Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2022

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 706


 CHÚA NHẬT PHỤC SINH

Ga 20,1-9

Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: "Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu". Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.

SUY NIỆM

Những điều Gio-an thấy tại mộ Chúa vào buổi sáng ngày thứ nhất trong tuần hôm ấy được trình bày một cách rõ ràng, mạch lạc và chính xác chẳng khác nào một biên bản hiện trường: - Gio-an đến mộ nhưng nhường cho Phê-rô vào trước; - hiện trường ngôi mộ được bảo vệ nguyên vẹn  (khăn liệm và các giải băng vải được gấp xếp gọn ghẽ trong mộ…); - sự hiện diện của 2 nhân chứng (Phê-rô và Gio-an) tại ngôi mộ trống. Những điều Gio-an “thấy” chỉ là một ngôi mộ trống với những chứng tích còn lại. Và từ những điều trông thấy đó, Gioan đã khẳng định ngắn gọn và chắc nịch: “Ông đã thấy và đã tin”.

TIN TỨC

1. Đức Thánh Cha muốn viếng thăm Kazakhstan

Thứ Hai, 11.04, ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng báo chí Toà Thánh xác định: “Đức Thánh Cha muốn viếng thăm Kazakhstan để tham dự Đại hội lần thứ 7 của các lãnh đạo các tôn giáo truyền thống và thế giới” sẽ diễn ra vào tháng 9 tới.

Đại hội đầu tiên của các tôn giáo truyền thống và thế giới được tổ chức vào năm 2003 ở Astana, theo khuôn mẫu “Ngày cầu nguyện cho hoà bình” trên thế giới đã được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II triệu tập tại Assisi vào tháng 01.2002, nhằm tái khẳng định sự đóng góp tích cực của các truyền thống tôn giáo cho việc đối thoại và hoà hợp giữa các dân tộc và quốc gia, sau những căng thẳng của vụ tấn công khủng bố ngày 11.11.2001.

Đại hội liên tôn lần tới tại thủ đô Nur-Sultan sẽ có chủ đề “Vai trò của các nhà lãnh đạo tín ngưỡng thế giới và truyền thống đối với sự phát triển tinh thần-xã hội của nhân loại sau đại dịch”.

Liên quan đến sự kiện này, Giám đốc Phòng báo chí Toà Thánh xác nhận rằng, trong một cuộc trò chuyện video với ông Kassym-Jomart Tokayev, Tổng thống Kazakhstan, Đức Thánh Cha bày tỏ muốn viếng thăm quốc gia này để tham dự Đại hội liên tôn.

Đại hội vào tháng 9 tới lẽ ra đã được thực hiện vào năm 2021, nhưng do đại dịch phải hoãn lại cho đến năm nay. Hồi tháng 12.2020, ông Alibek Bakayev, đại sứ của Kazakhstan cạnh Toà Thánh đã nói về chuyến viếng thăm có thể của Đức Thánh Cha tại nước này. Ông cho rằng chuyến thăm của Đức Thánh Cha sẽ là “một sự kiện đặc biệt không chỉ đối với người Công giáo Kazakhstan, mà còn đối với toàn bộ khu vực Trung Á”.

Vị Giáo hoàng đầu tiên thăm Kazakhstan là Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Ngài đã thăm đất nước này, cùng với Armenia, vào tháng 9/2001.

Tại Kazakhstan, quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo Sunnit, có 5 giáo phận Công giáo, và theo thống kê năm 2008, chỉ có khoảng 250.000 người Công giáo theo nghi lễ Latinh, chiếm một thiểu số nhỏ trong dân số 18,28 triệu người.

Tòa Thánh đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Kazakhstan vào tháng 10.1992, chỉ 10 tháng sau khi nước này được thành lập vào tháng 12.1991.

Vatican News

2. Toà Thánh gửi sứ điệp đến các tín đồ Hồi giáo nhân tháng Ramadan

Nhân tháng chay tịnh Ramadan của Hồi giáo, Đức Hồng y Miguel Ángel Ayuso Guixot, Chủ tịch của Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn, và Đức ông Indunil Kodithuwakku Janakaratne Kankanamalage, Thư ký, gửi sứ điệp đến các tín đồ Hồi giáo, nhấn mạnh việc các Kitô hữu và các tín đồ Hồi giáo cùng chung sống trong những giờ phút tăm tối và ánh sáng, vì “tình yêu Thiên Chúa dành cho mỗi người và toàn thể vũ trụ”.

Trong sứ điệp với tựa đề “Các Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo: chia sẻ niềm vui và đau đớn”, Đức Hồng y viết: “Đại dịch và hậu quả của nó trên cuộc sống của mỗi người phải làm cho chúng ta tin tưởng hơn về tình yêu Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người. Một lần nữa tình trạng khẩn cấp về sức khoẻ trở thành dịp để suy tư về việc đại dịch đã làm thay đổi cuộc sống của chúng ta như thế nào”.

“Trong lúc các bạn cử hành tháng Ramadan, chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa Toàn Năng, đã bảo vệ tất cả chúng ta trong sự Quan phòng của Người. Chúng tôi cũng cầu nguyện cho những người đã qua đời và người bệnh với nỗi đau và hy vọng”. Đức Hồng y nhận xét rằng: “đại dịch cũng làm cho mọi người ý thức không chỉ chia sẻ vật chất như không khí, nước, sự sống, thức ăn, nơi trú ngụ, nhưng cả những kết quả của sự tiến bộ khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực khác nhau. Trên tất cả, chia sẻ với những ai đang cần giúp đỡ, đó là nghĩa vụ đặc biệt đối với những người bị mất việc hoặc gặp khó khăn kinh tế do đại dịch.”

Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh nhấn mạnh: “Chia sẻ làm cho chúng ta nhận ra rằng tất cả những gì chúng ta là và những gì chúng ta có đều là hồng ân Chúa, và do đó chúng ta phải dùng tài năng của chúng ta để phục vụ tất cả anh chị em, chia sẻ với họ những gì chúng ta có”.

Cuối sứ điệp Đức Hồng y Chủ tịch và Đức ông Tổng Thư ký hy vọng các tín đồ Hồi giáo và các Kitô hữu tiếp tục chia sẻ niềm vui và nỗi đau trong niềm hy vọng rằng tất cả tiếp tục chia sẻ trong dấu chỉ tình nhân loại và tình huynh đệ.

Ngọc Yến



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét