Lc 9, 28b-36
Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng. Bỗng có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem. Phêrô và hai bạn ông đang ngủ mê, chợt tỉnh dậy, thấy vinh quang của Chúa và hai vị đang đứng với Người. Lúc hai vị từ biệt Chúa, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Khi nói thế, Phêrô không rõ mình nói gì. Lúc ông còn đang nói, thì một đám mây bao phủ các Ngài và thấy các ngài biến vào trong đám mây, các môn đệ đều kinh hoàng. Bấy giờ từ đám mây có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". Và khi tiếng đang phán ra, thì chỉ thấy còn mình Chúa Giêsu. Suốt thời gian đó, các môn đệ giữ kín không nói với ai những điều mình đã chứng kiến.
SUY NIỆM
Khi gợi lên cho ta thấy Đức Giêsu với “gương mặt biến đổi” nhờ sự cầu nguyện, Luca có ý khích lệ chúng ta. Trong cuộc sống đầy thử thách và thất bại, đầy đau khổ và tội lỗi, chỉ có cầu nguyện, vào những lúc nào đó, mới có thể biến đổi chúng ta. Bởi vì chúng ta cũng được “biến đổi”, phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương (2Cr 3,18). Khuôn mặt Mùa Chay phải là khuôn mặt biến đổi.
Tóm lại, sự thay đổi là trọng tâm của Mùa Chay, và mục đích của Giáo hội là tìm cách cho con cái mình lãnh nhận dồi dào ân sủng, để biến đổi họ trong vui mừng của Mầu nhiệm Phục sinh. Hôm nay Chúa dạy chúng ta bài học cầu nguyện, cầu nguyện thật sự, đúng cách sẽ thay đổi được tâm hồn con người, sẽ làm cho người khác nhận diện được sự đổi thay lạ lùng – dĩ nhiên là qua những việc làm lành thánh -, đó là cầu nguyện, đàm đạo với Chúa về con đường đi đến đồi Calvê, con đường khổ giá của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn từng ngày, từng lúc.
Ước gì trong Mùa Chay thánh này, mỗi người tín hữu sẽ nhận ra được giá trị thật sự của sự cầu nguyện, biết trở về với Giáo hội để lãnh nhận ân sủng, để cùng được biến đổi, cùng được dự phần vào ngày vinh thắng của Chúa.
TIN TỨC
1. ĐHY Parolin mời gọi giáo dân dấn thân trong mọi lĩnh vực xã hội
Trong cuộc phỏng vấn của báo Người đưa tin chiều của Ý, sau cuộc gặp gỡ với 70 hiệp hội giáo dân ở Roma, ngày 09/3, Đức Hồng y nói Sắc lệnh Apostolicam Actuositatem - Tông đồ Giáo dân, của Công đồng yêu cầu các giáo dân dấn thân trong các hoạt động tông đồ mạnh mẽ và mở rộng cách khẩn trương hơn trong thời đại đang thay đổi ngày nay.
Theo Đức Hồng y, điều quan trọng là phải nhắc lại rằng Công đồng không nhìn giáo dân như thể ở hàng thứ hai, phục vụ phẩm trật trong Giáo hội và đơn giản là những người thi hành mệnh lệnh từ trên đưa xuống, nhưng là những người đã được rửa tội, được kêu gọi làm sinh động và hoàn thiện thực tại trần thế với tinh thần Kitô. Sự hiệp lực này phát triển giáo huấn của thánh Phaolô: Giáo hội là một thân thể duy nhất, mặc dù được tạo thành nhiều chi thể, mỗi chi thể có chức năng riêng”.
Khi được hỏi về việc người Công giáo tham gia vào chính trị, Đức Hồng y cho rằng đây là điều thứ hai đến sau điều thứ nhất đó là dấn thân vào xã hội. Trong xã hội, người Công giáo phải hiện diện cách hữu hình, chứng tá của một quan điểm và một lối sống được truyền cảm hứng từ Tin Mừng. Tham gia vào chính trị là hệ quả tự nhiên của sự tham gia vào xã hội. Nếu không, nó sẽ giống như một người muốn xây toà nhà nhưng không có nền móng, không thể đứng vững và các nỗ lực trở nên vô ích.
Theo Đức Hồng y, những nguyên nhân dẫn đến sự “thoái lui” của giáo dân trong chính trị có nhiều: “Thứ nhất do khủng hoảng đức tin, mà một phần là hệ quả của sự tục hóa. Vào đầu thế kỷ này, tục hoá gia tăng mạnh mẽ một phần do công nghệ và kỹ thuật số, đang biến đổi lối sống và cách suy nghĩ của chúng ta. Sự biến đổi này cũng làm cho thể chế giáo hội bất ngờ”.
Đối với xu hướng phân chia người Công giáo giữa “những người bảo thủ” chú ý đến các vấn đề đạo đức và “những người cấp tiến” chú ý đến các vấn đề xã hội, Đức Hồng y chỉ rõ: “Hơn cả sự chia rẽ, tôi thích nói về sự khác biệt về quan điểm. Thật là một sai lầm nghiêm trọng khi nghĩ rằng các vấn đề đạo đức hoặc đạo đức sinh học rõ ràng hơn là các vấn đề xã hội và không có tính liên tục. Mọi đồng tiền đều có hai mặt. Các vấn đề xã hội không thể được đóng khung một cách chính xác nếu không bắt đầu từ một nhân học nào đó và ngược lại. Sự tách biệt này không có nền tảng và có hại cho chính hoạt động của Giáo hội”.
Ngọc Yến
2. Indonesia hy vọng Đức Thánh Cha sẽ sớm viếng thăm
Ông Qoumas đã bày tỏ như trên trong cuộc họp của Uỷ ban Giám mục về Tín ngưỡng và Quan hệ Liên tôn ở Bali ngày 07/3 vừa qua. Trong cuộc gặp gỡ này có sự hiện diện của Đức Tổng Giám mục Yohanes Harun Yuwono của Tổng Giáo phận Palembang, Chủ tịch của Uỷ ban, một số linh mục và giáo dân.
Ông Bộ trưởng cũng là thành viên của Nahdatul Ulama, tổ chức Hồi giáo ôn hoà lớn nhất Indonesia với khoảng 80 triệu thành viên. Ông Qoumas cho biết Bộ của ông đang làm việc để chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha sớm được thực hiện. Ông nói: “Tôi muốn Đức Thánh Cha đến tận mắt thấy được vẻ đẹp đa dạng ở Indonesia và trực tiếp gặp gỡ các tín hữu Công giáo. Tôi hy vọng, sau khi tình hình trở lại bình thường Đức Thánh Cha sẽ đến đất nước chúng tôi”.
Trong năm 2019, Bộ trưởng Tôn giáo và một số đại diện của Nahdatul Ulama đã gặp Đức Thánh Cha tại Vatican. Dịp đó, ông đã bày tỏ sự ủng hộ Tài liệu về Tình Huynh đệ Nhân loại vì Hoà bình Thế giới và sự Chung sống, được Đức Thánh Cha Phanxicô và Đại Imam Ahmad Al-Tayyib của đại học Al-Azhar ký trong năm 2018. Ông mô tả cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha là một “trải nghiệm tuyệt vời”. “Chúng tôi được đón tiếp ân cần. Tôi đã nói với Đức Thánh Cha về nét đẹp lòng khoan dung ở Indonesia và Đức Thánh Cha nói ngài rất yêu mến đất nước chúng tôi”, ông Bộ trưởng nói. Hôm 09/3, ông Laurentius Amrih Jinangkung, Đại sứ Indonesia cạnh Toà Thánh cho biết chính phủ Indonesia đã chính thức mời Đức Thánh Cha đến viếng thăm đất nước vào năm 2020, và chuyến tông du được dự tính diễn ra vào tháng 9/2020. Nhưng mọi sự đã phải hoãn lại do đại dịch. Ông hy vọng sau khi hoàn cảnh cho phép, chuyến tông du mau chóng được thực hiện.
THÔNG BÁO
1. Thứ Bảy, 19.03.2022, Lễ Thánh Giuse bạn trăm năm Đức Trinh Nữ Maria, bổn mạng Đức cha Giuse, cha phó Giuse Nguyễn Du, và Bổn mạng Hội gia trưởng Giáo xứ.
2. Một ân nhân thuộc giáo họ Anrê Trông, ủng hộ giáo xứ 5 triệu đồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét