LỜI CHÚA: Mt 22, 1-10
Khi ấy, Chúa Giêsu lại
phán cùng các đầu mục tư tế và kỳ lão trong dân những dụ ngôn này rằng: “Nước
trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử. Vua sai đầy tớ đi gọi những
người đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến. Vua lại sai các đầy tớ
khác mà rằng: “Hãy nói cùng những người đã được mời rằng: Này ta đã dọn tiệc
sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng: xin mời các ông
đến dự tiệc cưới”. Những người ấy đã không đếm xỉa gì và bỏ đi: người thì đi
thăm trại, người thì đi buôn bán; những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục
mạ và giết đi. Khi vua nghe biết, liền nổi cơn thịnh nộ, sai binh lính đi tru
diệt bọn sát nhân đó, và thiêu huỷ thành phố của chúng. Bấy giờ vua nói với các
đầy tớ rằng: “Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng, nhưng những kẻ đã được mời không đáng
dự. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc
cưới”. Các đầy tớ liền đi ra đường, gặp ai bất luận tốt xấu, đều quy tụ lại và
phòng cưới chật ních khách dự tiệc. Ðoạn vua đi vào quan sát những
người dự tiệc, và thấy ở đó một người không mặc y phục lễ cưới. Vua liền nói
với người ấy rằng: “Này bạn, sao bạn vào đây mà lại không mặc y phục lễ cưới?”
Người ấy lặng thinh. Bấy giờ vua truyền cho các đầy tớ rằng: “Trói tay chân nó
lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng! Vì những kẻ
được gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít”.
SUY NIỆM
Cuộc đời con người rồi
sẽ kết thúc ra sao? Đâu là tương lai hậu vận của con người? Những người làm
việc lành và những kẻ ác nhân liệu sẽ có một kết thúc giống nhau? Đó là những
vấn nạn được đặt ra ở mọi thời đại, mọi nền văn hoá và mọi tầng lớp của xã hội.
Để trả lời, Kinh Thánh khẳng định với chúng ta: tương lai con người sẽ giống
như một tiệc cưới. Ai cũng được mời, nhưng không phải ai cũng được hưởng hạnh
phúc trọn vẹn trong ngày vui đó.
Câu chuyện Đức Giêsu kể
hôm nay như một hồi chuông cảnh tỉnh không chỉ cho những người trong giới lãnh
đạo Do Thái mà còn cho cả mỗi người chúng ta. Thiên Chúa chính là vị vua trong
câu chuyện, Người luôn hết lòng kiên nhẫn để kêu mời chúng ta vào dự “tiệc cưới
Con Chiên”, là hạnh phúc Nước Trời. Trong câu chuyện trên, những kẻ được mời đã
không lấy làm vinh dự khi được nhà vua mời nhưng đã tỏ ra hờ hững, “không thèm
đếm xỉa” hay quan tâm đến lời mời đó. Tại sao vậy? Phải chăng họ chẳng xem vua
ra gì? Hay vì họ quá bận rộn đến việc mình, và cũng chẳng sợ mất lòng vua? Cũng
như các quan khách trong câu chuyện, chúng ta thường có vô vàn lý do để biện
minh cho hành động của mình: bận đi thăm nông trại, đi buôn bán… (x.Mt 22,5).
Phải chăng vì chúng ta quá “bận rộn” mà quên lời mời gọi của Thiên Chúa? Khi
con người bận tâm với những sự chóng qua ở đời này, “cơm áo gạo tiền”, chúng ta
sẽ chẳng còn thì giờ để nhớ đến lời mời của Thiên Chúa. Chẳng hạn, Chúa mời ta
gặp gỡ Ngài cách đặc biệt vào các ngày lễ Chúa Nhật nhưng ta không thể đến vì
còn bận đi shopping, đi nghỉ dưỡng, đi bán hàng… Lời mời gọi của Thiên
Chúa là một lời mời gọi cao trọng. Có bao giờ ta có thể nghĩ được rằng Thiên
Chúa Tối Cao lại cất công mời ta, để tâm đến ta?
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã đoái nhìn, yêu thương và mời gọi chúng con vào “dự tiện cưới Con Chiên”. Xin Chúa thương xót chúng con và giúp chúng con đừng quá bận tâm đến những sự chóng qua ở đời này, “no” hay “đói” nhưng là hạnh phúc đời đời là được dự tiệc cưới của Con Chúa. Xin cũng giúp chúng con ngay ở đời này biết chuẩn bị cho mình y phục lễ cưới cho xứng hợp với lời mời gọi cao quý mà Chúa dành cho chúng con. Amen.
BẢN TIN
1. Ý cầu nguyện tháng 10 của Đức Thánh Cha: ‘Cầu
nguyện cho Thượng Hội đồng’
Đức Thánh Cha Phanxicô công bố ý cầu nguyện trong tháng 10 và mời gọi mọi người hãy lắng nghe và đối thoại thông qua Thượng hội đồng. “Chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo hội để Giáo hội biết lắng nghe và đối thoại như một phong cách sống ở mọi cấp độ, mở lòng cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn đi tới các vùng ngoại vi của thế giới”. Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời mời gọi đó vào thứ Sáu khi ngài đưa ra ý cầu nguyện của mình cho tháng 10 năm 2023: “Cầu nguyện cho Thượng Hội đồng. “Qua lời cầu nguyện và sự phân định, Chúa Thánh Thần giúp chúng ta thực hiện “việc tông đồ bằng tai”, nghĩa là lắng nghe bằng đôi tai của Chúa để nói lời Chúa,” ngài nói và lưu ý rằng, “Như vậy, chúng ta nên giống trái tim của Chúa Kitô. Sứ mệnh của chúng ta và tiếng nói thu hút chúng ta đến với Ngài đều bắt nguồn từ Ngài.” Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận rằng “Tiếng nói này mạc khải cho chúng ta thấy rằng trọng tâm của sứ mạng là đến với mọi người, tìm kiếm mọi người, chào đón mọi người, lôi kéo mọi người, không loại trừ ai” và mời gọi mọi tín hữu cầu nguyện cho Giáo hội trong suốt thời gian Thượng Hội Đồng “để Giáo Hội có thể chấp nhận việc lắng nghe và đối thoại như một phong cách sống ở mọi cấp độ, để mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn đi tới các vùng ngoại vi của thế giới”.
2. Cả
Thượng Hội đồng cầu nguyện cho hòa bình ở Trung Đông trong khi cuộc chiến sôi
xục giữa Israel-Hamas
Thượng Hội đồng đã dành buổi cầu nguyện sáng thứ Năm để cầu nguyện cho hòa bình, đặc biệt ở Thánh địa, Thượng phụ của Giáo Hội Công Giáo Chaldean ở Baghdad chủ sự buổi cầu nguyện cho tất cả những người phải chịu đựng bạo lực và sống trong sợ hãi. Phiên họp thường kỳ lần thứ 16 của Thượng Hội đồng đã dành giờ cầu nguyện sáng thứ Năm (12/10/2023) để nguyện xin Thiên Chúa ban hòa bình cho thế giới. Lời cầu nguyện khai mạc cho ngày làm việc được hướng dẫn bởi Đức Hồng Y người Iraq Louis Raphaël Sako, Thượng phụ Giáo Hội Công Giáo Chaldean, để cầu nguyện cho tất cả những người đau khổ vì chiến tranh trên khắp thế giới và đang sống trong sợ hãi. Đức Hồng Y Sako nói: “Sáng nay tôi muốn mời các bạn cầu nguyện cho hòa bình trên thế giới, đặc biệt ở Thánh Địa, cũng như ở Ukraine, và tình trạng bạo lực ở Iraq, Iran và Lebanon”. Ngài nói: “Mọi người đang mong chờ với hy vọng được sống trong phẩm giá và tình huynh đệ, chứ không phải trong sợ hãi và lo lắng”. 'Hãy làm cho nhân loại thành một gia đình không có bạo lực'. Thượng Hội Đồng đã dâng những lời cầu nguyện, trong đó có Thánh vịnh 129, "Từ vực sâu, con kêu cầu Chúa, lạy Chúa; xin hãy nghe tiếng con." Trong buổi cầu nguyện, Đức Hồng Y Sako đã nguyện xin: “Lạy Chúa, Đấng hằng săn xóc hết mọi người, xin cho nhân loại có cùng một nguồn gốc do Chúa dựng nên, biết hợp thành một gia đình, không có bạo lực, không có chiến tranh phi lý, nhưng sống trong tình huynh đệ, hiệp nhất trong hòa bình”. Chúng con cầu xin nhờ Chúa Giêsu Kitô, Con Chúa, Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.”
THÔNG
BÁO
1/ Trong tuần này Ban Điều Hành Giáo xứ sẽ tiếp tục gởi
đến từng gia đình trong Giáo xứ bì thư truyền giáo. Nhờ quý Ban Điều Hành Giáo
Họ chuyển dùm. Xin các gia đình rộng tay giúp đỡ cho việc truyền giáo của Giáo
phận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét