Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2023

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 764

 


CHÚA NHẬT CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

PHÚC ÂM: Ga 20, 19-23

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con!” Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”.

 

SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại: Vào chiều ngày Phục sinh Đức Giêsu đã hiện ra, thổi hơi trên các tông đồ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Hình ảnh “thổi hơi” gợi lại tác động của Giavê Thiên Chúa, lúc tạo dựng đã thổi hơi trên Ađam để ban sự sống. Nhận lấy Thánh Thần là nhận lấy sự sống của Thiên Chúa. Vì Thánh Thần là Thần khí, là hơi thở của Thiên Chúa.

Sự sống mới mà hôm nay Đức Giêsu trao ban cho các tông đồ cũng là sự sống bởi Thánh Thần. Nhưng đây là Thánh Thần của Đấng Phục sinh, Thánh Thần của Đấng đã chiến thắng tử thần, và vì thế, sự sống đó chính là sự sống đời đời. Chính Thánh Thần của Đức Giêsu Phục sinh đang thực hiện một cuộc tạo dựng mới, tạo dựng một nhân loại mới.

Sau khi đã được giải thoát khỏi vòng nô lệ của tội lỗi và sự chết, nhân loại mới này đã đón nhận được sự sống mới, sự sống đời đời. Sự sống mới này, ngày nay cũng được tiếp tục trao ban cho các Kitô hữu là những người tin vào Chúa Kitô. Qua Bí tích Rửa tội các Kitô hữu nhận lãnh Chúa Thánh Thần, được tái sinh trong đời sống mới. Chúa Thánh Thần tẩy rửa mỗi tâm hồn khỏi tội lỗi và làm cho trở nên chi thể của Chúa Kitô và là con cái của Chúa Cha.

Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta. Cũng như lý trí soi dẫn cuộc đời bình thường của con người thế nào, thì chúng ta cũng xin Chúa Thánh Thần, là khôn ngoan, là sức mạnh và là tình yêu của Thiên Chúa soi sáng, sưởi ấm và củng cố tâm hồn chúng ta.

 

BẢN TIN

1.      Đức Thánh Cha sẽ đến Lisbon và Fatima vào tháng 8

Ngày 22/5/2023 Phòng Báo chí Toà Thánh đã chính thức thông báo rằng Đức Thánh Cha sẽ đến Lisbon và Fatima để tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới vào tháng 8 tới đây.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh đã đưa ra thông báo chính thức: “Nhân dịp Đại hội Giới trẻ Thế giới sắp tới, và nhận lời mời của chính quyền dân sự và Giáo hội Bồ Đào Nha, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến Lisbon từ ngày 2 đến ngày 6 tháng 8 năm nay, thực hiện chuyến viếng thăm Đền thánh Fatima vào ngày 5 tháng 8.”

Fatima: Đây sẽ là lần thứ hai Đức Thánh Cha viếng thăm địa điểm hành hương Đức Mẹ, điểm đến của hàng triệu khách hành hương mỗi năm. Đức Thánh Cha đã viếng thăm Đền thánh, vào ngày 12 đến 13 tháng 5 năm 2017, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đức Trinh Nữ Maria Hiện Ra tại Cova da Iria. Nhân dịp đó, Đức Thánh Cha đã cầu nguyện cho việc chấm dứt các cuộc chiến đang “xé nát” thế giới.

Tại Fatima, cách đây hơn 100 năm, Mẹ Maria đã hiện ra với ba trẻ em người Bồ Đào Nha, tại một làng nghèo sống về nông nghiệp.

Đại hội Giới trẻ Thế giới tại Lisbon: Đại hội Giới trẻ Thế giới tại Lisbon sẽ là Đại hội thứ tư do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự. Trước đó ngài đã chủ sự các Đại hội Giới trẻ Thế giới tại Rio de Janeiro, Brazil, vào năm 2013; tại Cracovia, Ba Lan, năm 2016; và tại Panama City, Panama, vào năm 2019.

Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 38 ban đầu dự kiến diễn ra tại thủ đô Bồ Đào Nha vào năm 2022, nhưng đã bị hoãn lại do tình trạng khẩn cấp về sức khỏe của đại dịch Covid-19.

Đức Thánh Cha đã chọn khẩu hiệu cho Đại hội Giới trẻ Thế giới năm nay là “Mẹ Maria chỗi dậy và vội vã lên đường” (Lc 1,39), trích trong trình thuật Đức Mẹ thăm viếng người chị họ Elizabeth sau khi thiên thần báo tin cho Đức Mẹ rằng Mẹ sẽ là Mẹ của Con Thiên Chúa.

Tác giả: Hồng Thủy - Vatican News

 

2.      Phong Chân phước vị LM tử đạo thời Đức quốc xã

Một linh mục ở Ý, bị Đức quốc xã sát hại vì cứu người Do thái, sẽ được phong chân phước như một vị tử đạo. Đó là cha Giuseppe Beotti, cha sở giáo xứ Sidolo thuộc tỉnh Parma, bắc Ý. Cha sinh ngày 02 tháng Tư năm 1912 trong một gia đình nông dân, thụ phong linh mục năm 1938, nổi bật về lòng bác ái cứu giúp người nghèo và dấn thân huấn luyện giới trẻ, và chăm chỉ cầu nguyện. Cha giúp đỡ mọi người, từ quân kháng chiến chống Đức, cho đến người Do thái, các binh sĩ và những người bị thương.

Trong thời quân Đức quốc xã chiếm nước Ý, cha bênh vực các giáo dân và bị xét xử, nhưng được trắng án. Cha Giuseppe Beotti cũng đón nhận và cứu giúp các binh sĩ Ý trốn chạy, các tù nhân chiến tranh, những người bị bách hại, trong đó có hàng trăm người Do thái mà cha để ẩn náu trong những nhà tranh ở đồng quê, nhờ sự hỗ trợ của giáo dân. Cha không chạy trốn trước những cuộc càn quét và trả thù của quân Đức. Cha bị bắt và xử bắn, ngày 20 tháng Bảy năm 1944, tại Sidolo, lúc mới 32 tuổi.

Sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo của cha Beotti được Đức Thánh cha Phanxicô chấp thuận cho Bộ Phong thánh, ngày 20 tháng Năm vừa qua, cùng với các sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của tám vị tôi tớ Chúa, trong đó có một linh mục người Cameroon bên Phi châu, là cha Simon Mpeke, người đã thành lập Liên hiệp Linh mục Chúa Giêsu Caritas tại Cameroon, do thánh Charles de Foucauld sáng lập.

Cha Mpeke sinh trưởng trong một gia đình ngoại giáo, nhưng trở lại Công giáo và trở thành linh mục năm 1935, nổi bật về đời sống thánh thiện, thăng tiến con người.

(Vatican News 20-5-2023)

Tác giả: G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

 

          

KHÓC VỚI NGƯỜI KHÓC

Ông Anrê Nguyễn Thành Chung, sinh 1956, là chồng của Anna Nguyễn Thị Màng, ở giáo họ Anrê Kim Thông, đã qua đời ngày 20/5/2023 tại Phan Thiết. Lễ an táng lúc 4g45 ngày 22/5/2023 tại Nhà Thờ Chính Tòa, sau đó đưa đi an táng tại nghĩa trang Hòa Vinh

Giáo xứ xin chia buồn cùng tang quyến và hiệp thông cầu nguyện cho linh hồn Anrê mau về hưởng tôn nhan Chúa.

 

THÔNG BÁO

1.      Ngày 16/7/2023 Giáo xứ sẽ phát thưởng cho các em có thành tích trong việc học Giáo lý và ở trường học. Vì vậy từ tuần này, ai có giấy khen ở trường học thì nộp lại cho các Cha Phó. Cụ thể: Học Sinh cấp 1: chỉ nhận giấy khen thành tích Xuất Sắc. Học Sinh cấp 2: Chỉ nhận giấy khen thành tích Xuất Sắc. Học Sinh Cấp 3: Nhận giấy khen thành tích: Tiên Tiến, Giỏi, Xuất Sắc. (Giáo xứ sẽ không phát thưởng cho những giấy khen ngoài thành tích kể trên).

2.      Giáo xứ xin tri ân gia đình bà Nguyễn Thị Bế, thuộc Giáo họ Simon Hòa, đã ủng hộ cho giáo xứ hai trăm đô la mỹ, và một trăm đô la mỹ cho quỹ người nghèo. Anh chị Trung Ly ủng hộ cho trại thiếu nhi hai triệu đồng, và trường mầm non Hàn Thuyên của quý Sơ ủng hộ cho trại thiếu nhi hai triệu đồng.

Xin Chúa chúc lành cho quý vị.


Thứ Bảy, 20 tháng 5, 2023

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 763

 


CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THĂNG THIÊN

Mt 28, 16-20

Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu đã chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.

SUY NIỆM

Tin Mừng Matthêu tường thuật biến cố Chúa về trời cách đặc biệt: Chúa Giêsu hẹn 11 môn đệ, đến miền Bắc Galilêa, nước Do Thái, trên một ngọn núi, không rõ là ngọn núi nào… Tại đó, trước khi về trời, Chúa nói mấy lời từ biệt, dặn dò các ông với những lời nói vừa trang trọng, vừa rất thân tình, dạy các ông phải tiếp tục sứ mạng đem giáo lý và ơn cứu độ đến tận cùng thế giới. Đó chính là sứ mạng Chúa Cha đã giao phó cho Ngài; giờ đây Ngài đã hoàn tất trong vinh quang, nên Ngài phải về bên Chúa Cha. Dù vậy Chúa Giêsu cũng hứa hẹn với các ông là không bỏ các ông mồ côi. Ngài về trời để dọn chỗ cho các ông; nhưng trong khi còn ở trần gian, Ngài vẫn ở cùng các ông mọi ngày cho đến tận thế…

Chớ gì mỗi người chúng ta hôm nay, cũng như các tông đồ năm xưa, có thể trải nghiệm niềm vui và niềm hy vọng. Đồng thời, tiếp nối dấu chân của các tông đồ, chúng ta hân hoan lên đường thực thi sứ mạng cứu thế mà Chúa Giêsu đã chuyển giao cho chúng ta trước khi Ngài trở về với Chúa Cha.

 

BẢN TIN

1.     Liệu sự phân tâm chia trí trong khi cầu nguyện có một ý nghĩa nhất định không?

Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu có một lời khuyên rất đơn giản cho những ai đang chống chọi với sự phân tâm chia trí trong khi cầu nguyện.

Việc bị phân tâm chia trí trong khi cầu nguyện là điều thường xảy ra. Mọi thứ đều là lý do để phân tâm chia trí : tiếng còi ô tô bên ngoài, bước chân của những người hàng xóm trên tầng lầu hoặc đơn giản là dòng tư tưởng về những người hay những biến cố khác nhau xảy ra gần đây. Trong những trường hợp này, có thể khó tập trung sự chú ý vào Thiên Chúa và cầu nguyện đúng cách.

Và nếu như những phân tâm chia trí này là những tư tưởng do Chúa đưa đến, vì lợi ích thiêng liêng của chúng ta thì sao ? Đó là điều mà thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu cho thấy, chính thánh nữ đôi khi cũng bị phân tâm chia trí trong khi cầu nguyện : « Con cũng có nhiều [phân tâm chia trí ] nhưng ngay khi con nhận thấy điều đó, con cầu nguyện cho những người này mà việc nghĩ đến họ làm chuyển hướng sự chú ý của con, và bằng cách này họ thu được lợi ích từ sự phân tâm chia trí của con ».

Như thế, thánh Têrêsa Lisieux đã xác tín rằng đôi khi Thiên Chúa muốn chuyển hướng sự chú ý của chúng ta và soi sáng về một người bạn hay một thành viên trong gia đình đang gặp khó khăn. Họ có thể cần đến lời cầu nguyện. Bằng cách này, sự phân tâm chia trí xoay đúng hướng và thay vì làm chúng ta xa rời Thiên Chúa, nó đưa chúng ta đến gần Ngài hơn. Vì thế, cần phải chú ý đến những dấu hiệu nhỏ này khi chúng xảy ra.

Thánh Josémaria Escriva đã nói rằng « một tông đồ càng gần Thiên Chúa, thì những ước muốn của người ấy càng phổ quát hơn. Trái tim của người ấy rộng mở và đón nhận tất cả mọi người trong ước muốn đặt vũ trụ dưới chân Chúa Giêsu của mình.» Như vậy, không cần phải xua đuổi mọi phân tâm chia trí trong khi cầu nguyện và mở rộng tâm hồn cho tất cả những gì Thiên Chúa muốn thông truyền cho chúng ta vào lúc đó.

Philip Kosloski

Nguồn: xuanbichvietnam.net (15.05.2023)

 

2.     Ba Lễ Truyền chức Giám mục trong tháng 5 & 6

Từ trung tuần tháng 5 đến cuối tháng 6 tới đây, Giáo Hội Việt Nam sẽ có 3 Thánh lễ Truyền chức Giám mục diễn ra tại 3 vùng miền Bắc, Trung, Nam. Đây là hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa đã tặng ban cho Giáo Hội Việt Nam.

1. Thánh lễ Truyền chức Giám mục và nhận sứ vụ của Đức Cha tân cử Phêrô Kiều Công Tùng, Giám mục Chính tòa giáo phận Phát Diệm được cử hành vào lúc 7g00, thứ Ba ngày 16/05/2023, tại nhà thờ Chính tòa Phát Diệm. Như đã biết, sau đúng 40 ngày, kể từ khi Tòa Thánh bổ nhiệm tân Giám mục Chính toà Giáo phận Phát Diệm, vào lúc 8h30 sáng ngày 05/05/2023, Đức Giám mục Tân cử Phêrô Kiều Công Tùng đã chính thức về nhận giáo phận.

2. Thánh lễ Truyền chức Giám mục Đức Cha tân cử Phêrô Lê Tấn Lợi, Giám mục phó giáo phận Cần Thơ được cử hành vào lúc 8g00, thứ Năm, ngày 18/05/2023, tại Trung tâm Mục vụ giáo phận Cần Thơ.

3. Vào cuối tháng Sáu, Đức Cha tân cử Giuse Huỳnh Văn Sỹ, Giám mục Chính tòa giáo phận Nha Trang sẽ được tấn phong Giám mục trong Thánh lễ được tổ chức vào thứ Ba, ngày 27/06/2023 tại Đại Chủng viện Sao Biển Nha Trang. Trước đó, vào thứ Năm, ngày 15/06/2023, Đức Cha Giuse sẽ vào Nha Trang chính thức nhận giáo phận.

KHÓC VỚI NGƯỜI KHÓC

Bà Matta Nguyễn Thị Tám, sinh 1941 tại Phan Thiết, là mẹ của chị Anna Nguyễn Thị Thanh Nguyệt, ở giáo họ Simon Hòa, đã qua đời ngày 16/5/2023 tại Phan Thiết. Lễ an táng lúc 4g45 ngày 18/5/2023 tại Nhà Thờ Chính Tòa, sau đó đưa đi thiêu.

Ông Phêrô Hoàng Thái Sơn, sinh 1956 tại Huế, là chồng của chị Maria Lê Thị Hoa, ở giáo họ Simon Hòa, đã qua đời ngày 18/5/2023 tại Phan Thiết. Lễ an táng lúc 4g45 ngày 20/5/2023 tại Nhà Thờ Chính Tòa, sau đó đưa đi thiêu.

Bà Matta Lê Thị Lài, sinh 1953 tại Phan Thiết, là cô của chị Phanxica Lê Thị Đan Vy, ở giáo họ Simon Hòa, đã qua đời ngày 19/5/2023 tại Phan Thiết. Lễ an táng lúc 4g45 ngày 22/5/2023 tại Nhà Thờ Chính Tòa, sau đó đưa đi an táng tại nghĩa trang Phan Thiết

Giáo xứ xin chia buồn cùng tang quyến và hiệp thông cầu nguyện cho các linh hồn Phêrô và Matta mau về hưởng tôn nhan Chúa.

 

THÔNG BÁO

1.  Giáo xứ xin tri ân gia đình Bà Nguyễn Thị Tám, thuộc Giáo họ Simon Hòa, đã ủng hộ cho giáo xứ hai triệu đồng; một người giáo họ Giuse Thị ủng hộ quỹ người nghèo hai triệu đồng.

Xin Chúa chúc lành cho quý vị.

2. Thứ Sáu, ngày 26.5.2023, Giáo hội mừng kính thánh tử đạo Matthêu Nguyễn Văn Phượng, cũng là bổn mạng của Giáo họ Matthêu Phượng. Xin cộng đoàn tham dự Thánh lễ Sáng cầu nguyện cho Giáo họ Matthêu Phượng.

3.  Vào lúc 7h00, sáng Thứ Bảy ngày 27.05.2023: rửa tội cho trẻ sơ sinh. Xin quý cha mẹ có con Rửa tội, đến xin giấy giới thiệu nơi Ban Điều Hành giáo họ, và nộp sổ gia đình về văn phòng giáo xứ trong tuần này.

4.  Sáng Thứ Bảy, ngày 27 tháng 5: trao Mình Thánh Chúa cho người già và bệnh nhân.

5.  Chiều thứ Bảy, ngày 27 tháng 5, sau Thánh lễ Giáo xứ sẽ bế mạc Tháng Hoa kính Đức Mẹ. Xin cộng đoàn tham dự.

6.  Trong tháng 6 tới (Ngày 8.6.2023), xứ đoàn sẽ tổ chức sinh hoạt trại hè cho các em thiếu nhi. Xin cộng đoàn rộng tay giúp đỡ, để các huynh trưởng có kinh phí tổ chức trại cho các em.


Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2023

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 762


 CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH

Ga 14, 15- 21

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy. Và Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Ðấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi. Ngài là Thần Chân Lý mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết được Ngài; còn các con, các con biết Ngài, vì Ngài sẽ ở nơi các con và ở trong các con. Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con. Một ít nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần các con, các con thấy Thầy vì Thầy sống và các con cũng sẽ sống. Trong ngày đó, các con sẽ hiểu biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, và các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Ai nhận các luật Thầy truyền và giữ các luật đó, thì người ấy là kẻ mến Thầy. Và ai mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy sẽ yêu nó, và sẽ tỏ mình ra cho nó”.

 

SUY NIỆM

Bài Phúc Âm hôm nay là một lời an ủi của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ, khi Ngài sắp lìa bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha. Lời an ủi này là một lời hứa chắc chắn Người không để các ông mồ côi, Người sẽ xin Chúa Cha ban cho các môn đệ một Đấng Bảo Trợ là Chúa Thánh Thần, Người sẽ đến ở giữa các ông và trong các ông. Nhưng điều quan trọng là tình yêu mến trong lòng họ qua việc giữ lệnh truyền của Thầy. Tình yêu ấy làm cho Chúa Cha thương mến họ, cả Ba Ngôi đều ở trong họ, làm cho sự sống linh thiêng ngập tràn trên họ, và chính Chúa sẽ tỏ mình cho họ, khiến họ vững vàng trước mọi thử thách gian nan.   

Mùa Phục sinh nhắc nhở ta nhìn lại sự sống của Chúa trong mình: “Anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em”. Kitô hữu tự bản chất là người đã được phục sinh, nhờ thông hiệp với Ðấng đang sống là Ðức Kitô. Sự thông hiệp này làm nên một sức sống mới và một kinh thiêng liêng mà thánh Phaolô đã nói lên: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Quả thật, sự sống của Chúa bắt đầu bừng lên khi ta bắt đầu sống yêu thương. Ngài sẽ tỏ mình cho ta khi ta dám cúi xuống tỏ tình thương với mọi người.

Thực tế cho thấy, lắm khi ta sống èo uột, khô khan, cằn cỗi, tầm thường, chỉ vì không dám sống giới răn yêu thương, không dám xả thân phục vụ anh chị em, chỉ quanh quẩn với bản thân, và loay hoay với những gì mình muốn để được an nhàn thư thái. Còn đời sống đạo thì nhiều khi chỉ lo giữ những điều tối thiểu và vừa đủ để được lên thiên đàng. Nếu như vậy chỉ là một thứ đạo thực dụng, như chuyện trao đổi ở đời, và như vậy ta xem Đức Kitô cũng chỉ là một vị thần đóng vai trò thưởng phạt, chẳng khác nào chuyện thần thoại Hy lạp.

Cuộc đời chúng ta tùy thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa, nhưng sự hiện diện của Đức Kitô phục sinh lại tùy thuộc vào thái độ sống của chúng ta: một thái độ mở ra, bao dung, đón nhận, vui tươi và nhiệt tình với mọi người, đem lại tự do và bình an cho nhau.

 

 

BẢN TIN

Đức Giáo hoàng Phanxicô: Yêu tốt để nói tốt

Những thách thức nhân Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội 2023

Bạn đã có bao giờ nghe biết về Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội chưa? Nếu chưa, thì cũng không sao, và đây là dịp để bạn trải nghiệm về ngày này.

Vào Chúa Nhật trước Lễ Chúa Thánh Thần Hiện XuốngGiáo hội cử hành việc nhìn nhận Truyền thông xã hội như là một món quà Thiên Chúa ban cho nhân loại, và như một tiềm năng tuyệt vời đối với việc Phúc âm hoá. Ngày này cũng nhắc nhở Giáo hội tận dụng các công nghệ truyền thông để loan báo Tin Mừng, truyền bá điều tốt đẹp, đồng thời giáo dục con cái mình suy tư cách nghiêm túc về những sứ điệp dành cho ngày này.

Năm nay ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 57 sẽ được cử hành vào Chúa nhật ngày 21.5, và Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi sứ điệp với chủ đề “Nói bằng trái tim”.

Chúa Giêsu đã từng cảnh báo những người Pharisêu rằng điều khiến người ta ô uế là từ trong lòng, “Vì tự lòng phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống” (Mt 1519). Tất nhiên, nếu trái tim của chúng ta tràn ngập niềm vui, lòng trắc ẩn, tình yêu thương, lòng biết ơn và sự tha thứ, thì chính những phẩm chất đó sẽ lan toả trong cuộc sống và trong sự giao tiếp của chúng ta, như cách diễn tả của Tin Mừng Lc 644: xem quả thì biết cây.

Để trở thành những người truyền đạt tình yêu của Thiên Chúa cách hữu hiệu hơn, cả trong lời nói và trong cuộc sống, Đức Thánh Cha đưa ra một vài thách thức đối với chúng ta trong thời đại kỹ thuật số này.

Thanh lọc con tim. Nếu muốn nói lên sự thật trong đức ái, chúng ta phải thanh lọc con tim của mình. Trong thân phận con người tội lỗi, tâm hồn chúng ta sẽ chẳng bao giờ là hoàn toàn tinh sạch, nhưng chúng ta cố gắng để lớn lên trong nhân đức mỗi ngày. Đức Thánh Cha nói:

Chỉ khi biết lắng nghe và nói bằng một trái tim trong sáng, chúng ta mới có thể nhìn xa hơn những vẻ bề ngoài và vượt qua được những tiếng ồn ào hỗn độn, cả trong lĩnh vực truyền thông, khiến chúng ta khó phân định được trong một thế giới phức tạp mà chúng ta đang sống.

Điều gì trong lòng tôi cần được thanh lọc để sự giao tiếp của tôi nâng đỡ người khác?

Giao tiếp thân tìnhĐiều này nghe có vẻ đơn giản, nhưng mới đây tôi có xem một đoạn tin tức về một hành khách của hãng hàng không phàn nàn một cách vô lý và vô lối về việc một em bé la khóc trên máy bay. Những cách ứng xử thô kệch của anh ta thực sự đã gây xáo trộn cho cả chuyến bay. Giao tiếp của anh ấy hoàn toàn không bằng trái tim. Đức Thánh Cha đưa ra mẫu gương của Chúa Giêsu phục sinh, Đấng đi bên cạnh và nói chuyệvới các môn đệ đang phiền não trên đường Emmaus (Lc 2413-35). Chúa Giêsu nói với họ từ trái timtôn trọng sự đau khổ của họ, và không áp đặt suy nghĩ của Người lên họ. Những gì Chúa Giêsu làm là yêu thương mở trí cho họ hiểu được ý nghĩa sâu xa của những gì đã xảy ra. Chính sự giao tiếp thân tình của Chúa Giêsu đã làm cho tâm hồn họ bừng cháy lên.

Sự giao tiếp của tôi có thân tình, có toát lên niềm cảm hứng và lòng trắc ẩn không?

Giao tiếp chân thực. Đức Thánh Cha giới thiệu Thánh Phanxicô Salêsiô như một mẫu mực của sự giao tiếp xuất phát từ tình yêu thương. Vị tu sĩ Dòng Tên ở thế kỷ XVII đã xác tín rằng, “Cứ thương yêu cho tốt đẹp thì sẽ biết diễn tả cách tốt đẹp, vì chúng ta giao tiếp thế nào thì chúng ta là như thế”. Sự giao tiếp chân thực đã bị ảnh hưởng trong nền văn hóa được đánh dấu bằng hành vi thái quá. Thật vậy, nhiều người thể hiện những gì họ mong muốn trên mạng xã hội chứ không phải là con người thật của họ. “Nói từ trái tim” có nghĩa là chân thực trong giao tiếp của chúng ta.

Tôi có chân thực trong các giao tiếp của mình không, nhất là trực tuyến?

Hãy nói theo “cung cách của Thiên Chúa”. Thách thức này chạm đến tiến trình Hiệp hành. Đức Phanxicô nói: “Trong Giáo hội, chúng ta rất cần một nền truyền thông vỗ về các tâm hồn, đó là dầu xoa dịu những vết thương và soi sáng hành trình của anh chị em chúng ta”. Điều này đòi hỏi, trước hết là lắng nghe người khác mà không thành kiếnđược nuôi dưỡng bằng sự gần gũi, cảm thông và dịu dàng, và sau đó mới lên tiếng. Nếu chúng ta có thể mô hình hóa cách giao tiếp này trong một thế giới phân cực, thì đó thực sự là một món quà cho nền văn hóa của chúng ta.

Tôi có mô hình hóa việc lắng nghe trong giao tiếp của mình hay tôi chỉ chú tâm tới việc mình được nghe?

Với những thách thức này, Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người phát triển theo cách giao tiếp nói lên sự thật từ trái tim, vốn là điều cần thiết để nuôi dưỡng một nền văn hóa hòa bình. Chỉ khi nào chúng ta nói từ trái tim thì “phép lạ của sự gặp gỡ”, như cách gọi của Đức Thánh Cha, mới có thể xảy ra.

Đức Thánh Cha kết thúc sứ điệp dành cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội năm nay bằng lời cầu nguyện mà chúng ta có thể cầu xin cho chính mình và cho thế giới:

Xin Chúa Giêsu – Lời tinh tuyền tuôn trào từ trái tim Chúa Cha – giúp chúng con thực hiện việc truyền thông một cách rõ ràng, cởi mở và chân thành.

Xin Chúa Giêsu – Lời nhập thể – giúp chúng con lắng nghe nhịp đập của con tim, để tái khám phá chúng con là anh chị em của nhau, và giải trừ sự thù địch gây chia rẽ.

Xin Chúa Giêsu – Lời của sự thật và tình yêu – giúp chúng con nói lên sự thật trong đức ái, để chúng con cảm thấy mình là những người bảo vệ lẫn nhau.

Nguồn: catholicreview.org (05/5/2023)
Chuyển ngữ: Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

 

 

THÔNG BÁO

Giáo xứ đã đóng góp cho quỹ ơn gọi giáo phận nhà được ba mươi bảy triệu đồng (37.000.000 Vnd). Xin Chúa chúc lành và trả công cho quý vị.

Thứ Bảy, 6 tháng 5, 2023

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 761

 

CHÚA NHẬT V PHỤC SINH

Ga 14, 1-12

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với các con rồi; Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ cho các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó. Thầy đi đâu, các con đã biết đường rồi”.

Ông Tôma thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ các con biết và đã xem thấy Người”. Philipphê thưa: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha, và như thế là đủ cho chúng con”. Chúa Giêsu nói cùng ông rằng: “Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư, Philipphê? Ai thấy Thầy là xem thấy Cha, sao con lại nói “Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha”? Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy ư? Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc. Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin vì các việc Thầy đã làm. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha”.

SUY NIỆM

Tin Mừng Chúa Nhật 5 Phục Sinh hôm nay, thánh sử Gioan cho chúng ta biết có một con đường và cũng là con đường duy nhất dẫn chúng ta tới hạnh phúc vĩnh cửu. Đó là con đường mang tên Giêsu.

Trong đoạn Tin Mừng cho biết, Chúa Giêsu đã trả lời cho Tôma: Thầy là đường là sự thật và là sự sống. Qua đó, chúng ta thấy: chỉ có một con đường duy nhất được mở ra cho ơn cứu độ. Và con đường ấy chính là Ngài.

Trước hết, Ngài là đường chân lý, một chân lý sống động, làm tiêu chuẩn hướng dẫn cho mọi cuộc đời. Đường chân lý ấy là toàn thể cuộc sống của Ngài, từ tư tưởng cho đến lời nói và việc làm. Tất cả đều hướng tới chân trời cứu độ. Nhưng không phải ai cũng nhận ra con đường này, bởi vì trong phiên tòa xét xử, Philatô cũng đã hỏi: Sự thật là gì? và Chúa Giêsu đã không trả lời bởi vì sự thật chính là Ngài đang đứng đó.

Tiếp đến, Ngài là đường sự sống bởi vì Ngài là nguồn phát sinh mọi sự sống tự nhiên cũng như siêu nhiên. Sự sống phần xác trong công trình tạo dựng, cũng như sự sống phần hồn trong công trình cứu chuộc. Ngài đã chết để mọi người được sống và Ngài đã sống lại để mãi mãi mở ra một con đường dẫn vào cõi sống vĩnh cửu. Sự sống vật chất một ngày nào đó sẽ tan biến, nhưng sự sống mà Ngài trao ban sẽ là một sự sống trường sinh bất diệt.

Sau cùng, Ngài là con đường dẫn tới nhà Cha, dẫn tới quê hương Nước Trời, bởi vì Chúa Cha và Ngài không thể tách lìa nhau: “Ta và Cha Ta là một”. Chúa Cha ẩn mình trong Chúa Con và Chúa Con ẩn mình trong Chúa Cha. Vì thế con đường mang tên Giêsu, tất nhiên sẽ dẫn tới địa chỉ Nhà Cha và ngược lại, muốn đến nhà Cha thì phải đi trên con đường Giêsu. Có nghĩa là muốn được bước vào quê hương Nước Trời, chúng ta phải thực thi những điều Đức Kitô truyền dạy.

Lạy Chúa Giêsu là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, xin cho con biết đi trong con đường của Chúa.

 

BẢN TIN

1.      Đức Thánh Cha: Hãy tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới với niềm hy vọng tràn đầy

Trong sứ điệp video gửi đến các tham dự viên của Ngày Giới trẻ Thế giới ở Lisbon, từ ngày 01 đến 06/8, Đức Thánh Cha khuyến khích các bạn trẻ nhìn những ngày đó với niềm hy vọng. Và để chuẩn bị tốt cho sự kiện này, ngài đề nghị các bạn trẻ trò chuyện với những người lớn tuổi, để nhận được sự khôn ngoan từ họ. Video được ghi lại bởi Đức cha Américo Manuel Alves Aguiar, Giám mục phụ tá Lisbon, Chủ tịch ban tổ chức Đại hội, tại Nhà Thánh Marta, trong buổi tiếp kiến vào ngày 27/4 vừa qua.

Hình dung các bạn trẻ vì đang bận rộn chuẩn bị cho sự kiện quan trọng nên đôi khi xao lãng những dấn thân hàng ngày, trong video Đức Thánh Cha nhấn mạnh cần phải nhìn đến ngày này với niềm hy vọng tràn đầy, và chuẩn bị một cách vui vẻ. Ngài nói: “Tham dự Đại hội Giới trẻ là một điều tốt đẹp. Các con hãy đặt ở đó niềm hy vọng. Bởi vì chúng ta sẽ được trưởng thành rất nhiều trong sự kiện này. Chúng ta không nhận ra điều đó, nhưng mọi thứ vẫn ở bên trong, chúng ta nhìn thấy bên trong những giá trị, các tương quan mà chúng ta đã có với các bạn trẻ ở các quốc gia khác, những cuộc gặp gỡ, tất cả ở bên trong, và trên hết là nhìn thấy sức mạnh của những người trẻ. Giáo hội có sức mạnh của những người trẻ. Vì thế các con hãy tiến bước”.

Cuối sứ điệp, để chuẩn bị tốt cho Ngày Quốc tế Giới trẻ, Đức Thánh Cha đề nghị: “Hãy nhìn đến cội nguồn, cố gắng gặp gỡ những người lớn tuổi”. Và ngài khuyên các bạn trẻ trò chuyện với ông bà, xin ông bà lời khuyên về cách sống cuộc gặp gỡ này. Đức Thánh Cha kết thúc: “Ông bà sẽ cho các con sự khôn ngoan, và các con hãy luôn tiến bước. Cha đợi các con ở Lisbon. Hẹn gặp lại.”

Ngọc Yến - Vatican News

 

2.      Đức Phanxicô tặng vua Charles III hai mảnh của Thánh giá thật

Đức Phanxicô đã tặng vua Charles III hai mảnh thập giá trên đó Chúa Kitô đã bị đóng đinh. Theo một nguồn tin của Vatican, đây là một cử chỉ đại kết giữa các Giáo hội công giáo và anh giáo. Nhà vua đã kết hợp các mảnh thập giá này vào Thánh giá xứ Wales cho buổi rước đăng quang ngày 6/ 5/2023.

Thánh giá xứ Wales, trong đó hai mảnh của thánh giá thật gắn vào tại nhà thờ Holy Trinity ở Llandudno, ngày 11 tháng 4 năm 2023. Đức Phanxicô đã tặng các thánh tích này cho vua Charles III trước ngày đăng quang. Paul Ellis/AFP

Một hành vi tượng trưng. Một dấu hiệu của hiệp thông đại kết. Đức Phanxicô đã tặng vua Charles III nhân dịp đăng quang của ông ngày 6 tháng 5, hai mảnh của thánh giá thật, trên đó Chúa Kitô đã bị đóng đinh. Thánh tích này là món quà cá nhân của giáo hoàng tặng tân chủ quyền mới của Vương quốc Anh, đã được các đại diện của Vatican tại London giới thiệu tuần vừa qua. Một nguồn tin của Vatican cho biết: “Gần đây Tòa Thánh đã tặng cho nước Anh hai mảnh của cây Thánh giá thật, như dấu chỉ của liên hợp đại kết. Các mảnh này đã được giữ trong phòng Lipsanoteca của Bảo tàng Bảo tàng Vatican.”

Thánh giá cho buổi rước trong lễ đăng quang

Một mảnh có kích thước 1 cm, mảnh kia 5 mm. Hai mảnh được gắn theo hình chữ thập để chèn vào, dưới viên đá pha lê màu hồng, trên cây thánh giá Wales, một cây thánh giá bạc.

Ở mặt sau của thánh giá là hàng chữ viết bằng tiếng Wales bài giảng cuối cùng của Thánh David thành Ménevie, thánh bổn mạng của xứ Wales: Hãy hạnh phúc. Hãy giữ vững đức tin. Hoàn thành những điều nhỏ bé, Byddwch lawen. Cadwch y ffydd. Gwnewch y Pethau Bychain.

Thánh giá sẽ dẫn đầu buổi rước trong lễ đăng quang tại Tu viện Westminster ngày 6 tháng 5, trong đó đức vua sẽ được tổng giám mục Canterbury, Justin Welby thay mặt cho Giáo hội Anh xức dầu, ban phước và thánh hiến.

Sau lễ đăng quang, theo đề nghị của vua Charles III, thánh giá sẽ được giao cho các Giáo hội anh giáo và công giáo ở vùng đất xứ Wales. Sau lễ đăng quang, cây thánh giá sẽ được Giáo hội xứ Wales chính thức tiếp nhận trong một buổi lễ và trong tương lai việc dùng thánh giá này sẽ được chia sẻ giữa các Giáo hội anh giáo và công giáo ở Wales.

Thay mặt Giáo hội xứ Wales tiếp nhận món quà, tổng giám mục  Andrew nói: “Chúng tôi rất vinh dự khi Đức Vua đã chọn đánh dấu kỷ niệm 100 năm của chúng ta bằng cây thánh giá vừa đẹp vừa mang tính biểu tượng. Thiết kế của nó nói lên đức tin kitô giáo, di sản, tài nguyên và cam kết bền vững của chúng tôi. Chúng tôi cũng vui mừng vì cây thánh giá được dùng lần đầu để đưa Đức Vua vào Tu viện Westminster trong lễ đăng quang.”

Tổng giám mục công giáo Mark O’Toole, tổng giáo phận Cardiff và Ménevie thay mặt cho Giáo hội công giáo phát biểu: “Thánh giá không chỉ là dấu hiệu của nguồn gốc kitô giáo sâu đậm của đất nước chúng ta. Thánh giá này sẽ khuyến khích chúng ta lấy gương tình yêu của Chúa Giêsu Kitô đem vào đời sống chúng ta, tình yêu của Đấng Cứu Chuộc chúng ta.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

 

KHÓC VỚI NGƯỜI KHÓC

Ông Phêrô Trần Văn Hùng, sinh 1971 tại Phan Thiết, là chồng của bà Têrêsa Ngô Như Trân, ở tại giáo họ Anrê Trông, đã qua đời ngày 2/5/2023 tại Phan Thiết. Lễ an táng lúc 4g45 ngày 4/5/2023 tại Nhà Thờ Chính Tòa, sau đó đưa đi thiêu.

Bà Maria Hoàng Thị Kim Chi, sinh 1968 tại Phan Thiết, là vợ của ông Phêrô Tôn Hiếu, ở tại giáo họ Anrê Trông, đã qua đời ngày 5/5/2023 tại Phan Thiết. Lễ an táng lúc 4g45 ngày 8/5/2023 tại Nhà Thờ Chính Tòa, sau đó đưa đi an táng tại nghĩa trang Vinh An.

Giáo xứ xin chia buồn cùng tang quyến và hiệp thông cầu nguyện cho linh hồn Phêrô và Maria mau về hưởng tôn nhan Chúa.