Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2022

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 721


 CHÚA NHẬT XVIII TN C

Lc 12, 13-21

Khi ấy, có người trong đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi". Người bảo kẻ ấy rằng: "Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi?" Rồi Người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu".

Người lại nói với họ thí dụ này rằng: "Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi, nên suy tính trong lòng rằng: 'Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?' Đoạn người ấy nói: 'Tôi sẽ làm thế này, là phá các kho lẫm của tôi mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: "Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi". Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: 'Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?' Vì kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy".

SUY NIỆM

“Tham lam là cái hố không đáy, làm kiệt sức những người nỗ lực không ngừng nhằm thỏa mãn nhu cầu mà không bao giờ được thỏa mãn” (E. Fromm). Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy cùng đích tối hậu của đời người không phải là tích trữ của cải ở đời này, mà cũng đích tối hạu của con ngưừi là thờ phượng, yêu mến Thiên Chúa, mưu cầu sự sống vĩnh cửu, hạnh phúc muôn đời cho mình và người khác. Một khi xác định được cùng đích tối hậu ấy, ta sẽ đặt tiền bạc, của cải vào đúng vị trí của nó: giúp ta phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân; không tham lam, nhưng hoàn toàn tự do với của cải cuộc đời.

Thật vậy, “Lòng kiêu hãnh, tính ghen tị, sự tham lam – Ba điều này là tia lửa làm bùng ngọn lửa trong trái tim con người” (D. Alighieri). Ngọn lửa nào trong ba ngọn lửa ấy cũng đốt cháy tâm hồn ta, làm tiêu tan bao tâm tình đạo đức với Chúa, tình nghĩa với người thân, cũng như sự an bình trong tâm hồn. Chúng ta cần xem nơi mình có ba tia lửa nguy hiểm ấy không để trừ khử hầu sống đúng với danh nghĩa người con cái Chúa.

BẢN TIN

1. Giáo hội chào mừng bà Droupadi Murmu trở thành Tổng thống Ấn Độ

Ngày 21.07, theo kết quả kiểm phiếu cuộc bầu cử Tổng thống, bà Droupadi Murmu của Liên minh Dân chủ quốc gia cầm quyền đã giành chiến thắng và trở thành Tổng thống Cộng hòa Ấn Độ nhiệm kỳ mới. Với chiến thắng này, bà Murmu là nữ Tổng thống đầu tiên của Ấn Độ có xuất thân từ cộng đồng bộ lạc. Bà sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 15 của Ấn Độ vào ngày 25.07.

Là một giáo viên, sau đó bà Murmu đã tham gia chính trường và nhiều lần được bổ nhiệm giữ các chức vụ quan trọng trong chính quyền địa phương mà gần đây nhất là cương vị nữ Thống đốc đầu tiên của bang Jharkhand. Bà được đánh giá là chính trị gia giàu kinh nghiệm có kiến thức sâu rộng.

Chào mừng sự kiện này, cha Nicholas Barla, đứng đầu Uỷ ban về các Vấn đề Bộ lạc của Hội đồng Giám mục Ấn Độ bày tỏ: “Đó là một khoảnh khắc đáng tự hào đối với tất cả các cộng đồng bộ lạc ở Ấn Độ. Xuất thân từ cộng đồng bộ lạc, bà Murmu có thể hiểu những vấn đề và khó khăn mà các cộng đồng này phải đối diện. Mọi người mong đợi tân tổng thống có thể giải quyết các vấn đề liên quan đến các cộng đồng bộ lạc cách phù hợp”.

Cha Odisha, linh mục cũng xuất thân từ cộng đồng bộ lạc nói: “Công việc của Tổng thống Murmu sẽ có nhiều thách đố với bối cảnh hiện tại đang chứng kiến tình trạng bất ổn cộng đồng, trong đó các bộ lạc và các nhóm thiểu số là nạn nhân. Vì thế, bà cần phải ban hành các luật nhằm nâng cao cuộc sống của các bộ lạc”.

Đức Tổng Giám Mục John Barwa của Cuttack-Bhubaneswar thuộc Bang Orissa, quê hương của bà Murmu nói: “Việc một phụ nữ bộ lạc được bầu làm tổng thống sẽ thực sự đánh dấu một bước ngoặt lớn đối với Ấn Độ. Các cộng đồng bộ lạc và tất cả người dân Ấn Độ có thể cảm thấy tự hào về thực tế một phụ nữ bộ lạc đã đạt được vị trí cao nhất trong chính quyền. Ở Ấn Độ, các bộ lạc vẫn tiếp tục bị xã hội bỏ rơi, lạc hậu và bị bóc lột. Cuộc sống của các nhóm dân cư này gắn liền với nước, rừng và đất nhưng đó cũng là sự tồn tại văn hoá của chúng ta”.

Đức Tổng Giám Mục cho biết thêm, khi quốc gia đang tiến tới lễ kỷ niệm 75 năm Ấn Độ được độc lập, việc bầu chọn người phụ nữ bộ lạc này mang đến niềm hy vọng. Ngài mời gọi mọi người cầu nguyện để tân tổng thống sẽ liên tiếng cho các bộ lạc và giữ vững các giá trị của Hiến Pháp.

Ngọc Yến

2. ĐTC đã lên đường bắt đầu chuyến viếng thăm Canada

Vào lúc 9 giờ 16 phút sáng Chúa Nhật 24.07.2022, theo giờ Roma, chiếc máy bay Airbus A330 của hãng hàng không ITA Airways đã cất cánh từ sân bay Fiumicino của Roma đưa Đức Thánh Cha và đoàn tuỳ tùng đi Canada, bắt đầu chuyến tông du thứ 37 của ngài tại nước ngoài. Chuyến bay sẽ đáp xuống phi trường Edmonton, tỉnh bang Alberta của Canada, sau khoảng 10 giờ bay.

Khởi hành từ nhà trọ thánh Marta ở nội thành Vatican vào lúc khoảng 8 giờ, đến phi trường, ngồi trên xe lăn, Đức Thánh Cha chào các lãnh đạo của hãng hàng không và sau đó lên máy bay bằng một thang nâng.

Sau khi máy bay cất cánh, bay trên vùng trời nước Ý, Đức Thánh Cha đã gửi điện thư chào Tổng thống Sergio Mattarella của Ý, với lời cầu nguyện chân thành cho thiện ích của dân tộc Ý".

Chuyến bay của Đức Thánh Cha sẽ bay qua các nước Ý, Thuỵ Sĩ, Pháp, Anh, Iceland, Đan Mạch, trước khi đến Canada. Theo thông lệ, Đức Thánh Cha đều gửi điện thư đến nguyên thủ các nước này khi chuyến bay của ngài bay ngang qua không phận những nước này.

Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Canada từ ngày 24-29.07.2022, với các cuộc thăm viếng và gặp gỡ tại các thành phố Edmonton, Maskwacis, Québec và Iqaluit, và dự kiến sẽ về đến Roma vào sáng ngày 30.07. Cuộc viếng thăm này được Đức Thánh Cha cho biết là cuộc hành hương hoà giải với các dân tộc bản địa.

THÔNG BÁO

1.Vào lúc 07g00, sáng thứ Bảy (06.8.2022) rửa tội cho trẻ sơ sinh. Xin quý cha mẹ có con rửa tội, đến xin giấy giới thiệu nơi BĐH. giáo họ, và nộp sổ gia đình về văn phòng giáo xứ trong tuần này.

2. Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể xin cám ơn các ân nhân đã ủng hộ cho ngày trại của thiếu nhi vừa qua: 1 ân nhân (Gh. Anrê Kim Thông) 1 triệu, 1 ân nhân (Gh. Anrê Kim Thông) 500 ngàn, Ông Dũng - Phó ngoại giáo xứ 500 ngàn, Bà Thảo  - Thủ quỹ giáo xứ 500 ngàn, Hội Lòng Chúa Thương Xót 50 đô la Úc, 1 ân nhân 3 triệu, Quý Sơ cộng đoàn Hàn Thuyên 1 triệu 500 ngàn, Dì Bảy (Gh. Simon Hòa) 1 triệu, Hội Gia Trưởng giáo xứ 500, Cô Nhật 500 ngàn, Chú Dũng (Gh.Giuse Lựu) 500 ngàn, BĐH. Giáo họ Anrê Trông 500 ngàn, Dì Linh 200 ngàn, 1 ân nhân 200 ngàn, Chị Uyên (cựu Huynh Trưởng) 300 ngàn, và 1 ân nhân 200 ngàn.

3. Giáo xứ xin cám ơn: Ghe Lê Văn Minh ủng hộ giáo xứ 10 triệu và Tiệm bánh Phương Lan ủng hộ giáo xứ 1 triệu. Tiệm sắt  Huy Thái ủng hộ 1 cánh cửa sắt, 1 ân nhân (Gh. Mt Phượng) ủng hộ 1 đèn chiếu sáng Đài Đức Mẹ trị giá 3 triệu.

Giáo xứ gắn hệ thống đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời mỗi cây đèn trị giá 1 triệu 800 ngàn. Nhà thuốc Rạng Danh ủng hộ 2 cây; Anh Phi (Gh.Simon Hòa) 1 cây; Anh Tuệ (Gh.Anrê K. Thông) 1 cây; Anh Chị Trung - Ly 1 cây, Chị Hoa (Lương dân) 1 cây, và 1 ân nhân (Gh. Simon Hòa) 1 cây.

 

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2022

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 720


 C  HÚA NHẬT XVII TN C

Lc 11, 1-13

Ngày kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi kia. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: "Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông". Người nói với các ông: "Khi các con cầu nguyện, hãy nói: 'Lạy Cha, nguyện xin danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ'". Và Người còn bảo các ông rằng: "Nếu ai trong các con có người bạn, giữa đêm khuya đến nói với người ấy rằng: 'Anh ơi, xin cho tôi vay ba chiếc bánh, vì tôi có anh bạn đi đường ghé lại nhà tôi, mà tôi không có gì thết đãi anh ấy'. Và từ trong nhà có tiếng người ấy đáp: 'Xin đừng quấy rầy tôi, vì cửa đã đóng, các con tôi và tôi đã lên giường nằm rồi, tôi không thể chỗi dậy lấy bánh cho anh được'. Thầy bảo các con, dù người đó không dậy vì tình bạn để lấy bánh cho người bạn, người đó cũng sẽ dậy, ít nữa là vì sự quấy rầy của người kia mà cho anh ta tất cả những gì anh ta cần.

"Và Thầy bảo các con: Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho. "Người cha nào trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ư? Hay nó xin cá, lại cho nó con rắn thay vì cá sao? Hay nó xin quả trứng, lại cho nó con bọ cạp ư? Vậy, nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người".

SUY NIỆM

Hôm nay chúng ta nghe lại Lời Chúa hứa: “Ai gõ thì sẽ mở cho.” Liệu chúng ta có xác tín điều này không? Biết bao lần chúng ta đã đụng chạm thực tế rằng không phải bất cứ điều gì chúng ta xin đều được; phải chăng chúng ta có lý để nghi ngờ Lời Chúa? Chắc chắn không phải vậy, Chúa muốn chúng ta khám phá thánh ý Ngài trong những điều không mong muốn: “Chúng ta xin sức khỏe, Chúa lại ban sự yếu đuối để làm việc tốt hơn. - Chúng ta xin giàu sang, Chúa lại ban cho ta nghèo khó để sống khôn ngoan hơn. - Chúng ta xin cho được quyền lực, Chúa lại ban sự hèn mọn để chúng ta ý thức cần đến Người hơn. - Chúng ta xin Chúa ban cho mọi sự để tận hưởng cuộc sống, Chúa lại cho ta cuộc sống để tận hưởng mọi sự. - Tuy chúng ta chẳng được tất cả những gì chúng ta xin, nhưng lại nhận được mọi sự chúng ta cần”.

TIN TỨC

1. ĐTC mời gọi dùng truyền thông để cổ võ đối thoại và hiểu biết lẫn nhau

SIGNIS, tên chính thức là Hiệp hội Truyền thông Công giáo Thế giới, là một phong trào giáo dân Công giáo dành cho các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông, bao gồm báo chí, phát thanh, truyền hình, điện ảnh, video, giáo dục truyền thông, internet và công nghệ mới, có đại diện từ hơn 100 quốc gia.

Đại hội SIGNIS Thế giới năm nay được tổ chức tại Seoul từ ngày 15-18.08, có chủ đề "Hoà bình trong Thế giới Kỹ thuật số". Theo Đức Thánh Cha, đây là chủ đề thích hợp trong bối cảnh bạo lực và xâm lược bùng phát trong thế giới của chúng ta, bởi vì "cuộc cách mạng truyền thông kỹ thuật số trong những thập kỷ gần đây đã chứng tỏ là một phương tiện mạnh mẽ để thúc đẩy sự hiệp thông và đối thoại trong gia đình nhân loại của chúng ta."

Mặt khác, Đức Thánh Cha cũng lưu ý rằng "việc sử dụng các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, đặc biệt là mạng xã hội, đặt ra một số vấn đề đạo đức nghiêm trọng đòi hỏi sự đánh giá khôn ngoan và sáng suốt của các nhà truyền thông và tất cả những người quan tâm đến tính xác thực và chất lượng của các mối quan hệ giữa con người với nhau."

Một số trang truyền thông là nơi độc hại, với ngôn từ kích động thù hận và tin tức giả mạo. Vì vậy, để đối phó với thách thức này, theo Đức Thánh Cha, SIGNIS có thể đóng một vai trò quan trọng thông qua giáo dục truyền thông, kết nối các phương tiện truyền thông Công giáo và chống lại những lời nói dối và thông tin sai lệch. Ngài khuyến khích họ chú ý đến việc hỗ trợ mọi người, đặc biệt là những người trẻ tuổi, phát triển ý thức phê bình đúng đắn, học cách phân biệt thật - giả, đúng - sai, thiện - ác và đánh giá cao tầm quan trọng của việc hoạt động vì công lý, hòa hợp xã hội và tôn trọng ngôi nhà chung của chúng ta.

 Đức Thánh Cha không quên khuyến khích các chuyên gia truyền thông quan tâm, bao gồm những cộng đồng chưa được tham gia vào thế giới kỹ thuật số trong kế hoạch tổ chức của họ. Việc làm này sẽ đóng góp đáng kể vào việc truyền bá văn hóa hòa bình dựa trên chân lý của Tin Mừng.

Hồng Thủy

2. Cử hành 50 năm đời sống thánh hiến phục vụ sự hiệp nhất các Kitô hữu

Đức Tổng Giám Mục Chính thống Athenagoras, Chủ tịch của Cuộc gặp gỡ, đã khai mạc cuộc họp, khẳng định rằng đời sống thánh hiến là nguồn hiệp nhất. Đây cũng là ý nghĩa thông điệp của nữ mục sư Anne Burghard, Tổng thư ký Liên hiệp Tin lành Thế giới.

ĐHY. Kurt Koch, Tổng trưởng Bộ Đối thoại Liên tôn, đã viết cho các tham dự viên rằng các cuộc gặp gỡ của các tu sĩ là một phần quan trọng của đại kết tinh thần, là linh hồn của nhiệm vụ hiệp nhất Kitô giáo. Về phần Đức Thượng phụ Bartôlômêô, trong lời chào mừng, khẳng định rằng các tu viện là cầu nối giữa Đông và Tây, và đưa ra một cuộc phản đối chống lại các con đường tục hóa trong Giáo hội.

Dịp này, trước hết là để tưởng nhớ những vị sáng lập các cuộc gặp gỡ này: Đức Tổng Giám Mục Chính thống Hy Lạp Emilianos Timiadis và cha Julian Garcia Hernando của Giáo hội Công giáo Tây Ban Nha. Cuộc gặp gỡ của hai vị có ý nghĩa quyết định và kết quả là sự ra đời của “Cuộc gặp gỡ quốc tế và liên tôn của các tu sĩ nam nữ”. Rõ ràng, đối với hai vị sáng lập, tầm quan trọng của đời sống tu trì đối với sự hiệp nhất các Kitô hữu đã trở thành một ưu tiên. Sự hiện diện năng động của các Thừa sai Hiệp nhất, một phong trào Công giáo Tây Ban Nha do cha Hernando và các nữ tu Tin lành của Cộng đoàn Grandchamp khởi xướng, cũng nhắc nhở mọi người rằng ngay từ đầu, động lực này đã được thực hiện bởi các cộng đoàn mà sự hiệp nhất là ơn gọi của họ.

Qua câu chuyện về 50 năm trung thành với sứ vụ, các tham dự viên củng cố mong muốn tiếp tục các cuộc họp này. Bởi vì, tại các cuộc gặp gỡ này không có sự vượt trội của Giáo hội này hơn Giáo hội khác. Tinh thần đại kết là học hỏi lẫn nhau và đặc biệt từ Chúa Kitô. Trong những cuộc gặp gỡ này, thực sự có một “đại kết của trái tim”.

Bí tích Thánh Thể và cầu nguyện, trọng tâm đời sống của các cộng đoàn thánh hiến, cũng là trung tâm của cuộc họp này. Những giây phút này vừa là một niềm vui lớn, nhưng cũng là một đau khổ, vì không thể có một sự hiệp thông Thánh Thể cách trọn vẹn. Đặt Lời Chúa ở trung tâm của những buổi họp này trong tinh thần lắng nghe, thinh lặng, chia sẻ và cầu nguyện là nguồn hiệp thông xoa dịu mọi nỗi đau.

Qua suy tư thần học và cầu nguyện, các tu sĩ nam nữ có ý thức phục vụ cho hành trình đại kết của toàn thể Giáo hội. Sự cân bằng tuyệt đẹp được trải nghiệm trong cuộc gặp gỡ này giữa đời sống huynh đệ, cầu nguyện và suy tư thần học, “ba sợi chỉ luôn đan vào nhau”, là một ân sủng có thể biến đổi.

Ngọc Yến

THÔNG BÁO

1. Vào lúc 4g45 sáng thứ Ba, Lễ thánh Gioan Kim và Anna song thân Đức Maria, bôn mạng Giáo lý viên giáo xứ.

2.Vào lúc 07g00, sáng thứ Bảy (30.7.2022) sẽ trao MTC cho người già và bệnh nhân.

3. Giáo xứ và Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể xin cám ơn các ân nhân đã ủng hộ cho ngày trại của thiếu nhi: Hội Bà Mẹ giáo xứ 2 triệu, Ban giáo lý 1 triệu, chị Thân (Gh. Simon Hòa) 500 ngàn, 1 ân nhân (Gh. Simon Hòa) 500 ngàn, Cô Lý (Gh.Simon Hòa) 500 ngàn, phụ huynh bé Kim Anh (Gh. Giuse Thị) 1 triệu, phụ huynh bé Thiện Tâm (Gh. Anrê Trông) 500 ngàn, anh chị Tân Huynh Trưởng 500 ngàn, Cô Tài (Gh. Giuse Thị) 200 ngàn, Cô Liên (Gh. Mt.Phượng) 300 ngàn, Trưởng Nhật Hằng (Gh.Anrê Trông) 200 ngàn, Chú Đăng (Gh. Simon Hòa) 500 ngàn, một ân nhân (Gh. Giuse Thị) 700 ngàn, Ông Báu (Phó Nội) 300 ngàn. Và 1 ân nhân ủng hộ người nghèo 100 đô la Mỹ.

 

Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2022

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 719


 CHÚA NHẬT XVI TN C

Lc 10, 38-42

Khi ấy, Chúa Giêsu vào một làng kia và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: "Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với". Nhưng Chúa đáp: "Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất".

SUY NIỆM

Làng Bêtania cách xa thủ đô Giêrusalem độ ba cây số. Nơi đây có một gia đình đạo đức mà Chúa Giêsu rất yêu quí. Đó là gia đình chị Mácta, Maria và Ladarô.

Lúc Chúa tới, Mácta lo lắng chuẩn bị bữa ăn, trong lúc Maria ngồi yêu bên Chúa để nghe Người giảng dạy. Câu trả lời của Đức Giêsu trước lời đề nghị của Mácta không có nghĩa là Đức Giêsu phủ nhận tất cả sự quan tâm lo lắng của Mácta. Nhưng Đức Giêsu muốn cho thấy một điều cao quí hơn là lắng nghe Lời Chúa. Lo lắng cho Chúa là điều đáng quí, nhưng để hết tâm trí để nghe Lời Ngài mà thực thành theo, lại còn quí hơn.

TIN TỨC

1. ĐTC bổ nhiệm 3 người nữ vào Bộ Giám mục

Ngày 13.07.2022, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm ba người nữ, gồm hai nữ tu và một trinh nữ thánh hiến, làm thành viên của Bộ Giám mục, cơ quan sẽ chịu trách nhiệm đánh giá các ứng viên giám mục cho các giáo phận. Đây là những người nữ đầu tiên được bổ nhiệm làm thành viên của Bộ Giám mục.

 Người thứ nhất là sơ Raffaella Petrini, dòng Phanxicô, đang là Tổng thư ký của Phủ Thống đốc thành Vatican, vị trí thứ hai trong Phủ Thống đốc thành Vatican, kể từ tháng 11.2021.

Tiếp đến là sơ Yvonne Reungoat, bề trên tổng quyền của Dòng Con Đức Mẹ Phù hộ. Năm 2019, nữ tu người Pháp này là một trong bảy phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm làm thành viên của Bộ Tu sĩ.

Và chị Maria Lia Zervino, thành viên của Hiệp hội các Trinh nữ Thánh hiến “Servidoras”, chủ tịch của Liên minh các Tổ chức Phụ nữ Công giáo Thế giới. Chị cũng là cố vấn của Bộ Đối thoại Liên tôn.

Cách nay một tuần, trả lời các câu hỏi phỏng vấn của phóng viên Phil Pullella của hãng tin Reuters, Đức Thánh Cha đã thông báo về việc bổ nhiệm một số người nữ vào Bộ Giám mục; họ sẽ tham gia vào việc chọn các giám mục mới cho các giáo phận.

Cũng trong ngày 13.07.2022, Đức Thánh Cha cũng bổ nhiệm 4 Hồng y, 4 Hồng y tân cử và 2 giám mục làm thành viên Bộ Giám mục.

Cho đến nay, các thành viên của Bộ Giám mục là nam giới và chủ yếu là các Hồng y, và một số giám mục.

Công việc của 24 thành viên của Bộ Giám mục là hỗ trợ việc chọn giám mục cho các giáo phận. Thông thường, Sứ thần Tòa thánh tại một nước chuyển các đề cử và tài liệu cho Vatican. Sau đó, Bộ Giám mục thảo luận về việc bổ nhiệm và tiến hành bỏ phiếu. Các ứng viên sẽ được trình lên Đức Giáo hoàng cùng với các đề cử. Nhưng quyết định cuối cùng trong việc bổ nhiệm giám mục thuộc về Đức Giáo hoàng, và ngài có thể tự do lựa chọn bất cứ ai mà ngài chọn.

Hồng Thủy

2. Các giám mục Hoa Kỳ lo ngại về lệnh hành pháp của Tổng thống Biden thúc đẩy phá thai

Đức Tổng Giám mục William Lori của Baltimore, Chủ tịch Ủy ban về các hoạt động phò sự sống của Hội đồng giám mục Hoa Kỳ, nói rằng quyết định của Tổng thống Mỹ sử dụng quyền lực tổng thống của mình "để thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phá thai ở đất nước chúng ta" là "vô cùng đáng lo ngại và bi thảm."

Đáp lại lệnh hành pháp về việc tiếp cận phá thai - được mô tả bằng những mỹ từ và dễ gây hiểu lầm như là "các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản" - được Tổng thống Biden ban hành ngày 8/7/2022, Đức Tổng Giám mục Lori đã đưa ra tuyên bố tố cáo Tổng thống Joe Biden "sử dụng quyền lực của mình với tư cách là Tổng thống Hoa Kỳ để thúc đẩy và tạo điều kiện cho việc phá thai ở đất nước chúng ta, tìm mọi cách có thể để từ chối quyền con người và quyền dân sự cơ bản nhất, quyền được sống của các trẻ em chưa được sinh ra."

Lệnh của tổng thống bao gồm một loạt vấn đề, trong đó có các thực hành bị phản đối về mặt luân lý như dịch vụ "chăm sóc" phá thai và ngừa thai, cũng như các vấn đề chăm sóc sức khỏe thực sự như đảm bảo phụ nữ được tiếp cận với các dịch vụ y tế khẩn cấp trong trường hợp sẩy thai và mang thai ngoài tử cung.

Đức Tổng Giám mục Lori tố cáo rằng "thay vì sử dụng quyền lực của cơ quan hành pháp để tăng cường hỗ trợ và chăm sóc các bà mẹ và trẻ sơ sinh, mệnh lệnh hành pháp của tổng thống chỉ tìm cách tạo điều kiện cho việc tiêu diệt những con người không có khả năng tự vệ, không có tiếng nói."

Ngài yêu cầu tổng thống từ bỏ con đường dẫn đến chết chóc và hủy diệt này và chọn sự sống," đồng thời nói thêm rằng "Giáo hội Công giáo sẵn sàng làm việc với chính quyền này và tất cả các quan chức được bầu để bảo vệ quyền sống của mỗi con người và đảm bảo các bà mẹ mang thai và nuôi con được hỗ trợ đầy đủ trong việc chăm sóc con cái trước và sau khi sinh.

 Vatican News

3. ĐHY của Sri Lanka kêu gọi Tổng thống và Thủ tướng từ chức như đã hứa

 Trao đổi với báo Crux về tình trạng bất ổn khiến Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa và Thủ tướng Ranil Wickremesinghe tuyên bố từ chức hôm thứ Bảy, Đức Hồng y Ranjith nghi ngờ rằng Tổng thống và Thủ tướng Sri Lanka sẽ thực hiện lời hứa, vì "giới lãnh đạo ở đất nước này có thành tích xấu về việc giữ lời hứa, vì vậy tất cả chúng tôi đang hồi hộp chờ xem liệu tổng thống có giữ lời hứa từ chức hay không."

Trong những năm qua, Sri Lanka đã trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị nặng nề, gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế và dân số, với tỷ lệ đói nghèo và lạm phát tăng cao do người dân phải vật lộn để mua các nhu cầu thiết yếu như thực phẩm và nhiên liệu, và các loại thuốc thiết yếu ngày càng trở nên khan hiếm...

Cuộc khủng hoảng đã gây ra bất ổn chính trị và các cuộc biểu tình đông đảo. Hôm thứ Bảy 09.07.2022, ngày hỗn loạn nhất trong nhiều tháng bất ổn, dân chúng đã xông vào các dinh thự của cả Tổng thống và Thủ tướng, đốt cháy một trong các tòa nhà. Để đối phó với tình hình này, cả hai đều tuyên bố từ chức.

Từ nhiều tháng qua, Đức Hồng y Ranjith đã lên tiếng chống tham nhũng và kêu gọi lãnh đạo chính trị của đất nước từ chức, kêu gọi họ phải chịu trách nhiệm về tình hình hiện tại...

Trong bối cảnh đất nước đang gặp khủng hoảng, Đức Hồng y Ranjith cho biết Giáo hội Công giáo luôn đi đầu trong việc hỗ trợ những người khốn khổ, hoạt động chủ yếu thông qua mạng lưới Caritas giáo phận, với một số trợ giúp từ các chi nhánh Caritas quốc tế. Giáo hội Công giáo và các nhà lãnh đạo từ các cộng đồng tôn giáo khác - bao gồm cả Phật giáo, Ấn Độ giáo và Hồi giáo - đang làm việc cùng nhau để cứu trợ người dân và họ có kế hoạch thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với bất kỳ chính phủ mới nào được thành lập.

Hồng Thủy

THÔNG BÁO

Nhằm mục đích tạo sân chơi, trau dồi kỹ năng, và học hỏi cho các em thiếu nhi trong dịp hè, sau 2 năm không tổ chức trại vì ảnh hưởng dịch Covid. Đoàn Thiếu nhi Thánh Thể xứ sẽ tổ chức 1 ngày trại cho các em. Thời gian: từ 6g00 - 20g30, Thứ Năm, ngày 28.7.2022, tại khuôn viên giáo xứ Chính Tòa. Mong quý phụ huynh tạo điều kiện cho các em tham gia đầy đủ.