu điện nước và các nhu cầu khác. nhiều gia đình chạy vào các thánh đường để tị nạn, hoặc các nơi tạm trú khác.

Phiến quân M23, khi tiến vào thành phố Goma, đã đốt phá và cướp bóc. Các nhà thương bị quá tải vì những người bị thương. Tổng cộng, có thêm 180.000 người tản cư, cộng thêm với 680.000 người di tản đã tạm trú trong các trại ở địa phương, tạo nên một sức ép kinh khủng, rất khó đáp ứng các nhu cầu cơ bản của họ.

Cha Milanbo cũng cho biết cả thủ đô Kinshasa cách Goma khoảng 1.500 cây số, tình hình cũng căng thẳng với những cuộc biểu tình, cướp phá và tấn công, ít là ba đại sứ quán các nước Pháp, Rwanda và Uganda là những nước bị coi có liên quan đến hoạt động của các nhóm phiến quân. Một số đại lộ ở thủ đô bị những người biểu tình chặn lại với những hàng rào và đốt lửa, để bày tỏ liên đới với quân đội chính phủ. Nhóm người trẻ biểu tình trước đại sứ quán Mỹ và đốt bánh xe hơi.

THÔNG BÁO

      1. Vào sáng thứ Bảy, ngày 08/02/2025 sẽ có rửa tội cho trẻ sơ sinh. Xin quý cha mẹ có con rửa tội, đến xin giấy giới thiệu nơi Ban Điều Hành Giáo họ, và nộp sổ gia đình về văn phòng Giáo xứ trong tuần này.

2.      Vào lúc 17h45 chiều thứ Hai, ngày 3.2.2025. Lễ kính Thánh Gioan Boscô bổn mạng của Huynh Trưởng. Xin cộng đoàn tham dự Thánh lễ để thêm lời cầu nguyện cho anh chị em Huynh Trưởng.