Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2020

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 573

 

CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN A

LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ

(Mt 5,1-12a)

Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người.

Bấy giờ, Người mở miệng dạy họ rằng: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Nước làm cơ nghiệp. Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả.

Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa.

Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ.

“Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác.

Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời”.

 

SUY NIỆM

Trong Tin Mừng Mát-thêu, người “công chính” không chỉ là người chu toàn thật tốt mọi điều luật. Trong hàng ngũ những người được gọi là “có phúc” trong Tám Mối Phúc, thì người “công chính” đồng nhất với “con cái Chúa”, những người được thừa hưởng gia nghiệp Nước Trời. Như thế, “công chính” là hoàn toàn sống dưới cái nhìn của Thiên Chúa, luôn tìm kiếm thánh ý Chúa và sẵn sàng thực thi Lời Chúa. Thánh cả Giu-se, cha nuôi của Đức Giê-su được gọi là người công chính, (x. Mt 1,19), người luôn sẵn sàng “làm như sứ thần Chúa dạy” (Mt 1,24), ngài báo trước Đấng là khuôn mẫu cho sự “công chính trọn hảo” là Đức Giê-su Ki-tô. Do vậy, khát khao nên “người công chính” là khát khao “nên giống Đức Ki-tô” đến độ có thể nói như thánh Phao-lô: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Các thánh là những người không chỉ làm đầy đủ những điều luật buộc mà là những người đi trọn con đường “Tám Mối Phúc”. Chúng ta hãy tiếp bước trên con đường mà các thánh đã đi qua, là con đường luôn khát khao sự công chính trọn hảo.


TIN TỨC

1.      ĐTC công bố tên 13 tân Hồng y

Vào ngày 28 tháng 11, Giáo hội sẽ có thêm 13 vị tân Hồng y, trong đó có 9 vị dưới 80 tuổi, và 4 vị trên 80 tuổi.

 Trưa Chúa Nhật 25/10, sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã công bố tên 13 giám mục và linh mục sẽ được ngài thăng Hồng y trong công nghị Hồng y được cử hành vào chiều thứ Bảy 28/11, vọng Chúa Nhật thứ I Mùa Vọng.

Đứng đầu danh sách là hai giám mục thuộc giáo triều Roma. Trước hết là Đức cha Mario Grech, Tổng Thư ký Hội đồng giám mục; kế đến là Đức cha Marcello Semeraro, mới được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ Phong thánh hôm 15/10 vừa qua.

Tiếp theo là các giám mục đứng đầu các giáo phận, gồm có: Đức tổng giám mục Antoine Kambanda của Kigali, Rwanda; Đức tổng giám mục Wilton Gregory của Washington, Hoa Kỳ; Đức tổng giám mục José Advincula của Capiz, Philippines; Đức tổng giám mục Celestino Aós Braco của Santiago di Cile, Chile; Đức cha Cornelius Sim, giám quản tông tòa Brunei; Đức tổng giám mục Augusto Paolo Lojudice của Siena-Colle Val d’Elsa-Montalcino; Bề trên cộng đoàn Phanxicô ở Assisi.

Bên cạnh đó, Đức Thánh Cha bổ nhiệm cha Mauro Gambetti, dòng Phanxicô Viện tu, Bề trên cộng đoàn Phanxicô ở Assisi; và Đức Thánh Cha cũng thăng 4 vị quá 80 tuổi lên Hồng y; đó là: Đức cha Felipe Arizmendi Esquivel, nguyên giám mục của  San Cristóbal de las Casas, Mexico; Đức tổng giám mục Silvano M. Tomasi, cựu Sứ thần Tòa Thánh; Cha Raniero Cantalamessa, dòng Cappuccino, giảng thuyết viên phủ Giáo hoàng; và cuối cùng là Đức ông Enrico Feroci, cha sở giáo xứ Đức Mẹ Maria Divino Amore ở Castel di Leva.

 Đây là công nghị Hồng y thứ 7 của Đức Thánh Cha Phanxicô trong 7 năm Giáo hoàng của ngài.

Đức Thánh Cha cũng mời gọi các tín hữu: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho các tân Hồng y, để khi khẳng định sự gắn bó của các ngài với Chúa Ki-tô, các ngài sẽ giúp tôi trong sứ vụ Giám mục Rôma, vì lợi ích của toàn thể dân tộc thánh thiện và trung thành của Thiên Chúa."…

Hồng Thủy

2.      Các giám mục liên đới với các nạn nhân trong thảm kịch khủng bố tại Nice

Sau khi một cuộc tấn công khủng bố tại đền thờ Đức Mẹ ở thành phố Nice của Pháp sáng thứ Năm 29/10 làm 3 người bị giết và một số bị thương, các giám mục Pháp cũng như các giám mục nhiều nước hiệp ý với Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình, và đồng thời lên án chủ nghĩa cực đoan khủng bố lợi dụng tôn giáo để phá hủy đời sống xã hội.

Người dân đặt hoa nến tưởng nhớ các nạn nhân vụ tấn công khủng bố tại nhà thờ chính tòa Nice.

Đức Giám mục Nice: Tinh thần tha thứ của Chúa Ki-tô thắng vượt các hành động man rợ.

Trong một thông cáo, Đức cha André Marceau của giáo phận Nice cho biết tất cả các nhà thờ trong thành phố đã đóng cửa và sẽ được cảnh sát bảo vệ cho đến khi có thông báo mới. Đức cha nói rằng ngài rất xúc động khi hay biết về “hành động khủng bố kinh hoàng” tại đền thờ, và lưu ý rằng nó xảy ra không lâu sau vụ chặt đầu ông Samuel Paty, một giáo viên của một trường ở Paris, trong một cuộc tấn công khủng bố hồi đầu tháng này.

Đức cha nói: “Tôi đau buồn vô hạn như một con người khi đối mặt với những gì mà những sinh vật khác, được gọi là con người, có thể làm. Xin cho tinh thần tha thứ của Chúa Ki-tô thắng vượt khi đối mặt với những hành động man rợ này.”

Hội đồng Giám mục Pháp: "Họ bị giết trong nhà thờ, họ là một biểu tượng bị tàn sát"

Hội đồng Giám mục Pháp đã yêu cầu các giáo xứ kéo chuông nhà thờ vào lúc 3 giờ chiều để tưởng nhớ các nạn nhân. Các ngài cũng xin các tín hữu Công giáo cầu nguyện cho các nạn nhân.

Trong một tuyên ngôn, Đức cha Eric de Moulins-Beaufort, Tổng giám mục giáo phận Reims, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, viết: “Các vụ giết người xảy ra sáng nay ở Nice trong Vương cung thánh đường Đức Bà khiến hội đồng giám mục Pháp chìm trong nỗi buồn vô hạn. Chúng tôi nghĩ đến và cầu nguyện cho các nạn nhân, những người bị thương, gia đình và những người thân yêu của họ”. Tuyên ngôn nói rằng họ bị giết trong nhà thờ, họ là một biểu tượng bị tàn sát.

Các giám mục cũng nhấn mạnh rằng “Bất chấp nỗi đau đang đeo bám, tín hữu Công giáo không chịu khuất phục trước nỗi sợ hãi và cùng với cả dân tộc, họ muốn đối mặt với hiểm họa quỷ quyệt và mù quáng này”.

 Hội đồng giám mục Ý, trong một thông cáo, bày tỏ đau buồn và sự gần gũi với các nạn nhân của vụ tấn công tàn bạo, với gia đình họ, với các mục tử và tín hữu Pháp. Đồng thời các ngài lên án văn hóa thù hận và chủ nghĩa cực đoan sử dụng tôn giáo để làm xói mòn cấu trúc xã hội. Trong khi cầu nguyện cho cộng đoàn Công giáo Pháp, các giám mục Ý hy vọng rằng “hận thù của một số ít người không làm tiêu tan di sản quý giá được tạo nên từ phần lớn những người thuộc các tôn giáo khác nhau, những người hàng ngày làm chứng trong hòa bình về kinh nghiệm vui tươi của tình huynh đệ trong chủ nghĩa đa văn hóa”.

Từ Hoa Kỳ, hội đồng giám mục cũng hiệp thông với Đức Thánh Cha trong nỗi đau buồn về vụ tấn công tại đền thờ ở Nice. Các giám mục Mỹ viết: “Chúng tôi hiệp ý cầu nguyện với Đức Thánh Cha Phanxicô và cầu nguyện cho cộng đồng Công giáo ở Nice, đặc biệt là gia đình của những người đã mất người thân. Các ngài cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin ban cho họ được yên nghỉ đời đời, và xin cho ánh ngàn thu chiếu soi trên họ.” (CNA 29/10/2020)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét