CHÚA NHẬT V MÙA MÙA CHAY
LỜI CHÚA: Ga 12, 20-33
Khi ấy, trong số những người lên dự lễ, có mấy người
Hy-lạp. Họ đến gặp Philipphê quê ở Bêtania, xứ Galilêa, và nói với ông rằng:
“Thưa ngài, chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu.” Philip-phê đi nói với Anrê, rồi Anrê
và Philipphê đến thưa Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đáp: “Đã đến giờ Con Người được
tôn vinh. Quả thật, quả thật, Ta nói với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất
mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó
sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở
đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta,
và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn
vinh nó. Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con
khỏi giờ này. Nhưng chính vì thế mà Con đã đến trong giờ này. Lạy Cha, xin hãy
làm vinh danh Cha.” Lúc đó có tiếng từ trời phán: “Ta đã làm vinh danh Ta và Ta
còn làm vinh danh Ta nữa.” Đám đông đứng đó nghe thấy và nói đó là tiếng sấm.
Kẻ khác lại rằng: “Một thiên thần nói với Ngài.” Chúa Giêsu đáp: “Tiếng đó phán
ra không phải vì Ta, nhưng vì các ngươi. Chính bây giờ là lúc thế gian bị xét xử,
bây giờ là lúc thủ lãnh thế gian bị khai trừ và khi nào Ta chịu đưa lên cao
khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta.” Người nói thế để chỉ Người phải
chết cách nào.
SUY NIỆM
“Nếu hạt lúa rơi vào lòng đất, mà
không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu nó chết đi thì mới sinh
nhiều bông hạt” Chẳng ai trong chúng ta ngạc nhiên khi nghe câu trên.
Đó là luật tự nhiên, nhưng lắm khi
chúng ta thấy khó áp dụng cho con người. Tại sao tôi phải chết để người khác
được sống? Chết để sinh nhiều bông hạt ư? Nhưng nhiều bông hạt có ích gì, khi
chính tôi bị tan vỡ? Chính vì thế tôi không muốn chết như hạt lúa. Tôi chấp
nhận trơ trọi một mình. Tôi cô đơn với tôi, để được yên ổn. Tôi sợ mất mát, vì
mất mát đem lại đớn đau, nên tôi tìm đủ cách để giữ lại những gì tôi có, những
gì tôi là. Tiếc thay, lúc giữ được tất cả tôi lại thấy mình mất tất cả, vì mất
ý nghĩa của cuộc sống. Tôi như con thú chỉ biết chăm lo cho bộ lông của mình.
Dần dần qua những kinh nghiệm đau thương, tôi mới nhận ra rằng: chỉ có một cách
giữ chặt, đó là buông ra và trao hiến. Tôi bắt đầu được khi chấp nhận mất. Như
con ốc sên, chỉ bò được khi chui ra khỏi vỏ, tôi chỉ giàu có và triển nở mọi
mặt khi quảng đại ra khỏi lớp vỏ của mình, ra khỏi những bận tâm, tính toán,
xây đắp cho mình, để sống cho tha nhân và cho Thiên Chúa. Lời kinh Hòa Bình lại
vang vọng trong chúng ta: “Vì chính khi hiến thân, là khi được nhận lãnh, chính
lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân…” Nhưng hiến thân, quên mình, hy sinh, từ
bỏ, đón lấy cái chết như hạt lúa vùi sâu, những điều đó đã làm cho chính chúng
ta dao động. Nếu tôi kiên trì tỉnh thức và cầu nguyện, tôi sẽ thắng được nỗi sợ
bị thua thiệt, mất mát. Sau nhiều lần dám liều mất tất cả để rồi ngỡ ngàng thấy
mình được lại quá nhiều, tôi sẽ dễ dàng chọn cái mất trước mắt như con đường
dẫn đến cái được vĩnh hằng. Xin Đức Giêsu bị đóng đinh kéo chúng ta lên với
Ngài, kéo ta lên khỏi đất, và kéo ta ra khỏi cái tôi.
Ước gì mỗi người chúng ta dám sống
mầu nhiệm vượt qua đi từ cõi chết đến nguồn sống, đi từ cái tôi hẹp hòi đến cái
tôi rộng mở trước Đấng Tuyệt Đối và với tha nhân. Amen.
TIN TỨC
THƯỢNG HỘI ĐỒNG:
HƯỚNG VỀ KHOÁ HỌP THÁNG 10.2024
WHĐ (16.03.2024) – Mặc dù Khoá họp thứ hai và cũng là cuối cùng của Thượng Hội đồng về hiệp hành sẽ kết
thúc vào cuối tháng 10.2024, nhưng người Công giáo không nên mong đợi những
tuyên bố quan trọng về các vấn đề cụ thể được nêu ra trong Khoá họp thứ nhất và
được đưa vào Báo cáo Tổng hợp sau Khoá họp. Những vấn đề đặc thù đó bao gồm vai
trò của các giám mục, khả năng có các nữ phó tế, việc đào tạo linh mục và nhiều
vấn đề khác nữa. Đức Thánh Cha Phanxicô đã xác định 10 vấn đề từ Báo cáo Tổng
hợp đó mà “về bản chất, đòi phải nghiên cứu chuyên sâu” và ngài đã giao
cho 10 nhóm nghiên cứu. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nói, “các nhóm sẽ
không thể hoàn thành” việc nghiên cứu của mình trước Khóa họp vào mùa thu.
Mười chủ đề được trình bày trong
thư của Đức Thánh Cha ở dạng tóm tắt và đi kèm với tài liệu tham khảo liên quan
đến phần cụ thể của Báo cáo tổng hợp đó (BCTH).
1. Một số khía cạnh trong mối tương
quan giữa Giáo hội Công giáo Đông phương và Giáo hội Latinh (BCTH 6).
2. Lắng nghe tiếng kêu của người
nghèo (BCTH 4 và 16).
3. Truyền giáo trong môi trường kỹ
thuật số (BCTH 17).
4. Việc duyệt
lại văn kiện Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis theo quan
điểm truyền giáo mang tính hiệp hành (BCTH 11). [Điều
này liên quan đến việc đào tạo linh mục, phó tế và chủng viện]
5. Một số vấn đề Thần học và Giáo
luật liên quan đến các hình thức thừa tác vụ cụ thể (BCTH 8 và 9).
6. Việc duyệt lại, theo quan
điểm truyền giáo mang tính hiệp hành, các tài liệu liên quan
đến mối tương quan giữa các Giám mục, Đời sống thánh hiến và các Hiệp hội Giáo
hội (BCTH 10).
7. Một số khía cạnh về cá nhân và
tác vụ của Giám mục từ góc độ truyền
giáo mang tính hiệp hành (BCTH 12 và 13).
8. Vai trò của các Đại diện Giáo
hoàng theo quan điểm truyền giáo
mang tính hiệp hành (BCTH 13).
9. Các tiêu chí Thần học và các
phương pháp luận mang tính hiệp hành để phân định chung về các vấn đề tín lý, mục vụ và đạo
đức gây tranh cãi (BCTH 15).
10. Tiếp nhận hoa trái của hành
trình đại kết trong các thực hành mang tính Giáo hội. (BCTH 7)
Đức Thánh Cha Phanxicô đã giao
các chủ đề này cho 10 nhóm nghiên cứu và chỉ đạo Ban Thư ký Thượng Hội đồng
thành lập các nhóm này “bằng sự điều phối với các Bộ có thẩm quyền của Giáo
triều Rôma”. Hơn nữa, theo Đức Thánh Cha, ban tổ chức phải kêu gọi “các
mục tử và chuyên gia từ khắp các châu lục tham gia” vào các nhóm nghiên cứu
này, vốn là những nhóm sẽ làm việc “theo một phương pháp hiệp hành đích thực”.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Chuyển ngữ từ: americamagazine.org (14. 03. 2024)
THÔNG BÁO
1/ Thứ Ba, ngày 19.3.2024, Giáo hội mừng kính Thánh Giuse,
là bổn mạng của Đức Cha Giuse - Giám mục Giáo phận. Và trong Giáo xứ chúng
ta có cha Phụ tá Giuse, Thầy
xứ Giuse, và một số anh em trong Hội đồng cũng như những anh em gia trưởng. Xin
cộng đoàn tham dự Thánh lễ để cầu nguyện cho Đức cha, Cha phụ tá, Thầy xứ và
những người có bổn mạng Giuse.
2/
Thứ Năm, ngày 21/03/2024, vào lúc 3h30 chiều đến 8h00 tối, có Quý Cha
ngồi tòa giải tội. Xin bà con Giáo xứ chúng ta sắp xếp thời giờ đến xưng tội để dọn
lòng đón Chúa Phục Sinh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét