Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 734

 

CHÚA NHẬT XXXI TN C

Lc 19, 1-10

Khi ấy, Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua thành, thì kìa, có một người tên là Giakêu, ông thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có. Ông tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người ta đông quá, mà ông lại thấp bé. Vậy ông chạy lên trước, trèo lên một cây sung để nhìn xem Người, vì Người sắp đi ngang qua đó.

Khi vừa đến nơi, Chúa Giêsu nhìn lên và trông thấy ông ấy, nên Người bảo ông rằng: "Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi". Ông vội vàng trụt xuống và vui vẻ đón tiếp Người. Mọi người thấy vậy, liền lẩm bẩm rằng: "Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi".

Ông Giakêu đứng lên thưa cùng Chúa rằng: "Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn". Chúa Giêsu bảo ông ấy rằng: "Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất".

  SUY NIỆM

Câu chuyện Ðức Giêsu hoán cải người thu thuế làm nổi bật vai trò của Người: Người đến tìm và cứu chữa những gì đã hư mất. Chính Ðức Giêsu luôn đi bước trước, chỉ cần chúng ta biết mở lòng đón nhận Chúa. Như trong bài Tin Mừng, ông Giakêu đã tìm mọi cách để xem cho biết Chúa là ai. Và sau khi được Ðức Giêsu trao ánh mắt thân thương, được đối thoại và được Ðức Giêsu thăm viếng, ông đã biến đổi hoàn toàn. Ông đã sẵn sàng đền bù những của cải bất công và thực thi lòng quảng đại phi thường.

Thánh Cyprianô đã dạy: “Với con người còn ở trần gian, không có sự sám hối nào là quá trễ. Con đường đến với lòng thương xót Thiên Chúa vẫn luôn rộng mở”. Điều quan trọng là con người nhận ra tình thương của Chúa để hoán cải và được cứu độ.

BẢN TIN

1. Các Giám mục Mỹ phản đối nỗ lực của Tổng thống Biden trong việc biến phá thai thành điều luật

Ngày 25/10/2022, sau tuyên bố của ông Biden nói rằng ông ưu tiên việc biến quyền phá thai thành điều luật, Đức Tổng Giám mục William E. Lori của Baltimore, Chủ tịch Ủy ban các hoạt động vì sự sống của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, đã đưa ra tuyên bố nhấn mạnh giáo huấn của Giáo hội Công giáo về việc duy trì phẩm giá của sự sống con người.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố rằng ưu tiên lập pháp hàng đầu của ông sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ là làm cho quyền được phá thai thành điều luật.

Đức Tổng Giám mục Lori nhận định rằng Tổng thống Biden đã sai khi tiếp tục tìm kiếm những cách khả thi để khôi phục “quyền” phá thai. Ngài nói: “Tổng thống đã sai lầm nghiêm trọng khi tiếp tục tìm mọi cách có thể để tạo điều kiện cho việc phá thai, thay vì sử dụng quyền lực của mình để tăng cường hỗ trợ và chăm sóc các bà mẹ trong những tình huống khó khăn.”

Và ngài kêu gọi: “Chủ nghĩa cực đoan cứng nhắc này phải chấm dứt và chúng tôi khẩn cầu Tổng thống Biden công nhận con người trong những đứa trẻ chưa chào đời và sự chăm sóc vì sự sống thực sự cần thiết cho phụ nữ ở đất nước này.”Đức cha Chủ tịch Ủy ban các hoạt động vì sự sống của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ chia sẻ: “Là những mục tử hàng ngày phải đối mặt với những tác động bi thảm của việc phá thai, chúng tôi biết rằng phá thai là một hành động bạo lực kết thúc sự sống của những đứa trẻ chưa chào đời và làm tổn thương vô số phụ nữ.” Vì thế ngài nhắc lại rằng Giáo hội Công giáo mong muốn tiếp tục hợp tác với chính phủ và các nhà lãnh đạo của chúng tôi để bảo vệ quyền sống của mỗi con người và đảm bảo rằng các bà mẹ mang thai và nuôi dạy con cái được hỗ trợ đầy đủ trong việc chăm sóc con cái của họ trước và sau khi sinh.”

Trong một tuyên bố sau đó được công bố vào ngày 26/10/2022, gửi đến các thành viên Quốc hội, các giám mục Hoa Kỳ kêu gọi họ thể hiện “tình liên đới hết sức” với các bà mẹ, trẻ sơ sinh và gia đình.

Tuyên bố viết: “Chúng tôi hy vọng rằng tất cả chúng ta có thể đồng lòng giúp đỡ những phụ nữ mang thai và bà mẹ đơn thân có hoàn cảnh khó khăn, để họ có được sự hỗ trợ, an ủi và mong họ xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Tuyên bố bao gồm một danh sách các khuyến nghị về các chính sách mà các Giám mục đã ủng hộ trong nhiều năm, bao gồm các biện pháp bảo vệ việc làm cho phụ nữ mang thai và cho con bú, hỗ trợ cho các trung tâm tư vấn cho người mang thai, Tín dụng thuế trẻ em, chính sách nghỉ phép của cha mẹ, chăm sóc trẻ em, nhà ở, sức khỏe bà mẹ và trẻ em, dinh dưỡng, hỗ trợ nhận con nuôi, v.v.

Hồng Thủy

2. Tổng thống Putin “sẵn sàng” đối thoại với ĐTC về chiến tranh ở Ucraina

Ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Vladimir Putin của Nga, cho biết chính phủ của ông sẵn sàng đối thoại với Đức Giáo hoàng Phanxicô, Hoa Kỳ và Pháp để tìm ra giải pháp cho cuộc chiến ở Ucraina.

Phát biểu của đại diện của Tổng thống Putin ám chỉ đến đề xuất được Tổng thống Emmanuel Macron đề nghị với Đức Thánh Cha khi yết kiến ngài hôm 24/10.

Nói với tạp chí Le Point, Tổng thống Macron cho biết ông đã đề nghị Đức Giáo hoàng Phanxicô gọi điện cho ông Vladimir Putin và Thượng phụ Kirill, và cả ông Joe Biden. Ông nói: “Chúng ta cần Hoa Kỳ ngồi vào bàn hội nghị để thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Ucraina. Ông Joe Biden có một mối quan hệ tin cậy thực sự với Đức Giáo hoàng. Đức Giáo hoàng có thể tác động đến ông ấy để Mỹ tái can dự ở Haiti và Ucraina.”

Ông Peskov cho rằng “nếu điều này thực sự đi đúng hướng với những nỗ lực tìm kiếm các giải pháp khả thi thì có thể được đánh giá một cách tích cực.” Tuy nhiên, ông lưu ý rằng tuyên bố này không nói rằng ai đó nên gọi cho Tổng thống Zelensky và đề cập đến khuôn khổ pháp lý đang ngăn cản bất kỳ cuộc đàm phán nào với Nga.

Trong cuộc họp báo qua điện thoại hàng ngày, ông Peskov nói: “Chúng tôi sẵn sàng thảo luận về tất cả những điều này (tình hình ở Ucraina) với người Mỹ, với người Pháp và với Giáo hoàng. Nga mở cửa cho tất cả các cuộc tiếp xúc, nhưng cần phải bắt đầu từ thực tế là Ucraina đã hệ thống hóa việc không tiếp tục đàm phán.” Ông ám chỉ đến sắc lệnh được ký bởi Tổng thống Zelensky nhằm thực thi quyết định của Hội đồng An ninh Quốc gia Ucraina về việc không thể tổ chức các cuộc hội đàm với Putin.

Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, đã đánh giá phát biểu của phía Nga là "những tín hiệu chung nhưng tích cực từ Điện Kremlin," và nói thêm: "chúng tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ đối thoại." (Il Messaggero 26/10/2022)

Ngày 24/10/2022, 8 tháng kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược Ucraina, đã có hơn 6.000 dân thường thiệt mạng, trong đó có gần 400 trẻ em. (ACI Prensa 25/10/2022)

Vatican News

THÔNG BÁO

1. Vào lúc 7g00, sáng Thứ Bảy (05.11.2022): rửa tội cho trẻ sơ sinh. Xin quý cha mẹ có con rửa tội, đến xin giấy giới thiệu nơi BĐH. giáo họ, và nộp sổ gia đình về văn phòng giáo xứ trong tuần này.

2. Giáo xứ xin cám ơn: Ac. Yến Phi ủng hộ Giáng Sinh 2 triệu đồng.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét