Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2023

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 790

                                  


                        CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN

LỄ TRỌNG, LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ

Lời Chúa: Mt 25, 31-46

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi Con Người đến trong vinh quang, có hết thảy mọi thiên thần hầu cận, Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người. Muôn dân sẽ được tập họp lại trước mặt Người, và Người sẽ phân chia họ ra, như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Chiên thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái. “Bấy giờ Vua sẽ phán với những người bên hữu rằng: “Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta”. “Khi ấy người lành đáp lại rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ chúng con thấy Chúa là lữ khách mà tiếp rước, mình trần mà cho mặc; có khi nào chúng con thấy Chúa yếu đau hay bị tù đày mà chúng con đến viếng Chúa đâu?” Vua đáp lại: “Quả thật, Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta”. “Rồi Người cũng sẽ nói với những kẻ bên trái rằng: “Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc; Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!” “Bấy giờ họ cũng đáp lại rằng: “Lạy Chúa có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, khách lạ hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng con chẳng giúp đỡ Chúa đâu?” Khi ấy Người đáp lại: “Ta bảo thật cho các ngươi biết: những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta”. Những kẻ ấy sẽ phải tống vào chốn cực hình muôn thuở, còn các người lành thì được vào cõi sống ngàn thu”.

SUY NIỆM

Hôm nay cùng với toàn thể Giáo Hội chúng ta họp nhau nơi đây để mừng lễ Đức Giêsu Kitô, Vua vũ trụ. “Vì Ngài đã tiêu diệt mọi đầu mục, quyền năng và thế lực… Kẻ thù cuối cùng sẽ bị tiêu diệt là sự chết”. Với chiến thắng này, Chúa Giêsu đã được Chúa Cha suy tôn làm vua trên toàn thể vũ trụ. Chúa Giêsu đã chinh phục và chiến thắng không phải bằng gươm giáo, nhưng bằng chính tình yêu bao la của mình, một tình yêu sẵn sàng hiến mạng sống của mình cho người mình yêu.

Trong cuộc sống thường ngày, có lẽ chúng ta sẽ thật dễ dàng trong việc cư xử tử tế với những nhân vật quan trọng, hay những người mà chúng ta biết rằng họ sẽ có một hình thức đáp trả lại nào đó cho chúng ta. Trái lại, chúng ta thấy có vấn đề, khi phải cư xử tử tế với những người mà chúng ta không thể trông mong được đáp trả lại, nhất là việc đối xử tốt với một người mà chúng ta biết chắc là ngay cả một lời cám ơn cũng không có thì càng khó khăn hơn nữa. Trong cuộc sống chung quanh chúng ta vẫn còn đó rất nhiều người nghèo: Nghèo cơm áo, nghèo sức khỏe, nghèo tình thương, nghèo hiểu biết, nghèo niềm tin, nghèo đạo đức… Có biết bao cảnh đời thê lương đang bày ra trước mắt chúng ta hàng ngày. Bao nhiêu người chết vì đói ăn. Bao nhiêu người quằn quại trên giường bệnh. Bao nhiêu người dù sống trên nhung lụa nhưng luôn khắc khoải, luôn cảm thấy chơi vơi và thất vọng vì thiếu một niềm tin và hy vọng để bám víu. Bao nhiêu người đang phải khóc thầm ngày đêm vì cô đơn, vì thiếu tình yêu, dù họ đang sống giữa một thế giới đầy người… Những mảnh đời đau thương ấy có thể là người nhà của chúng ta, là người trong cùng xóm ngõ với chúng ta, là người trong cộng đoàn của chúng ta… và biết đâu người đang ngồi bên chúng ta trong nhà thờ lúc này cũng đang phải chiến đấu kịch liệt với những nghiệt ngã ấy? Tất cả những con người đau khổ ấy đang van xin chúng ta một ánh mắt thân thiện và cảm thông. Họ cầu cứu chúng ta một sự chia sẻ và giúp đỡ chân thành. Trái tim con người bình thường đã không cho phép chúng ta đóng cửa lòng và nắm chặt bàn tay mình lại trước những mảnh đời đau thương ấy.

“Mỗi lần anh em làm hay không làm như thế cho một trong các anh em bé nhỏ nhất của Ta đây là anh em đã làm hay không làm cho chính Ta”. Chúng ta đã và đang làm gì để xoa dịu đi nỗi đau khổ trong tâm hồn và thể xác của những người đang sống chúng ta quanh chúng ta? Bên cạnh chúng ta vẫn còn đó những mảnh đời phải kiếm sống ngày, từng bữa cơm.

TIN TỨC

1.  ĐTC Phanxicô: Các nhà truyền thông Công giáo phải kiến tạo nhịp cầu chứ không dựng lên bức tường

Trong buổi tiếp kiến dành cho phái đoàn gồm Liên đoàn toàn quốc các Tuần báo Công giáo, Liên đoàn Báo chí Định kỳ Ý, các hiệp hội “Corallo” và “Aiart - Cittadini mediali”, Đức Thánh Cha nhắc nhở họ rằng truyền thông, là “chia sẻ, dệt nên những sợi dây hiệp thông, tạo ra những cây cầu mà không dựng lên những bức tường”. Đức Thánh Cha khuyến khích phái đoàn các nhà truyền thông Công giáo Ý cổ võ một “nền sinh thái truyền thông” trong thế giới kỹ thuật số và theo gương Chân phước Carlo Acutis. Trong bối cảnh “các xa lộ truyền thông” vĩ đại ngày nay, ngày càng nhanh hơn và quá tải thông tin, Đức Thánh Cha đã mời gọi các nhà truyền thông hãy luôn đi theo ba con đường.

Ø Giáo dục

Con đường đầu tiên là giáo dục. Con đường này rất quan trọng vì “tương lai của xã hội đang bị đe dọa”. Quả thực, giáo dục là cách kết nối thế hệ già và trẻ ngày nay đang đắm chìm trong nền văn hóa kỹ thuật số. Đức Thánh Cha lưu ý đến việc giáo dục giới trẻ về sự “thận trọng và đơn giản” khi vào mạng internet, đặc biệt trên web, “nơi chúng ta không được ngây thơ và đồng thời không được nhượng bộ trước cám dỗ gieo rắc sự tức giận và thù hận”. Theo Đức Thánh Cha, các tuần báo Công giáo đóng một vai trò quan trọng trong việc này: “Chúng không chỉ đưa ra những tin tức thời sự, nhưng còn truyền tải một tầm nhìn nhân bản và Kitô giáo nhằm đào tạo tâm trí và trái tim”. Do đó, ngài khuyến khích các nhà truyền thông thúc đẩy một “nền sinh thái truyền thông” trong cộng đồng, trường học và gia đình: “Quý vị có ơn gọi nhắc nhở mọi người rằng ngoài những tin tức và tin sốt dẻo, luôn có những cảm xúc, những câu chuyện, những con người thực sự cần được tôn trọng”.

Ø Bảo vệ những nhóm yếu thế nhất trong xã hội

Con đường thứ hai Đức Thánh Cha chỉ ra là bảo vệ đặc biệt những nhóm yếu thế nhất trong xã hội, bao gồm trẻ vị thành niên, người già và người khuyết tật, “khỏi sự xâm lấn của các phương tiện truyền thông kỹ thuật số và sự cám dỗ của truyền thông mang tính khiêu khích và mang tính bút chiến”. Ngài khuyến khích các nhà báo Công giáo tiếp tục thúc đẩy nhận thức công dân về vấn đề này mà không sợ hãi, đồng thời lưu ý rằng đó là “vấn đề về nền dân chủ truyền thông”.

Ø Chứng tá

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến con đường làm chứng tá. Ngài trích dẫn mẫu gương của Chân phước Carlo Acutis, người khi còn trẻ, “đã biết cách sử dụng công nghệ truyền thông mới để truyền tải Tin Mừng, truyền đạt các giá trị và vẻ đẹp”. “Chứng tá là lời ngôn sứ, nó là sự sáng tạo, nó giải thoát và thúc đẩy chúng ta rời khỏi vùng an toàn của mình để chấp nhận mạo hiểm” và “trung thành với các định đề của Tin Mừng để đi ngược lại xu hướng: nói về tình huynh đệ trong một thế giới theo chủ nghĩa cá nhân; về hòa bình trong một thế giới đang có chiến tranh; quan tâm đến người nghèo trong một thế giới thiếu kiên nhẫn và thờ ơ”.

2. Tiếp kiến chung 22/11: Tất cả mọi người đều có quyền đón nhận Tin Mừng của Chúa

Trong bài giáo lý trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 22/11/2023, tiếp tục với cảm hứng từ tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha chia sẻ với các tín hữu hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô về chủ đề: Lời loan báo Tin Mừng được dành cho tất cả mọi người. Khi Thiên Chúa chọn một người là để yêu thương mọi người, để đến với nhiều người. Do đó, Kitô hữu có sứ mạng phổ quát, được mời gọi loan báo Tin Mừng cho mọi người, và lời mời gọi của Chúa không phải là đặc quyền nhưng là để phục vụ. Theo Đức Thánh Cha, Kinh Thánh cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa chọn một số người làm nhân chứng cho Người và qua họ, tình yêu của Người đến được với nhiều người hơn, cho đến tận cùng trái đất. Chúa cũng đã chọn chúng ta để truyền đạt thông điệp của Người cho những anh chị em khác chưa biết Người.

THÔNG BÁO

 1/ Thứ Năm, ngày 30/11/2023 vào lúc 5 giờ 30 chiều, Thánh lễ Mừng Kính Thánh Anrê Trần Văn Trông là Thánh Tử Đạo Việt Nam, bổn mạng của Giáo họ Anrê Trông. Xin mời cộng đoàn đi lễ hiệp ý cầu nguyện cho anh chị em Giáo họ Anrê Trông.

2/ Danh sách ủng hộ Giáng Sinh 2023

Stt

Ân Nhân

Số Tiền

01

Quý Souer Cộng đoàn Hàn Thuyên

2.000.000đ

02

Gia đình Anh chị  Long – Hương (Gh. Mt Phượng)

5.000.000đ

03

Chị Thảo Thủ Quỷ (Gx. Chính Tòa)

10.000.000đ

04

Chị Xuân (Ở Mỹ)

1.000 USD

05

Gia đình Anh Hùng (Điện cơ)

2.000.000đ

06

Gia đình Anh chị Gái – Được (Gh. Simon Hòa)

3.000.000đ

07

Một Ân Nhân (Gh. Mt Phượng)

2.000.000đ

08

Gia đình bà Bế (Gh. Simon Hòa)

3.000.000đ

09

Gia đình bà Siểu (Gh. Mt Phượng)

1.000.000đ

10

Anh Lạng  (Văn Thánh)

1.000.000đ

11

Một Ân Nhân (Gx. Đức Thắng)

2.000.000đ

Xin Chúa chúc lành cho quý ân nhân.

Thứ Bảy, 18 tháng 11, 2023

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 789

 


CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN

KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Lời Chúa: Lc 9,23-26

        Khi ấy, Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.

Suy niệm

Hng năm cứ đến ngày này, những người con dân Việt từ khắp muôn phương cùng với Giáo hội hoàn vũ hướng tâm hồn lên một cách đặc biệt để mừng kính Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam. Ðọc lại tiểu sử Các Ngài, chúng ta không thể giấu nổi niềm vui và hãnh diện, cũng như lòng cảm phục đức tin kiên cường của tổ tiên ngàn đời yêu quí. Vì trung thành với Chúa, Các Ngài đã cam chịu thiệt thòi trong đời sống, mất hết chức quyền danh vọng, nhất là phải chịu muôn ngàn khổ hình, chịu mất mạng sống vì Đức tin. Các Thánh Tử Đạo làm chứng cho Chúa bằng cách hy sinh tính mạng. Vậy, trong thời đại hôm nay, người Kitô hữu phải sống đời nhân chứng như thế nào?

Làm sao để chúng ta có thể vẫn ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, là điều không hề đơn giản. Sẽ khó có thể nói được rằng Tử Đạo ở thời nào hay nơi nào khó hơn. Bởi vì, mỗi thời, mỗi nơi, đều có những khó khăn thử thách riêng. Các vị Tử Đạo cha ông chúng ta, đã phải hứng chịu những cuộc bách hại, đặc biệt là những gian khổ về mặt thể lý, như đòn vọt, gông cùm, tù tội… còn chúng ta ngày hôm nay, mặc dù không chịu những thử thách tương tự, thế nhưng để giữ đạo và sống đạo cho đúng với ơn gọi làm người Kitô hữu của mình, chúng ta được mời gọi sống tử Đạo mỗi ngày, chúng ta phải “lội ngược dòng đời”. Đang khi thế gian chạy theo tiền bạc và hưởng thụ, tìm mọi cách để vun vén cho bản thân, chúng ta lại được mời gọi sống cho tha nhân, và mưu cầu hạnh phúc cho người khác. Đang khi cuộc sống hôm nay đầy dẫy những lọc lừa, gian dối, chúng ta lại được mời gọi sống ngay thẳng và làm chứng cho sự thật. Đang khi thế gian coi nhẹ phẩm giá con người, chúng ta được mời gọi tôn trọng sự sống và bảo vệ những mầm sống đó ngay từ những giây phút đầu tiên trong thai bào. Đang khi mối quan hệ gia đình, sự thủy chung trong đời sống vợ chồng ngày một trở nên lỏng lẻo, chúng ta lại được gọi mời sống trung thành với nhau cho đến chết… Và mỗi lần sống như thế, là mỗi lần chúng ta tử đạo.

Mừng lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay, mỗi người chúng ta được mời gọi trở nên những chứng nhân cho Đức Kitô qua đời sống yêu thương phục vụ. Nhờ đó, Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô sẽ được lan tỏa đến tận cùng trái đất.

TIN TỨC

1.  TỔNG GIÁO PHẬN HUẾ CHÀO ĐÓN

ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC PHÓ GIUSE ĐẶNG ĐỨC NGÂN

Ngày 21.9.2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân làm Tổng Giám mục Phó Tổng Giáo Phận Huế. Vào ngày 28.9.2023, phái đoàn Tổng Giáo phận Huế đã có chuyến viếng thăm và chúc mừng ngài tại Tòa Giám mục Đà Nẵng. Ngày 04.11.2023, Đức Tổng Giám mục Phó Giuse chính thức đặt chân đến Tổng Giáo phận Huế, khởi đầu cho hành trình nhận sứ vụ mới tại vùng đất cố đô này. Đoàn xe di chuyển từ Tòa Giám mục Đà Nẵng và di chuyển ra Huế với điểm dừng chân tại Nhà thờ Phù Lương lúc 10g00, sau đó phái đoàn cùng di chuyển về Tòa Tổng Giám mục Huế. Đón tiếp Đức Tổng Giám mục Phó Giuse trong dịp này, về phía Tổng Giáo phận Huế gồm có Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Đức Cha Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng – Nguyên Tổng Giám mục Huế, Cha Tổng Đại diện Antôn, Cha Đại diện Giám mục Giuse, quý Cha Hạt trưởng, quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ, quý chủng sinh nội và ngoại trú. Và phái đoàn Giáo phận Đà Nẵng tháp tùng Đức Tổng Giám mục Phó Giuse còn có Cha Bônaventure Mai Thái – Đại diện Giám quản, quý Cha Hạt trưởng, quý Cha và đại diện Tu sĩ nam nữ và một số hội đoàn trong giáo phận. Trong lời mở đầu, Đức Tổng Giám mục Giuse thay mặt cho toàn thể cộng đoàn dân Chúa trong Tổng Giáo phận Huế chúc mừng Đức Tổng Giám mục Phó Giuse dịp này chính thức đến Huế, và hơn thế nữa niềm vui được nhân thêm khi ngài sẽ tham dự kỳ tĩnh tâm năm cùng với Linh Mục Đoàn trong giáo phận từ ngày 6.11.2023 đến 9.11.2023 tại La Vang. Niềm vui của giáo phận sẽ còn tiếp nối với Thánh Lễ ra mắt vào ngày 10.11.2023 sắp đến tại Nhà thờ Chính Tòa Phủ Cam. Đức Tổng Giám mục Giuse cũng hy vọng qua dịp gặp gỡ này thể hiện cho một tinh thần hiệp hành, cùng đồng hành bên nhau trong suốt thời gian vừa qua và những sự kiện sắp tới. 

Nguồn: tonggiaophanhue.org

2.  HỘI NGHỊ LIÊN HIỆP BỀ TRÊN THƯỢNG CẤP

TẠI GIÁO PHẬN VINH

Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam đã tổ chức hội nghị thường niên lần thứ VIII tại Trung tâm mục vụ Giáo phận Vinh – xã Nghi Diên huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An –  từ ngày 13 đến ngày 16/11/2023, với chủ đề “Trung tín và ở lại trong tình yêu của Thầy”. Hội nghị lần này qui tụ 154 tu sĩ, là bề trên tổng quyền, giám tỉnh, bề trên các dòng tu, tu hội, hiệp hội đời sống thánh hiến và tu đoàn tông đồ đang hiện diện và phục vụ tại 27 giáo phận trong cả nước. Trong buổi tối đầu tiên, tất cả tham dự viên được tiếp đón thân tình bởi đấng bản quyền của giáo phận chủ nhà, Đức Cha Alphonse Nguyễn Hữu Long, cùng với sự hiện diện của Đức Cha Phụ Tá, Cha quản lý và Cha thư ký Tòa Giám Mục. Đức Cha Alphonse nói “Giáo phận Vinh rất vui được chào đón quý bề trên về tham dự hội nghị tại Trung tâm mục vụ của giáo phận. Với Giáo hội Công giáo Việt Nam, đây là tổ chức quan trọng thứ hai sau Hội đồng Giám mục.” Cha Thomas Aquino Nguyễn Trường Tam, Chủ tịch Liên hiệp Bề trên Thượng cấp, nói rằng “các thành viên của liên hiệp háo hức chờ ngày về với Giáo phận Vinh và xin cám ơn giáo phận đã quảng đại đăng cai hội nghị lần này”. Nội dung chính của hội nghị lần thứ VIII là học hỏi văn kiện Hồng ân Trung tín và Niềm vui Kiên trì của Bộ các Tu hội Thánh hiến và Tu đoàn Tông đồ. Các tham dự viên lắng nghe và thảo luận các đề tài “Trung Tín và kiên trì: Thách đố với ý nghĩa của đời sống thánh hiến” và “Thực trạng xuất tu: Nguyên nhân và giải pháp”. Đồng thời, hội nghị cũng quan tâm đến những con số thống kê về đời sống tu trì và ơn gọi, về các trường hợp rời bỏ hội dòng, và thảo luận các vấn đề liên quan đến đời sống tu sĩ trong bối cảnh xã hội tại Việt Nam.

Nguồn: gpvo.org (17.11.2023)

VUI VỚI NGƯỜI VUI

Anh Phêrô Nguyễn Hoàng Tấn Phát, con ông bà: Phêrô Nguyễn Thuận – Anna Nguyễn Thị Huệ, kết hôn với chị Cêxilia Lê Thị Mỹ Hậu, con ông bà: Lê Cao Hà – Nguyễn Thị Hạnh. Đã cử hành bí tích hôn phối tại nhà thờ Chính Tòa, vào lúc 5g30, chiều thứ Ba ngày 14.11.2023.

Anh Phaolô Nguyễn Chánh Tín, con ông bà: Giuse Nguyễn Phú Quốc – Maria Ngô Thị Thanh Liên, kết hôn với chị Anna Huỳnh Thị Mỹ Diệu, con ông bà: Huỳnh Ngọc Huyền – Nguyễn Thị Ánh Huệ.

Và Anh Phêrô Trần Ngọc Lượng, con ông bà: Trần Ngọc Châu – Nguyễn Thị Nhàn, kết hôn với chị Têrêsa Nguyễn Thị Ngọc Nga, con ông bà: Phêrô Võ Văn Sáu – Matta Nguyễn Thị Mỹ Lan. Đã cử hành bí tích hôn phối tại nhà thờ Chính Tòa, vào lúc 5g30, chiều thứ Tư ngày 15.11.2023. Giáo xứ xin chia vui và cầu chúc các đôi bạn sống hạnh phúc trong tình yêu của Thiên Chúa.

THÔNG BÁO

1/ Danh sách ủng hộ Giáng Sinh 2023

Stt

Ân Nhân

Số Tiền

01

Anh Chị Dũng – Nhung  (Gh. Giuse Lựu)

100 USD

02

Anh Chị Dũng – Đức (Gh. Simon Hòa)

2.000.000đ

03

Gia đình Anh Tuệ (Gh. Anrê Kim Thông)

3.000.000đ

04

Chị Lê Hồng Hạnh (Ở Đức)

500 EUR

05

Gia đình Thuận Điệp (Ô-tô Ngọc – Điệp)

5.000.000đ

06

Gia đình Anh Ngà

1.000.000đ

07

Tủ Bánh Pôn

2.000.000đ

08

Bà Huệ

1.000.000

09

Chị Lắm (Ở Mỹ)

1.000 USD

10

Gia đình thầy Thứ

5.000.000đ

11

Gia đình Bà Yến

2.000.000đ

12

Một ân nhân

2.000.000đ

13

Gia đình Ông Quý –  Bửu

2.000.000đ

14

Con Anh Dũng (Gh Giuse Thị)

5.000.000đ

15

Tiệm Hoa Yến Phi

2.000.000đ

16

Nha Khoa Vạn Hạnh

2.000.000đ

17

Một ân nhân

10.000.000đ

18

Anh chị Hùng – Linh (Gx Đức Thắng)

10.000.000đ

Xin Chúa chúc lành cho quý ân nhân.

Thứ Bảy, 11 tháng 11, 2023

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 788

 


CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: Mt 25,1-13

Một hôm, Ðức Giêsu kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này: “Nước Trời cũng giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể. Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn. Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo. Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả. Nửa đêm, có tiếng la lên: “Kìa chú rể, ra đón đi!” Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn. Các cô dại nói với các cô khôn rằng: “Xin các chị cho chúng em chút dầu của các chị, vì đèn của chúng em tắt mất rồi!” Các cô khôn đáp: “Sợ không đủ cho chúng em và các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn”. Ðang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại. Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: “Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với!” Nhưng Người đáp: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô!” Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.”

Suy Niệm

Chờ đợi là hai từ mà chúng ta vẫn nói trên môi. Chờ đợi một ai đó. Chờ đợi một chuyến đi. Chờ đợi một sự kiện. Một ngày có rất nhiều lần chúng ta phải chờ đợi. Nếu một chiều đứng lặng và quan sát nơi đường phố, chúng ta sẽ thấy những chiếc xe đẩy hàng rong chờ đợi người mua, những chiếc taxi xếp hàng dài chờ đón khách, những người đi lại chờ đèn để băng đường, những người ăn xin chờ đợi một tấm lòng, …

Chờ đợi có thể sẽ rất buồn và rất lâu nhưng cũng có thể chờ đợi là niềm vui và hạnh phúc vì người ta chờ đợi sẽ đến, việc ta mong sẽ thành. Ai đó từng nói rằng chờ đợi là hạnh phúc, nhưng cũng có người bảo rằng chờ đợi chỉ mang lại khổ đau. Song, không ai có thể trải qua cuộc sống này mà không một lần chờ đợi. Lời Chúa hôm nay như nhắc nhở thái độ cần có nơi người Kitô hữu chúng ta. Mang danh là Kitô hữu, không đủ! Tham gia vào một số sinh hoạt tôn giáo, không đủ! Cần phải sống hết mình những đòi hỏi của Chúa. Đòi hỏi lớn nhất là yêu thương. Yêu thương thì không có điểm dừng. Yêu thương thì luôn mãi. Yêu thương càng không có ranh giới. Yêu thương mọi người và mọi nơi. Khi chúng ta yêu thương là chúng ta đang thêm dầu vào cuộc đời để thắp sáng tình yêu cho thế gian. Nếu cuộc đời chúng ta không còn yêu thương thì lúc đó ánh đèn cuộc đời ta đã bị dập tắt và chắc chắn không còn đủ ánh sáng đi đón Chúa. Chúa Giê-su nói rằng cuộc sống chúng ta cũng có một bến đợi. Nơi bến đợi đòi hỏi chúng ta phải làm việc. Bến đợi cuộc đời đòi buộc chúng ta phải tỉnh thức. Tỉnh thức để luôn chu toàn bổn phận. Tỉnh thức để luôn chuẩn bị đủ dầu thắp sáng giữa đêm tối đầy những cạm bãy rình chờ. Đừng như những trinh nữ dại vì lười biếng mà bỏ lỡ cơ hội dự tiệc vui Nước Trời. Hãy sẵn sàng như các cô trinh nữ khôn luôn tỉnh thức để được cùng tân lang vào trong phòng tiệc. Đáng tiếc cho các cô khờ là có đèn, nhưng đèn lại không sáng khi Chúa đến, vì Chúa đến quá bất ngờ khiến dầu đã cạn, ánh sáng đã không còn.

Lạy Chúa, xin Chúa giúp chúng con đừng bao giờ để chúng con bị ngụp lặn trong tội lỗi, nhưng luôn sống có mục đích, biết phấn đấu vươn lên không ngừng, biết tránh xa tội lỗi và chu toàn bổn phận của mình. Nhờ vậy, chúng con mới là những người khôn ngoan xứng đáng tham dự tiệc vui Thiên quốc.

 

NGHĨA TRANG THEO NIỀM TIN KITÔ GIÁO

Theo Từ điển Tiếng Việt, nghĩa trang (hay nghĩa địa) là danh từ chỉ khu đất chung dùng làm nơi chôn người chết. Người ta còn dùng từ “tha ma” hay “bãi tha ma” với nghĩa tương tự, mặc dù nó gợi lên cảm giác không được trang trọng cho lắm. Nghĩa trang Công giáo được gọi là “đất thánh”. Đất thánh là phần đất được Giáo hội thánh hoá để chôn cất các tín hữu đã qua đời và chờ ngày sống lại. Với những người có niềm tin vào Đức Kitô, thì không gian này còn mang nhiều ý nghĩa riêng biệt. Trong bối cảnh Giáo hội bước vào tháng 11, tháng cầu nguyện đặc biệt cho các tín hữu đã qua đời, thật hợp lý khi dừng lại suy tư một vài nét ý nghĩa của nghĩa trang theo niềm tin Kitô giáo.

1. Bến đợi của người tín hữu 

Kinh Thánh xác nhận sự thật căn bản: “Thế nào chúng ta cũng phải chết, như nước chảy xuống đất không thể hốt lại được” (2Sm 14,14; x. G 11,16; 14,11-12; Tv 22,15). Tác giả thư gửi tín hữu Hípri lặp lại chân lý ấy trong viễn tượng cánh chung: “Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét” (Hr 9,27). Cái chết là điểm chung của thân phận nhân loại. Đã có ngày sinh ắt có ngày tử và có thể nói, đời sống trên trần gian của con người đang không ngừng đi đến phần mộ. Khi nhìn nhận cái chết là “điểm đợi” của một đời người thì cách nào đó có thể nói, nghĩa trang chính là “bến đợi” của người tín hữu. Sự chết xuất hiện như một kết thúc bình thường của cuộc đời trần thế. Nghĩa trang còn được coi là bến đợi của người tín hữu theo nghĩa, đây là nơi con người gửi lại thân xác chờ đợi ngày được phục sinh, khi xác phải chết được sống lại kết hợp với linh hồn trong ngày Đức Kitô quang lâm.

2. Nơi gặp gỡ giữa người sống và người chết 

Không gian nghĩa địa thường hiu quạnh, lạnh lẽo nhưng lại là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ sống động giữa người sống và người chết. Người còn sống ra viếng mộ để “gặp gỡ” người đã khuất, để nhắc nhớ những kỷ niệm thân thương, để thuật lại cho nhau về những nét nhân đức của người quá cố khi tại thế... Và đối với người tín hữu, đi ra viếng mộ còn để đọc kinh cầu nguyện, dâng lễ (vào các dịp an táng hay trong tháng cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời). Như thế, người chết không bị chôn sâu dưới nấm mồ nhưng vẫn sống trong ký ức, trong tâm khảm, trong sự thương nhớ và cầu nguyện của những người đang sống. Trong chiều hướng ấy, Giáo hội còn ưu ái ban ơn đại xá (nhưng phải nhường lại cho các linh hồn) cho các tín hữu thành kính đi viếng nghĩa địa từ ngày 1 đến ngày 8 tháng 11, dù có cầu nguyện thầm cho các linh hồn. Những ngày khác trong năm, khi đi viếng nghĩa địa và cầu nguyện cho các linh hồn, thì được hưởng nhờ ơn tiểu xá.

3. Điểm hẹn của lòng hiếu thảo 

Nghĩa trang tưởng chừng vắng vẻ heo hút lại chính là điểm hẹn của lòng hiếu thảo. Thật đẹp khi chứng kiến hình ảnh toàn thể gia đình, anh em bạn hữu quây quần bên phần mộ người quá cố để đọc kinh cầu nguyện. Thật giàu ý nghĩa khi nhìn những đứa trẻ vụng về luống cuống đang thắp nhang, cúi đầu trước nấm mộ người thân. Giáo hội không ngừng dạy con cái mình phải tỏ lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ lúc các ngài còn sống cũng như khi đã qua đời, để chu toàn điều răn của Chúa: Thảo kính cha mẹ. Thật vậy, “lòng biết ơn đối với cha mẹ không những phải được thể hiện khi cha mẹ còn sống, mà vẫn còn phải tiếp tục ngay cả sau khi cha mẹ đã qua đời, bằng việc lo an táng, xây đắp và chăm sóc phần mộ, giỗ chạp, hương khói, tưởng nhớ, cầu nguyện và xin lễ cho linh hồn cha mẹ được sớm về hưởng hạnh phúc thiên đàng”.

4. Hướng lòng ngưỡng vọng về Trời cao 

Đứng nơi nghĩa trang, người Kitô hữu được mời gọi vượt quá những nét bi thảm của cái chết. Chúng ta than khóc trước sự ra đi của những người thân yêu bạn hữu là phải lẽ nhưng đừng buồn phiền như những người không có niềm hy vọng (x. 1Tx 4,13). Cái chết của một thành viên trong cộng đoàn (hay ngày giỗ) phải là một dịp khiến người ta vượt quá những viễn cảnh của “thế gian này” và các tín hữu được lôi cuốn đến những viễn cảnh chân thật của đức tin vào Đức Kitô Phục Sinh (SGL 1687). Đó là niềm hy vọng “trời mới đất mới” (2Pr 3,13; x. Kh 21,1), ở đó “sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa” (Kh 21,4). Nhà thần học P. Nouet nói: “Sống là để tìm Chúa, chết là để gặp Ngài, và đời đời được trong tay phải của Ngài”.

Tóm lại: Có thể nói nghĩa trang là bến đợi của người tín hữu, là nơi gặp gỡ giữa người sống và người chết, là điểm hẹn của lòng hiếu thảo. Nơi nghĩa trang, các tín hữu không được dừng lại với sự bi thảm của sự chết nhưng được mời gọi hướng lòng ngưỡng vọng về Trời cao. Hơn nữa, chính tại nghĩa trang cũng là nơi Giáo hội biểu lộ niềm tin của mình vào những tín biểu sau cùng trong kinh Tin kính: “tin xác loài người ngày sau sống lại”, “tin các thánh thông công”, “tin sự sống đời đời”.

THÔNG BÁO

1/ Cảm ơn cộng đoàn trong dịp lễ quyên góp truyền giáo của Giáo xứ chúng ta vừa qua được 37.700.000đ (ba mươi bảy triệu bảy trăm nghìn đồng). 

2/ Danh sách ủng hộ Giáng Sinh 2023

Stt

Ân Nhân

Số Tiền

01

1 Ân nhân Anrê Kim Thông  

100. Đô Úc

02

1 Ân nhân Matthêu Phượng

3.000.000đ

03

Gia đình Anh chị Long – Mai ở Mỹ

200. USD

04

Be Mười con ông Rơi

3.000.000đ

05

Gia đình Anh chị Năm – Phương Anrê Trông

600. Đô Úc

06

1 Ân nhân

5.000.000đ

07

Gia đình Anh chị Chỉ - Bẹp ở Nhật

5.000.000đ

08

Gia đình Anh chị Thái – Hoa ở Mỹ

100. USD

Và 800.000đ

09

Chị Liên ở Úc

2.000.000đ

10

Gia Đình Anh chị Dũng-Phượng (Phó Ngoại Vụ)

5.000.000đ

11

 

 

 Xin Chúa chúc lành cho quý ân nhân.