CHÚA NHẬT LỄ
CHÚA HIỂN DUNG
PHÚC ÂM: Mt 17, 1-9
Khi ấy, Chúa Giêsu gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người
đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt các ông:
mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết. Và đây ông
Môsê và Êlia hiện ra và đàm đạo với Người.
Bấy giờ ông Phêrô
lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm;
nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho
Êlia”. Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây sáng bao phủ các Ngài, và có
tiếng từ trong đám mây phán rằng: “Ðây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các
ngươi hãy nghe lời Người”. Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp xuống và hết sức
sợ hãi. Bấy giờ Chúa Giêsu đến gần, động đến các ông và bảo: “Các con hãy đứng
dậy, đừng sợ”. Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, trừ ra một mình Chúa
Giêsu.
Và trong lúc từ
trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông rằng: “Các con không được
nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại”.
SUY NIỆM
Việc Đức Giêsu biến hình hay hiển dung trên núi trước mặt
ba môn đệ không phải là để cho các ông dựng lều ở lại ngay trên đó. Nhưng là để
giúp các môn đệ nhận ra thiên tính của một Con Người mà họ đang cùng đồng hành
và nói chuyện với họ. Con Người đó không phải chỉ là người nhưng còn là Con
Thiên Chúa. Ngài là Con Thiên Chúa nhưng đồng thời Ngài cũng là Người Tôi Tớ
chịu đau khổ bởi vâng lời Thánh ý của Thiên Chúa Cha đến đổ máu chết trên thập
giá. Núi Tabor nơi Chúa biến hình tỏ vinh quang của Ngài là dấu báo trước chuẩn
bị cho cảnh hy sinh trên núi Can-vê. Khi chứng kiến Chúa biến hình, các môn đệ
sẽ có cơ hội biết rõ hơn Thầy của họ thực sự là ai, và họ được hưởng nếm trước
cái vinh quang và hạnh phúc đang chờ đón họ bởi việc đi theo Ngài. Đây cũng là sự
chuẩn bị tinh thần cho họ để khi Thầy của họ bị xỉ nhục bắt bớ thì họ không bị
mất niềm tin mà thất vọng.
Qua việc tường thuật là biến có Chúa biến hình hôm nay
Giáo Hội muốn nhắc cho chúng ta hãy nghe Lời Đức Kitô. Trách nhiệm của người Kitô hữu chúng ta là mở tai, mở lòng và mở
trí để đón nhận những gì Đức Giêsu giảng dạy và làm gương bằng cuộc sống của
Ngài. Lắng nghe lời Ngài không có nghĩa là chỉ nghe những gì Ngài nói, nhưng
còn phải chú ý đến những gì Ngài đã làm; đi theo con đường Ngài đã đi; bắt chước
cách Ngài đã làm trong việc xử sự với Thiên Chúa và với những người khác.
Xin Chúa giúp chúng ta biết vâng nghe
Lời Chúa dạy và biết biến đổi mình mỗi ngày trở nên giống Chúa hơn trong suy
nghĩ và hành động hầu xứng đáng là con cái Thiên Chúa. Amen.
BẢN
TIN
I.
VÀI NÉT
VỀ ĐẤT NƯỚC VÀ GIÁO HỘI BỒ ĐÀO NHA
Bồ Đào Nha chỉ rộng gần 92.000 cây số
vuông, tương đương với hơn một phần bốn lãnh thổ Việt Nam. Trong số 10 triệu
300.000 dân cư, có một phần ba sinh sống tại thủ đô Lisboa và vùng phụ cận.
Tỷ lệ Công giáo tại Bồ Đào Nha hiện nay
là gần 88,7% dân số toàn quốc. Cách đây gần 50 năm, tỷ số này là 96%.
Giáo hội Công giáo tại Bồ Đào Nha hiện
có 21 giáo phận, với 45 giám mục, gần 3.260 linh mục giáo phận và dòng, tức là
giảm 140 vị so với con số cách đây sáu năm, khi Đức Thánh cha đến thăm nước này
lần đầu tiên. Giáo hội Công giáo Bồ Đào Nha có 215 tu huynh và 3.860 nữ tu và
468 đại chủng sinh, tức là giảm 82 thầy so với cách đây bảy năm.
Trong lịch sử, cuộc cách mạng năm 1910
tại Bồ Đào Nha đã đưa tới sự truất hữu các tài sản của Giáo hội và giải tán các
dòng tu, đồng thời nhà nước cách mạng phát động chiến dịch bài giáo sĩ. Các
ngày lễ của Giáo hội và việc giảng dạy môn tôn giáo tại các trường học bị hủy
bỏ. Các giám mục bị trục xuất. Các cuộc hiện ra của Đức Mẹ hồi năm 1917 tại
Fatima đã củng cố lòng đạo đức và đời sống đạo của dân chúng.
Tiếp đến là thời ông Antonio de Oliveira
Salazar, người thiết lập chế độ độc tài tại Bồ Đào Nha, từ năm 1933. Ông công
khai nhìn nhận Giáo hội. Sau Công đồng chung Vatican II, trong Giáo hội Bồ Đào
Nha có khuynh hướng chống lại chế độ độc tài và nhiều thành phần Giáo hội đã
ủng hộ cuộc cách mạng năm 1974, đưa Bồ Đào Nha dần dần trở thành một cộng hòa
dân chủ.
Trong vài năm gần
đây, giống như trường hợp nhiều nước Âu Mỹ khác, những vụ giáo sĩ lạm dụng tính
dục trẻ vị thành niên trong quá khứ bị khui ra. Theo ủy ban điều tra độc lập,
do Giáo hội ủy nhiệm, có hơn 4.800 vụ lạm dụng trong 60 năm trời, từ 1950 đến
2010. Kết quả này khiến Giáo hội tại đây bị rúng động và không thiếu giới báo
chí quốc tế quan tâm đến tệ nạn này, nhân chuyến viếng thăm của Đức Thánh cha.
Tác giả: G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
II.
GIÚP
TRẺ NĂNG ĐỘNG
Theo nguyên tắc chung, trẻ em nên tập thể dục mỗi
ngày khoảng 60 phút, nhưng “nói dễ, làm khó,” nhất là vào mùa Đông. Giúp trẻ xa
rời ti-vi hoặc máy vi tính là nhiệm vụ của cha mẹ, để chúng không mải mê mà
không tốt cho sức khỏe. Năng động không chỉ có lợi hiện tại mà còn tạo thói
quen tốt, có lợi cho cả cuộc đời.
Đây là vài cách khả dĩ giúp trẻ năng động:
1. ĐỪNG SỢ THỜI TIẾT – Nếu trẻ thường ra ngoài chơi
hoặc đi xe đạp vào những ngày nắng ráo, nhưng lại khoái “ngủ đông” khi thời
tiết se lạnh, chính chúng cần phải tự cố gắng “vượt qua chính mình.” Chịu vận
động giúp cơ thể ấm dần sẽ cảm thấy bớt lạnh và khỏe khoắn hơn.
2. KHUYẾN KHÍCH CHƠI THỂ THAO – Một trong những cách
tốt là tham gia một đội thể thao (bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá,…), hoặc chạy
bộ, chơi cầu lông. Tùy độ tuổi của trẻ mà cho chúng tham gia loại hình thích
hợp nhất. Thể thao và thể dục luôn có lợi cho sức khỏe, nhất là tập thể dục
buổi sáng. Thân xác có khỏe mạnh thì tinh thần mới minh mẫn. Lối sống thụ động
khiến người ta nhụt chí, giảm mức tự tin, bất lợi cho não, do đó phải cố gắng
sống tích cực trong từng động thái hằng ngày.
3. THAM DỰ CÁC KHÓA HỌC VỀ THỂ LÝ – Nếu có điều kiện,
có thể cho trẻ tham gia các lớp bơi lội, thể dục, võ thuật, hoặc khiêu vũ.
Chúng sẽ hứng khởi tham gia nếu chúng thấy các bạn khác cũng tham gia, vì thế
cha mẹ có thể bàn thảo kế hoạch với các cha mẹ khác trong xóm, trong khu phố.
4. CHỌN CÁC TRÒ CHƠI CÓ TÍNH NĂNG ĐỘNG – Đôi khi các
trò chơi video có thể là cách tốt để giúp trẻ năng động trong những ngày giá
lạnh. Chúng có nhiều thời gian ngồi trước màn hình ti-vi hoặc máy vi tính để
chơi trò chơi, nhưng nếu chỉ chơi các trò chơi thiếu tình hoạt bát thì không
tốt bằng các trò chơi có tính năng động, chính tính năng động của các trò chơi
sẽ khiến chúng tích cực vận động.
Trầm Thiên Thu
KHÓC
VỚI NGƯỜI KHÓC
Bà Cêcilia Nguyễn Thị Hảo,
sinh 1952 tại Hà Nam, là vợ của ông Phêrô Nguyễn Minh Thông, ở giáo họ Matthêu
Phượng, đã qua đời ngày 30/7/2023 tại Phan Thiết. Lễ an táng lúc 4g45 ngày 02/8/2023 tại Nhà Thờ
Chính Tòa, sau đó đưa đi thiêu. Giáo xứ
xin chia buồn cùng tang quyến và hiệp thông cầu nguyện cho linh hồn Cêcilia mau
về hưởng tôn nhan Chúa.
THÔNG
BÁO
1/ Ban Giáo Lý xin
thông báo: Những con em sinh năm 2017 trở
về trước (tức là bắt đầu vào lớp 1 năm nay). Xin quý phụ huynh ghi danh cho con em của mình học giáo lý, địa
điểm tại Văn phòng Giáo Xứ, để các em vào lớp Giáo lý Khai Tâm 1 trong năm học
2023 – 2024 này.
2/ Vào lúc 7giờ, ngày 13 tháng 8, Thánh lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời – Bổn mạng
xứ Đoàn Maria. Và sau Thánh lễ Thiếu Nhi, các Huynh Trưởng sẽ có chương trình
ẩm thực và sinh hoạt cho các en thiếu nhi. Xin các phụ huynh tạo điều kiện cho
các em vui chơi trong ngày bổn mạng của xứ Đoàn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét