Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2024

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 799

 


CHÚA NHẬT IV MÙA THƯỜNG NIÊN

LỜI CHÚA: Mc 1, 21-28

Ðến thành Ca-phác-na-um, ngày nghỉ lễ, Chúa Giê-su vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ. Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi ông Giê-su Na-da-rét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giê-su quát bảo nó rằng: “Hãy im đi và ra khỏi người này!” Thần ô uế liền dằn vặt người ấy, thét một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái gì vậy? Ðấy là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh Người”. Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Ga-li-lê-a.

SUY NIỆM.

Từ ngàn xưa, ma quỷ luôn luôn là một mối bất hạnh cho con người. Ma quỷ luôn tìm cách làm hại con người không những bằng xúi giục con người làm điều tội lỗi mà còn hành hạ, khống chế, trói buộc, bắt con người làm nô lệ cho chúng.

Ngày nay, ma quỷ rất tinh khôn nên thường xuất hiện dưới những hình dáng bên ngoài xinh đẹp, hấp dẫn. Chúng xuất hiện dưới những đồng tiền bất chính và hứa hẹn cho ta một cuộc sống thoải mái. Chúng xuất hiện dưới chiêu bài tự do hưởng thụ để xúi giục ta lao mình vào những nơi ăn chơi độc hại. Chúng kích thích sự tò mò của mọi người. Với bàn tay nham hiểm, ma quỷ âm thầm len lỏi vào tận đáy tâm hồn, khơi lên những làn sóng chia rẽ, ganh ghét, thù hận, bất hòa. Chúng kích thích lòng tham lam vô đáy, đưa ta đến chỗ trộm cắp, kiện cáo và tranh giành. Chúng khơi dậy thói kiêu căng, lòng tự ái để ta ham hố vinh danh và quyền lực. Chúng vuốt ve thói ích kỷ để xúi giục ta chỉ nghĩ đến bản thân mình, làm ngơ trước những nhu cầu của người khác. Chúng lừa gạt ta để ta coi thường tội lỗi, mất ý thức về tội.

Hôm nay, Chúa muốn ta tiếp tục công việc của Chúa, xua trừ ma quỷ ra khỏi đời sống chúng ta. Hãy tỉnh táo nhận ra ma quỷ dưới những khuôn mặt đẹp đẽ của vật chất, tiền bạc, hưởng thụ, cám dỗ. Nhất là, hãy trục xuất khỏi tâm hồn ta những con quỷ gây chia rẽ, bất hòa, tham lam, kiêu căng, tự mãn, gian trá, giả hình, hám danh, ích kỷ, dửng dưng.

Tự sức riêng, ta khó mà chiến thắng được ma quỷ. Muốn chiến thắng ma quỷ, ta phải nhờ ơn Chúa giúp. Ta múc lấy sức mạnh nơi Chúa bằng ăn chay và cầu nguyện. Ta rèn luyện tinh thần bằng khiêm nhường từ bỏ ý riêng để hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Lạy Chúa, xin thương xót con, xin cứu con khỏi mọi sự dữ. Amen.

TIN TỨC

1. Khả năng Đức Giáo Hoàng tông du Việt Nam dưới con mắt của một ký giả Hoa Kỳ

Ký giả Luke Coppen, trên tạp chí The Pillar, ngày 20 Tháng Giêng có bài tường trình nhan đề “Why a papal trip to Vietnam is now possible”, nghĩa là “Tại sao một chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tới Việt Nam giờ đây là khả thi.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh. Cho đến gần đây, chuyến viếng thăm của một giáo hoàng tới Việt Nam dường như chỉ là một điều huyền ảo, giống như một chuyến đi của giáo hoàng tới Bắc Cực hay sao Hỏa. Nhưng tuần này, nó bắt đầu có vẻ như là một khả thể thực sự. Điều đó thật đáng ngạc nhiên, vì chưa có vị giáo hoàng nào từng đặt chân tới quốc gia Đông Nam Á có tên chính thức là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và là quê hương của gần 100 triệu người, trong đó có khoảng 7 triệu người theo Công Giáo. Điều đáng chú ý là Việt Nam là một quốc gia cộng sản độc đảng, vô thần chính thức và là một trong số ít quốc gia thiếu quan hệ ngoại giao đầy đủ với Tòa thánh. Vì vậy, tại sao chuyến viếng thăm của Giáo hoàng đột nhiên có vẻ khả thi?

1.      1.1 Một lịch sử đau thương

Câu trả lời: đó là kết quả của sự phát triển dần dần vào đầu thế kỷ 21, sau đó là một loạt tiến bộ nhanh chóng trong những tháng gần đây. Thế kỷ 20 đã mang lại cho Tòa Thánh rất ít cơ hội để cải thiện mối quan hệ với Việt Nam. Thủ tướng Việt Nam lúc bấy giờ là Nguyễn Tấn Dũng đã gặp Đức Bênêđíctô XVI tại Vatican vào năm 2007. Đó là một bước đột phá quan trọng vì đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Việt Nam Cộng Sản hội đàm trực tiếp với một giáo hoàng. Một cơ quan được gọi là Nhóm làm việc chung Việt Nam - Tòa Thánh đã tổ chức phiên họp đầu tiên vào năm 2009 và gặp nhau thường xuyên sau đó. Năm 2011, Đức Giáo Hoàng đã bổ nhiệm đại diện ngoại giao đầu tiên đến Việt Nam. Đức Tổng Giám Mục người Ý Leopoldo Girelli được chỉ định làm “đại diện không thường trú” của Vatican tại Việt Nam.

2.      1.2. ‘Cuộc đối thoại cởi mở’

Tháng 3 năm 2023, Kỳ họp lần thứ 10 của Nhóm Công tác chung Việt Nam - Tòa Thánh đã đạt được bước đột phá. Một thông cáo báo chí cho biết hai bên “về cơ bản đã đồng thuận” về việc thành lập đại diện giáo hoàng thường trú tại Việt Nam. Đó là lúc các sự kiện tăng tốc. Một thỏa thuận thành lập đại diện giáo hoàng thường trú tại thủ đô Hà Nội đã được ký kết trong chuyến thăm Vatican ngày 27 tháng 7 của Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng. Vào ngày 7 tháng 8, ông Võ đã có chuyến đi đầu tiên tới trụ sở Hội đồng Giám mục Việt Nam tại Sài Gòn. Ngày 8 tháng 9, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết một bức thư cho cộng đồng Công Giáo Việt Nam, trong đó ngài mô tả các bước dẫn đến một thỏa thuận mang tính bước ngoặt cho phép Vatican có đại diện giáo hoàng thường trú. Ngài nói: “Trên cơ sở sự tin cậy lẫn nhau được xây dựng từng bước trong những năm qua, được củng cố bởi các chuyến thăm hàng năm của phái đoàn Tòa Thánh và các cuộc họp của Nhóm làm việc chung Việt Nam - Tòa Thánh, cả hai bên đã có thể cùng nhau tiến về phía trước và sẽ có thể tiến bộ hơn nữa, thừa nhận sự hội tụ và tôn trọng sự khác biệt.” Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng, chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã viết thư cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày 4 tháng 10, cảm ơn ngài về bức thư và mời ngài đến thăm. Vào tháng 12, có tin Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng cũng đã mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm, đánh dấu một bước đột phá lớn khác trong quan hệ Tòa Thánh - Việt Nam. Tuần này, Đức Giáo Hoàng đã tiếp phái đoàn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó, “ngoại trưởng” Vatican, Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher cho biết ngài dự định thăm Việt Nam vào tháng 4 và Quốc vụ khanh Vatican, Đức Hồng Y Pietro Parolin, có thể sẽ du hành đến đó vào cuối năm nay. “Chúng tôi sẽ thực hiện mọi việc dần dần,” Gallagher nhận xét và nói thêm rằng có một triển vọng thực sự về chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng tới Việt Nam.

2.CHƯƠNG TRÌNH XUÂGIÁP THÌN 2024

BA MƯƠI TẾT 

Sáng: 4h45 – Thứ sáu - 09/02/2024 THÁNH LỄ TẠ ƠN CUỐI NĂM

Tối: 8h30 thứ sáu - 09/02/2024 - THÁNH LỄ GIAO THỪA (Hái Lộc Lời Chúa)

MỒNG MỘT TẾT - CẦU BÌNH AN TRONG NĂM MỚI

Sáng: 5h00 thứ 7 – 10/02/2024 – Thánh Lễ Minh Niên

Chiều: 5h00 thứ 7 – 10/02/2024 – Thánh Lễ Minh Niên

MỒNG HAI TẾT - KÍNH NHỚ TỔ TIÊN VÀ ÔNG BÀ

Sáng: 5h00 Chúa Nhật – 11/02/2024 – Mừng Thọ Và Lễ Gia Tiên

          7h00 Chúa Nhật – 11/02/2024 – Thánh Lễ

Chiều: 5h00 Chúa Nhật – 11/02/2024 – Thánh Lễ

                                  (Lưu ý: Không có lễ 7h00 Tối Chúa Nhật)

MỒNG BA TẾT – XIN CHÚA THÁNH HÓA CÔNG ĂN - VIỆC LÀM

Sáng:   5h00 Thứ Hai – 12/02/2024 – Thánh Lễ

Chiều: 5h00 Thứ Hai – 12/02/2024 – Thánh Lễ

MỒNG NĂM TẾT – LỄ TRO (Giữ Chay Và Kiêng Thịt)

Sáng: 5h00 Thứ Tư – 14/02/2024 Lễ Tro (Do Đức Giám Mục Giáo Phận Chủ Tế)

Chiều: 6h00 Thứ Tư – 14/02/2024 (Lễ Tro)

VUI VỚI NGƯỜI VUI

Anh Giuse Nguyễn Thành Trung, con ông bà: Nguyễn Thành Hưng – Têrêsa Trần Thị Thu Hằng, kết hôn với chị Anê Nguyễn Thị Thu Linh, con ông bà: Phaolô Nguyễn Văn Hùng – Maria Nguyễn Thị Chúc. Đã cử hành bí tích hôn phối tại nhà thờ Chính Tòa, vào lúc 5g00, sáng thứ Bảy ngày 27.01.2024. Giáo xứ xin chia vui và cầu chúc các đôi bạn sống hạnh phúc trong tình yêu của Thiên Chúa.

THÔNG BÁO

1/ Sáng Thứ Bảy, ngày 03/02, sẽ  trao Mình Thánh Chúa cho người già và bệnh nhân. Những gia đình nào có nhu cầu xin đăng ký với ban điều hành Giáo họ của mình, và chuẩn bị nơi xứng đáng đễ người thân lãnh nhận Bí tích.

2/  Danh sách ủng hộ người nghèo trong tuần này:

1.      Nhà Thuốc Rạng Danh                  5.000.000 đ

2.      Chị Xuân (ở Mỹ)                           5.000.000 đ


Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2024

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 798

 


CHÚA NHẬT III MÙA THƯỜNG NIÊN

LỜI CHÚA: Mc 1, 14-20.

Sau khi Gio-an bị bắt, Chúa Giê-su sang xứ Ga-li-lê-a, rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm”. Ðang lúc đi dọc theo bờ biển Ga-li-lê-a, Người thấy Si-mon và em là An-rê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giê-su bảo các ông: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người”. Lập tức các ông bỏ lưới theo Người. Ði xa hơn một chút nữa, Người thấy Gia-cô-bê con ông Giê-bê-đê và em là Gio-an đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giê-bê-đê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.

SUY NIỆM

Sống là chọn lựa. Chọn lựa từng giây phút trước những hành động cuộc đời chúng ta. Và chọn lựa trước hết là gì? Nếu phải từ bỏ. Thực vậy, nếu muốn học giỏi, thì phải từ bỏ những tháng ngày lãng phí thời gian. Nếu muốn làm làm giàu, thì phải từ bỏ sự ươn lười, nhàn rỗi. Nếu muốn được cha mẹ yêu thương, thì phải từ bỏ những gì làm cho các ngài buồn lòng. Sống là chọn lựa và chọn lựa có nghĩa là từ bỏ.

Tiến vào đời sống siêu nhiên cũng thế. Muốn theo Chúa, muốn đáp trả lời mời gọi của Chúa, chúng ta phải chọn lựa, chúng ta cũng phải từ bỏ. Abraham ngày xưa đứng trước lệnh truyền của Chúa, ông đã phải từ bỏ quê hương và sự nghiệp để dấn thân vào một cuộc phiêu lưu không định hướng. Các tông đồ ngày hôm nay cũng vậy. Các ông đã bỏ cha già, bỏ gia đình, bỏ ghe thuyền, bỏ chài lưới nghĩa là các ông đã từ bỏ tất cả để lên đường theo Chúa.

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có từ bỏ tiền bạc, từ bỏ thời giờ để theo Chúa chưa? nhưng điều quan trọng hơn Chúa đòi chúng ta phải từ bỏ, đó là từ bỏ chính bản thân mình. Những sợi dây níu kéo chúng ta lại với mặt đất, những chướng ngại vật ngăn cản bước chân chúng ta theo Chúa, đó là những thói hư tật xấu, những đam mê tiền bạc hay những khát vọng không chính đáng. Để bước theo Chúa, việc đầu tiên mà chúng ta phải thực hiện đó là dứt bỏ những níu kéo ấy, là khử trừ những khuynh hướng lệch lạc, là từ bỏ những ước vọng trần tục. Từ bỏ tiền bạc, từ bỏ tiện nghi vật chất đã là chuyện khó, nhưng chưa đến nỗi cam go vì tiền bạc và vật chất là những cái còn ở bên ngoài chúng ta. Chứ từ bỏ những đam mê, những ước muốn xấu xa mới là chuyện cam go vì đam mê, và ước muốn bén rễ sâu trong con tim chúng ta. Nó làm thành chính bản tính, chính bộ mặt thực sự, chính cái phần sâu thẳm nhất nơi mỗi người chúng ta. Và đó cũng chính là điều mà Chúa đòi buộc chúng ta phải từ bỏ.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau, để mỗi người biết dẹp bỏ những cản trở trong cuộc sống, và để từng giây phút chúng ta chọn lựa, chúng ta chấp nhận và chúng ta bước theo Chúa.

TIN TỨC

PHIÊN KHAI MẠC CUỘC ĐIỀU TRA PHONG CHÂN PHƯỚC VÀ PHONG THÁNH CHO ĐỨC CHA PIERRE LAMBERT DE LA MOTTE TẠI TÀPAO

WHĐ (13.01.2024) – Phiên khai mạc cuộc điều tra Phong Chân Phước và Phong Thánh cho Tôi tớ Chúa, Đức cha Pierre Lambert de la Motte, đã được cử hành vào sáng thứ Bảy 13/01/2024 tại Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao (TTTM Tàpao), Giáo phận Phan Thiết (GPPT).

Thành viên của phiên khai mạc cuộc điều tra Phong Chân Phước và Phong Thánh này gồm:

     - Giám mục (GM) đương quyền của vụ án: Đức GM Giuse Đỗ Mạnh Hùng, GM GPPT.

     - Lục sự phiên khai mạc: Linh mục (Lm) G. Vianney Dương Nguyên Kha, Chưởng ấn GPPT.

     - Cáo thỉnh viên: Lm Giêrônimô Bùi Thiện Thảo, OP.

     - Ban điều tra gồm:

+ Đại diện GM đương quyền: Lm Giuse Hồ Sĩ Hữu - Tổng đại diện GPPT.

+ Biện lý vụ án: Lm Gioan Baotixita Nguyễn Hồng Uy - Đại diện tư pháp GPPT.

+ Lục sự vụ án: Lm Phêrô Nguyễn Quốc Việt - Đại diện tư pháp GP Xuân Lộc.

+ Phó Lục sự vụ án: Nữ tu (Nt) Matta Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Dòng Mến Thánh Giá (MTG) Nha Trang.

Tham dự phiên khai mạc cuộc điều tra có:

     - Đức cha chủ tịch Hội đồng Giám mục (HĐGM) Thái Lan

     - Ban Thường vụ HĐGM Việt Nam

     - Các Đức GM trong HĐGM Việt Nam

     - Cha Phó Tổng quyền Hội Thừa sai Hải ngoại Paris

     - Các Cha Giám đốc, Cha giáo và Chủng sinh các Đại Chủng viện

     - Các nữ tu của các Hội dòng MTG trong và ngoài nước Việt Nam

     - Các linh mục, tu sĩ và giáo dân trong và ngoài GPPT.

Phiên khai mạc cuộc điều tra này đã diễn tiến qua 2 phần chính: Nghi thức mở án Phong Chân Phước & Phong Thánh và Thánh lễ Tạ ơn.

I. NGHI THỨC MỞ ÁN PHONG CHÂN PHƯỚC & PHONG THÁNH

Vào lúc 6g25, nghi thức mở án Phong Chân Phước & Phong Thánh đã khởi sự với đoàn rước (gồm GM đương quyền của vụ án, Ban điều tra, Cáo thỉnh viên, Lục sự phiên khai mạc, Cha Thư ký Tòa GM, 2 người đọc tiểu sử ĐGM Lambert de la Motte), lời giới thiệu tiến trình nghi thức và lời nguyện khai mạc.

Sau đó, nghi thức đã diễn ra với 3 phần:

    - Công bố hồ sơ Khởi sự án Phong Thánh

    - Công bố hồ sơ của Phiên tòa

    - Lời tuyên thệ (của GM đương quyền vụ án, Ban điều tra và Cáo thỉnh viên).

Nghi thức mở án Phong Chân Phước & Phong Thánh đã kết thúc lúc 7g30 với lời kinh xin ơn nhờ lời chuyển cầu Đức cha Pierre Lambert de La Motte.

II. THÁNH LỄ TẠ ƠN

Phần thứ hai của Phiên khai mạc cuộc điều tra phong thánh chính là Thánh lễ Tạ ơn, do Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng chủ tế vào lúc 7g45. Đồng tế với ngài có 18 giám mục và khoảng 150 linh mục. Tham dự thánh lễ có khoảng 20 ngàn người gồm các tu sĩ và giáo dân đến từ khắp nơi.

THÔNG BÁO

1/  Danh sách ủng hộ Giáo xứ trong tuần này:

1.     Ghe Mỹ Quang                             5.000.000 đ

2.     Bà Duyên (ở Úc)                          5.000.000 đ

3.     Hội Caritas Giáo xứ Chính tòa     4.000.000 đ 

Thứ Bảy, 13 tháng 1, 2024

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 797

 


CHÚA NHẬT II MÙA THƯỜNG NIÊN

LỜI CHÚA: Ga 1, 35-42

Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo Mình, thì nói với họ: “Các ngươi tìm gì?” Họ thưa với Người: “Rabbi, nghĩa là: thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Người đáp: “Hãy đến mà xem”. Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười. Anrê, em ông Simon Phêrô, (là) một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia, nghĩa là Đấng Kitô”. Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: “Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Đá”.

SUY NIỆM

Cuộc sống hôm nay đang đặt ra cho người Kitô hữu rất nhiều chọn lựa: chọn lựa giữa niềm tin vĩnh cửu với sự hấp dẫn kỳ thú của những thành tựu vĩ đại do nền khoa học kỹ thuật tiên tiến mang lại, giữa hành vi buông thả, tự do quá trớn với thái độ đúng mực theo nền tảng luân lý truyền thống, nhất là sự cân nhắc chọn lựa giữa các “thần tượng” trần thế với lời mời gọi lý tưởng đến từ thập giá Đức Kitô…

Theo lời mời gọi của Đức Giêsu, Anrê và người môn đệ ẩn danh không chỉ “đến xem” và “ở lại với Người ngày hôm ấy” (Ga 1, 39b), nhưng các ông đã báo tin vui cho Si-mon và những người khác: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a” (Ga 1, 41b). Như vậy, được sống với Đức Giêsu dù chỉ trong khoảng khắc ngắn ngủi của buổi đầu gặp gỡ, các môn đệ đầu tiên đã thấu cảm gương mặt đích thực của “Chiên Thiên Chúa” như lời giới thiệu của Gioan. Các ngài đã được biến đổi thành những tông đồ thực thụ nhờ được “ở lại” trong tình yêu của Đức Kitô. Tình yêu ấy thúc bách các ngài tiến xa hơn trên hành trình sứ vụ giới thiệu “Chiên Thiên Chúa” cho muôn người, dẫu phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Bước theo Đức Kitô trong cuộc sống hôm nay, chúng ta cũng được mời gọi trở nên chứng nhân trung thành của Người trước một nhân loại đang tỏ ra lãnh đạm với chân lý và mục tiêu tối hậu. Trong bối cảnh ấy, tiếng gọi từ thập giá vẫn không ngừng âm vọng trong cõi sâu thẳm của con người, kêu mời sự dấn thân quả cảm của những tâm hồn thiện chí cho sự sống và tình yêu của Đức Kitô được trở nên dũng khí linh nhiệm nhằm cảm hóa và biến đổi thế giới này.

Các môn đệ đầu tiên chỉ có thể giới thiệu Đức Kitô cho những người khác sau khi các ông đã “đi theo”, đã “đến xem” và “ở lại” với Người. Chúng ta chỉ có thể trở nên chứng nhân mạnh bạo, can trường của Đức Kitô khi ta đã sống kinh nghiệm thông dự vào tình yêu thập giá cách trọn hảo.

TIN TỨC

1.  Ý CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC THÁNH CHA THÁNG 01/ 2024

CẦU CHO SỰ ĐA DẠNG TRONG GIÁO HỘI

Chúng ta hãy cầu nguyện để Chúa Thánh Thần giúp chúng ta nhận ra hồng ân của các đặc sủng khác nhau trong các cộng đoàn Kitô hữu, và khám phá sự phong phú của các truyền thống nghi lễ khác nhau trong Giáo hội Công giáo.

Không cần phải lo sợ về sự đa dạng của các đặc sủng trong Giáo hội. Đúng hơn, sống sự đa dạng này sẽ làm chúng ta vui mừng! Sự đa dạng và hiệp nhất đã hiện diện rất nhiều trong các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên. Sự căng thẳng đã phải được giải quyết ở mức độ cao hơn. Không dừng ở đó. Để tiến bước trên hành trình đức tin, chúng ta cũng cần đối thoại đại kết với anh chị em thuộc các hệ phái và cộng đồng Kitô giáo khác. Đây không phải là điều gì bối rối hay lo lắng, nhưng là một món quà Thiên Chúa ban cho cộng đoàn Kitô hữu để có thể tiến đến thành một thân thể duy nhất, Thân Thể Chúa Kitô. Chẳng hạn, chúng ta hãy nghĩ đến các Giáo hội Đông phương. Họ có những truyền thống riêng, những nghi thức phụng vụ đặc trưng riêng… nhưng vẫn duy trì sự hiệp nhất của đức tin. Họ củng cố đức tin chứ không gây chia rẽ. Nếu chúng ta được Chúa Thánh Thần hướng dẫn thì sự phong phú, đa dạng sẽ không bao giờ gây nên xung đột. Chúa Thánh Thần nhắc nhở chúng ta trước hết và trên hết chúng ta là những người con được Thiên Chúa yêu thương – mọi người đều bình đẳng trong tình yêu của Thiên Chúa, và mọi người đều khác biệt. Chúng ta hãy cầu nguyện để Chúa Thánh Thần giúp chúng ta nhận ra hồng ân của các đặc sủng khác nhau trong các cộng đoàn Kitô hữu, và khám phá sự phong phú của các truyền thống nghi lễ khác nhau trong Giáo hội Công giáo.

Nguồn: thepopevideo.org

2.  MỞ ÁN PHONG CHÂN PHƯỚC VÀ PHONG THÁNH
CHO ĐỨC CHA PIERRE LAMBERT DE LA MOTTE CẤP GIÁO PHẬN

Trong tình hiếu kính, tôn vinh nhân đức trổi vượt và công lao của vị Đại diện Tông tòa tiên khởi Giáo phận Đàng Trong, đấng đồng sáng lập Hội Thừa sai Paris, người cha của Hàng Giáo sĩ Việt Nam, đấng sáng lập Hội dòng và Hiệp hội Tín hữu Mến Thánh Giá; được sự ủy thác của Hội đồng Giám mục Việt Nam, được Đức Hồng y Tổng giám mục Bangkok ủy quyền, cùng với sự cho phép của Tòa thánh, Giáo phận Phan Thiết sẽ tổ chức Nghi thức Mở án Phong chân phước và Phong thánh cho Đức Cha Pierre Lambert de La Motte vào ngày 13/01/2024, tại Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao.

VUI VỚI NGƯỜI VUI

Anh Phêrô Đỗ Thanh Kiên, con ông bà: Đỗ Anh – Anna Nguyễn Thị Xuân, kết hôn với chị Cecilia Nguyễn Lý Phương Thảo, con ông bà: Đaminh Nguyễn Văn Phúc – Maria Nguyễn Thị Bích, đã cử hành bí tích hôn phối tại nhà thờ Chính Tòa, vào lúc 4g30, thứ Sáu ngày 12.01.2024. Giáo xứ xin chia vui và cầu chúc cho đôi bạn sống hạnh phúc trong tình yêu của Thiên Chúa.

KHÓC VỚI NGƯỜI KHÓC

Ông Phêrô Hoàng Minh, sinh 1958, là chồng của bà Matta Nguyễn Thị Lý, ở giáo họ Anrê Trông, đã qua đời ngày 11/01/2024 tại Phan Thiết. Lễ an táng lúc 4g45 ngày 15/01/2024 tại Nhà Thờ Chính Tòa, sau đó đưa đi hỏa táng. Giáo xứ xin chia buồn cùng tang quyến và hiệp thông cầu nguyện cho linh hồn Phêrô mau về hưởng tôn nhan Chúa.

THÔNG BÁO

1/  Danh sách ủng hộ Giáo xứ trong tuần này:

1.     Vật liệu xây dựng Sơn Thảo      10.000.000 đ

Thứ Bảy, 6 tháng 1, 2024

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 796

 


CHÚA NHẬT LỄ CHÚA HIỂN LINH

LỜI CHÚA: Mt 2: 1-12

Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Đông phương tìm đến Giêrusalem. Các ông nói: “Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”. Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Đức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: “Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Đấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta”. Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người”. Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Đông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.

SUY NIỆM

Lễ Hiển Linh là lễ Chúa tỏ mình ra. Việc Chúa sinh ra được loan báo cho mọi người biết dưới nhiều hình thức khác nhau như: lời các ngôn sứ loan báo từ nhiều thế kỷ trước, đạo binh thiên thần ca hát, ngôi sao lạ xuất hiện… Tuy nhiên không phải ai cũng gặp được Chúa.

Có những người không gặp Chúa, dù biết rõ những chỉ dẫn về Người. Đó là những kinh sư, biệt phái; Họ hiểu biết Thánh Kinh. Khi ba nhà đạo sĩ đến hỏi thăm, họ đã đọc vanh vách lời ngôn sứ loan báo Đấng Cứu Thế sinh ra tại Bêlem. Nhưng họ không gặp được Chúa, vì họ hiểu biết lý thuyết mà không thực hành. Ngồi một chỗ mà không chịu lên đường. Đó là Hêrôđê; Bạo vương này muốn tìm Chúa nhưng không gặp Chúa, dù ông có binh hùng tướng mạnh trong tay. Ông không gặp Chúa vì ông tìm Chúa không phải vì Chúa mà vì quyền lợi của ông. Ông tìm Chúa không phải để thờ lạy nhưng để giết chết. Ông tìm Chúa không phải để tôn vinh Chúa nhưng để tôn vinh bản thân.

Những người xem ra gần gũi nhất, hiểu biết nhất, có phương tiện nhất đã không gặp được Chúa. Trái lại, những người có vẻ nghèo hèn, thiếu thốn phương tiện, xa xôi cách trở lại gặp được Chúa. Đó là các mục đồng và đặc biệt ba nhà đạo sĩ mà ta nhớ đến trong thánh lễ hôm nay. Họ đã gặp Chúa vì họ đã lên đường. Dù không biết lời tiên tri loan báo, không biết lời hứa, không thuộc Thánh Kinh, nhưng khi thấy ngôi sao lạ, họ đã lên đường ngay tức khắc. Lên đường nói lên thái độ ngoan ngoãn tuân theo ơn Chúa soi sáng. Lên đường nói lên thái độ dấn thân. Lên đường nói lên lòng cương quyết đi tìm. Lên đường là chấp nhận gian khổ để đạt được điều mơ ước.

Đời sống đạo của tôi cũng là một cuộc đi tìm Chúa. Tôi sẽ chỉ gặp được Chúa nếu tôi noi gương Ba vua, có tâm hồn đơn sơ thành thực, có lòng khao khát Chúa vì Chúa, và dám dấn thân thực hành những điều Chúa truyền dạy, đặc biệt là giới răn bác ái, phục vụ Chúa trong những anh em nghèo khổ. 

TIN TỨC




THÔNG BÁO

1/  Danh sách ủng hộ người nghèo trong tuần này:

1.     Quý sơ cộng đoàn Hàn Thuyên   5.000.000 đ

2.     Một ân nhân ở Gh. Giuse Thị      1.000.000 đ