Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2022

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 702

 


CHÚA NHẬT III MÙA CHAY C

Lc 13, 1-9

Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Ngài lên tiếng bảo: "Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy".

Ngài nói với họ dụ ngôn này: "Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: 'Kìa, ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!' Nhưng anh ta đáp rằng: 'Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi'". 

SUY NIỆM

Ai trồng cây cũng trông mong ăn trái, nhưng chẳng phải cây nào cũng cho trái, nhất là trái ngon. Cây trái lại có mùa vụ. Ít có giống nào ra trái quanh năm. Thế mà Chúa trồng chúng ta trong cuộc đời để chúng ta cho hoa trái và phải đâm hoa kết trái bốn mùa và trong mọi thời tiết dù có khắc nghiệt đến mấy đi nữa!!! Đời sống thiêng liêng chẳng có mùa vụ. Những mùa phụng vụ trải rộng quanh năm, Giáo Hội dùng để “bón phân tưới tắm” cho cây tín hữu.

Chúng ta hãy chọn một loại “trái cây” trong vườn cây trái “Hoà Bình” đó để trao tặng cho nhau qua những hành động bác ái, chia sẻ.

TIN TỨC

1. Toà Thánh công bố khẩu hiệu và logo chuyến tông du của ĐTC tại CHDC Congo

“Tất cả được giải hoà trong Chúa Giêsu Kitô” là khẩu hiệu chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Cộng hoà Dân chủ Congo từ ngày 02 đến 05.07, được Toà Thánh công bố vào thứ Hai 14.03.

 Theo giải thích của ban tổ chức địa phương cho chuyến tông du, logo có hình bản đồ quốc gia châu Phi với các đường viền là các màu của quốc kỳ.

Bản đồ cho thấy sự đa dạng sinh học trên mặt đất, và có một đường biên giới được mở về phía Tây như một dấu hiệu của sự chào đón nồng nhiệt dành cho sự kiện trọng đại này và những thành quả mà nó sẽ mang lại.

Đi vào chi tiết, màu vàng tượng trưng cho sự giàu có của Cộng hòa Dân chủ Congo với hệ động thực vật trên cạn và trong lòng đất. Màu đỏ ở biên giới phía đông tượng trưng cho sự đổ máu của các vị tử đạo ở khu vực đó. Màu xanh da trời ở phía bắc thể hiện khát vọng hoà bình của người dân Congo.

Bên trái có Thánh giá màu xanh muốn nói lên lòng sùng kính của người dân Congo đối với Đức Trinh Nữ, Đức Mẹ của Congo,  Đấng luôn cầu bầu cùng Chúa Kitô Cứu Thế cho dân tộc.

Ba người được đại diện là biểu tượng của tình huynh đệ: những người nam và những người nữ, người lớn và trẻ em, hợp nhất trong một bức ảnh ghép ở dưới chân Thánh giá, muốn nói lên khát vọng tình huynh đệ là một hồng ân đến từ Chúa. Màu sắc tươi sáng được sử dụng ở đây muốn thể hiện tình cảm và sự năng động đặc trưng của dân tộc Congo, sẵn sàng chào đón Vị Đại diện của Chúa Kitô và Người kế vị Thánh Phêrô trong niềm vui và hiệp nhất.

Trong logo cũng có một cành cọ đề cập đến khái niệm tử đạo, bắt nguồn từ lịch sử của Congo. Cành cọ biểu tượng chiến thắng, tái sinh và bất tử, muốn nói đến thông điệp hy vọng được đưa ra từ cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha.

Cuối cùng, ở trung tâm, giữa Thánh giá và bản đồ Congo, hình Đức Thánh Cha Phanxicô đang ban phép lành, một biểu tượng phúc lành và một niềm vui lớn cho quốc gia.

Ban tổ chức cũng chỉ ra một số yếu tố của đa dạng sinh học trên lãnh thổ Congo, bao gồm các khu vực đồi núi ở tất cả các vùng miền của đất nước, đặc biệt là ở phía đông có núi lửa phun trào, ảnh hưởng đến người dân Goma. Tiếp đến là dòng nước chảy muốn đại diện cho sự giàu có về thủy văn của đất nước, gồm sông Congo và các tuyến đường thủy của nó cũng như các hồ khác. Một cây xanh bên dòng nước chỉ ra tất cả hệ thực vật của Congo và những gì tạo nên nét đặc biệt của đất nước này. Cuối cùng là okapi - hươu đùi vằn, một biểu tượng động vật của Congo, quốc gia duy nhất có loại động vật này, đại diện cho sự giàu có của hệ động vật Congo.

Vatican News

2. ĐTC sẽ thánh hiến Nga và Ucraina cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Đức Mẹ

Chiều ngày 15.03.2022, ông Matteo Bruni, giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh đã thông báo rằng “vào thứ Sáu ngày 25.03.2022, trong nghi thức Thống hối do Đức Thánh Cha chủ sự vào lúc 5 giờ chiều tại đền thờ thánh Phêrô, Đức Thánh Cha sẽ thánh hiến hai nước Nga và Ucraina cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Đức Mẹ.”

 Thông cáo của Phòng Báo chí Toà Thánh cho biết thêm: “Vào cùng ngày, hành động tương tự sẽ được thực hiện tại Fatima bởi Đức Hồng y Konrad Krajewski, Chánh Sở Từ thiện của Đức Thánh Cha”, người được Đức Thánh Cha phái đến Fatima.

Trong lần hiện ra tại Fatima vào ngày 13.07.1917, Đức Mẹ đã yêu cầu thánh hiến nước Nga cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ. Đức Mẹ tuyên bố rằng nếu điều này không được thực hiện, nước Nga sẽ truyền bá “những sai lầm của nó khắp thế giới, cỗ võ chiến tranh và bách hại Giáo hội.”

Đức Mẹ nói thêm rằng “người tốt sẽ phải tử đạo; Đức Thánh Cha sẽ phải đau khổ nhiều, nhiều đất nước sẽ bị tiêu diệt.”

Sau những lần Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, nhiều hành động thánh hiến cho Trái tim Vô nhiễm của Mẹ Maria đã được thực hiện.

Vào ngày 31.10.1942, Đức Piô XII đã thánh hiến toàn thế giới, và  ngày 07.07.1952 ngài đã thánh hiến các dân tộc của Nga cho Trái tim Vô nhiễm của Mẹ Maria trong Tông thư Sacro vergente anno:

“Cách đây vài năm, chúng ta đã thánh hiến toàn thế giới cho Trái tim Vô nhiễm của Mẹ Thiên Chúa, thì bây giờ, theo cách đặc biệt nhất, chúng ta thánh hiến tất cả các dân tộc của Nga cho cùng Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội.” - Đức Giáo Hoàng Piô XII

Vào ngày 21.11.1964, thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã tái thánh hiến nước Nga cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội trước sự hiện diện của các nghị phụ của Công đồng Vatican II.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã soạn một kinh nguyện cho điều mà ngài gọi là “Hành động Tín thác” được cử hành tại đền thờ Đức Bà Cả vào ngày 07.06.1981, lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống.

Vào tháng 6/2000, Tòa Thánh đã công bố phần thứ ba của bí mật Fatima. Vào thời điểm đó, Đức tổng giám mục Tarcisio Bertone, Tổng Thư ký Bộ Giáo lý Đức tin lúc bấy giờ, đã nhấn mạnh rằng nữ tu Lucia, trong một lá thư năm 1989, đã đích thân xác nhận rằng hành động thánh hiến trọng thể và phổ quát này tương ứng với những gì Đức Mẹ muốn. Chị viết: “Vâng, nó đã được thực hiện giống như Đức Mẹ đã yêu cầu, vào ngày 25.03.1984”.

Nguồn: RV

THÔNG BÁO

1. Vào lúc 7g00, sáng thứ Bảy, 26.03.2022, trao Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân và người già.

2. Vào lúc 17g45, chiều thứ Sáu (25/3/2022), Lễ Truyền Tin, mừng Bổn mạng Hội Lêgiô Giáo xứ, kính mời hội viên Lêgiô và   cộng đoàn tham dự thánh lễ cầu nguyện cho hội Lêgiô.

3. Một ân nhân Gh. Anrê Kim Thông, ủng hộ người người nghèo 300 kg gạo, và 1 ân nhân khác thuộc Gh. Anrê Kim Thông ủng hộ người nghèo 100 kg gạo. Bà Báu ủng hộ người nghèo 1 tấn gạo.

4. Anh Nguyễn Văn Phong, Gh. Simon Hoà ủng hộ giáo xứ 2 triệu đồng.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét