CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN
Ngày ấy, khi chiều đến, Chúa Giêsu phán cùng các môn
đệ rằng: “Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ”. Các ông giải tán đám đông; vì
Người đang ở dưới thuyền, nên các ông chở Người đi. Cũng có nhiều thuyền khác
theo Người. Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp
đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và
nói: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?” Chỗi dậy,
Người đe gió và phán với biển rằng: “Hãy im đi, hãy lặng đi”. Tức thì gió ngừng
biển lặng như tờ. Rồi Người nói với các ông: “Sao các con sợ hãi thế? Các con
không có đức tin ư?” Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: “Người là
ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?”
SUY NIỆM
Đời
người ai mà chẳng có lúc sóng gió. Có lúc sóng gió tấn công vào chiếc thuyền
nhỏ trong thân phận mỏng manh của đời ta. Ðau khổ bệnh tật, thất bại, cô đơn,
nghèo đói, hiểu lầm, ghen ghét, tai nạn, rủi ro đó là những bão táp cuộc đời.
Ðứng trước những cơn phong ba ấy, chúng ta sẽ như thế nào, liệu chúng ta có còn
niềm tin vào Thiên Chúa nữa không?
Con thuyền của các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay
chính là hình ảnh cuộc đời chúng ta. Thực vậy, cuộc đời chúng ta với bao nhiêu
phong ba bão táp, đó là những thất bại của bản thân, những khó khăn của cuộc
sống, của xã hội, những khổ đau của những người xunh quanh, làm cho chúng ta
nhiều lúc chán nản tuyệt vọng. Tại sao lại có những sóng gió trong cuộc đời?
Phải chăng Thiên Chúa đã bỏ rơi chúng ta? Nhưng có lẽ nguyên nhân trực tiếp
nhất vẫn là do cách đối xử của con người đối với con người trong cuộc sống.
Thực vậy, chính thái độ vô trách nhiệm của những người làm cha làm mẹ đã dẫn
đến tình trạng tuổi trẻ lang thang, bụi đời. Chính sự ích kỷ tàn nhẫn của một
số người đã tước đoạt đi những phương tiện sống và phẩm giá của những người
khác. Nghịch cảnh và sóng gió như vẫn tồn tại song song với số phận và lịch sử
con người. Các môn đệ cũng như chúng ta phải đương đầu, phải đối phó với cuồng
phong. Thế nhưng chúng ta sẽ tìm thấy niềm an ủi nơi Thiên Chúa bởi vì dưới bàn
tay quyền năng và yêu thương của Ngài, sóng gió cũng phải khuất phục và sự bình
an sẽ trở lại với chúng ta.
Lạy
Chúa, Xin cho mọi giông tố trong đời sống không làm chúng con nhát đảm, mất
niềm tin, nhưng luôn tín thác vào lời Chúa: “Các con đừng sợ! Thầy đã thắng thế
gian.”
TIN TỨC
1.
Tổng giáo phận Washington có số tân linh mục cao nhất từ sáu mươi bốn năm nay
Năm
nay, Tổng giáo phận thủ đô Washington, Hoa Kỳ, có số tân linh mục cao nhất từ
sáu mươi bốn năm nay, tức là từ năm 1960, với mười sáu linh mục mới được thụ
phong, hôm thứ Bảy, ngày 15 tháng Sáu vừa qua, tại Vương cung Thánh đường Quốc
gia Đức Mẹ Vô nhiễm. Trong số các tiến
chức, cũng có một người gốc Việt, là cha Nguyễn Thông. Đức ông Robert
Panke, cha sở giáo xứ thánh John Newman ở Gaithersburg, bang Maryland, cựu Giám
đốc Đại chủng viện thánh Gioan Phaolô II ở Washington, nói rằng “Bích chương
quảng cáo lớn nhất cho ơn gọi là một linh mục hạnh phúc, vì bạn tự hỏi các linh
mục có điều gì khiến họ hạnh phúc như vậy. Một linh mục vui tươi dễ làm lây
sang người khác”. Còn cha Anthony Lickeig, Đại diện Giám mục Washington về giáo
sĩ, nói với tờ National Catholic Register rằng: “Con số đông đảo các tân linh
mục như vậy là một phúc lành tuyệt vời của Chúa. Chúa là Đấng kêu gọi và đặt ơn
này nơi tâm hồn của các tiến chức linh mục này”.
2.
Đức Hồng Y Sarah cảnh báo về mối nguy hiểm của “chủ nghĩa vô thần thực tiễn”
ngay cả trong Giáo hội
Hơn
30 năm trước, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã giúp gây ra sự sụp đổ của
Liên Xô, vốn đã tìm cách áp đặt chủ nghĩa vô thần Cộng sản lên quê hương Ba Lan
và phần còn lại của thế giới. “Ở một mức độ nào
đó, chúng ta đã thắng trong cuộc chiến đó,” Đức Hồng Y Robert Sarah đưa ra lập
trường trên trong bài phát biểu tối Thứ Bẩy, 15 Tháng Sáu, tại Đại học Công
Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là CUA, ở Washington, DC. Tuy nhiên, ở một cấp độ khác, cuộc
chiến đó “tiếp tục ở cấp độ toàn cầu và quốc gia”. Nhưng thay vì một chủ nghĩa
vô thần ý thức hệ cứng rắn, đối phương ngày nay là một “chủ nghĩa vô thần thực
tiễn”. Mặc dù có thể không đi quá xa đến mức phủ nhận sự tồn tại của Chúa,
nhưng người ta cho rằng Ngài không liên quan đến cuộc sống hiện đại. Ngài nói, trong
nhiều thập niên kể từ khi Bức màn sắt sụp đổ, “căn bệnh nguy hiểm” này đã hoành
hành khắp Âu Châu, nơi mà đức tin Công Giáo trong nhiều thế kỷ đã định hình và
xác định không chỉ lục địa này mà cả nền văn minh phương Tây, đã chết hoặc đang
hấp hối. Điều đáng lo ngại hơn đối với Đức Hồng Y Sarah là nó đã có được chỗ
đứng trong Giáo hội. Là một tác giả nổi tiếng với việc bảo vệ mạnh mẽ tính chính
thống của Công Giáo, Đức Hồng Y Sarah, người bước sang tuổi 79 vào ngày 15
tháng 6, đã phát biểu và đưa ra một đánh giá thẳng thắn về những gì ngài coi là
sự suy giảm và gạt ra ngoài lề dần dần nhưng đều đặn đối với đức tin tôn giáo ở
phương Tây. “Đó không phải là sự chối bỏ Thiên Chúa một cách trắng trợn,
nhưng nó đẩy Thiên Chúa sang một bên”, bằng một tư duy vô thần thực tiễn. Tuy
nhiên, ngài nói thêm: “Cuộc khủng hoảng sâu sắc không phải nơi thế giới trần
tục và những tệ nạn của nó, mà là sự thiếu đức tin trong Giáo hội”.
3. Đức Hồng Y Koch thảo
luận về việc ‘cải cách’ tín điều của Vatican I về tính bất khả ngộ của Đức Giáo
Hoàng
Trong
một cuộc phỏng vấn về tài liệu nghiên cứu mới của Vatican về tính tối thượng
của Đức Giáo Hoàng và tính đồng nghị, Đức Hồng Y Kurt Koch đã nói về việc “tiếp
nhận lại”, hoặc thậm chí là “cải cách” các giáo huấn của Công đồng Vatican I
(1869- 70) về tính ưu việt và tính bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng. Vị đứng đầu Bộ Cổ vũ sự Hiệp nhất Kitô giáo, nơi đã xuất bản
tài liệu này, nói rằng “vì các định nghĩa tín lý của nó bị ảnh hưởng sâu sắc
bởi các hoàn cảnh lịch sử”, một số đối tác đại kết “đề nghị rằng Giáo Hội Công
Giáo nên tìm kiếm những cách diễn đạt và từ vựng mới trung thành với ý định ban
đầu” tích hợp chúng vào nền giáo hội học hiệp thông và điều chỉnh chúng cho phù
hợp với bối cảnh văn hóa và đại kết hiện nay. Do đó, người ta đang nói đến việc
‘tiếp nhận lại’ hoặc thậm chí ‘cải cách’ những giáo huấn của Vatican I. Đức
Hồng Y Koch nói: “Trong thế giới toàn cầu hóa của chúng ta, chắc chắn có một ý
thức ngày càng tăng về nhu cầu có một mục vụ hiệp nhất ở cấp độ hoàn vũ”. “Vấn
đề đặt ra là phải thống nhất về cách thức thực thi thừa tác vụ này, được Đức
Gioan Phaolô II định nghĩa là ‘sự phục vụ tình yêu’”.
THÔNG BÁO
1.
Thứ Hai, ngày 24/06/2024, Giáo hội mừng kính Thánh Gioan Baotixita, là
bổn mạng của Cha
Phụ tá Gioan Baotixita Nguyễn Đức Long. Và trong Giáo xứ chúng ta cũng có một
số anh em trong Hội đồng nhận Thánh Gioan Baotixita làm bổn mạng. Xin cộng đoàn
tham dự Thánh lễ để cầu nguyện cho Cha phụ tá, và những người có bổn mạng.
2. Thứ Ba,
ngày 27/06/2024 là lễ giỗ của Cha cố Báu, nguyên chánh xứ giáo xứ Chánh Tòa.
Xin Cộng đoàn cùng tham dự Thánh lễ để cầu nguyện cho Cha cố Báu
3.
Thứ Bảy, ngày 29/06/2024, Giáo hội mừng kính Thánh Phêrô và Phaolô, là
bổn mạng của Cha
chánh xứ Phêrô thân yêu của chúng ta. Và Giáo xứ cũng có một
số anh em trong Hội đồng nhận Thánh Phêrô và Phaolô làm bổn mạng. Xin cộng đoàn
tham dự Thánh lễ để cầu nguyện cho Cha chánh xứ, và những người có bổn mạng Thánh
Phêrô và Phaolô.
4. Cũng vào Sáng thứ Bảy, lúc 8g00 ngày 29/06/2024: Quý cha sẽ làm phép
ghe cho các ghe trong Giáo xứ. Vì thế, các chủ ghe có nhu cầu để làm phép
ghe, xin sắp xếp theo sự hướng dẫn của người chịu trách nhiệm, để quý Cha dễ dàng
làm phép cho các ghe.
5. Trong tuần này các ban Điều Hành Giáo Họ sẽ chuyễn đến các gia đình
trong Giáo xứ, bì thư ĐỒNG TIỀN THÁNH PHÊRÔ là quỹ của Giáo hội. Xin
mọi người rộng tay đóng góp cho nhu cầu cần thiết và công việc và của Giáo hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét