CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM C
Lc 23, 44-47
Lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu, tối tăm liền bao trùm cả mặt đất cho đến giờ thứ chín. Mặt trời trở nên u ám, màn trong đền thờ xé ra làm đôi ngay chính giữa. Lúc đó Chúa Giê-su kêu lớn tiếng rằng : Lạy Cha, Con phó linh hồn Con trong tay Cha". Nói đoạn, Người trút hơi thở.
Thấy sự việc xảy ra, viên sĩ quan ca tụng Thiên Chúa rằng : "Ông này quả thật là người công chính". Và tất cả dân chúng có mặt thấy cảnh tượng đó, và chứng kiến những sự việc xảy ra, liền đấm ngực trở về. Đó là lời Chúa.
Thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa: “Người này quả thật là công chính!” Và khi thấy những sự việc xảy ra như thế, tất cả những người đã tụ tập đông đảo để xem cảnh tượng ấy, đều đấm ngực trở về nhà. (Lc 23,47)
SUY NIỆM
Cuộc khải hoàn trọng thể của Chúa Giê-su vào Giê-ru-sa-lem (thể hiện qua nghi thức kiệu lá) chỉ là khởi điểm của tột đỉnh vinh quang của Ngài là cuộc khải hoàn trên thập giá (qua việc tường thuật lại cuộc thương khó). Chính trên thập giá, Chúa Giê-su tỏ mình đích thực là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế. Lời rao giảng của Chúa Giê-su “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” đã trổ sinh hoa trái ngay dưới chân thập giá: - dân chúng sám hối đấm ngực trở về; - và viên đại đội trưởng thì tin tưởng tuyên xưng: “Người này quả thật là công chính”.
Có khi nào thập giá của Đức Kitô biến đổi tâm hồn chúng ta sâu xa như thế chưa? Hãy nhìn lên thập giá, chiêm ngắm thập giá cho đến khi tâm hồn bạn thực sự rung động trước tình yêu tự hiến của Đức Kitô.
TIN TỨC
1.Cuộc họp đầu tiên của ủy ban mục vụ chuẩn bị Năm Thánh 2025
Ngày 4/4/2022, tại Vatican đã diễn ra cuộc họp đầu tiên của ủy ban mục vụ chuẩn bị Năm Thánh 2025, với sự tham dự của các đại diện từ các Bộ của Giáo triều Roma, của Hội đồng giám mục Ý và nhiều tổ chức khác trong Giáo hội, để nghiên cứu chiều kích thiêng liêng và nội dung của các sự kiện, theo hướng dẫn của Đức Thánh Cha.
Đức tổng giám mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh tái Truyền giảng Tin Mừng - cơ quan được Đức Thánh Cha ủy nhiệm tổ chức sự kiện - nói rằng Năm Thánh là một cuộc hành trình phong phú về nội dung mà tất cả các Giáo hội trên toàn thế giới có thể cùng nhau thực hiện. Ngài cũng cho biết những chỉ dẫn trong lá thư mà Đức Thánh Cha đã gửi cho ngài cách đây vài tháng là tránh để sự kiện diễn ra như một điều gì đó xảy ra cứ 25 năm một lần.
Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh tái Truyền giảng Tin Mừng giải thích: “Cùng với nhau, chúng tôi sẽ bắt đầu xem làm thế nào để mang lại ý nghĩa cho Năm Thánh, không chỉ từ quan điểm thiêng liêng, mà còn từ sự tổng hợp và từ các đề tài những sự kiện có thể có, theo những chỉ dẫn của Đức Thánh Cha.”
Cuộc họp của ủy ban văn hóa dự kiến diễn ra trong vài ngày tới, với mục đích tìm hiểu cách kết hợp trải nghiệm thiêng liêng với trải nghiệm văn hóa. “Chúng tôi muốn thành phố Roma có thể cung cấp tất cả sự phong phú về lịch sử, nghệ thuật, âm nhạc và kiến trúc của nó cho Năm Thánh này”. Một ý tưởng nảy sinh từ những kinh nghiệm trong Năm Thánh trước đây nêu bật mối liên hệ chặt chẽ giữa chiều kích hành hương và du lịch. “Trong lịch sử của những chuyến hành hương, người ta luôn thể hiện sự tò mò muốn biết và tìm hiểu về văn hóa địa phương, và trở về nhà với sự phong phú lạ thường”.
Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh tái Truyền giảng Tin Mừng cho biết một bộ máy tổ chức của Tòa Thánh đã thành hình, gồm một ủy ban kỹ thuật, một ủy ban đại kết và một ủy ban truyền thông. Ngài nhấn mạnh rằng việc liên kết với các phương tiện truyền thông cũng có tầm quan trọng cơ bản. “Cuộc họp cần phải làm rõ không chỉ cách thức truyền thông các sự kiện, nhưng trên hết là những hình thức phổ biến nhất để thu hút khách hành hương.”
Cuối cùng Đức tổng Fisichella cho biết rằng logo của Năm Thánh sẽ được công bố vào cuối tháng 5. Thực tế, ngày 20/5 là ngày bế mạc của cuộc thi quốc tế vừa được phát động để thu thập các dự án khác nhau. Và có vẻ như nhiều logo được gửi đến từ các nơi khác nhau trên thế giới. “Logo đầu tiên đến từ châu Phi, một dấu hiệu cho thấy sự quan tâm sâu sắc của lục địa này”.
Hồng Thuỷ
2. Cảm tưởng của Đức Hồng y Muller sau cuộc viếng thăm Ucraina
Đức Hồng y Gerhard Müller, nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, nhận định rằng những tuyên bố của Đức Thánh cha Phanxicô về chiến tranh tại Ucraina thật là rõ ràng như một thẩm quyền tinh thần. Tuy nhiên về mặt ngoại giao, Đức Giáo hoàng và Tòa Thánh ở trong một tình trạng khó khăn hơn: Ta phải phản ứng thế nào để đừng làm cho kẻ độc tài càng thịnh nộ hơn?”
Đức Hồng y Müller tuyên bố như trên, trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công giáo Áo Kathpress, truyền đi hôm 31 tháng Ba vừa qua, sau 11 ngày viếng thăm tại Ba Lan và vùng biên giới Ucraina. Cuộc viếng thăm này đã được lên chương trình từ lâu, trước khi xảy ra chiến tranh tại Ucraina, để giới thiệu bản dịch các tác phẩm của ngài. Vì tình trạng chiến tranh và làn sóng người tị nạn, ngài đã thay đổi một phần chương trình viếng thăm. Cuộc viếng thăm của Đức Hồng y Müller độc lập với cuộc viếng thăm của Đức Hồng y Konrad Krajewski, Chánh sở Từ thiện của Đức Thánh cha, và Đức Hồng y Michael Czerny, Quyền bộ trưởng Bộ Phát triển, là hai vị Đức Hồng y được Đức Thánh cha sai đi.
Đức Hồng y nói: “Khác với hai nhà độc tài Josef Stalin và Adolf Hitler, Tổng thống Nga Vladimir Putin mạnh mẽ tuyên xưng mình là Kitô hữu. “Ông hôn kính các ảnh đạo, làm dấu thánh giá, cầu nguyện, nhưng lại bỏ qua các nguyên tắc cơ bản của Kitô giáo”.
Đức Hồng y Müller cũng kể lại rằng trong các cuộc gặp gỡ tại biên giới Ba Lan và Ucraina, ngài có ấn tượng rất mạnh về sự rất sẵn sàng giúp đỡ của nhiều người thiện nguyện, nhiều người trẻ tự túc, đến từ Ba Lan, Đức, Mỹ, Israel và các nơi khác để giúp đỡ những người Ucraina tị nạn chiến tranh trong việc đăng ký, phân phát lương thực, nước uống, y phục và thuốc men, cũng như tổ chức các nơi trú ngụ.
Đức HY. cũng được biết 15% dân chúng tại thủ đô Varsava của Ba Lan hiện nay là người Ucraina, hầu hết được đón tiếp trong các tư gia. Trong khi đó có một số người Ucraina trở về nước, vì Nga đe dọa sẽ chiếm căn nhà trống hoặc chưa bị thiệt hại tại Ucraina.
G. Trần Đức Anh, O.P.
THÔNG BÁO
PHỤNG VỤ TUẦN THÁNH 2022
- 8g30 sáng Thứ Tư (13.4.2022): LỄ TRUYỀN DẦU
- 18g00 chiều Thứ Năm (14.4.2022): LỄ TIỆC LY
- 5g00 sáng Thư Sáu (15.4.2022): ĐI ĐÀNG THÁNH GIÁ
- 18g00 chiều Thứ Sáu (15.4.2022): TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CHÚA
- 20g00 tối Thứ Bảy (16.4.2022): CANH THỨC VƯỢT QUA
- 7g00 sáng Chúa Nhật (17.4.2022): CÁC EM RƯỚC LỄ LẦN ĐẦU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét