Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 24 tháng 6, 2023

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 768

 


CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN NĂM A

PHÚC ÂM: Mt 10, 26-33

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con đừng sợ những người đó, vì không có gì che giấu mà không bị thố lộ; và không có gì kín nhiệm mà không hề hay biết. Ðiều Thầy nói với các con trong bóng tối, hãy nói nơi ánh sáng; và điều các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà.

“Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn: Các con hãy sợ Ðấng có thể ném cả xác lẫn hồn xuống địa ngục. Nào người ta không bán hai chim sẻ với một đồng tiền đó sao? Thế mà không con nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến. Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần.

“Vậy ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy, là Ðấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ chối nó trước mặt Cha Thầy, là Ðấng ngự trên trời”.

 

SUY NIỆM

Tin Mừng hôm nay, thánh Matthêu cho biết, Chúa Giêsu mong muốn nơi các môn đệ trong khi thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng, là phải mạnh dạn can đảm trước những đe dọa của người đời. Phải tin tưởng vào sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa. Vì Người hằng quan tâm săn sóc chúng ta. Chúng ta không sợ hãi, thất vọng trước những bắt bớ của người đời. Chỉ có Thiên Chúa là Ðấng chúng ta phải sợ vì Người có quyền lấy mất sự sống đời đời khỏi chúng ta. Nhưng Người cũng là người Cha đầy lòng nhân ái, thế nên chúng ta cứ an tâm.

Là những người tin và đi theo Chúa Giêsu, mỗi tín hữu chúng ta phải nối tiếp sứ mệnh làm chứng nhân cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Cho dù cuộc sống còn nhiều khó khăn thử thách. Chúng ta hãy can đảm tin tưởng vì Chúa luôn ở bên chúng ta.

Xin Chúa ban cho chúng ta niềm tin, sức mạnh và khôn ngoan để chúng ta trở thành chứng nhân loan báo Tin Mừng tình thương của Chúa cho mọi người chung quanh, bằng cách sống tin tưởng, phó thác cho Chúa trong sự vui tươi và bình an.

 

BẢN TIN

1.      Pascal, người tìm kiếm sự thật không mệt mỏi

Trong Tông thư “Sublimitas et miseria hominis-Sự vĩ đại và khốn cùng của con người” công bố ngày 19/6, nhân kỷ niệm 400 ngày sinh Blaise Pascal, nhà toán học, vật lý học và triết gia người Pháp, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến tài năng khoa học xuất chúng, mối quan tâm dành cho người nghèo và là một người tìm kiếm sự thật không mệt mỏi của nhà bác học.

Blaise Pascal sinh năm 1623 ở Clermond-Ferrand, và qua đời khi chỉ mới 39 tuổi tại Paris. Là một nhà khoa học người Pháp, ông đã giúp đặt nền móng cho lý thuyết xác suất hiện đại, phát minh ra một trong những hình thức sớm nhất của máy tính, và định nghĩa một nguyên lý thủy lực mà sau này được biết đến trong vật lý học với tên gọi “Định luật Pascal”. Trong những năm cuối đời, nhà toán học, vật lý học và triết gia Công giáo đã cống hiến hết mình bênh vực Kitô giáo.

Trong Tông thư dài 8 trang, trước hết Đức Thánh Cha mô tả nhà bác học Pascal là một người có một trí tuệ nổi bật và say mê học hỏi, người đã biết sử dụng ơn thông minh Chúa ban để nghiên cứu những vấn đề mà nhân loại đang cần. Vì thế ngài rất vui khi có cơ hội được bày tỏ lòng kính trọng đối với nhà bác học trong dịp kỷ niệm 400 năm ngày sinh của ông.

Về đời sống tâm linh của nhà bác học, khẳng định ông là một người tìm kiếm sự thật không mệt mỏi, Đức Thánh Cha nhắc đến kinh nghiệm hoán cải “Đêm Lửa” của ông. Theo Đức Thánh Cha, nhà bác học có một sự hiểu biết sâu sắc về vai trò của lý trí trong đức tin tôn giáo. Một mặt, Pascal biện hộ cho tính hợp lý của niềm tin vào Thiên Chúa; mặt khác, chính vì khả năng trí tuệ, ông cũng nhận ra những giới hạn của lý trí, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa bằng đức tin.

Chủ đề cuối cùng xuất hiện trong Tông thư là sự quan tâm của Pascal đến những người kém may mắn hơn mình. Đức Thánh Cha trích dẫn những lời của nhà bác học trên giường hấp hối: “Nếu các bác sĩ nói sự thật, và Chúa cho phép tôi khỏi bệnh, tôi quyết tâm không làm công việc hay nghề nghiệp nào khác trong suốt phần đời còn lại của mình ngoại trừ việc phục vụ người nghèo”. Đức Thánh Cha viết: “Thật xúc động, khi nhận ra rằng trong những ngày cuối đời, một thiên tài vĩ đại như Pascal đã không thấy điều gì cấp bách hơn là nhu cầu cống hiến sức lực cho hoạt động bác ái”.

Tác giả: Ngọc Yến -Vatican News

 

2.      Đức Thánh cha tiếp Tổng thống Brazil

Chiều thứ Tư, ngày 21 tháng Sáu vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến Tổng thống Cộng hòa Liên bang Brazil, ông Luiz Inácio Lula da Silva và sau đó, ông đã gặp Đức Tổng giám mục Edgar Peña Parra, Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh.

Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết trong các cuộc trao đổi, các vị đã bày tỏ hài lòng vì tương quan tốt đẹp giữa Brazil và Tòa Thánh, đặc biệt là sự cộng tác giữa Giáo hội và Nhà nước Brazil để thăng tiến các giá trị luân lý và công ích.

Ngoài ra, các vị cũng trao đổi quan điểm về tình hình xã hội chính trị trong vùng, đặc biệt là một số vấn đề quan tâm chung, như thăng tiến hòa bình và hòa giải, tranh đấu chống nghèo đói và chênh lệch, tôn trọng các thổ dân và bảo vệ môi trường.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo “Người đưa tin chiều” (Corriere della sera) ở Ý, truyền đi ngày 21 tháng Sáu, Tổng thống Lula da Silva cho biết: “đã gửi một phái viên đặc biệt là Calso Amorim đến Mascơva và Kiev. Cả hai nước này tin rằng mình có thể chiến thắng về quân sự. Nhưng tôi không đồng ý. Tôi tin rằng có rất ít người nói về hòa bình. Lo âu của tôi là cứ tiếp tục chiến tranh như thế này sẽ có bao nhiêu người chịu đói trên thế giới, và bao nhiêu trẻ em không có lương thực. Thay vì lo tìm cách giải quyết những chênh lệch thì người ta lại lo chiến tranh. Điều cấp thiết là Nga và Ucraina tìm được một con đường chung để tiến tới hòa bình”.

Tổng thống Lula năm nay 77 tuổi, đã từng được bầu làm Tổng thống Brazil hai nhiệm kỳ, nhưng dưới thời Tổng thống Bolsonaro, ông bị cầm tù 19 tháng, và năm ngoái đã được tái cử lần thứ ba. Đây là lần thứ hai ông gặp Đức Thánh cha Phanxicô. Cùng đi với Tổng thống Lula trong cuộc gặp gỡ Đức Thánh cha, có phu nhân Rosangela, quen gọi là Janja, một người dấn thân mạnh trong lãnh vực xã hội ở Brazil.

(Tổng hợp 21-6-2023)

Tác giả: G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

 

KHÓC VỚI NGƯỜI KHÓC

Anh Phêrô Lê Văn Châu, sinh 1970 tại Phan Thiết, là con của Ông Phêrô Lê Thí, ở giáo họ Anrê Trông, đã qua đời ngày 21/6/2023 tại Phan Thiết. Lễ an táng lúc 4g45 ngày 24/6/2023 tại Nhà Thờ Chính Tòa, sau đó đưa đi an táng tại nghĩa trang Phan Thiết

Giáo xứ xin chia buồn cùng tang quyến và hiệp thông cầu nguyện cho linh hồn Phêrô mau về hưởng tôn nhan Chúa.

 

THÔNG BÁO

1/ Thứ Năm, ngày 29.6.2023, Giáo hội mừng kính hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, cũng là bổn mạng của cha Chánh xứ, Thầy giúp xứ, và một số anh em trong Hội Đồng Mục Vụ. Xin cộng đoàn tham dự Thánh lễ buổi sáng để cầu nguyện cho Cha xứ, Thầy xứ và những người có bổn mạng Phêrô và Phaolô.

2/ Sáng thứ Năm, ngày 29.6.2023: các cha sẽ làm phép ghe cho các ghe trong giáo xứ.

3/ Vào lúc 7h00, sáng Thứ Bảy ngày 01.7.2023: rửa tội cho trẻ sơ sinh. Xin quý cha mẹ có con rửa tội, đến xin giấy giới thiệu nơi Ban Điều Hành giáo họ, và nộp sổ gia đình về văn phòng giáo xứ trong tuần này.

4/ Giáo xứ xin tri ân các ân nhân đã ủng hộ giáo xứ: Chị Xuân ở Mỹ, mười triệu đồng; một ân nhân ở giáo họ Anrê Kim Thông, hai triệu đồng; Chị Nghĩa ở giáo họ Simon Hòa, một triệu đồng; Anh chị Trung – Ly, năm triệu đồng; Ban điều hành giáo họ Anrê Trông và Hội Lòng Chúa thương xót, ủng hộ cho quỹ thiếu nhi một triệu đồng.

Xin Chúa chúc lành cho quý ân nhân và quý vị.


Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2023

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 767

 


CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN NĂM A

PHÚC ÂM: Mt 9, 36 – 10,8

Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ dân chúng, liền động lòng xót thương họ: vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn, Người liền bảo môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”.

Và Người liền triệu tập mười hai môn đệ, ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế, để họ xua đuổi chúng, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Ðây là tên của mười hai tông đồ: trước hết là Simon cũng gọi là Phêrô, rồi đến Anrê em ông; Giacôbê con của Giêbêđê và Gioan em ông; Philipphê và Bartôlômêô; Tôma và Matthêu người thu thế; Giacôbê con của Alphê và Tađêô; Simon người Cananêô và Giuđa Iscariốt, kẻ nộp Người. Chúa Giêsu sai mười hai ông này đi và truyền lệnh cho các ông rằng:

“Các con đừng đi về phía dân ngoại, và đừng vào thành các người Samaritanô. Nhưng tốt hơn, các con hãy đi đến cùng chiên lạc của nhà Israel trước đã, và rao giảng rằng: “Nước Trời đã đến gần”. Hãy chữa lành người liệt, phục sinh kẻ chết, chữa lành người phung, và xua trừ ma quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không”.

 

 

SUY NIỆM

Lời mời gọi truyền giáo là đề tài xuyên suốt của Đức Giê-su trong hành trình sứ vụ của Ngài. Từng lời nói, cử chỉ và hành động của Ngài đều nhằm thực thi sứ vụ đó. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đồng cảm với Đức Giê-su trong tình yêu thương, thấu hiểu và hết lòng phục vụ con người cách vô vị lợi, không tìm lợi lộc, danh vọng cho bản thân mình bởi vì: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10, 8). Cầu nguyện là hình thức dấn thân đầu tiên của các môn đệ cho sứ vụ rao giảng Lời Chúa. “Các con hãy xin” đó không chỉ là việc của hai ngàn năm trước nhưng là sứ mệnh của mọi thời đại và từng người chúng ta hôm nay.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết ý thức nhiệm vụ cao cả của mỗi người tín hữu chúng con là loan báo Tin Mừng của Chúa bằng lời cầu nguyện, bằng đời sống chứng nhân và bằng cả lời rao giảng nữa. Amen.

 

BẢN TIN

1.      Nuôi dạy con cái theo cách thế Công giáo (tiếp theo)

2/ Tình yêu là sự mật thiết

Thần học Thân xác cũng dạy rằng chúng ta được dựng nên không chỉ vì tình yêu mà còn vì sự thân mật. Toàn bộ vấn đề của Tin Mừng là sự kết hợp yêu thương, mật thiết, vĩnh cửu với Thiên Chúa và trong sự thông công với các thánh. Hãy nghĩ về sự mật thiết như một đơn vị đo lường tình yêu. Giống như ly, lít, thùng, cho chúng ta biết lượng nước, sự thân mật cho chúng ta biết tình yêu được thể hiện là một vũng nước hay một đại dương. Thần học Thân xác nói với chúng ta rằng, gia đình phải là “Trường học yêu thương” giúp chúng ta trải nghiệm đại dương tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Nói cách khác, gia đình Công giáo được khuyến khích chọn những cách thức của sự tương quan, sắp xếp các ưu tiên, và kỷ luật con cái nhằm thúc đẩy mức độ thân mật sâu sắc nhất có thể.

Trong Thông điệp Evangelium Vitae, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết: Bằng lời nói và gương mẫu, trong những mối tương quan và chọn lựa hàng ngày, cũng như bằng các hành động và dấu hiệu cụ thể, cha mẹ dẫn con cái đến sự tự do đích thực, được hiện thực hóa trong sự hiến thân chân thành, và họ vun trồng nơi con cái sự tôn trọng người khác, ý thức về công bằng, cởi mở thân ái, đối thoại, phục vụ quảng đại, liên đới và tất cả những giá trị khác giúp con người sống cuộc đời như một ân ban.

Ở điểm này, Thánh Giáo hoàng nêu rõ sứ mạng của gia đình Công giáo. Để tiếp cận việc nuôi dạy con cái với tư duy Công giáo đích thực, chúng ta phải đưa ra tất cả các lựa chọn của mình sao cho phù hợp với lời kêu gọi tôn trọng, công bằng, cởi mở, đối thoại, phục vụ và liên đới.

Liệu Giáo hội có cho cha mẹ biết chính xác có bao nhiêu hoạt động để con cái họ tham gia, phương pháp kỷ luật nào để lựa chọn, hoặc cha mẹ và con cái cần bao nhiêu thời gian bên nhau không? Dĩ nhiên là không.

Nhưng khi nuôi dạy con cái với tâm tư của Giáo hội, chúng ta tự vấn xem: có bao nhiêu hoạt động mà con cái có thể tham gia trong khi vẫn duy trì tầm quan trọng hàng đầu của sự thân mật trong gia đình. Tương tự như vậy, chúng ta có thể xác định phương pháp kỷ luật nào mang tính "Công giáo" hơn, theo nghĩa là phương pháp kỷ luật ấy dựa trên mối tương quan nhiều hơn, và có nhiều khả năng thúc đẩy đối thoại cởi mở và tình thân ái được thảo luận trong Thông điệp Evangelium Vitae.

Tại sao "làm những gì phù hợp với bạn" là CHƯA đủ?

Thần học Thân xác không cung cấp cho cha mẹ một kế hoạch chi tiết về phương pháp từng bước để nuôi dạy con cái như "Hãy thực hiện những phương pháp này thay vì những phương pháp kia" nhưng nói rằng, "Đây là tư duy mà Thiên Chúa muốn bạn có về cuộc sống gia đình. Hãy chọn một cách phù hợp".

Là cha mẹ Công giáo, nếu chỉ nói: "Điều gì hiệu quả?" hoặc "Điều gì phù hợp nhất với bạn?" là chưa đủ. Doanh nhân Công giáo không thể làm như vậy. Những người lính Công giáo không thể làm như vậy. Và những gia đình Công giáo cũng không thể làm như vậy. Thay vào đó, từ góc độ của Thần học Thân xác, người Công giáo được thử thách đặt ra câu hỏi:

"Trong tất cả những cách thế khác nhau mà tôi có thể nuôi dạy con cái và tổ chức nếp sống gia đình của mình, lựa chọn nào giúp tôi làm tốt nhất hầu có thể trở thành chứng tá cho sự tự hiến, và kêu gọi sự mật thiết vốn nằm ở trung tâm của quan điểm Công giáo về tình yêu?”

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Lược dịch từ:  
catholiceducation.org

2.      Hoa Kỳ: LM gốc Việt được bổ nhiệm làm Giám mục

Hôm thứ Ba, ngày 06 tháng Sáu năm 2023, linh mục người Mỹ gốc Việt, cha Micae Phạm Minh Cường, đã được Đức Thánh cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá Giáo phận San Diego, bang California, hiện do Đức Hồng y Robert McElroy cai quản.

Đức cha Phạm Minh Cường năm nay 56 tuổi, sinh ngày 27 tháng Giêng năm 1967 tại Đà Nẵng. Sau khi đậu Cao học kỹ sư hàng không, thầy Cường theo học tại Đại chủng viện thánh Patrick ở Menlo Park, rồi thụ phong linh mục năm 1999, khi được 32 tuổi. Sau đó, cha Cường làm cha phó, cha sở, và đậu thêm bằng Cử nhân về truyền giáo tại Đại chủng viện Thánh Tâm ở thành phố Detroit, năm 2020. Từ năm 2017, cha Cường làm Đại diện Giám mục về các cộng đoàn sắc tộc, và từ 5 năm nay là Tổng đại diện của Giáo phận San Diego, có hơn một triệu 428.000 tín hữu Công giáo.

Cùng được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận này, hôm 06 tháng Sáu năm 2023, có Đức cha Felipe Pulido, 53 tuổi (1970), gốc Mêhicô. Đức cha Micae Phạm Minh Cường hiện là giám mục thứ tư gốc Việt tại Mỹ, sau Đức cha Đa Minh Mai Thanh Lương (1940-2017), Đức cha Tôma Nguyễn Thành Thái, 70 tuổi (1953) và Đức cha Gioan Trần Văn Nhàn, 57 tuổi (1966).

(Sala Stampa 6-6-2023)

Tác giả: G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

 

 

THÔNG BÁO

1/ Một ân nhân đã ủng hộ cho quỹ thiếu nhi năm trăm nghìn đồng. Xin Chúa chúc lành cho quý ân nhân.

2/ Sáng Thứ Bảy, ngày 24 tháng 6: trao Mình Thánh Chúa cho người già và bệnh nhân.


Thứ Bảy, 10 tháng 6, 2023

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 766

 


CHÚA NHẬT LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ - A

PHÚC ÂM: Ga 6, 51 - 58

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”. Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?” Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời”.

SUY NIỆM

Trong Giáo Hội có Bẩy Bí tích, nơi các Bí tích này đều có sự liên hệ mật thiết với nhau làm nên tính toàn thể trong mầu nhiệm cứu chuộc của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Bí tích cao trọng nhất và vĩ đại nhất vẫn là Bí tích Thánh Thể. Vì thế, Bí tích này được gọi là: “Bí tích của các Bí tích”: Thật vậy: “Tất cả các Bí tích khác đều quy hướng về Bí tích Thánh Thể như về cùng đích” (GLHTCG số 1211), và đời sống đức tin của chúng ta nơi Bí tích Thánh Thể như là cứu cánh của mình. Nơi Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu diễn tả tình yêu trọn vẹn khi trao hiến Thịt và Máu của mình làm của ăn, của uống cho nhân loại. Qua Bí tích Cực Thánh này, Chúa Giêsu hiện diện dưới hình bánh, hình rượu để trở nên lương thực nuôi dưỡng chúng ta, làm cho đời sống tinh thần của chúng ta được lớn mạnh không ngừng.

Mỗi khi chúng ta cử hành Bí tích Thánh Thể hay tôn sùng Bí tích cao trọng này cách xứng đáng, ấy là lúc chúng ta tin nhận Bí tích Thánh Thể  là “nguồn mạch và tột đỉnh” của đời sống Kitô hữu. Nói cách khác, toàn thể đời sống tâm linh của Kitô hữu cũng như mọi cử hành phụng vụ của Giáo Hội được bắt nguồn từ Bí Tích Thánh Thể.

Khi xác tín như thế, chúng ta cùng nhau hướng mục đích của cuộc đời mình về Chúa Giêsu như một sự quy chiếu đến cùng đích tối hậu của cuộc sống nơi mình. Đồng thời, mỗi khi cử hành và tôn sùng Bí tích Thánh Thể, Giáo Hội mời gọi con cái mình trở nên giống Chúa Giêsu ngày càng mật thiết hơn và sống mầu nhiệm Thánh Thể trong đời sống hằng ngày.

 

BẢN TIN

1.      Nuôi dạy con cái theo cách thế Công giáo

Liệu có một cách thế Công giáo để nuôi dạy con cái chăng? Điều này thực sự tuỳ thuộc vào ý của chúng ta trong câu hỏi. Nếu ý của chúng ta là: "Liệu có một danh sách được Giáo hội chấp thuận, ưu tiên, và yêu cầu chúng ta sử dụng để nuôi dạy con cái không?". Câu trả lời sẽ là: "Chắc chắn là không!"

Nhưng nếu chúng ta muốn nói: "Liệu Đức tin Công giáo của chúng ta có yêu cầu các bậc cha mẹ phải có tư duy về việc nuôi dạy con cái phản ánh tầm nhìn độc đáo của Giáo hội về đời sống gia đình và đưa ra những lựa chọn lưu tâm đến tầm nhìn đó không?" Câu trả lời là: "Tất nhiên là có!"

Tầm nhìn, Phương pháp, và Tư duy

Đức tin của tín hữu Công giáo là một đức tin mang tính nhập thể, có nghĩa là, chúng ta không thể tuyên xưng đức tin và khẩn cầu danh Chúa Giêsu, và thế là xong. Chúng ta phải sống khác! Một cách cụ thể, dù các doanh nhân Công giáo không "được Giáo hội yêu cầu" sử dụng một nhãn hiệu phần mềm kế toán nhất định, nhưng họ được thách đố để có tư duy về công việc, quản lý và tiền bạc, vốn phản ánh quan điểm của Giáo hội về kinh tế và tư duy này hướng dẫn hành vi và lựa chọn của họ tại nơi làm việc; dù Giáo hội không yêu cầu các binh lính mặc đồng phục nào hoặc mang vũ khí gì, nhưng Giáo hội nhấn mạnh rằng những người lính phải có tư duy được hướng dẫn bởi các nguyên tắc Chiến tranh Chính nghĩa, và tư duy này sẽ chi phối hành vi và lựa chọn của họ trên chiến trường; cũng vậy, Giáo hội không bao giờ nói với bậc cha mẹ "Hãy nuôi nấng con cái theo cách này", hoặc "Hãy chỉ làm những gì phù hợp nhất đối với bạn!" Trái lại, Giáo hội nhắc nhở: "Là người Công giáo, chúng ta có một tầm nhìn độc đáo về đời sống gia đình, vì vậy các bậc cha mẹ Công giáo hãy ghi nhớ tầm nhìn này khi đưa ra quyết định về việc nuôi dạy con cái, để tầm nhìn này trở thành hiện thực, và bạn trở thành chứng nhân mà Giáo hội kêu gọi bạn trở thành". Vậy, tầm nhìn đó là gì?

Tầm nhìn: Đức Tổng Giám mục Chaput từng nhận xét rằng Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết khoảng 2/3 trong số tất cả những tài liệu của Giáo hội về hôn nhân và đời sống gia đình. Thần học Thân xác (Theology of the Body) của ngài có thể được xem là tuyên bố sứ mạng cho đời sống gia đình Công giáo. Nếu các bậc cha mẹ Công giáo đang tìm kiếm để hiểu xem điều gì làm cho tầm nhìn Công giáo khác với những quan điểm thế tục về đời sống gia đình, thì Thần học Thân xác là một quy chiếu tuyệt vời.

Mặc dù, Thần học Thân xác không nêu rõ là bậc cha mẹ nên sử dụng phương pháp nào, nhưng đưa ra một số nguyên tắc nhất định về đời sống và tình yêu gia đình mà người Công giáo được khuyến khích cân nhắc nghiêm túc khi lựa chọn phương pháp nuôi dạy con cái. Thực ra, những nguyên tắc này là một hình thức giáo lý, khi dạy chúng ta tương tác với con cái, dạy chúng cách suy nghĩ về mối tương quan, cuộc sống, đức tin, các ưu tiên và đạo đức.

Thần học Thân xác và việc nuôi dạy con cái: Thần học Thân xác là một tác phẩm lớn và phong phú. Ở đây, chúng ta chỉ tập trung vào 2 Nguyên tắc thực hành có thể giúp bậc cha mẹ đưa ra những lựa chọn về việc nuôi dạy con cái theo tầm nhìn Công giáo về mối tương quan.

1. Tình yêu là sự hiện thân

Thần học Thân xác dạy rằng Thiên Chúa ban cho chúng ta thân xác để chúng ta có thể bày tỏ tình yêu thương với nhau. Có cảm giác ấm áp với ai đó thì chưa đủ. Để thực sự có ý nghĩa, tình yêu phải được thể hiện bằng cơ thể của chúng ta và được cơ thể khác trải nghiệm thông qua lời nói và hành động của sự phục vụ, hiện diện và cảm xúc. Biểu hiện của tình yêu càng cụ thể, càng sử dụng nhiều giác quan, thì biểu hiện của tình yêu càng thân mật.

Tầm nhìn của Công giáo về đời sống gia đình là một trong những hiện thân của sự tự hiến. Thiên Chúa ban cho người cha và người mẹ thân xác để họ có thể ôm ấp, ẵm bồng, vỗ về con cái để chúng cảm nhận được tình yêu bao la của Thiên Chúa một cách thực tế và hữu hình. Như Thần học Thân xác nói, "Thân xác, và chỉ thân xác mới có khả năng làm cho sự vô hình, tâm linh, và thần linh trở nên hữu hình". Con cái của chúng ta lần đầu tiên gặp được thực tại của tình yêu Thiên Chúa qua sự đụng chạm yêu thương của chúng ta. Chúng ta càng gần gũi với con cái bao nhiêu thì chúng càng phát triển khả năng cảm nhận tình yêu và được yêu thương bấy nhiêu. Thật thú vị khi điểm thần học này được sự hỗ trợ của khoa học thần kinh. Cảm xúc thể lý kích thích sự phát triển và myelin hóa thần kinh (sự phát triển của lớp phủ xung quanh các tế bào thần kinh khiến chúng hoạt động nhanh hơn và hiệu quả hơn) nhất là ở những vùng não chịu trách nhiệm về sự đồng cảm, nhận biết các tín hiệu trên khuôn mặt và xã hội, lý luận đạo đức, lòng trắc ẩn và các đặc điểm xã hội khác. Thần học Thân xác dạy rằng sinh học là thần học bởi vì dấu ấn của Thiên Chúa ở trong mọi thụ tạo. Nếu muốn biết Thiên Chúa muốn chúng ta liên kết với nhau như thế nào, hãy nhìn vào những cách liên kết giúp cho cơ thể chúng ta hoạt động tốt nhất.

Khi lưu tâm đến giáo huấn về hiện thân của sự tự hiến như là dấu chỉ tối hậu của tình yêu, các bậc cha mẹ Công giáo sẽ biết nên chọn những phương pháp nào mà họ thành tâm tin tưởng là những cách thức thể hiện tình yêu thương cách thiết thực nhất mà họ có thể cho đi một cách quảng đại.

(còn tiếp)

VUI VỚI NGƯỜI VUI

Thứ Ba, ngày 6 tháng 6 vừa qua, Giáo xứ vui mừng có 21 anh chị gia nhập đạo Kitô giáo, qua việc đón nhận các Bí tích Khai Tâm, và có 7 anh chị lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, sau khi các anh chị hoàn thành khóa học Giáo Lý Hôn Nhân và Dự Tòng. Giáo xứ xin chia vui đến các anh chị và gia đình.

THÔNG BÁO

Danh sách các ân nhân ủng hộ trại hè thiếu nhi trong tuần qua:

Anh Thân, giáo họ Anrê Kim Thông, một triệu đồng; Chị Dương, giáo họ Anrê Kim Thông, năm trăm nghìn đồng; Càphê Hiếu Ken, một triệu đồng; Anh Thiện, giáo họ Anrê Kim Thông, hai trăm nghìn đồng; Một người giáo họ Anrê Kim Thông, một triệu đồng; Chị Vy, giáo họ Simon Hòa, bốn trăm nghìn đồng; Ban điều hành giáo họ Simon Hòa, một triệu đồng; Bé Hoàng Yến Vy, giáo họ Simon Hòa, năm trăm nghìn đồng; Bé Hoàng Tuấn Dũng, giáo họ Simon Hòa, năm trăm nghìn đồng; một người ở giáo họ Giuse Thị, một triệu đồng; tiệm bánh Pon, năm trăm nghìn đồng; tiệm bánh Mỹ Wũ, hai triệu đồng; Bà Tám, giáo họ Anrê Trông, một triệu đồng; Chị Nhung cựu huynh trưởng, năm trăm nghìn đồng; Cô Lý cựu huynh trưởng, một triệu đồng; Chị Thơm huynh trưởng, giáo xứ long hương, năm trăm nghìn đồng; vợ chồng anh chị cựu huynh trưởng, bốn trăm nghìn đồng; ông Báu phó nội vụ, năm trăm nghìn đồng; một người giáo họ Matthêu Phượng, một triệu đồng; một người giáo họ Matthêu Phượng, năm trăm nghìn đồng, một người dấu tên, ba trăm nghìn đồng; một người giáo họ Matthêu Phượng, năm trăm nghìn đồng; Chị Mai Phương, giáo họ Matthêu Phượng, hai trăm nghìn đồng; Mẹ của hai bé Thi – My, giáo xứ Lương Sơn, một triệu năm trăm nghìn đồng; Một chị trong Lêgiô, năm trăm nghìn đồng, Một chị trong Lêgiô, hai trăm nghìn đồng; Chị Hiền Bán gạo ủng hộ 30kg gạo trị giá sáu trăm nghìn đồng.

Xin Chúa chúc lành và trả công bội hậu cho quý vị.


Thứ Ba, 6 tháng 6, 2023

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 765

 


CHÚA NHẬT CHÚA BA NGÔI

PHÚC ÂM: Ga 3, 16 -18

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy, thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa”.

SUY NIỆM

Chính Chúa Giêsu Kitô đã nhiều lần dạy chúng ta biết có Một Chúa Ba Ngôi như khi Ngài nói: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết”. Và về Chúa Thánh Thần: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy”.

Vì thế, tin vào Chúa Kitô cũng có nghĩa là tin vào Chúa Ba Ngôi. Ai đến với Chúa Kitô thì cũng đến với Chúa Cha, nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Thật vậy, kẻ nào tin vào Đức Giêsu Kitô thì gắn bó cuộc đời mình với Người, là chia sẻ số phận tử nạn và phục sinh của Người, là bước vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Là Kitô hữu, chúng ta chỉ có một con đường để chọn lựa: tin hoặc không tin. Tin chính là đáp trả lại lời mời gọi của Thiên Chúa trong yêu thương. Trong khi mỗi người chúng ta không có khả năng tin Thiên Chúa, nếu Chúa Cha không lôi kéo chúng ta đến với Đức Giêsu Kitô, qua ơn trợ lực của Chúa Thánh Thần. Cần luôn cầu xin Chúa Thánh Thần ban ơn giúp sức cho chúng ta, trong mỗi quyết định được lập đi lập lại hằng ngày trong cuộc đời, vì sự yếu đuối của chúng ta.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta được ngoan ngùy theo ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, để chọn cho mình con đường sống, là tin vào Đức Giêsu Kitô, sống gắn bó với Người, để được kết hợp bây giờ và mãi mãi với Chúa Ba Ngôi là Tình Yêu, là Nguồn Sống, là Bình an đích thực cho cuộc đời chúng ta. Amen.

 

BẢN TIN

1.     Đức Thánh cha tiếp các doanh nhân Mỹ Latinh

Sáng ngày 01 tháng Sáu vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến các tham dự viên Khóa họp thường niên của Hội đồng các doanh nhân Mỹ châu Latinh, và nhân dịp này, ngài kêu gọi họ hãy liên kết với nhau thành một liên mạng để chống lại những “bóng đen của sự ác”, do sự miệt mài theo đuổi những lợi lộc và hạ giá, nô lệ hóa con người.

Khóa họp của các doanh nhân Mỹ Latinh diễn ra tại Roma, và đề cập tới những vấn đề xã hội: từ lao công đến di cư, từ sự thay đổi khí hậu tới sự phát triển nhân bản toàn diện.

Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh cha khích lệ các doanh nhân ấy hãy sống trọn vẹn nền văn hóa gặp gỡ và trở thành những người liên kết với nhau thành những mạng lưới để tiếp tục tiến bước, trong thời kỳ có nhiều khủng hoảng hiện nay, nỗ lực huấn luyện các công nhân và dấn thân để tránh những xung đột và tránh đi tới tình trạng đau thương là sa thải các công nhân viên, với ý thức rằng đằng sau mỗi người ấy, có một gia đình và toàn thể xã hội.

Đức Thánh cha đặc biệt cổ võ việc vun trồng nền văn hóa gặp gỡ và nói rằng: “Những giá trị của nền văn hóa này là những giá trị hướng dẫn thế giới doanh nghiệp, để có thể tự vệ chống lại những bóng đen của sự ác, đang xâm chiếm chúng ta, khi mà việc tìm kiếm lợi lộc với bất kỳ giá nào làm băng hoại những tương quan của chúng ta, đến độ hạ giá và nô lệ hóa chính con người. Trái lại, nền văn hóa gặp gỡ biểu lộ sự tìm kiếm công ích, góp phần đánh tan các bóng đen ấy”.

(Vatican News 1-06-2023)

Tác giả: G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

 

2.     Sáng kiến cầu nguyện cho Thượng HĐGM Thế giới

Thứ Tư, ngày 31 tháng Năm, lễ Đức Mẹ thăm viếng bà Elizabeth, các Đền thánh Đức Mẹ tại nhiều nơi trên thế giới đã tổ chức cầu nguyện cho Thượng Hội đồng Giám mục thế giới vào tháng Mười năm nay và năm tới, về đề tài: “Tiến tới một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ mạng”, đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh cha trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, trưa Chúa nhật 28 tháng Năm mới đây.

Đức Thánh cha nói: “Chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ Maria đồng hành với giai đoạn quan trọng này của Thượng Hội đồng, với sự phù hộ hiền mẫu của Mẹ”.

Các đền thánh, như Fatima bên Bồ Đào Nha, Czestochowa bên Ba Lan, Đền thánh Đức Mẹ Knock ở Ailen, Vương cung thánh đường Đức Mẹ các Thiên thần ở Costa Rica, Đền thánh Đức Mẹ Fourvière ở Lyon bên Pháp, và nhiều trung tâm Thánh Mẫu khác đã xác nhận sự tham gia sáng kiến cầu nguyện này.

Tại Philippines, 26 Đền thánh và tiểu Vương cung Thánh đường đã tổ chức cầu nguyện đồng thời cho Thượng Hội đồng Giám mục.

Giáo quyền tại Nicaragua thông báo tất cả các xứ đạo đều tham dự một ngày trọn cầu cầu nguyện cho Thượng Hội đồng Giám mục. Các giáo phận tại Ấn Độ, Malaysia và Bosnia Erzegovina cũng tham gia.

Trong bài giảng thánh lễ kính Chúa Thánh thần hiện xuống, tại Đền thờ thánh Phêrô, hôm Chúa nhật 28 tháng Năm vừa qua, Đức Thánh cha cũng nói về Thượng Hội đồng Giám mục và khẳng định rằng: “Chúng ta hãy đặt để Thánh Linh lên hàng đầu và nơi trung tâm công việc của Thượng Hội đồng Giám mục. Chúng ta đồng hành với nhau, vì Chúa Thánh Linh, như trong Lễ Hiện Xuống, đã muốn ngự xuống trên mỗi người họp nhau. Dân Chúa, để được tràn đầy Thánh Linh, cần phải đồng hành với nhau”.

(CNA 29-5-2023)

Tác giả: G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

 

THÔNG BÁO

1.      Giáo xứ xin tri ân gia đình một ân nhân, thuộc Giáo họ Matthêu Phượng, đã ủng hộ cho giáo xứ một triệu đồng.

Danh sách các ân nhân ủng hộ trại hè thiếu nhi: ông cố Đức, giáo họ Giuse Thị, hai trăm nghìn đồng; Hội Gia Trưởng, một triệu đồng; hội bà mẹ giáo xứ, ba triệu đồng; ban giáo lý giáo xứ, một triệu đồng; Hội Lêgiô, một triệu đồng; ông Dũng Phó ngoại, năm trăm nghìn đồng; chị Thảo thủ quỹ giáo xứ, năm trăm nghìn đồng;  Anh Phi, giáo họ Simon Hòa, năm trăn nghìn đồng; Nội Đổi, giáo họ Simon Hòa, hai trăm nghìn đồng; Chị Bảy, giáo họ Simon Hòa, một triệu đồng; Chị Sinh cựu huynh trưởng, giáo họ Simon Hòa, ba trăm nghìn đồng; Dì Huệ, giáo họ Anrê Trông, năm trăm nghìn đồng; Quý Soeur nhà sách, một triệu đồng; Anh Hùng cửa hàng xây dựng thanh thùy, hai triệu đồng; Chị My huynh trưởng, năm trăm nghìn đồng; một người giáo họ Anrê Kim Thông, năm trăm nghìn đồng; một người giáo họ Giuse Lựu, năm trăm nghìn đồng, một người giáo họ Anrê Kim Thông, năm trăm nghìn đồng; Cha Quang, một triệu đồng.

Xin Chúa chúc lành cho Cha và quý vị.