Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2021

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 590

 

CHÚA NHẬT II MÙA CHAY B

(Mc 9, 2-10)

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi, trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia và Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu. Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó có một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: "Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?". 

SUY NIỆM

Sự kiện biến hình xảy ra khoảng một tuần sau khi Đức Giêsu báo trước cuộc thương khó và cái chết của Ngài, nhằm củng cố niềm tin nơi các môn đệ để các ông có thể can đảm theo Chúa trên con đường khổ giá.

 Cũng như các môn đệ xưa, chúng ta cùng lên núi cao chiêm ngưỡng Thầy Giêsu trong biến cố Hiển Dung, để hiểu hơn về cuộc Thương khó mà Thầy sắp lãnh chịu. Đó là mầu nhiệm của đau khổ, và cũng là món quà yêu cho đến cùng của Thầy. Vậy, đừng sợ phải đi với Thầy Giêsu lên núi để được biến đổi! Đừng quá gắn bó với vật chất, tiện nghi và tham vọng để rồi ta không thể hướng nhìn lên cao, không thể can đảm “lên núi cao,” không thể biến đổi con người của mình.

TIN TỨC

1.   ĐTC Phanxicô chọn một chuyên gia về lão hóa làm bác sĩ riêng

Ngày 24.02, Đức Thánh Cha đã chọn giáo sư bác sĩ Roberto Bernabei, 69 tuổi, một chuyên gia về lão hóa, làm bác sĩ riêng của ngài, thay thế bác sĩ Fabrizio Soccorsi, người đã qua đời hồi tháng 1 vừa qua do biến chứng Covid-19.

Sau khi tốt nghiệp Y khoa và Phẫu thuật tại Đại học Công giáo Thánh Tâm ở Roma năm 1976, bác sĩ Bernabei học chuyên ngành Nội khoa và Bệnh tim mạch. Ông là giáo sư về nội khoa và lão khoa, và là Giám đốc trường chuyên môn về lão khoa của Đại học Công giáo Thánh Tâm ở Roma; Giám đốc Khoa Lão hóa, Thần kinh, Chỉnh hình và Khoa Đầu cổ của Bệnh viện Đa khoa Đại học Gemelli ở Roma.

Trước đây, bác sĩ Bernabei là Chủ tịch Hiệp hội Lão khoa và điều trị lão khoa của Ý, và là cũng thành viên của Hàn lâm viện Y học của châu Âu về Lão hóa. Ông đã xuất bản nhiều công trình và đóng góp mang tính khoa học.

Ngày 5 đến 8 tháng 3 tới đây, Đức Giáo hoàng sẽ viếng thăm Iraq. Bác sĩ mới của ngài dự kiến sẽ tháp tùng ngài trong chuyến tông du này.

Hồng Thủy

2.      ĐTC gửi sứ điệp cho các nhà tổ chức sáng kiến quyên góp vật tư y tế cho Peru chống đại dịch

Trong thư được ký bởi Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, gửi cho Đức tổng giám mục Miguel Cabrejos của Trujillo, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Peru, Đức Thánh Cha trìu mến chào “các nhà tổ chức và cộng tác viên của sáng kiến liên đới Respira Perú. Sáng kiến này đang làm rất nhiều điều tốt để giúp đỡ những người bị Covid-19 và gia đình của họ.”

Đức Thánh Cha khuyến khích họ “chuyển trao sự dịu dàng của Thiên Chúa đến với mọi người thông qua sự quan tâm, xây dựng một xã hội nhân đạo và huynh đệ hơn, trong đó chúng ta đảm bảo rằng không để ai bị cô đơn, không ai cảm thấy bị loại trừ hoặc bị bỏ rơi.”

Sứ điệp của Đức Thánh Cha được gửi trước cuộc hội đàm lần thứ hai của sáng kiến Respira Perú vào thứ Bảy 20.02 với mục tiêu quyên góp thêm dụng cụ cung cấp ôxy và thiết bị y tế khẩn cấp để giúp chống lại đợt thứ hai của đại dịch Covid-19 trong nước.

Kết thúc sứ điệp, Đức Thánh Cha xin cầu nguyện cho ngài và công việc phục vụ Dân Chúa của ngài. Đức Thánh Cha khẩn cầu sự chuyển cầu của Đức Mẹ, Sức khỏe của Người bệnh, trên gia đình và những người thân yêu của họ và ban phép lành cho họ. (CSR_1271_2020)

Hồng Thủy

3.   Hội đồng giám mục Đức có nữ Tổng Thư ký đầu tiên

Bà Gilles, phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm chức vụ này, thay thế cha Hans Langendörfer, dòng Tên, đã từ nhiệm hồi tháng 1 sau 24 năm giữ chức vụ này. Bà đã được bầu bởi hội đồng với đa số yêu cầu và sẽ đảm nhận vị trí mới từ ngày 01.07 năm nay.

Bà là chuyên gia về truyền thông tôn giáo trên truyền hình và trong các vấn đề xã hội và lao động. Cho đến nay bà đứng đầu ủy ban về trẻ em, giới trẻ và gia đình trong giáo phận Limburg. Trong quá khứ, bà đã lãnh đạo Viện Giáo dục Công giáo ở Stuttgart trong 10 năm.

Trong cuộc họp báo khai mạc hội nghị trực tuyến, Đức cha Georg Bätzing - giáo phận Limburg, Chủ tịch HĐGM Đức, đã khen ngợi bà Gilles khi nhắc lại rằng "bà được xem là một nhà thần học sâu sắc, được bổ nhiệm vào các cấu trúc khác nhau của Giáo hội Công giáo và được ban tặng các kỹ năng tổ chức tốt nhất". Đối với Đức cha Bätzing, việc bầu chọn bà Gilles là một "tín hiệu mạnh mẽ cho thấy các giám mục đang giữ lời hứa đưa phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo.”

Giới thiệu bản thân trong buổi họp báo, bà Beate Gilles cho biết: “Tôi nóng lòng muốn bắt đầu công việc mới. Sau hơn 10 năm ở Limburg và trước đó là Stuttgart, tôi hy vọng có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của vai trò này. Tôi đánh giá cao sự thành công của người tiền nhiệm của tôi, cha Hans Langendörfer, người đã giúp thành lập ban thư ký và hiệp hội trong hơn hai thập kỷ." “Đây là một giai đoạn đầy thử thách nhưng cũng là một giai đoạn thú vị đối với Giáo hội Công giáo ở Đức. Một cái gì đó mới đã bắt đầu với Con đường Công nghị.”

HĐGM. Đức không phải là HĐGM. đầu tiên có nữ Tổng Thư ký. Tổng Thư ký hiện tại của Hội đồng giám mục Nam Phi cũng là một người nữ, sơ Tshifhiwa Munzhedzi, dòng Đaminh; và đây là phụ nữ thứ hai giữ chức vụ này trong Hội đồng giám mục Nam Phi.

Hồng Thủy

THÔNG BÁO

1. Sáng Thứ Hai (01.03.2021), vào lúc 4g45, Lễ Giỗ 4 năm - Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống.

2. Sáng thứ Sáu (05.03.2021), vào lúc 7g00: trao MTC cho người già và bệnh nhân.

3. Giáo xứ chuẩn bị mở Lớp Giáo Lý Dự Tòng và Lớp Giáo Lý Hôn Nhân, các bạn trẻ nào muốn theo học 2 khóa học này, xin đăng ký tại Văn Phòng Giáo Xứ Chính Tòa vào các ngày trong tuần. (Lưu ý:  Những ai thuộc giáo xứ khác, thì xin giấy giới thiệu nơi Cha xứ của mình, và nộp giấy giới thiệu nơi văn phòng giáo xứ Chính Tòa).

4. Giáo xứ xin cám ơn Anh Chị Dũng - Phượng (Gh. Simon Hòa) ủng hộ 2 cây đàn Second hand, (2 tầng), phục vụ cho thánh lễ.


Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2021

BẢN TIN HÀNG TUẦN 589

 

CHÚA NHẬT I MÙA CHAY B

(Mc 1, 12-15)

Khi ấy, Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa và Người ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống chung với dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Người. Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: "Thời giờ đã mãn, và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng".  

SUY NIỆM

Mùa Chay là một hành trình “chịu cám dỗ” theo chân Chúa Giê-su. Cám dỗ đến từ Xatan, “tên cám dỗ” (Lc 4,3), nhưng cũng có thể do chính chúng ta tiếp tay khi chúng ta không quyết liệt chống lại các khuynh hướng xấu, lúc đó việc chúng ta bại trận là cái kết được báo trước. Người con cái Chúa và môn đệ Chúa Kitô cũng giống như chủ tướng của mình luôn được đặt trong một cuộc chiến với ma quỷ, thế gian và chính xác thịt của mình. Cuộc chiến không khoan nhượng, một mất một còn, dai dẳng suốt cả cuộc đời. Để có thể trụ vững chiến đấu và chiến thắng, ta phải sống tinh thần chay tịnh, khổ chế, làm chủ giác quan, cảnh giác trước những dụ dỗ đường mật của ma quỉ cũng như tính xác thịt yếu mềm của ta, và nhờ ân sủng Chúa trợ giúp, đặc biệt qua các bí tích, cách riêng qua Bí tích Hòa giải.

Sau bốn mươi ngày chay tịnh nơi hoang địa, Chúa chịu cám dỗ; còn ta sau những lần, những ngày ăn uống quá độ, ta lại dễ dàng sa ngã, đầu hàng, thua cuộc trước Xatan.

Vậy, hãy biết đi vào hoang địa của lòng mình, là tìm sự tĩnh lặng bên trong cũng như bên ngoài để ăn năn sám hối, sống kết hiệp thân tình với Chúa. Đó sẽ là quyết tâm của tôi trong Mùa Chay năm nay.

TIN TỨC

1.      Đối với Đức Phanxicô, Mùa Chay phải là một thời gian hy vọng

Trong sứ điệp Mùa Chay 2021, Đức Phanxicô mời gọi người Công giáo trở nên chứng nhân cho niềm hy vọng, ngay cả khi điều đó có vẻ bị “thách đố” khi đối diện với dịch Covid-19. Đặc biệt ngài mời gọi gần gũi với những ai bị ảnh hưởng bại cơn đại dịch.

 Mùa Chay, cũng như tất cả đời sống Kitô hữu, “đã hoàn toàn được đặt dưới ánh sáng của sự phục sinh”. Chính với xác tín về một kết cục tích cực này mà Đức Phanxicô đề nghị bước vào bốn mươi ngày chay thánh trước lễ Phục Sinh, trong sứ điệp Mùa Chay 2021 của ngài.

Đối với Đức Phanxicô, cung giọng này là một sự chọn lựa cương quyết đang khi thế giới đắm chìm trong một “khung cảnh lo ngại”“nơi mọi sự tỏ ra mong manh và không chắc chắn”. “Nói về hy vọng xem ra bị thách đố” khi đứng trước đại dịch covid-19. Nhưng cũng không kém phần bổn phận đối với các Kitô hữu, vì họ biết rằng “hy vọng, đó là kín múc ơn tha thứ của Chúa Cha”. Vì thế, họ có thể “tin tưởng rằng lịch sử không chấm dứt với những lầm lỗi của chúng ta, với những bạo lực và bất công của chúng ta,” và đến lượt họ trở thành “tác nhân của sự tha thứ”.

 Đối với Đức Thánh Cha, các phương thế của Mùa Chay – ăn chay, cầu nguyện và bác ái – là “những điều kiện” và là “những biểu hiện” của sự hoán cải mở ra cho hy vọng. Ăn chay là “trải nghiệm về một sự nghèo khó tự nguyện” để “giải thoát cuộc sống của chúng ta khỏi tất cả những gì đang chất đầy nó”. Bắt đầu với “sự quá đầy ứ thông tin, thật hay giả này, và những sản phẩm tiêu thụ”. Như thế có thể “tập trung sự chú ý vào người khác bằng cách coi người ấy như chính mình”. […]

(Tác giả: Xavier Le Normand - Chuyển ngữ: Tý Linh)

2.      ĐTC chúc mừng Radio Vatican nhân dịp 90 năm thành lập

Nhân kỷ niệm 90 năm thành lập của Radio Vatican – Đài phát thanh của Đức Giáo hoàng – Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi sứ điệp cảm ơn Radio Vatican...

Đức Thánh Cha bắt đầu sứ điệp như sau: “Các anh chị em thân mến, chúc mừng ngày kỷ niệm thành lập. Điều quan trọng là gìn giữ ký ức lịch sử của chúng ta và không hoài niệm quá khứ cho bằng hướng về tương lai mà chúng ta được kêu gọi xây dựng. Cảm ơn công việc của anh chị em. Cảm ơn tình cảm mà anh chị em đã gửi gắm vào đó. Đài phát thanh có vẻ đẹp này: nó mang lời nói đến tận những nơi xa xôi nhất. Và ngày nay nó kết hợp với hình ảnh và bản văn. Anh chị em hãy tiến bước cách dũng cảm và sáng tạo trong cách nói với thế giới và do đó xây dựng một cách truyền thông có khả năng giúp chúng ta nhìn thấy sự thật của sự vật.”

Hồng Thủy

3.      Đợt giá rét chưa từng thấy khiến 20 người thiệt mạng ở Mỹ

Theo CNN, ước tính một phần tư khu vực ở Texas đang nằm trong tình trạng khẩn cấp. Hàng triệu người sống trong cảnh không có điện sưởi ấm, hệ thống dẫn nước và mạng lưới cung cấp nhiên liệu tê liệt.

 Không ít người dân Texas phải đi lấy củi về sưởi ấm cầm cự qua ngày. Barbara Martinez là cư dân sống ở thành phố Houston, thủ phủ bang Texas. Cô nói trên CNN rằng mình đã sống trong cảnh không có điện từ ngày 14-16.2 và chỉ cầm cự bằng cách đốt củi.

 “Chúng tôi có điện trở lại trong 4 giờ, sau đó lại mất điện. Tình trạng cứ lặp đi lặp lại như vậy”, cô nói vào sáng ngày 17.2. “Hiện tại hoàn toàn không có điện”.

 Ở thành phố Dallas, nơi nhiệt độ vào tháng 2 luôn trên 10 độ, cư dân Thomas Black chia sẻ bức ảnh quạt treo trên trần nhà đóng băng hoàn toàn. Nhiệt độ ở thành phố luôn dao động dưới ngưỡng 0 độ C.

 Black mô tả cảnh tượng “như ngày tận thế” từ sáng sớm ngày 15.2. Đợt bão tuyết đem giá rét ập đến khiến hệ thống đường ống dẫn nước bị thủng, rò nước và đóng băng quạt treo trên trần nhà.

 Black cũng mô tả anh nhìn thấy những cảnh tượng “siêu thực”. Ví dụ như hồ nước đóng băng hoàn toàn, cảnh tượng đóng băng xảy ra cả ở bên trong nhà.

 “Hiện tượng vỡ đường ống nước xảy ra ở khắp nơi”, Black nói, mô tả khu tòa nhà anh sống bị mất nước, nhưng may mắn là vẫn có điện.

 Ít nhất 20 người đã thiệt mạng ở Mỹ vì trong đợt giá rét chưa từng thấy. Tính đến sáng ngày 17.2 (giờ địa phương), vẫn còn khoảng 3 triệu người Texas sống trong cảnh mất điện.

 Nhà khí tượng Brandon Buckingham mô tả người dân Texas đang trải qua “đợt giá rét lớn nhất trong cả một thế hệ”. Hiện chưa rõ nước Mỹ khi nào mới vượt qua đợt giá rét kỷ lục này.

PHỤNG VỤ

Thứ Hai, 22.02.2021, Lập Tông Tòa Thánh Phêrô, Lễ kính.

THÔNG BÁO

1. Chúa Nhật tới - Chúa Nhật II Mùa chay, Cha Phaolô Nguyễn Bá Huân, chính xứ Thánh Mẫu (nguyên là phó xứ Chính Tòa), đến dâng thánh lễ và xin tiền xây dựng nhà thờ. Xin OBACE. quảng đại đóng góp xây dựng công trình nhà thờ Thánh Mẫu.

2. Sáng thứ Bảy (27.02.2021), vào lúc 7g00: rửa tội cho trẻ sơ sinh. Xin quý cha mẹ có con rửa tội, đến xin giấy giới thiệu nơi BĐH. giáo họ, và nộp sổ gia đình về văn phòng giáo xứ trong tuần này.

Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2021

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 588

 

CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN B

(Mc 1, 40 - 45)  

Khi ấy, có một người bệnh cùi đến van xin Chúa Giêsu và quỳ xuống thưa Người rằng: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch". Động lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: "Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh". Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch. Nhưng Người nghiêm nghị bảo anh đi ngay và dặn rằng: "Anh hãy ý tứ đừng nói cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng của lễ theo luật Môsê để minh chứng mình đã được khỏi bệnh". Nhưng đi khỏi, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó, nên Chúa Giêsu không thể công khai vào thành nào được. Người dừng lại ở ngoài thành, trong những nơi vắng vẻ, và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người. 

 SUY NIỆM

Phong hủi đối với người Do thái là chứng bệnh ghê tởm, nhơ uế. Bệnh nhân phải tuyệt thông với mọi người. Ai tiếp xúc với họ cũng bị coi là ô nhơ. Vì thế người phong hủi thường ở những nơi cách biệt. Nếu đi đến đâu họ phải la lớn để mọi người biết mà tránh xa. Thân phận người phong hủi thật đáng buồn tủi. Bài Tin Mừng hôm nay cho biết người phong hủi dám đến và xin Đức Giêsu chữa lành. Điều đó chứng tỏ bệnh nhân có một niềm xác tín vào Đức Giêsu. Đức Giêsu vừa quyền phép lại vừa rất yêu thương. Đến với Ngài, chắc chắn sẽ không phải thất vọng.

Chúa không chê người phong hủi nhơ bẩn. Chúa không gớm ghét thân phận tội lỗi của loài người chúng con. Chúa càng yêu thương bệnh nhân bao nhiêu, Chúa càng phẫn nộ với bệnh tật bấy nhiêu. Xin cho chúng con cũng biết yêu thương những người yếu đuối, bệnh tật. Xin cho khoa học tiến bộ để giúp con người mạnh khỏe an vui. Thiên Chúa chỉ được vinh danh khi con người được hạnh phúc. Amen.

TIN TỨC

1.     ĐTC Phanxicô chúc mừng Tết nguyên đán các nước

Sau bài giáo lý, Đức Thánh Cha chúc mừng Tết Nguyên đán các nước ở vùng Viễn Đông và những nơi khác trên thế giới. Ngài nói: “Hàng triệu người sẽ đón Tết Nguyên đán vào thứ Sáu, ngày 12 tháng Hai tới đây. Tôi xin gửi đến tất cả anh chị em và gia đình lời chúc chân thành và lời cầu chúc năm mới sẽ mang lại những hoa trái của tình huynh đệ và liên đới.”

Đức Thánh Cha cũng nhắc nhủ: “Vào thời điểm đặc biệt này, khi chúng ta đang rất lo lắng về việc đối mặt với những thách thức của đại dịch gây ảnh hưởng đến con người về thể chất và tinh thần, nhưng cũng ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội, tôi hy vọng rằng mọi người đều có thể được tràn đầy sức khỏe và sự bình an trong cuộc sống.”

Cuối cùng, trong khi mời gọi cầu nguyện cho ơn hòa bình và mọi điều tốt đẹp khác, Đức Thánh Cha muốn nhắc nhở mọi người rằng những điều này đạt được nhờ lòng tốt, sự tôn trọng, tầm nhìn xa và lòng dũng cảm. Ngài mời gọi: “Đừng bao giờ quên ưu tiên chăm sóc những người nghèo nhất và yếu đuối nhất.”

Đức Thánh Cha cũng bày tỏ sự gần gũi với các nạn nhân trong thảm họa lở sông băng ở miền Bắc Ấn Độ, gây ra lũ lụt dữ dội tàn phá các địa điểm xây dựng của hai nhà máy điện. Đức Thánh Cha nói: “Tôi cầu nguyện cho những công nhân đã chết, cho gia đình của họ và tất cả những người bị thiệt hại và bị thương.”

Hồng Thủy

2.     ĐTC bổ nhiệm một nữ tu làm Phó Tổng Thư ký Thượng Hội đồng giám mục

Sơ Nathalie Becquart 52 tuổi, người Pháp, thuộc dòng nữ tu thánh Xavie. Sơ đã giữ nhiều chức vụ khác nhau trong các phong trào giới trẻ, thành viên Ủy ban Giám mục của Giáo phận Nanterre, Pháp, Phó chủ tịch của Cơ quan Ơn gọi châu Âu.

Từ năm 2019, sơ là một trong 5 cố vấn, trong đó có 4 phụ nữ, của văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội đồng. Do có kiến thức sâu rộng về mục vụ giới trẻ, sơ Becquart đã tham gia vào việc chuẩn bị cho Thượng hội đồng Giám mục về phân định giới trẻ, đức tin và ơn gọi vào năm 2018, là tổng điều phối viên của một cuộc họp tiền Thượng hội đồng, và tham gia Thượng Hội đồng với tư cách dự thính viên.

Đức Hồng y Grech nói rằng trong chức vụ này, sơ Becquart sẽ có quyền bỏ phiếu trong các Thượng Hội đồng sau này như các thành viên có quyền bỏ phiếu khác. Theo các điều khoản giáo luật hiện hành về việc điều hành Thượng Hội đồng, chỉ các giáo sĩ - tức là các phó tế, linh mục hoặc giám mục - mới có thể là thành viên có quyền bỏ phiếu.

Cha Luis Marín de San Martín 60 tuổi, người Tây Ban Nha, thuộc dòng Augustino. Cha là Văn khố trưởng của dòng Thánh Augustinô từ năm 2008, Phụ tá Tổng quyền của Dòng và Giám đốc Học viện linh đạo Augustinô từ năm 2013.

Là giáo sư thần học, cha Marín đã giảng dạy tại đại học và một số trung tâm Augustinô ở Tây Ban Nha. Cha cũng đã từng là một nhà đào tạo tại chủng viện, cố vấn tỉnh dòng, và bề trên tu viện.

Là Phó Tổng Thư ký Thượng Hội đồng cha sẽ trở thành giám mục hiệu tòa Suliana.

Đức Hồng y Grech nhận định rằng cha Marin có nhiều kinh nghiệm trong việc đồng hành với các cộng đoàn và kiến thức của cha về Công đồng Vatican II sẽ rất quý giá để những gốc rễ của hành trình thượng hội đồng vẫn luôn hiện hữu.” Ngài cũng lưu ý rằng việc bổ nhiệm sơ Becquart và cha Marín “chắc chắn sẽ dẫn đến những thay đổi khác trong cơ cấu của Văn phòng Tổng Thư ký Thượng hội đồng Giám mục.”

Hồng Thủy

3.     Đức Hồng y Rai kêu gọi tổ chức “Hội nghị quốc tế của Liên Hiệp quốc” để cứu Li-băng

Đức Hồng y Rai đã đưa ra lời kêu gọi cộng đồng quốc tế trước sự bất lực và vô trách nhiệm của các nhóm quyền lực của Li-băng. Trong bài giảng, Đức Thượng phụ Maronite một lần nữa lên án các đảng phái và chính trị gia Li-băng. Ngài cáo buộc các cá nhân và đảng phái theo đuổi lợi ích chính trị của trong khi người dân đang chết đói và bị đối xử như “những con cừu bị giết thịt”.

Đức Hồng y nhận xét rằng nhiều tháng trôi qua, họ thậm chí không thể thành lập một chính phủ mới, đó là lý do tại sao hy vọng đã cạn kiệt, và bây giờ giữ im lặng có nghĩa là tự biến mình thành đồng phạm trong các quyết định hình sự. Ngài nhấn mạnh rằng chính phủ của tất cả các quốc gia trên thế giới đã thông cảm với người dân Li-băng, ngoại trừ đất nước của ngài.

Trong bài giảng Đức Hồng y Rai cũng nhắc lại vụ sát hại nhà báo Luqman Selim mới đây, người nổi tiếng với những phê bình chống lại đảng Hezbollah của Hồi giáo Shiite. Ông đã bị sát hại cách mờ ám tại miền nam Li-băng. Ngài mô tả ông Selim là một trong những “nhân vật tốt nhất” trong nước và kêu gọi một cuộc điều tra cẩn thận để xác định những kẻ chịu trách nhiệm cho vụ giết ông, điều mà ngài coi là một “tội phạm chính trị.”

Chính phủ Libăng cuối cùng, do Thủ tướng Hassan Diab đứng đầu, đã thất bại sau các cuộc biểu tình sau vụ nổ ở cảng Beirut vào ngày 04.08 năm ngoái. Sunni Saad Hariri, lãnh đạo của đảng chính trị “Tương lai”, được trao trách nhiệm thành lập một đảng mới nhưng vẫn chưa thể thành lập nội các mới, đặc biệt là do những căng thẳng về thể chế đã nảy sinh giữa Thủ tướng có trách nhiệm thành lập và Tổng thống Aoun về danh sách các bộ trưởng sẽ thành lập nhóm chính phủ.

Hồng Thủy

PHỤNG VỤ

Ngày 17.02.2021, Thứ Tư Lễ Tro, giữ chay và kiêng thịt

 


Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2021

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 587

 


CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN B

(Mc 1, 29-38)  

Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi hội đường, Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các ngài.

Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám: và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người.

Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm thấy Người, các ông nói cùng Người rằng: "Mọi người đều đi tìm Thầy". Nhưng Người đáp: "Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa". Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.


 

SUY NIỆM

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy lịch làm việc dày đặc, không ngừng nghỉ của Chúa Giê-su. Vừa ra khỏi hội đường, Ngài vừa giảng dạy ở đó. Khi  đến nhà mẹ vợ ông Phêrô, Ngài liền chữa bà khỏi cơn sốt. Buổi chiều, “khi mặt trời đã lặn” dân chúng, và những người đau bệnh tụ họp trước cửa nhà, Chúa lại chữa lành và trừ quỷ cho họ. Nhưng dẫu có bận bịu và được quần chúng hâm mộ như thế, Chúa Giêsu vẫn không để mình vương vấn sự thành công và không nhân cơ hội đó để ‘đánh bóng tên tuổi mình’. Ngài luôn kết hiệp thân thiết với Chúa Cha - ngay “từ sáng sớm Ngài đã ra nơi thanh vắng cầu nguyện”, và tiếp tục sứ mạng lên đường rao giảng Tin Mừng Nước Trời những nơi khác.

Trong cuộc sống, có lúc chúng ta cũng có một lịch làm việc dày đặc. Nhưng có khi nào chúng ta lại lao vào công việc tất bật để rồi đánh mất sự quân bình nội tâm, không còn dành thời gian để hồi tâm cầu nguyện, kết hiệp với Chúa ? Có khi nào chúng ta chỉ sống vì công việc mà quyên cả bổn phận yêu thương, bác ái, quan tâm đến tha nhân hay không ?...

Hãy Noi gương Chúa Giêsu trung thành với việc cầu nguyện mỗi ngày dù bạn bận rộn thế nào đi nữa. Và hãy sống cùng, sống với và sống vì người khác nữa.

TIN TỨC

1.      Đức Thánh Cha kêu gọi cử hành Ngày Huynh đệ nhân loại

Ngỏ lời với các tín hữu vào cuối buổi tiếp kiến chung, sáng thứ Tư, 03.02.2021 vừa qua, Đức Thánh Cha nói:

“Ngày mai sẽ cử hành Ngày Quốc tế lần đầu tiên về tình Huynh đệ nhân loại, như Nghị quyết mới đây của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã qui định. Sáng kiến này cũng để ý đến cuộc gặp gỡ ngày 04.02.2019 tại Abu Dhabi, khi tôi và Đại Iman Ahmad Al-Tayyeb của Đền thờ và đại học Al-Azhar của Hồi giáo, cùng ký “Văn kiện về Tình Huynh đệ nhân loại cho hòa bình thế giới và sự sống chung”. Tôi rất vui mừng vì các nước trên toàn thế giới hiệp nhau tham gia việc cử hành này, nhắm thăng tiến đối thoại liên tôn và liên văn hóa. Vì thế, chiều ngày mai tôi sẽ tham dự một cuộc gặp gỡ trực tuyến với Đại Imam của Al-Azhar, với ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres và các nhân vật khác.”

“Nghị quyết vừa nói của Liên Hiệp Quốc nhìn nhận “sự đóng góp mà cuộc đối thoại giữa tất cả các nhóm tôn giáo có thể mang lại để cải tiến ý thức và sự hiểu biết về các giá trị chung được toàn thể nhân loại chia sẻ”. Ước gì đây cũng là kinh nguyện của chúng ta hôm nay và là sự dấn thân của chúng ta mỗi ngày trong năm”.

G. Trần Đức Anh, O.P.

2.      Châu Mỹ Latinh: 37% dân số sẽ ở trong tình trạng nghèo đói vì Covid-19

Bà Alicia Bárcena nói: “Châu Mỹ Latinh và Caribê cần khẩn trương hành động về một hiệp ước xã hội mới, một công cụ chính trị dựa trên cuộc đối thoại rộng rãi để đạt được các thỏa thuận và đồng thuận nhằm đối phó với tình huống hiện tại và suy nghĩ đến việc tái khởi động giữa đại dịch Covid-19”.

Trong bài phát biểu, bà Alicia Bárcena cho biết: “Năm 2020, nghèo đói ở Châu Mỹ Latinh tăng 7,1% (tăng 45,4 triệu người) so với năm trước, đưa tổng số người sống trong tình trạng nghèo đói lên tới 230,9 triệu người (chiếm 37,3% dân số khu vực); và dự kiến ​​sẽ tăng 4,5% (thêm 28,5 triệu người), ảnh hưởng đến 96,2 triệu người (15,5% dân số), với việc họ sẽ không có được những nhu cầu thực phẩm cơ bản”.

“Điều này đòi hỏi những hỗ trợ tài chính khẩn cấp, quyền rút vốn đặc biệt, miễn thuế thương mại, giãn nợ, viện trợ nhân đạo. Đề xuất này phù hợp với chiến lược của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, António Guterres, trong việc kêu gọi, cùng với Jamaica và Canada, mở rộng các công cụ tài chính và xem xét sự bền vững liên quan đến nợ tại các quốc gia như Caribbean vốn không có tài chính để khai thác thị trường”.

Cuối cùng, bà Alicia Bárcena nhấn mạnh rằng hội nhập khu vực sâu rộng phải là một yếu tố thiết yếu của bất kỳ chiến lược nào đề ra từ cuộc khủng hoảng. Điều này đòi hỏi phải tăng cường liên kết sản xuất và thúc đẩy thương mại nội khối Mỹ Latinh.

Văn Yên, SJ

PHỤNG VỤ

CHƯƠNG TRÌNH LỄ TẾT TÂN SỬU 2021

v Thứ Năm, 11.02.2021: 30 Tết

-         Sáng 4g45: Thánh lễ Tạ ơn Tất Niên

-         Tối 21g00: Thánh lễ Giao Thừa (Hái Lộc Lời Chúa)

v Thứ Sáu, 12.02.2021: Mồng 1 Tết

-         Sáng 5g00: Thánh lễ Minh Niên

-         Tối 18g00: Thánh lễ Cầu Bình An Cho Năm Mới

v Thứ Bảy, 13.02.2021: Mồng 2 Tết

-         Sáng 5g00: Thánh lễ Kính Nhớ Ông Bà Tổ Tiên

-         Chiều 17g00: Thánh lễ Chúa Nhật VI TN B

v Chúa Nhật, 14.02.2021: Mồng 3 Tết

-         Sáng 5g00: Thánh Hòa Công Ăn Việc Làm

-         Sáng 7g00: Thánh lễ Chúa Nhật VI TN B

-         Chiều 17g00: Thánh lễ Chúa Nhật VI TN B

(Lưu ý: không có thánh lễ vào lúc 19g00 tối Chúa Nhật như thường lệ)

THÔNG BÁO

1.      1. Để chuẩn bị tâm hồn đón Xuân Mới Tân Sửu  và bước vào Mùa Chay Thánh 2021, các cha sẽ ngồi tòa Giải tội vào ngày Thứ Hai (08.02.2021), thời gian: buổi sáng từ 8g00 - 10g30, buổi chiều: từ lúc 14g00 – 16g30.

2.    2.   Giáo xứ xin cám ơn các ân nhân ủng hộ dịp tết: Tiệm Bánh Mỹ Vũ: 10 triệu, Ghe Mỹ Quang: 7 triệu; 1 ân nhân (Simon Hòa): 5 triệu, Hon đa Phú Sơn 5 triệu và 1 tấn gạo; Vật Liệu Xây Dựng Sơn Thảo: 10 triệu và 500 kg gạo; Chị Hồng (Simon Hòa) 50 kg gạo; Thanh Long Hoàng Diệu: 125 kg Gạo; Anh Chị Tứ Phương (Giuse Lựu): 1 triệu; Chí Hùng (Anrê Kim Thông) 250 kg gạo.