Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2022

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 605

 


CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN C

(Lc 4, 21-30)

Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu nói trong hội đường rằng: "Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe". Mọi người đều làm chứng cho Người và thán phục Người về những lời từ miệng Người thốt ra, và họ nói: "Người này không phải là con ông Giuse sao?"

Và Người nói với họ: "Hẳn các ngươi sắp nói cho Ta nghe câu ngạn ngữ này: 'Hỡi thầy thuốc, hãy chữa lấy chính mình!' Điều chúng tôi nghe xảy ra ở Capharnaum, ông hãy làm như vậy tại quê hương ông'". Người nói tiếp: "Quả thật, Ta bảo các ngươi, không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình. Ta bảo thật với các ngươi, đã có nhiều bà goá trong Israel thời Elia, khi trời bị đóng lại trong ba năm sáu tháng, khi nạn đói lớn xảy ra khắp trong xứ; dầu vậy, Elia không được sai đến cùng một người nào trong các bà đó, nhưng được sai đến bà goá tại Sarepta thuộc xứ Siđon. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô, thế mà không người nào trong họ được lành sạch cả, ngoại trừ Naaman, người Syria".

Khi nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy căm phẫn, họ chỗi dậy và trục xuất Người ra khỏi thành. Họ dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống vực thẳm. Nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi.

SUY NIỆM

Đoạn Tin Mừng hôm nay nói về việc Đức Giêsu về quê hương mình giảng dạy... Mọi người đều thán phục Ngài vì những lời Ngài giảng thật uy quyền. Nhưng họ không chấp nhận Ngài chỉ vì Ngài là con ông Giuse nghèo khó, thất học.

Các khuôn về Đấng Mê-si-a quyền thế mà họ ngộ nhận khiến họ không thể chấp nhận Ngài. Chúa Giêsu đã dùng Kinh Thánh để thức tỉnh họ, nhưng họ không nghe lại còn thô bạo trục xuất và tính ám hại Ngài. Nhưng giờ Ngài chưa đến, nên Ngài đã ung dung rẽ lối mà đi giữa họ một cách bình thản.

TIN TỨC

1. 360 triệu Kitô hữu bị bách hại trên thế giới trong năm 2021

Tổ chức Open Doors  một tổ chức quốc tế hơn 60 năm qua dấn thân hỗ trợ các Kitô hữu bị bách hại trên thế giới. Trong cuộc họp ngày 19/01 tại Roma, Tổ chức đã đưa ra các con số liên quan đến các cuộc bách hại Kitô hữu trên toàn thế giới.

Theo đó, trong khoảng thời gian từ ngày 01/10/2020 đến 30/9/2021, có hơn 360 triệu Kitô hữu, ở 76 quốc gia đã bị “bách hại và phân biệt đối xử mạnh mẽ”, so với 340 triệu vào năm 2020. Từ 9 năm qua, bách hại tôn giáo ngày càng gia tăng. Năm 2021, gần 6 nghìn (5.898) Kitô hữu bị giết, tăng 24% so với năm 2020 (4.761 trường hợp).

Ngoài ra, tổng số nhà thờ bị đóng cửa, tấn công, phá hủy đã tăng lên, với 5.110 vụ, so với năm trước là 4.488. Tổ chức Doors Open cũng ghi nhận sự gia tăng 44% số Kitô hữu bị giam giữ vì đức tin: năm 2020 có 4.277 trường hợp được ghi nhận, nhưng trong năm 2021, có 6.175 trường hợp.

Quốc gia xảy ra nhiều cuộc bách hại nhất là Afghanistan. Bắc Triều Tiên ở vị trí thứ hai. Tiếp đến là Somalia, Libia, Yemen, Eritrea và Nigeria. Ở Afghanistan, cuộc bách hại đã có “một chiều kích mới với việc Taliban nắm quyền trở lại”. Hiện nay, ở quốc gia này, Kitô hữu nam giới gần như phải đối mặt với cái chết nếu đức tin của họ bị phát hiện; phụ nữ và thiếu nữ Kitô thì có thể tránh được cái chết nhưng bị ép buộc làm vợ như “chiến lợi phẩm” của các chiến binh Taliban trẻ.

Do ngày càng có nhiều Kitô hữu phải chạy trốn khói các cuộc bách hại, thế giới đang chứng kiến hiện tượng “Giáo hội tị nạn”. Có khoảng 84 triệu người bị buộc phải di cư nội địa hoặc chạy trốn ra nước ngoài. Tại một số vùng của châu Phi cận Sahara, cư dân Kitô hữu hầu như đã biến mất.

Ngọc Yến

2. HĐGM Philippines kêu gọi các tín hữu bỏ phiếu theo lương tâm

Đức cha Pablo Virgilio David, Giám mục Kalookan và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Philippines, đại diện các Giám mục kêu gọi người dân Philippines tham gia cuộc bỏ phiếu vào tháng 5 tới theo lương tâm, không theo xu hướng người có khả năng chiến thắng.

Ủy ban Bầu cử Philippines đang trong quá trình công bố danh sách cuối cùng các ứng cử viên chính thức, bao gồm các ứng cử viên cho chức vụ Tổng thống, Phó Tổng thống, 12 Thượng nghị sĩ và 308 đại diện Hạ viện. Ở cấp tỉnh cũng sẽ thực hiện cuộc bầu cử trong thời gian tới. Theo Hiến pháp Philippines năm 1987, tổng tuyển cử được tổ chức sáu năm một lần vào ngày thứ Hai của tuần thứ hai trong tháng

Các vị mục tử của Giáo hội Công giáo lo ngại tình hình bất ổn trước cuộc bầu cử. Vì thế tại diễn đàn trực tuyến được tổ chức bởi “Huynh đoàn doanh nhân và chuyên gia Kitô giáo”, Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục đã lên tiếng kêu gọi “người dân Philippines hãy bỏ phiếu theo lương tâm”. Ngài nói: “Công dân có xu hướng ủng hộ người có khả năng chiến thắng, ứng cử viên được coi là mạnh hơn, thay vì bỏ phiếu theo lương tâm, xu hướng này cực kỳ đáng lo ngại”.

Theo Đức cha, nếu chỉ nhìn vào các cuộc thăm dò, người ta có thể thấy rõ ai sẽ là người chiến thắng trong các cuộc bầu cử tiếp theo. Nếu người Philippines có xu hướng bỏ phiếu cho các ứng cử viên trên cơ sở người có khả năng chiến thắng, thì có một sự thất bại trong việc huấn luyện lương tâm đạo đức giữa những người Công giáo.

Chủ tịch Hội đồng Giám mục lưu ý sự gia tăng những thông tin sai lệch, vì thế, người dân Philippines cần phải khẩn cấp bảo vệ sự thật, trung thực và minh bạch. Như vậy, một trong những nghĩa vụ đạo đức của các Kitô hữu trong lần bầu cử tới là tôn trọng sự thật. Ngài giải thích rằng truyền thông xã hội đã được sử dụng để truyền bá những lời nói dối, tin tức được truyền đi nhưng không có sự xác minh về mức độ chính xác.

Ngài nhắc cách cụ thể đến những người gây xáo trộn cộng đồng, bỏ qua các quy tắc hiện hành, đồng thời sử dụng các tài khoản mạng xã hội giả mạo để ủng hộ một ứng cử viên chống lại các đối thủ khác. Những người này đưa ra những lời vu khống sai lệch về một ứng cử viên. Họ phổ biến những lời nói dối cho đến khi chúng được chấp nhận là sự thật.

Ngọc Yến

PHỤNG VỤ

CHƯƠNG TRÌNH LỄ TẾT NHÂM DẦN 2022

¨ Thứ Hai, 31.01.2022: 29 Tết

Sáng 04g45: Thánh lễ Tạ ơn Tất Niên

Tối 21g00: Thánh lễ Giao Thừa (Hái Lộc Lời Chúa)

¨ Thứ Ba, 01.02.2022: Mồng 1 Tết

Sáng 05g00: Thánh lễ Minh Niên - Cầu Bình An Cho Năm Mới

Tối 18g00: Thánh lễ Cầu Bình An Cho Năm Mới

¨ Thứ Tư, 02.02.2022: Mồng 2 Tết

Sáng 05g00: Thánh lễ Kính Nhớ Ông Bà Tổ Tiên

Tối 18g00: Thánh lễ Kính Nhớ Ông Bà Tổ Tiên

¨ Thứ Năm, 03.02.2022: Mồng 3 Tết

Sáng 05g00: Thánh Hòa Công Ăn Việc Làm

Tối 18g00: Thánh Hòa Công Ăn Việc Làm

  THÔNG BÁO

1.  7g00 sáng thứ Bảy, 05.02.2022 (Mồng 5 Tết Nhâm Dần), rửa tội cho các trẻ sơ sinh. Quý cha mẹ có con rửa tội, xin giấy giới thiệu từ Ban Điều Hành giáo họ, và nộp về văn phòng trước ngày rửa tội

2.  Sau Tết, Giáo xứ mở khoá giáo lý hôn nhân và Giáo lý Dự tòng, các bạn trẻ và những ai có nhu cầu xin đăng ký tại văn phòng giáo xứ. Hạn chót đăng ký vào ngày 15.02.2022.

(Lưu ý: những ai ở các giáo xứ khác muốn theo học khoá học này thì xin giấy giới thiệu nơi cha xứ của mình và nộp giấy giới thiệu đó ở văn phòng giáo xứ Chính Toà).

 


Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2022

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 604

 

CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN C

(Lc 1, 1-4; 4, 14-21)

Vì có nhiều người khởi công chép lại những biến cố đã xảy ra giữa chúng ta, theo như các kẻ từ đầu đã chứng kiến và phục vụ lời Chúa, đã truyền lại cho chúng ta, phần tôi, thưa ngài Thêophilê, sau khi tìm hỏi cẩn thận mọi sự từ đầu, tôi quyết định viết cho ngài bài tường thuật sau đây, để ngài hiểu chân lý các giáo huấn ngài đã lãnh nhận.

Bấy giờ Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền lực Thánh Thần, và danh tiếng Người lan tràn khắp cả miền chung quanh. Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người ca tụng. Người đến Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày nghỉ lễ, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng:

"Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng".

Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe".

SUY NIỆM

Sau khi đọc sách ngôn sứ Isaia. Đức Giêsu tuyên bố: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh", nghĩa là lời ngôn sứ Isaia đã ám chỉ về Ngài và về việc Ngài bắt đầu thực hiện.

Đức Giêsu được Thiên Chúa sai đến, được Thánh Thần dẫn đưa để thi hành sứ vụ. Sứ vụ của Đức Giêsu không gì khác hơn là đem hạnh phúc cho con người, cứu giúp cảnh khốn cực, giải phóng cảnh áp bức để con người được sống tự do trong tình con cái Chúa.

Sứ vụ của Đức Giêsu đã hoàn tất, nhưng tôi đã được giải phóng chưa? Hay đúng hơn tôi đã để cho Đức Giêsu giải phóng tôi chưa? Tôi phải làm thế nào để tôi sống trong tự do hạnh phúc?

TIN TỨC

1. Lần đầu tiên ĐTC chính thức trao thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ cho nữ giới

Trong Thánh lễ Chúa Nhật III Thường niên, ngày 23/1, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh lễ vào lúc 9:30 sáng, với sự tham dự tối đa của khoảng 2.000 tín hữu do các biện pháp an toàn sức khoẻ đang áp dụng.

Theo thông cáo hôm 18/1/2022 của Hội đồng Toà Thánh Tái Truyền giảng Tin Mừng, trong Thánh lễ Đức Thánh Cha sẽ trao cho những người tham dự một cuốn sách trong đó có giải thích của các giáo phụ về chương 4 và 5 của Tin Mừng thánh Luca. Đức Thánh Cha muốn nhấn mạnh trách nhiệm của các tín hữu phải gia tăng sự hiểu biết về Sách Thánh và làm cho nó sống động bằng việc không ngừng chuyển trao và học hiểu nó.

Đặc biệt, trong Thánh lễ, lần đầu tiên một số giáo dân nữ, sẽ được trao thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ. Trong Tông thư Spiritus Domini - Thần Khí của Thiên Chúa, được ban hành ngày 10/1/2021, và thư của Đức Thánh Cha gửi Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, Đức Thánh Cha quyết định rằng các thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ được trao cho các giáo dân nam và nữ theo một hình thức cố định và được thiết lập chính thức qua một bài sai. Trước đây, hai thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ chỉ dành cho nam giới bởi vì nó được xem như bước chuẩn bị cho việc lãnh nhận thánh chức.

Cụ thể, trong Thánh lễ, hai người từ miền Amazon ở Peru, và một số ứng viên từ Brazil, Ghana, Ba Lan và Tây Ban Nha sẽ được Đức Thánh Cha chính thức trao thừa tác vụ giáo lý viên; trong khi thừa tác vụ đọc sách sẽ được Đức Thánh Cha trao cho một số giáo dân nam nữ từ Hàn Quốc, Pakistan, Ghana và Ý.

Mỗi thừa tác vụ sẽ được trao ban qua một nghi thức do Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích soạn thảo. Trước bài giảng của Đức Thánh Cha, các ứng viên sẽ được xướng danh và giới thiệu với Giáo hội. Sau bài giảng, những người được trao thừa tác vụ đọc sách sẽ được trao sách Kinh Thánh, Lời Chúa mà họ được mời gọi loan báo; còn các giáo lý viên sẽ được trao một Thánh giá, một bản sao của Thánh giá mục tử được thánh Phaolô VI sử dụng đầu tiên, và sau đó là Đức Gioan Phaolô II.

Thông cáo của Hội đồng Toà Thánh Tái Truyền giảng Tin Mừng nhắc rằng “Chúa Nhật Lời Chúa được Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập, nhắm đề cao sự hiện diện của Chúa trong đời sống các tín hữu. Thiên Chúa thực sự bước đi với chúng ta và hiện diện qua Lời Chúa, như được diễn tả trong logo của Chúa Nhật Lời Chúa, lấy cảm hứng từ câu chuyện các môn đệ trên đường Emmau, khi đang trên hành trình, họ đã đọc lại Sách Thánh cùng với Chúa và điều này giúp họ được dạy dỗ và lòng trí họ được soi sáng.

Hồng Thủy

2. Châu Mỹ Latinh: 37% dân số sẽ ở trong tình trạng nghèo đói vì Covid-19

Bà Alicia Bárcena nói: “Châu Mỹ Latinh và Caribê cần khẩn trương hành động về một hiệp ước xã hội mới, một công cụ chính trị dựa trên một cuộc đối thoại rộng rãi để đạt được các thỏa thuận và đồng thuận nhằm đối phó với tình huống hiện tại và suy nghĩ đến việc tái khởi động giữa đại dịch Covid-19”.

Trong bài phát biểu, bà Alicia Bárcena cho biết: “Năm 2020, nghèo đói ở Châu Mỹ Latinh tăng 7,1% (tăng 45,4 triệu người) so với năm trước, đưa tổng số người sống trong tình trạng nghèo đói lên tới 230,9 triệu người (chiếm 37,3% dân số khu vực); và dự kiến ​​sẽ tăng 4,5% (thêm 28,5 triệu người), ảnh hưởng đến 96,2 triệu người (15,5% dân số), với việc họ sẽ không có được những nhu cầu thực phẩm cơ bản”.

“Điều này đòi hỏi những hỗ trợ tài chính khẩn cấp, quyền rút vốn đặc biệt, miễn thuế thương mại, giãn nợ, viện trợ nhân đạo. Đề xuất này phù hợp với chiến lược của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, António Guterres, trong việc kêu gọi, cùng với Jamaica và Canada, mở rộng các công cụ tài chính và xem xét sự bền vững liên quan đến nợ tại các quốc gia như Caribbean vốn không có tài chính để khai thác thị trường”.

Cuối cùng, bà Alicia Bárcena nhấn mạnh rằng hội nhập khu vực sâu rộng phải là một yếu tố thiết yếu của bất kỳ chiến lược nào đề ra từ cuộc khủng hoảng. Điều này đòi hỏi phải tăng cường liên kết sản xuất và thúc đẩy thương mại nội khối Mỹ Latinh.

Văn Yên, SJ

PHỤNG VỤ

CHƯƠNG TRÌNH LỄ TẾT NHÂM DẦN 2022

¨ Thứ Hai, 31.01.2022: 29Tết

Sáng 4g45: Thánh lễ Tạ ơn Tất Niên

Tối 21g00: Thánh lễ Giao Thừa (Hái Lộc Lời Chúa)

¨ Thứ Ba, 01.02.2022: Mồng 1 Tết

Sáng 5g00: Thánh lễ Minh Niên - Cầu Bình An Cho Năm Mới

Tối 18g00: Thánh lễ Cầu Bình An Cho Năm Mới

¨ Thứ Tư, 02.02.2022: Mồng 2 Tết

Sáng 5g00: Thánh lễ Kính Nhớ Ông Bà Tổ Tiên

Chiều 17g00: Thánh lễ Kính Nhớ Ông Bà Tổ Tiên

¨ Thứ Năm, 03.02.2022: Mồng 3 Tết

Sáng 5g00: Thánh Hòa Công Ăn Việc Làm

Tối 18g00: Thánh Hòa Công Ăn Việc Làm

 THÔNG BÁO

1. Để chuẩn bị tâm hồn đón Xuân mới Nhâm Dần, quý cha sẽ ngồi toà giải tội vào 2 ngày thứ Tư (26.01.2022) và thứ Năm (27.01.2022). Buổi sáng từ 08g00 - 11g30; buổi chiều từ 14g00 -16g30.

2. Vào lúc 07g00, Sáng thứ Bảy (29.01.2022) sẽ trao MTC và tặng quà Tết cho người già và bệnh nhân trong xứ.