Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2020

BẢN TIN HẰNG TUẦN 581

 

CHÚA NHẬT - LỄ THÁNH GIA THẤT NĂM B

Lc 2, 22. 39-40

Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa. Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và Con Trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.

SUY NIỆM

Gia đình như một Giáo Hội thu nhỏ. Ở đó, cha mẹ và con cái sống bí tích Tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi qua việc trao ban tình yêu cho nhau, cùng nhau sống đức tin và giáo dục con cái.

Cùng với các gia đình khác làm thành Giáo Hội lớn và là những tế bào làm nên xã hội. Tuy nhiên, hiện nay gia đình đang gặp nhiều thử thách trong “sự trung thành của tình yêu vợ chồng, sự sa sút niềm tin và dửng dưng với những giá trị đích thực” (Trích Sứ điệp của THĐ Giám Mục về Gia Đình 2014).

Chiêm ngắm tấm gương đời sống Thánh Gia, sẽ cho các gia đình hiểu được sự hy sinh vì tình yêu cho nhau, cùng nhau vượt qua những thử thách để trung thành trong đời sống đức tin và đời sống xã hội.

TIN TỨC

1.     Thành phố Bratislava trao quyền công dân danh dự cho thánh Gioan Phaolô II

Đề xuất trao quyền công dân danh dự cho Đức Gioan Phaolô II được đề nghị bởi ông Ján Figel, chủ tịch của Quỹ Anton Tuneg, đặc phái viên của châu Âu về tự do tôn giáo từ năm 2016-2019.

Trong thư gửi thị trưởng thành phố Bratislava, ông Figel đã nhắc lại rằng Đức Gioan Phaolô II đã đóng góp đáng kể cho hòa bình và tình hữu nghị giữa các quốc gia, làm phong phú sự hiểu biết của nhân loại và giúp đỡ sự phát triển của Slovakia và Bratislava trong một châu Âu tự do và thống nhất trở lại.

Do đó việc trao quyền công dân danh dự cho Đức Gioan Phaolô II là sự ghi nhận và lòng biết ơn đối với mối quan hệ đặc biệt của ngài với Slovakia và Bratislava, một biểu hiện của sự tôn trọng đối với cá nhân ngài, cũng như một dấu hiệu thuộc về di sản của ngài.

Đại sứ Marek Lisánsky của Cộng hòa Slovakia cạnh Tòa Thánh đã nhấn mạnh nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đức Gioan Phaolô II, “Giáo hoàng Gioan Phaolô II là một trong những nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử thế giới, không chỉ trong thế kỷ XX, và ngài có một vị trí vĩnh viễn và không thể thay thế trong lịch sử Slovakia của chúng tôi”. (ACI 19/12/2020)

Hồng Thủy

2.     Chính phủ Iraq tuyên bố Giáng Sinh là ngày lễ nghỉ toàn quốc

Đức cha Basilio Yaldo, Giám mục phụ tá Giáo phận Baghdad và tổng điều phối viên cho chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Iraq, nhận định đây là một cuộc bỏ phiếu lịch sử của Quốc hội. Ngài nói: “Trước đây, chính phủ chỉ cho phép ngày lễ Giáng Sinh là ngày nghỉ đối với các Kitô hữu, từ đây điều này được áp dụng cho mọi người. Đây là một thông điệp có giá trị và niềm hy vọng lớn cho các Kitô hữu cũng như cho toàn thể người dân Iraq. Và chắc chắn điều này được liên kết với chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến đất nước chúng tôi vào tháng 3 năm tới. Theo tôi, đây là một trong những hoa trái đầu tiên mà chúng tôi hy vọng sẽ mang lại nhiều điều tốt lành cho nhiều người khác trong tương lai”.

Trước đó, vào ngày 17.10, Đức Thượng phụ Công giáo Canđê đã gặp Tổng thống Barham Salih. Ngoài việc bàn luận về tình hình của các Kitô hữu, Đức Hồng y Sako đã yêu cầu nguyên thủ quốc gia tuyên bố ngày sinh nhật của Chúa Giêsu là một ngày lễ cho tất cả mọi người.

Trong một ghi chú được công bố, Đức Hồng y bày tỏ niềm vui và cám ơn Tổng thống vì đã chấp nhận yêu cầu đưa Giáng Sinh trở thành ngày quốc gia, đồng thời cảm ơn các nghị sĩ đã bỏ phiếu thuận vì lợi ích của các công dân Kitô hữu.

Vào năm 2018, chính phủ đã thông qua một sửa đổi đối với Luật Ngày lễ Quốc gia, tạm thời nâng Giáng Sinh lên thành một lễ chung cho mọi công dân. Biện pháp được biểu quyết vào ngày thứ Tư sẽ đảm bảo giá trị và sự ổn định hơn nữa cho một quốc gia đang sống trong sự mong đợi chuyến thăm lịch sử của Đức Thánh Cha vào đầu tháng 3. Đức Hồng y nhấn mạnh đây là một sự kiện, đồng thời là một nguồn cảm xúc và một ân sủng to lớn, là nguồn khích lệ cho các Kitô hữu, là những người do bạo lực đã phải ra đi làm giảm số Kitô hữu ban đầu của đầu những năm 2000 xuống còn một phần ba. Và điều sau cùng, quyết định này có thể đánh dấu những bước tiến xa hơn trong cuộc đối thoại với Hồi giáo.

Ngọc Yến

3.     Lời chúc mừng Giáng Sinh của Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh

  Anh chị em thân mến,

Thay lời cho Hội đồng Giám mục, từ quê hương Việt Nam ngàn đời yêu dấu, tôi xin gửi lời cầu chúc Giáng Sinh tốt đẹp nhất đến toàn thể anh chị em Kitô hữu Việt Nam khắp nơi trên thế giới.

Xin Vị Hoàng Tử Hoà Bình gìn giữ anh chị em an toàn thoát khỏi đại dịch Covid-19. Tôi hiệp ý với anh chị em để cầu nguyện cho cuộc khủng hoảng này sớm chấm dứt, để anh chị em sớm phục hồi cuộc sống, nhất là để anh chị em có thể đi về thăm viếng quê hương dễ dàng như xưa.

Nhân tiện, tôi xin cám ơn anh chị em đã tận tình thăm hỏi và gửi quà cứu trợ giúp đồng bào lũ lụt miền trung Việt Nam. Xin Chúa trả công bội hậu và bù đắp cho anh chị em bằng sự bình an đích thực của Ngài.

Tôi cũng cầu chúc anh chị em một năm mới dương lịch 2021 đầy ắp ân sủng, một mùa xuân Tân Sửu âm lịch tràn trề nhựa sống và chan chứa yêu thương.

Merry Christmas and Happy New Year. 

                                                                                                               Thân ái

Giuse Nguyễn Chí Linh

PHỤNG VỤ

-         17g30, Thứ Tư (30.12.2020), lễ cưới cho hai đôi anh chị: Phanxicô Nguyễn Văn Toàn + Maria Trần Thị Mỹ Dung và Giuse Đinh Quý Thịnh + Maria Nguyễn Thị Mỹ Trinh.

THÔNG BÁO

1.      Vào lúc 9g00, thứ Sáu, ngày 01. 01.2021, Lễ Mẹ Thiên Chúa Bổn Mạng Giáo Phận – Lễ Trọng.

2.      Ủng hộ Giáng Sinh: Ghe Mỹ Quang (Simon Hòa) 5 triệu.

Giúp người nghèo: Cha Quyền (ở Mỹ) 200 USD, Gđ. Đào Duy Lộc (Anrê Kim Thông) 3 triệu, một giáo dân

Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2020

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 580

 


CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG B

Lc 1, 26-38

Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít, trinh nữ ấy tên là Maria.

Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: "Kính chào trinh nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ". Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì.

Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận".

Nhưng Maria thưa với thiên thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?"

Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Đấng trinh nữ sinh ra sẽ là Đấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được".

Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.

SUY NIỆM

Việc gặp gỡ chàng Kim Trọng làm cho nàng Thúy Kiều phân vân: “trăm năm biết có duyên gì hay không?” Cuộc gặp gỡ sứ thần Gáprien cũng khiến cô thiếu nữ thành Nadarét có đôi chút bối rối về cách thức thực hiện cuộc “tình duyên” muôn đời của Thiên Chúa với con người. Rồi cuối cùng sứ thần cũng nghe được tiếng “xin vâng” từ người thiếu nữ này. Đức Maria được sứ thần chào bằng một danh xưng đặc biệt "Đấng đầy ân sủng" vì được Thiên Chúa đổ đầy ân sủng trên con người của Mẹ. Sau tiếng "xin vâng," "Đấng đầy ân sủng" ấy sẽ sinh ra Đức Giêsu, Đấng là nguồn mạch mọi ân sủng.

Phân vân, tự hỏi trước các vấn nạn của đức tin là điều bình thường. Tuy nhiên, ta khó đáp lời xin vâng nếu chỉ xử lý các vấn nạn ấy theo cảm quan tự nhiên. Hãy noi theo gương Mẹ Maria, thưa xin vâng với trọn niềm tin và phó thác nơi Chúa.

TIN TỨC

1.     ĐTC Phanxicô kỷ niệm 51 năm thụ phong linh mục

Đức Thánh Cha khám phá ơn gọi của ngài vào ngày lễ thánh Mátthêu, 21.09.1953. Vào hôm đó, khi chàng thanh niên 17 tuổi Jorge Bergoglio đi ngang qua một giáo xứ ở Buenos Aires, nơi cậu thường tham dự Thánh lễ, cậu cảm thấy cần xưng tội. Cậu gặp một linh mục mà cậu không quen biết, và chính lần xưng tội đó đã thay đổi cuộc đời cậu.

Ngày 18.05.2013, trong buổi canh thức lễ Vọng Chúa Thánh Thần với các phong trào trong Giáo hội, Đức Thánh Cha đã thuật lại cuộc viếng thăm nhà thờ lần đó: “Đối với tôi, đây là một kinh nghiệm gặp gỡ. Tôi thấy rằng có ai đó đang đợi tôi. Tuy nhiên, tôi không biết chuyện gì đã xảy ra, tôi không thể nhớ, tôi không biết tại sao vị linh mục, người tôi không quen biết lại ở đó, hoặc tại sao tôi cảm thấy muốn xưng tội, nhưng sự thật là có ai đó đang đợi tôi. Người đã đợi tôi một thời gian. Sau khi xưng tội, tôi cảm thấy có điều gì đó đã thay đổi. Tôi không giống như trước nữa. Tôi đã nghe thấy một cái gì đó như một giọng nói, hoặc một tiếng gọi. Tôi đã bị thuyết phục rằng tôi phải trở thành một linh mục”.

Đức Thánh Cha đã cảm nhận sự hiện diện yêu thương của Chúa trong cuộc đời ngài, cảm thấy tâm hồn được đánh động và cảm thấy lòng thương xót của Chúa, dưới hình dạng của tình yêu dịu dàng, gọi ngài trở thành tu sĩ, theo chân thánh Inhaxio thành Loyola […]

Hồng Thủy

2.     Giáo hội Singapore khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 200 năm

Ngày 13.12 vừa qua, Đức tổng giám mục William Goh của Singapore đã chủ sự Thánh lễ, được truyền chiếu trực tiếp, khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 200 năm Công giáo đến Singapore.

Sir Stamford Raffes đã thành lập Singapore và biến nó thành thuộc địa của Anh vào năm 1819. Không lâu sau đó, các nhà truyền giáo Công giáo đã đến đây và những đóng góp của Giáo hội Công giáo trong việc xây dựng quốc gia thông qua giáo dục, chăm sóc sức khỏe và phúc lợi xã hội đã được ghi nhận.

Thánh Laurent Marie Joseph Imbert (1796-1839), một linh mục Công giáo người Pháp của Hội Thừa sai Paris (MEP), từ Pháp đến Singapore vào ngày 11.12.1821, để đến truyền giáo ở Penang (Malaysia) và Trung Quốc. Cha đã báo cáo về sự hiện diện của người Công giáo ở Singapore và nhu cầu truyền giáo ở nước này cho Giám mục của cha ở Thái Lan, đánh dấu một kỷ nguyên mới cho Công giáo ở Singapore. Ngày cha Laurant đến Singapore được xem là ngày khởi đầu của Giáo hội, và Giáo hội cũng định hình nên Singapore hiện đại.

Năm Thánh được bắt đầu với Thánh lễ, khởi động một trang web, công bố logo Năm Thánh và trình chiếu một cuốn phim tài liệu về Giáo hội Công giáo ở Singapore.

Năm Thánh sẽ kết thúc vào ngày 11.12.2021, với Thánh lễ được cử hành cùng lúc tại 32 giáo xứ ở Singapore.

Chủ đề của Năm Thánh “Làm cho đức tin bùng cháy và tỏa sáng” phù hợp với chương trình mục vụ của Tổng Giáo phận Singapore, nhắm hình thành một Giáo hội truyền giáo và sống động hơn.

Các sự kiện sẽ tập trung vào việc canh tân đức tin của cộng đồng Công giáo qua bốn khía cạnh: đào sâu, phân định, làm chứng và cử hành.

Cộng đoàn Công giáo sẽ tham dự các giờ cầu nguyện để cùng nhau cảm ơn Chúa về những nhà truyền giáo và để suy tư về các thách đố sống đức tin ngày nay. […]

Hồng Thủy

THÔNG BÁO

1.Thứ Năm 24.12.2020, Canh thức và Lễ Vọng Giáng Sinh: Canh thức lúc19g30, thánh lễ bắt đầu lúc: 21h00.

2. Thứ Sáu, 25.12.2020, Lễ Giáng Sinh: Lễ I: lúc 5g00, Lễ II: lúc 18g00.

3. Ủng hộ Giáng Sinh: Dịch vụ mại táng Phước Trung 5 triệu, 1 ân nhân (Giuse Thị) 5 triệu, A/c Dũng- Nhung (Anrê Kim Thông) 2triệu, Ac Dũng – Thúy (Giuse Thị) 2 triệu, Gđ. Anh Tuệ (Anrê Kim Thông) 5 triệu, Gđ Ông Bổn (ở Nhật) 20 triệu, Nhà thuốc tây Minh Huệ 100 USD, Ac Hạnh – Tới (ở Mỹ) 200 USD, vật liệu xây dựng Sơn Thảo 10 triệu, Ac Tố Trinh (Giuse Thị) 1 triệu, 1 ân nhân (Giuse Lựu) 1 triệu, 1 ân nhân (Simon Hòa) 1 triệu, chị Sương (Simon Hòa) 1 triệu, chị Cúc (Simon Hòa) 1 triệu, Ghe Lê Minh 5 triệu, Gđ Bé Hải Minh (Giuse Thị) 5 triệu,  Ac Khôi-Trang (Giuse Thị) 2 triệu, 1 ân nhân (Simon Hòa) 5 triệu, một ân nhân (ở Mỹ) 500 USD, Chị Hân (trái cây) ủng hộ một mô tơ, Ghe Lê Thí (Anrê Trông) 5 triệu.

4. Ủng hộ mua Ghế Nhựa: một ân nhân trong xứ 10 triệu, Anh Nguyễn Chí Hùng (Anrê Kim Thông) 2 triệu, ÔB. Mông–Sắc (Giuse Thị) 5 triệu. Ac Nga-Cường (Simon Hòa) 5 trăm ngàn, chị Hoàng (Simon Hòa) 2 triệu, Chị Thọ (Anrê Trông) 5 triệu.

5. Giúp người nghèo: Chị Thiên Trúc và bạn bè: 2 triệu 5 trăm ngàn Chị Thư (ở Kê Gà) 5 trăm ngàn.

- Chị Mười (con ông Rơi – Simon Hòa) ủng hộ 11 triệu làm đồ gỗ trong nhà thờ.


Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2020

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 579

 


CHÚA NHẬT III  MÙA VỌNG B

Ga 1,6-8.19-28

Có người đã được Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến như chứng nhân để làm chứng về sự sáng, hầu mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là sự sáng, nhưng ông chỉ làm chứng về sự sáng. Và đây là chứng của Gioan, khi những người Do thái từ Giêrusalem sai các vị tư tế và các thầy Lêvi đến hỏi ông: “Ông là ai?”

Ông liền tuyên xưng, ông không chối, ông tuyên xưng rằng: “Tôi không phải là Ðấng Kitô”. Họ liền hỏi: “Thế là gì? Ông có phải là Êlia chăng?” Gioan trả lời: “Tôi không phải là Êlia”. – “Hay ông là một đấng tiên tri?” Gioan đáp: “Không phải”.

Họ liền bảo: “Vậy ông là ai, để chúng tôi trả lời cho những người sai chúng tôi. Ông tự xưng là ai?” Gioan đáp: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaia đã loan báo”.

Và có những người thuộc nhóm biệt phái cũng được sai đến. Họ hỏi Gioan rằng: “Nếu ông không phải là Ðức Kitô, cũng không phải là Êlia hay một tiên tri, vậy tại sao ông làm phép rửa?”

Gioan trả lời: “Tôi làm phép rửa trong nước; nhưng giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết. Ðấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng ấy đã có trước tôi và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người”.

Việc này xảy ra tại Bêtania, bên kia sống Giođan, nơi Gioan làm phép rửa.

SUY NIỆM

Chúa Nhật III Mùa Vọng là Chúa Nhật của niềm vui. Niềm vui bởi Chúa đã đến gần. Niềm vui có Chúa.

Lời tiên tri Isaia trong bài đọc 1 đã thốt lên: “Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa". Hay như lời Thánh Phaolô trong bài đọc 2 mời gọi: “Anh em thân mến, anh em hãy vui mừng luôn”.

Cuộc sống có nhiều niềm vui. Người thích vật chất thì tìm hưởng niềm vui trong tiền bạc vật chất. Người thích hưởng thụ thì tìm niềm vui trong những thú vui…Nhưng chúng ta hãy tìm niềm vui trong Chúa mới là niềm vui đích thực. Chính thánh Gioan Tẩy Giả, một mẫu gương sống niềm vui có Chúa, niềm vui trong Chúa. Niềm vui của sự sống.

Tin Mừng phác họa mẫu gương thánh Gioan Tẩy Giả qua 4 chiều kích của niềm vui đích thực: Trước hết là niềm vui của sự khiêm nhường. Thứ hai là niềm vui của sự khổ hạnh. Thứ ba là niềm vui của sự trung thực và Thứ tư là niềm vui của sự quên mình vì Chúa và cho tha nhân.

Xin cho mỗi người chúng ta sống niềm vui của Chúa.

TIN TỨC

Đức Thánh Cha công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse”

Ngày 8/12/2020, cùng với việc Đức Thánh Cha ban hành Tông thư “Patris corde” - Trái tim người cha, công bố Năm đặc biệt về thánh Giuse, Tòa Ân giải Tối cao đã công bố sắc lệnh ban các ơn toàn xá đặc biệt nhân dịp Năm đặc biệt này.

 Sắc lệnh nói rằng với Năm đặc biệt về thánh Giuse, “tất cả các tín hữu sẽ có cơ hội dấn thân, bằng những lời cầu nguyện và những việc lành, để với sự giúp đỡ của thánh Giuse, người đứng đầu Gia đình Nazareth trên trời, được an ủi và xoa dịu khỏi những đau khổ trong xã hội và của con người, đang gây ra cho thế giới của chúng ta ngày nay ”.

 Sắc lệnh được ký bởi Đức Hồng Y Mauro Piacenza, Chánh án Tòa Ân giải Tối cao, và Cha Krzysztof Nykiel, lưu ý rằng lòng sùng kính đối với Thánh Giuse đã phát triển rộng rãi trong suốt lịch sử của Giáo hội.

Ơn Toàn xá được ban với các điều kiện thông thường (xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha) cho các tín hữu có lòng xa tránh mọi tội lỗi, sẽ tham dự Năm đặc biệt về thánh Giuse trong những dịp và theo cách thức được Tòa Ân giải Tối cao chỉ định:

 Thứ nhất, Ơn Toàn xá được ban cho những người suy niệm ít nhất là 30 phút kinh Lạy Cha, hoặc tham dự một cuộc tĩnh tâm ít nhất là một ngày với một bài suy niệm về thánh Giuse.

 Thứ hai, những người theo gương thánh Giuse, thực hiện một việc thương xót về thể lý hay thiêng liêng, cũng có thể được nhận Ơn Toàn xá.

 Thứ ba, Ơn Toàn xá được ban cho những người đọc kinh Mân Côi trong gia đình và giữa những người đính hôn.

 Thứ tư, Ơn Toàn xá được ban cho bất cứ ai hàng ngày phó thác công việc của mình cho sự bảo vệ của Thánh Giuse và bất kỳ tín hữu nào cầu nguyện, xin sự chuyển cầu của Người Thợ thành Nazareth, để những người đang tìm công việc có thể tìm được việc làm và để công việc của mọi người được xứng đáng hơn.

 Thứ năm, Ơn Toàn xá được ban cho những tín hữu sẽ đọc kinh cầu thánh Giuse hoặc một kinh thánh Giuse khác, phù hợp với các truyền thống phụng vụ khác, để cầu nguyện cho Giáo hội bị bách hại bên trong và bên ngoài, và cho tất cả các Ki-tô hữu đang chịu mọi hình thức bách hại được cứu giúp.

Để khẳng định lại tính phổ quát của sự bảo trợ của thánh Giuse đối với Giáo hội, ngoài những dịp đã nói ở trên, Tòa Ân giải Tối cao ban Ơn Toàn xá cho các tín hữu sẽ đọc bất kỳ lời cầu nguyện đã được phê chuẩn hợp pháp hoặc làm một việc đạo đức để tôn vinh thánh Giuse, đặc biệt là vào các ngày 19 tháng 3 và 1 tháng 5, vào Lễ Thánh Gia Thất Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse, vào Chúa Nhật thánh Giuse (theo truyền thống Byzantine), vào ngày 19 hàng tháng và mỗi thứ Tư, ngày theo truyền thống Latinh được dành riêng kính nhớ thánh Giuse.

Sắc lệnh cũng nói rằng trong hoàn cảnh khẩn cấp về sức khỏe, Ơn Toàn xá đặc biệt được ban cho những người cao niên, các bệnh nhân, những người hấp hối và cho tất cả những người vì lý do chính đáng không thể rời khỏi nhà.

 Họ được nhận Ơn Toàn xá nếu có lòng xa tránh tội lỗi và với ý định hoàn thành, càng sớm càng tốt, ba điều kiện thông thường và thực hiện một việc đạo đức để tôn kính thánh Giuse, nguồn an ủi người bệnh và Đấng bảo trợ sự chết lành, dâng lên Thiên Chúa những đau đớn và khó chịu trong cuộc sống của họ với lòng tin tưởng.

Cuối cùng sắc lệnh yêu cầu các linh mục tạo cơ hội thuận tiện, sẵn sàng và quảng đại cử hành bí tích giải tội và trao Mình Thánh cho các bệnh nhân. (CSR_9070_2020)

Hồng Thủy

TIN BUỒN

Cụ Bà Matta Nguyễn Thị Hiền, sinh năm 1938, tại Quảng Bình thuộc Gh. Simon Hòa, đã được Chúa gọi về ngày 11.12.2020 tại Gia đình, hưởng thọ 85 tuổi.

Thánh Lễ An táng sẽ được cử hành vào lúc 4g45 sáng thứ Hai, ngày 14.12.2020, sau đó an táng tại nghĩa trang Gx. Vinh An.

Kính xin OBACE cầu nguyện cho linh hồn bà cụ Matta sớm về hưởng Nhan Thánh Chúa.

THÔNG BÁO

1. Để chuẩn bị tâm hồn, mừng đại lễ Giáng Sinh, vào Thứ Năm (17.12) và Thứ Sáu (18.12), các cha sẽ ngồi tòa giải tội. Buổi sáng: từ 8g00 – 10g30, buổi chiều từ 14g00 – 16g30.

2. Ủng hộ Giáng Sinh: Chị Hân (Mt. Phượng) 5 triệu, Bà Bế (Simon Hòa) 100 USD, Chị Mai (lớp GL Dự Tòng) 2 triệu, Anh Chị Dũng -Phượng (Simon Hòa) 3 triệu, Chị Mỹ (Simon Hòa) 2 triệu,  Anh Chị Chín – Thân (Simon Hòa)  2 triệu, 1 ân nhân (Simon Hòa) 1 triệu,  Dụng cụ câu cá Nam Anh 2 triệu, Quý Sơ (cộng đoàn nhà sách) 2 triệu, Anh An (Anrê Trông) 2 triệu, một Ân nhân (Anrê Kim Thông) 2 triệu, Nhà hàng Maria Kiều Trang 2 triệu 500 ngàn, một ân nhân (Giuse Lựu) 1triệu, một ân nhân (Simon Hòa) 1triệu, Gđ. Vi Đan (Giuse Thị) 2 triệu, Gđ Dũng -  Đức 2 triệu. Anh chị Văn-An (Giuse Thị) 1 triệu, Anh chị Huệ Tài (Gh. Anrê Trông) 1 triệu.

 3. Ủng hộ mua Ghế Nhựa: một ân nhân (Anrê Kim Thông) 5 triệu. 


Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2020

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 578

 


CHÚA NHẬT II  MÙA VỌNG B

(Mc 1,1-8)

Khởi đầu Phúc Âm của Ðức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa. Như có lời Tiên tri Isaia chép rằng: Ðây Ta sai Thiên Thần của Ta đến trước mặt ngươi để dọn đường cho ngươi. Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”.

Gioan Tẩy Giả xuất hiện trong hoang địa, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội. Dân cả miền Giuđêa và Giêrusalem tuôn đến với người, thú tội và chịu phép rửa trong sông Giođan.

Lúc đó Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Người rao giảng rằng: “Ðấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi dây giày Người. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, còn Ngài, Ngài sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần”.

SUY NIỆM

Mỗi người đi trên con đường cuộc đời khác nhau. Tùy theo hoàn cảnh, tùy theo địa vị, tùy theo khả năng và chọn lựa mà mỗi người định hướng cuộc đời của mình. Nhưng hãy nhìn lại con đường tôi đang đi có đến được với Chúa hay không? Hướng tôi đang tiến tới có phải hướng Chúa đang muốn tôi tiến tới hay không ?

Sứ điệp Lời Chú, Chúa Nhật II Mùa Vọng mời gọi chúng ta: "Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng. Hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng”.

 “Cho dù chúng ta đã đi sai hướng lâu như thế nào, chúng ta vẫn luôn có lựa chọn quay đầu lại”. Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta quay trở về với hướng cuộc đời mà Ngài đã chỉ cho chúng ta, đó là hướng Giêsu, con đường chính Chúa Giêsu đã đi qua, và chỉ con đường ấy mới mang lại cho ta hạnh phúc.

Mùa vọng, Chúa mời gọi chúng ta sám hối để “dọn đường và “sửa lối” cho Chúa đến.

TIN TỨC

1. Hang đá máng cỏ lớn nhất thế giới

Sách Guinness về các kỷ lục đã xếp hang đá máng cỏ ở thành phố cảng Alicante, đông nam Tây Ban Nha, là lớn nhất thế giới.

Trong hang đá này, tượng thánh Giuse cao 18 mét rưỡi, tượng Đức Mẹ Maria cao 10 mét rưỡi và tượng Chúa Giêsu Hài Đồng to 3 mét.

Cho đến năm 1999, các tượng Thánh Gia trong hang đá máng có ở Mêhicô cao 5 mét, được coi là lớn nhất thế giới.

Các tượng trong hang đá ở thành Alicante được làm bằng plastic và bằng sắt, do một toán gồm mười nghệ nhân thực hiện. Hang đá này có phí tổn khoảng 140.000 Euro, và có mục đích thu hút những người đến viếng thăm tại trung tâm thành phố, bị thương tổn nặng vì đại dịch, khiến các tiệm buôn tại đây không có khách.

Vùng Địa Trung Hải quanh thành phố Alicante vốn nổi tiếng về nghệ thuật làm hang đá máng cỏ. Tại Alcoy, gần đó có hang đá Tirisiti nổi tiếng, diễn vở kịch Chúa Giêsu sinh ra từ thế kỷ XVI và còn được trình diễn cho đến nay.

G. Trần Đức Anh, O.P.

2. Tòa Thánh phát động chiến dịch cầu nguyện trong Mùa Vọng theo tinh thần Laudato si'

 Để giúp người Công giáo thắp lại niềm hy vọng và tiếp xúc sâu sắc hơn với thông điệp Laudato si' trong Mùa Vọng này, Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện chuẩn bị những lời cầu nguyện cho bảy mục tiêu của Laudato si'.

Mỗi ngày, lời cầu nguyện tập trung vào một nhóm cộng đoàn cụ thể và dấn thân của họ theo tinh thần sinh thái toàn diện của Laudato si’. Các tín hữu được mời gọi cùng nhau cầu nguyện để thắp lên một Mùa Vọng hy vọng.

Chúa Nhật: Ý chỉ hướng đến “Tiếng kêu của Trái đất - Cộng đoàn - Lãnh đạo”: Lạy Chúa của Thụ tạo, chúng con cầu xin cho tất cả cộng đoàn chúng con, và đặc biệt là cho các nhà lãnh đạo, để chúng con có thể nghe thấy Tiếng kêu của Trái Đất và hỗ trợ năng lượng sạch, đảm bảo không khí và nước sạch cho tất cả mọi người và tái khám phá ơn gọi ban đầu của chúng con, cộng tác với Chúa tạo nên một hành tinh lành mạnh.

Thứ Hai: “Tiếng khóc của người nghèo - Gia đình”: Trong khi lắng nghe người nghèo, chúng con cầu xin cho tất cả các gia đình để gia đình có thể là nơi mà sự sống, hồng ân của Thiên Chúa được chào đón và bảo vệ một cách xứng đáng. Xin cho chúng con có thể làm việc để mang lại sự sống sung mãn cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo do bị bỏ rơi hoặc thờ ơ.

Thứ Ba: “Kinh tế - Kinh doanh”: Lạy Thiên Chúa quan phòng, xin giúp chúng con tập hợp những kiến thức khác nhau, cả về kinh tế, để có một tầm nhìn trọn vẹn và toàn diện hơn, và tạo ra một mô hình kinh tế mới thúc đẩy những kiểu mẫu mới phát triển toàn diện.

Thứ Tư: “Lối sống giản dị - Bệnh viện”: Lạy Thiên Chúa Tình Yêu, chúng con cầu xin cho các bệnh viện và cơ sở y tế của chúng con, có thể phát triển khả năng chăm sóc. Ước mong chúng con có thể hiểu và đánh giá cao những cử chỉ đơn giản và lối sống giản dị.

Thứ Năm: “Giáo dục - Cơ sở giáo dục”: Lạy Chúa của Tri thức và Đức hạnh, xin giúp chúng con lớn lên trong tình liên đới, trách nhiệm và chăm sóc dựa trên lòng nhân ái. Ước gì các cơ sở giáo dục của chúng con có thể giúp khôi phục lại sự cân bằng với chính họ, một tình liên đới với những người khác, một lối sống tự nhiên với mọi sinh vật và một chiều kích thiêng liêng với Chúa.

Thứ Sáu: “Linh đạo - Tổ chức”: Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, xin giúp chúng con phát triển một linh đạo liên đới toàn cầu tuôn chảy từ mầu nhiệm Ba Ngôi, một cộng đoàn yêu thương được kết nối với nhau. Ước mong cho linh đạo này nuôi dưỡng niềm đam mê chăm sóc thế giới của chúng con.

Thứ Bảy: “Sự tham gia và cộng đoàn - Truyền thông”: Lạy Thiên Chúa của sự Hiệp thông, xin giúp chúng con trở thành một cộng đoàn có sự tham gia của các hành động và sự huy động vì Trái đất và vì người nghèo. Xin cho chúng con có thể hình thành các mạng lưới đối thoại cởi mở, tôn trọng và sử dụng tất cả các phương tiện giao tiếp vì lợi ích của tất cả mọi người.

Ngọc Yến

PHỤNG VỤ

- Thứ Ba, (08.12.2020), lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội – Lễ trọng.

- 17g30, Thứ Năm, (10.12.2020), lễ Thánh Simon Phan Đắc Hòa - bổn mạng Gh. Simon Hòa.

- 17g30, Thứ Sáu (11.12.2020), lễ cưới cho đôi anh chị: Augustino Trần Thế Duy và Catarina Huỳnh Thị Thảo.

THÔNG BÁO

1. 17g30, Thứ Năm, (10.12.2020), lễ Thánh Simon Phan Đắc Hòa - bổn mạng Gh. Simon Hòa.

2. Ủng hộ Giáng Sinh: Chị Hạnh (Mt. Phượng) 1 triệu, Bà Ký (Simon Hòa) 1 triệu, Anh Hoàng Tấn Dũng (Simon Hòa) 1 triệu, một ân nhân (Simon Hòa) 1 triệu, Chị Hồng (Anrê Trông) 1 triệu,  Nhà thuốc Rạng Danh 5 triệu, Tiệm Hoa Yến Nhi 2 triệu, Tiệm bánh Mỹ Vũ 15 triệu, Chị Nghĩa (Simon Hòa) 2 triệu, chị Dung (ở Mỹ) 200 USD.

3. Ủng hộ mua Ghế Nhựa: Nhà Hàng Vườn Bia 5 triệu.


Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2020

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 577


 CHÚA NHẬT I  MÙA VỌNG B

Mc 13,33-37

    Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào.

Ví như người đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành cho các đầy tớ, mỗi người một việc, và căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức.

Vậy các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp các con đang ngủ.

Ðiều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!”

SUY NIỆM

Hai đặc tính nổi bật của Mùa Vọng: kính nhớ ngày Chúa đến lần thứ nhất trong biến cố nhập thể, căn bản hơn là hướng chúng ta đến việc trông chờ ngày Chúa đến lần thứ hai.

Vì thế, tâm tình chờ đợi trong tỉnh thức và sẵn sàng luôn hết sức cần thiết trong mỗi phút giây của cuộc đời.

Vì khi ta được sinh ra là khởi điểm ta bắt đầu đi về cõi chết. Ngay từ trong bào thai của mẹ, bắt đầu có sự sống là ta đã cưu mang sự chết. Trong lớn lên đã có mầm tan rã. Khi vũ trụ chào đón tôi, thì cùng một lúc, tôi bắt đầu từ giã vũ trụ từng ngày, từng giờ. Mỗi ngày là một bước ta đi dần về sự chết. Mở mắt ra ta thấy một ngày sống. Nhưng nhắm mắt lại ta lại thấy một ngày trôi qua. Vì vậy, cuộc đời có ý nghĩa vẫn chỉ là cuộc đời chuẩn bị cho ngày chết.

Xin cho mỗi người luôn nhớ đến chân lý ấy để luôn sống trong tâm tình “Mùa vọng”, tỉnh thức và sẵn sàng chờ ngày Chúa đến.

TIN TỨC

1.      Các Giám mục Philippines ủng hộ luật cấm tảo hôn

Ngày 09.11, các thượng nghị sĩ đã bỏ phiếu nhất trí dự luật của Thượng viện về cấm kết hôn trước 18 tuổi và quy định về bình đẳng giới.

Để ủng hộ dự luật này, Đức cha Alarcon đã lưu ý: “Luật pháp cũng là một cách để bảo vệ sự thánh thiêng của hôn nhân và gia đình. Hôn nhân và giáo dục gia đình là một trách nhiệm nghiêm túc”.

Chủ tịch Ủy ban Giám mục về Giới trẻ giải thích: "Mong muốn bảo vệ trẻ em, phẩm giá và quyền của các em cũng như mục tiêu bảo vệ hôn nhân và gia đình, là những yếu tố quan trọng và cần thiết cho sự phát triển đích thực và hài hòa của xã hội”.

Sau khi Thượng viện thông qua dự luật, nghị sĩ Rosa Hontiveros tuyên bố: “Hôm nay chúng ta trao cho các trẻ em nữ khả năng ước mơ, khả năng xác định tương lai theo mong ước của các em. Chúng ta bảo vệ quyền của các em được tiếp tục đi học và quyền quyết định kết hôn khi đã trưởng thành và sẵn sàng".

Bà Rosa cho biết Philippines là quốc gia đứng thứ 12 trên thế giới có trẻ em nữ dưới 18 tuổi đã kết hôn. Tình trạng tảo hôn xảy ra vì những nguyên nhân như: truyền thống văn hóa ở một số cộng đồng, nghèo đói và thiếu giáo dục. Kết hôn sớm cũng đưa đến những rủi ro cho cái gọi là “bà mẹ trẻ em”, tác động tiêu cực đến sức khỏe và sự sống còn của người mẹ trẻ. Hơn nữa, nhiều em phải gián đoạn việc học vì phải gánh vác cuộc sống gia đình bắt đầu quá sớm, dù mới 10, 11 tuổi.

Cha Shay Cullen, Giám đốc Tổ chức "Preda", tổ chức bảo vệ quyền trẻ em ở Philippines, lưu ý một khía cạnh đáng báo động khác: "Ở Philippines, cái gọi là 'hôn nhân' thường chỉ là một phương tiện để biện minh cho nạn ấu dâm; trẻ em gái bị sử dụng làm nô lệ tình dục, bị những người đàn ông lớn tuổi lạm dụng và sau đó trả tiền cho cha mẹ các em. Ít người dũng cảm tố cáo lạm dụng tình dục trẻ em. Những cuộc hôn nhân bị cáo buộc đó chỉ nhằm che đậy tội phạm ấu dâm. Chúng tôi hy vọng luật này sẽ giúp xóa bỏ tệ nạn ung thư này".

Ngọc Yến

2.      Giáo Hội sắp có thêm một chân phước hiển tu và 127 chân phước tử đạo, và có thêm sáu vị Đáng kính.

Hôm 23.11.2020 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến Đức Hồng y tân cử Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, và đã cho phép Bộ công bố tám sắc lệnh liên quan đến các án phong chân phước.

Sắc lệnh 1 nhìn nhận phép lạ nhờ lời chuyển cầu của vị Tôi tớ Chúa, linh mục Mario Ciceri, người Ý, sinh năm 1900, tại tỉnh Milano bắc Italia, và qua đời lúc mới 45 tuổi. Cha thụ phong linh mục năm 24 tuổi, làm cha phó giáo xứ thánh Antôn Tử đạo ở Brenana di Sulbiate trong 21 năm trời, tận tụy mục vụ giới trẻ, săn sóc các bệnh nhân. Trong thời thế chiến thứ II, mặc dù có nhiều rủi ro nguy hiểm, cha Mario Cicero thực hiện rất nhiều công tác bác ái, giúp đỡ những người túng thiếu, những người trẻ ra chiến trường, những người Do thái cũng như những người bị quân phát xít lùng bắt.

Trong tiến trình cứu xét án phong chân phước, cách đây bốn năm, Bộ Phong Thánh đã nhìn nhận cha Mario Ciceri đã thực hành các nhân đức Kitô giáo đến mức độ anh hùng. Và hôm 24.11 vừa qua, Bộ công bố sắc lệnh nhìn nhận một phép lạ nhờ lời chuyển cầu của cha Ciceri.[…]

Sắc lệnh thứ hai được Bộ Phong thánh công bố, nhìn nhận cuộc tử đạo của cha Gioan Elia Medina và 126 bạn tử đạo, bị sát hại do sự oán ghét đức tin, trong cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha từ năm 1936 đến 1939. Thuộc nhóm này có 79 linh mục, 5 chủng sinh, 3 tu sĩ Phanxicô, 1 nữ tu và 39 giáo dân.

Sáu sắc lệnh còn lại nhìn nhận các nhân đức anh hùng của sáu vị Tôi tớ Chúa, gồm một giám mục, hai linh mục và ba nữ tu thuộc các dòng khác nhau. […]

G. Trần Đức Anh, O.P.

PHỤNG VỤ

- 17g30, Thứ Hai, (30.11.2020), lễ Thánh Anrê Trần Văn Trông - bổn mạng Gh. Anrê Trông.

- 17g30, Thứ Tư (02.12.2020), lễ cưới cho đôi anh chị: Antôn Nguyễn Tấn Đạt và Têrêxa Trần Ái Lê Trân

- 17g30, Thứ Sáu (04.12.2020), lễ cưới cho đôi anh chị: Phanxicô Xaviê  Nguyễn Viết Hưng và Cêcilia Hoàng Hà My.

THÔNG BÁO

- Sáng thứ Sáu (04.12), vào lúc 7g00: trao MTC cho người già và bệnh nhân.

- Một ân nhân thuộc Gh. Anrê Trông ủng hộ 200 thùng Mì tôm cho người nghèo.

- Ủng hộ Giáng Sinh: Chị Hà (Gh.Mt Phượng) 2.000.000đ; Chị Đức (Gh.Anrê Trông) 2.000.000đ; một ân nhân (Gh. Anrê Kim Thông): 2.000.000đ; Gđ. Anh Phương (Gh. Mt Phượng) 2.000.000đ; Ông Cố Tùng (Gh. Mt Phượng) 1.000.000đ; Anh Thạnh (Gh.Anrê Trông) 2.000.000đ; Anh Chương (ở Mỹ) 1.000 USD 4 cái quạt hơi nước trong nhà thờ.

- Chúa Nhật tuần tới, Giáo xứ sẽ phát bì thư - quyên góp trang trí Giáng Sinh. Xin OBACE. rộng tay đóng góp cho đại lễ Giáng Sinh.

- Giáo xứ cần 500 ghế nhựa - tựa lưng, để dùng trong các đại lễ ngoài trời. Xin các ân nhân quảng đại ủng hộ.