Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2025

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 865

                            




                             CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH

LỜI CHÚA: Lc 24, 46-53

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Như đã ghi chép là Ðức Kitô phải chịu khổ hình và ngày thứ ba từ cõi chết sống lại; và nhân danh Người mà rao giảng việc sám hối và ơn tha tội trong mọi dân, bắt đầu từ Giêrusalem. Các con là nhân chứng những sự việc ấy. Thầy sẽ sai đến với các con Ðấng Cha Thầy đã hứa; vậy các con hãy ở lại trong thành cho đến khi mặc lấy quyền lực từ trên cao ban xuống”.

Rồi Người dẫn các ông ra ngoài, đến làng Bêtania, và giơ tay chúc phúc cho các ông. Sự việc xảy ra là đang khi Người chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời. Các ông thờ lạy Người, và trở về Giêrusalem lòng đầy vui mừng.

SUY NIỆM

Sau hành trình rao giảng, chịu khổ nạn và phục sinh, Chúa Giêsu không ở lại với các môn đệ cách hữu hình nữa, nhưng Ngài trở về cùng Chúa Cha – không phải để xa cách, mà để mở ra một giai đoạn mới cho Giáo Hội. Lễ Thăng Thiên không phải là ngày ly biệt buồn bã, nhưng là ngày của niềm hy vọng: Chúa đi để chuẩn bị chỗ cho chúng ta, và Ngài vẫn đồng hành với ta bằng một cách khác – sâu xa hơn, thiêng liêng hơn.

1. Chúa lên trời –mở ra một hướng đi mới

Khi Chúa Giêsu còn ở trần gian, Ngài hiện diện trong giới hạn của thân xác. Nhưng khi lên trời, sự hiện diện của Ngài vượt khỏi không gian và thời gian, để từ nay, mọi tín hữu ở khắp nơi trên thế giới đều có thể gặp gỡ Ngài – trong lời cầu nguyện, trong Bí tích Thánh Thể, trong đời sống hằng ngày.

Thăng Thiên không phải là mất mát, mà là bước chuyển mình của sự hiện diện – từ hữu hình sang thiêng liêng, từ gần gũi bên ngoài đến sâu lắng bên trong. Nhiều khi chúng ta tưởng Chúa vắng mặt, nhưng thật ra Ngài vẫn đang hiện diện cách âm thầm và sống động, nơi từng nhịp thở đức tin của ta.

2. Lên trời – là lời mời gọi sống hướng thượng

Khi các môn đệ còn ngẩn ngơ nhìn trời, sứ thần đã nhắc họ: "Sao còn đứng đó nhìn trời?" Nghĩa là đừng chỉ nhìn lên trong luyến tiếc, mà hãy hướng lòng về trời bằng chính đời sống cụ thể ở trần gian này. Chúng ta được mời gọi sống giữa trần thế, nhưng không bị trần thế trói buộc. Hướng về trời không phải là mơ mộng, mà là sống mỗi ngày với tâm thế người lữ hành, biết rằng đích điểm của cuộc đời không phải là thành công hay danh vọng đời này, mà là Thiên Quốc. Hướng về trời là chọn sống đẹp hôm nay – sống yêu thương, sống phục vụ, sống quảng đại, sống chân thành.

3. Lên trời – là trao sứ mạng cho chúng ta

Trước khi về trời, Chúa Giêsu không quên giao phó sứ mạng: “Anh em hãy làm chứng nhân cho Thầy.” Ngày hôm nay, Chúa vẫn nói điều đó với mỗi chúng ta. Làm chứng không chỉ bằng lời giảng hay kiến thức Kinh Thánh, mà bằng chính đời sống công chính, yêu thương, lương thiện và hy vọng trong một thế giới đầy bóng tối. Một người sống tin tưởng, kiên nhẫn, bình an giữa khổ đau – đó là một chứng nhân cho Chúa. Một người tha thứ giữa khi bị tổn thương – đó là một chứng nhân cho Tin Mừng.

4. Niềm vui của những người tin – không phải vì không còn khó khăn, mà vì biết Chúa đang ở đó

Kết thúc bài Tin Mừng, thánh Luca viết: “Các môn đệ trở về Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ.” Thật lạ, tại sao khi Chúa lên trời, rời xa các ông, mà họ lại vui? Bởi vì họ tin rằng Chúa không rời bỏ họ, và chính trong hành trình mới, họ sẽ gặp lại Chúa sâu xa hơn trong sứ mạng, trong Thánh Thần mà Ngài hứa ban. Niềm vui ấy không đến từ sự dễ dàng, mà từ niềm tin vững chắc rằng Chúa đang hiện diện – và Ngài chờ đón ta trên hành trình về quê trời.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đừng để chúng con sống như người không hy vọng. Xin cho chúng con biết hướng lòng về Chúa mỗi ngày, sống chứng tá giữa trần gian này bằng một đời sống yêu thương, trung tín và quảng đại. Chúa không rời xa, nhưng đang ở với chúng con - để nâng đỡ, hướng dẫn và chờ đón chúng con trong vinh quang Nước Trời. Amen.

ĐỨC THÁNH CHA NHẬN ĐƠN TỪ NHIỆM CỦA ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC TỔNG GIÁO PHẬN HUẾ

Hôm 24 tháng Năm năm 2025, Đức Thánh cha Lêô XIV đã nhận đơn từ nhiệm, theo luật định, Tổng giám mục Tổng Giáo phận Huế của Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, và Đức Tổng giám mục Phó Giuse Đặng Đức Ngân đương nhiên là người kế vị theo luật.

Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh năm nay 76 tuổi, sinh ngày 22 tháng Mười Một năm 1949, nguyên là Giám mục Giáo phận Thanh Hóa trong 12 năm, từ năm 2004 đến 2016, thì được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Tổng giám mục Tổng Giáo phận Huế.

Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân năm nay 65 tuổi, sinh năm 1957, thuộc Giáo phận Hà Nội, được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng năm 2007. Năm 2016, Đức cha Giuse được thuyên chuyển về làm Giám mục Giáo phận Đà Nẵng, và ngày 21 tháng Chín năm 2023, Đức cha được Đức Thánh cha Phanxicô bổ nhiệm làm Tổng giám mục Phó, với quyền kế vị tại Tổng Giáo phận Huế.

Lẽ ra, việc Tòa Thánh chính thức nhận đơn từ nhiệm của Đức Tổng giám mục Nguyễn Chí Linh và Đức Tổng giám mục Đặng Đức Ngân kế nhiệm đã được tiến hành hồi hạ tuần tháng Tư vừa qua, nhưng vì Đức Giáo hoàng Phanxicô qua đời và Giáo hội chờ đợi việc bầu chọn tân Giáo hoàng, thế nên nay quyết định này mới được thông báo chính thức.

HỌC HỎI CÁC VĂN KIỆN CỦA

CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II

Bài 9

23. Hỏi: Trong diễn văn khai mạc Công Đồng Va-ti-ca-nô 2 / Đức Giáo Hoàng Gio-an 23 đã đưa ra những tôn chỉ nào / để hướng dẫn Công Đồng?

Thưa: Trong diễn văn khai mạc Công Đồng Va-ti-ca-nô 2 / Đức Giáo Hoàng Gio-an 23 đã đưa ra 5 tôn chỉ sau đây để hướng dẫn Công Đồng / một là cởi mở với thế giới / hai là thông cảm chứ không lên án tuyệt thông / ba là xót thương hơn là khắt khe / bốn là nhìn nhận rằng thế giới rất nhạy cảm và không chấp nhận sai lầm / năm là rao giảng Tin Mừng với niềm hy vọng / hơn là với tâm trạng của những tiên tri “loan báo sự dữ”.


 

24. Hỏi: Công Đồng Va-ti-ca-nô 2 có mấy ý hướng chính?

Thưa: Công Đồng Va-ti-ca-nô 2 có 4 ý hướng chính : / Ý hướng thứ nhất là một Công Đồng của Giáo Hội nói về Giáo Hội / ý hướng thứ hai là Công Đồng của tự do và đối thoại / ý hướng thứ ba là Công Đồng mục vụ / và ý hướng cuối cùng nhấn mạnh Công Đồng là nguồn sáng mới.

THÔNG BÁO

1.        Ngày 06/07/2025, Đức Cha Giuse sẽ ban bí tích Thêm sức cho các em thuộc lớp Thêm sức 3. Vì thế, để chuẩn bị lãnh nhận Bí tích, các em sẽ học Giáo lý hè bắt đầu từ ngày 02/06 đến ngày 06/07, vào lúc 16g00’ mỗi chiều từ Thứ Hai đến thứ Sáu, sau đó sẽ ở lại tham dự Thánh lễ chiều.

-        Xin quý phụ huynh có con em thuộc lớp Xưng tội 3 và Thêm sức 3 nhắc nhở, đôn thúc các em đi học giáo lý đầy đủ. Nếu ai vắng học nhiều và không đủ điều kiện sẽ không được lãnh các Bí tích.

2.      Vào lúc 4h45 sáng thứ Hai, ngày 02/06/2025, lễ giỗ Cha nguyên phụ tá Phanxicô Assisi Nguyễn Cao Cầu. Xin cộng đoàn tham dự Thánh lễ, để thêm lời cầu nguyện cho Ngài.

3.      Từ chiều thứ Hai đến sáng thứ Năm tuần này sẽ không có Thánh lễ, bởi các linh mục trong Giáo phận tham gia khóa thường huấn. Xin cộng đoàn cùng hiệp ý cầu nguyện, để khóa thường huấn diễn ra tốt đẹp và mang lại nhiều ơn ích cho các ngài.

4.      Vào sáng thứ Bảy, ngày 07/06/2025, sẽ có rửa tội cho trẻ sơ sinh. Xin quý cha mẹ có con rửa tội, đến xin giấy giới thiệu nơi Ban Điều Hành Giáo họ, và nộp sổ gia đình về văn phòng Giáo xứ trong tuần này.

5.      Ủng hộ Giáo xứ:  

-        Một ân nhân (Anrê Trông):     5.000.000 đ

Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2025

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 864

 


CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH

LỜI CHÚA: Ga 14, 23-29

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. Kẻ không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Lời các con nghe, không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Ðấng đã sai Thầy.  Thầy đã nói với các con những điều này khi còn ở với các con. Nhưng Ðấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con. Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng: Thầy đi, rồi Thầy trở lại với các con. Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. Giờ đây Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin”.

SUY NIỆM

Trong bối cảnh bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu biết giờ ly biệt đã đến. Ngài không để các môn đệ bơ vơ, nhưng trao cho họ những lời yêu thương và đầy hy vọng. Tin Mừng hôm nay là một phần trong lời trăn trối ấy, trong đó Chúa Giêsu khẳng định: tình yêu đích thực là giữ lời Ngài, và những ai sống như thế sẽ được Thiên Chúa ngự đến và ở lại.

1. Yêu mến Chúa không phải là cảm xúc – mà là hành động

Chúa Giêsu nói rõ: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy.” Nghĩa là yêu mến không dừng lại ở lời nói hay cảm xúc đạo đức nhất thời. Nhiều người trong chúng ta vẫn cầu nguyện, vẫn đến nhà thờ, nhưng có khi chưa thực sự yêu Chúa bằng việc giữ lời Ngài. Có người yêu Chúa khi thuận tiện, nhưng khi gặp khó khăn lại oán trách. Có người nói yêu Chúa nhưng sống ích kỷ, nóng giận, nói xấu anh em mình... Yêu Chúa thật sự là dám sửa mình mỗi ngày, là dám nói “không” với cám dỗ để trung thành với Chúa, là giữ lời Chúa dù phải thiệt thòi.

2. Khi giữ lời Chúa, ta trở thành nơi Thiên Chúa cư ngụ

Lời hứa thật tuyệt vời: “Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Chúng ta sẽ đến và ở lại với người ấy.” Giữ lời Chúa không chỉ làm đẹp đời sống đạo đức của ta, nhưng còn biến cuộc sống ta thành đền thờ cho Thiên Chúa ngự đến. Khi ta sống theo lời Chúa, ta không còn cô đơn, không còn sợ hãi, vì Chúa ở cùng, và bình an của Ngài sẽ tuôn đổ vào lòng ta. Hạnh phúc lớn nhất không phải là có nhà cao cửa rộng, mà là có Chúa trong tâm hồn, vì nơi nào có Chúa, nơi đó có bình an thật sự.

3. Bình an Chúa ban – không giống bình an thế gian

Chúa Giêsu nói: “Thầy ban bình an của Thầy cho anh em. Không như thế gian ban tặng.” Bình an thế gian là tạm thời: khi có tiền, có sức khỏe, không bị ai làm phiền. Nhưng bình an Chúa ban vượt trên hoàn cảnh: dù gặp thử thách, đau khổ, ta vẫn an lòng vì biết Chúa yêu thương và đang đồng hành. Nơi nào có Chúa, nơi đó có bình an. Ngay cả trong bệnh tật, nghèo khó, ta vẫn có thể bình an vì lòng tin vững vàng.

4. Thánh Thần – Đấng dạy dỗ và nhắc nhớ

Chúa Giêsu hứa ban Chúa Thánh Thần – Đấng sẽ dạy dỗ và nhắc nhở chúng ta mọi điều Chúa đã nói. Ai sống gắn bó với Thánh Thần sẽ được hướng dẫn đi đúng đường, biết đâu là điều Chúa muốn, và sống đời Kitô hữu cách mạnh mẽ và vui tươi hơn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết yêu Chúa không phải bằng lời nói, mà bằng cuộc sống mỗi ngày. Xin cho con biết lắng nghe và thực hành lời Chúa, để tâm hồn con trở nên nơi Chúa ngự đến. Xin ban cho con ơn bình an và Thánh Thần soi sáng, để con vững bước trên đường theo Chúa. Amen.

TÒA THÁNH CÔNG NHẬN MỘT

PHÉP LẠ THÁNH THỂ Ở ẤN ĐỘ

Theo Phép lạ xảy ra tại nhà thờ Chúa Kitô Vua ở làng Vilakkannur: thứ Sáu ngày 15 tháng Mười Một năm 2013, khuôn mặt Chúa Giêsu được in trên tấm bánh thánh lớn, do cha Thomas Pathickal đang cầm trong lúc đọc lời truyền phép trong thánh lễ ban sáng. Khi ấy, cha nhận thấy có một vết trên bánh thánh vừa thánh hiến trở nên rộng lớn hơn và sáng ngời, rồi xuất hiện một khuôn mặt. Cha tiếp tục thánh lễ và sau đó quyết định giữ phần bánh thánh ấy trong nhà tạm. Sau thánh lễ, cha cho ông từ coi nhà thờ xem, và ông nói đó là khuôn mặt Chúa Giêsu. Cha đặt Mình Thánh Chúa ấy trong mặt nhật và đặt trên bàn thờ, để các tín hữu thờ lạy. Vào khoảng 11 giờ cùng ngày hôm đó, cha đặt lại Mình Thánh vào nhà tạm, theo lời Đức Tổng giám mục sở tại bấy giờ là George Valiamattam. Khi tin này được loan ra, hàng ngàn tín hữu đã tuốn đến làng Vilakkannur. xe và người đông đảo làm cho đường dẫn tới Baithamluan nơi du lịch bị kẹt nên các giới chức cảnh sát cấp cao phải can thiệp.

Tòa Tổng giám mục giữ Mình Thánh Chúa và mở cuộc điều tra về phương diện khoa học và thần học. Từ tháng Chín năm 2018 đến tháng Giêng năm 2020, phần Mình Thánh Chúa được trả lại cho nhà thờ Chúa Kitô Vua ở Vilakkannur và cho phép công khai thờ lạy. Rồi được trình lên Đức Tổng giám mục Giambattista Di Quattro, Sứ thần Tòa Thánh.

Trang mạng Matters India cho biết thông báo của Tòa Thánh nhìn nhận phép lạ này đã được gửi đến Đức Tổng giám mục Pamplany, ngày 09 tháng Năm vừa qua, trong một lễ nghi tại cùng nhà thờ Chúa Kitô Vua. Thông báo này do Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, Sứ thần Tòa Thánh tại Ấn Độ, chuyển tới. Chính Đức Sứ thần sẽ chủ sự thánh lễ ngày 31 tháng Năm tới đây để long trọng công bố sự nhìn nhận phép lạ Thánh Thể này. Báo Catholic Vote cho biết Đức Tổng giám mục Pamplany nói rằng đối với Tòa Thánh, phép lạ này góp phần gia tăng niềm tin nơi sự hiện diện thực của Chúa Giêsu trong Thánh Thể.  Thực vậy, ngay từ đầu, đã có những hoa trái thiêng liêng lớn. Đồng thời, Đức Tổng giám mục nhắc nhớ rằng sự hiện diện thực của Chúa chính là điều đạo lý Công giáo vẫn tuyên dạy, dù có phép lạ hay không. Đó là một tín điều dựa trên chính lời của Chúa; và sự biến thể (transustanziazione): bánh biến thành Thịt và rượu trở thành Máu Chúa Giêsu đã là một phép lạ, cho dù giác quan chúng ta không cảm thấy, như Công đồng Trentô đã dạy và được khẳng định trong sách Giáo lý Công giáo (CCC, n.1374).

Điều xảy ra tại Vilakkannur thêm vào danh sách dài các phép lạ Thánh Thể cho đến ngày nay. Để đi tới sự nhìn nhận phép lạ như những hiện tượng siêu nhiên, Giáo hội Công giáo dựa trên một tiến trình nghiêm túc, khoa học và thần học, với Quy luật gần đây nhất do Bộ Giáo lý đức tin ban hành, ngày 17 tháng Năm năm ngoái, 2024.

HỌC HỎI CÁC VĂN KIỆN CỦA CÔNG ĐỒNG  VATICANÔ II

21. Hỏi: Công Đồng Va-ti-ca-nô 2 có những Tuyên ngôn nào?

Thưa: Công Đồng Va-ti-ca-nô 2 có những Tuyên ngôn sau đây : / Một là tuyên ngôn về giáo dục Ki-tô giáo / hai là tuyên ngôn về liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Ki-tô giáo / ba là tuyên ngôn về tự do tôn giáo.

22. Hỏi: Tuyên ngôn là gì?

Thưa: Tuyên ngôn là văn kiện của Toà Thánh giải thích một đạo luật ban hành / hay quảng diễn một vấn đề.

THÔNG BÁO

1.        Nhằm khen thưởng, khích lệ và động viên cho các em Thiếu nhi Thánh Thể, Giáo xứ sẽ có chương trình trao phần thưởng cho các em đạt thành tích tốt trong việc học Giáo lý và học văn hóa trong năm học 2024 – 2025 vừa qua. Vì thế, sau khi tổng kết trên nhà trường, các em Thiếu Nhi được học sinh tiên tiến, giỏi, xuất sắc nộp giấy khen cho Huynh Trưởng theo lớp Giáo Lý. (Nộp bản photocopy). Những em Thiếu Nhi không tham gia các lớp Giáo Lý, Giáo xứ sẽ không trao phần thưởng. Giáo xứ sẽ phát thưởng cụ thể như sau:

          Cấp 1 và Cấp 2: Học Sinh Giỏi và Học Sinh Xuất Sắc.

          Cấp 3: Học Sinh Tiên Tiến, Học Sinh Giỏi và Học Sinh Xuất Sắc.

2.        Ngày 22/06/2025 – Lễ Mình Máu Thánh Chúa, các em thiếu nhi lớp Xưng Tội 3 sẽ được Xưng tội – Rước Lễ Lần Đầu. Vì vậy, lớp Xưng Tội 3 sẽ bắt đầu học Giáo lý hè để chuẩn bị lãnh nhận các Bí tích:

-          Từ thứ Hai ngày 26 đến thứ Sáu ngày 30 tháng 05, các em sẽ học lúc 19g15’ mỗi tối.

-          Từ ngày 02 đến ngày 22 tháng 06, các em sẽ học giáo lý vào lúc 16g00 chiều mỗi ngày từ Thứ Hai đến thứ Sáu trong tuần; sau đó sẽ ở lại tham dự Thánh lễ chiều.

3.        Ngày 06/07/2025, Đức Cha Giuse sẽ ban bí tích Thêm sức cho các em thuộc lớp Thêm sức 3. Vì thế, để chuẩn bị lãnh nhận Bí tích, các em sẽ học Giáo lý hè bắt đầu từ ngày 02/06 đến ngày 06/07, vào lúc 16g00’ mỗi chiều từ Thứ Hai đến thứ Sáu, sau đó sẽ ở lại tham dự Thánh lễ chiều.

-          Xin quý phụ huynh có con em thuộc lớp Xưng tội 3 và Thêm sức 3 nhắc nhở, đôn thúc các em đi học giáo lý đầy đủ. Nếu ai vắng học nhiều và không đủ điều kiện sẽ không được lãnh các Bí tích.

4.        Vào lúc 17h45 chiều thứ Hai, ngày 26/05/2025 lễ kính thánh Matthêu Nguyễn Văn Phượng, là bổn mạng của Giáo họ Matthêu Phượng, xin cộng đoàn tham dự Thánh lễ để thêm lời cầu nguyện cho Giáo họ.

5.        Vào lúc 4h30 sáng thứ Sáu ngày 30/05/2025 sẽ có Thánh lễ tạ ơn và bế giảng Khóa giáo lý Dự tòng và Hôn nhân của Giáo xứ. Trong thánh lễ sẽ có nghi thức ban các Bí Tích Khai Tâm cho các anh chị em dự tòng và trao chứng chỉ giáo lý hôn nhân. Xin cộng đoàn sắp xếp thời gian đi tham dự thánh lễ và thêm lời cầu nguyện cho các học viên, cách đặc biệt là cho các anh chị em dự tòng.

6.        Vào sáng thứ Bảy, ngày 31/05/2025, sẽ trao Mình Thánh Chúa cho người già và bệnh nhân. Những gia đình nào có nhu cầu xin đăng ký với ban điều hành Giáo họ của mình, đồng thời chuẩn bị nơi xứng đáng để người thân lãnh nhận Bí tích.

7.        Công trình Nhà thờ Đá Dựng đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của quý cộng đoàn với tổng số tiền 226.350.000 đ và 100 USD. Mỗi đóng góp là một viên đá xây nên ngôi nhà đức tin.

8.        Tính đến thời điểm hiện tại, số tiền quyên góp cho quỹ “Đào tạo ơn gọi” của Chủng viện Nicholas là 31.000.000 đ. Xin cảm ơn tấm lòng quảng đại đã lo lắng cho công cuộc đào tạo ơn gọi của Giáo phận.

Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2025

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 863

 


CHÚA NHẬT V PHỤC SINH

LỜI CHÚA: Ga 13, 31-33a.34-35

Khi Giuđa ra khỏi phòng tiệc, Chúa Giêsu liền phán: “Bây giờ Con Người được vinh hiển và Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển. “Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa thôi. Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau. Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau”.

SUY NIỆM

Tin Mừng hôm nay, qua lời Chúa Giêsu, là một lời an ủi tuyệt vời dành cho mỗi người: “Anh em đừng để lòng mình bối rối. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.”

1. ĐỪNG ĐỂ LÒNG BỐI RỐI – TIN VÀO CHÚA

Chúa Giêsu biết rõ rằng các môn đệ sắp phải trải qua những ngày tháng đau thương và bối rối vì Ngài sắp bị bắt, chịu chết và rồi phục sinh. Ngài dặn họ: đừng để lòng mình bối rối, hãy giữ niềm tin. Chúng ta cũng vậy, trong cuộc đời không ít lần gặp những biến cố, mất mát hay sự không chắc chắn. Nhưng lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đặt niềm tin vững chắc vào Thiên Chúa, vào Chúa Giêsu – Đấng đã chiến thắng sự chết và là nguồn sống đích thực.

2. “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” – Chúa là điểm tựa duy nhất

Chúa Giêsu không chỉ là người dẫn đường, mà chính là con đường duy nhất dẫn đến sự sống vĩnh cửu. Ngài là sự thật, không chỉ là chân lý mà còn là sự thật về chính bản thân mỗi người và về ý nghĩa cuối cùng của cuộc đời. Khi chúng ta theo Chúa, chúng ta không đi lạc hướng. Ngài là sự sống, là nguồn mạch ban sự sống đích thực, vượt lên trên sự sống trần thế phù du và tạm bợ. Tin vào Chúa Giêsu là bước vào một cuộc hành trình tràn đầy hy vọng, bởi vì dù có gặp thử thách hay khổ đau, chúng ta vẫn có một điểm tựa vững chắc.

3. “Ai thấy Thầy là thấy Cha” – Mối liên hệ mật thiết giữa Chúa và Cha

Chúa Giêsu cho thấy Ngài và Chúa Cha là một. Tin vào Ngài là tin vào Thiên Chúa yêu thương. Qua cuộc sống và lời dạy của Chúa Giêsu, chúng ta được nhận biết Chúa Cha – Đấng từ bi, nhân hậu, luôn đồng hành và nâng đỡ chúng ta trong mọi hoàn cảnh. Sống đức tin là để cho người khác nhìn thấy Chúa qua chính cuộc sống của chúng ta – qua cách yêu thương, tha thứ, và phục vụ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con một đức tin vững vàng, không dao động trước những sóng gió cuộc đời. Xin giúp con luôn tin tưởng rằng Chúa là Đường dẫn con về nhà Cha trên trời, là Sự Thật giúp con nhận ra ý nghĩa cuộc sống, và là Sự Sống nuôi dưỡng tâm hồn con mỗi ngày. Xin cho con trở nên dấu chỉ sống động của tình yêu Chúa giữa đời, để những người chung quanh con cũng được biết và tin vào Chúa.

ĐẶT TƯỢNG ĐỨC MẸ LA VANG VIỆT NAM

TẠI VƯỜN VATICAN

Nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Hội đồng Giám mục Việt Nam, 24/11/1960-1965, vào ngày 29/4/2025, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, Tổng Giám mục của Sài Gòn và cũng là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã làm phép một tượng Đức Mẹ La Vang tại Vườn Vatican. Hiện diện trong buổi đặt tượng và làm phép còn có Đức Hồng y Giovanni Lajolo, nguyên Chủ tịch Phủ Thống đốc Thành Vatican và nguyên Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Thành Vatican, người đã giúp để việc đặt tượng thành hiện thực; và một số Giám mục Việt Nam: Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên, Tổng Giám mục Hà Nội, Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng của giáo phận Phan Thiết, Đức Cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn của giáo phận Bà Ria, Đức Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn của giáo phận Hà Tĩnh và Đức Cha Phêrô Kiều Công Tụng của giáo phận Phát Diệm; cùng một số linh mục, tu sĩ và giáo dân. Tại Vườn Vatican đã có nhiều ảnh Đức Mẹ của nhiều quốc gia khác nhau, được thực hiện bằng những phong cách nghệ thuật khác nhau; ví dụ như Đức Mẹ Guadalupe của Mexico, Đức Mẹ Lujan của Argentina, Đức Mẹ của Ba Lan, và mới nhất là Đức Mẹ của Hàn Quốc. Vườn Đức Mẹ của các nước Tuy nhiên, Đức Mẹ La Vang là “tượng” Đức Mẹ thứ hai được đặt tại Vườn Vatican sau tượng Đức Mẹ của Hoa Kỳ. Tượng được đặt tại vị trí rất đẹp, gần với chuông Đại Năm Thánh 2000, và xa xa phía sau là mài vòm Đền thờ Thánh Phêrô. Bởi thế, Đức Hồng y Lajolo đã nói rằng tượng Đức Mẹ La Vang này không chỉ là của người Việt Nam, nhưng còn là bổn mạng của mọi người sống trong khu vực này. Trong nghi thức làm phép tượng, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng nói rằng “Chúng ta hy vọng rằng với sự hiện diện của tượng Đức Mẹ La Vang ở đây, thì sau này, từ Đức Thánh Cha, hay bất cứ ai đi ngang qua đây, cũng cảm thấy Đức Mẹ như là bổn mạng của khu vực này”. “Chúng ta tin rằng Đức Mẹ ở nơi đây cũng sẽ chuyển cầu cho tất cả cộng đồng Giáo hội Việt Nam ở khắp nơi. Chúng ta dâng lời tạ ơn Chúa và phó thác cho Đức Mẹ”. Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng đã xông hương và làm phép tượng giữa lời ca nguyện kính Đức Mẹ, Mẹ Thiên Chúa.

Công trình đặt tượng Đức Mẹ La Vang ở Vườn Vatican đã được Giáo hội Việt Nam thao thức từ lâu với mong muốn giới thiệu hình ảnh Đức Mẹ thân thương của dân tộc Việt Nam với Giáo hội hoàn vũ và cách đặc biệt, sự hiện diện của Đức Mẹ Việt Nam ở thủ đô Giáo hội diễn tả sự hiệp thông của Giáo hội tại Việt Nam với Giáo hội hoàn vũ, cũng như những lời kinh Kính Mừng dâng kính Đức Mẹ La Vang cũng là lời cầu nguyện cho Giáo hội hoàn vũ và cho Đức Thánh Cha. Xin đặt tượng tại Vườn Vatican Đức Thánh Cha Phanxicô chấp thuận Gặp vị hữu trách để tiến hành Tượng Đức Mẹ La Vang bằng đá cẩm thạch trắng, xuất xứ từ Quỳ Hợp, Nghệ An, cao 1,6 mét, được đặt trên đế cao 0,6 mét, được điêu khắc tại Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, bởi nghệ nhân Giuse Trần Văn Giang, và chuyển bằng máy bay sang Roma. Nghệ nhân Giuse Trần Văn Giang đang điêu khắc tượng Theo lời kể, Đức Mẹ hiện ra tại La Vang lần đầu tiên vào năm 1798 khi những cuộc bắt đạo, bách hại người Công giáo Việt Nam bắt đầu. Nhiều người Công giáo gần thị trấn Quảng Trị đã chạy trốn và tìm nơi ẩn náu trong rừng sâu của La Vang và phải đương đầu với đói khát, đau yếu, bệnh tật vì sống trong cảnh giá lạnh, nơi rừng thiêng nước độc và thú dữ luôn rình rập. Các tín hữu chỉ biết một lòng tin cậy phó thác vào Thiên Chúa và Đức Mẹ. Họ thường tụ họp dưới gốc cây đa cổ thụ, cầu nguyện, lần hạt, an ủi và nâng đỡ nhau. Một hôm đang khi cùng nhau lần hạt kính Đức Mẹ, họ nhìn thấy một người phụ nữ xinh đẹp, mặc áo choàng dài, tay bồng một trẻ nhỏ, có hai thiên thần cầm đèn chầu hai bên. Họ nhận ra đó là Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ dạy họ hái một loại lá cây có sẵn chung quanh đó, đem nấu nước uống sẽ chữa lành các chứng bệnh. Đức Mẹ lại hứa: “Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn Mẹ tại chốn này, Mẹ sẽ nhận lời ban ơn”.

HỌC HỎI CÁC VĂN KIỆN CỦA

CÔNG ĐỒNG  VATICANÔ II

18. Hỏi: Công Đồng Va-ti-ca-nô 2 có bao nhiêu văn kiện?

Thưa: Công Đồng Va-ti-ca-nô 2 có 16 văn kiện.

19. Hỏi: Công Đồng Va-ti-ca-nô 2 có mấy Hiến chế?

Thưa: Công Đồng Va-ti-ca-nô 2 có 4 Hiến chế : / một là Hiến chế về Phụng vụ Thánh / hai là Hiến chế tín lý về Giáo Hội “Ánh sáng muôn dân” / ba là Hiến chế tín lý về Mặc Khải của Thiên Chúa “Lời của Thiên Chúa” /bốn là Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay “Vui mừng và Hy vọng”.

20. Hỏi: Hiến chế là gì?

Thưa: Hiến chế là bản văn của Công Đồng Chung về tín lý hay mục vụ. / Hiến chế có hiệu lực như một sắc luật cho cả Giáo Hội.

THÔNG BÁO

1.        Nhằm khen thưởng, khích lệ và động viên cho các em Thiếu nhi Thánh Thể, Giáo xứ sẽ có chương trình trao phần thưởng cho các em đạt thành tích tốt trong việc học Giáo lý và học văn hóa trong năm học 2024 – 2025 vừa qua. Vì thế, sau khi tổng kết trên nhà trường, các em Thiếu Nhi được học sinh tiên tiến, giỏi, xuất sắc nộp giấy khen cho Huynh Trưởng theo lớp Giáo Lý. (Nộp bản photocopy). Những em Thiếu Nhi không tham gia các lớp Giáo Lý, Giáo xứ sẽ không trao phần thưởng. Giáo xứ sẽ phát thưởng cụ thể như sau: Cấp 1 và Cấp 2: Học Sinh Xuất Sắc; Cấp 3: Học Sinh Tiên Tiến và Học Sinh Giỏi.

2.        Ngày 22/06/2025 – Lễ Mình Máu Thánh Chúa, các em thiếu nhi lớp Xưng Tội 3 sẽ được Xưng tội – Rước Lễ Lần Đầu. Vì vậy, lớp Xưng Tội 3 sẽ bắt đầu học Giáo lý hè để chuẩn bị lãnh nhận các Bí tích:

-          Từ Thứ Hai ngày 26 đến thứ Sáu ngày 30 tháng 05, các em sẽ học lúc 19g15’ mỗi tối.

-          Từ ngày 02 đến ngày 22 tháng 06, các em sẽ học giáo lý vào lúc 16g00 chiều mỗi ngày từ Thứ Hai đến thứ Sáu trong tuần; sau đó sẽ ở lại tham dự Thánh lễ chiều. Xin quý phụ huynh có con em thuộc lớp Xưng Tội 3 lưu ý và nhắc nhở con em mình đi học đầy đủ. Nếu vắng học nhiều và không đủ điều kiện sẽ không được Xưng tội - Rước Lễ.

3.        Ngày 06/07/2025, Đức Cha Giuse sẽ ban bí tích Thêm sức cho các em thuộc lớp Thêm sức 3. Vì thế, các em sẽ học Giáo lý hè để chuẩn bị lãnh nhận Bí tích bắt đầu từ ngày 02/06 đến ngày 06/07, vào lúc 16g00’ mỗi chiều từ Thứ Hai đến thứ Sáu, sau đó sẽ ở lại tham dự Thánh lễ chiều. Xin quý phụ huynh có con em thuộc lớp Thêm sức 3 nhắc nhở, đôn thúc các em đi học giáo lý đầy đủ. Nếu ai vắng học nhiều và không đủ điều kiện sẽ không được Thêm sức.

Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2025

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 862

 


CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH

LỜI CHÚA: Ga 10, 27-30

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta.

Ðiều mà Cha Ta ban cho Ta, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Ta. Ta và Cha Ta là một”.

SUY NIỆM

Giữa thế giới ồn ào hôm nay, người ta dễ bị lạc mất tiếng gọi quan trọng nhất – tiếng của Người Mục Tử Nhân Lành. Bao nhiêu tiếng gọi hấp dẫn vang lên: tiền bạc, danh vọng, tiện nghi, hưởng thụ… nhưng chỉ có một tiếng gọi có thể đem lại sự sống đời đời. Đó là tiếng của Chúa Giêsu – Đấng Phục Sinh, Đấng đã hiến mạng sống vì đoàn chiên.

Tin Mừng hôm nay rất ngắn – chỉ bốn câu – nhưng chất chứa tất cả trái tim của người mục tử: một tình yêu sâu sắc, sự chăm sóc tận tụy, và một lời hứa tuyệt đối trung tín.

1. “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi” – Sự gắn bó thân tình

Chúa Giêsu không nói “chiên của ai đó”, mà nói rất rõ: “Chiên của tôi.” Chúng ta không chỉ là một con số trong đám đông, mà là con chiên có tên, có chỗ đứng, được biết đến, được yêu thương cách riêng. Đáp lại, người môn đệ đích thực là người biết lắng nghe tiếng Chúa. Không phải chỉ nghe bằng tai, nhưng bằng con tim biết phân định, biết mở ra để đón lấy ý muốn của Người.

Trong thế giới hôm nay, rất nhiều người “nghe đủ thứ tiếng”, nhưng lại không phân biệt được đâu là tiếng của Chúa. Bận rộn, thờ ơ, hay sống trong ảo ảnh của thành công, khiến họ bỏ lỡ tiếng gọi nhẹ nhàng mà quyết liệt của Người Mục Tử.

2. “Tôi biết chúng và chúng theo tôi” – Mối quan hệ hai chiều

Chúa Giêsu không chỉ “gọi”, Ngài còn “biết” từng con chiên của mình. Biết ở đây không phải là thông tin, mà là mối tương quan cá vị, thân thiết, như một người mẹ biết tiếng khóc con mình giữa trăm đứa trẻ. Và chiên “đi theo” Chúa không phải vì ép buộc, nhưng vì tin tưởng tuyệt đối vào người mục tử. Chỉ khi chiên “biết” mục tử yêu mình, dẫn mình đến đồng cỏ xanh tươi, thì nó mới dám đi theo – cả khi con đường ấy là thập giá. Bao người bỏ Chúa chỉ vì họ chưa cảm được rằng Chúa biết họ, yêu họ. Người Kitô hữu hôm nay cần sống sao cho thế giới thấy: “Tôi theo Chúa vì tôi biết Ngài biết rõ tôi, và yêu tôi bằng cả mạng sống của Ngài.”

3. “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời” – Một lời hứa không ai dám hứa

Có ai dám hứa cho ta sự sống đời đời? Có ai dám bảo đảm rằng: “Không ai cướp được các con khỏi tay Thầy”? Chỉ có Chúa Giêsu – Đấng Phục Sinh – mới có thể nói như thế, vì chính Ngài đã chiến thắng sự chết, mở ra một lối đi mới. Trong thời đại bất ổn – nơi người ta dễ mất hy vọng, dễ sợ hãi tương lai – lời hứa này là một niềm an ủi vô biên. Không gì tách ta ra khỏi tình yêu của Chúa – trừ phi chính ta tự rời khỏi vòng tay mục tử. Có thể ta nghèo, thất bại, bị người đời bỏ rơi… nhưng nếu còn trong tay Chúa, ta còn tất cả.

Chúa Nhật IV Phục Sinh còn được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành – cũng là ngày cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ. Xin cho mỗi người chúng ta, dù là linh mục, tu sĩ hay giáo dân, luôn biết lắng nghe tiếng Chúa, bước theo Ngài, và sống sao cho người khác thấy: “Tôi là chiên của Chúa. Tôi biết Ngài, và tôi thuộc về Ngài.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Mục Tử Nhân Lành, giữa bao tiếng gọi giả dối của trần gian, xin cho con biết nhận ra tiếng của Ngài – tiếng dịu dàng nhưng đầy quyền năng. Xin cho con lòng tin để đi theo Chúa mỗi ngày, dù có lúc con đường ấy chông gai và tối tăm. Xin Chúa cũng gọi thêm nhiều người trẻ dám sống đời hiến dâng, trở thành những mục tử theo trái tim Chúa – hiền lành, khiêm nhường, và tận hiến vì đoàn chiên. Amen.

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM: THÔNG BÁO VỀ ĐỨC TÂN GIÁO HOÀNG LÊÔ XIV

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

Ngày 8 tháng 5 năm 2025 

Kính gửi: Quí Đức Hồng Y, quí Đức Cha, quí linh mục, tu sĩ và anh chị em tín hữu

Trong 19 ngày Tông toà trống ngôi, Dân Chúa trên toàn thế giới đã cầu nguyện, và Chúa Thánh Thần đã soi sáng hướng dẫn các Hồng y để hôm nay Chúa ban cho chúng ta Vị Mục tử của Hội Thánh hoàn vũ.

Khi Đức Hồng y Dominique Mamberti long trọng công bố “HABEMUS PAPAM”, quảng trường thánh Phêrô vang dội tiếng vỗ tay reo mừng. Đức Hồng y Robert Francis Prevost đã được chọn làm Giáo hoàng và ngài đã chọn tước hiệu Lêô XIV. Kể từ hôm nay, Hội Thánh hoàn vũ lại tiếp tục vang lên lời nguyện xin Thiên Chúa kiện toàn Hội Thánh vững mạnh “trong đức tin và đức mến cùng với Đức Giáo hoàng Lêô XIV” trong các cử hành Thánh Thể mỗi ngày.

Để bày tỏ niềm vui và hiệp thông cùng Hội Thánh, xin các nhà thờ và nhà nguyện đồng loạt đổ chuông vào lúc 8 giờ sáng thứ Bảy, ngày 10 tháng 5 năm 2025.

Chúng ta cùng hiệp ý “xin Chúa đoái thương nhìn đến Đức Giáo hoàng Lêô XIV, và ban cho người Chúa đã an bài để kế vị thánh Phêrô, được trở nên nguyên lý và nền tảng hữu hình cho sự hợp nhất đức tin và tình hiệp thông nơi Dân Chúa” (Lời nguyện nhập lễ, Thánh lễ Cầu cho Đức Giáo hoàng).

Tôi xin chuyển đến cộng đoàn Dân Chúa tại Việt Nam lời cầu chúc của Đức tân Giáo hoàng trong giây phút đầu tiên tại quảng trường thánh Phêrô: Bình an của Chúa Phục Sinh ở cùng anh chị em.

TM. HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

(đã ấn ký)

+GIUSE NGUYỄN NĂNG

CHỦ TỊCH

HỌC HỎI CÁC VĂN KIỆN CỦA

CÔNG ĐỒNG  VATICANÔ II

16. Hỏi: Công Đồng Va-ti-ca-nô 2 được Đức Giáo Hoàng nào bế mạc?

Thưa: Công Đồng Va-ti-ca-nô 2 được Đức Giáo Hoàng Phao-lô 6 bế mạc.

17. Hỏi: Công Đồng Va-ti-ca-nô 2 được khai mạc vào ngày nào?

Thưa: Công Đồng Va-ti-ca-nô 2 / được khai mạc vào ngày 11 tháng 10 năm 1962.



THÔNG BÁO

Vào giờ học Giáo lý ngày 18/05/2025, Chúa nhật V Phục Sinh, các em thiếu nhi sẽ thi Giáo lý học kì II. Vì thế xin quý phụ huynh nhắc nhở các em ôn tập Giáo lý và đi thi đông đủ.

Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2025

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 861

 


CHÚA NHẬT III PHỤC SINH

LỜI CHÚA: Ga 20, 19-31

Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: “Simon Phêrô, Tôma (cũng gọi là Ðiđymô), Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ khác nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông kia nói rằng: “Chúng tôi cùng đi với ông”.  Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: “Này các con, có gì ăn không?” Họ đồng thanh đáp: “Thưa không”. Chúa Giêsu bảo: “Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được”. Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu liền nói với Phêrô: “Chính Chúa đó”. Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay. Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: “Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây”. Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách. Chúa Giêsu bảo rằng: “Các con hãy lại ăn”.

Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi “Ông là ai?”, vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế. Ðây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại. Vậy khi các Ngài đã điểm tâm xong, Chúa Giêsu hỏi Simon Phêrô rằng: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”.

Người lại hỏi: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”. Người hỏi ông lần thứ ba: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?”  Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba: “Con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến”.  Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa. Phán những lời ấy đoạn, Người bảo ông: “Con hãy theo Thầy”.

SUY NIỆM

Sau cuộc khổ nạn, dường như mọi sự đã tan vỡ với các môn đệ. Dù Chúa đã sống lại và hiện ra vài lần, lòng các ông vẫn còn chao đảo. Họ trở về với nghề cũ – nghề chài lưới – như thể bỏ lại phía sau ơn gọi làm "ngư phủ người ta." Nhưng chính lúc ấy, Chúa Phục Sinh đã đến – không trách móc, không giận dữ – mà là một cuộc gặp gỡ đầy tình yêu và tha thứ. Qua đó, các ông được biến đổi, được khôi phục sứ mạng, và được sai đi.

1. Trở về với con thuyền cũ: Khi con người mỏi mệt và thất vọng

Phêrô nói: "Tôi đi đánh cá." Các môn đệ khác cũng đi theo. Họ trở về với con thuyền, với mạng lưới, với công việc quen thuộc – như một sự đầu hàng âm thầm. Cả đêm họ lao lực, nhưng không bắt được gì cả. Đây là hình ảnh của những lúc đời sống đức tin chúng ta cũng khô cạn: làm hoài mà chẳng thấy kết quả, cầu nguyện mà dường như Chúa im lặng, cố gắng mà vẫn thất bại. Nhưng chính lúc ấy, Chúa đến.

2. Gặp lại Chúa trên bờ: Hồi sinh ơn gọi

Sau một mẻ cá lạ lùng – y hệt phép lạ khi xưa – các môn đệ nhận ra: “Chúa đó!” Phêrô không chờ được, lao mình xuống nước, không vì mẻ cá, mà vì một tình yêu còn dang dở. Chúa Giêsu đã dọn sẵn bữa sáng bên bếp lửa hồng. Lần cuối Phêrô ở bên bếp lửa là khi ông chối Chúa ba lần. Hôm nay, bên bếp lửa khác, Chúa ban lại cho ông cơ hội để tuyên xưng tình yêu ba lần.

“Simon, con có yêu mến Thầy không?” Một câu hỏi không trách, không kể tội, mà để khơi lại tình yêu đã lụi tắt vì yếu đuối. Tình yêu là nền tảng để được tha thứ. Và khi đã được tha thứ, Phêrô được trao sứ mạng: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.”

3. Tha thứ và sai đi: Hành trình của người môn đệ

Chúa không đòi hỏi Phêrô phải hoàn hảo, Ngài chỉ hỏi: “Con có yêu mến Thầy không?” Bởi người yêu thật sẽ sống thật, và chính tình yêu giúp ta vượt qua yếu đuối, sợ hãi và dấn bước trong sứ mạng. Phêrô – người từng chối Chúa – nay trở thành người đứng đầu Giáo Hội. Các môn đệ – những người bỏ trốn – nay trở thành những nhà truyền giáo can đảm. Vì họ đã gặp Chúa Phục Sinh, được tha thứ, và được sai đi. Và ta cũng vậy. Dù yếu đuối, tội lỗi, thậm chí đã từng quay lưng với Chúa – Chúa vẫn chờ, vẫn hỏi ta: “Con có yêu Thầy không?” Nếu có, thì chính tình yêu ấy sẽ là động lực để ta sống lại và lên đường.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con cũng từng mệt mỏi, thất vọng, và muốn quay lại với “con thuyền cũ.” Nhưng Chúa vẫn đứng đó, chờ con trong âm thầm và tình yêu. Xin cho con nhận ra Chúa nơi những điều nhỏ bé nhất: một ánh sáng ban mai, một tấm bánh, một lời hỏi han. Xin cho con biết nói với Chúa như Phêrô: “Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Amen.

THOÁNG NHÌN THÀNH PHẦN MẬT NGHỊ HỒNG Y BẦU GIÁO HOÀNG MỚI

Mật nghị Hồng y bầu chọn Giáo hoàng mới sẽ bắt đầu vào ngày 07 tháng Năm.

Về khía cạnh địa lý: trong số 133 Hồng y cử tri, đông nhất vẫn là 53 vị người Âu, tiếp đến là 37 vị Mỹ châu trong đó này 16 Hồng y Bắc Mỹ, 4 Trung Mỹ và 17 Nam Mỹ. Có 23 Hồng y Á châu, nhưng không có vị nào người Việt, 18 vị Phi châu và 4 vị thuộc Úc châu. Tổng cộng, các Hồng y cử tri đến từ 71 quốc gia năm châu. Vị trẻ nhất là Đức Hồng y Mikola Bychok, 45 tuổi, người Úc gốc Ucraina, và thuộc Giáo hội Công giáo Ucraina nghi lễ Đông phương. Vị cao niên nhất là Đức Hồng y Carlos Osoro Sierra, 79 tuổi, nguyên Tổng giám mục Giáo phận Madrid, thủ đô Tây Ban Nha. Chỉ có 5 Hồng y do Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm, tiếp đến là 22 vị do Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI, và phần còn lại 108 vị do Đức Thánh cha Phanxicô bổ nhiệm.

Cũng nên nói thêm rằng có 33 Hồng y cử tri thuộc các dòng tu: đông nhất là 5 vị Dòng Salésien Don Bosco, gồm các vị người Myanmar, Đông Timor, 2 vị người Tây Ban Nha, sau cùng là Đức Hồng y Daniel Fernando Sturla, người Uruguay. Có 4 Hồng y Dòng Phanxicô, trong đó có Đức Hồng y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Công giáo Latinh Jerusalem; 4 vị khác Dòng Tên, trong số này có Đức Hồng y Stêphanô Chu Thủ Nhân (Chow Sau-yan), Giám mục Hong Kong và Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich, Tổng giám mục Giáo phận Luxemburg; 3 vị Phanxicô Viện Tu, trong đó có Đức Hồng y Mauro Gambetti, Giám quản Đền thờ Thánh Phêrô. 2 Hồng y cử tri thuộc Dòng Đa Minh là Timothy Radcliff, nguyên Bề trên Tổng quyền của dòng và Jean-Paul Vesco, Tổng giám mục Giáo phận Alger. Phần còn lại là 2 vị Dòng Lazzariste, 2 vị Dòng Chúa Cứu Thế, 2 vị Dòng Ngôi Lời, v.v.

HỌC HỎI CÁC VĂN KIỆN CỦA

CÔNG ĐỒNG  VATICANÔ II

13. Hỏi: Đức Giáo Hoàng Gio-an 23 loan báo triệu tập Công Đồng Va-ti-ca-nô 2 lúc nào và tại đâu?

Thưa: Đức Giáo Hoàng Gio-an 23 loan báo triệu tập Công Đồng Va-ti-ca-nô 2 / vào ngày 25 tháng Giêng năm 1959 /tại phòng khách của tu viện / bên cạnh Vương Cung Thánh Đường Thánh Phao-lô ngoại thành Rô-ma.

14. Hỏi: Đức Giáo Hoàng Gio-an 23 tuyên bố về Công Đồng Va-ti-ca-nô 2 như thế nào?

Thưa: Đức Giáo Hoàng Gio-an 23 tuyên bố về Công Đồng Va-ti-ca-nô 2 như sau : /“Chúng ta hãy hợp nhất với nhau / và hãy chấm dứt mọi bất hoà.”

15. Hỏi: Công Đồng Va-ti-ca-nô 2 được Đức Giáo Hoàng nào khai mạc?

Thưa: Công Đồng Va-ti-ca-nô 2 được Đức Giáo Hoàng Gio-an 23 khai mạc.

THÔNG BÁO

1.           Ủng hộ Giáo xứ: Chị Lê Thị Bích Hằng (ở Đức): 300 Euro

2.          Vào lúc 4h45 sáng thứ Ba ngày 06.05.2025 lễ giỗ Đức cha Nicholas Huỳnh Văn Nghi. Xin cộng đoàn tham dự Thánh lễ để cầu nguyện cho Ngài.

3.        Mời cộng đoàn tham dự buổi cầu nguyện Taizé vào lúc 19h30 tối thứ Ba, ngày 06.05.2025  với chủ đề "Chúa Chiên Lành". Chúng ta sẽ cùng nhau lắng đọng tâm hồn, suy niệm lời Chúa và hiệp thông với Chúa Giêsu.

4.                Trong tuần này, ban Điều hành các Giáo họ sẽ gửi đến quý cộng đoàn những phong bì đóng góp cho Quỹ Đào tạo Ơn gọi của Chủng viện thánh Nicholas. Sự quảng đại của quý anh chị em là nguồn động viên lớn lao cho việc đào tạo những mục tử tương lai của Giáo hội.


BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 860

 


CHÚA NHẬT II PHỤC SINH

LỜI CHÚA: Ga 20, 19-31

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”.

Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa.

Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”.

Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.

Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Ðoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin!”

Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.

SUY NIỆM

Chúa Nhật II Phục Sinh, Giáo Hội long trọng kính Lòng Chúa Thương Xót – một mầu nhiệm cao cả và là trọng tâm trong sứ điệp Phục Sinh. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ, ban bình an, Thánh Thần, và sai họ đi loan báo Tin Mừng. Đặc biệt, nơi tông đồ Tôma – người từng hoài nghi – ta thấy rõ hơn lòng thương xót và kiên nhẫn vô bờ của Chúa dành cho những ai yếu lòng tin.

1. “Bình an cho anh em!” – Món quà Phục Sinh

Sau khi sống lại, điều đầu tiên Chúa Giêsu trao ban cho các môn đệ là bình an. Họ đang sợ hãi, đóng kín cửa, thất vọng vì cái chết của Thầy, thì Chúa đến và nói: “Bình an cho anh em!” Không lời trách móc, không nhắc lại sự bỏ trốn của họ, Chúa chỉ mang đến sự an ủi và chữa lành. Bình an ấy không phải là sự im ắng bề ngoài, mà là sự chữa lành sâu xa trong tâm hồn – nơi gặp gỡ giữa lòng sám hối và tình thương vô hạn của Thiên Chúa. Bạn và tôi – giữa cuộc sống đầy lo âu, bất ổn – cũng đang cần lắm sự bình an ấy. Và Chúa vẫn đang đến, nhẹ nhàng, âm thầm, mời gọi ta mở cửa lòng mình ra.

2. “Phúc cho ai không thấy mà tin!” – Đức tin giữa thử thách

Tôma không tin khi nghe các bạn nói: “Chúng tôi đã thấy Chúa.” Ông đòi phải thấy tận mắt, sờ tận tay mới tin. Chúa không gạt bỏ ông, cũng không la mắng, nhưng tám ngày sau, Người hiện ra để đáp lại lời ông: “Hãy đặt tay vào đây… đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Tôma đã thốt lên một lời tuyên xưng đức tin tuyệt vời: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Đức tin đòi hỏi bước nhảy vượt qua lý trí, vượt qua cảm giác. Giữa những hoài nghi, đau khổ, và im lặng của Chúa trong cuộc đời, ta vẫn được mời gọi tin tưởng – vì Chúa vẫn đó, dù ta không thấy.

3. Lòng Chúa Thương Xót – nguồn hy vọng cho nhân loại

Lễ Lòng Chúa Thương Xót là sứ điệp cho thời đại hôm nay – một thời đại bị tổn thương vì chiến tranh, chia rẽ, và sự lạnh lùng. Tình thương của Thiên Chúa không loại trừ ai: kẻ yếu lòng tin như Tôma, kẻ từng chối Chúa như Phêrô, hay kẻ từng bắt bớ Hội Thánh như Phaolô. Chúa Giêsu đã hiện ra với Thánh nữ Faustina và nhắn nhủ: “Hãy loan truyền Lòng Thương Xót của Ta cho toàn thế giới.” Ngài muốn mỗi chúng ta cũng trở nên khí cụ của lòng thương xót, bằng sự tha thứ, cảm thông, chia sẻ, và nâng đỡ nhau trong cuộc sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, con cảm tạ Chúa vì lòng thương xót vô biên Chúa dành cho con – một người yếu đuối, mỏng manh. Xin ban cho con bình an giữa cuộc đời chao đảo, cho con đức tin mạnh mẽ giữa lúc nghi nan. Xin cho con biết tin tưởng, đón nhận, và sống lòng thương xót Chúa trong từng ngày, từng việc nhỏ.

NHÌN LẠI NHỮNG CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TẠI Á CHÂU

Chúa Các tín hữu tại Á châu luôn giữ một vị trí quan trọng đặc biệt trong trái tim của Đức Thánh cha Phanxicô. Tình cảm sâu đậm này được thể hiện qua những chuyến Tông du của Đức Thánh cha tại các quốc gia tại Á châu, trong suốt 12 năm Triều đại Giáo hoàng của ngài.

Trong nỗi buồn sâu thẳm trước sự qua đi của vị cha chung của Giáo hội Công giáo hoàn vũ, chúng ta hãy cùng nhìn lại các chuyến tông du nói trên của Đức Thánh cha Phanxicô tại lục địa Á châu, nơi mà ngài đã nói: “Sự đa dạng của lục địa Á châu là một ân ban. Chúng ta hãy yêu mến và cẩn giữ món quà đó để hướng đến một tương lai tràn đầy tình yêu và hy vọng”.

HÀNG CHỤC NGÀN TÍN HỮU VIẾNG LINH CỮU ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Theo Phòng Báo chí Tòa Thánh, từ 11 giờ sáng đến 19 giờ 30 tối, ngày 23 tháng Tư vừa qua, đã có gần 20.000 tín hữu đến viếng linh cữu Đức Thánh cha Phanxicô, quàn tại Đền thờ thánh Phêrô và dòng người vẫn tiếp tục tiến về Đền thờ.

Thông Thánh đường này vẫn được mở cửa sau nửa đêm để các tín hữu có thể đến viếng và cầu nguyện. Mặt khác, sáng thứ Bảy, ngày 26 tháng Tư tới đây, sau thánh lễ an táng lúc 10 giờ tại thềm Đền thờ thánh Phêrô, linh cữu của Đức Cố Giáo hoàng sẽ được rước về Đền thờ Đức Bà Cả để chôn cất.

Tại đây, Đức Hồng y nhiếp chính Kevin Farrell sẽ chủ sự nghi thức như được trù định trong Sách Nghi thức an táng Đức Giáo hoàng, từ các khoản số 110 đến 123.

Đức Tổng giám mục Diego Ravelli, Trưởng ban Nghi lễ Phụng vụ của Tòa Thánh, cho biết ngoài Đức Hồng y Farrell, còn có Đức Hồng y Niên trưởng Hồng y đoàn Giovanni Battista Re, Đức Hồng y Roger Mahony, Trưởng đẳng Linh mục, Đức Hồng y Dominique Mamberti, Trưởng đẳng Phó tế, Đức Hồng y Stanislaw Rylko, Giám quản Đền thờ Đức Bà Cả, và Đức Hồng y Phó Giám quản là Rolandas Makrickas, Đức Hồng y Pietro Parolin, nguyên Quốc vụ khanh Tòa Thánh, và một số vị khác nữa.

Theo giáo luật, khi Tòa Thánh trống ngôi, thì tất cả các vị đứng đầu các Cơ quan Trung ương Tòa Thánh, đều ngưng chức và Tổng thư ký sẽ điều khiển cơ quan này, ngoại trừ trường hợp Đức Hồng y Chánh tòa Ân giải Tối cao, vì vị này có quyền giải vạ cho các Hồng y và những người khác trong trường hợp cần thiết.

HỌC HỎI CÁC VĂN KIỆN CỦA

CÔNG ĐỒNG  VATICANÔ II

Bài 4

10. Hỏi: Công Đồng Địa Phương là gì?

Thưa: Công Đồng Địa Phương là hội nghị quy tụ các giám mục trong một giáo tỉnh hay miền /được sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng/ để bàn bạc và giải quyết những vấn đề liên quan đến địa phương đó.

11. Hỏi: Những chỉ thị của Công Đồng Địa Phương chỉ có giá trị khi nào?

Thưa: Những chỉ thị của Công Đồng Địa Phương chỉ có giá trị khi được Đức Giáo Hoàng phê chuẩn.

12. Hỏi: Công Đồng Va-ti-ca-nô 2 là sáng kiến của ai?

Thưa: Công Đồng Va-ti-ca-nô 2 là sáng kiến của Đức Giáo Hoàng

Gio-an 23.

THÔNG BÁO

1.                       Vào 17h45 chiều thứ Sáu, ngày 02/05/2025 - Lễ kính thánh Giuse Nguyễn Văn Lựu là bổn mạng của Giáo họ Giuse Lựu. Xin cộng đoàn tham dự Thánh lễ để thêm lời cầu nguyện cho Giáo họ.

2.                       Vào sáng thứ Bảy, ngày 03/05/2025 sẽ có rửa tội cho trẻ sơ sinh. Xin quý cha mẹ có con rửa tội, đến xin giấy giới thiệu nơi Ban Điều Hành Giáo họ, và nộp sổ gia đình về văn phòng Giáo xứ trong tuần này.

3.                       Ngày 03/05/2025, kính mời quý cộng đoàn tham gia nghi thức dâng hoa kính Đức Mẹ, sau Thánh lễ buổi chiều. Đây là dịp để chúng ta cùng nhau tạ ơn Mẹ và xin Mẹ ban nhiều ơn lành.

4.                       Ủng hộ Giáo xứ

-          Một ân nhân (Simon Hòa) -     1.000.000 đ

-          Chị Tuyết và người thân          200 USD (Đô-la Mỹ)