Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2024

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 818

 


CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN

LỜI CHÚA: Mc 5, 21-43

Khi ấy, Chúa Giêsu đã xuống thuyền trở về bờ bên kia, có đám đông dân chúng tụ họp quanh Người, và lúc đó Người đang ở bờ biển. Bỗng có một ông trưởng hội đường tên là Giairô đến. Trông thấy Người, ông sụp lạy và van xin rằng: “Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống”. Chúa Giêsu ra đi với ông ấy, và đám đông dân chúng cũng đi theo chen lấn Người tứ phía. {Vậy có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà không thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn. Khi bà nghe nói về Chúa Giêsu, bà đi lẫn trong đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo Người, vì bà tự nhủ: “Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành”. Lập tức, huyết cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nhận biết có sức mạnh đã xuất phát tự mình, Người liền quay lại đám đông mà hỏi: “Ai đã chạm đến áo Ta?” Các môn đệ thưa Người rằng: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi ‘Ai chạm đến Ta?’!” Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm xem kẻ đã làm điều đó. Bấy giờ người đàn bà run sợ, vì biết rõ sự thể đã xảy ra nơi mình, liền đến sụp lạy Người và thú nhận với Người tất cả sự thật. Người bảo bà: “Hỡi con, đức tin của con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh”.} Người còn đang nói, thì người nhà đến nói với ông trưởng hội đường rằng: “Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa?” Nhưng Chúa Giêsu đã thoáng nghe lời họ vừa nói, nên Người bảo ông trưởng hội đường rằng: “Ông đừng sợ, hãy cứ tin”. Và Người không cho ai đi theo, trừ Phêrô, Giacôbê và Gioan, em Giacôbê. Các Ngài đến nhà ông trưởng hội đường và Chúa Giêsu thấy người ta khóc lóc kêu la ồn ào, Người bước vào và bảo họ: “Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó”. Họ liền chế diễu Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những môn đệ đã theo Người vào chỗ đứa bé nằm. Và Người cầm tay đứa nhỏ nói rằng: “Talitha, Koumi”, nghĩa là: “Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!” Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay, vì em đã được mười hai tuổi. Họ sửng sốt kinh ngạc. Nhưng Người cấm ngặt họ đừng cho ai biết việc ấy và bảo họ cho em bé ăn.

SUY NIỆM

Đau khổ, bệnh tật là một trong những nỗi trăn trở lớn trong cuộc đời con người. những căn bệnh thể lý đã làm hao mòn tinh thần cuộc sống, bên cạnh đó là những căn bệnh về tinh thần, về tâm lý cũng đang bào mòn ý chí và nghị lực sống của con người. Đời sống thể lý đang bị đe dọa nhiều từ bệnh tật và khổ đau, còn đời sống tâm linh có bị ảnh hưởng gì từ bệnh tật, từ đau khổ và đói nghèo của con người không? Lời Chúa hôm nay sẽ cho chúng ta câu trả lời về những vấn nạn đó.

Thánh Mac-cô đã đưa hai câu chuyện, đó là chuyện Ngài cứu sống cho con gái ông trưởng hội đường và câu chuyện người phụ nữ bị loạn huyết đã 12 năm được chữa lành nhờ niềm tin. Hai con người bất hạnh này bị bệnh tật thể xác hành hạ đã lâu, đau khổ, bất hạnh làm cho cuộc đời họ ngày một tối tăm, nhưng căn bệnh thể xác chưa đau đớn bằng những căn bệnh tinh thần. Người cha của đứa bé gái chắc sẽ đau đớn hơn nhiều vì con cái đau gần chết, sẽ mất một đứa con trong tuyệt vọng, gia đình sẽ không còn vuông tròn nữa.  Đức Giêsu đã có mặt đúng lúc để chữa căn bệnh thể lý cho cả hai, đồng thời, Ngài cũng chữa lành những căn bệnh tinh thần cho người trưởng hội đường và người phụ nữ bất hạnh kia. Có thể nói rằng Đức Giêsu đã chữa lành không những các căn bệnh thể xác, nhưng Ngài còn chữa lành tất cả mọi căn bệnh tinh thần. Đức Giêsu trong vai trò là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, đã đem đến cho con người niềm vui được chữa lành mọi căn bệnh, đem đến cho con người sự sống sau khi được chữa lành, và đặc biệt hơn là người đã đem đến cho họ hơi ấm tình người, tình cộng đoàn. Từ nay, gia đình ông trưởng hội đường không còn buồn chán vì mất con và thay vào đó là niềm vui đoàn tụ, niềm vui yêu thương. Người phụ nữ bất hạnh từ nay không còn mặc cảm bị loại trừ khỏi cộng đoàn, nhưng sẽ được trở về mái ấm gia đình thiêng liêng, trở lại với anh chị em cùng một cộng đoàn tinh thần. Đó là niềm vui khi nhân loại đón tiếp Thiên Chúa và mời đón Ngài ở lại với mỗi gia đình, mỗi thành viên trong đại gia đình nhân loại.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa chữa lành những căn bệnh đang hành hạ cuộc đời mỗi người, cũng như những căn bệnh tinh thần đang làm lung lạc niềm tin chân thành của chúng con. Nếu không có Chúa, cuộc đời chúng con sẽ đi vào ngõ cụt và không còn sức sống và niềm vui cuộc đời. Xin Chúa chữa lành và ban bình an cho chúng con.

TIN TỨC

1. Hôm nay 29/6/2024. Qúy Cha Phó, quý Thầy, Quý Sơ, Hội đồng mục vụ giáo xứ, cũng như các ban ngành đoàn thể của giáo xứ, đã chúc mừng Bổn mạng Cha Chánh xứ Phêrô. Sau Thánh Lễ, quý Cha phó, quý Thầy, quý Sơ, cũng như các hội đoàn đã cùng chung niềm vui với Cha Phêrô qua một bữa ăn sáng nhẹ. Một lần nữa giáo xứ xin Chúc Mừng Bổn Mạng Cha. Chúc Cha luôn mạnh khỏe, an vui và tràn đầy Ân sủng của Chúa.

2. Cuộc lạc quyên “ĐỒNG TIỀN THÁNH PHÊRÔ” - cơ hội hỗ trợ sứ mạng của ĐTC Phanxicô

Các Kitô hữu trên toàn thế giới được mời gọi trợ giúp cho sứ mạng của Đức Thánh Cha khi tham gia đóng góp cho cuộc lạc quyên “Đồng tiền Thánh Phêrô” vào ngày đặc biệt - Ngày Thế giới hỗ trợ việc bác ái của Đức Giáo hoàng, vào Chúa Nhật ngày 30/6/2024...

Ngày Thế giới hỗ trợ việc bác ái của Đức Giáo hoàng là cơ hội để các tín hữu giúp Đức Thánh Cha bày tỏ sự gần gũi với những người đau khổ. Mỗi đóng góp, ngay cả những đóng góp nhỏ nhất, vào ngày đặc biệt này hay những ngày khác trong năm, đều là một sự hỗ trợ ý nghĩa cho sứ vụ của Đức Thánh Cha - sứ vụ hòa bình, bác ái, gần gũi với những người gặp khó khăn. Sứ mạng của Đức Thánh Cha hiện nay cần thiết hơn bao giờ hết trong một thế giới bị tàn phá bởi chiến tranh, dịch bệnh, chạy đua tái vũ trang, những bất công, đau khổ của nhiều người nghèo, các cuộc tấn công vào sự thánh thiêng của sự sống con người và phẩm giá con người. Các hoạt động phục vụ của các cơ quan của Tòa Thánh hỗ trợ Đức Thánh Cha hàng ngày mang tiếng nói và sự gần gũi cụ thể của ngài đến với nhiều hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ các hoạt động bác ái giúp các cá nhân và gia đình có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, chiến tranh. Sứ điệp của Người Kế vị Thánh Phêrô là một sứ điệp phổ quát, bắt nguồn từ Tin Mừng. Để đến được với mọi người, sứ điệp này cần sự hỗ trợ của mỗi người chúng ta. Đóng góp của chúng ta có thể giúp Đức Thánh Cha trợ giúp người khác, cộng tác với sứ mạng của ngài, làm cho sự gần gũi của ngài có thể đến với tất cả các vùng ngoại vi về mặt địa lý và hiện sinh, hợp tác để đưa thông điệp và tiếng nói ngôn sứ của ngài đến khắp thế giới, hỗ trợ hoạt động không mệt mỏi của ngài vì hòa bình và tình huynh đệ. “Đồng tiền Thánh Phêrô” là một đóng góp tuy nhỏ nhưng có giá trị biểu tượng rất lớn. Đó là một cách cụ thể để củng cố ý thức thuộc về Giáo hội và tình yêu của chúng ta đối với Đức Thánh Cha, người đứng đầu tất cả các Giáo hội trong tình bác ái. Quyên góp cho “Đồng tiền Thánh Phêrô” không chỉ giúp Đức Thánh Cha giúp đỡ những người đau khổ, mà còn tham gia vào sứ mạng loan báo Tin Mừng và hỗ trợ các Giáo hội địa phương thông qua các cơ quan của Tòa Thánh và mạng lưới các tổ chức đại diện của ngài trên thế giới, thúc đẩy sự phát triển con người toàn diện, giáo dục, hòa bình, công lý và tình huynh đệ.

THÔNG BÁO

Ø Ủng Hộ Giáo Xứ

        1. Ghe Mỹ Quang                       5.000.000 đ

        2. Chị Hồng Hạnh ở Đức           500 EURO

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2024

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 817

 


CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN

LỜI CHÚA: Mc 4, 35-40

Ngày ấy, khi chiều đến, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ”. Các ông giải tán đám đông; vì Người đang ở dưới thuyền, nên các ông chở Người đi. Cũng có nhiều thuyền khác theo Người. Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và nói: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?” Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: “Hãy im đi, hãy lặng đi”. Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ. Rồi Người nói với các ông: “Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?” Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?”

SUY NIỆM

Đời người ai mà chẳng có lúc sóng gió. Có lúc sóng gió tấn công vào chiếc thuyền nhỏ trong thân phận mỏng manh của đời ta. Ðau khổ bệnh tật, thất bại, cô đơn, nghèo đói, hiểu lầm, ghen ghét, tai nạn, rủi ro đó là những bão táp cuộc đời. Ðứng trước những cơn phong ba ấy, chúng ta sẽ như thế nào, liệu chúng ta có còn niềm tin vào Thiên Chúa nữa không?

Con thuyền của các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay chính là hình ảnh cuộc đời chúng ta. Thực vậy, cuộc đời chúng ta với bao nhiêu phong ba bão táp, đó là những thất bại của bản thân, những khó khăn của cuộc sống, của xã hội, những khổ đau của những người xunh quanh, làm cho chúng ta nhiều lúc chán nản tuyệt vọng. Tại sao lại có những sóng gió trong cuộc đời? Phải chăng Thiên Chúa đã bỏ rơi chúng ta? Nhưng có lẽ nguyên nhân trực tiếp nhất vẫn là do cách đối xử của con người đối với con người trong cuộc sống. Thực vậy, chính thái độ vô trách nhiệm của những người làm cha làm mẹ đã dẫn đến tình trạng tuổi trẻ lang thang, bụi đời. Chính sự ích kỷ tàn nhẫn của một số người đã tước đoạt đi những phương tiện sống và phẩm giá của những người khác. Nghịch cảnh và sóng gió như vẫn tồn tại song song với số phận và lịch sử con người. Các môn đệ cũng như chúng ta phải đương đầu, phải đối phó với cuồng phong. Thế nhưng chúng ta sẽ tìm thấy niềm an ủi nơi Thiên Chúa bởi vì dưới bàn tay quyền năng và yêu thương của Ngài, sóng gió cũng phải khuất phục và sự bình an sẽ trở lại với chúng ta.

Lạy Chúa, Xin cho mọi giông tố trong đời sống không làm chúng con nhát đảm, mất niềm tin, nhưng luôn tín thác vào lời Chúa: “Các con đừng sợ! Thầy đã thắng thế gian.” 

TIN TỨC

1. Tổng giáo phận Washington có số tân linh mục cao nhất từ sáu mươi bốn năm nay

Năm nay, Tổng giáo phận thủ đô Washington, Hoa Kỳ, có số tân linh mục cao nhất từ sáu mươi bốn năm nay, tức là từ năm 1960, với mười sáu linh mục mới được thụ phong, hôm thứ Bảy, ngày 15 tháng Sáu vừa qua, tại Vương cung Thánh đường Quốc gia Đức Mẹ Vô nhiễm. Trong số các tiến chức, cũng có một người gốc Việt, là cha Nguyễn Thông. Đức ông Robert Panke, cha sở giáo xứ thánh John Newman ở Gaithersburg, bang Maryland, cựu Giám đốc Đại chủng viện thánh Gioan Phaolô II ở Washington, nói rằng “Bích chương quảng cáo lớn nhất cho ơn gọi là một linh mục hạnh phúc, vì bạn tự hỏi các linh mục có điều gì khiến họ hạnh phúc như vậy. Một linh mục vui tươi dễ làm lây sang người khác”. Còn cha Anthony Lickeig, Đại diện Giám mục Washington về giáo sĩ, nói với tờ National Catholic Register rằng: “Con số đông đảo các tân linh mục như vậy là một phúc lành tuyệt vời của Chúa. Chúa là Đấng kêu gọi và đặt ơn này nơi tâm hồn của các tiến chức linh mục này”.

2. Đức Hồng Y Sarah cảnh báo về mối nguy hiểm của “chủ nghĩa vô thần thực tiễn” ngay cả trong Giáo hội

Hơn 30 năm trước, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã giúp gây ra sự sụp đổ của Liên Xô, vốn đã tìm cách áp đặt chủ nghĩa vô thần Cộng sản lên quê hương Ba Lan và phần còn lại của thế giới. “Ở một mức độ nào đó, chúng ta đã thắng trong cuộc chiến đó,” Đức Hồng Y Robert Sarah đưa ra lập trường trên trong bài phát biểu tối Thứ Bẩy, 15 Tháng Sáu, tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là CUA, ở Washington, DC. Tuy nhiên, ở một cấp độ khác, cuộc chiến đó “tiếp tục ở cấp độ toàn cầu và quốc gia”. Nhưng thay vì một chủ nghĩa vô thần ý thức hệ cứng rắn, đối phương ngày nay là một “chủ nghĩa vô thần thực tiễn”. Mặc dù có thể không đi quá xa đến mức phủ nhận sự tồn tại của Chúa, nhưng người ta cho rằng Ngài không liên quan đến cuộc sống hiện đại. Ngài nói, trong nhiều thập niên kể từ khi Bức màn sắt sụp đổ, “căn bệnh nguy hiểm” này đã hoành hành khắp Âu Châu, nơi mà đức tin Công Giáo trong nhiều thế kỷ đã định hình và xác định không chỉ lục địa này mà cả nền văn minh phương Tây, đã chết hoặc đang hấp hối. Điều đáng lo ngại hơn đối với Đức Hồng Y Sarah là nó đã có được chỗ đứng trong Giáo hội. Là một tác giả nổi tiếng với việc bảo vệ mạnh mẽ tính chính thống của Công Giáo, Đức Hồng Y Sarah, người bước sang tuổi 79 vào ngày 15 tháng 6, đã phát biểu và đưa ra một đánh giá thẳng thắn về những gì ngài coi là sự suy giảm và gạt ra ngoài lề dần dần nhưng đều đặn đối với đức tin tôn giáo ở phương Tây. “Đó không phải là sự chối bỏ Thiên Chúa một cách trắng trợn, nhưng nó đẩy Thiên Chúa sang một bên”, bằng một tư duy vô thần thực tiễn. Tuy nhiên, ngài nói thêm: “Cuộc khủng hoảng sâu sắc không phải nơi thế giới trần tục và những tệ nạn của nó, mà là sự thiếu đức tin trong Giáo hội”.

3. Đức Hồng Y Koch thảo luận về việc ‘cải cách’ tín điều của Vatican I về tính bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng

Trong một cuộc phỏng vấn về tài liệu nghiên cứu mới của Vatican về tính tối thượng của Đức Giáo Hoàng và tính đồng nghị, Đức Hồng Y Kurt Koch đã nói về việc “tiếp nhận lại”, hoặc thậm chí là “cải cách” các giáo huấn của Công đồng Vatican I (1869- 70) về tính ưu việt và tính bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng. Vị đứng đầu Bộ Cổ vũ sự Hiệp nhất Kitô giáo, nơi đã xuất bản tài liệu này, nói rằng “vì các định nghĩa tín lý của nó bị ảnh hưởng sâu sắc bởi các hoàn cảnh lịch sử”, một số đối tác đại kết “đề nghị rằng Giáo Hội Công Giáo nên tìm kiếm những cách diễn đạt và từ vựng mới trung thành với ý định ban đầu” tích hợp chúng vào nền giáo hội học hiệp thông và điều chỉnh chúng cho phù hợp với bối cảnh văn hóa và đại kết hiện nay. Do đó, người ta đang nói đến việc ‘tiếp nhận lại’ hoặc thậm chí ‘cải cách’ những giáo huấn của Vatican I. Đức Hồng Y Koch nói: “Trong thế giới toàn cầu hóa của chúng ta, chắc chắn có một ý thức ngày càng tăng về nhu cầu có một mục vụ hiệp nhất ở cấp độ hoàn vũ”. “Vấn đề đặt ra là phải thống nhất về cách thức thực thi thừa tác vụ này, được Đức Gioan Phaolô II định nghĩa là ‘sự phục vụ tình yêu’”.

THÔNG BÁO

1. Thứ Hai, ngày 24/06/2024, Giáo hội mừng kính Thánh Gioan Baotixita, là bổn mạng của Cha Phụ tá Gioan Baotixita Nguyễn Đức Long. Và trong Giáo xứ chúng ta cũng có một số anh em trong Hội đồng nhận Thánh Gioan Baotixita làm bổn mạng. Xin cộng đoàn tham dự Thánh lễ để cầu nguyện cho Cha phụ tá, và những người có bổn mạng.

2. Thứ Ba, ngày 27/06/2024 là lễ giỗ của Cha cố Báu, nguyên chánh xứ giáo xứ Chánh Tòa. Xin Cộng đoàn cùng tham dự Thánh lễ để cầu nguyện cho Cha cố Báu

3. Thứ Bảy, ngày 29/06/2024, Giáo hội mừng kính Thánh Phêrô và Phaolô, là bổn mạng của Cha chánh xứ Phêrô thân yêu của chúng ta. Và Giáo xứ cũng có một số anh em trong Hội đồng nhận Thánh Phêrô và Phaolô làm bổn mạng. Xin cộng đoàn tham dự Thánh lễ để cầu nguyện cho Cha chánh xứ, và những người có bổn mạng Thánh Phêrô và Phaolô.

4. Cũng vào Sáng thứ Bảy, lúc 8g00 ngày 29/06/2024: Quý cha sẽ làm phép ghe cho các ghe trong Giáo xứ. Vì thế, các chủ ghe có nhu cầu để làm phép ghe, xin sắp xếp theo sự hướng dẫn của người chịu trách nhiệm, để quý Cha dễ dàng làm phép cho các ghe.

5. Trong tuần này các ban Điều Hành Giáo Họ sẽ chuyễn đến các gia đình trong Giáo xứ, bì thư ĐỒNG TIỀN THÁNH PHÊRÔ là quỹ của Giáo hội. Xin mọi người rộng tay đóng góp cho nhu cầu cần thiết và công việc và của Giáo hội.

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2024

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 816


CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN

LỜI CHÚA: Mc 4, 26-34

Khi ấy, Ðức Giêsu nói với dân chúng dụ ngôn này: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Ðêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Ðất tự động sinh hoa kết quả: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng là thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm ra gặt, vì đã đến mùa.” Rồi Người lại nói: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại nhỏ nhất trong các hạt giống trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng.” Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà giảng lời cho họ, tùy theo mức họ có thể nghe. Người không bao giờ nói với họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.

SUY NIỆM

Dựa trên ý nghĩa hai dụ ngôn, chúng ta lần dở lại lịch sử cứu độ, nhất là lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, hẳn ai cũng thấy: có những lúc Giáo Hội luôn gặp những thử thách từ nhiều phía. Thế nhưng, sự kiên trì và dũng cảm của các bậc tiền nhân đã làm cho hạt giống đức tin được lớn mạnh không ngừng và trổ sinh hoa trái thật xum xuê như hiện nay. Sự lớn mạnh như vậy, không hệ tại nơi con người như trong bài Tin Mừng Đức Giêsu đã nói: hạt giống cứ âm thầm mọc lên. Chỉ cần có cơ hội là mở tung, phá vỡ vỏ hạt để đâm trồi nảy lộc.

Mỗi người Kitô Hữu cũng là những hạt giống mà Chúa đã gieo vào lòng đất Việt qua việc lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Hạt giống của mỗi người chúng ta đã biết bao lần gặp phải sóng gió, phong ba, bão táp ập đến. Nhưng  nhờ ơn Chúa, hạt giống đức tin ấy vẫn lớn lên ngay trong những thử thách và đã trổ sinh nhiều hoa trái thiêng liêng. Tuy nhiên, vẫn còn đó biết bao hạt giống chưa chịu bức phá ra khỏi cái vỏ hạt xù xì xấu xa của mình để vươn lên đón ánh mặt trời và lớn lên như những hạt giống khác. Sự khác biệt giữa mọc lên và nằm yên chính là việc có chấp nhận vượt ra khỏi vỏ bọc ích kỷ, tự phụ, kiêu căng để sẵn sàng bung ra với sự kiên trì, can đảm, nhằm đạt được những hoa trái thánh thiện và tốt lành của những đức tính như bác ái, nhân hậu hay không? Có sẵn sàng vượt ra khỏi định kiến cá nhân, bảo thủ, để nghĩ đến người khác như: vợ chồng, con cái biết nghĩ, biết sống cho nhau và vì nhau? Mái nhà của gia đình có thực sự là nơi an toàn để mọi thành viên hưởng nếm sự ngọt ngào của yêu thương, sự quan tâm và lòng liên đới? Bao lâu trong mái nhà ấy, mỗi thành viên chưa nghiệm thấy và đụng chạm được sự bình an, hạnh phúc và niềm vui, thì bấy lâu gia đình ấy là hỏa ngục, nơi chôn giấu những hạt giống ích kỷ, vụ lợi, thực dụng, kiêu ngạo.

Lạy Chúa Giêsu, hạt giống nơi tâm hồn mà Chúa đã gieo vào lòng mỗi người ngày chúng con lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, Chúa mong ước cho hạt giống ấy mọc lên để thành những cây cao lớn làm nơi nương ẩn cho những ai cần đến. Xin Chúa ban ơn giúp sức, để chúng con kiên trì, can đảm vươn ra khỏi những vỏ bọc an toàn tạm thời để làm cho danh Chúa được cả sáng, Nước Chúa được trị đến trên khắp hoàn cầu.

 

TIN TỨC

CHỦ TỊCH NƯỚC TÔ LÂM GẶP MẶT LÃNH ĐẠO CÁC TỔ CHỨC TÔN GIÁO

WHĐ (13.06.2024) – Chiều 13/6/2024, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt thân mật Đoàn đại biểu chức sắc, chức việc, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo nhằm biểu dương, tôn vinh, khích lệ lãnh đạo chức sắc, phát huy truyền thống “phụng đạo, yêu nước”, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cuộc gặp mặt có sự tham gia của các lãnh đạo, chức sắc 45 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo đã được Đảng, Nhà nước công nhận.

Đại diện Giáo hội Công giáo Việt Nam tham dự cuộc gặp mặt có:

1. Đức TGM Giuse Nguyễn Năng, Chủ tịch HĐGM Việt Nam

2. Đức TGM Giuse Vũ Văn Thiên, Phó Chủ tịch HĐGM VN

3. Đức TGM phó Giuse Đặng Đức Ngân, GM phó Tổng Gp. Huế

4. Đức GM Tôma Vũ Đình Hiệu, GM Gp. Bùi Chu

5. Đức GM Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, GM Gp. Hải Phòng

6. Đức GM Giuse Châu Ngọc Tri, GM Gp. Lạng Sơn - Cao Bằng

7. Đức GM Phêrô Kiều Công Tùng, GM Gp. Phát Diệm

8. Đức GM Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, GM Gp. Bà Rịa

9. Đức GM Giuse Đỗ Quang Khang, GM Gp. Bắc Ninh

10. Lm Giuse Đào Nguyên Vũ, Chánh Văn phòng HĐGM VN

11. Lm Anphongso Phạm Hùng, Thư ký Giáo tỉnh Hà Nội

Phát biểu tại buổi gặp mặt, đại diện các tôn giáo đã giới thiệu những hoạt động thiết thực, bổ ích, cụ thể tham gia chung sức cùng cộng đồng, bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đất nước Việt Nam, cũng như các tôn giáo sẽ tiếp tục có những thành tựu mới trên con đường phát triển.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến thắng, tính đến tháng 5/2024, Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, với trên 27 triệu đồng bào theo đạo (chiếm trên 27% dân số cả nước), trong đó, có trên 54.000 chức sắc, 135.500 chức việc; trên 29.600 cơ sở thờ tự tôn giáo và khoảng trên 54.000 cơ sở tín ngưỡng. Tại buổi gặp mặt, bày tỏ vui mừng được đón tiếp đoàn chức sắc lãnh đạo các tổ chức tôn giáo tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Tô Lâm chuyển lời thăm hỏi ân cần, sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới các vị lãnh đạo, chức sắc các tổ chức tôn giáo cũng như toàn thể đồng bào tôn giáo, có đạo trên cả nước. Điểm lại những đóng góp của các tổ chức tôn giáo vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết, Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, coi đó là nhu cầu chính đáng của một bộ phận nhân dân, khẳng định đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với đạo đức truyền thống của dân tộc và công cuộc xây dựng xã hội mới; luôn quan tâm, tạo điều kiện để đồng bào các tôn giáo được sinh hoạt tôn giáo bình thường và khuyến khích các việc làm ích nước, lợi nhà, đóng góp xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng rằng các tổ chức tôn giáo, các vị chức sắc và đồng bào tôn giáo, có đạo sẽ phát huy tốt hơn nữa những giá trị của đạo đức tôn giáo, tiếp tục đồng hành cùng dân tộc, tích cực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. 

https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/chu-tich-nuoc-to-lam-gap-mat-lanh-dao-cac-to-chuc-ton-giao

VUI VỚI NGƯỜI VUI

Anh F.X Nguyễn Huỳnh Tiến, con ông bà: Phêrô Nguyễn Văn Tân – Inê Huỳnh Thị Ngọc Lan, kết hôn với chị Maria La Thị Kim Quyên, con ông bà: Trần Anh Kiệt – La Thị Kim Oanh, đã cử hành bí tích hôn phối tại nhà thờ Chính Tòa, vào lúc 4g30, thứ Sáu ngày 14.06.2024. Giáo xứ xin chia vui và cầu chúc cho đôi bạn sống hạnh phúc trong tình yêu của Thiên Chúa.

Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2024

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 815

 


CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN

LỜI CHÚA: Mc 3,20-35

Khi ấy, Ðức Giêsu và các môn đệ trở về nhà, và đám đông lại kéo đến, nên Người và các môn đệ không sao ăn uống được. Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí. Còn các kinh sư từ Giêrusalem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám, và người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ. Ðức Giêsu liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: “Xatan làm sao trừ Xatan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Xatan mà chống Xatan, Xatan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. Không ai có thể vào nhà kẻ mạnh mà cướp của được, nếu không trói kẻ mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó. “Tôi bảo thật các ông: mọi tội lỗi và lời phạm thượng, dù nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng sẽ được tha cho con cái loài người. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời”. Ðó là vì họ đã nói: “Ông ấy bị thần ô uế ám”. Mẹ và anh em Ðức Giêsu đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!” Nhưng Người đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Ðây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi”.

SUY NIỆM

Khi yêu, một vị vua cao sang quyền thế không ngần ngại quỳ xuống cầu hôn một cô thôn nữ quê mùa, một ông chủ sẵn sàng đánh đổi tất cả để được yêu một người nô lệ… và một Đức Giê-su là Chúa đã bỏ ngai vàng trời cao xuống kết thân với con người, đến nỗi phải hy sinh cả mạng sống cho người mình yêu. Tắt một lời, khi yêu làm người ta lắm khi như người mất trí, như người điên. Cùng với sự soi dẫn của ánh sáng Lời Chúa, chúng ta được mời gọi sống sự “điên rồ của thập giá”.

Bài Tin Mừng hôm nay trước hết kể chuyện thân nhân của Chúa Giê-su phải đi bắt Người về, vì nghĩ là Người bị “mất trí”. Chúa Giê-su như “điên” vì yêu nhân loại, hi sinh cho dân đặc biệt là cho các bệnh nhân, đến nỗi không còn thời giờ để ăn uống ngủ nghỉ. Thánh sử Mác-cô kể rằng, khi nghe biết Chúa Giê-su và các môn đệ về nhà, dân chúng đã kéo đến đông đảo, làm cho Chúa Giê-su không dùng bữa được. Phải, Chúa luôn sẵn sàng đón nhận mọi người đến bất kỳ lúc nào để chữa lành cho họ.

Cái “điên” của Chúa là tất cả cho con người đến nỗi hy sinh cả mạng sống vì con người. Thánh Phaolô cũng đã nói về sự “điên rồ của thập giá”. Lòng Thương Xót của Chúa Giê-su dành cho con người, đó là yêu đến mức điên cuồng, yêu đến mức như mất trí, lo lắng giảng dạy và chữa lành cho con người đến mức không còn thời gian ăn uống và ngủ nghỉ. Tắt một lời, Chúa yêu con người hơn cả chính mình. Để rồi từ đó, rất nhiều những tâm hồn bước theo Chúa Giê-su và “điên vì Chúa”… Xưa cũng như nay, vẫn hàng hàng lớp lớp những chàng trai cô gái trẻ trung bước theo tiếng gọi dâng mình cho Chúa, tuyên giữ sống độc thân và bỏ lại tất cả những gì mà thế gian tìm kiếm. Phải, họ đã điên vì Nước Trời.  Và cũng vì “điên bởi tình yêu dành cho Chúa” mà các thánh tử đạo sẵn sàng đón nhận cái chết để minh chứng cho niềm tin và lòng yêu mến các linh hồn.

Lạy Chúa, xin cho con biết tự hiến thân mình làm của lễ. Để con trở thành anh chị em của Chúa.

TIN TỨC

1. Ý nghĩa Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu

Như Chúa Giêsu đã ban cho Margaret Mary Alacoque, Thánh Tâm chính là biểu tượng của tình yêu và sự dịu dàng của Thiên Chúa. Hình ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu sử dụng các biểu tượng của Cuộc Khổ nạn: mão gai, thánh giá, vết thương do cây thương rạch ra. Những ngọn lửa bao quanh Trái Tim Chúa Giêsu diễn tả lòng thương xót và tình yêu cháy bỏng của Chúa Cứu Thế. Trái Tim Chúa Giêsu được diễn tả giữa ánh sáng mãnh liệt, là dấu chỉ tình yêu rạng ngời của Người. Các mô tả của Marguerite-Marie cũng bao gồm từ Caritas: Từ thiện theo nghĩa Công giáo giải thích từ ‘tình yêu’. Tất cả những hình ảnh và biểu tượng mạnh mẽ này ở đó để nhắc nhở chúng ta về tình yêu của Chúa dành cho nhân loại, biểu hiện cao nhất của tình yêu đó là cuộc Khổ nạn trên thập giá. Thông điệp gửi cho Margaret Mary Alacoque được kèm theo một loạt lời hứa đặc biệt dành cho lòng sùng kính cá nhân của các Kitô hữu dâng mình cho Thánh Tâm: Chúng bao gồm các ân sủng do Chúa Giêsu ban phát, bình an cho các gia đình, niềm an ủi, nơi ẩn náu…. Mười hai Lời Hứa Đặc biệt được lập ra sau 135 bức thư do Margaret Mary Alacoque viết để truyền bá thông điệp của Chúa Giêsu. Thông điệp của Chúa Kitô cũng được gửi đến nhà vua. Chúa Giêsu muốn Trái Tim của Người được tái lập tại Vương quốc Pháp, Người muốn xây dựng một tòa nhà dành riêng cho Trái Tim thần linh của Người và cuối cùng, Người xin nhà vua cho vẽ và khắc Thánh Tâm Chúa Giêsu trên các lá cờ của Người. Kết quả của yêu cầu thứ hai này vẫn còn hiển hiện trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Tâm ở Paris. Vẻ tráng lệ của tòa nhà nổi tiếng thế giới này là minh chứng cho điều này. Viên đá nền móng của Vương Cung Thánh Đường Thánh Tâm ở Montmartre được đặt vào năm 1873. Công việc quan trọng nhất trong vương cung thánh đường này là mô tả Chúa Giêsu trong vinh quang với trái tim sáng ngời của Ngài. Bức tranh khảm này (lớn nhất ở Pháp) là tác phẩm quan trọng nhất trong vương cung thánh đường. Nó có diện tích 474 m2. Cùng với việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, việc sùng bái Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria cũng phát triển, đặc biệt sau các cuộc hiện ra của Đức Mẹ Lộ Đức vào năm 1858 và Fatima năm 1917. Toàn bộ một loạt các biểu tượng cũng được liên kết với nó. Sự thể hiện chung của Trái tim Chúa Giêsu và Mẹ Maria thể hiện tình yêu hiếu thảo của người mẹ dành cho con trai mình. Nó cũng là biểu tượng cho sự liên tưởng về những đau khổ của Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong cuộc Thương Khó để cứu chuộc nhân loại.

VUI VỚI NGƯỜI VUI

Anh Anrê Hà Minh Duy, con ông bà: Hà Minh Thiển – Phạm Thị Lang, kết hôn với chị Matta Nguyễn Thị Ngọc Ánh, con ông bà: G.B Nguyễn Văn Hùng – Matta Nguyễn Thị Kim Phụng, đã cử hành bí tích hôn phối tại nhà thờ Chính Tòa, vào lúc 4g30, thứ Ba ngày 04.03.2024.

Và Anh Augustinô Trần Nguyễn Anh Tuấn, con ông bà: Phêrô Trần Trương Chi – Anna Nguyễn Thị Kim Hoa, kết hôn với chị Anna Nguyễn Thị Thanh Thúy, con ông bà: Nguyễn Văn Hiệp – Nguyễn Thị Anh, đã cử hành bí tích hôn phối tại nhà thờ Chính Tòa, vào lúc 4g30, thứ Bảy ngày 08.06.2024. Giáo xứ xin chia vui và cầu chúc cho hai đôi bạn sống hạnh phúc trong tình yêu của Thiên Chúa.

THÔNG BÁO

1. Nhằm khích lệ và động viên cho các em Thiếu nhi Thánh Thể. Cha xứ sẽ có chương trình trao phần thưởng cho các em đạt thành tích tốt trong năm học vừa qua (2023-2024). Vì thế, trong tuần này các em  Thiếu Nhi được học sinh tiên tiến, giỏi, xuất sắc nộp giấy khen cho Huynh Trưởng theo lớp Giáo Lý. (Nộp bản photocopy). Những em Thiếu Nhi không tham gia các lớp Giáo Lý, Giáo xứ sẽ không trao phần thưởng. Cụ thể như sau: Cấp 1: Học Sinh Xuất Sắc; Cấp 2: Học Sinh Giỏi và Học Sinh Xuất Sắc, Cấp 3: Học Sinh Tiên Tiến và Học Sinh Giỏi.

2. Tiệm bánh Mỹ Vũ ủng hộ Thiếu Nhi giáo xứ      5.000.000 đ

 

Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2024

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 814

 


CHÚA NHẬT MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ

LỜI CHÚA: Mc 14, 12-16. 22-26

Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn bánh không men là ngày giết chiên mừng lễ Vượt Qua, các môn đệ thưa Chúa Giêsu rằng: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua tại đâu?” Người liền sai hai môn đệ đi và dặn rằng: “Các con hãy vào thành, và nếu gặp một người mang vò nước thì hãy đi theo người đó. Hễ người ấy vào nhà nào thì các con hãy nói với chủ nhà rằng: Thầy sai chúng tôi hỏi: ‘Căn phòng Ta sẽ ăn Lễ Vượt Qua với các môn đệ ở đâu?’ Và chủ nhà sẽ chỉ cho các con một căn phòng rộng rãi dọn sẵn sàng và các con hãy sửa soạn cho chúng ta ở đó”. Hai môn đệ đi vào thành và thấy mọi sự như Người đã bảo và hai ông dọn Lễ Vượt Qua. Ðang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: “Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta”. Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông: “Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người. Ta bảo thật các con: Ta sẽ chẳng còn uống rượu nho này nữa cho đến ngày Ta sẽ uống rượu mới trong nước Thiên Chúa”. Sau khi hát Thánh Vịnh, Thầy trò đi lên núi Cây Dầu.

SUY NIỆM

Nói đến Thánh thể người ta thường hay nói đến một bữa ăn, một bữa ăn Agape, bữa ăn huynh đệ. Nhưng thực ra, “Bản chất của Bí tích Thánh Thể không chỉ là bữa ăn chung, mà còn và trước tiên là hiện tại hóa hy lễ thập giá. Thiếu giá trị hy tế, Mầu Nhiệm Thánh Thể không có ý nghĩa và chỉ có giá trị như là một buổi gặp gỡ giao hảo và huynh đệ”. Vì thế hôm nay, chúng ta cùng nhau khơi gợi lại ý nghĩa và những giá trị thiêng liêng của thánh lễ.

Mẹ Têrêsa thành Calcutta thường hay nói với các chị em trong dòng rằng: “Không có thánh lễ Misa, chúng ta sẽ ra sao, mọi sự dưới gầm trời này hẳn sẽ bị tiêu hủy, chỉ có thánh lễ mới ngăn được tay Thiên Chúa. Không có thánh lễ, chắc chắn giáo hội sẽ không còn tồn tại và thế giới ắt sẽ bị diệt vong”. Vì cử hành thánh lễ là hiện tái hóa hy tế thập giá năm xưa của Chúa Kytô trên thập giá. Máu Thánh Chúa được tiếp tục đổ ra cho nhiều người được tha tội, được ơn cứư độ. Hy tế thập giá của Chúa Kytô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn tiếp tục tái diễn để giao hòa thế gian với Thiên Chúa. Thế nhưng, hôm nay nhiều người vẫn xem nhẹ thánh lễ. Họ đi lễ nhưng thiếu tấm lòng đón nhận ơn cứu độ, ơn tha thứ của Chúa. Đi lễ cho qua lần chiếu lượt. Đi lễ vì luật buộc. Vì người khác đi mình cũng đi. Có mấy ai ý thức giá trị của hiến tế thập giá. Có mấy ai hiểu được hy tế thập giá cần phải được cử hành mỗi ngày để xin ơn tha tội và để Con Thiên Chúa lại tiếp tục đổ máu mình ra để giao hòa với Chúa Cha. Chúa Kitô vẫn đang đổ máu vì tội lỗi loài người.

Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì quà tặng vĩ đại Chúa đã ban cho con là Bí tích Thánh Thể. Xin Chúa giúp con luôn xác tín vào sự hiện diện của Chúa Giêsu trong bí tích này và hết lòng tôn sùng mến yêu.

TIN TỨC

1. Bề trên Tổng quyền Dòng Ngôi Lời được bổ nhiệm làm Tổng giám mục

Hôm 25 tháng Năm vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Tổng quyền Dòng Ngôi Lời (SVD), cha Paulus Budi Kleden, làm Tổng giám mục Giáo phận Ende, bên Indonesia. Cha Budi người Indonesia năm nay 59 tuổi (1965), sinh tại đảo Flores, gia nhập Dòng Ngôi Lời và theo học triết và thần học tại Áo, và thụ phong linh mục năm 1993, rồi làm cha phó ba năm tại Thụy Sĩ Đức, trước khi sang Đức học tiếp thần học và bảo vệ thành công Tiến sĩ Thần học tại Đại học Freiburg năm 2000. Trở về Indonesia, cha làm giáo sư thần học tại Đại chủng viện Ledalero, ở Maumere, làm cố vấn tỉnh dòng, trước khi làm Tổng cố vấn của dòng từ năm 2012 đến 2018, là năm cha được bầu làm Bề trên Tổng quyền của dòng, ngày 04 tháng Bảy cùng năm 2018. Giữa lúc cha sắp mãn nhiệm vụ này thì Đức Thánh Cha bổ nhiệm ngài làm Tổng giám mục Giáo phận Ende tại đảo Flores, Indonesia, có 486.000 tín hữu Công Giáo. Đức Thánh Cha đã yêu cầu ngài tiếp tục giữ nhiệm vụ Bề trên Tổng quyền rồi chủ tọa Tổng Tu nghị, từ ngày 16 tháng Sáu đến ngày 14 tháng Bảy tới đây, tại Nemi gần Roma để bầu người kế nhiệm trong dòng, trước khi bắt đầu sứ vụ Tổng giám mục. Dòng Ngôi Lời hiện có 5.900 tu sĩ, hoạt động tại 1.336 nhà trên thế giới, trong đó có Tỉnh dòng Ngôi Lời tại Việt Nam, với 200 linh mục, tu sĩ. Từ Tỉnh dòng Việt Nam, có 100 linh mục được sai đi làm việc truyền giáo tại nước ngoài.

2. Từ Ấn Độ giáo đến Công Giáo: Chân phước Carlo Acutis đã truyền cảm hứng cho một người hoán cải như thế nào

Vào ngày 23 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công nhận một phép lạ nhờ sự chuyển cầu của Chân phước Carlo Acutis, mở đường cho ngài trở thành vị thánh đầu tiên từng sống trong thiên niên kỷ này. Cậu thiếu niên viết thảo chương máy tính người Ý qua đời vì bệnh ung thư năm 2006 được biết đến với lòng sùng kính sâu sắc đối với sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Chứng tá của cậu đã truyền cảm hứng cho cha mẹ cậu quay trở lại thực hành đức tin Công Giáo và người chăm sóc theo đạo Hindu của cậu cải đạo và chịu phép rửa.

Sau đây là đoạn trích được chuyển thể từ cuốn sách “Chân phước Carlo Acutis: Một vị thánh đi giày thể thao” của Phóng viên Courtney Mares của CNA Rôma. Chân phước Carlo Acutis đã truyền cảm hứng cho con trai của một đạo sư Ấn Độ giáo Bà la môn xin được rửa tội như một người Công Giáo qua việc cậu bé vui vẻ làm chứng cho sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể và tình yêu của Người dành cho người nghèo. Trong một cuộc phỏng vấn, Rajesh Mohur đã chia sẻ câu chuyện về hành trình tâm linh của mình và làm thế nào anh biết đến Acutis, cậu thiếu niên lập trình máy tính, người thuộc thế hệ thiên niên kỷ đầu tiên được phong chân phước trong Giáo Hội Công Giáo và là người bảo trợ của Ngày Giới trẻ Thế giới tháng 8 năm 2023. Mohur lớn lên trên một hòn đảo nhỏ ở Ấn Độ Dương ngoài khơi Phi Châu, cách Madagascar khoảng 500 dặm về phía đông. Giống như hầu hết người dân Mauritius, Mohur là người theo đạo Hindu. Anh lớn lên nói tiếng Creole và học tiếng Phạn, ngôn ngữ cổ được sử dụng trong kinh thánh Hindu. Gia đình Mohur thuộc đẳng cấp đạo sư Brahman, là đẳng cao cấp nhất trong bốn đẳng cấp trong xã hội Hindu. Cha của Mohur là một đạo sư đạo Hindu, từng là chủ tịch Hiệp hội đạo Hindu ở Mauritius.

THÔNG BÁO

1. Nhằm khích lệ và động viên cho các em Thiếu nhi Thánh Thể. Cha xứ sẽ có chương trình trao phần thưởng cho các em đạt thành tích tốt trong năm học vừa qua (2023-2024). Vì thế, trong tuần này các em  Thiếu Nhi được học sinh tiên tiến, giỏi, xuất sắc nộp giấy khen cho Huynh Trưởng theo lớp Giáo Lý. (Nộp bản photocopy). Những em Thiếu Nhi không tham gia các lớp Giáo Lý, Giáo xứ sẽ không trao phần thưởng. Cụ thể như sau: Cấp 1 và Cấp 2: Học Sinh Xuất Sắc, Cấp 3: Học Sinh Tiên Tiến và Học Sinh Giỏi.

2. Ngày 14/07/2024, Đức Cha Giuse Giám mục Giáo phận sẽ cử hành Thánh Lễ Thêm Sức cho các em lớp Thăng Tiến 1, Thêm Sức 3. Và Rước Lễ Lần Đầu cho lớp Xưng Tội 3. Vì vậy lớp Xưng Tội 3 sẽ bắt đầu học Giáo lý hè lúc 16h00 ngày 03/06/2024. Lớp Thăng Tiến 1Thêm Sức 3 bắt đầu học Giáo lý hè lúc 16h30 ngày 10/6/2024. Xin các phụ huynh có con em được Rước lễ lần đầu và Thêm sức sắp tới nhớ nhắc nhở, đôn thúc con em mình đi học đầy đủ. Nếu vắng học mà không có lý do chính đáng sẽ không được Rước lễ và Thêm sức.

3. Sáng thứ Sáu, ngày 07/06/2024, sẽ có Thánh lễ Rửa tội cho các anh chị Tân tòng trong khóa học Giáo lý vừa qua. Xin cộng đoàn chúng ta tham dự Thánh lễ để cầu nguyện cho các anh chị em tân tòng.

4. Thứ Bảy, vào lúc 7h00 sáng, ngày 08/06/2024 sẽ có rửa tội cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Xin quý cha mẹ có con Rửa tội, đến xin giấy giới thiệu nơi Ban Điều Hành giáo họ, và nộp sổ gia đình về văn phòng giáo xứ trong tuần này.

5. Cũng vào sáng Thứ Bảy, ngày 08/06/2024, sẽ trao Mình Thánh Chúa cho người già và bệnh nhân. Những gia đình nào có nhu cầu xin đăng ký với ban điều hành Giáo họ của mình, và chuẩn bị nơi xứng đáng đễ người thân lãnh nhận Bí tích.