Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2020

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 569

 


Bà Êlisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc nhà Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria.

Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao.

Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.

Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

Bấy giờ, bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

SUY NIỆM

Trong chuỗi Mân Côi, kinh Kính Mừng là kinh được lặp đi lặp lại nhiều hơn cả. Kinh này có hai phần. Phần một suy niệm về ân phúc nhờ đó Mẹ được ca tụng; phần hai là lời khẩn nguyện của mỗi tâm hồn.

Ở phần một, tiếng phúc được nhắc đến ba lần. "Phúc", vì Thiên Chúa ở cùng Mẹ. "Phúc", vì Mẹ được chọn giữa các người nữ. "Phúc", vì Đức Giêsu ở trong lòng Mẹ. Nếu suốt chuỗi dài của lịch sử dân tộc mình, người Do Thái đã thấy hạnh phúc và bình an khi có Hòm Bia Thiên Chúa ở giữa họ, dù Hòm Bia chỉ là dấu chỉ, là sự thông báo có Đấng ban muôn ân phúc cho họ, thì nay, Đấng ấy đến trong lịch sử nhân loại, hiện diện trong lòng Mẹ. Mẹ là kho tàng ân phúc, bởi Đức Giêsu trong lòng Mẹ là nguồn mạch mọi ân phúc. Do đó, khi xướng kinh Kính Mừng, tín hữu vừa ca tụng tình yêu Chúa, vừa chúc mừng Mẹ, vừa nhận ra mình đang hạnh phúc như Mẹ: Chúa đang ở trong mình.

Cha Stephano Gobbi viết rằng: “Với lời Kinh Mân côi, bạn sẽ có thể nhận được từ Thiên Chúa hồng ân vĩ đại nhất là canh tân đời sống, thu phục các linh hồn về với Chúa trong sự ăn năn, tình yêu và thánh ân”.

 Mỗi khi hiện ra, Mẹ luôn kêu gọi siêng năng lần hạt Mân Côi, và Thánh giáo hoàng Phao-lô VI đã nói: Sau giờ kinh phụng vụ, chuỗi Mân Côi là cao điểm của kinh nguyện gia đình. Vậy bạn còn trung thành lần chuỗi Mân Côi không?

 Lạy Mẹ, Mẹ được hạnh phúc vì Thiên Chúa ở cùng Mẹ và Mẹ sống tận hiến đáp lại tình Chúa yêu. Xin cho con đừng quên lãng hạnh phúc này, nhất là khi rước Thánh Thể con Mẹ. Xin cho con biết tận hiến như Mẹ.

PHỤNG VỤ

Thứ Tư, ngày 07.10: Lễ Đức Mẹ Mân Côi, lễ nhớ

TIN TỨC

1. Tòa Thánh sẽ gia hạn hiệp định với Trung Quốc

 Trong bài xã luận, phổ biến chiều ngày 29/9/2020 vừa qua, ông Andrea Tornielli, Giám đốc     Biên tập tại Bộ truyền thông Vatican, giải thích rằng hiệp định tạm thời ký kết ngày  22/9/2018 với Trung Quốc, sẽ hết hạn ngày 22/10 tới đây, với tư cách là “thử nghiệm hai năm”. Đức Hồng y Parolin Quốc vụ khanh Tòa Thánh cho biết có ý định đề nghị với chính quyền Trung Quốc gia hạn hiệp định tạm thời này. Đức Hồng y nói: “Mặc dù có những  chậm trễ và khó khăn, trở nên trầm trọng hơn trong mười tháng gần đây vì đại dịch, nhưng tôi thấy tiếp tục hướng đi đã vạch ra là điều bõ công, rồi sẽ tính sau”.

Ông Tornielli nhắc lại rằng như trong thông cáo chung đầu tiên ngày 22/8/2018, hiệp định tạm thời không liên hệ trực tiếp tới các quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Trung Quốc, qui chế pháp lý của Giáo hội Công giáo Trung Quốc, các quan hệ giữa hàng giáo sĩ và chính quyền Trung Quốc. Hiệp định chỉ nói về tiến trình bổ nhiệm các giám mục là một vấn đề thiết yếu đối với đời sống Giáo hội và sự hiệp thông của các vị mục tử Công giáo Trung Quốc với Đức Giám mục Roma và các giám mục trên thế giới. Vì thế, đối tượng của hiệp định tạm thời không bao giờ có tính chất ngoại giao thuần túy và càng không có tính chất chính trị, nhưng luôn luôn là mục vụ: mục tiêu của hiệp định là để các tín hữu Công giáo có các giám mục hoàn toàn hiệp thông với Người Kế vị thánh Phêrô và đồng thời được chính quyền Trung Quốc công nhận.

                                                                                                     G. Trần Đức Anh, O.P

2. Các giám mục Đức hoãn lại vô thời hạn việc bỏ phiếu về rước lễ chung với Tin lành

Hội đồng Giám mục Đức hoãn lại vô thời hạn việc bỏ phiếu về vấn đề có thể rước lễ chung giữa Công giáo và Tin lành. Giáo luật hiện hành và đạo lý của Giáo hội không cho phép việc này.

Đức cha Georg Bätzing, giám mục giáo phận Limburg, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, đã cho biết như trên, hôm 24/9/2020 vừa qua, trong cuộc họp báo sau khóa họp mùa thu của các giám mục Đức ở thành phố Fulda. Hội đồng Giám mục Đức tôn trọng các vấn nạn của Tòa Thánh về vấn đề này. Nay cần phải để nhóm làm việc đại kết Công giáo và Tin lành Đức phản ứng đối với sự phê bình của Tòa Thánh, và sau đó Hội đồng Giám mục Đức sẽ tiếp tục cuộc thảo luận.

 Theo quyết định trên đây, thật là điều khó có thể xảy ra việc rước lễ chung giữa Công giáo và Tin lành, trong Đại hội Đại kết chung giữa Công giáo và Tin lành Đức, vào năm tới (2021), tại thành phố Frankfurt.

 Trong thời gian trước đây, Đức cha Georg Bätzing đã mời gọi thực hiện sự rước lễ chung giữa Công giáo và Tin lành, trong dịp đại hội vừa nói, nhưng hồi cuối tuần 19/9 Bộ Giáo lý đức tin đã phản đối dự tính này, vì vẫn còn nhiều khác biệt hệ trọng giữa lập trường của Công giáo và Tin lành, liên quan đến bí tích Thánh Thể và thánh chức. Tin lành không công nhận Thánh Thể và phép truyền chức thánh là bí tích, và cũng không nhìn nhận sự hiện diện thực của Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể. Tin lành cũng như Công giáo không có cùng lập trường về bản chất Giáo hội. Việc cho rước lễ chung giữa Công giáo và Tin lành tại Đức sẽ đào sâu hố chia cách với các Giáo hội Chính Thống.

 Trong chiều hướng này, Bộ Giáo lý đức tin cũng như Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô kêu gọi các Giáo hội Kitô tại Đức đừng gạt các Giáo hội Chính thống ra ngoài, trong các cuộc đối thoại đại kết tại nước này.

 G. Trần Đức Anh, O.P.

KHÓC VỚI NGƯỜI KHÓC

Cụ Bà Matta Nguyễn Thị Hồng, sinh năm 1941 tại Quảng Bình, thuộc Gh.Simon Hoà, đã được Chúa gọi về ngày 30.9.2020. Thánh lễ An Táng vào lúc 4h30 sáng thứ Bảy (03.10.2020) và An nghỉ tại nghĩa trang Gx. Vinh An.

Giáo xứ xin chia buồn cùng tang quyến và hiệp thông cầu nguyện cho linh hồn cụ bà Matta sớm về hưởng tôn nhan Chúa.

THÔNG BÁO

1.      Sáng thứ Sáu (09.10), lúc 7h00: trao Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân.

2.      Sáng Chúa Nhật (11.10): lúc 8h30, mời HĐMV và Các hội Đoàn họp để chuẩn bị Giáng Sinh sắp tới.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét