Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2023

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 777


CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN

        LỜI CHÚA: Mt 16, 13-20

        Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

        Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Xêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”. Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời: sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”. Bấy giờ Người truyền cho các môn đệ đừng nói với ai rằng Người là Ðức Kitô. Kể từ đó, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, phải bị giết, và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: “Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu”. Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: “Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người”.

SUY NIỆM

Trong cộng đoàn Hội Thánh, Simon là khuôn mặt nổi bật trong nhóm Mười Hai. Ông thuộc nhóm những môn đệ đầu tiên theo Ðức Giêsu, và là một trong ba môn đệ thân tín nhất. Ông có mặt lúc Chúa hiển dung và trong Vườn Dầu. Ông thường là phát ngôn viên của cả nhóm (x. Mt 19,27). Ðức Giêsu phục sinh đã hiện ra với ông (1Cr 15,5), và giao cho ông chăn dắt đoàn chiên của Ngài (Ga 21,15-17). Simon có bản tính bộc trực, hăng hái. Vì quá tin vào sức mình, ông đã sa ngã, chối Chúa. Bất chấp những yếu đuối và giới hạn của Simon, Ðức Giêsu vẫn chọn ông đứng đầu nhóm Mười Hai, và làm nền tảng cho Hội Thánh của Ngài. Ngài đặt cho Simon một tên mới là Phêrô, tiếng Aram gọi là Kêpha, nghĩa là Tảng Ðá. Tên mới này phản ánh sứ mạng Chúa giao cho ông. Chúng ta ngỡ ngàng trước sự tin tưởng của Ðức Giêsu. Ngài cho Phêrô được chia sẻ trách nhiệm với Ngài. dù ông chỉ là một ngư phủ bình thường, ít học. Chỉ mình Ðức Giêsu mới là Nền Tảng (x. 1Pr 2,4-5), nhưng Phêrô cũng được làm nền cho Hội Thánh. Chỉ mình Ðức Giêsu nắm giữ chìa khóa (x. Kh 3,7), nhưng Phêrô cũng được trao chìa khóa Nước Trời. Nếu Phêrô có quyền giáo huấn, quyền thánh hoá và quản trị Hội Thánh, thì chỉ nhằm mục đích là phục vụ Dân Chúa. Hội Thánh đã gặp biết bao khó khăn trong dòng lịch sử. Không phải chỉ là những cuộc bách hại đẫm máu, mà còn là những chia rẽ, tranh chấp nội bộ, những sa sút trầm trọng vì chạy theo thế gian. Hôm nay, Hội Thánh cũng gặp khó khăn không ít, khi nhiều người bỏ nhà thờ, bỏ đức tin, khi ơn gọi giảm sút ở nhiều nơi, khi Ðức Thánh Cha bị công kích? Ước gì mỗi người chúng ta ở lại và yêu mến Hội Thánh, cải tổ và canh tân Hội Thánh bằng việc canh tân chính bản thân mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban Thần Khí của Người, để con mạnh dạn tuyên xưng Chúa bằng chính hành động của con.

 

BẢN TIN 

1.      Cuộc gặp gỡ hòa bình tại Berlin

Cuộc gặp gỡ giữa các vị lãnh đạo tôn giáo và các nhân vật văn hóa quốc tế, về hòa bình do Cộng đồng thánh Egidio ở Roma tổ chức, sẽ tiến hành tại Berlin, thủ đô Cộng hòa Liên bang Đức, từ ngày 10 đến ngày 12 tháng Chín tới đây, với chủ đề là: “Dám xây dựng hòa bình. Các tôn giáo và văn hóa đối thoại”. Theo ban tổ chức, số tham dự viên có thể lên tới 2.500 người. Đây là lần thứ tư cuộc gặp gỡ này được tổ chức tại Đức: bắt đầu là tại thành phố Aachen, cách đây 20 năm (2003), rồi Munich (2011), Muenster và Osnabruck, cách đây 6 năm (2016) và nay là Berlin. Mục đích cuộc gặp gỡ là để phát triển một viễn tượng tương lai khác; điều này rất cấp thiết đứng trước ngọn lửa chiến tranh tái xuất hiện tại Âu châu. Ông Chủ tịch Impagliazzo cho biết không vị giám mục Chính thống Nga nào tham dự cuộc gặp gỡ hòa bình. Đức Tổng Giám Mục Giáo phận Công Giáo Berlin, Heiner Koch, cám ơn Cộng đồng thánh Egidio đã chọn Berlin làm nơi tổ chức cuộc gặp gỡ. Ngài nói: “Các cộng đoàn không thể phát triển hòa bình, các quốc gia và dân tộc không thể sống trong hòa hợp, nếu các tôn giáo không chăm sóc công ích, bao gồm cả những người thuộc tín ngưỡng khác và không tín ngưỡng, những người láng giềng và người nước ngoài, ở cả hai bên biên giới... Các tôn giáo có thể là thành phần của giải pháp, và cũng có thể là thành phần của vấn đề, là nguyên nhân và là nhân tố xúc tác tạo nên những xung đột bạo lực, và cũng có thể là lực lượng kiến tạo hòa bình”.

2.      Đức Thánh Cha Phanxicô cập nhật tài liệu mang tính bước ngoặt về cuộc khủng hoảng môi trường thế giới

Hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng ngài đang viết phần tiếp theo của thông điệp mang tính bước ngoặt năm 2015 về việc bảo vệ môi trường và những nguy cơ của biến đổi khí hậu “để cập nhật thông điệp”. Ngài đã đưa ra thông báo bất ngờ trong một phần bổ sung ngắn gọn, không chuẩn bị trước trong bài phát biểu trước một nhóm luật sư từ các nước thuộc Hội đồng Âu Châu. Vào năm 2015, Đức Phanxicô đã viết Laudato Si, một tài liệu chính về nhu cầu bảo vệ môi trường, đối mặt với những nguy cơ và thách thức của biến đổi khí hậu và giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Thông điệp là hình thức văn bản cao nhất của giáo hoàng. “Tôi đang viết phần thứ hai cho Laudato Si để cập nhật nó với các vấn đề hiện tại,” Đức Phanxicô nói với nhóm mà không giải thích chi tiết. Thông điệp khiến Đức Phanxicô trở thành anh hùng đối với nhiều nhà hoạt động khí hậu, được coi là đã ảnh hưởng đến các quyết định được đưa ra vào cuối năm đó tại hội nghị khí hậu Paris nhằm đặt mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu.

 

THÔNG BÁO

1/ Ban Giáo Lý xin thông báo: Những con em sinh năm 2017 trở về trước (tức là bắt đầu vào lớp 1 năm nay). Xin quý phụ huynh ghi danh cho con em của mình học giáo lý, địa điểm tại Văn phòng Giáo Xứ, để các em vào lớp Giáo lý Khai Tâm 1 trong năm học 2023 – 2024 này.

 

2/ Sáng Thứ Bảy, ngày 02/09: trao Mình Thánh Chúa cho người già và bệnh nhân.

 

3/ Vào lúc 7h00, sáng Thứ Bảy ngày 02/09/2023: rửa tội cho trẻ sơ sinh. Xin quý cha mẹ có con rửa tội, đến xin giấy giới thiệu nơi Ban Điều Hành giáo họ, và nộp sổ gia đình về văn phòng giáo xứ trong tuần này.

Thứ Bảy, 19 tháng 8, 2023

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 776

 




CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN

LỜI CHÚA: Mt 15, 21-28

Khi ấy, ra khỏi đó, Chúa Giêsu lui về miền Tyrô và Siđon, thì liền có một bà quê ở Canaan từ xứ ấy đến mà kêu cùng Người rằng: “Lạy Ngài là con Vua Ðavít, xin thương xót tôi: con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm”. Nhưng Người không đáp lại một lời nào. Các môn đệ đến gần Người mà xin rằng: “Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi”. Người trả lời: “Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel”. Nhưng bà kia đến lạy Người mà nói: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi”. Người đáp: “Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó”. Bà ấy đáp lại: “Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống”. Bấy giờ, Chúa Giêsu trả lời cùng bà ấy rằng: “Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy”. Và ngay lúc đó, con gái bà đã được lành.

 

SUY NIỆM

Người đàn bà xứ Canaan trong trình thuật Tin mừng hôm nay, quả thật có đôi mắt mới. Bà không nhìn Chúa Giêsu như những người Nazarethh, đồng hương của Chúa, để khinh bỉ Ngài. Bà cũng không nhìn Chúa Giêsu như những đồng hương xứ Canaan của bà, để xa tránh Chúa. Trái lại, bà nhận ra trong con người Giêsu ấy quyền năng, mà không ai trong xã hội có thể có để cứu giúp bà trong cơn khốn đốn. Ở nơi Người, bà trực giác nhận ra một lòng thương xót thường trực, khích lệ bà tìm đến. Như người thấy được kho báu trong ruộng, bà bỏ hết những mặc cảm, đến với Chúa Giêsu và đặt tất cả niềm tin vào Người. Với bà, Giêsu là Đấng làm cho con tim của bà và con bà “vui trở lại”.

Người phụ nữ hôm nay quả là tấm gương cho các bậc làm cha mẹ. Nhiều người, nhiều gia đình đang rơi vào cảnh cùng quẫn, đau khổ vì vợ chồng đau yếu, con cái ngỗ nghịch hư hỏng; nhiều người đã ngã lòng vì thấy lời cầu xin của mình chưa được Chúa nhận lời. Họ trách Thiên Chúa: tôi đi lễ mỗi ngày, đã đi xin khấn ở nhiều nơi mà vẫn chẳng được… Nhiều người thì xin những người đạo đức, thánh thiện thêm lời cầu khẩn cho mình. Đó là điều tốt, thế nhưng đừng quên chính bản thân cần phải hoán cải, cần lắng nghe để nhận ra tiếng nói và sự chỉ dẫn của Chúa qua từng biến cố xảy ra trong cuộc sống. Hãy tin tưởng, kiên trì để thưa với Chúa: Lạy Chúa, xin dủ lòng thương con và gia đình con. Chúa sẽ nghe lời chúng ta.

Nhiều người trẻ vì bị mê hoặc bởi khoa học công nghệ, bị mãnh lực của đồng tiền chiếm trọn cả thời giờ và ưu tư, khiến họ không còn chỗ cho Thiên Chúa. Họ đã để cho đức tin của mình bị mờ nhạt, èo uột khi rời xa gia đình hoặc khi lăn xả vào vòng quay của xã hội. Họ đánh mất thói quen cầu nguyện mỗi ngày, bỏ qua việc xưng tội rước lễ, xa rời với những sinh hoạt của cộng đoàn giáo xứ. Những dấu hiệu ấy cho thấy một đức tin đang bị khô héo, mất sức sống. Chúng ta cùng cầu xin Chúa củng cố đức tin của chúng ta, đặc biệt cho những người đang lung lạc đức tin vì thử thách, và xin Chúa giúp chúng ta luôn tin tưởng, cậy trông nơi Chúa dù lúc vui hay lúc buồn, khi thành công hay thất bại. Chúng ta tin rằng, Thiên Chúa luôn ở bên và sẵn sàng cứu giúp chúng ta.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con lòng khiêm nhường, lòng tin mạnh mẽ vượt lên mọi thử thách gian nan, để chúng con có thể đi trọn con đường Chúa muốn, với lòng tin ngày càng vững mạnh hơn, để chúng con được hưởng trọn niềm hạnh phúc của những người sống trong niềm tin yêu Chúa. Amen. 

 

BẢN TIN

1. Các Giám mục Úc thăm Ukraine bị chiến tranh tàn phá

Một phái đoàn các giám mục Công Giáo Úc đã dành bốn ngày ở Ukraine để bày tỏ tình đoàn kết. Tuần trước, Đức Tổng Giám Mục Peter Comensoli của Melbourne, Đức Tổng Giám Mục Julian Porteous của Hobart, Đức Giám Mục Karol Kulczycki SDS của Port Pirie, Cha Simon Cjuk, Tổng đại diện của Giáo hội Ukraine tại Úc, và Annie Carrett, chưởng ấn của Tổng Giáo phận Melbourne, đã đến thăm một số các thành phố trong quốc gia bị chiến tranh tàn phá. Kể từ khi Ukraine bị tạm chiếm vào tháng 2 năm 2022, Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc đã khuyến khích mạnh mẽ các giáo phận, giáo khu chính thống, giáo xứ, trường học và các trung tâm mục vụ khác tập trung hỗ trợ cho những người dễ bị tổn thương nhất ở Ukraine. Trong chuyến viếng thăm, các giám mục Úc đã gặp gỡ những người Ukraine đang phải chịu đựng những tổn thương hàng ngày của chiến tranh. Đức Tổng Giám Mục Porteous cho biết ngài cảm động trước sự gần gũi của các giám mục và linh mục địa phương với người dân của họ. Chuyến thăm, mặc dù ngắn ngủi, đã xác nhận cam kết huynh đệ của Giáo hội Úc trong việc hỗ trợ người dân Ukraine. Khi trở về, các giám mục có kế hoạch xây dựng các mối quan hệ đã có và thúc giục các tín hữu ở Úc tiếp tục cầu nguyện cho những người đau khổ.

                                2. Hàng chục ngàn tín hữu hành hương Lộ Đức

Trong những ngày từ 11 đến ngày 16 tháng Tám này, hàng chục ngàn tín hữu đã đến hành hương tại Trung tâm Thánh Mẫu Lộ Đức, trong đó có khoảng 18.000 người trong ngày Đại lễ 15 tháng Tám. Cuộc hành hương năm nay có một sắc thái đặc biệt, đó là kỷ niệm 150 năm các cuộc hành hương toàn quốc do các cha dòng Đức Mẹ Lên Trời (Assomptionistes) tổ chức, với chủ đề là “Cùng nhau, chúng ta xây dựng trên đá tảng”.

Cuộc hành hương kỷ niệm này kết thúc với thánh lễ lúc 8 giờ 30, sáng ngày thứ Tư, 16 tháng Tám tại Hang đá Massabielle, nơi Đức Mẹ hiện ra với thánh nữ Bernadette Soubirous 18 lần, hồi năm 1858. Trong số các tín hữu hành hương năm nay, có 550 bệnh nhân và những người khuyết tật. Họ được 3.000 người thiện nguyện, bao gồm các y tá, những người khiêng cáng giúp đỡ. Ngoài ra, có 280 người nghèo tham dự nhờ sự giúp đỡ của các ân nhân, cùng với 100 tín hữu từ Đông phương.

                            3. "Đối với chúng tôi, nó giống như một phép lạ": Nhà thờ Công giáo sống sót sau trận hỏa hoạn Maui tàn khốc

Vụ hỏa hoạn tàn phá Maui dường như đã chừa ra Nhà thờ Công giáo Maria Lanakila ở Lahaina, mang đến một biểu tượng của hy vọng giữa sự tàn phá thảm khốc. Ít nhất 93 trường hợp tử vong đã được báo cáo tính đến hôm Chúa Nhật, ngày 13 tháng 8, khiến thảm họa này trở thành sự kiện cháy rừng kinh hoàng nhất ở Hoa Kỳ kể từ năm 1918. Các nhà chức trách dự đoán số người chết sẽ tăng lên. Nhiều đám cháy lan nhanh, được thổi bùng bởi gió mạnh và được cung cấp nhiên liệu bởi thảm thực vật khô, quét qua đảo Hawaii. Thị trấn phía tây Lahaina, với ít hơn 13.000 cư dân, đặc biệt bị tàn phá nặng nề. Nhà thờ Công giáo Maria Lanakila, hay nhà thờ Đức Mẹ Chiến thắng, đã thoát khỏi sự hủy diệt. Đức ông Terrence Watanabe, cha sở của Maui và Lanai, nói với Honolulu Star-Advertiser rằng tòa nhà của nhà thờ vẫn tồn tại trong các bức ảnh sau vụ cháy. Nhà xứ lân cận cũng có vẻ nguyên vẹn. “Đối với chúng tôi, nó giống như một phép lạ,” ngài nói hôm thứ Năm. “Khi chúng tôi xem tin tức và thấy tháp chuông nhà thờ vươn cao trên thị trấn, đó là một cảnh tượng tuyệt vời.” Nhà thờ Công giáo Maria Lanakila phục vụ 700 đến 800 gia đình và cử hành sáu Thánh lễ Chúa Nhật mỗi cuối tuần. Nơi đây tổ chức nhiều đám cưới của du khách từ khắp nơi trên thế giới. Cha Kuriakose Nadooparambil, cha xứ Maria Lanakila, và các nhân viên giáo xứ đều thoát khỏi đám cháy. 

THÔNG BÁO

1/ Ban Giáo Lý xin thông báo: Những con em sinh năm 2017 trở về trước (tức là bắt đầu vào lớp 1 năm nay). Xin quý phụ huynh ghi danh cho con em của mình học giáo lý, địa điểm tại Văn phòng Giáo Xứ, để các em vào lớp Giáo lý Khai Tâm 1 trong năm học 2023 – 2024 này.

2/ Sau Thánh lễ Thiếu Nhi, vào lúc 8giờ 00, ngày 20/8/2023, Mời Thầy, quý Sơ, Giáo Lý Viên các Huynh Trưởng họp để chuẩn bị cho năm học Giáo lý mới (2023-2024).

Thứ Bảy, 12 tháng 8, 2023

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 775

 


CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN

LỜI CHÚA: Mt 14, 22-33

Sau khi đã làm phép lạ cho năm ngàn người ăn no, Ðức Giêsu liền bảo các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến, Người vẫn ở đó một mình. Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió. Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!”, và sợ hãi la lên. Ðức Giêsu liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” Ông Phêrô liền thưa với Người: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.” Ðức Giêsu bảo ông: “Cứ đến!” Ông Phêrô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Ðức Giêsu. Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với!” Ðức Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?” Khi Thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!” 

SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy rõ về lòng tin. Phêrô, là người đã từng theo Thầy mình đi rao giảng nhưng đụng chuyện Phêrô cũng chưa tin vào Chúa, vẫn ngờ vực Chúa. Qua thái độ ngờ vực của Phêrô, Chúa Giêsu đã thẳng thắn trách móc ông. Chúng ta nhìn lại đời mình, chúng ta theo Chúa nhiều năm lắm, có người hai chục, có người ba chục, có người bốn chục… được Chúa yêu thương nhiều, được Chúa ủ ấp nhiều nhưng hình như chúng ta vẫn mang trong mình thái độ ngờ vực như Phêrô thì phải. Thế nhưng chuyện hay nơi Phêrô là sau bao nhiêu lần ngã lên vấp xuống nhưng cuối cùng Phêrô đã tin và sống chết với Thầy. Còn chúng ta, chúng ta sẽ sống sao với Thầy của chúng ta?

Ngày hôm nay, cơ hội để chúng ta đặt lại niềm tin của chúng ta vào Chúa. Chúng ta đã theo Chúa nhiều năm nhưng hiện giờ lòng tin của chúng ta vào Chúa như thế nào? Chúng ta tin vào người đời hay tin vào Thiên Chúa.

Chúa vẫn nhắc nhở chúng ta trong các thánh vịnh:Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian. Tin vào thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời” (Tv 117, 8.9)

 

BẢN TIN

1/ Một phép lạ xảy ra ở Fatima trong chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha ngày 5 tháng 8.

Một thiếu nữ khiếm thị 16 tuổi từ Tây Ban Nha cho biết sau khi rước lễ vào sáng ngày 5 tháng 8 tại Fatima, cô đã có thể nhìn thấy. Jimena, một cô gái 16 tuổi người Tây Ban Nha, cho biết: “Tôi mở mắt ra và tôi có thể thấy rõ. Cô kể rằng sau khi rước lễ ở Fatima vào sáng ngày 5 tháng 8, ngày Đức Thánh Cha viếng thăm, cô đã được chữa lành.

Jimena đã mất gần hết thị lực trong hai năm rưỡi qua, cô chia sẻ với đài phát thanh COPE của Tây Ban Nha. Cô đã đi Đại hội Giới trẻ Thế giới với nhóm Madrid, một nhóm do Opus Dei tổ chức. Gia đình và bạn bè của cô đã cử hành một tuần chín ngày cầu xin Đức Mẹ xuống Tuyết ban ơn chữa lành cho cô. Ngày cuối cùng chính xác là ngày 5 tháng 8, là ngày lễ Đức Mẹ Xuống Tuyết, cô cho hay cô thức dậy vào buổi sáng hôm đó giống như mọi ngày của những tháng trước, “mọi thứ rất mờ, mắt cô hầu như không nhìn thấy gì”. Lo lắng mong cho thoát khỏi nỗi đau khổ này, cô ý thức rằng đây là ngày cuối cùng của tuần cửu nhật, lễ Đức Mẹ xuống Tuyết, Jimena đã rơi lệ khi rước Chúa. Sau đó, cô ấy nói, “Tôi đã mở mắt ra và tôi có thể nhìn thấy rõ ràng.” “Tôi đã nhìn thấy bàn thờ, nhà tạm, bạn bè của tôi ở đó và tôi có thể nhìn thấy họ một cách rõ ràng.”Thực tế, cô ấy còn có thể đọc lời cầu nguyện của tuần cửu nhật. “Đức Trinh Nữ đã ban cho tôi một món quà to lớn mà tôi sẽ không bao giờ quên,”

Jimena khẳng định. Đức Hồng Y Juan José Omella, chủ tịch hội đồng giám mục Tây Ban Nha, đã nói về khả năng chữa lành tại cuộc họp báo kết thúc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, và nói rằng ngài đã có cơ hội nói chuyện với Jimena qua một cuộc gọi video. ACI Prensa báo cáo rằng Đức Hồng Y gọi đó là “ân sủng của Chúa,” và lưu ý rằng Jimena đã nỗ lực học chữ nổi như thế nào kể từ khi thị lực của cô bị mất. Jimena đã nói với Đức Hồng Y về lời cầu nguyện của cô, và bây giờ cô có thể đọc được lời cầu nguyện trong Thánh lễ với nhóm từ Madrid. Đức Hồng Y cho hay sau này, các bác sĩ có thể đánh giá tình hình, nhưng hiện tại, đối với Jimena, đây là “một sự kiện phi thường”. “Chúng tôi có thể nói, một phép lạ! Cô ấy đã không nhìn thấy, và bây giờ được nhìn thấy. Trong tương lai, các bác sĩ có thể khám nghiệm và theo dõi đương sự và đưa ra phán quyết chung cuộc với Giáo hội… Hiện tại cô Jimena rất sung sướng trở về nhà với đôi mắt có thể nhìn thấy. Hãy chúc tụng cảm tạ Chúa.”


2/ Những kẻ cực đoan đang phá hủy nhà cửa của các Kitô hữu Ấn Độ và hủy hoại cuộc sống của họ

Kể từ đầu tháng 5, bạo lực sắc tộc và tôn giáo ở Manipur, một bang phía đông bắc Ấn Độ, đã khiến ít nhất 142 người thiệt mạng, hơn 300 nhà thờ và hàng trăm ngôi làng bị phá hủy, đồng thời là một trong những cuộc nội chiến lớn nhất do bạo lực gây ra, dẫn đến sự dịch chuyển trong lịch sử Ấn Độ gần đây. Một nhóm tìm hiểu thực tế đã đến thăm vào đầu tháng này đã báo cáo rằng các cuộc đụng độ được “nhà nước bảo trợ” và bạo lực đã khiến hơn 65.000 người phải rời bỏ nhà cửa và buộc họ phải tìm nơi trú ẩn ở nơi khác.

Ấn Độ ghi nhận số lượng di dời nội bộ cao nhất hàng năm, chủ yếu là do thiên tai. Nhưng bạo lực và đàn áp cộng đồng gần đây đối với các nhóm thiểu số tôn giáo đã tàn phá nhiều bang của Ấn Độ, bao gồm Gujarat, Madhya Pradesh và Odisha. Mặc dù chính phủ có khung pháp lý chính thức để giúp đỡ các cộng đồng bị di dời do thiên tai và các dự án phát triển, nhưng chính phủ lại không có khung pháp lý nào dành cho những người phải di dời do bạo lực hoặc xung đột nhân tạo. Thay vào đó, mức độ phản ứng rất khác nhau tùy thuộc vào sự đồng cảm của công chúng đối với các nạn nhân, sự chú ý của giới truyền thông và sự phản đối của những người bị ảnh hưởng. Phục hồi chức năng, bao gồm cung cấp nơi ở lâu dài, việc làm và giáo dục, vẫn là một thách thức đáng kể đối với chính phủ và các Giáo Hội. Hơn hai tháng sau khi bạo lực bắt đầu ở Manipur, ít nhất 1.000 gia đình đang trú ẩn ở Delhi, L. Kamzamang, một mục sư làm việc với những người di cư nội địa từ Manipur, cho biết.

Kamzamang cho biết: “Không chỉ hầu hết những người di cư nội địa sống rải rác ở nhiều thành phố và thị trấn khác nhau ở Ấn Độ không muốn trở về nhà của họ, mà những người trẻ tuổi ở Manipur cũng đang có kế hoạch rời khỏi Manipur. “Không có gì để làm ở đó. Không có việc làm, không có nguồn thu nhập. Mọi thứ đứng yên. Làm thế nào những người trẻ này sẽ hỗ trợ bản thân và gia đình của họ ở đó?”


KHÓC VỚI NGƯỜI KHÓC

Ông Phêrô Huỳnh Văn Lộc, sinh 1960, là chồng của Bà Têrêsa Nguyễn Thị Hồng, ở giáo họ Anrê Kim Thông, đã qua đời ngày 05/08/2023 tại Phan Thiết. Lễ an táng lúc 4g45 ngày 08/08/2023 tại Nhà Thờ Chính Tòa, sau đó đưa đi thiêu.

Bà Anna Lê Thị Sa, sinh năm 1933 là mẹ của Ông Phao-lô Nguyễn Văn An, ở Giáo họ An-rê Trông, đã qua đời ngày 07/08/2023 tại Phan Thiết. Lễ an táng lúc 4g45 ngày 10/08/2023 tại Nhà Thờ Chính Tòa, sau đó đưa đi thiêu.

Giáo xứ xin chia buồn cùng hai gia đình tang quyến và hiệp thông cầu nguyện cho linh hồn Phêrô và Anna mau về hưởng tôn nhan Chúa.


THÔNG BÁO

1/ Ban Giáo Lý xin thông báo: Những con em sinh năm 2017 trở về trước (tức là bắt đầu vào lớp 1 năm nay). Xin quý phụ huynh ghi danh cho con em của mình học giáo lý, địa điểm tại Văn phòng Giáo Xứ, để các em vào lớp Giáo lý Khai Tâm 1 trong năm học 2023 – 2024 này.

2/ Vào lúc 7 giờ, ngày 13 tháng 8, Thánh lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời – Bổn mạng xứ Đoàn Maria. Và sau Thánh lễ Thiếu Nhi, các Huynh Trưởng sẽ có chương trình ẩm thực và sinh hoạt cho các em thiếu nhi. Xin các phụ huynh tạo điều kiện cho các em vui chơi trong ngày bổn mạng của xứ Đoàn.

Thứ Sáu, 4 tháng 8, 2023

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 774


 

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA HIỂN DUNG

PHÚC ÂM: Mt 17, 1-9

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết. Và đây ông Môsê và Êlia hiện ra và đàm đạo với Người.

Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây sáng bao phủ các Ngài, và có tiếng từ trong đám mây phán rằng: “Ðây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp xuống và hết sức sợ hãi. Bấy giờ Chúa Giêsu đến gần, động đến các ông và bảo: “Các con hãy đứng dậy, đừng sợ”. Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, trừ ra một mình Chúa Giêsu.

Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông rằng: “Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại”.

 

SUY NIỆM

Việc Đức Giêsu biến hình hay hiển dung trên núi trước mặt ba môn đệ không phải là để cho các ông dựng lều ở lại ngay trên đó. Nhưng là để giúp các môn đệ nhận ra thiên tính của một Con Người mà họ đang cùng đồng hành và nói chuyện với họ. Con Người đó không phải chỉ là người nhưng còn là Con Thiên Chúa. Ngài là Con Thiên Chúa nhưng đồng thời Ngài cũng là Người Tôi Tớ chịu đau khổ bởi vâng lời Thánh ý của Thiên Chúa Cha đến đổ máu chết trên thập giá. Núi Tabor nơi Chúa biến hình tỏ vinh quang của Ngài là dấu báo trước chuẩn bị cho cảnh hy sinh trên núi Can-vê. Khi chứng kiến Chúa biến hình, các môn đệ sẽ có cơ hội biết rõ hơn Thầy của họ thực sự là ai, và họ được hưởng nếm trước cái vinh quang và hạnh phúc đang chờ đón họ bởi việc đi theo Ngài. Đây cũng là sự chuẩn bị tinh thần cho họ để khi Thầy của họ bị xỉ nhục bắt bớ thì họ không bị mất niềm tin mà thất vọng.

Qua việc tường thuật là biến có Chúa biến hình hôm nay Giáo Hội muốn nhắc cho chúng ta hãy nghe Lời Đức Kitô. Trách nhiệm của người Kitô hữu chúng ta là mở tai, mở lòng và mở trí để đón nhận những gì Đức Giêsu giảng dạy và làm gương bằng cuộc sống của Ngài. Lắng nghe lời Ngài không có nghĩa là chỉ nghe những gì Ngài nói, nhưng còn phải chú ý đến những gì Ngài đã làm; đi theo con đường Ngài đã đi; bắt chước cách Ngài đã làm trong việc xử sự với Thiên Chúa và với những người khác.

Xin Chúa giúp chúng ta biết vâng nghe Lời Chúa dạy và biết biến đổi mình mỗi ngày trở nên giống Chúa hơn trong suy nghĩ và hành động hầu xứng đáng là con cái Thiên Chúa. Amen.

 

BẢN TIN

I.                   VÀI NÉT VỀ ĐẤT NƯỚC VÀ GIÁO HỘI BỒ ĐÀO NHA

Bồ Đào Nha chỉ rộng gần 92.000 cây số vuông, tương đương với hơn một phần bốn lãnh thổ Việt Nam. Trong số 10 triệu 300.000 dân cư, có một phần ba sinh sống tại thủ đô Lisboa và vùng phụ cận.

Tỷ lệ Công giáo tại Bồ Đào Nha hiện nay là gần 88,7% dân số toàn quốc. Cách đây gần 50 năm, tỷ số này là 96%.

Giáo hội Công giáo tại Bồ Đào Nha hiện có 21 giáo phận, với 45 giám mục, gần 3.260 linh mục giáo phận và dòng, tức là giảm 140 vị so với con số cách đây sáu năm, khi Đức Thánh cha đến thăm nước này lần đầu tiên. Giáo hội Công giáo Bồ Đào Nha có 215 tu huynh và 3.860 nữ tu và 468 đại chủng sinh, tức là giảm 82 thầy so với cách đây bảy năm.

Trong lịch sử, cuộc cách mạng năm 1910 tại Bồ Đào Nha đã đưa tới sự truất hữu các tài sản của Giáo hội và giải tán các dòng tu, đồng thời nhà nước cách mạng phát động chiến dịch bài giáo sĩ. Các ngày lễ của Giáo hội và việc giảng dạy môn tôn giáo tại các trường học bị hủy bỏ. Các giám mục bị trục xuất. Các cuộc hiện ra của Đức Mẹ hồi năm 1917 tại Fatima đã củng cố lòng đạo đức và đời sống đạo của dân chúng.

Tiếp đến là thời ông Antonio de Oliveira Salazar, người thiết lập chế độ độc tài tại Bồ Đào Nha, từ năm 1933. Ông công khai nhìn nhận Giáo hội. Sau Công đồng chung Vatican II, trong Giáo hội Bồ Đào Nha có khuynh hướng chống lại chế độ độc tài và nhiều thành phần Giáo hội đã ủng hộ cuộc cách mạng năm 1974, đưa Bồ Đào Nha dần dần trở thành một cộng hòa dân chủ.

Trong vài năm gần đây, giống như trường hợp nhiều nước Âu Mỹ khác, những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên trong quá khứ bị khui ra. Theo ủy ban điều tra độc lập, do Giáo hội ủy nhiệm, có hơn 4.800 vụ lạm dụng trong 60 năm trời, từ 1950 đến 2010. Kết quả này khiến Giáo hội tại đây bị rúng động và không thiếu giới báo chí quốc tế quan tâm đến tệ nạn này, nhân chuyến viếng thăm của Đức Thánh cha.

Tác giả: G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

 

II.                                 GIÚP TRẺ NĂNG ĐỘNG

Theo nguyên tắc chung, trẻ em nên tập thể dục mỗi ngày khoảng 60 phút, nhưng “nói dễ, làm khó,” nhất là vào mùa Đông. Giúp trẻ xa rời ti-vi hoặc máy vi tính là nhiệm vụ của cha mẹ, để chúng không mải mê mà không tốt cho sức khỏe. Năng động không chỉ có lợi hiện tại mà còn tạo thói quen tốt, có lợi cho cả cuộc đời.

Đây là vài cách khả dĩ giúp trẻ năng động:

1. ĐỪNG SỢ THỜI TIẾT – Nếu trẻ thường ra ngoài chơi hoặc đi xe đạp vào những ngày nắng ráo, nhưng lại khoái “ngủ đông” khi thời tiết se lạnh, chính chúng cần phải tự cố gắng “vượt qua chính mình.” Chịu vận động giúp cơ thể ấm dần sẽ cảm thấy bớt lạnh và khỏe khoắn hơn.

2. KHUYẾN KHÍCH CHƠI THỂ THAO – Một trong những cách tốt là tham gia một đội thể thao (bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá,…), hoặc chạy bộ, chơi cầu lông. Tùy độ tuổi của trẻ mà cho chúng tham gia loại hình thích hợp nhất. Thể thao và thể dục luôn có lợi cho sức khỏe, nhất là tập thể dục buổi sáng. Thân xác có khỏe mạnh thì tinh thần mới minh mẫn. Lối sống thụ động khiến người ta nhụt chí, giảm mức tự tin, bất lợi cho não, do đó phải cố gắng sống tích cực trong từng động thái hằng ngày.

3. THAM DỰ CÁC KHÓA HỌC VỀ THỂ LÝ – Nếu có điều kiện, có thể cho trẻ tham gia các lớp bơi lội, thể dục, võ thuật, hoặc khiêu vũ. Chúng sẽ hứng khởi tham gia nếu chúng thấy các bạn khác cũng tham gia, vì thế cha mẹ có thể bàn thảo kế hoạch với các cha mẹ khác trong xóm, trong khu phố.

4. CHỌN CÁC TRÒ CHƠI CÓ TÍNH NĂNG ĐỘNG – Đôi khi các trò chơi video có thể là cách tốt để giúp trẻ năng động trong những ngày giá lạnh. Chúng có nhiều thời gian ngồi trước màn hình ti-vi hoặc máy vi tính để chơi trò chơi, nhưng nếu chỉ chơi các trò chơi thiếu tình hoạt bát thì không tốt bằng các trò chơi có tính năng động, chính tính năng động của các trò chơi sẽ khiến chúng tích cực vận động.

Trầm Thiên Thu

 

KHÓC VỚI NGƯỜI KHÓC

Bà Cêcilia Nguyễn Thị Hảo, sinh 1952 tại Hà Nam, là vợ của ông Phêrô Nguyễn Minh Thông, ở giáo họ Matthêu Phượng, đã qua đời ngày 30/7/2023 tại Phan Thiết. Lễ an táng lúc 4g45 ngày 02/8/2023 tại Nhà Thờ Chính Tòa, sau đó đưa đi thiêu. Giáo xứ xin chia buồn cùng tang quyến và hiệp thông cầu nguyện cho linh hồn Cêcilia mau về hưởng tôn nhan Chúa.

THÔNG BÁO

1/ Ban Giáo Lý xin thông báo: Những con em sinh năm 2017 trở về trước (tức là bắt đầu vào lớp 1 năm nay). Xin quý phụ huynh ghi danh cho con em của mình học giáo lý, địa điểm tại Văn phòng Giáo Xứ, để các em vào lớp Giáo lý Khai Tâm 1 trong năm học 2023 – 2024 này.

 

2/ Vào lúc 7giờ, ngày 13 tháng 8, Thánh lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời – Bổn mạng xứ Đoàn Maria. Và sau Thánh lễ Thiếu Nhi, các Huynh Trưởng sẽ có chương trình ẩm thực và sinh hoạt cho các en thiếu nhi. Xin các phụ huynh tạo điều kiện cho các em vui chơi trong ngày bổn mạng của xứ Đoàn.