Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2022

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 704

 

CHÚA NHẬT V MÙA CHAY C

Ga 8, 1-11

Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi cây dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Họ hỏi Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?" Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: "Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi". Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất. Nghe nói thế, họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó. Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và bảo nàng: "Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?" Nàng đáp: "Thưa Thầy, không có ai". Chúa Giêsu bảo: "Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa".

SUY NIỆM

Đức Giê-su không nói người phụ nữ ngoại tình này là không có tội. Nhưng Ngài không lên án chị mà nói: “Chị hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa.” Chúa cho chị một cơ hội, Ngài mở ra cho chị con đường sống. Đó chính là sứ vụ của Ngài khi đến trần gian: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3,17). Con đường sống Chúa mở ra là con đường của lòng thương xót và tha thứ. Chúa không dung túng cho tội lỗi. Nhưng Ngài thương xót và tha thứ cho kẻ có tội và chịu chết để ban ơn cứu độ. Do đó, Ngài đòi hỏi tội nhân đổi đời là “đừng phạm tội nữa.” Con đường sống bắt đầu bằng việc hoán cải, dứt khoát với quá khứ tội lỗi để tiến vào trong tương lai của sự sống.

TIN TỨC

1. TGM Paglia trình bày với người Mỹ về quan điểm ủng hộ sự sống của ĐTC

Đức tổng giám mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống, đã đến New York hôm 28/3/2022 để trình bày với người dân Hoa Kỳ về quan điểm ủng hộ sự sống của Đức Thánh Cha. Ngài sẽ nói về ý nghĩa của việc ủng hộ sự sống trong Giáo hội Công giáo ngày nay.

Trước đó, ngày 25/3/2022, trả lời phỏng vấn trên điện thoại của Religion News Service, Đức Tổng giám mục Paglia nói rằng “Đôi khi, ở Hoa Kỳ, nhưng không chỉ ở đó, quan điểm ủng hộ sự sống đã bị thu hẹp vào hệ tư tưởng, trong đó đề cập đến các khía cạnh của sự sống, những điều chắc chắn là quan trọng, nhưng không thể tách rời khỏi mọi thứ khác.”

Các vấn đề liên quan đến sự sống, và cụ thể là phá thai, là một trong những chiến trường gây chia rẽ nhất ở Hoa Kỳ, với cả hai bên của cuộc tranh luận kiên quyết trong quan điểm của mình, từ tòa án đến các cuộc bầu cử, đến bàn ăn.

Đức tổng Paglia hy vọng rằng một cuộc đối thoại ở Hoa Kỳ sẽ giúp phát triển và thúc đẩy đối thoại chứ không chỉ là những lời buộc tội. Ngài nói: “Tôi tin rằng điều này có thể xảy ra và tôi không nghĩ đây sẽ là chuyến đi cuối cùng của tôi đến Hoa Kỳ. Đó chắc chắn là một phần của chuỗi các cuộc họp mà tôi sẽ tổ chức trong tương lai gần.”

Năm 1970, khái niệm “đạo đức học nhất quán về sự sống” nói rằng người Công giáo cam kết bảo vệ sự sống con người phải thực hiện một cách nhất quán ở bất cứ nơi nào tính mạng bị đe dọa - bênh vực người di cư, tù nhân mang án tử hình và các dân tộc bản địa đang gặp khó khăn vì biến đổi khí hậu - với cùng niềm đam mê mà họ bảo vệ những đứa trẻ chưa chào đời.

Đức tổng Paglia giải thích rằng quan điểm tổng thể này có thể cung cấp cho người Mỹ một giải pháp thay thế cho các quan điểm bảo thủ của họ trong các vấn đề về sự sống. Ngài nói: “Tất cả các tín hữu chúng ta đều chống lại việc phá thai, nhưng để đáng tin cậy, chúng ta phải tuyên bố rằng chúng ta chống lại việc giết trẻ em, chống lại án tử hình, chống lại chiến tranh, chống lại việc bỏ rơi và vứt bỏ người già.” Ngài khẳng định: “Bạn không thể bảo vệ một bàn chân mà không bảo vệ toàn bộ cơ thể. Bạn không thể bảo vệ một phần mà không bảo vệ toàn bộ. Đây là quan điểm của Đức Thánh Cha Phanxicô.” (RNS 28/03/2022)

Hồng Thuỷ

2. 5,8 tỷ người có thể đọc Kinh Thánh bằng ngôn ngữ của mình

Theo báo cáo của Liên hiệp Kinh Thánh toàn cầu hôm 30/3/2022, tính đến đầu năm 2022, toàn bộ Kinh Thánh đã được dịch ra 719 ngôn ngữ và được 5,8 tỷ người sử dụng. Bất chấp đại dịch Covid-19, trong năm 2021, các Hiệp hội Kinh Thánh trên khắp thế giới đã hoàn thành bản dịch Kinh Thánh bằng 90 ngôn ngữ được 794 triệu người sử dụng.

Liên hiệp Kinh Thánh toàn cầu cho biết các bản dịch được hoàn thành trong năm 2021 đặc biệt nhắm đến 11 triệu người lần đầu tiên có bản dịch Kinh Thánh bằng ngôn ngữ của họ.

Các bản dịch đã được hoàn thành là các bản dịch đầu tiên của 48 ngôn ngữ. Đó là tiếng Khualsim, một ngôn ngữ được sử dụng bởi 7.000 cư dân Myanmar; ngôn ngữ Asturian với 110.000 người dùng, sống chủ yếu ở tỉnh Asturias của Tây Ban Nha và ở một số vùng của Bồ Đào Nha; và ngôn ngữ bằng tiếng Santali, được sử dụng ở các vùng xa xôi của Tây Bắc Bangladesh. Trong khi 89% dân số Bangladesh theo đạo Hồi, phần lớn trong số 225.000 người Santali là Kitô giáo.

Liên hiệp Kinh Thánh toàn cầu cho biết thêm, một bản dịch mới của Tân Ước và Thánh vịnh, đặc biệt dành cho giới trẻ Hàn Quốc, đã được xuất bản bằng tiếng Hàn, ngôn ngữ có 81 triệu người dùng, trong đó có hơn 50 triệu người sống ở Hàn Quốc.

8 nhóm sắc tộc đã đón nhận bản dịch Tân Ước đầu tiên bằng ngôn ngữ của họ: 5 ở châu Phi và 3 ở châu Á. Các bản dịch đầu tiên của các sách nhỏ hoặc các phần bổ sung của bản văn Kinh Thánh cũng đã được xuất bản bằng 37 ngôn ngữ khác trên thế giới, bao gồm 5 ở Mexico và 4 ở Guatemala.

Tổng cộng, 7,1 tỷ người có ít nhất một phần bản văn Kinh thánh bằng tiếng mẹ đẻ của họ. Nhưng đối với hơn một nửa số ngôn ngữ trên thế giới, được 219 triệu người sử dụng, vẫn chưa có bản văn Kinh Thánh và 1,5 tỷ người không có bản dịch toàn bộ Kinh Thánh. Liên hiệp Kinh Thánh toàn cầu dự định tiếp tục công việc dịch thuật của mình để cung cấp Kinh Thánh cho càng nhiều người càng tốt.

Liên hiệp Kinh Thánh toàn cầu cũng cho biết, trong số 400 ngôn ngữ ký hiệu hiện có trên thế giới, chỉ có khoảng 60 ngôn ngữ có một phần bản dịch Kinh thánh và chỉ có một ngôn ngữ có toàn bộ bản dịch Kinh thánh. Và trong số 719 ngôn ngữ có toàn bộ bản dịch Kinh Thành, chưa tới 10% có bản dịch chữ nổi dành cho người khiếm thị. 

Vatican News

THÔNG BÁO

Để chuẩn bị tâm hồn bước vào Tuần Thánh và mừng đại lễ Phục Sinh, các cha sẽ ngồi toà giải tội vào hai ngày thứ Tư (06.4.2022) và thứ Năm (07.4.2022). Buổi sáng từ 8g00 – 10g45, buổi chiều từ 14g00 –17g30.

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét