Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2024

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 828

 


CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN

LỜI CHÚA: Mc 7,31-37

Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđon, đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh. Người ta đem một kẻ câm điếc đến cùng Người và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Ðoạn ngước mặt lên trời, Người thở dài và bảo: “Effetha!” (nghĩa là “Hãy mở ra!”), tức thì tai anh ta mở ra, và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng. Chúa Giêsu liền cấm họ đừng nói điều đó với ai. Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn. Họ đầy lòng thán phục mà rằng: “Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được!”

 

SUY NIỆM

Bài Tin Mừng (Mc 7, 31-37) ghi lại phép lạ Chúa Giêsu chữa lành một người vừa điếc vừa ngọng. Khi người ta dẫn anh đến với Chúa, Ngài đã tách anh ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai và chạm vào lưỡi anh. Sau đó, Chúa ngước mắt lên trời, thở dài và nói: “Épphatha”, nghĩa là “Hãy mở ra!” Lập tức, tai anh mở ra, lưỡi hết bị buộc, và anh nói được rõ ràng.

Phép lạ này không chỉ đơn thuần là sự chữa lành về thể xác, mà còn là một mạc khải về việc Chúa Giêsu đến để giải thoát chúng ta khỏi sự “điếc” và “ngọng” trong đời sống thiêng liêng.

Trong đời sống thường nhật, đôi khi chúng ta cũng có thể rơi vào tình trạng "điếc" về mặt tâm linh. Chúng ta nghe lời Chúa nhưng không thật sự lắng nghe, không để ý đến tiếng Chúa đang gọi mời. Tiếng ồn ào của cuộc sống, những bận rộn với công việc và lo toan thường khiến lòng chúng ta trở nên chai lì, không còn nhạy bén để cảm nhận sự hiện diện và lời nhắc nhở của Thiên Chúa. Sự "điếc" này không chỉ làm mờ nhạt đức tin, mà còn khiến chúng ta xa rời nguồn sống đích thực là Chúa Kitô.

Không chỉ tai "điếc", nhiều khi chúng ta cũng bị "ngọng" trong việc diễn tả đức tin của mình. Chúng ta có thể e ngại, sợ hãi khi phải chia sẻ niềm tin với người khác. Hoặc đôi khi, chúng ta biết điều gì là đúng, nhưng lại không dám nói, không dám làm chứng cho sự thật. Sự ngọng ngịu này ngăn cản chúng ta sống trọn vẹn ơn gọi của mình, làm người môn đệ của Chúa.

Lời “Épphatha” của Chúa Giêsu không chỉ là một lời chữa lành dành cho người bệnh trong câu chuyện Tin Mừng, mà còn là lời mời gọi dành cho tất cả chúng ta. Chúa muốn chúng ta "mở" tai, lòng và tâm hồn ra trước sự hiện diện và lời dạy của Ngài. Khi chúng ta thật sự lắng nghe, để lòng mình được chạm đến bởi tình yêu và lòng thương xót của Chúa, chúng ta sẽ tìm thấy sự bình an và sức mạnh. Khi tai và miệng được mở ra, chúng ta sẽ có khả năng sống và làm chứng cho đức tin cách can đảm hơn, chân thật hơn.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, Đấng mang đến sự chữa lành và giải thoát, xin hãy nói “Épphatha” trong cuộc đời chúng con. Xin mở tai chúng con để lắng nghe lời Chúa, mở lưỡi chúng con để dám nói lên sự thật, và mở lòng chúng con để đón nhận tình yêu và ân sủng Chúa. Xin cho chúng con can đảm bước đi trong đức tin, sống đời sống chứng nhân cho Chúa trong mọi hoàn cảnh. Amen.

 

TIN TỨC

CHUYẾN TÔNG DU PHI THƯỜNG CỦA

ĐỨC GIÁO HOÀNG

03/09/2024

Ở tuổi 88, Đức Giáo hoàng Phanxicô đang bắt đầu chuyến công du quốc tế thứ 45 - chuyến công du dài nhất trong triều đại giáo hoàng của ngài, dành 12 ngày bên ngoài nước Ý...

Từ ngày 2-9 đến ngày 13-9-2024, Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ đến thăm Indonesia, Papua New Guinea, Đông Timor và Singapore. Đây thực sự là một chuyến đi phi thường.

Ở tuổi 88, Đức Giáo hoàng Phanxicô đang bắt đầu chuyến công du quốc tế thứ 45 - chuyến công du dài nhất trong triều đại giáo hoàng của ngài, dành 12 ngày bên ngoài nước Ý. Tổng cộng, 44 giờ bay bằng máy bay và trực thăng cho hành trình gần 20.000 dặm đang chờ đợi ngài: Một thử thách thể chất ấn tượng đối với bất kỳ ai, và đặc biệt là đối với Đức Giáo hoàng - người có khả năng di chuyển hạn chế, buộc ngài phải sử dụng xe lăn hoặc gậy.

Các quốc gia trong hành trình này nằm trong một vùng biển rộng lớn, đó là quần đảo Sunda. Lãnh thổ rộng lớn này trải dài hàng ngàn cây số, từ thành phố đảo Singapore ở mũi Bán đảo Mã Lai đến vô số những hòn đảo của Sunda - một quần đảo lớn nhất thế giới, bao gồm Indonesia, Papua New Guinea và Đông Timor.

Trong khu vực này, có sự chênh lệch lớn giữa các quốc gia giàu có (chẳng hạn như Singapore) và các quốc gia nghèo (chẳng hạn như Timor và Papua New Guinea) cũng như chênh lệch giàu nghèo giữa các nơi trong cùng một quốc gia.

Các vấn đề cũng khác nhau rất nhiều giữa các vùng lãnh thổ đông dân (chẳng hạn như Singapore hoặc Java) và những nơi khác mà thiên nhiên đôi khi vẫn còn nguyên sơ (như trên đảo Papua). Vấn đề phát triển kinh tế, cũng như vai trò của công nghệ, vốn hiện diện ở khắp mọi nơi trong chính thành phố-quốc gia Singapore, là một trong những chủ đề mà Đức Giáo hoàng dự kiến sẽ đề cập đến.

Sự đa dạng về mặt tinh thần cũng lớn không kém: Đức Giáo hoàng sẽ đến thăm quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới, Indonesia, và gặp gỡ dân số có tỷ lệ người Công giáo cao nhất thế giới sau Vatican, đó là Đông Timor.

Nhóm tôn giáo hàng đầu ở Papua New Guinea là Tin Lành, và là Phật giáo ở Singapore. Và các tôn giáo truyền thống như đạo vật linh và Nho giáo, do có cộng đồng người Hoa di cư đông đảo, đóng vai trò quan trọng trong khu vực. Do đó, đối thoại liên tôn sẽ là một trong những chủ đề chính của chuyến đi, với hai cuộc gặp với đại diện của các tôn giáo khác tại Indonesia và Singapore.

Lần đầu tiên, Đức Giáo hoàng người Argentina sẽ đặt chân đến Châu Đại Dương với chuyến thăm Papua New Guinea. Ngài dự kiến sẽ gặp đại diện của các quốc gia nhỏ bé nằm trong một đại dương lớn nhất thế giới. Những lời phát biểu của ngài sẽ đề cập đến các vấn đề quan trọng đối với các quốc gia này, chẳng hạn như hậu quả thảm khốc của biến đổi khí hậu đối với hệ sinh thái đặc biệt phong phú nhưng cũng mong manh của họ.

Chuyến dừng chân ở Đông Timor cũng rất quan trọng: Không giống như chuyến thăm của Thánh Gioan Phaolô II năm 1989, đất nước mà Đức Phanxicô sẽ đến thăm đã không còn sự chiếm đóng của Indonesia kể từ năm 2002. Chuyến đi sẽ là cơ hội để tưởng nhớ lịch sử đẫm máu của quốc gia này, nhưng cũng là để hướng tới tương lai khi đất nước ấy đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế mới.

Cuối cùng, Đức Giáo hoàng - người tin rằng Giáo hội có nhiều điều để học hỏi từ phương Đông - sẽ rất muốn khuyến khích những người Công giáo và các nhà truyền giáo địa phương sống đức tin của họ một cách mãnh liệt hơn.

KHÓC VỚI NGƯỜI KHÓC

Em Matta Nguyễn Thị Thúy Vy, sinh 2009, ở giáo họ Simon Hòa, đã qua đời ngày 03/09/2024 tại Phan Thiết. Lễ an táng lúc 4g45 ngày 06/09/2024 tại Nhà Thờ Chính Tòa Phan Thiết, sau đó đưa an táng tại nghĩa trang Thành phố Phan Thiết.

THÔNG BÁO

1.    Vào lúc 7g00 sáng Chúa nhật tuần tới, ngày 15/09/2024, quý Cha sẽ dâng Thánh lễ cầu nguyện cho năm học mới cho các em Thiếu nhi và sau Thánh lễ sẽ có lễ khai giảng Giáo lý năm học 2024 – 2025. Vì thế xin quý phụ huynh nhắc nhở con em chúng ta đi tham dự Thánh lễ và lễ khai giảng đông đủ để cầu nguyện cho năm học mới cũng như để nhận lớp giáo lý và nhận Giáo lý viên chủ nhiệm của mình.

2.    Vào ngày 17/9 sắp tới, Xứ Đoàn Thiếu Nhi sẽ tổ chức vui Tết Trung Thu cho các em Thiếu Nhi trong Giáo xứ. Xin quý phụ huynh tạo điều kiện cho các em tham gia, cũng xin quý vị rộng lòng ủng hộ để Xứ Đoàn có kinh phí tổ chức cho chương trình được tốt đẹp hơn.

3.    Ủng hộ Thiếu Nhi vui Trung Thu:

-          Tiệm bánh Mỹ Vũ                                     5.000.000 đ

-          Hội gia trưởng                                          1.000.000 đ

-          Hội bà mẹ                                                  1.000.000 đ

-          Cô Tám (bếp)                                               500.000 đ

-          Gia đình ông bà Võ Quang Toà                100 USD (Đô Mỹ)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét