Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2024

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 806

 


CHÚA NHẬT II PHỤC SINH

LỜI CHÚA: Ga 20, 19-31

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giê-su hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giê-su lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tô-ma gọi là Ði-đy-mô, không cùng ở với các ông, khi Chúa Giê-su hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”. Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tô-ma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giê-su hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Ðoạn Người nói với Tô-ma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tô-ma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giê-su nói với ông: “Tô-ma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”. Chúa Giê-su còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giê-su là Ðấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.

SUY NIỆM

“Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Ngài, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Ngài, tôi chẳng có tin”. Đó là thách thức của tông đồ Tôma. Đó cũng là đòi hỏi của con người khoa học thực nghiệm ngày nay: phải thấy, phải đụng chạm, phải kiểm nghiệm được mới tin.

Chúa Kitô Phục Sinh là một Tin Mừng, nhưng là một Tin Mừng không dễ tin, đặc biệt đối với những người theo Chúa, như các tông đồ. Nguyên sự kiện ngôi mồ trống không đủ bằng chứng để họ tin. Cần phải có những lần hiện ra của Chúa Giêsu mới củng cố được lòng tin của các ông. Thánh Gioan đã ghi lại câu chuyện Chúa hiện ra cho các tông đồ và cho Tôma là để chúng ta tin. Thế nhưng, trong những lần hiện ra đó, cái gì đã giúp cho những người thân của Chúa Giêsu nhận ra Ngài? Có thể là một tiếng gọi (với Maria), một cử chỉ bẻ bánh (với hai môn đệ Emmau) hoặc cũng có thể là một phép lạ xẩy ra theo lệnh truyền của Chúa (như mẻ cá đầy ở biển hồ Tibêria), nhưng đặc biệt là những thương tích nơi tay chân và cạnh sườn của Ngài. Ông Tôma đã thưa cùng với Chúa: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con” khi Chúa Giêsu cho ông thấy những dấu đinh của cuộc khổ nạn trên thân thể Ngài và nói với ông những lời không thể ngờ được: “Đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa bàn tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin!”. Như thế, dấu chỉ để người nhận ra Chúa Phục Sinh không phải là vinh quang chói lọi hay cái gì khác, mà là chính dấu đinh. Nếu chính Đứng Phục Sinh vinh hiển đã không muốn dùng vinh quang và sức mạnh chiến thắng của mình mà khuất phục thế gian, thì phương chi là chúng ta. và nếu Chúa đã muốn dùng những dấu đinh nơi chân tay và cạnh sườn làm những dấu chứng phục sinh, thì mỗi người chúng ta cũng không có dấu chỉ nào ý nghĩa hơn là những vết thương của các cuộc khổ nạn mà chúng ta có thể đã, đang và sẽ còn chia sẻ với Chúa. Chính với những dấu chỉ này mà chúng ta có thể làm chứng cho Chuá Phục Sinh một cách sống động nhất.

Ước gì mỗi người chúng ta đều mang những chứng tích tình yêu của Chúa Kitô đóng đinh trên tay chân, trên thân xác, trong cuộc sống… để chia sẻ với Chúa Giêsu những vết thương của các cuộc khổ nạn đang diễn ra trên thế giới ngày nay, nhờ đó chúng ta mới có thể làm chứng cho chiến thắng vinh quang của Chúa Kitô Phục Sinh.

TIN TỨC

1.      ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC PAUL RICHARD GALLAGHER, BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO TOÀ THÁNH THĂM VIỆT NAM

Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ

WHĐ (03.04.2024) – Nhận lời mời của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao Toà Thánh (Secretary for the Relation with States and Organization of the Holy See) sẽ thăm Việt Nam từ ngày 9 đến 14 tháng 4 năm 2024. Trong chuyến thăm này, Đức Tổng Giám mục Gallagher sẽ cử hành Thánh lễ tại nhà thờ chính toà Hà Nội lúc 18g30 ngày 10 tháng 4, Huế lúc 08g00 ngày 12 tháng 4, và thành phố Hồ Chí Minh lúc 17g30 ngày 13 tháng 4. Truyền thông của 3 Giáo tỉnh sẽ đưa tin và trực tuyến Thánh lễ tại:

Hà Nội:  https://www.tonggiaophanhanoi.org; Huế: https://tonggiaophanhue.org;

và Sài Gòn: https://tgpsaigon.net.

Sáng ngày 14 tháng 4, Đức Tổng Giám mục Gallagher sẽ gặp chung toàn thể Hội đồng Giám mục Việt Nam trước khi kết thúc chuyến thăm. Đây là chuyến thăm đầu tiên cấp Bộ trưởng Ngoại giao Toà Thánh Vatican đến Việt Nam. Dự kiến, Đức Tổng Giám mục Gallagher sẽ gặp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Bùi Thanh Sơn vào chiều ngày 9 tháng 4; hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính và chào thăm lãnh đạo Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ vào ngày 10 tháng 4. Ngoài ra, Đức Tổng Giám mục Gallagher cũng có chương trình thăm Bệnh viện Nhi Trung ương tại Hà Nội, là nơi đã hợp tác y khoa với Bệnh viện Bambino Gesù của Roma từ năm 2005.

2.      Đức Hồng Y Giorgio Marengo viếng thăm và tri ân Giáo hội Công giáo Việt Nam

Đắc Quyền

WGPSG (17.03.2024) – “Chúng con đến đây để tri ân lòng yêu mến của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, các cha của Giáo hội Việt Nam đối với Giáo hội Mông Cổ trong sự kiện Đức Thánh Cha Phanxicô tông du Mông Cổ vào tháng 9 năm 2023” - Đức Hồng Y (ĐHY) Giorgio Marengo, Giám mục Phủ doãn tông tòa Ulaanbaatar - Mông Cổ đã chia sẻ sau thánh lễ chiều thứ Bảy 16.03.2024 tại Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn.

Trước Thánh Lễ, Đức Tổng Giám Mục (ĐTGM) Giuse Nguyễn Năng cùng Đức Giám mục (ĐGM) phụ tá Giuse Bùi Công Trác, linh mục (Lm) Ignatio Hồ Văn Xuân - Tổng Đại diện TGP Sài Gòn, Lm Phêrô Đỗ Duy Khánh - phó xứ Giáo xứ Chính Toà Đức Bà Sài Gòn, đã tiếp đón ĐHY Giorgio Marengo tại công viên trước Nhà thờ. ĐHY Giorgio Marengo đã cùng hiệp dâng thánh lễ do ĐTGM Giuse Nguyễn Năng chủ tế. Trước khi bắt đầu thánh lễ, ĐTGM Giuse đã có đôi lời giới thiệu ĐHY Giorgio Marengo với cộng đoàn dân tham dự Thánh lễ Chúa nhật thứ 5 Mùa Chay:

ĐHY đến từ đất nước Mông Cổ bao la, rộng lớn, dân cư thưa thớt chỉ có 3 triệu dân, trong đó có rất ít người dân theo Công giáo mặc dù Tin Mừng đã xuất hiện tại đây 1000 năm trước. Cho tới 30 năm gần đây, thông qua các tu sĩ truyền giáo, đời sống Hội Thánh tại quốc gia này mới có bắt đầu có sự phục hồi một cách chậm chãi. Từng người đã được lãnh nhận bí tích Rửa tội để trở thành một cộng đoàn với 1500 người đã được rửa tội. Do số giáo dân quá ít, chưa đủ để thành lập cấp giáo phận nên tại Mông Cổ mới thiết lập Phủ doãn tông toà và ĐHY Giorgio Marengo là Giám mục Phủ doãn tông toà tại nơi đây. Đồng thời ngài cũng là Giám mục điều hành hoạt động của Giáo hội Mông Cổ, tiếp tục thực hiện sứ mạng truyền giáo tại đất nước rộng lớn này. Trong thánh lễ cử hành chiều 16.3.2024 hôm nay, chúng ta cùng hiệp thông cầu nguyện cho ngài cũng như cho đất nước Mông Cổ, cho Giáo hội tại Mông Cổ để Tin Mừng được lan rộng nơi đây và đất nước Mông Cổ phát triển để cuộc sống tốt đẹp hơn.

THÔNG BÁO

1.      Thứ hai, ngày 08/04/2024 là Lễ Trọng, Lễ Truyền Tin cũng là bổn mạng của hội đoàn Lêgio Mariae, mời cộng đoàn tham dự Thánh lễ cầu nguyện cho Giáo xứ cũng như những anh chị em trong hội đoàn Lêgio Mariae.

2.      Những Ân nhân ủng hộ Giáo xứ

Anh Của giáo họ Anrê Trông                         1.000.000 đ

Anh chị Lan - Nhan giáo họ Simon Hòa        5.000.000 đ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét