PHÚC ÂM: Mt 10, 37-42
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các tông đồ
rằng: “Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy, và kẻ nào
yêu mến con trai, con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào cố tìm
mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ
tìm lại được nó.
“Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp
Thầy; và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy. Kẻ nào đón tiếp
một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri;
và kẻ nào đón tiếp người công chính với danh nghĩa người công chính, thì sẽ
lãnh phần thưởng của người công chính. Kẻ nào cho một trong những người bé mọn
này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật,
Thầy nói với các con, người ấy không mất phần thưởng đâu”.
SUY NIỆM
Tin Mừng hôm nay, thánh Matthêu cho biết điều
kiện để làm môn đệ Ðức Giêsu là phải sẵn sàng từ bỏ mọi sự, ngay cả những tình
cảm thân thiết nhất như cha mẹ, anh em, bạn bè. Thật ra, Ðức Giêsu không bắt
chúng ta phải khước từ cha mẹ, anh em, bạn bè đâu. Ðiều Chúa muốn đó là chúng
ta phải đặt tình yêu Chúa lên trên hết mọi tương quan, ngay cả trên chính mạng
sống mình. Ðiều kiện Ðức Giêsu đưa ra buộc chúng ta phải có thái độ dứt khoát,
đòi hỏi ta phải chấp nhận hy sinh, mất mát ở đời này. Ðó chính là con đường khổ
giá Ðức Giêsu đi trước và muốn chúng ta đi theo. Chính Ðức Giêsu đã từ bỏ vinh
quang của Thiên Chúa, trở thành người và sống như con người.
Ước gì mỗi chúng ta biết noi gương Thầy
Chí Thánh trong sự từ bỏ, đón nhận đau khổ trong niềm tin yêu, để xứng đáng
lãnh nhận phần thưởng đời đời. Xin Chúa ban thêm niềm tin, nghị lực và tình mến
cho chúng con. Xin cho chúng con sẵn sàng quảng đại đáp lại lời mời gọi của
Chúa và đón nhận thánh giá trong cuộc đời như là một niềm vui, một ân huệ cứu
độ. Amen.
BẢN
TIN
1. Giáo hội
Công giáo Campuchia tôn kính các vị tử đạo bị Khmer Đỏ sát hại
Hơn 3.000 người Công giáo, gồm giám mục, linh mục và giáo dân ở
Campuchia đã tham dự Thánh lễ và sự kiện tưởng nhớ các giáo sĩ, tu sĩ và giáo
dân bị sát hại dưới chế độ Pol Pot từ năm 1970 đến 1977.
Dưới chế độ Pol Pot, các tôn giáo không được thực hành đạo. Từ năm
1975 đến năm 1979, chế độ này đã sát hại khoảng hai triệu người Campuchia, vì
cho rằng họ là những người phản cách mạng.
Đối với Công giáo, Khmer Đỏ đã sát hại nhiều giáo dân, giáo lý
viên và các nhà truyền giáo là thành viên của Hội Thừa sai Paris của Campuchia,
và những vị đến từ Việt Nam và Pháp.
Vào năm 2015, Giáo hội Campuchia đã mở giai đoạn cấp giáo phận
tiến trình phong chân phước cho Đức cha Joseph Chmar Salas và 34 vị tử đạo khác
đã bị giết trong thời Khmer Đỏ. Đức cha Salas và các vị tử đạo khác đã bị giết
trong khoảng thời gian từ 1970-1977 trong cuộc bách hại Công giáo của chế độ
này.
Cha Paul Roeung Chatsirey, cáo thỉnh viên án phong chân phước và
giám đốc Hội Thừa sai Paris (MEP) tại Lào và Campuchia, cho biết nhờ sự cộng
tác của một số người Giáo hội đang chuẩn bị thủ tục, thu thập lời chứng, bằng
chứng và biên soạn các tài liệu để trình lên Tòa Thánh.
Trong Thánh lễ được cử hành tại huyện Tang Kork, tỉnh Kampong
Thom, cách thủ đô Phnom Penh khoảng 100 km, vào ngày 17/6 vừa qua, các vị mục
tử gọi những người bị sát hại là “những người cha” của cộng đoàn Công giáo ngày
nay ở Campuchia.
Đức cha Olivier Schmitthaeusler, Giám quản Tông tòa của Phnom Penh
nói: “Chứng tá của các vị tử đạo hướng dẫn chúng ta trên con đường”. Ngài cho
biết tình hình đã được cải thiện rất nhiều kể từ khi chấm dứt các hành động tàn
bạo của Khmer Đỏ. Đức cha nói: “Hoàn cảnh ngày nay rất khác, Giáo hội được tái
sinh với khoảng 23.000 tín hữu và một số cộng đoàn rất trẻ, hầu hết được thành
lập bởi những người mới đón nhận đức tin Kitô giáo. Chúa đồng hành với chúng
tôi, và chúng tôi luôn nhìn về tương lai đầy hy vọng”.
Trong dịp này, một số cổ vật từ thời Đức cha Salas được các tín
hữu cất giữ cũng được trưng bày. Trong số đó có Thánh giá đeo trước ngực và một
số đồ dùng của Đức cha. Thánh giá này được trao cho Đức cha Salas vào
ngày 14/4/1975, chỉ ba ngày trước khi Pol Pot bắt đầu tiến hành cuộc khủng
bố Khmer Đỏ ở Campuchia.
Ngọc Yến – Vatican News
2.
Công nhận các nhân đức anh hùng của
chị Lucia
Hôm 22 tháng Sáu
vừa qua, với sự chấp thuận của Đức Thánh cha Phanxicô, Bộ Phong thánh đã công
bố sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của chị Lucia dos Santos, người lớn
nhất trong số ba mục đồng đã được Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, năm 1917.
Với sắc lệnh này, từ nay chị Lucia được
gọi là “Đấng Đáng kính” và cần có một phép lạ được công nhận để có thể được
phong chân phước.
Chị Lucia dos Santos sinh ngày 28 tháng
Ba năm 1907, cùng với hai em họ Francesco và Giacinta Marto, đã được Đức Mẹ hiện
ra lần đầu tiên ngày 13 tháng Năm năm 1917, tại Cova da Iria, Fatima, Bồ Đào
Nha. Hai người em họ này qua đời vì dịch sốt Tây Ban Nha và được Đức Thánh cha
Phanxicô tôn phong hiển thánh hồi năm 2017.
Chị Lucia là người duy nhất còn sống sót
và cẩn giữ sứ điệp của Đức Mẹ. Do sự thúc đẩy của Đức cha José Alves Correia da
Silvia, chị đã ghi lại trong bốn văn kiện, từ năm 1935 đến 1941. Một tài liệu
khác, được viết ra năm 1944, có chứa đựng “bí mật thứ ba” và được gửi về Roma
và được mở ra lần đầu tiên năm 1960, nhưng không được thánh Giáo hoàng Gioan
XXIII và Phaolô VI công bố.
Thánh Gioan Phaolô II, người có lòng
sùng kính đặc biệt đối với Đức Mẹ Fatima, đã công bố bí mật này hồi năm thánh
2000. Chị Lucia về sau đã vào Dòng kín Cát Minh ở Coimbra và qua đời tại đây,
ngày 13 tháng Hai năm 2005, thọ 98 tuổi. Ngày 13 tháng Năm năm 1967, chị đã đến
Fatima để gặp Đức Giáo hoàng Phaolô VI, và cũng vậy, vào ngày 13 tháng Năm năm
1982 để gặp Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, khi các ngài đến viếng thăm Fatima.
Sau khi chị Lucia qua đời, cả Đức Giáo
hoàng Biển Đức XVI cũng đã đến Fatima năm 2010, và Đức Giáo hoàng Phanxicô đến
đây năm 2017. Đức Thánh cha Phanxicô sẽ trở lại đây vào ngày 05 tháng Tám năm
nay, trong dịp đến Bồ Đào Nha, nhân Ngày Quốc tế Giới trẻ ở Lisboa Bồ Đào Nha.
Cùng ngày 22 tháng Sáu vừa qua, Bộ Phong
thánh đã công bố sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo của 20 vị tôi tớ Chúa, bị sát
hại tại thành Sevilla năm 1936, trong cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha. Trong số
các vị, có cha Manuel González-Serna Rodríguez, sinh năm 1880 và làm cha sở tại
làng Constantina gần đó, năm 1911. Cha bị dân quân cộng hòa bắt trong đêm 19
tháng Bảy năm 1936 và hành quyết tại nhà mặc áo của thánh đường, bốn ngày sau
đó. Các vị còn lại gồm chín linh mục, và mười chủng sinh, giáo dân nam nữ, là
những người bị dân quân cộng hòa bắt và sát hại vào khoảng đầu cuộc nội chiến.
Ngoài các sắc lệnh trên đây, có năm sắc
lệnh khác nhìn nhận các nhân đức anh hùng của năm vị tôi tớ Chúa người Brazil,
Ý, Cuba.
(Vatican News
22-6-2023)
THÔNG
BÁO
1/ Giáo xứ xin tri ân các ân nhân đã ủng hộ giáo xứ: ghe
Mỹ - Quang, năm triệu đồng. Xin Chúa chúc lành cho quý ân nhân và quý vị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét