Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2023

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 786

 


                        CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN

LỜI CHÚA: Tin mừng: Mt 22, 34-40 

Khi nghe tin Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xađốc phải câm miệng, thì những người Pharisiêu họp nhau lại. Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giêsu để thử Người rằng: “Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất ?” Đức Giêsu đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: “ Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy.”

Suy niệm

Yêu Chúa và yêu tha nhân là hai giới răn quan trọng, liên kết, đòi hỏi và thúc bách mọi Kitô hữu trong quyết tâm thực hành. Tuy nhiên, thực hành giới luật yêu thương không phải là điều dễ dàng. Như vậy thì làm sao thực hành được giới luật yêu thương? Làm sao yêu Chúa qua yêu người? Hôm nay với câu trả lời của Chúa Giêsu cho người thông luật thuộc nhóm Sađốc, và qua đó Ngài cũng muốn nói với tất cả chúng ta.

Yêu Chúa, phải chăng là chỉ đi lễ, đi nhà thờ, đọc kinh là đủ? Đức Giêsu đã dạy: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” (Mt 22, 37). Đúng vậy, Chúa mời gọi chúng ta yêu Chúa bằng trọn vẹn con người của mình. Chúng ta tham dự Thánh lễ, đọc kinh, thân xác chúng ta hiện diện nhưng liệu rằng lòng trí chúng ta có đang bị phân tâm về những điều khác? Cũng có khi chúng ta đi lễ nhưng lại luôn nghĩ tới những dự án, tính toán, việc này việc kia… chúng ta hãy xem xét lại chúng ta đã yêu Chúa thật sự chưa?

Còn với tha nhân? Chúa Giêsu khẳng định, một điều răn quan trọng không kém điều răn thứ nhất là: “Ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình” (Mt 22, 39). Có người lý luận rằng: yêu Chúa là yêu Chúa, yêu người khác là khác, hai đối tượng rất khác nhau, làm sao có thể giống được? Nó đáng ghét như vậy, làm sao tôi thương nó được? Nhìn mặt nó, tôi còn không thèm chứ huống gì là yêu thương nó?... Khi chúng ta yêu thương tha nhân, chính là lúc chúng ta thể hiện niềm tin vào Chúa. Thánh Gioan Tông đồ đã nói: “Ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em thì đó là kẻ nói dối, bởi vì kẻ không yêu thương người anh em nó thấy trước mắt, tất không thể yêu mến Đấng nó không thấy” (1Ga 4,20). Mỗi người Kitô hữu chúng ta được mời gọi sống “đạo yêu thương”. Chúng ta yêu Chúa không chỉ trong nhà thờ, nhưng còn yêu Chúa cả trong cuộc sống với những con người hằng ngày chúng ta gặp gỡ, dù đó là người sang trọng quyền quý, có học thức, nghèo khổ, hoặc cả những người chúng ta không ưa. Đó chính là những món quà mà Chúa đã gửi đến cho chúng ta hằng ngày.

Lạy Chúa, xin Chúa ban cho chúng con tình yêu của Chúa. Xin cho dạy chúng con biết yêu Chúa với trọn cả con người. Xin cho chúng con biết mở rộng con tim, giang rộng đôi tay, rèn luyện đôi chân nhanh nhẹn, đôi mắt cảm thông, đôi tai lắng nghe và thấu hiểu, miệng lưỡi sẵn sàng cho đi những lời yêu thương, để chúng con luôn hướng về Chúa, và luôn đến cùng tha nhân trong mọi biến cố, mọi hoàn cảnh của chúng con.

BẢN TIN

1.  Vatican – Thống Kê Giáo Hội Công Giáo năm 2023

Vatican - Như mọi năm, nhân dịp Chúa nhật Truyền giáo, năm nay kỷ niệm 97 năm thành lập vào Chúa nhật, ngày 22 tháng 10 năm 2023, Thông tấn xã Fides đưa ra một số số liệu thống kê được chọn lọc để đưa ra một bức tranh toàn cảnh về Giáo hội truyền giáo trên toàn thế giới. Các bảng được lấy từ ấn bản mới nhất của “Sách Thống kê của Giáo hội” được xuất bản (cập nhật đến ngày 31 tháng 12 năm 2021) liên quan đến các thành viên của Giáo hội, cơ cấu Giáo hội, y tế, phúc lợi và giáo dục. Cuối cùng, bức tranh về các giáo khu phụ thuộc vào Bộ Truyền giáo được báo cáo. Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, dân số thế giới là 7.785.769.000, tăng 118.633.000 so với năm trước.

Tỷ lệ người Công Giáo trên thế giới giảm nhẹ (-0,06) so với năm trước đạt 17,67%. Các lục địa có những biến đổi nhỏ. Tổng số Giám mục trên thế giới giảm 23 vị, xuống còn 5.340. Số lượng giám mục giáo phận giảm (-1) và giám mục dòng (-22). Giám mục giáo phận là 4.155, trong khi Giám mục dòng là 1.185. Tổng số linh mục trên thế giới giảm xuống còn 407.872 (-2.347). Châu lục ghi nhận mức giảm lớn lại là Châu Âu (-3,632) cũng như Châu Mỹ (-963). Mức tăng được ghi nhận ở Châu Phi (+1,518), ở Châu Á (+719) và ở Châu Đại Dương (+11). Linh mục giáo phận trên thế giới giảm 911 vị, đạt tổng số 279.610. Linh mục dòng giảm 1.436 vị, tổng số 128.262. Các phó tế vĩnh viễn trên thế giới tiếp tục gia tăng, năm nay tăng 541 vị, lên 49.176. Mức tăng cao nhất được ghi nhận ở tất cả các châu lục: Châu Phi (+59), Châu Mỹ (+147), Châu Á (+58), Châu Âu (+268) và Châu Đại Dương (+9).

Các tu sĩ không phải linh mục giảm 795 vị, xuống còn 49.774. Mức giảm được ghi nhận ở Châu Mỹ (-311), Châu Âu (-599) và Châu Đại Dương (-115). Tăng ở Châu Phi (+205) và ở Châu Á (+25). Ngay cả trong năm nay, số nữ tu nói chung cũng giảm 10,588 vị, xuống còn 608,958. Mức tăng một lần nữa được ghi nhận ở Châu Phi (+2,275) và Châu Á (+366), giảm ở Châu Âu (-7,804), Châu Mỹ (-5,185) và Châu Đại Dương (–240).

Số lượng Đại chủng sinh giáo phận, và tu sĩ giảm trong năm nay, trên toàn cầu có 1.960, đạt tổng số 109.895. Mức tăng chỉ được ghi nhận ở Châu Phi (+187), giảm ở Châu Mỹ (-744), Châu Á (-514), Châu Âu (-888) và Châu Đại Dương (-1). Tổng số tiểu chủng sinh giáo phận và tu sĩ năm nay tăng thêm 316 vị lên 95.714. Mức giảm được ghi nhận ở Châu Mỹ (-372), Châu Á (-1.216), Châu Âu (-144) và Châu Đại Dương (-5) trong khi mức tăng được ghi nhận ở Châu Phi (+2.053).

2.  Đức Thánh Cha Phanxicô điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden để thảo luận về hòa bình

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi điện cho Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden để trao đổi với tổng thống về những xung đột khác nhau và sự cần thiết phải xác định những đường hướng đưa tới hòa bình. Chiều Chúa Nhật (22/10/2023), Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Hoa Kỳ, Joe Biden. Theo Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết cuộc nói chuyện kéo dài khoảng 20 phút. Đức Thánh Cha và Tổng thống đã nói về “tình hình xung đột trên thế giới và sự cần thiết phải xác định những con đường dẫn đến hòa bình”.

Lời kêu gọi hòa bình: Trước đó vào trưa Chủ nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tái kêu gọi hòa bình và các phe hãy kiềm chế trong cuộc chiến ở Thánh địa. ĐTC nói: “Tôi rất lo lắng và đau buồn. Tôi cầu nguyện và gần gũi với tất cả những ai đang sầu khổ, các con tin, những người bị thương, các nạn nhân và gia đình họ.” Ngài than thở về tình hình nhân đạo ngày càng tồi tệ ở giải Gaza và các vụ nổ tại bệnh viện Anh giáo và giáo xứ Chính thống Hy Lạp ở Gaza. ĐTC nói: "Chiến tranh là một thất bại. Chiến tranh luôn là một thất bại, nó là sự hủy diệt tình huynh đệ nhân loại. Anh chị em ơi, hãy dừng lại! Dừng lại!"

VUI VỚI NGƯỜI VUI

Anh Phêrô Hoàng Phú, con ông bà: Phêrô Hoàng Hùng – Anna Nguyễn Thị Xanh, kết hôn với chị Maria Phạm Thị Bích Lài, con ông bà: Phạm Văn lộc – Trần Thị Thu Thủy, đã cử hành bí tích hôn phối tại nhà thờ Chính Tòa, vào lúc 4g30, thứ Bảy ngày 28.10.2023. Giáo xứ xin chia vui và cầu chúc cho đôi bạn sống hạnh phúc trong tình yêu của Thiên Chúa.

 THÔNG BÁO

1/ Thứ Hai, vào lúc 7h30p tối, ngày 30/10/2023, kính mời quý bà mẹ Giáo xứ Chính tòa họp tại hội trường Giáo xứ. Xin quý bà mẹ chúng ta nhớ đi đông đủ và đúng giờ.

2/ Thứ Tư, ngày 01/11/2023 lễ trọng, Lễ Các Thánh Nam Nữ. Kính mời cộng đoàn đi đông đủ để tham dự Thánh lễ.

3/ Thứ Năm, ngày 02/11/2023, Lễ Cầu Hồn. Kính mời cộng đoàn đi tham dự Thánh lễ đông đủ để cầu nguyện cho người thân của chúng ta.

4/ Vào lúc 7h00, sáng thứ Bảy ngày 04/11/2023: Rửa tội cho trẻ sơ sinh. Xin quý cha mẹ có con rửa tội, đến xin giấy giới thiệu nơi Ban Điều Hành giáo họ, và nộp sổ gia đình về văn phòng Giáo xứ trong tuần này.


Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2023

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 785

 


CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN

LỜI CHÚA: Tin mừng: Mt 22,15-21

Bấy giờ những người Pha-ri-sêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giê-su phải lỡ lời mà mắc bẫy. Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hê-rô-đê, đến nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không ?” Nhưng Đức Giê-su biết họ có ác ý, nên Người nói: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình! Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế!” Họ liền đưa cho Người một quan tiền. Người hỏi họ: “Hình và danh hiệu này là của ai đây ?” Họ đáp: “Của Xê-da.” Bấy giờ, Người bảo họ: “Thế thì của Xê-da, trả về Xê-da ; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” 

SUY NIỆM

Con người sinh ra và lớn lên mang theo những nét văn hóa từ gia đình, làng quê, đất nước của mình. Bởi đó là nơi “chôn rau cắt rốn”, nơi ta thuộc về, gắn bó, yêu thương. Thuộc về đồng nghĩa với việc thi hành nghĩa vụ cũng như quyền lợi ta đáng được hưởng. Nhưng đức tin dạy ta biết rằng, cuộc sống nơi trần gian này chỉ là cuộc sống tạm bợ, đời sống mai sau nơi Quê Trời mới là cuộc sống Vĩnh cửu, là quê hương đích thực của mỗi người chúng ta. Vậy, để đạt được hạnh phúc Nước Trời, quê hương đích thực ta phải làm gì?

Qua câu trả lời của Đức Giêsu với những người Pharisêu hôm nay, Người nhắc cho chúng ta biết rằng, nghĩa vụ của chúng ta đối với Nước Thiên Chúa: “Của Xêda trả về cho Xê da, của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa” (Mt 22,21). Nghĩa là nơi ta thật sự thuộc về chính là Nước Trời. Thiên Chúa là Đấng luôn yêu thương, chăm sóc ta, ta thuộc về Ngài. Ta phải có nghĩa vụ xây dựng và làm cho Nước ấy trổ sinh hoa trái và để trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài. Sống tâm tình cảm tạ, biết ơn, thảo hiếu là luôn ý thức ta là con của Chúa, thuộc về Chúa, luôn để cho Chúa hướng dẫn, làm chủ đời ta. Khi ý thức được điều đó, ta sẽ dễ dàng trao lại cho Chúa tất cả những gì ta nhận được, những gì ta có, ta là. Cảm thức thuộc về Nước Thiên Chúa mang lại cho ta niềm vui vì được Chúa yêu thương, cứu chuộc. Đồng thời cảm thức ấy giúp ta biết dùng sự sống đời này để đạt được hạnh phúc đời sau khi vâng nghe và làm theo những gì Con Một Thiên Chúa truyền dạy. Mặt khác, chính khi nỗ lực sống thánh thiện như Chúa là Đấng Thánh là ta đang góp phần xây dựng Nước Thiên Chúa ngay trên trần gian này.

Lạy Chúa! Chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con được hiện diện trên cõi đời này. Cảm tạ Chúa đã mạc khải cho chúng con biết rằng quê hương đích thực của chúng con là Nhà Cha trên trời. Xin giúp chúng con luôn biết sống tâm tình của một thụ tạo, một người con, luôn khôn ngoan sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Đặc biệt là biết dùng sự sống đời này như phương thế hữu hiệu để đạt được Nước Trời mai sau khi chúng con biết sẵn sàng dâng lại cho Chúa tất cả những gì thuộc vê Ngài, những gì chúng con có, những gì chúng con là.

BẢN TIN

1. Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa cho biết ngài sẵn sàng hiến thân để đổi lấy việc giải thoát các con tin trẻ em bị bắt trong cuộc tấn công của Hamas vào Israel vào tuần trước.

Nói chuyện với các nhà báo thông qua cầu truyền hình vào ngày 16 tháng 10, Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa cho biết ngài sẵn sàng hiến thân để đổi lấy việc giải thoát các con tin trẻ em bị bắt trong cuộc tấn công của Hamas vào Israel vào tuần trước. Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng ngài sẵn sàng làm bất cứ điều gì để “đưa những đứa trẻ đó về nhà”.

Lực lượng Phòng vệ Israel hôm thứ Hai thông báo rằng 199 con tin Israel, bao gồm cả trẻ em, đang bị Hamas bắt giữ và quân đội đang cố gắng tìm hiểu nơi họ đang bị giam giữ ở Gaza. Tuần trước, những kẻ khủng bố Hamas đã đe dọa sẽ giết một con tin mỗi khi quân đội Israel ném bom các mục tiêu dân sự ở Gaza. Theo Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Vatican Pietro Parolin, người đã nói trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Sáu rằng mối quan tâm chính của Vatican trong bối cảnh xung đột là “việc thả các con tin Israel và bảo vệ những sinh mạng vô tội ở Gaza”. “Tôi không biết có thể có bao nhiêu cơ hội cho cuộc đối thoại giữa Israel và lực lượng dân quân Hamas,” Đức Hồng Y Parolin nói. “Nhưng nếu có – và chúng tôi hy vọng là có – thì cần phải theo đuổi ngay lập tức và không chậm trễ.” Đức Hồng Y Pizzaballa đã kêu gọi một ngày cầu nguyện và ăn chay cho hòa bình và hòa giải ở Thánh Địa vào thứ Ba, ngày 17 tháng 10, đồng thời kêu gọi người Công giáo tổ chức những giờ cầu nguyện với việc chầu Thánh Thể và đọc kinh Mân Côi “để dâng lên Thiên Chúa Cha niềm khát khao của chúng ta cho hòa bình, công lý và hòa giải.”

2. Đức Thánh Cha kêu gọi giúp đỡ các nạn nhân động đất tại Afghanistan

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi giúp đỡ các nạn nhân động đất dữ dội tại Afghanistan, làm cho hàng ngàn người thiệt mạng. Lên tiếng trong buổi Tiếp kiến chung gần 30.000 tín hữu hành hương, sáng thứ Tư, ngày 11 tháng Mười vừa qua, tại Quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói: “Tôi đặc biệt nghĩ tới nhân dân Afghanistan, đang chịu đau khổ vì động đất tàn phá tại nước này, làm cho hàng ngàn người chết, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, và hàng ngàn người phải tản cư. Tôi mời gọi tất cả những người thiện chí hãy trợ giúp dân tộc này, đã chịu thử thách dường ấy, góp phần trong tinh thần huynh đệ, thoa dịu những đau khổ của dân chúng và hỗ trợ sự tái thiết cần thực hiện”. Trận động đất ngày 07 tháng Mười vừa qua tại tỉnh Herat mạn tây của Afghanistan, ở mức độ từ 4.6 đến 6.3 theo thước Richter, ít được báo chí quốc tế nói tới, làm cho hơn 2.000 người chết, gần 10.000 người bị thương, theo thống kê sơ khởi của chính phủ Taliban của Afghanistan. Đã có rất nhiều nhà cửa bị tàn phá, 13 thành phố bị hoàn toàn phá hủy. Hai phần ba các nạn nhân là phụ nữ và trẻ em. Nạn tham nhũng và thiếu các cơ cấu hạ tầng cũng gây nhiều khó khăn cho việc cứu trợ.

THÔNG BÁO

1/ Trong tuần này Ban Điều Hành Giáo xứ sẽ tiếp tục gởi đến từng gia đình trong Giáo xứ bì thư truyền giáo. Nhờ quý Ban Điều Hành Giáo Họ chuyển dùm. Xin các gia đình rộng tay giúp đỡ cho việc truyền giáo của Giáo phận.

2/ Vào chiều thứ ba, lúc 17h30p ngày 24/10/2023 lễ kính Thánh Giuse Lê Đăng Thị là bổn mạng Giáo họ Giuse Thị. Kính mời cộng đoàn đi đông đủ để hiệp ý cầu nguyện cho Giáo họ.

3/ Sáng Thứ Bảy, ngày 28/10: trao Mình Thánh Chúa cho người già và bệnh nhân.

Thứ Bảy, 14 tháng 10, 2023

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 784

 


CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN

LỜI CHÚA: Mt 22, 1-10 

Khi ấy, Chúa Giêsu lại phán cùng các đầu mục tư tế và kỳ lão trong dân những dụ ngôn này rằng: “Nước trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử. Vua sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến. Vua lại sai các đầy tớ khác mà rằng: “Hãy nói cùng những người đã được mời rằng: Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng: xin mời các ông đến dự tiệc cưới”. Những người ấy đã không đếm xỉa gì và bỏ đi: người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán; những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi. Khi vua nghe biết, liền nổi cơn thịnh nộ, sai binh lính đi tru diệt bọn sát nhân đó, và thiêu huỷ thành phố của chúng. Bấy giờ vua nói với các đầy tớ rằng: “Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng, nhưng những kẻ đã được mời không đáng dự. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới”. Các đầy tớ liền đi ra đường, gặp ai bất luận tốt xấu, đều quy tụ lại và phòng cưới chật ních khách dự tiệc. Ðoạn vua đi vào quan sát những người dự tiệc, và thấy ở đó một người không mặc y phục lễ cưới. Vua liền nói với người ấy rằng: “Này bạn, sao bạn vào đây mà lại không mặc y phục lễ cưới?” Người ấy lặng thinh. Bấy giờ vua truyền cho các đầy tớ rằng: “Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng! Vì những kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít”. 

SUY NIỆM

Cuộc đời con người rồi sẽ kết thúc ra sao? Đâu là tương lai hậu vận của con người? Những người làm việc lành và những kẻ ác nhân liệu sẽ có một kết thúc giống nhau? Đó là những vấn nạn được đặt ra ở mọi thời đại, mọi nền văn hoá và mọi tầng lớp của xã hội. Để trả lời, Kinh Thánh khẳng định với chúng ta: tương lai con người sẽ giống như một tiệc cưới. Ai cũng được mời, nhưng không phải ai cũng được hưởng hạnh phúc trọn vẹn trong ngày vui đó.

Câu chuyện Đức Giêsu kể hôm nay như một hồi chuông cảnh tỉnh không chỉ cho những người trong giới lãnh đạo Do Thái mà còn cho cả mỗi người chúng ta. Thiên Chúa chính là vị vua trong câu chuyện, Người luôn hết lòng kiên nhẫn để kêu mời chúng ta vào dự “tiệc cưới Con Chiên”, là hạnh phúc Nước Trời. Trong câu chuyện trên, những kẻ được mời đã không lấy làm vinh dự khi được nhà vua mời nhưng đã tỏ ra hờ hững, “không thèm đếm xỉa” hay quan tâm đến lời mời đó. Tại sao vậy? Phải chăng họ chẳng xem vua ra gì? Hay vì họ quá bận rộn đến việc mình, và cũng chẳng sợ mất lòng vua? Cũng như các quan khách trong câu chuyện, chúng ta thường có vô vàn lý do để biện minh cho hành động của mình: bận đi thăm nông trại, đi buôn bán… (x.Mt 22,5). Phải chăng vì chúng ta quá “bận rộn” mà quên lời mời gọi của Thiên Chúa? Khi con người bận tâm với những sự chóng qua ở đời này, “cơm áo gạo tiền”, chúng ta sẽ chẳng còn thì giờ để nhớ đến lời mời của Thiên Chúa. Chẳng hạn, Chúa mời ta gặp gỡ Ngài cách đặc biệt vào các ngày lễ Chúa Nhật nhưng ta không thể đến vì còn bận đi shopping, đi nghỉ dưỡng, đi bán hàng…  Lời mời gọi của Thiên Chúa là một lời mời gọi cao trọng. Có bao giờ ta có thể nghĩ được rằng Thiên Chúa Tối Cao lại cất công mời ta, để tâm đến ta?

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã đoái nhìn, yêu thương và mời gọi chúng con vào “dự tiện cưới Con Chiên”. Xin Chúa thương xót chúng con và giúp chúng con đừng quá bận tâm đến những sự chóng qua ở đời này, “no” hay “đói” nhưng là hạnh phúc đời đời là được dự tiệc cưới của Con Chúa. Xin cũng giúp chúng con ngay ở đời này biết chuẩn bị cho mình y phục lễ cưới cho xứng hợp với lời mời gọi cao quý mà Chúa dành cho chúng con. Amen.

BẢN TIN

1.  Ý cầu nguyện tháng 10 của Đức Thánh Cha: ‘Cầu nguyện cho Thượng Hội đồng’

Đức Thánh Cha Phanxicô công bố ý cầu nguyện trong tháng 10 và mời gọi mọi người hãy lắng nghe và đối thoại thông qua Thượng hội đồng. “Chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo hội để Giáo hội biết lắng nghe và đối thoại như một phong cách sống ở mọi cấp độ, mở lòng cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn đi tới các vùng ngoại vi của thế giới”. Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời mời gọi đó vào thứ Sáu khi ngài đưa ra ý cầu nguyện của mình cho tháng 10 năm 2023: “Cầu nguyện cho Thượng Hội đồng. “Qua lời cầu nguyện và sự phân định, Chúa Thánh Thần giúp chúng ta thực hiện “việc tông đồ bằng tai”, nghĩa là lắng nghe bằng đôi tai của Chúa để nói lời Chúa,” ngài nói và lưu ý rằng, “Như vậy, chúng ta nên giống trái tim của Chúa Kitô. Sứ mệnh của chúng ta và tiếng nói thu hút chúng ta đến với Ngài đều bắt nguồn từ Ngài.” Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận rằng “Tiếng nói này mạc khải cho chúng ta thấy rằng trọng tâm của sứ mạng là đến với mọi người, tìm kiếm mọi người, chào đón mọi người, lôi kéo mọi người, không loại trừ ai” và mời gọi mọi tín hữu cầu nguyện cho Giáo hội trong suốt thời gian Thượng Hội Đồng “để Giáo Hội có thể chấp nhận việc lắng nghe và đối thoại như một phong cách sống ở mọi cấp độ, để mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn đi tới các vùng ngoại vi của thế giới”.

2. Cả Thượng Hội đồng cầu nguyện cho hòa bình ở Trung Đông trong khi cuộc chiến sôi xục giữa Israel-Hamas

Thượng Hội đồng đã dành buổi cầu nguyện sáng thứ Năm để cầu nguyện cho hòa bình, đặc biệt ở Thánh địa, Thượng phụ của Giáo Hội Công Giáo Chaldean ở Baghdad chủ sự buổi cầu nguyện cho tất cả những người phải chịu đựng bạo lực và sống trong sợ hãi. Phiên họp thường kỳ lần thứ 16 của Thượng Hội đồng đã dành giờ cầu nguyện sáng thứ Năm (12/10/2023) để nguyện xin Thiên Chúa ban hòa bình cho thế giới. Lời cầu nguyện khai mạc cho ngày làm việc được hướng dẫn bởi Đức Hồng Y người Iraq Louis Raphaël Sako, Thượng phụ Giáo Hội Công Giáo Chaldean, để cầu nguyện cho tất cả những người đau khổ vì chiến tranh trên khắp thế giới và đang sống trong sợ hãi. Đức Hồng Y Sako nói: “Sáng nay tôi muốn mời các bạn cầu nguyện cho hòa bình trên thế giới, đặc biệt ở Thánh Địa, cũng như ở Ukraine, và tình trạng bạo lực ở Iraq, Iran và Lebanon”. Ngài nói: “Mọi người đang mong chờ với hy vọng được sống trong phẩm giá và tình huynh đệ, chứ không phải trong sợ hãi và lo lắng”. 'Hãy làm cho nhân loại thành một gia đình không có bạo lực'. Thượng Hội Đồng đã dâng những lời cầu nguyện, trong đó có Thánh vịnh 129, "Từ vực sâu, con kêu cầu Chúa, lạy Chúa; xin hãy nghe tiếng con." Trong buổi cầu nguyện, Đức Hồng Y Sako đã nguyện xin: “Lạy Chúa, Đấng hằng săn xóc hết mọi người, xin cho nhân loại có cùng một nguồn gốc do Chúa dựng nên, biết hợp thành một gia đình, không có bạo lực, không có chiến tranh phi lý, nhưng sống trong tình huynh đệ, hiệp nhất trong hòa bình”. Chúng con cầu xin nhờ Chúa Giêsu Kitô, Con Chúa, Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.”

THÔNG BÁO

1/ Trong tuần này Ban Điều Hành Giáo xứ sẽ tiếp tục gởi đến từng gia đình trong Giáo xứ bì thư truyền giáo. Nhờ quý Ban Điều Hành Giáo Họ chuyển dùm. Xin các gia đình rộng tay giúp đỡ cho việc truyền giáo của Giáo phận.

Thứ Bảy, 7 tháng 10, 2023

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 783

 


CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN

LỜI CHÚA: Mt 21, 33-43

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: “Các ông hãy nghe dụ ngôn này: Có ông chủ nhà kia trồng được một vườn nho. Ông rào dậu chung quanh, đào hầm ép rượu và xây tháp canh, đoạn ông cho tá điền thuê, rồi đi phương xa. Ðến mùa nho, ông sai đầy tớ đến nhà tá điền để thu phần hoa lợi. Nhưng những người làm vườn nho bắt các đầy tớ ông: đánh đứa này, giết đứa kia và ném đá đứa khác. Chủ lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước, nhưng họ cũng xử với chúng như vậy. Sau cùng chủ sai chính con trai mình đến với họ, vì nghĩ rằng: Họ sẽ kính nể con trai mình. Nhưng bọn làm vườn vừa thấy con trai ông chủ liền bảo nhau: “Ðứa con thừa tự kia rồi, nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó”. Rồi họ bắt cậu, lôi ra khỏi vườn nho mà giết. Vậy khi chủ về, ông sẽ xử trí với bọn họ thế nào?” Các ông trả lời, “Ông sẽ tru diệt bọn hung ác đó, và sẽ cho người khác thuê vườn nho để cứ mùa nộp phần hoa lợi”. Chúa Giêsu phán: “Các ông chưa bao giờ đọc thấy trong Kinh Thánh: “Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc. Ðó là việc Chúa làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta!” Bởi vậy, Tôi bảo các ông: Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao cho dân tộc khác biết làm cho trổ sinh hoa trái”.

 

SUY NIỆM

Khởi công xây dựng một công trình, ai cũng mong muốn cho công trình của mình được hoàn tất. Hạnh phúc biết bao khi công trình ấy trở thành một công trình vĩ đại mà ai cũng thán phục. Công trình nào cũng cần ta phải nỗ lực xây dựng. Vậy, đâu là công trình kỳ diệu nhất trong cuộc đời ta? Đó phải chăng là những hoa trái của thành công? Không phải chỉ có những thành công mới đem lại cho cuộc đời ta hạnh phúc, nhưng từ những thất bại hay những gì được coi là kém cỏi trong cuộc đời, ta sẽ khám phá ra ý nghĩa sâu thẳm của một công trình rất kỳ diệu. Thiên Chúa là tác giả của công trình ấy. Chỉ có Thiên Chúa mới mang đến cho ta niềm hạnh phúc thật sự. Ta có tin thế không?

“Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta” (Mt 21, 42). Lắng nghe lời Chúa Giêsu, ta ngẫm lại cuộc đời của mình. Đã bao lần ta cảm thấy buồn rầu, chán nản và sợ hãi khi bị người khác loại ra ngoài: không được tín nhiệm, bị chê trách vì không có khả năng, bị hiểu lầm, … Có biết bao đau khổ đã ập đến trong đời, ta đã chao đảo “giữa ba đào sóng gió bủa vây”. Nước mắt là liều thuốc giảm đau, để sau khi đã khóc cho những thất bại hay những tổn thương, nhờ ơn Chúa, ta lại đứng dậy để bước những bước đi mới. Ta đâu có ngờ được rằng, Thiên Chúa đã dùng cả những gì mà ta xem là hèn kém, thua thiệt ấy để làm cho cây đời ta trổ sinh hoa trái. “Trái ngọt nào cũng được sinh ra từ những cái rễ đắng cay”, những cái rễ đã miệt mài chắt chiu dưỡng chất trong suốt một hành trình gian khổ để mang lại vị ngọt lành. Dù thành công hay thất bại, ta hãy đón nhận như từ Thiên Chúa mà đến. Cuộc đời ta chính là công trình kỳ diệu của Thiên Chúa. Hãy sống hết mình và không ngừng để cho Thiên Chúa thi thố quyền năng và tình thương của Người trong cuộc đời ta.

Lạy Chúa Giêsu! Chúa chính là “tảng đá bị thợ xây loại bỏ”. Xin Chúa dạy con biết bước đi theo thánh ý của Ngài. Mỗi ngày, mỗi phút giây trong cuộc đời con, xin Chúa hướng lòng con nghiêng về thánh ý Chúa (x. Tv 119, 36). Amen.

 

BẢN TIN

1. BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ KHAI MẠC ĐẠI HỘI THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC LẦN THỨ XVI: “TẬP TRUNG NHÌN VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT GIÁO HỘI THƯƠNG XÓT VÀ ĐÓN TIẾP”

        “Đây là nhiệm vụ hàng đầu của Thượng hội đồng: tái tập trung cái nhìn của chúng ta vào Thiên Chúa, trở thành một Giáo hội nhìn nhân loại với lòng thương xót. Một Giáo hội hiệp nhất và huynh đệ … biết lắng nghe và đối thoại; một Giáo hội chúc tụng và khuyến khích, giúp đỡ những người tìm kiếm Chúa, yêu thương khơi dậy những người thờ ơ, mở ra những con đường để lôi kéo mọi người vào vẻ đẹp của đức tin. Một Giáo hội lấy Thiên Chúa làm trung tâm và do đó không chia rẽ bên trong cũng như không bao giờ khắc nghiệt bên ngoài. … Đây là cách Chúa Giêsu muốn Giáo hội, Hiền Thê của Người, trở nên như thế.” Đức Thánh Cha mời gọi đừng nhìn Thượng hội đồng  theo “những chiến lược nhân loại, những tính toán chính trị hay những trận chiến ý thức hệ”, không biến nó thành “cuộc tụ họp chính trị” hay “một nghị viện phân cực”, “không đối mặt với những thách thức và vấn đề ngày nay với tinh thần chia rẽ và tranh chấp”, nhưng là “một cuộc triệu tập trong Chúa Thánh Thần”, một nơi của “ân sủng và hiệp thông”, “trút bỏ chính mình”, và do đó “đòi hỏi một thái độ nội tâm ấm áp và tử tế” khi đối diện với những thách thức mới; “chỉ sử dụng vũ khí của Tin Mừng: khiêm nhường và hiệp nhất, cầu nguyện và bác ái”. Một Thượng hội đồng hiệp hành mà “những khoảnh khắc hiệu quả nhất … là những khoảnh khắc gắn liền với việc cầu nguyện”.

2. Giám mục Nicaragua đang bị giam tù được đề cử giải thưởng nhân quyền của Nghị viện Châu Âu

Trong số những người được Nghị viện Châu Âu đề cử cho Giải thưởng Sakharov năm 2023, nhằm vinh danh những cá nhân và tổ chức có thành tích đặc biệt bảo vệ nhân quyền và tự do, có Đức cha Rolando Álvarez, vị Giám mục bị chế độ độc tài Ortega ở Nicaragua cầm tù, bị cáo gian là “kẻ phản bội tổ quốc”. Các đề cử, được thực hiện bởi các liên minh chính trị của cơ quan lập pháp hoặc bởi ít nhất 40 thành viên của Nghị viện Châu Âu, được công bố vào ngày 20/9/2023, trong cuộc họp của các ủy ban Đối ngoại và Phát triển cùng với Tiểu ban Nhân quyền. Có 43 thành viên của Nghị viện Châu Âu đề cử Đức cha Álvarez và nhà hoạt động người Nicaragua Vilma Núñez de Escorcia.

 

THÔNG BÁO

1/ Sau thánh lễ Thiếu Nhi, lúc 8h30, ngày 08/10/2023, sẽ có cuộc họp, tại Văn phòng giáo xứ. Kính mời đại diện quý Sơ, ở hai cộng đoàn, đang phục vụ giáo xứ; mời Ban Thường vụ, các Ủy viên, Ban Điều hành các giáo họ, Ban Trị sự các đoàn thể, tham dự cuộc họp này, để bàn những công việc sắp tới của giáo xứ. Xin tham dự đầy đủ và đúng giờ.

2/ Trong tuần này Giáo phận sẽ gởi đến từng gia đình trong Giáo xứ bì thư truyền giáo. Nhờ quý Ban Điều Hành Giáo Họ chuyển dùm. Xin cộng đoàn rộng tay giúp đỡ cho việc truyền giáo của Giáo phận

3/ Quý ân nhân ủng hộ Giáo xứ:

          Gia đình ông bà Augustino Võ Quang Tòa đã tặng cho Giáo xứ một hào quang Chầu Mình Thánh Chúa.

Xin Chúa chúc lành cho quý ân nhân.