Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2022

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 731

 

CHÚA NHẬT XXVIII TN C

(Lc 17, 11-19)

Khi Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa. Khi Người vào một làng kia, thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa rằng: "Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi". Thấy họ, Người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế". Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch. Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người, mà người ấy lại là người xứ Samaria. Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: "Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này". Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: "Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi". 

 SUY NIỆM

Mười người phong hủi kêu xin lòng thương xót, và cả mười được Chúa Giê-su đoái thương chữa lành. Mười người ấy gồm cả người Ít-ra-en lẫn người Sa-ma-ri vốn bị coi là ‘dân ngoại’. Điều đáng ngạc nhiên là chỉ có một người, mà lại là người Sa-ma-ri, quay lại tạ ơn và tôn vinh Chúa vì được chữa lành. Quả thật, tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa không phụ thuộc chúng ta là ai, hoặc thái độ của chúng ta thế nào cũng không phải vì chúng ta có xứng đáng hay không. Ngài ban ơn chữa lành cho 10 người phong cùi dù họ chưa nhận biết và ngay cả khi họ đáp lại bằng sự vô ơn. Việc tạ ơn Chúa không thêm gì cho Ngài nhưng lại là dịp cho chúng ta được nên công chính.

Lòng biết ơn chỉ thực sự xảy đến với những ai ý thức mình không xứng đáng mà vẫn được yêu.

BẢN TIN

1.Tổng Giáo Phận Hà Nội chào đón Đại hội Hội Đồng Giám Mục Việt Nam lần thứ XV

Thứ Hai ngày 03/10/2022, Tổng Giáo Phận (TGP) Hà Nội  chào đón quý Đức Tổng Giám Mục (TGM), quý Đức cha thuộc 26 Giáo phận trên cả nước về tham dự Đại hội Hội đồng Giám mục (HĐGM) Việt Nam lần thứ XV. Cách riêng, Đại hội cũng hân hoan chào đón sự hiện diện của Đức TGM Marek Zalewski, Đại diện Toà thánh không thường trú tại Việt Nam.

Đại hội HĐGM Việt Nam được tổ chức 3 năm một lần để bầu chọn các Giám mục đứng đầu HĐGM Việt Nam và các Ủy ban trực thuộc nhiệm kỳ tiếp theo. Đồng thời, đây là dịp để các vị chủ chăn của Giáo hội Việt Nam đưa ra định hướng mục vụ cho 3 năm kế tiếp, hướng dẫn dân Chúa một cách cụ thể và có hiệu quả hơn. Năm nay TGP Hà Nội vinh dự là nơi tổ chức kỳ Đại hội lần thứ XV.

Tại tiền sảnh của Trung tâm Mục vụ TGP Hà Nội, cha Tổng Đại diện Antôn Nguyễn Văn Thắng vui mừng chào đón quý Đức TGM. Ngay sau đó, tại phòng khách tầng I của Trung tâm, Đức TGM Giuse đã đón tiếp quý Đức cha trong bầu khí thân mật. Trong giờ tiếp đón buổi chiều, các vị lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đến chúc mừng quý Đức cha trong kỳ Đại hội HĐGM VN.

Vào lúc 18h30, tại phòng tiệc, Đức TGM Giuse cùng đại diện các thành phần dân Chúa của TGP Hà Nội chào đón Đức Hồng Y, quý Đức cha, quý Cha trong tiếng hát hân hoan.

Mở lời, Cha Tổng Đại diện Antôn Nguyễn Văn Thắng gửi lời chào và lời cảm ơn đến Đức Hồng Y, quý Đức cha và quý Cha. Ngài bày tỏ niềm vui khi công trình Trung tâm Mục vụ đã được hoàn thiện và có thể phục vụ Đại hội. Kết lời, Cha Antôn hy vọng Đại hội HĐGM Việt Nam lần thứ XV sẽ thành công tốt đẹp.

Đáp lời, Đức cha Chủ tịch HĐGM Việt Nam Giuse Nguyễn Chí Linh chia sẻ tâm tình khi được trở về Giáo phận thủ đô. Ngài khẳng định Hà Nội vẫn là trung tâm hành hương với nhiều kỷ niệm linh thiêng của Giáo hội. Đức cha cũng dành lời chúc mừng Đức TGM Giuse đã hoàn thành công trình Trung tâm Mục vụ TGP Hà Nội.

Vào lúc 20h00 cùng ngày, quý Đức cha sẽ chính thức bước vào giờ chầu khai mạc Đại hội HĐGM Việt Nam lần thứ XV.

Chúng ta cùng hiệp thông trong lời cầu nguyện cho Đại hội HĐGM Việt Nam sẽ gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp, dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần.

2.  ĐTC kêu gọi ngừng chiến tranh ở Ucraina

Diễn biến của cuộc chiến ở Ucraina đã trở nên nghiêm trọng, tàn khốc và đầy đe dọa, gây ra những lo ngại lớn. Vì vậy, Đức Thánh Cha muốn dành toàn bộ bài suy tư trước kinh Truyền tin, để nói về cuộc chiến này. Quả thực, vết thương khủng khiếp và không thể tưởng tượng đối với nhân loại của cuộc chiến này, thay vì hàn gắn, lại tiếp tục đổ máu nhiều hơn, có nguy cơ lan rộng hơn nữa.

ĐTC nói: tôi đau buồn bởi những dòng đầy sông máu và nước mắt đã đổ trong những tháng vừa qua. Tôi rất đau buồn trước hàng ngàn nạn nhân, đặc biệt là trẻ em, và sự tàn phá đã khiến nhiều người và nhiều gia đình mất nhà cửa và đe dọa những vùng lãnh thổ rộng lớn sẽ bị lạnh và đói. Những hành động như vậy không bao giờ có thể được biện minh, không bao giờ! Điều đáng lo ngại là thế giới đang biết về địa lý của Ucraina thông qua những địa danh như Bucha, Irpin, Mariupol, Izium, Zaparizhzhia và những khu vực khác, những vùng đã trở thành nơi đau khổ và sợ hãi không thể diễn tả thành lời. Vậy còn việc nhân loại một lần nữa phải đối mặt với hiểm họa nguyên tử thì sao? Thật là phi lý.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Phải chảy bao nhiêu máu nữa để chúng ta nhận ra rằng chiến tranh không bao giờ là giải pháp, nhưng chỉ là sự hủy diệt? Nhân danh Thiên Chúa và nhân danh cảm thức nhân loại vốn có trong mỗi trái tim, tôi lặp lại lời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức. Hãy dừng sử dụng vũ khí, hãy kiếm tìm các điều kiện để đàm phán, điều đưa đến những giải pháp không bị áp đặt bởi sức mạnh nhưng bằng sự đồng thuận, công bằng và ổn định. Chúng ta sẽ làm được điều này nếu chúng ta biết tôn trọng các giá trị bất khả xâm phạm của sự sống con người, cũng như chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia, các quyền của những nhóm thiểu số và các mối bận tâm chính đáng.

Tôi vô cùng lấy làm tiếc về tình hình nghiêm trọng đã gia tăng trong những ngày gần đây, với thêm những hành động tiếp tục trái với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Điều này làm tăng nguy cơ leo thang hạt nhân, làm dấy lên lo ngại về những hậu quả thảm khốc và không thể kiểm soát trên toàn thế giới.

Lời kêu gọi của tôi trước hết được gửi tới Tổng thống Liên bang Nga; tôi thỉnh cầu tổng thống Nga chấm dứt vòng xoáy bạo lực và chết chóc này, cũng vì lợi ích của chính người dân Nga. Mặt khác, đau buồn trước những đau khổ to lớn của người dân Ucraina do hậu quả của sự xâm lược mà họ phải gánh chịu, tôi cũng tin tưởng gửi lời thỉnh cầu Tổng thống Ucraina hãy cởi mở với những đề nghị nghiêm túc về hòa bình. Tôi kêu gọi tất cả những người quan trọng trên đấu trường quốc tế và các nhà lãnh đạo chính trị của các quốc gia hãy làm mọi thứ có thể để chấm dứt chiến tranh, và không để mình bị cuốn vào những leo thang nguy hiểm, đồng thời thúc đẩy và ủng hộ các sáng kiến ​​đối thoại. Xin hãy giúp cho các thế hệ trẻ được hít thở bầu khí lành mạnh của hòa bình, thay vì sự ô nhiễm của chiến tranh, vốn là sự điên rồ!

Sau bảy tháng chiến sự, chúng ta hãy sử dụng tất cả các biện pháp ngoại giao, ngay cả những biện pháp chưa từng được sử dụng trước đó, để chấm dứt thảm kịch khủng khiếp này. Chiến tranh tự nó là một sai lầm và là một nỗi kinh hoàng!

Chúng ta hãy tin tưởng vào lòng Chúa thương xót, Đấng có thể biến đổi trái tim, và vào sự chuyển cầu của Đức Maria, Nữ Vương Hòa Bình, khi chúng ta cất cao lời cầu xin với Đức Mẹ Mân Côi ở Pompei, hiệp nhất cách thiêng liêng với các tín hữu đang quy tại Đền thánh và tại nhiều nơi trên thế giới.

 (Nguồn: RV)

THÔNG BÁO

1. Giáo xứ xin cám ơn: Màn cửa Anh Duy ủng hộ 2 triệu, để mua đèn cho nhà thờ.

2. Chúa Nhật XIX TN C - tuần tới (16.10.2022), Giáo Xứ La Dày  xin tiền xây dung nhà thờ, xin cộng đoàn chúng ta rộng tay quảng đại,giúp đỡ công trình xây dựng nhà thờ Giáo Xứ La Dày.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét